thule
Gold Member
   
Offline

Thành Viên Xuất Sắc *Năm 2010*
Posts: 3836
|
Vẫn còn âm hưởng của ngáy Mẹ, xin thêm mấy bài thơ về mẹ để tặng cả nhà và riêng tặng NV Hà:
Màu Hoa Trên Áo
(Tặng Mẹ đã mất nhân ngày Từ Mẫu)
Sáng nay hoa hồng nở
Chợt nhớ mẹ vô cùng
Ngày Lễ Mẹ sắp tới
Con cài đóa hoa hồng
Ngày xưa khi Mẹ còn
Đóa hồng đỏ áo con
Bây giờ Mẹ đã mất
Hoa trắng thay màu son
Mẹ rất yêu hồng đỏ
Mẹ trồng khắp trong vườn
Vào những ngày tươi nắng
Mẹ thơ thẩn chăm nom
Bàn tay Mẹ vun xới
Mẹ cuốc đất bắt sâu
Vườn rau Mẹ xanh ngát
Cánh ngò nhí thơm màu
Dậu mùng tơi tim tím
Bên cạnh mấy luống rau
Mẹ có giàn thiên lý
Đang chớm nụ hoa cau
Hôm nay con ngồi đây
Lòng nhớ Mẹ ngất ngây
Cầm cành hoa hồng trắng
Lặng lẽ bến sông này
Mẹ bây giờ nơi đâu?
Những chiều buồn mưa Ngâu
Con nhìn lên ảnh Mẹ
Mà quặn thắt lòng đau
Hôm nay ngày Lễ Mẹ
Hoa trắng cài áo con
Gửi Mẹ lời kính nguyện
Con nhớ Mẹ mõi mòn…
Kiều Oanh (May 2012)
NHỮNG BÀ MẸ CÔ ĐƠN
Mẹ sống lẻ loi trong căn nhà rộng
Đếm tháng ngày dài trên những ngón tay
Bởi có những con ham mê danh vọng
Bỏ mẹ ngậm ngùi trong nỗi đắng cay
Mẹ sống âm thầm trong căn gác hẹp
Khu phố tồi tàn như kiếp tù nhân
Bởi có những con hoang đàng, hư hỏng
Bỏ mẹ một mình tứ cố vô thân
Mẹ sống lang thang qua từng phố chợ
Ngữa tay nḥận tiền của kẻ hảo tâm
Bởi có những con mang lòng quỹ dữ
Xua đuổi mẹ gìà không chút ăn năn
Mẹ sống lạc loài trong nhà Dưỡng lão
Không một bạn bè, không một người quen
Bởi có những con hững hờ, ích kỷ...
Bỏ mẹ chết mòn trong sự lãng quên...
Mẹ đã cô đơn ở nơi xứ lạ
Cuộc sống vô tình đánh mất thương yêu
Những đóa hoa hồng trong ngày lễ mẹ
Có nghĩa lý gì hay chỉ xót xa
Mẹ đã cô đơn ở nơi xứ mẹ
Cuộc sống xô bồ đánh mất nghĩa nhân
Hãy nhìn đi anh -nhìn đi các bạn
Mắt mẹ vẫn buồn trong lễ Vu Lan
Ôi mẹ VIỆT NAM một đời khốn khổ
Tảo tần vì chồng vất vả vì con
Cuộc chiến bao năm âm thầm chiụ đựng
Sao đến bây giờ mẹ vẫn cô đơn???
THY LỆ TRANG NGUYỄN THỊ CÚC
MASSACHUSETTS
và đấy là một chuyện về mẹ khá hay và cảm động:
LỜI RU CỦA MÁ
Học hết lớp đệ thất, chị Hai của Út Mén quyết định nghỉ học:
- Con đi bán phụ má! Út Mén “chịu” học hơn con, má con mình ráng lo cho nó học tới nơi tới chốn…
Khi chị Hai của Mén đã quyết định, chỉ có ông Trời may ra mới cản nổi. Chị Hai vốn có cái “gien lì” từ lúc chui ra khỏi bụng của má rồi! Can ngăn con hoài không được, má của Út Mén thở dài, sắm cho con gái đầu lòng đôi quang gánh. Chiều chiều, hai má con lục tục sục vào những cánh đồng xa. Mùa nào thức nấy, má con Út Mén mua các thứ chợ quê bán ra chợ quận kiếm lời. Từ ngày có cô con gái phụ chạy chợ, gánh rau của má như tươi hơn, bán đắt hàng hơn. Nhờ vậy mà cuộc sống của má con Út Mén có phần dễ chịu hơn.
