Năm 1959, lúc mới tốt nghiệp ở trường Sư Phạm ra, tôi được thuyên chuyển về dạy tại trường trung học Khánh Hưng, thuộc tỉnh Ba Xuyên, cách Sài gòn khoảng 231km về phía Tây. Dân cư trong tỉnh hồi đó thưa thớt, gồm nhiều thành phần như Miên,Trung hoa, Minh hương, Kinh...sống chung hoà hợp, gắn bó với nhau từ nhiều đời. Đã lâu lắm, có lẽ gần 20 năm tôi mới lại có dịp được sống trong khung cảnh một tỉnh lỵ nhỏ bé, êm đềm giống như tỉnh Thái Nguyên, quê tôi năm xưa. Sinh hoạt của dân thị thành gần như tụ họp vào con đường chính ở giữa tỉnh gọi là đường Hai Bà Trưng, giới hạn ở 2 đầu bằng 2 cây cầu, cầu Quay hướng về quốc lộ đi Sài gòn, cầu còn lại dẫn sang khu hành chính, nơi tập trung những cơ quan của Nhà nước. Trường Trung học Khánh Hưng, toạ lạc tại khu vực bên cạnh đường Hai Bà Trưng, mới có đến lớp đệ Ngũ là cao nhất và thường thường các Nam Nữ đều học chung. Tôi ở trọ nhà ông Trưởng ty Bưu điện cùng với một người bạn, ăn cơm tháng ở tiệm ăn Tầu Tân Huê và đi bộ đến trường để dạy học. Cả tỉnh chỉ có trường Khánh Hưng là Trung học công lập, ngoài ra là các trường tư thục như Phụ huynh,Trần Văn, Nguyễn Du,Tabert...
Trường Khánh Hưng sau một thời gian phát triển đổi tên thành trường Trung học Hoàng Diệu. Hồi đó toàn thể nhân viên chỉ có hơn một chục người kể cả Thày giáo và duy nhất có một Cô giáo dạy Nữ công, hơn tôi vài tuổi, là Cô Lý thị Chất, và Cô cũng chính là Bà Mai của vợ chồng chúng tôi sau này. Đời sống công chức tỉnh lẻ thật buồn chán, một ngày như mọi ngày...Những hôm cuối tuần, hay ngày lễ, các công tư chức gồm luôn cả thầy giáo, thường gặp nhau để ăn uống, đánh cờ hay đánh bài giải trí. Danh lam, thắng cảnh trong tỉnh cũng chẳng có bao nhiêu, đi vài lần là cạn láng và muốn vui vẻ chỉ còn cách lên xe đò trở về Sài thành hoa lệ mà thôi. Nhưng than ôi, đường quá xa xôi, phải lội bộ qua 2 cái phà,1 ở bến Mỹ thuận và1 ở bến Cần thơ, rồi lại còn nạn kẹt xe nữa, có khi đến đêm mới tới Sài gòn và lúc đó chỉ có nước mắc mùng đi ngủ cho tiện việc sổ sách.
Học sinh trong tỉnh thường là con các công tư chức, thương gia, nông gia...đa số đều được cắp sách đến trường và phân tán vào các trường Trung học công lập hay tư thục. Ở tỉnh nhỏ và các vùng thôn quê, thời đó các em thường được bố mẹ cho đi học rất muộn, có khi 15,16 tuổi mới học lớp đệ Thất. Lúc mới về trường, đầu tiên tôi dạy Toán lớp đệ Ngũ, sau đó cứ mỗi năm Thầy trò lại kéo nhau cùng lên lớp cho đến lớp đệ Tam thì đúng lúc đó tôi được lệnh nhập ngũ, học khoá 16 trường sĩ quan Trừ bị Thủ đức. Sau này vì đường xa cách trở, tôi ít có dịp được trở về thăm ngôi trường cũ với bao kỷ niệm thân thương, từ lúc mới bước chân vào nghề dạy học cho đến khi lập gia đình .
