Em là Nguyễn Văn Hà ở Melbourne bên Úc (cùng thành phố với anh Minh bạn học cũ của cô ở đại học VN hồi trước). Khoảng nửa năm trước em có viết qua lại tin tức với cô, cô nhớ chưa?
Lâu quá không viết thăm cô, em chúc cô năm mới nhiều sức khoẻ (em chỉ chúc đơn giản vậy thôi, vì em biết các thầy cô, và cả học trò nữa, bây giờ chỉ cần khoẻ mạnh là đầy đủ lắm rồi, phải không cô?)
Từ hôm chuyện trò với cô đến giờ, em cũng định khi nào nhà cô bớt khách một chút để cô rãnh rỗi em vô thăm cô, nhưng chờ hoài mà coi bộ nhà cô lúc nào cũng đông khách, nên hôm trước có cô KN và cô Tv giới thiệu "Mạ Vân Trang", em mới đón xe đến nhà cô, nhưng chỉ đứng lớ ngớ ngoài đường nhìn vào!
Rồi em thấy cô xuất hiện trong ban MTV, cô ca ít mà cười nhiều, nên em thấy phấn khởi bước vào trong sân. Từ ngoài cửa em nghe loáng thoáng nhạc vọng cổ, rồi lại nghe khách khứa của cô (PTr, TL, HH...) bàn bạc về cải lương, vọng cổ. Mà em lại có tật mê cải lương. Vọng cổ là món ăn tinh thần ruột của em (gần như ăn mỗi ngày), nên kỳ này em bạo dạn đường đột gõ cửa bước vô nhà thăm cô đây.
Được biết cô cũng thích cải lương, vọng cổ, em có sưu tầm một số tài liệu và trích ra những ý chính, ý lạ về lịch sữ cải lương, vọng cổ cho cô và cả nhà xem chơi:
Chuyện Lạ Nhưng Có Thật về Vọng Cổ 1/ Khi Vọng Cổ bắt đầu khoảng năm 1920 ở Bạc Liêu, Lục Tỉnh, người ca vọng cổ phải ca bằng giọng Bắc. Có lẽ vì vọng cổ có nhiều phần giống điệu Hành Vân (một điệu hát miền Bắc). Tài tử dùng giọng Bắc ca vọng cổ như vậy trong suốt 10 năm. Mãi đến năm 1930, vọng cổ mới đổi qua giọng Nam!
2/ Ai cũng biết ông tổ của vọng cổ là ông Cao Văn Lầu quê quán ở Bạc Liêu. Năm 27 tuổi bác Sáu Lầu sáng tác bản "Dạ Cổ Hoài Lang" (Dạ cổ nghĩa là "nghe tiếng trống đêm", hoài lang là "nhớ chồng") để diễn tả tâm sự bà vợ của ông ở quê nhà nhớ ổng!
3/ Bản này rất giản dị, chỉ có 2 nhịp.
(Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng...)
Từ đó các nhạc sĩ khác bắt đầu tăng cường số nhịp và điệu lên nhịp 4, 8, 16, 32, 64. Ở lớp tuổi chúng ta, có lẽ mọi người quen nhất là kiểu 32 (tiêu biểu là kiểu ca của Phùng Há, Út Trà Ôn, Hửu Phước, Thanh Nga...) và 64 (Hương Lan, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ...)
Những năm gần đây, có phong trào nhịp 128 (bạn có nghe cô Kiều Oanh, nữ kịch sĩ hài, ca vọng cổ chưa, đại khái nhịp 128 là như vậy): câu vọng cổ trở thành dài lê thê, nghe mệt lắm!
Nếu đã quen nghe vọng cổ từ khoảng năm 60-72, có lẽ bạn sẽ không chịu được kiểu mới này đâu!
