Thời Tây thuộc địa, đa số quý vị công chức và các bậc trung lưu trong tỉnh, thường có cái thú là rủ nhau đi Hát Cô Đầu để giải trí vào những ngày cuối tuần hay Lễ hội. Hát Cô Đầu, nguyên thuỷ vốn là một thú chơi lành mạnh, thanh cao, đầy tính nghệ thuật. Các thầy Thông, thầy Phán, thầy Giáo...v...v... được chị em trong xóm thân mật gọi là các quan viên, đã ưu ái đặt cho mục này vài cái tên thơ mộng khác như hát Ả Đào, hát Nhà Tơ... Thú thật, hồi đó tôi còn bé quá, độ 7,8 tuổi nên không nắm vững chi tiết về thú chơi thanh lịch kể trên và những kiến thức tôi viết ra đây là nhờ đọc tiểu thuyết của các nhà văn tiền chiến như Vũ trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyễn đình Lạp...v...v...
Thuở xa xôi đó, xóm Cô đầu nơi Hà thành hoa lệ, gồm một số nhà của cư dân, đóng đô trên phố Khâm thiên, ở rải rác dọc theo hai bên đường đi, không xa trung tâm Hà nội bao nhiêu. Mỗi bà chủ thường tuyển lựa một số thiếu nữ trẻ trung, có hương sắc, ngoại hình dễ coi và đặc biệt phải biết hát ca trù, gõ phách để phục vụ cho các quan viên, đa số trốn vợ tới để du hí.
Hát Cô Đầu được gọi là thú chơi thanh cao vì mọi người đến, lúc ban đầu, chỉ để thưởng thức giọng ca, tiếng đàn, tiếng phách, tiếng trống của các nghệ sỹ trình diễn mà thôi.

Tuy nhiên sau này đã bị tha hoá dần dần và đổ đốn ra vì những lý do sau đây. Các bà chủ muốn giữ khách ở lại để moi thêm tiền bèn bầy ra màn ăn uống, rượu chè rồi lại mời cả Ả phù dung đến giúp vui cho đủ mục. Thế rồi sau khi tan tiệc, có vị say quá ở lại qua đêm và dĩ nhiên sẽ được các em nghệ sỹ săn sóc tận tình theo lệnh bà chủ và tệ đoan này càng ngày càng phát triển cho đến khi biến dạng thành những ổ...ăn chơi thực sự.
Những giai thoại về Hát Cô Đầu được kể lại khá nhiều trong tiểu thuyết của các nhà văn tiền chiến. Có một số văn sỹ, thi sỹ đã sáng tác những bài thơ, những đoản văn tặng riêng cho các chị em tài tử để sử dụng, trong đó phải kể đến thi bá VHC, ĐH...v...v... Quý vị nào muốn thưởng thức một màn Hát Cô Đầu thật hấp dẫn, xin mời lại tệ xá coi lại cuốn phim "Mê Thảo" do tài tử Đơn Dương đóng là sẽ thoả mãn ngay.

Bây giờ xin phép được trở lại với đề tài "Thầy già, con hát trẻ". Thầy ở đây, nói lại cho rõ, là Thầy thuốc chứ không phải Thầy giáo. Còn "con hát trẻ" thì đúng là các chị em ở xóm Cô Đầu như đã đề cập ở phần mở đầu. Cụm từ " TG,CHT" có ý khuyên, là bệnh nhân thì nên đi kiếm "Thầy già" mà chữa trị vì Thầy già đã chữa bệnh cho nhiều người, kinh qua một thời gian dài nên có nhiều kinh nghiệm hơn các ông "Thầy trẻ"! Điều này đúng hay sai thì tôi không dám bàn vì sợ được xơi...guốc. Biết đâu trong đám các đệ tử hay quý phu quân lại không phải là những người trong cuộc! Eo ơi, ghê quá, thôi xin cho Thầy giáo hai chữ bình an nhá. Hơn nữa, ở đời cái gì mà chả có mặt phải, mặt trái. Thầy già hay Thầy trẻ thì cũng sêm sêm và hên xui như nhau, chỉ có kinh nghiệm của chính bản thân mình mới là chắc ăn!. Thôi thì nhân tâm tuỳ mạng mỡ cho vui vẻ cả làng.
Thế còn "con hát trẻ"? Điều này thì chắc như bắp rồi, khỏi cần phải hỏi. Cái bệnh thích "em đẹp" của phe đàn ông thì muôn đời không hề...suy suyển. Mỗi khi rủ nhau đi chơi, các quan viên đã hỏi nhau trước: thế nào, hôm nay có gì lạ không? ở đâu? là có ý...mắc gió đấy. Nói nôm na ra đi hát CĐ thì phải lựa nhà có em gái đẹp và dĩ nhiên là phải...trẻ, còn ca sỹ già thì chán thấy mồ, phải không quý vị? Hồi đó có vị mê Cô Đầu bỏ cả vợ con, sở làm...đi theo người đẹp cho đến khi hết tiền.
Cô đầu, cô đ...t, cô đuôi
Cậu tôi đi vắng, ai nuôi cô đầu.
Hát Cô Đầu thì đi đông, có bạn mới vui và tuy thanh cao nhưng vưỡn phải có đô la mới đặng. Chắc có vị thét mét, đi đông thì trả tiền ra sao, theo lối Mỹ hả? NO, theo lối Tây, thường là một người bao sân. Thế khổ chủ là ai, có được biết trước không? Theo phép lịch sự kiểu Tây thời đó thì chỉ...hiểu ngầm, bởi vậy mới có nạn "nằm va ly". Thế nà thế lào? Một hôm mấy vị rủ nhau xuống xóm, nhưng không vị nào có tiền. Cái khổ là người nọ cứ tưởng người kia có, thật ra chỉ đoán mò và vì lịch sự...nên không dám hỏi thẳng. Cái vụ quỵt tiền Cô Đầu chắc cũng đã xẩy ra nhiều lần nên bà Chủ bắt một vị ở lại chơi với cái giường, chờ quý vị khác về nhà lấy tiền nộp đủ mới thả ra, gọi là "nằm va ly". Đúng là nghề chơi cũng lắm công phu, đôi khi cũng vất vả lắm!
Kỳ Đại hội LVD sắp tới Thầy Đ cũng vất vả không kém. Số là để góp vui với ĐH, Thầy đã đăng ký một màn song ca với em K.Phương LVD 73. Tuy Thầy đã cao tuổi, khán giả chắc cũng không đòi hỏi gì ở Thầy nhiều nhưng cũng phải tập luyện một chút, chứ tệ quá làm partner K.Phương mắc cở cũng tội nghiệp cho em. Tôi đề nghị với em hai kiểu trình diễn: Thầy trò cùng hát, nhạc sỹ đệm đàn hoặc Thầy đánh đàn và cùng hát với trò. Cuối cùng sau khi cân nhắc, chúng tôi lựa cách biểu diễn thứ nhất. Lý do như sau: cái cảnh Thầy ngồi đàn, trò vừa hát vừa diễn tả, trông tôi hơi buồn và có vẻ cô đơn quá. Trong khi đó, K.Phương lại dạn dĩ, điệu bộ rất dẻo và hết sức tự nhiên. Khổ nỗi lựa cách thứ nhất, nếu em múa nhiều quá, tôi không nhúc nhích thì bị trơ thổ địa, quê một cục. Còn nếu cố múa theo em, ngộ nhỡ hết hơi xỉu trên sân khấu, phải kêu 911 thì lại bể rạp ! Nghề chơi quả cũng lắm công phu!
Đường