Năm 1961 tôi đã 30 tuổi nhưng trên giấy tờ mới có 26 thôi và cho đến bây giờ, ở Mỹ, cái tuổi giả đó tôi vẫn còn giữ nguyên. Đến đây chắc quí bạn thắc mắc: năm xưa Bố khai tụt tuổi là để ăn phụ cấp của Tây, sao lúc vượt biên ở trại tị nạn không khai lại để được ăn tiền già sớm hơn, rõ thật đại...ngu. Trời ơi, nếu tôi khôn như bây giờ thì hồi ở trại tôi còn tăng thêm độ 10 tuổi nữa để qua Mỹ ăn tiền già luôn khỏi phải đi cầy cho khoẻ. Nhưng sự thể đâu có dản dị như vậy. Hồi ở trong trại tù, nghe ở bên ngoài họ đồn mấy ông cải tạo khi qua Mỹ đều được lãnh lương hồi tố, nghĩa là coi như đi làm, không mất tháng nào cả, thế thì ngu hay sao mà khai lại?. Rồi, cũng tin đồn, Mỹ nó còn ưu ái cho xe đi, nhà ở, job thơm nữa...ai hưởng? Nói tóm lại chẳng qua là tại cái số... ăn mày nên mất toi 4 năm tiền già, tiếc hùi hụi.
Những hôm cuối tuần, ngoài trời mưa gió dầm dề, không đi đâu được, nằm một mình thui thủi như con chó con, buồn mà không biết tâm sự cùng ai, tôi chợt nẩy ra một ý kiến tuyệt vời là: Tại sao không lấy vợ nhỉ?. Thanh niên 30 tuổi, tràn đầy nhựa sống, có nghề nghiệp vững chắc, Thầy giáo Tỉnh lẻ cũng oai lắm, chẳng nhẽ lại ế vợ? Phần nữa, cũng quan trọng không kém là nếu không lập gia đình, ngộ nhỡ lăn đùng ra chết bất ngờ thì lấy ai nối dõi tông đường? Vì những lý do chắc nịch như trên nên tôi bèn âm thầm đặt kế hoạch, tính toán cẩn thận sao cho đạt mục đich tối hậu: Lấy Vợ.
Nói thật với quí bạn, cho đến lúc đó tôi vưỡn là vô sản chân chính dù đã được sống ở vùng tự do đến tận...10 năm rồi. Sau khi Bố qua đời, tài sản nếu có,chắc cũng chẳng bao nhiêu, và tiền hưu trí của ông, dĩ nhiên đã được Dì và các em cẩn thận giữ hộ nên tôi khoẻ re, đi đâu cũng chỉ có một va li nhẹ nhõm, không hề vướng víu bụi trần. Đúng ra hành trang của tôi lúc đó cũng khá hơn hồi còn ở trong rừng Việt bắc vì có thêm được vài bộ, nhưng tiền bạc thì lúc nào cũng chỉ đủ để tiêu vặt mà thôi. Lúc còn học ở trường CĐSP có học bổng đủ xài, khi đi dậy học có lương tháng hơi dư, và tôi đã gửi hết vào quỹ tiết kiệm để dành, phòng hờ cho việc cưới vợ sau này. Bỗng một hôm vào ngày thứ Bẩy, tôi lên cơn sốt rét rất nặng, có thể là loại cấp tính, do hậu quả của những năm đi kháng chiến ở trong rừng. Nằm rên hừ hừ ở trên giường, chung quanh không có ai, ông bạn cùng phòng đã về Sài gòn từ sớm để thăm gia đình, nghĩa là thế giới lúc đó chỉ có một mình ta với cái giường đang rung chuyển...,ôi...cô đơn dễ sợ. Cũng may gia đình ông chủ nhà, tức là ông Trưởng ty Bưu điện, có nuôi một em nhỏ để sai vặt nên tôi cũng nhờ cậy được chút đỉnh như nấu cháo, pha trà...Tuy nhiên, kể từ giờ phút đó, ý chí Lấy Vợ của tôi lại càng nung nấu dữ dội và quyết tâm thực hiện cho bằng được.
Sau khi đã suy nghĩ thật kỹ và rút được những kinh nghiệm đau thương trong các cuộc tình đã qua, tôi bèn hoạch định các bước tiến như sau:
1- Tìm Vợ 2- Nhờ người mai mối 3- Cưới cấp tốc 4- Rút lẹ
1- Tìm vợ Ở tỉnh nhỏ, các cô gái có nhan sắc ưa nhìn, đa số đều là nữ sinh trong các trường Trung học cả. Vậy thì còn tìm đâu nữa đây? Vả lại, đi đâu loanh quanh cho... đời mỏi mệt. Tính tôi vốn nhát lại lười, không bao giờ chủ động trong vấn đề tình cảm cả. Khi giao du thân mật mí nhau, về đường dài các nàng dễ bị thất vọng và thường rút lui trước vì hay bị chờ quá lâu. Bản chất thì không thay đổi được, nên tôi đành dùng chiến thuật Liều, nghĩa là âm thầm tìm người đẹp mà tôi ưng ý trong một thời gian nào đó rồi nhờ người mai mối đến thẳng gia đình để thăm dò ý kiến mà không qua giai đoạn hẹn hò vớ vẩn. Trường hợp sau, rất dễ bị mang tiếng lại có thể nguy hiểm nếu xui xẻo, bị bắt quả tang trong một phút sơ hở nào đó. Trong lịch sử ái tình, tôi thường đóng vai dại khờ, chỉ có lần này là tôi có quyết định tương đối khôn ngoan một chút. Các cụ nói " Trai khôn chọn vợ chợ đông " mà. Một vấn đề nữa được đặt ra: có cần phải né trường mình đang dạy không? Cũng không cần thiết, vì tại sao cây nhà lá vườn không... yêu trước cho tiện nhỉ? Tiếp xúc với nhau nhiều, nhìn nhau cả ngày, dĩ nhiên cảm thông với nhau dễ dàng hơn chứ! Thôi... xin quí vị đừng khó khăn lẩm cẩm nữa, cho tôi được... thoải mái một tí nhé.