Dường như ông Trời cũng công bằng với chị Hai của Út Mén, khi bù đắp cho việc chậm chạp chữ nghĩa của chị bằng một năng khiếu buôn bán bẩm sinh. Từ vốn liếng hai gánh rau, chị Hai của Mén quăng bắt đủ cách quay nhanh đồng vốn. Chỉ vài năm sau đó, chị đã đảm đương vai trò trụ cột gia đình thay cho má. Khi đủ vốn sang lại gian hàng chạp – phô chợ quận, chị Hai của Mén nằng nặc buộc má … nghỉ hưu.
- Má để con lo, má ở nhà… hát ru cho Út Mén nó nghe. Nó ghiền nghe má hát ru, còn hơn thiên hạ ghiền ca sáu câu vọng cổ…
Thiệt là, chị Hai hiểu bụng dạ của Mén hết trơn. Có lẽ tại chị thấy Mén hay chạy qua nhà lối xóm nghe bà Tám hát ru cháu ngoại. Giữa buổi trưa hè yên ả, gió đồng nội thổi hiu hiu, giọng hát bà Tám lúc khoan lúc nhặt dặt dìu. Nằm trên sạp tre, Út Mén nghe bà Tám hò miết bắt ghiền còn hơn ong non mê mật:
Ầu ơ!... chim khôn chưa bắt đã bay
Người khôn chưa nói, dang tay đỡ lời…
Trên cánh võng đung đưa, cháu ngoại của bà Tám he hé môi cười. Dưới sạp tre kẽo kẹt, con chó mực khoái chí quẩy đuôi. Đến lúc bà Tám chuyển giọng hò khoan, ngân nga tha thiết:
Ầu ơ!... Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi..
Thì con heo mọi đang ủi đất ngoài vườn, vụt chạy vào chui xuống sạp tre, ngã ịch cạnh con mực già mà… lim dim đôi mắt.
Lần đó, Út Mén nhấm nha nhấm nhẳn với chị Hai:
- Má mình hỏng biết hát ru gì hết trơn hết trọi!...
- Xì!... Mầy mới là đứa hỏng biết gì, má của mình hát ru hay nhất xứ!...
- Em có nghe má hát ru lần nào đâu nà?
- Má hát ru lúc mầy còn ở trong bụng má lận kìa! Từ lúc ba mất, má quanh năm gồng gánh nuôi tao nuôi mầy, còn hơi sức đâu mà hò với hát?
Bây giờ, má con Út Mén có nhiều thời giờ sum họp hơn xưa. Tối tối quây quần bên nhau, chị Hai nhắc má:
- Má hát ru cho Út Mén nghe đi! Má không hát, nó cứ vác xác qua nhà hàng xóm miết …
Má của Mén mỉm nụ cười hiền hòa, nhẹ nhàng chiều ý các con:
Hò ơi!... Sớm mai em ra ngồi bờ cỏ chỉ,
Em suy em nghĩ hột lụy nhỏ tuôn…
Không hiếm nơi tiền vạn lúa muôn,
Em thấy anh nghèo mà có nghĩa,
Nên em thương anh luôn cho vẹn tình…
Cuộc sống êm đềm của má con Út Mén cứ lặng lẽ trôi. Cho đến một ngày…
Thầy giáo Thuần xuất hiện trong ngôi nhà của má con Út Mén. Thầy hiền lành, sống đơn độc, và là khách hàng quen thuộc của chị Hai. Nhân ngày giỗ của Ba, chị Hai mời thầy Thuần dùng cơm với cả nhà. Thầy Thuần có cả một kho kiến thức về phong tục tập quán Việt Nam, có thể thỏa mãn những khát khao hiểu biết của Mén về dòng văn học văn hóa dân gian. Khi đề tài hát ru được khơi mào, thầy Thuần như hòa mình vào không khí ấm cúng của gia đình Út Mén.
