Tin New York Times, BBC, VOA, RFI: bà Clinton phát biểu về nhân quyền VN.
Hà Nội, Việt Nam – Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton bày tỏ mối lo ngại về cái mà bà gọi đó là sự không khoan dung của chính phủ Việt Nam dành cho những nhà bất đồng chính kiến, khi bà bắt đầu cuộc viếng thăm kéo dài 2 ngày đánh dấu 15 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhắc đến vấn đề Việt Nam gần đây bắt giam các nhà hoạt động dân chủ,
tấn công các nhóm tôn giáo và ngăn trở các trang mạng xã hội Internet, bà Clinton đã nói rằng mình đã đề cập đến vấn đề nhân quyền trong buổi gặp với Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm.
“Việt Nam, với dân số năng động hiếm có của mình, đang trên đường trở thành một quốc gia lớn, với tiềm năng vô hạn”, bà Clinton nỏi tong lời mở đầu buổi họp báo của mình, khi ông Khiêm đứng bên, mặt không cảm xúc. “Đó là một trong những lý do khiến chúng tôi bày tỏ sự quan ngại của mình”.
Tại buổi ăn trưa với các doanh nhân Việt Nam và Hoa Kỳ, bà Clinton đã quay lại chủ đề này, nói rằng có “những khác biệt to lớn” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong những quyền tự do chính trị. Bà nói rằng Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy Việt Nam làm nhiều hơn nữa để bảo vệ tự do cá nhân.
Ông Khiêm trả lời rằng nhân quyền có nguồn gốc từ những bối cảnh lịch sử và văn hóa riêng biệt. Ông trích lời mà ông cho là một quan sát của Tổng thống Obama rằng các quốc gia phải được phép chọn con đường riêng của mình và nhân quyền không nên được áp đặt từ bên ngoài.
Lời bình luận của bà Clinton rất đáng chú ý, trong hoàn cảnh mà bà đã đặt mối quan tâm về nhân quyền xuống dưới các vấn đề khác khi viếng thăm quốc gia hàng xóm của Việt Nam, Trung Quốc. Nhưng thời điểm bà đặt vấn đề, tại khởi đầu của cuộc viếng thăm, cho thấy rằng bà chỉ muốn nêu quan điểm của mình, rồi chuyển sang các vấn đề khác.
Bà dành phần lớn bài nói của mình để hứa hẹn rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư, và sẽ làm nhiều hơn nữa để giúp những người Việt Nam chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam, một hóa chất mà quân đội Hoa Kỳ sử dụng như một thuốc diệt lá trong cuộc chiến Việt Nam.
“Chúng ta đã và đang làm việc với Việt Nam suốt 9 năm để cố gắng giải quyết hậu của của chất độc màu da cam”, bà nói. “Tôi đã nói với ngày Phó thủ tướng rằng tôi sẽ tiếp tục làm việc để tăng cường sự hợp tác giữa chúng ta”.
Hoa Kỳ bình thường hóa mối quan hệ với Việt Nam năm 1995 khi Bill Clinton còn là Tổng thống, và bà Clinton nói về những ký ức “sâu sắc” mà đất nước này đã khơi dậy trong bà và chồng. Lần ghé thăm cuối cùng của bà với tư cách Đệ nhất phu nhân vào cuối năm 2000, trong lúc ông Clinton đang sắp hết nhiệm kỳ Tổng thống, một vài tuần sau đó bà được bầu làm thượng nghị sĩ của New York.
Trong chuyến đi đó, bà Clinton đã mang theo con gái, Chelsea, ghé thăm một khu làng bụi bặm ngoài Hà Nội, nơi cả hai người đội nón để chắn cái nắng thiêu đốt. Một nghệ sĩ địa phương đã chộp được khoảnh khắc đó trong một bức trang mosaic lớn tạo bởi hồng ngọc, lam ngọc (saphia) và thạch anh từ Việt Nam. Một công ty vàng bạc và đá quý đã trao bức tranh đó cho bà Clinton như một món quà tặng.