Năm đầu tiên được chuyển về, tôi may mắn được dạy ngay lớp đệ Ngũ toàn là các nữ sinh không hà, chắc cũng lại do... duyên số! Tuy mới đệ Ngũ nhưng các em đã có dáng dấp của một thiếu nữ trưởng thành. Vì sống ở tỉnh nhỏ nên gia đình cho đi học rất trễ, có em lúc đó xuân sanh đã mấp mé 17,18 nghĩa là có thể... lấy chồng được rồi ! Trong lớp, tôi để ý đến một thiếu nữ, tính nết hiền lành, thông minh, và ngoại hình thì... the best. Tôi theo dõi em thật cẩn thận và dĩ nhiên em cũng linh cảm thấy như thế vì ái tình đâu có cần phải nói nhiều cho nó phí năng lực, chỉ cần nhìn thấy nhau là...đủ rồi. Đến khi Nàng bước chân lên đến lớp đệ Tứ thì tôi cảm thấy là thời gian đã chín mùi, không nên chờ đợi thêm nữa vì ngộ nhỡ có anh công chức phải...gió nào đó khiêng trầu cau âm thầm đến xin bàn tay Nàng trước thì hoá ra mình ký cóp cho cọp nó xơi hả ? Đời tôi đã dại nhiều rồi nên lần này đành phải tấn công chớp nhoáng cho nó chắc ăn vậy. Cũng xin nhắc nhở quí vị là ở cái tỉnh nhỏ xíu thời đó, có cô gái nào xinh xắn,dễ coi là cả tỉnh đều chĩa mũi dùi vào hết. Nếu không mau chân tới lẹ là nếm mùi đau khổ ngay.
2- Nhờ người làm Bà Mai Sau khi đã được người đẹp ưng thuận ngầm bằng ánh mắt nụ cười, tôi bèn nhờ cô Lý Thị Chất, Giáo viên Nữ công, thay mặt tôi, đến gặp gia đình để ngỏ lời cầu hôn với Nàng. Sau một tuần lễ hồi hộp, chờ đợi trong tinh thần căng thẳng, cuối cùng anh em tôi đã nhận được tin vui từ Bà Mai, cũng là đồng nghiệp với tôi, là cả đại gia đình đã nhất trí chấp thuận cho Nàng được theo tôi về dinh để xây dựng tổ ấm. Có thể cũng do có duyên số mí nhau nên Nàng và gia đình đều ưng thuận cho định ngày Lễ Hỏi sớm theo gợi ý của chú Rể. Riêng tôi còn có một ưu điểm quan trọng là Nàng sẽ không phải làm Dâu một ngày nào cả vì Bố Mẹ tôi đều đã qua đời và hiện giờ chỉ có cô em ruột là còn sống bên cạnh tôi. Các bà mẹ thường cưng con gái, muốn tránh cho con cái cảnh bị Mẹ chồng... hành tỏi, nên kén được Rể như tôi thì đúng là...lý tưởng rồi. Nhưng có một tiểu tiết là tôi đã ăn gian không dám khai tuổi thật, vì e ngại sẽ bị mất...vợ. Thật ra nhờ vóc dáng của tôi trông trẻ hơn tuổi nên cũng qua cầu dễ dàng. Tuy nhiên, vấn đề tuổi giả sau này đã làm tôi ân hận mãi vì xét cho cùng người thiệt thòi nhất chính là Nàng. Để chuộc lại lỗi lầm năm xưa, tôi hết sức chiều chuộng để làm vừa lòng Nàng. Từ lúc mới cưới cho đến nay tính ra cũng gần... nửa thế kỷ rồi. Và giờ đây, dù đã sắp sửa bát thập, Rose Hills đang thấp thoáng ở trước mặt, nhưng hàng ngày vưỡn phải rửa chén, làm bếp, lái xe mà tôi cũng không hề than thở với ai để cho đúng với luật Nhân Quả của Nhà Phật.