4/ Mặc dù vọng cổ đã bắt đầu từ 1920, và có rất nhiều thể điệu, nhưng kiểu ca mà trong đó ca sĩ xuống câu "thật mùi" và khán giả thường vỗ tay ở ngay thời điểm đó, phải đến 25 năm sau, năm 1945 mới có (Kiểu này là do nghệ sĩ Nam Nghĩa chế). Người ca sĩ đầu tiên ca kiểu này là Út Trà Ôn, rồi đến Hửu Phước.
Kể từ đó khán giả mê mệt lối ca này.Về sau nó trở thành một cách ca chính yêu trong 6 câu vọng cổ từ đó.
5/ Một thời gian sau, chữ "Dạ Cổ Hoài Lang" trở thành "Vọng Cổ Hoài Lang".
Cuối cùng nó được thu gọn thành "Vọng Cổ" cho đến bây giờ
6/ Bản thủy tổ của nhạc Vọng Cổ, "Dạ Cổ Hoài Lang" của ông Sáu Lầu có lần được trình diễn trong một đại nhạc hội theo kiểu nhạc kích động "rock" ở Việt Nam khoảng năm 2006. Lạ lùng thay là các tông nhạc của bài vọng cổ nguyên thủy này rất phù hợp với nhạc rock!
7/ Các nhà nghiên cứu âm nhạc thế giới, rất ngạc nhiên thắc mắc tại sao vọng cổ Việt Nam là loại nhạc "opera" duy nhất trên thế giới mà nhạc "melody" cố định (Tuồng nào cũng dùng một kiểu nhạc, radio, TV phát cùng 1 thứ nhạc) chỉ có lời là thay đổi thôi, vậy mà cả một quốc gia đều mê mệt, nghe hoài từ ngày này sang ngày khác không chán!
8/ Theo ý kiến của vài người bạn hiểu nhiều về nhạc vọng cổ VN, số người Bắc và người Trung thích vọng cổ NHIỀU hơn người Nam!!! Đọc trong quyển "Lonely Planet, Du Lịch VN", họ cho biết là ở Hà Nội mỗi đêm có hơn 3 rạp cải lương trình diễn một lúc! Trong khi đó ở Saigon thì hình như ít rạp cải lương hơn!
9/ Các bạn có biết tại sao người ta dùng chữ "Gánh Cải Lương" không?
Đó là tại vì hồi xưa, phương tiện chuyên chở hạn chế, mỗi khi một đoàn cải lương di chuyển từ rạp ở một thị xã này sang thị xã khác, ông bầu, đào, kép đều phải "gánh" các nhạc cụ, y phục trình diễn trong 2 cái thúng mỗi đầu gánh! Cảnh tượng đó làm cho người ta đặt tên là "Gánh Cải Lương"!

10/ Khác biệt giữa vọng cổ và cải lương: vọng cổ căn bản đời nay có 6 câu (mỗi câu khá dài so với tân nhạc) nên người ta hay kêu là ca "sáu câu vọng cổ".
Trong khi đó chữ cải lương thường để gọi cho cả một vở tuồng dài hơn 2 tiếng (dĩ nhiên là nó bao gồm hết các kiểu ca vọng cổ)
11/ Các nam nghệ sĩ (nhạc sĩ cũng như ca sĩ) ngày xưa hay có tên hiệu bắt đầu bằng chữ Văn: Văn Vĩ (đàn cò), Văn Chung, Văn Hường...(Em tên Nguyễn Văn Hà cô ơi!)
Từ đó trong Nam, người ta có khuynh hướng ghép chữ Văn để gọi tên bạn, không cần biết tên lót của người đó là gì. Thí dụ nhà thơ Đỗ Thế Tài ở ngoài đời sẽ được gọi là Văn Tài, nhà nhạc Thích Đại San được gọi là Văn San....
(Người Nam, như em đây, có tật lạ, là đã không phát âm "V" mà cứ xài chữ V rầm rầm cô à: Gò Vấp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bắc Vàm Cống...)

Dạ thôi để cuối tuần em sẽ kiếm một bài vọng cổ về Huế để em ca cho cô và cả nhà nghe chơi!