Ông Khiêm, Phó thủ tướng, cũng tặng bà Clinton một tấm khăn trải bàn trắng dành cho Chelsea, người sắp lấy chồng vào 31 tháng 7 tới.
“Tôi rất vinh hạnh”, bà nói. “Tôi sẽ lấy làm vui mừng được chuyển món quà tới cháu”.
Nhắc đến việc bà đang phải cân bằng giữa nhiệm vụ của một người mẹ, lên kế hoạch cho đám cưới cho con, với chuyến đi dài hàng tuần kinh hoàng tới Pakistan, Afghanistan, Nam Hàn và Việt Nam, bà Clinton đùa rằng người ta có thể sẽ đặt câu hỏi đầu óc của bà.
Bên cạnh việc cổ vũ nâng cao quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, bà Clinton tới Hà Nội để dự cuộc họp an ninh khu vực được tài trợ bởi Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á, hay ASEAN.
Bắc Hàn có lẽ sẽ nằm ở vị trí ưu tiên trong lịch làm việc. Một cuộc điều tra quốc tế được dẫn dắt bởi Nam Hàn gần đây kết luận rằng Bắc Hàn chịu trách nhiệm trong việc bắn thủy lôi chìm tàu chiến Bắc Hàn, giết chết 46 thủy thủ. ASEAN đưa ra một tuyên bố lên án hành vi tấn công nhưng từ chối chỉ ra rằng Bắc Hàn là thủ phạm
Bà Clinton cũng được trông đợi là sẽ đưa ra vấn đề Myanmar, còn được biết đến dưới tên Burma, quốc gia mà bà cho rằng đang đe dọa sự ổn định của khu vực, không chỉ là vì những dòng người tị nạn chạy sang các quốc gia láng giềng.
Bên cạnh đó, bà nói Hoa Kỳ đang lo ngại về các chuyến tàu chở vũ khí và vật liệu quân sự tới Myanmar từ Bắc Hàn, cũng như những báo cáo chưa được khẳng định rằng Burma đang tìm sự trợ giúp của Bắc Hàn để phát triển chương trình hạt nhân riêng của mình.
Theo tờ New York Times
http://danluan.org/node/5768*
BBC: Bà Clinton lên tiếng về nhân quyền ở VN
Lên tiếng trong lúc đến Hà Nội dự Diễn đàn Hợp tác An ninh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã thúc giục Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền.
Bà Hillary Clinton nói dù Việt Nam có nhiều triển vọng nhưng Hoa Kỳ quan tâm đến sự đối xử của nhà cầm quyền đối với một số nhóm nhất định trong xã hội, cũng như việc giới hạn truy cập internet.
Bà Clinton nói: ”Việt Nam – với một dân số năng động và người dân thực độc đáo – đang trên đường trở thành một quốc gia vĩ đại với tiềm năng vô biên.”
Bà nói đó là một trong những lý do Hoa Kỳ muốn bày tỏ sự quan ngại về ”những vụ bắt bớ và kết án những người đối kháng ôn hòa, tấn công các nhóm tôn giáo, và hạn chế tự do internet”.
Cũng trong dịp này, bà Clinton đã hội đàm với ngoại trưởng Nguyễn Gia Khiêm và hứa gia tăng hợp tác với Việt Nam trong vấn đề chất độc da cam.
Chất da cam
Bà Clinton cho biết hai người đã thảo luận về vấn đề mà cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đều quan tâm đó là chất da cam và tác hại của nó đối với người dân ở đây.
Hoa Kỳ đã làm việc với Việt Nam trong 9 năm qua để tìm cách giải quyết những hậu quả của chất da cam.
”Tôi đã nói với ngài ngoại trưởng là sẽ xem xét việc gia tăng sự hợp tác của người Mỹ, và cùng nhau có những tiến triển xa hơn nữa trong vấn đề này,” bà Clinton cho biết trong một cuộc họp báo sau đó.