3- Lễ Hỏi Sau khi mọi việc đã thu xếp ổn thoả, tôi nói với gia đình cho N nghỉ học ngay và tôi hứa sẽ đến tận nhà để dạy kèm cho N hoàn tất chương trình trung học đệ nhất cấp, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Thật là hên, không hiểu tôi có bí quyết gì và dạy dỗ ra làm sao, chắc là nhờ thần Ái tình, mà N đã đậu được bằng THĐNC năm đó, tuy chỉ với hạng Thứ.

Hôm Lễ Hỏi thật vui như Tết. Các Thầy giáo, bạn tôi, người thì cầm Đèn, người bưng mâm Hoa Quả, người cầm Hoa...và đặc biệt tôi đã nhờ ông Trưởng Ty Bưu điện, là chủ nhà chỗ tôi ở trọ, đứng ra làm Chủ hôn để đi trước dẫn đầu. Tất cả nối đuôi nhau, di chuyển rất từ từ và cẩn thận vì sợ rớt xuống sông, qua cái cầu khỉ chênh vênh, hồi hộp giống như đi đóng phim Hít cốc, để sang nhà N làm thủ tục Lễ Hỏi. Chắc quí bạn lại thắc mắc: sao lại trơ thùi lụi thế? Bà con thân thích đi đâu hết?. Có chứ nhưng rất khiêm tốn, hôm đó duy nhất chỉ có cô em ruột tôi là có mặt. Đến hôm Lễ Cưới có thêm bà Thím và 2 đứa em, con ông chú tham dự. Còn phe bà Dì, tức là cô con riêng, và ba đứa con chung của hai ông bà đều... đi chơi chỗ khác hết.
Những tài tử đóng phim Hít Cốc hôm Lễ Hỏi năm xưa, tính đến nay đã có 5 vị rủ nhau về cõi Vĩnh Hằng cả rồi. Riêng ở Mỹ chỉ còn sót lại 2 vị là giáo sư Trần cảnh Xuân hiện ở San Diego, và Chú Rể là tôi còn đang... ngáp ngáp nữa mà thôi. Than ôi, thời gian sao mà tàn nhẫn !
4- Lễ Cưới Tôi đã mướn sẵn một căn nhà để chuẩn bị làm Lễ Cưới và sau này cũng là nơi xây dựng tổ ấm đầu tiên của vợ chồng chúng tôi. Ngày 1 tháng 1 năm 1962,sau khi hoàn tất mọi thủ tục lễ nghi bên gia đình vợ, tất cả Thầy Trò, bạn bè, thân nhân hai bên gia đình, kéo về nhà tôi để dự tiệc Cưới. Sau đó chúng tôi đã vui hưởng tuần Trăng Mật tại gia luôn nghĩa là hổng đi đâu ra khỏi cái nhà cả vì tiền để dành đã chi hết vào đám cưới rồi, còn gì nữa đâu mà ...Trăng với Mật !


Mấy tháng sau tôi được lệnh gọi nhập ngũ trường sỹ quan trừ bị Thủ Đức và vợ chồng tôi lại lỉnh kỉnh khăn gói dọn nhà lên Sài gòn để ở, cho tiện việc liên lạc và thăm viếng sau này.
Đoạn kết Đến đây xin chấm dứt tập Hồi ký gồm 10 bài mà tôi đã giới thiệu với quí vị qua bài
Thơ Hồi ký lúc ban đầu. Tập Hồi ký đã kể lại khá đầy đủ những chi tiết về cuộc đời của tôi từ bài " Những ngày Thơ Ấu" đến bài ''Người Tình trăm năm" tức là đến khi Lấy Vợ là hạ màn. Trong mười bài thì bài chót có nhiều diễn biến gay cấn nhất vì nó đụng chạm đến vấn đề nhậy cảm của xã hội đương thời. Tuy nhiên tôi vẫn viết ra đây tất cả sự thật, không cần phải che dấu, vì tôi... tôn trọng sự thật. Tôi biết sẽ có một số quí vị không tán đồng Đám Cưới của chúng tôi trong thời gian đó nhưng tôi tha thiết mong quí vị hãy đặt mình trong hoàn cảnh đặc biệt của tôi, nhất là về phương diện tình cảm thì sẽ có cái nhìn khoan dung hơn về con người, có vẻ...tội lỗi của tôi! Tôi sẽ giải thích một phần nào những thắc mắc, chắc là có, của quí vị trong mục " Lời bàn Mao Tôn Cương" ở phần dưới. Sau đó thì " Nhân tâm tuỳ mạng mỡ". Nếu quí vị thông cảm, bao dung, giúp tôi đỡ bị mặc cảm thì tôi cám ơn lắm lắm. Còn quí vị nghiêm khắc, hổng chịu, cứ lôi cụ Khổng Tử ra để hành tỏi thì tôi cũng đành ngậm ngùi xin... cám ơn và hứa sẽ sửa sai ở kiếp sau cho khoẻ. Còn kiếp này thì chắc hổng kịp, vì tôi làm sao sửa được...quá khứ !