Vợ con của thầy Thuần đều tử nạn vì bom đạn chiến tranh. Thầy đang dạy học trên tỉnh, nên mới thoát khỏi trận pháo kinh hoàng chốn làng quê dạo đó. Khi trường công lập quận vừa thành lập, thầy Thuần xin chuyển ngay về. Thầy thích không khí trong lành miền quê, thích tính cách mộc mạc người quê. Thầy yêu người quê, như từng yêu những người thân đã khuất của mình. Út Mén quí mến thầy Thuần lắm! Bởi thầy dạy văn chương, môn học mà Út Mén thích ơi là thích…
Ngày người ta mang trầu cau dạm hỏi chị Hai, thầy Thuần tận tình “tư vấn” cho má và chị Hai cách thức đưa dâu nhà gái, đón họ nhà trai. Chị Hai về ở nhà chồng, ngôi nhà ít người của má con Út Mén càng thêm hiu quanh. Vì vậy, ngôi nhà ấy dường như ấm áp hơn, mỗi khi thầy Thuần ghé qua thăm viếng. Cứ vậy mà dần dà “chú Thuần” trở thành người thân thuộc của má con Út Mén. Chú sửa giúp cánh cổng rào, chú dọi viên ngói bể, chú tỉa gọn giàn bông giấy… Thú vị nhất là, chú Thuần rất giỏi đối đáp hát ru. Thỉnh thoảng chú Thuần còn hát thi với má của Mén nữa…
Đất xấu làm hại kiếp hoa,
Số nghèo làm hại con nhà thông minh…
Chú Thuần khuyên Mén trau giồi ngoại ngữ, để có thể xin du học nước ngoài. Càng ngày Mén càng cảm kích, càng quyến luyến chú Thuần nhiều hơn. Nhưng khi nhận ra tình cảm hai người gửi gấm qua lời hát ru, thì Út Mén tỏ ra hoang mang lo lắng…
Hò ơi! Đó nghèo đây cũng phận nghèo,
Đôi ta như bọt với bèo thương nhau …
Nước mía trong họ nấu lọc thành đường,
Anh thương em anh biết, chớ thói thường có biết đâu?
Cho đến ngày chú Thuần chính thức ngõ lời “chắp nối” nhân duyên với má, Út Mén phản ứng rất dữ dội:
- Không! Chú không thể thay thế ba “tui” trong ngôi nhà này. Chú chỉ lợi dụng tình cảm của má con tui. Chú đừng tới đây nữa, chú xấu lắm!...
Vừa nói, Út Mén vừa gục đầu vô bàn thờ của ba khóc ngất. Má cũng khóc… Chú Thuần thở dài, khẽ khàng nói với Út Mén:
- Chú xin lỗi…
Chú Thuần ít tới nhà Út Mén kể từ hôm đó. Nói đúng hơn, chú Thuần ngại thái độ phản đối quá đáng của Mén. Thi thoảng có việc phải ghé qua nhà, chú Thuần trở nên dè dặt chứ không chan hòa như trước. Má vẫn lặng lẽ chăm sóc Út Mén, chu đáo đặc biệt vào những mùa thi. Từng chén chè sen, từng củ khoai lùi, từng rỗ đậu luộc … má tự tay nấu nướng, bồi bổ cho Mén ăn đêm thêm sức học thi… Thi đậu đại học, Mén phải xa quê lên thành phố trọ học. Mỗi cuối tuần, Mén mới về nhà. Vào mùa thi cử, có lúc Mén vắng nhà cả tháng. Chị Hai của Mén tuy ở gần, nhưng bận rộn buôn bán và chăm lo con mọn, nên chị không thể dành nhiều thời gian cho má … Chiều con gái út, má vẫn hát ru mỗi bận Út Mén về nhà. Tiếng ru của má vẫn thanh thoát, vẫn ngọt ngào… nhưng lời ru càng lúc càng buồn não nuột:
Ầu ơi! Công anh vun quén cây mè,
Mè không ra trái, con chim hòe đậu lên.
Cực lòng lên xuống xuống lên,
Mòn đường chết cỏ, không nên duyên tự trời!...