Trước đó tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ghi nhận các tiến bộ trong cải cách kinh tế ở Việt Nam, nhưng thúc giục bà Clinton chuyển tải thông điệp rằng ”sự ổn định và phồn vinh lâu dài của Việt Nam phụ thuộc vào việc bảo vệ quyền của người dân được tham gia đầy đủ trong quá trình kiến tạo tương lai đất nước về cả chính trị, kinh tế và xã hội”.
Không thấy truyền thông ở Việt Nam tường thuật những gì ngoại trưởng Hoa Kỳ nói về nhân quyền mà chỉ tập trung vào ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm nhân dịp đánh dấu 15 năm quan hệ giữa hai nước cựu thù.
Bà Clinton đến Hà Nội lần này trong tư cách ngoại trưởng, 10 năm sau chuyến thăm lịch sử cùng với phu quân Tổng thống Bill Clinton tới Việt Nam.
Hôm nay bà Clinton cũng đã tham dự lễ kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt-Mỹ và dự lễ ký kết bản ghi nhớ về việc chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục tài trợ cho việc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/07/100722_clinton_in_hanoi.shtml*
VOA: Ngoại trưởng Hoa Kỳ thúc giục Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyềnhttp:

Hình: ASSOCIATED PRESS Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tại Nhà khách Chính phủ ở Hà Nội, ngày 22 Tháng 7, 2010
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton thúc giục Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền nhưng cũng cam kết hợp tác nhiều hơn nữa trong việc giải quyết hậu quả của Hóa chất Da Cam mà quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong thời Chiến tranh Việt Nam.
Theo tin hôm thứ Năm của hãng thông tấn AP, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đang có mặt tại Hà Nội để đánh dấu kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm của Việt Nam, bà Clinton đã lên tiếng tán dương sự phi thường và năng động của người dân Việt Nam và nói rằng Việt Nam “đang trên đường trở thành một quốc gia vĩ đại với một tiềm năng vô hạn.”
Tuy nhiên, bà Clinton nói thêm rằng để đạt được mục tiêu, chính phủ Cộng Sản Việt Nam phải nới lỏng những hạn chế đối với tự do ngôn luận và hoạt động chính trị. Bà nói rằng “Đó là một trong những lý do chúng tôi bày tỏ quan tâm về việc bắt giữ và kết án những người bày tỏ ý kiến bất đồng một cách ôn hòa, về những vụ tấn công nhắm vào các tổ chức tôn giáo và hạn chế tự do internet”.
Bà Clinton cho biết thêm rằng chính phủ của Tổng thống Barack Obama muốn làm việc chung với Việt Nam “để hỗ trợ cho những nỗ lực cải cách và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản”.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ là Việt Nam sẵn lòng hợp tác đến mức độ nào trong vấn đề này vì Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm cho biết ông nghĩ rằng vấn đề này “là một sự khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.” Ông nói rằng “nhân quyền có những giá trị chung nhưng tuỳ thuộc rất nhiều vào bối cảnh văn hóa và lịch sử”.
Ông Khiêm cũng nêu lên sự kiện là Tổng thống Obama từng nói rằng giá trị nhân quyền không nên được áp đặt từ bên ngoài.
Sau đó trong ngày thứ Năm, Ngoại trưởng Clinton đã lại đề cập tới vấn đề nhân quyền khi bà dự tiệc chiêu đãi của Phòng Thương mại Mỹ ở Hà Nội. Bà nói rằng nhân quyền là “một khác biệt sâu sắc” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tuy hoạt động thương mại giữa hai nước đã gia tăng vô cùng nhanh chóng kể từ khi các mối quan hệ được bình thường hóa cách nay 15 năm dưới thời Tổng thống Bill Clinton, phu quân của bà. Bà cho biết “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hối thúc Việt Nam gia tăng cam kết về nhân quyền và để cho người dân có nhiều quyền hạn hơn đối với vận mệnh của mình”.
Mặc dù vậy bà Clinton cũng nói rằng Hoa Kỳ không xem quan hệ với Việt Nam là gắn chặt với những khác biệt đó hay với những ký ức của quá khứ.” Bà nói rằng “chúng tôi đã học được cách để đối xử với nhau không phải như hai nước cựu thù mà như những đối tác, đồng sự và bạn bè thật sự” .