*Lời bàn Mao Tôn Cương * Phần Tôi Cuộc đời của tôi như đã diễn tả trong chín bài Hồi ký trước thật là bất hạnh, buồn nhiều hơn vui. Lúc còn bé, gia đình nhà Giáo chỉ có tiếng mà không có miếng, tôi đâu được hưởng sự sung sướng, thoải mái như những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Mới 15 tuổi, gia dình đã tan nát vì chiến tranh, mất mẹ, mất chị, mất em, còn Bố thì bị Tây bắt mãi đến cuối năm 1951 mới được gặp lại. Hai anh em tôi đã sống lang thang, bụi đời, năm sáu năm trong vùng kháng chiến, tứ cố vô thân, và riêng về mục tình cảm gia đình lại là con số không to tướng. Đến khi về Thành, may mắn được đi học lại nên mới có cuộc sống ổn định như bậy giờ nhưng suốt mấy chục năm trời, suy nghĩ lại tôi vẫn là con người cô đơn...khủng khiếp. Năm đó đã 30 tuổi đời, tôi cần một mái ấm gia đình để được hưởng một cuộc sống bình thường như mọi người, bù lại những năm tháng bơ vơ, trơ trọi trên khắp nẻo đường đất nước .
Tính tôi vốn hiền, lại nhát, có thể hơi cù lần như một người bạn thân đã nhận xét. Từ lúc trưởng thành, khi giao thiệp với phụ nữ, tôi không hề biết tán tỉnh, yêu đương chỉ ham vui, tình cảm lại hời hợt, nên đến đoạn kết thường như... bọt xà bông. Nếu tôi không áp dụng chiến thuật Liều thì rất khó tìm được vợ hiền như ý muốn. Tôi cũng biết, khi tìm người bạn đời trong đám các nữ sinh thì dễ bị người đời đàm tiếu nhưng tôi chấp nhận vì lương tâm tôi cảm thấy yên ổn không có điều gì phải hối hận . Điều quan trọng là tất cả đều do sự đồng thuận, không ai ép ai cả. Quí bạn sẽ hỏi: không có thời gian tìm hiểu nhau trước, sau này có dễ bị tan vỡ chăng? Cái đó cũng còn tuỳ. Tình Yêu sẽ đến sau nếu hai người đều thương yêu nhau chân thật. Thiếu gì cặp, sau khi tìm hiểu chán chê rồi cũng bỏ nhau soành soạch, có khi lúc chia tay còn tặng nhau thêm cái của nợ nữa. Yêu nhau lắm cắn nhau đau là thế. Các cụ ngày xưa có cần tìm hiểu nhau nhiều đâu sao vẫn sống hạnh phúc với nhau đến suốt đời. Sau này, khi tôi còn sống lang thang ở Mỹ, xa vợ đến 9 năm trời mà không hề có vấn đề về tình cảm và vợ tôi ở VN, cũng 9 năm dài đằng đẵng, sống giữa một xã hội đầy những cạm bẫy, lừa lọc mà vẫn bình an, tất cả là do cái Tâm thiện mà thôi. Vài năm nữa, có thể chúng tôi sẽ tổ chức lễ kỷ niệm Vàng và nếu Trời thương, vợ chồng tôi sẽ mời quí vị tham dự cả lễ Kim Cương nữa đấy.
