Hồi đi kháng chiến đánh Tây năm 1947, vì lý do dạ dầy tôi đã gia nhập đoàn văn nghệ do Thầy tôi làm trưởng đoàn. Sau một thời gian hoạt động ở Liên khu Việt Bắc, đoàn tự động giải tán vì kinh tế suy thoái. Lúc đó Nhà Nước nghèo không chịu phát lương, còn nhân dân đói khổ thiếu gạo, đâu còn cưu mang nổi cái đám nghệ sỹ bụi đời như tụi tôi, ăn thì nhiều mà hổng chịu sản xuất.
Sau khi ngậm ngùi chia tay, Thầy trưởng đoàn kiếm được job thơm: Nhà Nước ưu ái cho phụ trách lớp Văn hoá Bổ túc, dành cho các cán bộ tuy cao cấp về lon lá nhưng kiến thức lại thấp lè tè, từ trong rừng bò ra để thụ giáo. Tôi và 2 anh bạn đang bơ bơ, trơ trọi không chỗ bám víu thì may quá lại thi đậu vào trường huấn luyện Y Tá Liên khu ở tỉnh Bắc giang. Thế là cái dạ dầy từ đây đã tương đối ổn định, học viên được phát lương hàng tháng và chúng tôi bắt đầu một cuộc sống mới có ngăn nắp, kỷ luật đàng hoàng.

Trường học chiếm nguyên một cái đình làng: một nửa dùng làm lớp học để Bác sỹ giảng dậy còn nửa kia sử dụng làm phòng khám bệnh và phát thuốc cho dân. Tổng số học viên, kể cả nhân viên khoảng 60 người, dưới sự điều khiển của một Bác sỹ Giám đốc, một Y Tá trưởng và một nữ Hộ sinh quốc gia duyên dáng. Trong đám học viên, cả trường chỉ có năm thiếu nữ đương độ, tuổi đời sấp sỉ U20, ngoại hình tương đối khá, dễ coi. Úi dà, phàm là con gái, ở tuổi yêu đời đó ai mà chả dễ thương, phải không Quý Ông?

Năm 1949, tôi vừa đủ 18 cái xuân sanh, có duyên được nhà trường phong cho chức Quản ca nhờ có chút tài mọn là đàn hát vớ vẩn, giúp nhà trường lập được một ban văn nghệ bỏ túi. Sau giờ học, nhất là những ngày cuối tuần, tôi thường tụ họp, dĩ nhiên là với các em gái, rủ nhau ra cây đa đầu làng để ăn quà vui chơi, đàn hát cho quên đi nỗi sầu nhớ nhà, xa quê. Riêng tôi thì chỉ buồn thôi vì nhà đâu mà nhớ. Gia đình tôi lúc đó đã tan nát, thê thảm. Mẹ, chị, em trai, tất cả đều bị chết tức tưởi vì chiến tranh, còn Bố không may bị Tây bắt về Hà nội trong một trận càn quét ở tỉnh Sơn Tây.
Trong thời gian học nghề, tôi có cảm tình vu vơ với một em gái trong đám năm người đẹp của nhà trường. Tôi không dám lạm dụng từ "Yêu" vì tôi nghĩ nó phải ghê gớm lắm, chả lẽ Yêu chỉ vỏn vẹn có đãi nhau ăn quà, ca hát vài câu rồi con mắt có đuôi thôi à ! Tôi thật may mắn, chỗ ở trọ sát vách với nhà em gái, nên qua lại trao đổi tâm tình thoải mái nhờ cái cửa nhỏ thông qua 2 nhà. Tình yêu của chúng tôi trong sáng, ngây thơ và cao đẹp y như một số nhân vật trong tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn. Tôi có thể tạm dùng cụm từ "tình e ấp" của nhạc sỹ PD đễ diễn tả tình cảm của hai đứa tôi lúc bấy giờ. Chúng tôi đã yêu nhau trong thầm lặng, với trái tim dại khờ và không hề để lộ ra bên ngoài bằng những cử chỉ phàm tục như mọi tha nhân. Ngay cả lúc nhìn Nàng say đắm tôi cũng không dám để N bắt gặp, chỉ tìm cách nhìn trộm, ôm ấp những cảm xúc bâng khuâng mang về, đêm nằm mơ màng tưởng tượng, tiếc nuối.