Trong khi đó, tại Washington, 6 dân biểu Hoa Kỳ đang chuẩn bị tổ chức một cuộc họp báo vào trưa thứ Năm để tìm cách thu hút sự chú ý của mọi người đến số phận của hàng trăm tù nhân chính trị và tôn giáo ở Việt Nam.
Tin tức từ trụ sở quốc hội Mỹ cho biết dân biểu Cao Quang Ánh sẽ cùng với các dân biểu Zoe Lofgren, Ed Royce, Loretta Sanchez, Frank Wolf và Chris Smith và những người khác trình bày về việc các nhà văn nhà báo, các nhân vật lãnh đạo tôn giáo và các nhà hoạt động chính trị ở Việt Nam phải đối mặt với những lời buộc tội vô căn cứ, những vụ bắt bớ tùy tiện, sách nhiễu, và đánh đập.
Trong cuộc họp báo chung với ông Phạm Gia Khiêm, bà Clinton cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam để giải quyết những hậu quả của chất Da Cam. Bà nói rằng bà và ông Khiêm đã thảo luận “về mối quan tâm của cả hai nước về chất Da Cam và hậu quả của chất này đối với người dân Việt Nam”.
Bà Clinton cho biết Hoa Kỳ đã làm việc chung với Việt Nam trong 9 năm qua để tìm cách khắc phục tác động của chất Da Cam và cam kết sẽ tăng cường hợp tác để đạt nhiều tiến bộ hơn nữa trong lãnh vực này.
Nguồn: AP, RTTNews
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/clinton-vietnam-07-22-2010-99010224.html*
RFI: Ngoại trưởng Mỹ quan ngại về nhân quyền tại Việt Nam nhưng cam kết tăng cường hợp tác
Trọng Nghĩa -Hôm nay (22/07/2010), Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đến Việt Nam để tham gia các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng thường niên của Hiệp hội Đông Nam Á ASEAN, đồng thời tiếp xúc với nhiều lãnh đạo Việt Nam để thảo luận về quan hệ song phương Mỹ Việt.
Khi vừa đặt chân xuống Hà Nội, bà Clinton đã có ngay một cuộc tiếp xúc với Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Gia Khiêm. Phát biểu nhân cuộc họp báo sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ xác nhận là bà đã nêu lên vấn đề nhân quyền trong cuộc họp với đồng nhiệm Việt Nam.
Theo phóng viên báo New York Times, bà Clinton đã bày tỏ mối quan ngại của Hoa Kỳ về thái độ mà bà gọi là ‘’không khoan dung’’ với các giới bất đồng chính kiến. Bà đã nêu lên những vụ tống giam những nhà đấu tranh cho dân chủ, những hành đông tấn công vào một số nhóm tôn giáo hay việc đàn áp một số websites trên mạng Internet.
Ngay khi khởi đầu cuộc họp báo Ngoại trưởng Mỹ đã giải thích lý do khiến bà nêu lên vấn đề nhân quyền đối với phía Việt Nam. Đó là vì, xin trích : « Việt Nam, với dân số cực kỳ năng động, đang trên đường trở thành một quốc gia lớn, với tiềm năng vô hạn. Đó là một trong những lý do khiến Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về vấn đề nhân quyền với Việt Nam ».
Sau đó, nhân bữa ăn trưa với các doanh nhân Việt Nam và Hoa Kỳ, bà Clinton đã trở lại đề tài này, nhắc đến “các khác biệt sâu đậm” giữa Việt Nam và Mỹ trên vấn đề quyền tự do chính trị. Bà xác định là Hoa Kỳ sẽ thúc giục Việt Nam nỗ lực nhiều hơn trong việc bảo vệ quyền tự do cá nhân.
Đáp lời Ngoại trưởng Mỹ, bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã cho rằng khái niệm nhân quyền bắt nguồn từ đặc thù văn hóa và lịch sử của mỗi nước, và ông nhắc lại câu nói mà ông cho là của chính Tổng Thống Mỹ Obama, theo đó các nước có quyền chọn lựa đường đi của chính mình và nhân quyền không thể bị áp đặt từ bên ngoài.