* Phần Vợ Trong thời gian 2 năm học, dưới sự chăm sóc tận tình nhưng kín đáo của tôi, tình yêu của Nàng đã bắt đầu chớm nở qua ánh mắt, dù chúng tôi không dám hẹn hò để bầy tỏ tình cảm với nhau vì sợ người đời xầm xì bàn tán. Tuy nhiên, sau khi kết hôn và một thời gian dài chung sống, tình yêu đã ngày trở nên đằm thắm nồng nhiệt nhờ cách đối xử, thương yêu nhau mà có. Vợ chồng sống bên nhau đã gần nửa thế kỷ, dĩ nhiên cũng có lúc cơm không dẻo, canh không ngọt chứ, nhưng rồi lại tha thứ, vui vẻ mí nhau như thuở ban đầu. Hơn nữa, là con gái tỉnh lẻ, nếu Nàng không lấy tôi thì cũng chỉ kết duyên với một công tư chức hay thương gia nào đó, so ra Thầy giáo cũng có thua kém gì ai đâu. Tóm lại về phương diện quyền lợi nàng không bị thiệt thòi gì mà về tình cảm,Thầy giáo thường dễ thương và rất đáng... tin tưởng !
* Phần Xã hội Những quy ước xã hội thường khắt khe, cứng ngắc không uyển chuyển nhất là về vấn đề luyến ái. Tại sao Thầy Trò lại không yêu nhau được nhỉ? Có liên hệ huyết thống gì đâu? Tình Yêu nẩy sinh tự trái Tim chứ không phải do cái Đầu. Chắc quí bạn nghĩ: Trò kính trọng Thầy như Cha thì sao lại dám... Yêu? Thế bộ Yêu rồi thì hết kính trọng sao ? Thật phi lý! Cả 2 người, dù là vợ chồng, đều phải thương yêu, kính trọng nhau cho đến mãn cuộc đời, thế mới là công bằng, dân chủ, văn minh...Cái thuyết Quân Sư Phụ đâu có ai còn hiểu theo đúng cái nghĩa như ngày xưa nữa? Tất cả những cái lẩm cẩm này có từ thời cụ Khổng Tử chưa... mọc râu và ông De Gaulle mới... mọc mũi, bây giờ nên để nó trôi từ từ vào dĩ vãng hết cho khoẻ. Ngày xưa chính cổ nhân cũng có lời khuyên là: " Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy " còn rành rành ra đó. Nhưng mà ai yêu đây ? Bố Mẹ già rồi, đâu còn... yêu được nữa, chắc là... con gái thôi! Phần nữa, phe chúng tôi gồm bốn người : Bố Mẹ vợ, Nàng và Tôi vốn là những người "chân quê", ta cứ theo nghĩa đen mà xài cho tiện việc sổ sách. Và còn điều này mới thật quan trọng : Các sinh viên tốt nghiệp ĐHSP ngày nay khi ra trường khoảng 24,25 tuổi, còn các em nữ sinh lớp đệ Nhất độ 17,18 tuổi, xinh như mộng, tại sao cấm họ yêu nhau, sao phí của thế, các cụ thật là tàn nhẫn vô...n...đ. Thế còn vấn đề "Tôn Sư, Trọng Đạo" thì sao?. Dĩ nhiên là đúng...dzồi nhưng yêu Thầy thì vưỡn cứ được yêu vì Thượng Đế đã cho phép ngầm dzồi, và điều này Ngài chỉ nói riêng... cho chúng tôi biết mà thôi ! Vả lại "Tôn Sư và Yêu Sư" thuộc hai phạm trù (tếu một tí) khác nhau hoàn toàn. Nước đi đằng nước và cái phải đi đằng cái chứ, sao lại lộn xộn mí nhau cho phản khoa học ? Và điều cuối cùng: Chắc chắn là Thượng Đế phải có lý hơn cụ Khổng Tử !
* Về cụ Khổng Tử Cụ KT ơi, cụ ác lắm, cái thuyết QSP của cụ đã làm đau khổ biết bao cặp tình nhân, yêu nhau mà không dám tỏ tình, chỉ âm thầm ôm mối tình si, và đành chờ nhau.kiếp khác, nếu làm thống kê chắc cũng... không ít đâu cụ ạ. Tuy nhiên, theo sự điều tra riêng của tôi, những cặp ôm mối tình si nói ở trên, sự thật có thể... nhiều nữa nhưng còn khuya họ mới chờ nhau kiếp khác. Họ khôn lắm, âm thầm rủ nhau trốn đi thật xa để kết hôn mí nhau cho khuất mắt những người đời vớ vẩn, đầu óc còn hẹp hòi. Chỉ có tôi là dại, dám cả gan làm đám cưới với trò yêu của mình giữa cái tỉnh nhỏ xíu, dĩ nhiên với đầy đủ lễ nghi truyền thống đàng hoàng và mọi người đều vui như Tết. Rốt cuộc chỉ riêng cụ KT là hơi...buồn nhưng chắc cụ cũng thông cảm vì trên cõi đời này có cái gì mà không thay đổi được đâu, vạn vật biến chuyển từng sát na cưa mà. Cũng may nhờ tôi ngộ sớm, sáng tạo ra thuyết * " TKBG " nên đã cứu được nhiều cặp và họ đã sống hạnh phúc cho đến tận... bây giờ.
