
Choạng vạng tối, gió bắt đầu thổi mạnh đem mây đen phủ kín bầu trời. Hơi nước toả khắp không gian, vạn vật làm da thịt, tóc tai mọi người rít lại trong cái nóng hâm hấp cuối ngày. Xa xa , bầy chim tan tác bay vội về tổ . Bỗng vài tia chớp nhoáng lên, vẽ ngoằn ngoèo trên nền trời đen thẫm với các đám mây nhấp nhô quái dị. Thêm vài tia sáng khác loé mạnh hơn, xoắn vào nhau .
Ù. n. g. . . .o. à. n. h. . . . liên tiếp những tiếng sấm vang dội chạy từ hướng này, râm ran dồn ra hướng kia. Không gian cơ hồ chực nổ thành muôn mảnh. Cuối cùng rồi cơn mưa cũng ào xuống vùi đất trời vào nhạt nhoà, tăm tối. Gió mạnh thêm, cây lá ngả nghiêng quất vào nhau bần bật như tiếng nhạc khởi đầu cho điệu vũ cuồng loạn của lũ ma qủi.
Trong xóm nhỏ, những hạt mưa nện lộp độp trên mái nhà cũ mèm của gia đình ông Tư. Mấy ngọn đèn vàng vọt rũ xuống từ trần nhà. Trên bàn ăn cạnh bếp, ông bà Tư , Tâm, thằng con trai lớn và Xuân, Lan, hai đứa em, vừa xong bữa tối.
Bỏ đũa xuống, ông Tư đứng lên cầm tách trà ra ngồi xuống ghế bành trong phòng gia đình cười nhẹ :
Mưa gío thế này có đứa nào đi chơi không ?
Trời này mà đi đâu. Ở nhà cho khoẻ. Bà Tư hớt lời.
Con chưa biết, hết mưa là đi liền. Thằng Tâm lửng lơ, không bỏ cuộc.
Không đi thì hơi uổng, nhưng mưa thế này mất vui chắc con không đi đâu. Xuân lắc đầu ngán ngẩm.
Chị Xuân không đi con cũng không đi. Lan hùa theo.
Hai cô dẹp chén bát trên bàn ăn bỏ vô máy rửa chén, lau bàn. Bà Tư ngồi xuống ghế :
Ờ . . . ông mở Ti vi lên , đài số 6 có phim Xác Ướp Trở Lại, tức The Mummy số hai đó. Tháng này ma hành, qủi ám, phù thủy xuất hiện . . . lại mắc mưa thì coi phim xác chết sống lại cho mấy đứa nó đỡ ghiền cũng tạm được.
Cả nhà như chấp nhận lời má, lần lượt ngồi xuống salon theo dõi phim Xác Chết Trở Lại vừa bắt đầu vài phút . . .
Mới vô là khúc dạo đầu bằng chuyện xảy ra khoảng năm ngàn năm trước, khi Vua Bọ Cạp (do tay đô vật bỏ nghề Dwayne Johnson thủ vai), người luôn đeo cái lắc khổng lồ bằng vàng, với hình dạng con bọ cạp lớn trên cổ tay, đem quân đi đánh trên cõi trần. Nhưng sau 7 năm, đạo quân này thua không còn manh giáp, chạy lạc vào vùng sa mạc Ahm Shere rồi từ từ cùng nhau chết dần, chết mòn dưới sức nóng thiêu đốt và đói khát. Riêng vua Bọ Cạp bằng lòng thề qui thuận Anubis, thần mình người đầu sói cai quản cõi âm, để đổi lấy sức mạnh hầu có ngày trở lại phục thù. Anubis đem dấu vua Bọ Cạp dưới ốc đảo xanh mát có kim tự tháp, rồi cho phép thống lãnh một đạo quân đi chiếm hết Ai cập. Xong việc, thần trở mặt, giữ vua Bọ Cạp và quân lính ở lại luôn.
Thời gian trôi như cát bay mịt mờ, tàn bạo giữa những cơn bão sa mạc . . . Năm 1933, Rick (Brendan Fraser), Evelyn (Rachel Weisz) dẫn con trai Alex đi thám hiểm, khảo cổ và tìm được cái lắc khổng lồ bằng vàng hình bọ cạp trong kim tự tháp tại khu Thebes, Ai cập. Gần đó, nhóm tà phái Ai cập thờ Imhotep cũng đào được xác ướp của hắn và quân lính. Nhờ phu phen mách bảo, họ cũng biết cái lắc bọ cạp đã bị toán thám hiểm người Anh đào được nên nhất định lấy lại bằng mọi giá.
