
Có lẽ Xuân Diệu, nhà thơ gốc Bình Định, là người hay viết về xuân nhất! Ông từng gọi máu mình là “máu xuân”:
Cũng may mắn lòng anh còn trẻ quá.
Máu mùa xuânchưa nở hết bông hoa.
(Tình thứ nhất)
Viết về xuân, Xuân Diệu thường “tỏ tình” khá mạnh bạo, làm như là không mạnh, không bạo như vậy thì không thể nào giữ lại được cái mùa thanh niên của trời đất. Đã có lúc ông đòi “cắn” mùa xuân thì cũng có khi ông lại muốn soài người ra mà “níu chân” nó:
Xuân hỡi ! Trời ơi, sắc xuân ơi!
Say mê ta vẫn níu chân người.
Sao mà vội vã đi nhanh quá !
- Hoạ có ta còn quyết trẻ trai.
(Trò chuyện với Thơ Thơ)
Hay có lúc cái anh nhà nghèo làm thơ ấy lại tưởng tượng mùa xuân là cái... kho vô tận:
Sẵn kho xuân, quên cả túi không tiền,
Giày khẳng khái cứ vang trên mặt đất.
(Đêm thứ nhất)
Nhân gian hay nói: tình yêu mang lại mùa xuân. Nhà thơ tình lãng mạn của chúng ta đã “bĩu môi” trước mùa xuân trời đất:
Xuân của đất trời nay mới đến;
Trong tôi, xuân đến đã lâu rồi.
Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi,
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi
(Nguyên đán)
Trong chúng ta, ai mà chẳng nhớ cái hình ảnh Ông đồ già xưa cũ của thi sĩ Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy ông đồ già,
Bày mực tàu giấy đỏ,
Bên phố đông người qua...”
Không hiểu Xuân Diệu có ngụ ý gì không khi đề tặng nhà thơ tác giả Ông đồ già một bài thơ mà từ nhịp thơ, hình tượng thơ cho đến cả cái nhan đề bài thơ đều “nhanh như tia chớp”, đó là bài thơ Vội vàng:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
...
-Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !
Thi sĩ của “tình sầu muộn” là Lưu Trọng Lư vốn vô cùng nổi tiếng bởi Tiếng Thu thì cũng rất tuyệt khi viết Một mùa đông. Trong bài thơ tình mùa đông đặc sắc này, lại xuất hiện một đêm xuân ướt át và đau khổ:
Ai bảo em là giai nhân.
Cho lệ tràn đêm xuân?
Cho tình tràn trước ngỏ?
Cho mộng tràn gối chăn?
“Đêm xuân” ở đây nên hiểu là đêm của tuổi thanh xuân. Còn câu hỏi “ai bảo em là giai nhân?”, chắc là chỉ có trời và
đất trả lời nổi mà thôi!
Xuân đã đem mong nhớ trở về,
Lòng cô gái ở bến sông kia...
Những câu thơ rất quen thuộc trên là của Nguyễn Bính trong bài Cô lái đò đã cho chúng ta một mùa xuân khác: xa cách và nhớ nhung... Nhưng thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính còn một bài thơ khác rất đặc sắc là Mùa xuân xanh. Bài thơ ngắn, hai khổ, tám câu, xin ghi trọn ra đây để thấy cái hay của Nguyễn Bính mà không cần bình luận:
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng quanh
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh
Một bài thơ xuân thật tuyệt!
Nhà thơ của bệnh nan y và đau khổ Hàn Mặc Tử lại có nhiều bài thơ xuân rất hay như Sầu xuân, Xuân đầu tiên, Mùa xuân chín... Nhưng bài thơ ghi đậm trong lòng người nhất chính là Mùa xuân chín. Bài thơ mang lại cho ta một mùa xuân “ý vị và thơ ngây” : “Sột soạt gió trêu tà áo biếc, Trên giàn thiên lý bóng xuân sang”. Nhưng ngay trong cảnh xuân mơ màng đó, thi sĩ đã thấy sự chín muồi:
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.
Hồ Dzếnh thường được gọi là nhà thơ minh hương, cha Trung Hoa mẹ Việt Nam, nhưng tôi yêu thơ ông vì nó rất “ta”, nhất là những bài thơ mùa xuân trong sáng như Xuân ý, Xuân ở quê em, Xuân đôi ta... Tôi đặc biệt thích bài Xuân ý, thích từ thời mới còn ở tuổi mới lớn. Làm sao quên được những câu thơ đẹp như vầy:
Giữa một giờ thiêng tình rất đẹp
Rất buồn và rất rất thanh thanh
Mày ai bán nguyệt, người ai nhỏ
Em ạ, yêu nhau chết cũng đành!
Một số người nông cạn cho rằng ông Hồ Dzếnh đã phạm phải “húy tự”, trong ngày tư ngày Tết mà “trù” nhau chết. Đâu phải vậy, đó là những câu thơ viết về tình yêu giữa một mùa xuân bất tử của trời đất.
Tháng Giêng, lần giở “cảo thơm”, đọc lại đôi vần thơ cũ cảm thấy mùa xuân quanh ta chưa bao giờ tàn. Vẫn còn rất nhiều thi sĩ viết về xuân, cái mùa của thơ của nhạc, mênh mang và trong vắt. Tôi dừng bút nhấp một ngụm trà và chợt kêu lên: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”.
HÀ THI