Má nhập viện cấp cứu lúc Mén đang vào mùa thi. Bệnh viện quận không đủ phương tiện điều trị, nên chị Hai phải chuyển má về thành phố tiến hành phẩu thuật. Chị Hai của Mén cứ chạy như thoi từ nhà đến bệnh viện. Anh rễ của Mén, không quán xuyến nổi, cùng lúc công việc buôn bán và chăm sóc con thơ. Chú Thuần xin nghỉ phép, gần như túc trực chăm lo cho má. Bao đêm thức trắng, chú Thuần ốm rạc người. Tấm chân tình của chú khiến chị Hai của Mén mũi lòng, chị nổi sùng la Út Mén:
- Hồi đó ổng thương má, mầy cứ để ổng về sống chung với má cho rồi! Bày đặt la lối um sùm… Bây giờ má bệnh vậy đó, cả tao với mầy cộng lại có lo cho má được như ổng không?…
- Nhưng em không thích ai thay thế ba mình…
- Không ai thay thế ai được hết. Tao nói thiệt, những lúc má đau bệnh như vầy, cho dù chị em mình có lo cho má chu đáo cỡ nào, cũng không thể nào bằng chú Thuần lo cho má được. Mai mốt có chồng , mầy sẽ hiểu…
Ngay năm đầu đại học, Mén “săn” được một suất học bổng dài hạn ở Hoa Kỳ. Ngày tiễn Mén ra sân bay, má của Mén vẫn còn xanh xao yếu ớt. Nhìn bóng dáng to cao của chú Thuần bao trùm lấy má, Út Mén nghẹn ngào nhưng không thể
bật ra điều Mén đang nung nấu trong lòng: “Chú Thuần ơi, cưới má con đi …”
Đón Mén tại sân bay kỳ nghỉ hè đầu tiên, chỉ có chị Hai của Mén:
- Má đâu chị Hai?
- Về nhà rồi tao nói chuyện …
Út Mén khóc ngất khi bước vào nhà, ruột gan của Mén như bị ai cào xé … Trên bàn thờ ba, giờ có thêm chân dung của má. Chị Hai cũng khóc:
- Má của mình bị ung thư thời kỳ cuối. Ai cũng biết, trừ mầy. Mầy vừa bay sang Mỹ, vài ngày sau má nhập viện cấp cứu lần nữa. Má căn dặn, dù má có mệnh hệ nào cũng đừng cho mầy hay tin dữ. Tao với chú Thuần năn nỉ thế nào má cũng không chịu nghe, biểu để cho mầy học hành cho tới nơi tới chốn. Tao với chú Thuần phải hứa đi hứa lại, má mới yên lòng nhắm mắt ra đi…
Cho đến lúc tàn hơi, má vẫn nghĩ tới tương lai hạnh phúc của con. Vậy mà con nông nỗi, nỡ xua tan hạnh phúc riêng tư cuối đời của má. Trong cơn đau xé lòng, Mén nghe vẳng đâu đây lời ru buồn mênh mang của má:
Ầu ơ! …Tưởng là kèo cột ở đời,
Ai hay cột ngã, kèo rời một phương…
Buổi chiều tháng năm, miền Đông nước Mỹ trời se lạnh. Hai đứa con gái nhỏ của Mén, nằng nặc đòi ba chở đi mua “quà bí mật” về tặng mẹ. Trong gian phòng khách rộng, Mén thu người ngồi áp má vào thành ghế sofa, hướng đôi mắt u hoài nhìn về phía ba chiếc khung ảnh chụp chân dung. Bên cạnh ảnh chụp của ba, là má. Bên cạnh ảnh chụp của má, là … chú Thuần. Không bắt được nhịp cầu chắp nối thương yêu với má của Út Mén, chú Thuần đã sống cô độc cho đến hết cuộc đời. Bây giờ Mén đã công thành danh toại, Mén có người chồng hết mực thương yêu, có một gia đình hạnh phúc với hai đứa con ngoan và xinh, đúng như điều má hằng ước mong cho con gái. Còn điều má từng thầm mong cho má, đến lúc Mén “ngộ” ra tình lý ở đời, thì má không còn cơ hội đón nhận ân tình của chú Thuần được nữa… Nhớ má quá, Mén chợt khe khẽ tự ru mình:
Ầu ơ! Con má có đũa có đôi,
Cuối đời má lại lẻ loi một mình …
Tháng 5/2012
Diệp Hoàng Mai
|