
Khoá huấn luyện Y Tá Liên khu ở đình làng Hương Câu tỉnh Bắc giang bế mạc vào đầu năm 1949. Trước khi được chuyển lên công tác tại Ty Y Tế Thái Nguyên, ba chúng tôi được Bác sỹ giám đốc trường cho điều hành thử một phòng phát thuốc thuộc huyện Đức Thắng để thực tập cách thức khám bệnh và phát thuốc cho dân chúng địa phương. Trong đám ba đồng nghiệp, anh Sơn lớn tuổi hơn cả và có chuyên môn giỏi nhất là trưởng phòng, kế đó anh Phan là phó, sau chót là tôi, vừa dở về kiến thức, chân tay lại vụng về nên chỉ được làm phụ tá cho hai anh thôi. Phòng phát thuốc là một căn nhà nhỏ được ngăn làm 2 phần: phần ngoài để khám bệnh và phát thuốc, phần trong khá rộng đủ chỗ cho ba người ngả lưng ban đêm và chứa những đồ lặt vặt. Phòng phát thuốc nghe thì oai nhưng thật nghèo nàn, đồ nghề chỉ có vài thứ vớ vẩn như thuốc bôi ghẻ(mercurochrome), thuốc sát trùng(teinture d'iode), thuốc sốt rét(quinacrine), thuốc bổ, làm khoẻ(huile de camphre) và một loại thuốc đặc chế chữa bá bệnh gọi là Alsta làm bằng bột sắn. Ở vùng khángchiến, thuốc rất khan hiếm, bệnh lại nhiều và đủ loại rắc rối hầm bà làng, nên Viện Bào Chế mới sáng tạo ra một loại thuốc chữa được nhiều thứ bệnh và đặc biệt chỉ làm bằng bột sắn nguyên chất, nghĩa là vô thưởng vô phạt giống như loại placebo ở bên Mỹ vậy. Vấn đề ở đây là tâm lý, dân có bệnh đến xin thuốc phải được thoả mãn, nếu không là thất chính trị đấy. Hơn nữa, theo khoa học cũng có một số bệnh không cần xài thuốc, cứ để tự nhiên một thời gian rồi sẽ khỏi do con người có khả năng tự điều chỉnh. Sự thật trong kho cũng dự trữ một số thuốc có giá trị như thuốc bổ các loại Vit C,B1,B12...nhưng tụi tôi đã chia nhau cất riêng, để dành chích cho những người khá giả lấy tiền ăn phụ thêm vì lương lậu đâu có bao nhiêu, Nhà Nước còn nghèo...vả lại Y Tá có no đủ, khoẻ mạnh mới hăng say phục vụ cho nhân dân được chứ!
Chữa bệnh. Buổi sáng, phòng phát thuốc mở cửa từ 8 giờ đến 12 giờ,chiều từ 2 giờ tới 5 giờ thì dẹp tiệm. Hàng ngày chúng tôi ăn cơm tháng ở nhà một người quen, tối ngủ tại trụ sở, đời sống một ngày như mọi ngày thật nhàm chán và... buồn ơi là buồn. Hôm đó, mới tờ mờ sáng đã có người mời chúng tôi đi khám bệnh cho một cụ già ở cách xa độ vài cây số. Sau khi chẩn bệnh cấp tốc qua sự diễn tả bằng miệng của người nhà, hai anh bèn ưu ái cử tôi đi hành nghề và căn dặn nếu bệnh