Phần Tếu Ở đoạn trên, tôi đã tự đánh giá là cả đời, tôi chỉ thuộc loại khù khờ, riêng có lúc chọn vợ là hơi... khôn một tí thôi, nhưng bây giờ xét kỹ lại thì cũng chưa hẳn là đã ...khôn đâu! Cũng xin nhắc nhở quí vị,Tếu nghĩa là chỉ có 50% sự thật thôi đấy nhé.
- Theo lẽ thường thì người trẻ phải săn sóc người già, nhưng vì tôi may mắn và lại uống thuốc liều nên mới hân hạnh được... hầu người vợ trẻ. Lúc Nàng mới qua Mỹ, tôi đã chủ ý để N chuyên trị việc bếp nước cho nên khỏi cần đi học lái xe. Trong thâm tâm, tôi muốn N ở nhà để cái Tâm đỡ hồi hộp, vì sống ở Mỹ đã khá lâu nên tôi có kinh nghiệm là đàn bà con gái ở VN mới qua, nếu lái xe, loạng quạng dễ sa vào cạm bẫy của mấy anh "phải gió" lắm. Cũng vì quá cẩn thận nên tôi đành tự nguyện làm tài xế riêng của N cho đến suốt cuộc đời. Nghĩ cho cùng, tại tôi dở, không đủ tài để lấy vợ theo lối mới, từng step một như... mọi người, nhưng nhờ sự thông cảm của N, nghĩa là tuy chưa Yêu... nhiều nhưng vẫn chấp nhận lấy tôi, nên chúng tôi mới được hưởng những ngày tháng hạnh phúc như bao lâu nay, thôi chẳng qua cũng là luật bù trừ cả. Và biết đâu, tôi đã may mắn được rơi vào trường hợp:" Thánh nhân đãi khù khờ " chăng?
- Theo kế hoạch
"Lấy vợ" của tôi, giai đoạn cuối cùng
"Rút lẹ" là có tính toán cẩn thận đấy. Mục đích để tránh cho vợ khỏi bị các bạn chọc quê, dù lúc đó đã nghỉ học và đang tập sự nghề nội trợ. Còn phần tôi thì quả thật cũng hơi...nong nóng cái mặt vì đã đi trước thời đại hơi...sớm. Trong lúc tang gia bối rối không biết tìm cách nào để rút lui một cách êm thấm thì lại may quá, chắc cũng do Thượng Đế sắp đặt, tôi được lệnh nhập ngũ khoá 16 trường sỹ quan TBTĐ, thế là vợ chồng tôi có lý do chính đáng để bồng bế nhau (N đang có bầu ) trực chỉ Sài gòn yêu dấu và những kẻ xấu miệng chỉ trơ mắt ếch ra...mà nhìn vì cuộc rút lui này quá nhanh, giống như Do Thái đánh Ả Rập năm 67, khiến thiên hạ đâu có thời giờ để bàn tán nhảm nhí nữa...
Thầy Trò bồng bế nhau đi
Những người lắm chuyện xầm xì nữa thôi?
