Tình cờ đọc được những bài thơ của Ngọc Quyên trên diễn đàn tôi có cảm giác như đã quen nhà thơ lâu lắm, mặc dù tôi chưa hề gặp mặt, quen biết hay liên lạc! Có lẽ nơi Ngọc Quyên tôi tìm thấy sự tỏa sáng trong một cõi riêng được thể hiện qua thi ca.
Ngọc Quyên rất yêu Thơ và trân trọng Thơ, mỗi bài thơ chuyển đến khách đồng điệu là những bài tâm đắc được chọn lọc kỹ càng, để giãi bày một nỗi niềm, tâm tình của tha nhân và cũng là tiếng lòngcủa tác giả. Mỗi nhà thơ đều chọn con đường riêng để đi, Ngọc Quyên chọn Thơ Tình là nguồn sáng tác.
Thơ Tình là thể loại dễ làm nên có rất nhiều người làm. Nội dung của những bài thơ tình từ nửa thế kỷ nay thường na ná nhau, ngôn ngữ trong thơ như một liên khúc, dù cấu trúc có thay đổi. Do đó bài thơ khó hay vì thiếu tính độc đáo! Bài thơ Đò Tình Xa Bến là một bài tình ca dang dở. Thi nhân dùng lối ẩn dụ Thuyền và Biển để diễn tả sự hoài vọng của đợi chờ, như con thuyền mong manh dễ tan biến giữa biển cả.Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn, nhà thơ đã dùng ngôn ngữ chân phương của con tim để diễn tả tâm hồn mà không sáng tạo ngôn ngữ. Nghệ thuật không hẳn lúc nào cũng phải phức tạp, cầu kỳ, nếu chân phương được nghệ sĩ sử dụng một cách tài tình để diễn tả cảm xúc tâm hồn thì đó là nghệ thuật, như những khoảng trống trong hội họa, dấu lặng trong âm nhạc. Ngôn ngữ trong thơ của Ngọc Quyên chứa đầy hình tượng của hội họa, nhà thơ lại pha thêm chút triết lý nhân sinh để câu thơ thêm sâu lắng. Đó là bức tranh bằng lời.Theo dòng thơ vào ngõ suy tư của Ngọc Quyên để nghe nhà thơ thổn thức. Nhìn toàn cảnh: Chiều tà, biển lặng, sóng nhấp nhô, tình ẩn trong ý tạo nên bức tranh đẹp! Sóng ở đây là sóng đời, và sóng do gió chiều làm gợn nhấp nhô. Nhà thơ ví sóng biển là cuộc đời, còn tác giả chỉ là chiếc thuyền mong manh trên sóng nước bao la chẳng biết sẽ trôi về đâu, ghé về đâu? Chất triết lý nhân sinh được nhà thơ gởi trong đó. Nhà thơ đã tỉ mỉ chọn lựa con chữ pha thêm sắc màu để ngôn ngữ chân phương trở thành hình tượng.Trời xanh, nắng vàng, mây trắng, nước biếc, những khoảng không gian thật xa cách nghìn trùng vốn đã sẵn tương hợp trong thiên nhiên theo quy luật của tạo hóa. Ở đây nhà thơ biến nó thành nghệ thuật, gom những hình ảnh trời, mây, nước phối cảnh để cùng hợp thể, hòa sắc màu diễn tả nỗi lòng thi nhân. Trong thi ca về phương diện mỹ học những điệp ngữ thường ít được sử dụng vì nó chiếm chỗ trong số câu, thừa chữ làm nghèo ngữ nghĩa, nhưng điệp ngữ được sử dụng đúng vị trí câu thơ sẽ làm tăng giá trị câu thơ về mặt ý tưởng cũng như nhạc điệu.
Trong bài Đò Tình Xa Bến, nhà thơ có sử dụng những điệp ngữ:
«Mây vờn quanh vờn quanh,…Ôi ngàn năm ngàn năm» là những ẩn dụ diễn tả mối sầu mênh mang vương trong hồn thi nhân chưa tìm được lối thoát. Ngôn ngữ được lập lại ở đây là thanh âm, là nhạc thơ của giai điệu tạo nhịp kết nối mạch thơ diễn tả nỗi sầu giăng như mây mà thời gian cứ dần trôi về miền miên viễn.