nhân không còn nhúc nhích cục cựa thì cứ chích một mũi thuốc khoẻ vào ngay chỗ... tim là được rồi. Lần đầu tiên được làm Thầy Thuốc, lại đi một mình nghĩa là sẽ phải quyết định những điều có liên quan đến sinh mạng của một con người và điều này làm tôi rất hồi hộp nên vừa đi vừa... rét. Tới nơi, sau phần trà nước, gia chủ dẫn tôi vào ngay phòng bệnh nhân, lúc đó đang nằm ngáy khò khò ở trên giường. Chao ôi, nhìn bệnh nhân mà lòng tôi bối rối thẫn thờ vì biết làm gì đây hở giời? Hồi còn học trong trường huấn luyện, nghề của tôi là văn nghệ chứ đâu phải chữa bệnh. Đi thi đậu nhờ gập các giám khảo là bạn của Bố người yêu và cũng nhờ may mắn mà thôi. Giờ đây chạm mặt với thực tế thì bèn tang gia bối rối ngay, nhưng chợt nhớ đến lời dặn của các cố vấn là hễ thấy bệnh nhân không còn nhút nhít...thì cứ thế mà làm.Thế là tôi thực hành ngay nhưng còn đủ khôn ngoan để nói hờ trước với khổ chủ là bệnh này kể như hết thuốc chữa nhưng tôi cũng cố gắng cầu may và sẽ áp dụng một phương pháp khoa học tối tân nhất lúc bấy giờ là chích thuốc thẳng vào... tim, còn cứu được hay không là nhờ...Trời, và hy vọng biết đâu Phúc chủ,Lộc thầy. Đến khi tôi đâm mũi kim tiêm vào ngực bệnh nhân, thấy đương sự cứ ngay đơ ra và vẻ mặt có vẻ bất cần đời thì biết ngay là hỏng rồi nhưng cũng vờ vẫn bảo chờ một chút cho thuốc nó... ngấm.Thế rồi, kết quả là bệnh nhân vẫn tiếp tục ngáy pho pho như... chưa bao gjờ tỉnh dậy. Bệnh này gọi là Coma, nhiều cụ già bị mắc và cũng không chữa được nghĩa là cứ ngáy như thế cho đến khi đi luôn. Sau đó cả khổ chủ lẫn Thầy thuốc đều ngậm ngùi chia tay nhau, và bình thường thì gia chủ sẽ tặng một chút tiền lộ phí cho Thầy nhưng vì buồn và nghèo quá nên họ cũng...lờ luôn. Về phần tôi sau khi ra khỏi nhà chợt toát mồ hôi suy nghĩ : ngộ nhỡ đúng lúc rút kim ra mà bệnh nhân lại qua đời ngay thì thật vỡ nợ và là oan... Thị Kính. Tôi bèn hoan hỷ tự an ủi là mình đã may mắn thoát nạn nên vội vã trở về, lội bộ cả gần chục km, bụng thì đói meo nhưng không còn tơ tưởng gì đến tiền thù lao mà chủ nhà đã...cố ý quên nữa. Về đến trụ sở kể lại diễn tiến sự việc cho các cố vấn nghe, họ bèn phá ra cười và nói: biết trước bệnh đó không chữa được nhưng cứ cho tôi đi để rút kinh nghiệm và hy vọng chủ nhà thế nào cũng tặng tí tiền còm để ăn...phở,ai ngờ mới xuất trận lần đầu mà đã...vô duyên như thế!.