Ờ mà lạ quá, sao tôi lại có thể khờ khạo quá vậy ? Thanh niên 18 tuổi, tràn đầy sức sống, trước chiến tranh thỉnh thoảng cũng được đi coi cinema vung vít với người lớn rồi. Cả quỷnh ra cũng phải biết kề vai, cọ má...v...v... chút đỉnh chứ. Sao ngồi bên nhau tâm sự dài dài, ngày này tháng nọ mà kết quả lại khiêm tốn chỉ biết có...nắm tay suông thôi ! Sau này tìm hiểu sâu sa hoá ra là tại tôi nhát và ...dại. Hai cái món này, quý độc giả có thể tìm thấy nó bàng bạc trong những bài viết của Thầy Đ trên diễn đàn LVD và cho đến bây giờ Thầy đã ngoài 80 cái xuân sanh mà phong cách cũng không hề thay đổi. Tôi nghĩ một cách dản dị, có lẽ đó là món quà của Thượng đế ban riêng cho nên tôi không thể...từ chối, đành khi qua đời mang theo về cõi vĩnh hằng cho tiện việc...ss. Nàng và tôi hình như dị ứng với từ Yêu, dù là trong đêm tối hay giữa thanh thiên bạch nhật, chưa bao giờ hai đứa, mặt đối mặt mà dám thốt ra từ "Yêu" cả. Lúc yêu quá thì mặt mũi cứ thộn ra, ngơ ngẩn như Mán nghe kèn Tầu và nhìn vớ vẩn ra chỗ khác...Rồi khi đã hết hồi hộp thì bèn quay lại nhìn nhau thân ái nhưng hơi ngượng ngập như vừa lỡ phạm một tội lỗi gì đó. Ối dào, bây giờ nghĩ lại, Yêu mà như thế thì chán...thấy mồ, phải không quý vị sồn sồn.
Sau 6 tháng học tập tuy vất vả nhưng ấm cái bụng thì lớp huấn luyện tưng bừng bế mạc. Các học viên như những cánh chim, bay đi bốn phương trời để phục vụ cho cuộc trường kỳ kháng chiến mà lúc đó chưa ai biết bao giờ mới được kết thúc.
Ôi, cảnh biệt ly sao mà buồn vậy ! Nàng và tôi mắt đẫm lệ, tay trong tay nói lời từ biệt, ân cần dặn dò sẽ liên lạc bằng thư từ để theo dõi sinh hoạt của nhau, nhưng sau đó để...làm gì thì đều bỏ lửng vì chưa ai có khả năng đề bàn đến chuyện xa vời đó cả.

Nàng là con một Bác sỹ, Trưởng Ty Y Tế Bắc giang, vốn là Y Tá thực thụ, đi học chỉ để trau dồi thêm kiến thức và có cái danh hiệu Y Tá Liên khu cho oai thôi, nên sau khi tan hàng Nàng lại về Bắc giang làm việc với Bố cho khoẻ. Còn tôi, tứ cố vô thân, đâu cũng là nhà, cứ để cuộc đời nó trôi như hoa lộc bình, đến đâu hay đến đó. Có điều an ủi duy nhất là đã có nghề Y Tá trong tay nên không còn phải lo đói, vì làm việc ở đâu thì cũng có lương của Nhà nước.
Cuộc đời của tôi sau đó diễn tiến ra sao tôi đã thành thật khai báo với cả làng trong các bài Hồi ký rồi. Tôi để dành phần chót của bài này cho đoạn kết của cuộc tình thứ nhất vừa hơi tếu lại vừa bi thảm.
Chỗ phục vụ chót của tôi trước khi Dinh Tê là Ty Y Tế Thái nguyên cách Hà nội 75 km về phía Nam.