Lễ nghi Cưới Hỏi qua rồi,
Vợ Chồng ta cứ thảnh thơi mà...vù.(bay vù) Sau khi lặng lẽ giã từ quê vợ, chúng tôi dắt díu nhau lên Sài gòn để xây dựng cuộc đời mới. Nhưng cũng thật bất ngờ, câu Chuyện Tình Thời đại của chúng tôi lại gây ra một phong trào Lấy Vợ kiểu " TKBG " vừa mới lạ vừa có tính... dây chuyền. Nguyên do là một số Thầy, cũng ở trong hoàn cảnh "tiến thối lưỡng nan" giống như tôi. Muốn lấy vợ, nhưng người đẹp trong tỉnh, tuyệt đại đa số đều là các nữ sinh cả. Về Sài gòn thì đường xá xa xôi diệu vợi, phải qua những 2 cái phà, rồi lại còn sợ VC gài mìn phục kích... có khi đến đêm mới tới. Tuần lễ có 2 ngày nghỉ thì đều ngủ trên xe đò hết thì đâu có thì giờ để kiếm vợ nữa. Hơn nữa Thủ đô yêu dấu lại mênh mông... mênh mông biết người đẹp ở đâu mà tìm. Có khi loạng quạng, gặp thứ dữ còn bị xơi guốc đinh lên đầu nữa. Thế bộ đàn bà, con gái trong tỉnh đi đâu hết? À mà còn các Cô Giáo nữa! sao Thầy Cô không kết duyên mí nhau có phải tuyệt vời hông ! Thưa quí vị, muốn lắm chứ, nhưng đào đâu ra Quí Cô để kết bạn trăm năm, cứ như lá mùa thu không hà ! Cả trường tôi chỉ có duy nhất một Cô Giáo dạy Nữ công đáng tuổi chị Hai mình thì còn nước non gì nữa. Thế bộ các trường Sư Phạm không đào tạo các nữ Giáo sư hả ? Có chứ, còn nhiều nữa đấy, nhưng có người đẹp nào chịu về hành nghề ở những nơi khỉ ho cò gáy này đâu. Thật ra Quí Cô thường học giỏi đậu cao, vừa đẹp lại vừa có bùa nên đi cửa nào cũng lọt và dĩ nhiên những chỗ ngon lành Quí Cô chia nhau chiếm trước cả rồi, phần chúng tôi đâu còn bao nhiêu !. Thượng đế thật bất công, phụ nữ đẹp thường là con nhà giầu, gia đình lại thần thế nên Quí Cô chỉ được dạy ở các trường lớn, nổi tiếng nơi phồn hoa đô hội mà thôi. Riêng tôi thì thua kém đủ thứ, vừa dốt (đậu thấp), vừa nhà quê, lại vừa nghèo, được làm Thầy Giáo tỉnh lẻ là có phước rồi, còn đòi gì nữa. Bây giờ trở lại vấn đề: thế phụ nữ trong tỉnh trốn đâu hết?. Thật ra cũng có đấy, nhưng một số đông thì sống ở các vùng thôn quê lẫn lộn với VC, nếu không cẩn thận kết duyên lầm với cái thứ mắc...gió này thì bỏ mạng sa trường. Ngoài ra đã ở xa tít mù tắt, lại còn quanh năm làm ruộng, bế em, rửa chén chân tay to thù lù, sức mấy mà dám...lấy. Chỉ có một số ít sống ở thị xã, làm việc trong các công tư sở, nhưng than ôi vừa... old lại vừa... ugly, ngu sao mà đâm đầu vào Suy đi xét lại chỉ có nước ca bài " Trường ta, ta cứ... yêu " là thượng sách. Nhưng khốn nổi quí Thầy lại rét, hổng dám liều, lúc nào cũng sợ bóng sợ gió cụ Khổng Tử lơ lửng ở trên đầu. Cũng may nhờ Thầy Đ liều trước, mở đường khai lối nên sau đó quí Thầy mới có can đảm rủ nhau quyết tâm " noi theo gương... Bác, à quên theo... Thầy Đường " và cũng đã gặt hái kết quả như ý. Đặc biệt quí Thầy, tuy cóp bài của tôi nhưng lúc thực hành lại xuất sắc hơn một bậc. Số là, mọi người thấy Thầy Đ đã hoàn thành tốt đẹp Hôn Lễ của mình một cách đàng hoàng, êm ả mà không hề gặp trở ngại gì. Thế rồi hôm đám Cưới, đôi uyên ương Ngọc-Đường, mặt mày sáng rỡ, tươi cười đứng bên nhau, đón nhận những lời chúc mừng chân tình của Thầy Trò, bạn bè trong trường Hoàng Diệu mà có thấy nhân dân...hỏi thăm sức khoẻ gì đâu ? Do đó, quí Thầy bèn mạnh dạn hành động, không những Liều mà còn... Lì nữa, nghĩa là một khi đã chiếm được mục tiêu, phe ta liền đóng đô tại chỗ luôn, khỏi cần rút lui đi đâu cho... đời mỏi mệt. Còn những kẻ lắm chuyện giờ đây đều im thin thít vì đông quá rồi. Chê các Thầy không đẹp thì lũ con mình sẽ học mí ai, phần nữa các kiều nữ cũng sốt sắng bênh vực các Thầy tận tình, lý do là cũng sợ... mất quyền lợi. Thế là cả hai phe Thầy Trò đều vui vẻ và thông cảm mí nhau, còn cái lũ người cổ lỗ sĩ đứng bên lề thì: "Ai muốn nói gì thì nói, đoàn lạc đà vưỡn... cứ đi ".
" TKBG" = Tình Không Biên Giới
Hồi ký từ đây đã mãn rồi
Thầy già xin gác bút nghỉ chơi
Sức tàn cố níu, dành cho vợ
Giã từ nương tử, lệ tuôn rơi .
Hồi ký
Nguyễn ngọc Đường