Sao lâu quá các môn đệ trong mục "Viết Văn Sống" chạy trốn đâu mất tiêu rồi vậy!
Thôi để tôi khơi lại bằng một đề tài mới về một khía cạnh nhỏ nhưng rất hào hứng trong cách xử dụng tỉnh từ và trạng từ trong thi văn Việt Nam.
Từ lâu, tôi nhận xét là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho văn thi sĩ VN, kể luôn cả các quí vị văn thi sĩ trong d/đ LVD, sáng tác ra những tác phẩm thơ, văn rất tuyệt vời là nhờ cách dùng chữ rất độc đáo trong bài viết của họ. Một trong những loại chữ mà họ xử dụng rất thường là TỈNH TỪ và TRẠNG TỪ.
Mà các bạn có để ý là tiếng Việt mình có những "khuôn khổ" hay "luật bất thành văn" rất ngộ nghỉnh không?
Thí dụ như nếu muốn "làm giảm cường độ" một cái gì đó, tiếng Việt Nam mình lại "double" chữ đó!
Chẳng hạn như muốn diễn tả cho màu sắc nhạt lại, tiếng Việt mình lại chơi luôn một lúc 2 chữ của màu đó:
TRẮNG ==> TRẮNG TRẮNG (Ít trắng hơn!)
ĐEN ==> ĐEN ĐEN (Ít đen hơn!)
VÀNG==> VÀNG VÀNG (Ít vàng hơn!)
XANH==> XANH XANH (Ít xanh hơn!)
Và sau đây là ngoại lệ. Những ngoại lệ này là then chốt mà các văn sĩ, và nhất là thi sĩ xử dụng tối đa để làm cho văn thơ của họ đọc nghe bay bướm, bàng bạc hơn:
ĐỎ ==> ĐỎ ĐỎ (Ít đỏ hơn, VĂN NÓI) ===>
ĐO ĐỎ (VĂN VIẾT)
TÍM ==> TÍM TÍM (Ít tím hơn, VĂN NÓI) ===>
TIM TÍM (VĂN VIẾT)
CHẬM ==> CHẬM CHẬM (Chậm hơn, VĂN NÓI) ===>
CHẦM CHẬM (VĂN VIẾT)
NẶNG ==> NẶNG NẶNG (Ít nặng hơn, VĂN NÓI) ===>
NẰNG NẶNG (VĂN VIẾT)
Điều đó chứng tỏ rằng tiếng Việt mình có khuynh hướng "âm nhạc" rất tự nhiên, rất phù hợp với tiếng thơ. Tôi phân tích như sau:
1. Vần bằng thì điệp thanh (double) - chữ không thay đổi
như "Trời hồng hồng, sáng trong trong"
2. Vần trắc thì cho vần bằng vào trước
như tim tím, be bé, nằng nặng, nhè nhẹ, nho nhỏ, lơn lớn, se sẽ v.v.
Màu mè kể trên coi vậy mà cũng ...màu sắc lắm, như:
Đỏ loét, đỏ hỏn, đỏ lòm,
Đen thui, đen tuyền, đen huyền, đen sì, đen thùi lùi, đen ngòm, đen kịt...
Chó đen thì gọi là chó mực, Mèo đen là mèo mun, gà đen là gà ác, bò đen là bò hóng, mực đen là mực tàu, ngựa đen là ngựa ô, tóc đen là tóc huyền , tóc nhung..
Vàng khè, vàng ửng, vàng vọt,
Trắng toát, trắng bạch, trắng bệt, trắng ngần,
Xanh xao, xanh mét, xanh như tàu lá, xanh máu mặt, xanh gân, xanh dờn
Nhiều khi hai màu trộn lại với nhau thì lại có nghĩa hoàn toàn khác, không còn liên quan gì tới màu sắc cả, như
Đỏ Đen = lại có nghĩa là cờ bạc,
Trắng Đen = lại có nghĩa là rõ ràng !!!
Có những chữ tự nó là "phản nghĩa" với nhau, nhưng khi được xử dụng thành chữ kép, nó lại có cùng nghĩa, thí dụ:
ẤM và LẠNH, phản nghĩa
nhưng
ÁO ẤM và ÁO LẠNH, lại đồng nghĩa!
Tương tự, THẮNG và BẠI, phản nghĩa
nhưng
"Chúa Nguyễn đánh thắng Chúa Trịnh"
đồng nghĩa với
"Chúa Nguyễn đánh bại Chúa Trịnh!"
Thiệt tình, tất cả chúng ta đều nói và viết tiếng Việt bao nhiêu năm nay rồi mà vẫn còn thấy nó lạ lùng, ngộ nghĩnh quá, phải không các bạn !!!
Tôi thường so sánh viết văn, làm thơ cũng không khác nào đi đánh trận: số vốn chữ nghĩa cũng giống như súng ống, đạn dược; càng dồi dào từ ngữ thì cũng giống như đoàn quân càng được trang bị vũ khí mạnh mẽ.
Nhưng dĩ nhiên là muốn đánh "thắng" (hay "đánh bại") địch quân, ta còn cần phải có chiến lược hành quân (BÚT PHÁP HÀNH VĂN!)
Tuy nhiên, có chiến lược hay mà ra trận tay không, hay đeo súng mà bỏ quên đạn ở nhà thì cũng không làm ăn gì được!
Thôi, tui xin tạm dừng ở đây, kỳ tới sẽ bàn thêm về các khía cạnh đa dạng khác của tiếng Việt mình !
Cheeeeeeeers,
NV Hà