Nàng lúc đó đã lập gia đình, phu quân là một Quân y sỹ, cả hai vợ chồng cùng làm việc tại một bệnh viện thuộc tỉnh Bắc kạn, cách Thái nguyên khoảng 75km về phía Bắc. Tôi được tin Nàng lấy chồng do một người bạn, cùng phục vụ một chỗ với Nàng, gửi thư cho biết. Thoạt đầu nghe tin, tôi cũng hơi buồn, nhưng sau một thời gian ngắn, cõi lòng xao xuyến của tôi đã mau chóng trở lại bình thường. Một phần vì tình yêu của chúng tôi mới ở giai đoạn đầu, chưa sâu đậm, chỉ đến chỗ nắm tay nhau là đã ngưng nên không để lại một dấu ấn quan trọng nào nơi trái tim trinh trắng cả. Phần nữa trong chiến tranh, xa mặt cách lòng là chuyện thường tình, đời là thế, và thời gian sẽ là liều thuốc quên vô cùng hữu hiệu. Cùng lúc đó, lại được thêm một tin xấu do người làng nhắn: Bố doạ sẽ ngưng viện trợ nếu cứ tiếp tục theo Bác, còn dinh tê về Hà nội, Bố sẽ nuôi cho đi học lại. Trời ơi, con người nhỏ bé của tôi được tặng một lúc 2 guốc có đinh thì chịu sao thấu nên đành khăn gói Dinh Tê vào Thủ đô yêu dấu cho khoẻ. Thế là cuộc đời của tôi từ lúc đó lại diễn ra y như trong các bài Hồi ký mà quý vị đã có dịp thưởng thức rồi.
Thăm Quê hương lần thứ 1- Hà nội 1999 Đã viết trong Hồi ký
Thăm Quê hương lần thứ 2- Hà nội 2001 Đã viết trong Hồi ký
Thăm Quê hương lần thứ Ba- Hà nội 201...
Cảm thấy sức khoẻ mỗi ngày một sa sút, không biết sẽ bất chợt ra đi lúc nào nên tôi có ý đinh về thăm quê hương một lần chót trước khi chia tay vĩnh viễn với mọi người. Đang phân vân, toan tính không biết nên khởi hành vào thời gian nào cho thuận lợi thì lại được tin sét đánh về sức khoẻ của người tình thứ nhất ở Hà nội. Theo email của một thân hữu, bạn đồng khoá ở trường Huấn luyện Y tá năm xưa, Nàng mới mắc bệnh lú lẫn Alzheimer và rất nặng. N không còn nhận được ngươi đối diện dù đã ngồi trước mặt cả tiếng đồng hồ. Bạn bè lại thăm, nhắc nhở lại những kỷ niệm trường cũ năm xưa N đều phe lờ hết, không thèm trả lời và chỉ nói chuyện vu vơ, trên giời dưới biển, chẳng liên quan gì đến thực tế cả. Chồng con cũng phải cả ngày mới nhận ra, sống như cỏ cây, chỉ biết ăn ngủ và lúc nào cũng phải có người chăm sóc bên cạnh, nghĩa là sống mà cũng như chết, thật tội nghiệp. Thế là, không còn sự lựa chọn, tôi sửa soạn cấp tốc lấy vé máy bay để về gặp N, người tình đầu và có thể cũng là lần gặp nhau cuối cùng.

Phu quân của N là Thiếu tướng Quân Y, phục vụ tại bệnh viện 108 lớn nhất Hà nội, chỉ có quan to, chức lớn trong Đảng mới được chiếu cố. Năm 2001, khi vợ chồng tôi về thăm quê hương lần thứ hai, cả hai người tình được ngồi cạnh nhau, ăn uống vui vẻ thân mật, chụp hình lưu niệm cứ như là hai chị em làm tôi xúc động muốn khóc, ước gì giá được cả...thì hạnh phúc biết bao ! Hôm đó, N đi một mình, được tài xế riêng lái xe đưa rước, có vẻ rất hãnh diện với các bạn bè tham dự. Bữa tiệc hội ngộ do vợ chồng tôi khoản đãi tại một nhà hàng bên cạnh Hồ Tây, có gần đủ mặt các kiều nữ năm xưa, chỉ thiếu một người đã qua đời vì bệnh ung thư phổi. Các bạn cũ còn lại đều sấp sỉ 80, lụ khụ, râu tóc bạc phơ, tất cả chỉ còn chờ để lần lượt tiễn đưa nhau lên chuyến xe cuối cùng của cõi đời phù du.

