Viết về cuộc đời của nhạc sỹ Văn Cao tôi rất hào hứng và thích thú vì ông là một nghệ sĩ hiếm quý trong vườn hoa thơm cỏ lạ của nước ta. Tuy nhiên cuộc đời của đương sự quả là một bi kịch, viết ra đầy đủ sợ không đủ thời gian, tôi chỉ xin sơ lược trong bài này mong quý vị chấp nhận và thông cảm.
Văn Cao không những là một thiên tài mà còn đa tài nữa: thi sỹ, họa sỹ, nhạc sỹ và còn là một chiến sỹ đích thực. Bố già PD đã phải thừa nhận Văn Cao tuy vóc người thấp bé, tính tình khép kín nhưng tài hoa hơn ông nhiều. Gia tài âm nhạc của VC khá khiêm tốn, chỉ khoảng hơn hai mươi bài, trong khi PD có cả ngàn bài. Tuy nhiên, đa số các sáng tác phẩm về mọi ngành của Văn Cao đều xuất sắc và xứng đáng để đời.
Tên thật của ông là Nguyễn Văn Cao, sinh năm 1923 tại Hải Phòng và qua đời năm 1995 tại Hà nội. Bản nhạc đầu tay "Buồn Tàn Thu", sáng tác năm 16 tuổi, đã được PD đem trình diễn trong gánh hát lưu động Đức Huy, trải dài suốt từ miền Bắc tới miền Nam nước VN. Ông tham gia vào mặt trận Việt Minh ngay từ lúc bắt đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhạc phẩm của ông gồm hai loại Hùng ca và Tình ca như: Chiến sỹ VN, Trường ca Sông Lô...Tình Ca, Thuyền viễn xứ....và nổi tiếng nhất là những ca khúc Bến Xuân, Suối mơ, Thiên Thai...
Sau khi chiến tranh chấm dứt, về Hà Nội năm 54, ông tham gia vào nhóm Nhân văn Giai phẩm nên đã bị thất sủng và nhà Nước cấm không cho sáng tác trong một thời gian khá dài. Tương đối ông đỡ bị hành hạ so với các đồng nghiệp cùng thời, nhờ là tác giả bài "Tiến quân ca", quốc ca của nước VNDCCH.
Một ngày giáp Tết Binh Thìn năm 76, họa sỹ Văn Thao, con của Văn Cao, từ phương xa về thăm Bố. Vào đến cửa, ông chợt nghe tiếng dương cầm êm ái dặt dìu vọng ra từ phòng hòa nhạc của Bố. Ông hết sức ngạc nhiên vì biết rõ người nghệ sỹ cao tuổi quá mệt mỏi, đã ngừng sáng tác từ lâu rồi. Hôm nay có lẽ nhân dịp Xuân về trên quê hương thanh bình, nên nghệ sỹ có hứng sáng tác thêm một bài để mừng Xuân chăng? Ca khúc có tựa đề "Mùa Xuân Đầu Tiên" theo nhịp điệu Boston, thật giản dị, dịu dàng và ngọt ngào. Nội dung ca tụng cảnh nhân dân cả nước được sống trong không khí hòa bình, an lạc, yêu thương lẫn nhau để cùng xây dựng lại quê hương đổ nát sau chiến tranh.
Bài này lúc đầu được đăng trên báo Giải phóng Sài Gòn nhưng sau đó lại bị cấm ngay vì âm điệu uỷ mị, nhuộm mùi tiểu tư sản không đúng với lập trường giai cấp của Nhà nước. Thế thì cụ thể nó sai ở chỗ nào mà CS lại cấm phổ biến? Thật ra, bài hát quả có chứa những nhóm từ chan chứa tình người như: "từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người...v...v..." nhưng thực tế phũ phàng nó diễn tiến ra sao thì sau năm 75 cả nước đều biết, đặc biệt là đám dân tị nạn của chúng ta.
Tôi còn nhớ, năm đó còn bị giam trong trại tù Long Khánh hay thành Ông Năm? và đang giữ chức Quản ca, trưởng ban văn nghệ của trại. Vớ được ca khúc tình cảm mới sáng tác của VC, được chuyển lậu từ ngoài vào, mừng húm tôi bèn xin phép "Trên" để hướng dẫn các bạn tù trình diễn thi đua trong dịp Tết. Ban quản giáo trại bèn gạt phăng và không hề giải thích lý do. Có một điều lạ , lúc đó bản nhạc tuy bị cấm ở trong nước nhưng lại được nước Nga trân trọng dịch ra tiếng Nga, tặng ông một giải thưởng và được con gái ông lãnh hộ.
Bây giờ mời quý vị thưởng thức lại bài "Mùa Xuân Đầu Tiên" của nhạc sỹ Văn Cao, nội dung có ẩn dấu một tấm lòng nhân hậu, được sáng tác vào lúc cuối đời, có thể cũng là bài cuối cùng của một nghệ sĩ thiên tài nhưng bất hạnh.
Đường