Chủng đậu. Hàng năm các phòng phát thuốc ở huyện đều cử người về thôn xã để chích ngừa bệnh Đậu mùa cho các trẻ em. Đến ngày đến tháng, ba anh em chúng tôi,khăn gói, thuốc men chia nhau đi công tác mỗi người một xã, thời gian khoảng một tuần lễ. Sáng hôm đó tôi lội bộ 4km đến gặp ông Trưởng thôn thuộc xã An hoà để bàn soạn về cách thức giữ trật tự trong khi đón tiếp dân chúng ở đình làng. Sau khi đánh kẻng và cắt cử người đi thông báo cho dân biết địa điểm tập trung để chủng Đậu,Thôn trưởng và tôi, đồ nghề lỉnh kỉnh dẫn nhau ra đình để làm việc. Dân làng kéo đến thưa thớt, bồng bế một lũ con nít, thò lò mũi xanh kêu khóc điếc tai vì chúng đã biết trước số phận và rất sợ những mũi kim tiêm. Đáng lẽ Y Tá phải tới trước một ngày mới đủ thời gian báo cho dân biết để chuẩn bị, đằng này đến quá bất ngờ, dân còn đang lao động ở ngoài đồng, tiếng kẻng thì không đủ đi xa nên chỉ có một số ít người biết và mang con đến kịp mà thôi. Nhưng nếu Y Tá đến từ hôm trước thì lại phiền phức. Chỗ ngủ thì dễ rồi nhưng còn ăn, ai nuôi? Dân hồi đó nghèo, phải ăn độn đâu có dư gạo để đãi cán bộ. Còn chúng tôi tuy đã có lương của Nhà Nước, nhưng trong các dịp đi công tác xa đều hy vọng sẽ được ăn cơm ké ở địa phương, nhờ vậy mới dư ra một số tiền nhỏ để bồi dưỡng thêm. Nếu phải cơm nắm muối vừng mang theo thì ôi thôi, lòng hăng hái hồ hởi tự động biến thành hào hển yếu xìu và thành quả công tác dĩ nhiên sẽ không làm cả nhân dân lẫn thượng cấp hài lòng.
Suốt buổi sáng, tôi đã đánh vật với lũ con nít, bụng đang muốn ...biểu tình vì từ lúc ra đi chỉ được dằn bụng có một gói xôi khiêm tốn, lại lội bộ đến 4km thì sức voi hay sao mà chịu nổi?. Lương tâm nhà nghề vẫn có đấy nhưng bị cạnh tranh bởi cái dạ dầy nên ngòi viết quệt vào tay các em hơi bị... mạnh, vì làm nhanh đâu có nhẹ nhàng được. Tội nghiệp mấy em dẫy dụa khóc thét lên và bố mẹ phải vất vả lắm mới giữ được tay cho Y Tá làm việc. Nhưng rồi mọi sự cũng qua đi và bây giờ chúng tôi đang thu xếp đồ nghề về nhà ông Trưởng Thôn để xơi cơm, nghỉ trưa và sẽ tiếp tục làm việc vào buổi chiều. Bữa ăn trưa đạm bạc đã được bà chủ nhà sửa soạn gọn ghẽ trên cái bàn vuông ọp ẹp chỉ có 2 cái ghế: một bát canh cà chua nước trong veo vì thiếu mỡ, nổi lều bều vài cọng hành xanh mướt, bên cạnh là một liễn cơm bé bỏng xinh xinh và tất cả chỉ...có thế. Gia chủ mời tôi cứ xơi cơm tự nhiên, ông không thể hầu tiếp được vì còn mắc chỉ huy lũ con nít ở nhà sau. Than ôi, ngày xưa lúc còn đang học ở trường Y Tá Liên khu, chỉ được cầm tay người yêu đã là...Hạnh phúc rồi, và bây giờ, thật ra chỉ cần thêm một quả trứng luộc vào bữa ăn nữa thì Hạnh phúc ngày nay chưa chắc đã thua kém ngày xưa là bao nhiêu !
Buổi chiều mọi việc cũng diễn tiến như buổi sáng nhưng nhanh hơn vì còn ít người và sau cùng thì nhiệm vụ cũng được hoàn tất suôn sẻ. Lúc đó khoảng 5 giờ chiều, thấy ông Trưởng thôn lúng túng tỏ vẻ ngần ngại không muốn... mời về nhà nữa, tôi cũng thông cảm chia tay nhau và đành trở về tổ ấm với cái bụng xẹp lép.