Theo giới phân tích, Ngoại trưởng Mỹ trong những ngày gần đây đã phải chịu nhiều sức ép, đòi bà phải đề cập đến vấn đề nhân quyền với Việt Nam nhân chuyến ghé thăm Hà Nội. Yêu cầu mới nhất đến từ tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, đòi bà Clinton phải gắn liền việc tăng cường hợp tác với việc Việt Nam tôn trọng nhân quyền.
Human Rights Watch: Cần gắn vấn đề nhân quyền với việc tăng cường quan hệ song phương
Trong bản thông cáo đề ngày hôm nay, Tổ chức nhân quyền trụ sở ở New York đã cho rằng bà Hillary Clinton ‘’Cần nêu rõ tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam… trong các phát biểu công khai cũng như trong các cuộc gặp riêng với quan chức Việt Nam’’. Theo Human Rights Watch, Ngoại trưởng Mỹ : ‘’Cần nhấn mạnh về mức độ ưu tiên mà Hoa Kỳ đặt ra đối với việc tăng cường tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam, một phần hữu cơ trong quan hệ song phương’’.
Không những thế, HRW còn kêu gọi Washington gắn liền vấn đề Hà Nội tôn trọng nhân quyền với việc tăng cường quan hệ song phương. Theo Human Rights Watch thì bà Ngoại trưởng Mỹ phải, xin trích : « Đặt yêu cầu chấm dứt những cấm đoán ngặt nghèo về các quyền tự do làm điều kiện nới rộng quan hệ thương mại và an ninh. »
Xin nhắc lại là ngày 15/07 vừa qua, gần 20 dân biểu Mỹ cũng đã lên tiếng kêu gọi Ngoại trưởng Hoa Kỳ nêu lên vấn đề nhân quyền khi đến Việt Nam. Đó cũng là yêu cầu của một số hội đoàn, đảng phái trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Những người đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam đều nêu bật sự kiện Việt Nam hạn chế quyền tự do hội họp và lập hội, kiểm soát chặt chẽ các tổ chức lao động và tôn giáo, giới hạn quyền tự do ngôn luận và tiếp cận internet. Trong thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam đã bị lên án về các vụ xử lý hình sự các nhà ly khai nổi tiếng, thường với mức án tù rất nặng.
Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam
Như vậy là ngoại trưởng Mỹ đã đáp ứng phần nào đòi hỏi của giới bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên, phần lớn thông điệp của bà Clinton hôm nay đều nhằm cam kết là Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lãnh vực thương mại và đầu tư, và nhất là trong một lãnh vực hết sức nhậy cảm đối với người Việt Nam : tác hại của chất da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã dùng trong thuốc khai quang rải xuống Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.
Theo hãng tin Pháp AFP, bà Clinton đã tuyên bố : ‘’Chúng tôi đã làm việc cùng với Việt Nam trong vòng 9 năm để khắc phục hậu quả của chất Da cam. Tôi sẽ thúc đẩy việc tăng cường hợp tác để cùng có những tiến bộ lớn hơn”.
Từ năm 2007, Quốc Hội Mỹ đã thông qua 9 triệu đô la để giúp Việt Nam để tẩy xoá những nơi bị nhiễm chất dioxin, và trên mặt y tế. Các chuyên gia đánh giá có 3 nơi bị nhiễm nặng nhất, mà họ gọi là ‘’điểm nóng’’ ô nhiễm dioxin, đó là các căn cứ không quân Mỹ trước đây. Tẩy sạch 3 nơi này sẽ tốn khoảng 59 triệu đô la. Phần lớn một khoản tiền nay đang xét, theo lời một viên chức Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội vào tháng qua.
Trong cuộc điều trần trước Quốc Hội Mỹ tuần qua, một bác sĩ Việt Nam đã khẳng định là có hơn 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân của chất Da cam.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100722-ngoai-truong-my-quan-ngai-ve-nhan-quyen...