nguyen_toan
|
Trước khi bước vào chung kết: giải đâu có giải lạ kỳ !!!
Nguyễn Khanh, biên tập viên RFA, Nam phi 2010-07-08 Từ lâu lắm rồi, thế giới đã lên án rất nhiều môn thể thao.
Boxing được xem là “trò tàn nhẫn” vì các võ sĩ đấm nhau đến sưng mày sưng mặt, có khi bất tỉnh nằm ngay đơ trên sàn, đưa ngay vào nhà thương cũng không cứu sống được, trong lúc khán giả tim đập thật mạnh, đã có người xem chưa xong trận đấm thì về chầu trời.
Ở Nam Phi nói riêng và Châu Phi nói chung, có hẳn những tổ chức chuyên hướng dẫn săn bắn, khách từ xa sẵn sàng bỏ ra cả chục ngàn dollars để đi săn thú hoang dã. Các tổ chức bảo vệ thú rừng cũng lên án, gọi đây là môn thể thao tàn nhẫn vì người tham dự xem trò giết chóc là thú vui.
Thế còn World Cup thì sao? Có tàn nhẫn không? Nếu tàn nhẫn thì có nên lên án hay không?
Bốn năm trước đây trong bữa tiệc khoản đãi các nhà báo ở Munich, ông Chủ Tịch Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới (FIFA) Sepp Blatter hãnh diện bảo khi nói đến World Cup, người dân toàn cầu không chỉ nghĩ đến các trận banh xảy ra trên sân, mà “là cơ hội để cả thế giới cùng nhau chung vui”. Ông Blatter còn khoe không có một môn thể thao nào “giúp mọi người đến gần với nhau cho bằng môn bóng tròn”, bảo thêm quả đất tròn nuôi sống mọi người, “trái banh tròn đem niềm vui đến cho mọi người”.
Nhưng ở World Cup Nam Phi 2010, xen kẽ với niềm vui là những “thiên tai” trên sân cỏ mà người dân khắp nơi phải gánh chịu. Khởi đầu với cảnh “tang thương” của hội tuyển Pháp ở vòng bảng và khi về lại Paris, sau đó là cảnh tượng người dân quốc gia chủ nhà ôm nhau khóc nức nở ở sân và hầu hết các ngã đường khi thấy Bafana Bafana không vào được vòng 16, nước mắt chưa nguôi thì đến lượt ông đương kiem vô địch Italy cũng xách gói ra đi.
Cả ông Pháp lẫn ông Ý không chỉ về nước, mà còn ra về trong danh nghĩa của những hội đứng cuối bảng, không thắng được trận nào, chẳng khác gì hội tuyển “lót đường” Bắc Hàn. Sau đó là tới cảnh người dân quốc gia thủy tổ của môn bóng tròn cũng thẫn thờ khi thấy hội tuyển quy tụ toàn siêu sao nhưng không dựng nổi ánh mặt trời ở vòng 16. Tất cả những khuôn mặt nổi bật như Ronney, Lampard, Cole hay Ferdinand đều là những bóng mờ dưới ánh đèn của sân Free State Stadium.
Gần hơn nữa là những khán giả hò hét đến khản cả cổ để ủng hộ Brazil hay Argentine đều đứng ngẩn người khi nhìn thấy hai hội tuyển tiêu biểu cho nghệ thuật nhồi bóng của thế giới phơi áo ở vòng tứ kết. Những trận banh này đã “giết chết” biết bao nhiêu người, “chết” vì niềm hy vọng tiêu tan cũng có, “chết” vì sạt nghiệp cũng có.