Bom nổ giữa phiên chợ Chợ Đức Thắng chiếm một diện tích cỡ bằng 2 siêu thị ở Mỹ và đóng đô tại cuối con đường giữa, nơi tập trung đông đảo các cư dân, sầm uất nhất huyện lỵ. Hàng tháng, có một phiên chợ chính thường họp vào ngày cuối tuần và ngày này dân chúng ở các làng chung quanh đều ùn ùn kéo về như trẩy hội mang theo đủ thứ hàng hoá: nông sản,vải vóc,rau cỏ... và đặc biệt có cả những hàng lậu tuôn ra từ Hà nội như kem đánh răng, đồng hồ, thuốc Tây, thuốc lá, rượu ngoại...các loại. Trong thời kháng chiến, để trốn máy bay địch, các chợ đều đào sẵn các hầm trú ẩn ngay bên cạnh chỗ người bán hàng để chui xuống cho lẹ. Bữa đó chúng tôi đang làm việc ở trụ sở bỗng nghe tiếng máy bay, rồi tiếng loa báo động, tiếp theo tiếng gọi nhau ơi ới hốt hoảng của dân chúng, ùn ùn chạy toán loạn, tranh nhau chui vào các hầm trú ẩn đào sẵn ở khắp mọi nơi.Thế rồi tiếng bom nổ ầm ầm làm rung chuyển cả huyện lỵ, liền đó là súng liên thanh nổ từng tràng như xé không khí, máy bay nhào lộn rú lên thật khủng khiếp. Sau gần nửa tiếng quần thảo ở trên trời, tiếng máy bay xa dần rồi mất hẳn. Chúng tôi vừa chui ra khỏi hầm trú ẩn thì được tin máy bay ném bom vào giữa phiên chợ và lúc đó là giờ đông người nhất. Vội vàng mỗi người xách 1 túi cứu thương chạy ngay ra chợ cách trụ sở chừng 3oo mét thì một cảnh kinh hoàng, rùngrợn hiện ra trước mắt :
Ở dẫy hàng thịt, chao ôi, thịt bò, thịt heo và thịt người lẫn lộn tung toé ở trên bàn, dưới đất và vắt vẻo dính cả ở trên cành cây, máu chẩy lênh láng trông thật dễ sợ. Người bị thương nằm la liệt ở trong hầm, dưới hố, què chân, cụt tay, rên la thảm thiết. Còn ở dẫy hàng vải, đa số là phụ nữ lại càng thê thảm hơn : các bà,các cô mặt mày thất sắc, người chết, kẻ bị thương, máu me đầm đìa ôm nhau than khóc vang trời. Tuy có sẵn hầm trú ẩn tại chỗ nhưng vì giữa phiên chợ lại vào giờ cao điểm nên sự thiệt hại về cả nhân mạng lẫn vật chất mới khủng khiếp đến như vậy.
Chúng tôi bắt tay ngay vào làm việc : hai cái phản bán thịt được kê liền nhau cho dễ xoay trở. Anh Sơn giỏi, băng bó một mình, còn tôi phụ giúp cho anh Phan. Phần tôi, chỗ nào dễ như vết thương ở chân tay thì tôi băng bó một mình được, còn ở những chỗ khó xơi như khuỷu tay hay... đầu gối thì tôi đẩy qua anh Phan để anh giải quyết. Người bị thương quá đông, chúng tôi làm việc từ trưa đến tối mịt mới xong, toàn thân từ đầu đến chân ai cũng dính máu tùm lum, tóc tai, người ngợm trông không giống ai cả. Những người bị thương sau khi được băng bó đều được chuyển về Ty Y Tế Bắc giang để được tiếp tục săn sóc, còn những người chết thì được các thân nhân làm lễ an táng và chôn cất tại chỗ vào những ngày sau đó.
Một thời gian sau chúng tôi nhận được giấy ban khen của thượng cấp và tất cả theo lệnh mới đều được thuyên chuyển về công tác tại Ty Y Tế tỉnh Thái Nguyên theo kế hoạch như đã dự trù từ trước.
Hồi ký
Nguyễn ngọc Đường