* Hà nội hôm nay, tiết trời sắp chuyển sang Thu, ngoài trời mưa bay lất phất. Tôi đang ngồi trước mặt N, chỉ cách nhau một bàn nhỏ, trên để cái khay với 2 ly nuớc trà còn đang bốc khói. Thiếu tướng phu quân mắc tiếp đãi bạn bè, tất cả ngồi nói chuyện như pháo ran, chung quanh một bàn tròn, cách đó không xa.
Tôi và N ngồi lặng thinh đã hơn nửa tiếng, không ai nói một câu nào. Dung nhan N chưa đến nỗi tiều tuỵ, dáng người mảnh khảnh như hồi còn con gái, vẻ mặt ngơ ngác, đôi mắt xa vắng mông lung. Tôi gợi chuyện: em có nhớ tôi không ? N ngước nhìn lên nhưng không trả lời. Tôi lại tiếp tục: anh Đường đây, em còn nhớ đình làng Hương Câu, nơi mối tình đầu của chúng ta mới chớm nở không ? N ngẩng lên, lần này nhìn tôi hơi lâu nhưng vẫn không có phản ứng gì. Tôi thất vọng nhưng vẫn kiên nhẫn: em còn nhớ hôm anh đón em từ nhà, đưa em trở về trường. Đêm đó chúng ta phải ngủ trọ bên bờ sông Máng, thật là một kỷ niệm êm đềm, làm sao chúng ta quên được! Thật là một phép lạ: Mắt N tự nhiên rướm lệ, run rẩy đưa tay ra cho tôi nắm. Tôi quá xúc động định ôm lấy tấm thân nhỏ bé của N thì chợt nhớ đến Thiếu tướng phu quân, chắc có súng ngắn bên cạnh, bèn ngừng lại và an ủi : em ơi anh sung sướng quá, em đã khỏi bệnh rồi, nhờ Ơn Trên phù hộ. Từ nay em sẽ trở lại cuộc sống bình thường, gia đình em sẽ hạnh phúc như xưa...và anh từ phương trời xa xôi lúc nào cũng nhớ đến em, nhớ đến mối tình trong sáng, thơ ngây ngày nào...

Bỗng nhiên, cả một bầu trời như sụp đổ, N thay đổi hẳn thái độ, nghiêm mặt: anh là ai, vào đây làm gì ? À có phải anh là Muối, theo đuổi tôi năm xưa ở trường Y Tá Liên khu không? Bây giờ tôi đã là bà Thiếu tướng, xin anh cẩn thẩn, coi chừng được xơi kẹo đồng của chồng tôi đấy !
Tôi nhìn N bật khóc, lấy hết sức can đảm, xích lại gần thêm, nói nhỏ vào tai N: Em ơi thế là hết thuốc chữa rồi. Ngày xưa tên anh là Đường, lúc chúng ta mới yêu nhau. Sau này vượt biên qua Mỹ, vì nghèo, xơi bột ngọt hơi nhiều nên biến thành Bột Ngọt lúc nào không hay. Bây giờ lúc cuối đời lại được em yêu đổi tên thành Muối, thật là cảm động. Anh xin hứa với em là sẽ trân quý, giữ mãi cái tên Muối trong tâm và xếp vào hành trang mang theo về cõi vĩnh hằng cho tiện việc...ss.
Bài này viết chơi cho vui. Từ đầu đến đoạn có dấu * là sự thật 100%. Còn đoạn có dấu * trở về sau là phóng tác, hoàn toàn hư cấu. Lý do là tôi còn mắc dự Đại hội "Một thời áo trắng" ở quận Cam, làm sao bay về Việt Nam thăm người tình thứ nhất được. Thôi thì lại hẹn gặp nhau ở...bên kia cho...
ĐƯỜNG