Không chỉ “chết” vì những bất ngờ do các hội tuyển gây nên, dân mê bóng tròn khắp nơi còn “chết” theo từng cầu thủ một. Trước ngày Giải bắt đầu, thế giới phân vân không biết nên chọn Messi hay Cristiano Ronaldo để trao giải vua phá lưới, chẳng ai ngờ người hùng kiêm cầu thủ bóng tròn hay nhất thế giới Ronaldo chỉ ghi được có mỗi một bàn thắng trong trận mưa banh trước khung gỗ của Bắc Hàn. Thành tích tệ đến độ chính anh cầu thủ đẹp trai của Bồ Đào Nha phải thốt lên câu “tôi bây giờ đang có cảm giác của một người bị phá sản”, trước khi rời Johannusburg để lên đường về nước.
Lionel Messi thì sao? Người hùng của Argentina không cho biết có cảm giác phá sản hay không, nhưng hình ảnh anh gục đầu vào vai ông Huấn luyện viên Diego Maradona khóc tức tưởi là hình ảnh sẽ còn được nhắc đến sau này khi nói tới World Cup 2010. Nổi bật ở 4 trận đầu, nhưng trở thành “vô nghĩa” ở trận gặp Đức tranh tứ kết là điều chắc anh sẽ chẳng bao giờ quên được.
Không chỉ Messi, ngay cả ông Huấn luyện viên Maradona cũng thế. Trước ngày đi Nam Phi, báo chí Argentina gọi ông là “El loco” có nghĩa là “thằng cha điên”, sau những chiến thắng ấn tượng, người dân nước này xưng tụng ông là “El Dios”, có nghĩa là “Thượng Đế” vì họ nhìn thấy khá rõ Argentina sẽ đem cúp vô địch về nước. Trước khi bước ra sân gặp Đức ở tứ kết, ông ta còn bảo với dàn phụ tá là “sẽ dạy cho các cầu thủ Đức bài học căn bản về đá banh, và cho nước Đức biết thế nào là cảnh trốn chui, trốn nhũi”. Ba giờ đồng hồ sau đó khi nhìn thấy “Thượng Đế” trong cuộc họp báo, các ký giả bảo với nhau “ông ta nhìn như kẻ không mất trí thì cũng mất hồn”. Mới lãnh xong 4 trái bom do Đức thả, làm sao không mất hồn, mất trí.
Những điều vừa nêu là những gì đã xảy ra ở World Cup Nam Phi 2010. Đồng ý cuộc tranh tài thể thao nào cũng phải có kẻ thắng người bại, nhưng không có World Cup nào có những cảnh tượng kinh hoàng và tàn nhẫn như World Cup năm nay.
Rõ ràng trong gần một tháng qua, World Cup Nam Phi không chỉ là nơi để mọi người cùng reo hò với quả banh, cũng không chỉ là nơi tiếng tù và vuvuzela làm cả thế giới bực mình, mà còn là địa điểm gây nên hết “thiên tai” này đến “thiên tai” khác. Những cảnh tượng nghẹt thở, giết người này đã liên tục xảy ra trên sân, kéo dài từ ngày trận mở màn hôm 11 tháng Sáu đến giờ, và chắc chắn sẽ diễn ra vào ngày 11 tháng Bảy tới đây, khi 2 hội tuyển của Châu Âu ra sân tranh chung kết. Ngay chính những cuộc nghiên cứu y học cũng xác nhận đường banh và kết quả trận cầu ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, túi tiền, lẫn mái ấm gia đình của người xem, và đã nói tới ảnh hưởng thì xấu nhiều hơn tốt, tiêu cực nhiều hơn tích cực.
Không dám một mình vội vã đưa ra kết luận, nhưng hình như bóng tròn cũng là một trong những môn thể thao tàn nhẫn chẳng khác gì môn boxing, khán giả tim cũng đập thật mạnh y hệt như thợ săn ở Châu Phi khi nhìn thấy con mồi muốn bắn; ngay cả chuyện khán giả chết vì đứng tim khi thấy hội tuyển họ ủng hộ thua hay thắng cũng là chuyện khá thường xảy ra.
Thế mà tại sao thế giới cứ đòi cấm những môn thể thao tàn nhẫn khác, mà chưa nghe ai đề nghị cấm đá banh?
|