Trở về nhà ở Luân Đôn, cậu bé Alex nghịch ngợm, tròng cái lắc bọ cạp lên cổ tay thì bị khóa luôn trên cổ tay, không tài nào gỡ ra được . Nhờ cái lắc ma quái, Alex có thể nhìn thấy rõ con đường xa xôi hàng ngàn dặm đưa tới Anubis, sào huyệt của thần mình người đầu sói. Trong lúc vợ chồng Rick chưa kịp nghỉ ngơi thì nhóm tà phái đã đột nhập vô nhà để cướp cho bằng được cái lắc bọ cạp oan nghiệp. Trong khi hỗn chiến, Evelyn bị chúng bắt về viện bảo tàng Luân Đôn để tế sống cho xác ướp Imhotep được hồi sinh. Rick, ông anh vợ và bạn trong nhóm bảo tồn di tích lịch sử cũng đuổi tới. Dưới đại sảnh của viện bảo tàng, xác khô của Imhotep bắt đầu sống lại, đứng dậy làm phép cho các âm binh cũng được hồi sinh theo . . .
Bên ngoài trời vẫn mưa, gió vẫn thổi. Một tia chớp loáng lên.
Oành . . oành . . oành . . !
Mấy tiếng sấm kêu thật lớn nghe như bom rớt ngay trên nóc nhà ! Màn hình lao chao, lẹt xẹt và co lại chỉ còn một tia sáng xanh rồi biến mất. Đèn đóm tắt ngúm , bóng tối ùa tới.
Ủa ! Cúp điện. Tâm la lên
Đang tới hồi con ma sống lại thì cúp điện. Lan tiếc rẻ.
Lãng xẹt à . . .Xuân nhăn nhó
Ông Tư vén màn cửa nhìn ra ngoài sân. Mưa vẫn rơi đều đặn. Bên ngoài cũng như trong nhà nhuộm một màu đen .
Mưa to, gió lớn lại sấm, sét. Giờ tới cúp điện ! Ông Tư chặc lưỡi. Bà kiếm cái đèn cầy coi.
Từ từ tôi mò đi đây. Mấy đứa vô phòng lấy đèn pin ra . Coi chừng đụng tường u đầu đó.
Bà Tư đứng lên, lấy tay quơ quơ phía trước, lần về hướng bếp. Tiếng ngăn kéo mở ra, đóng vô lịch kịch. Rồi nghe que diêm quẹt lên kêu xẹt xẹt. Mùi diêm sinh xông khen khét, ngọn nến cháy lên. Ánh sáng leo lét toả ra lung linh nhẩy múa làm căn phòng mờ ảo thêm.
- Có ánh sáng rồi . . . Lan la lên
Còn nữa không ? Sao vẫn tối
Hết rồi, kiếm mãi chỉ còn một cây này thôi.
Tiếng đèn pin bấm lách cách. Tiếng đập tới đập lui lọc xọc để vớt vát cho cục pin sáng lại.
Đèn pin cũng hết pin luôn rồi. Phải mua thêm cả pin nữa.
Uổng qúa phim đang hay, tới khúc âm binh vùng dậy tấn công.
Hừ . . .mấy xác chết thấy ghê qúa. Tối nay chắc ngủ không được rồi vì sợ ma.
Được rồi . . . thích truyện ma qủi để ba kể chuyện hai lần ba gặp âm binh thật sự cho mấy đứa nghe.
Ông Tư ôn tồn nói.
Ủa . .sao chẳng bao giờ nghe ba nói chuyện này ? Xuân hỏi
Có bao giờ tụi bay dư thời giờ ngồi nghe đâu. Nào là . . .đi học, lên computer, coi ti vi, đi chơi . . . Chỉ duy nhất bữa nay kẹt mưa gió, cúp điện, không đi đâu được phải ngồi nhà coi phim ma qủi được nửa chừng thì mới có dịp kể chuyện ma thật sự.
Vậy chớ ba . . ba . . .
Thôi đừng hỏi nữa, để ba kể đi. Tâm ngắt lời Lan.
Ông Tư hít một hơi lấy trớn :
Ừ . . .chuyện ba gặp âm binh này là chuyện có thật . Nhưng không bao giờ ba kể cho ai nghe trừ một hai ông bạn rất thân vì nó rất khác thường, khó tin, nhưng hoàn toàn có thật. Ba không muốn người ta nghĩ mình ba xạo.
Rồi ông hắng giọng nhè nhẹ :
Lần thứ nhất có lẽ vào năm 1964, lúc ba khoảng 15, 16 đang học đệ tam, giờ kêu là lớp 10. Dạo đó nhà ông bà nội đã dọn ra khu chợ chiều ở ngã tư An-Sương, ven làng Bà Điểm được ba năm. Mấy đứa bạn và ba thuộc loại ưa thể thao, hoạt động. Ngoài chuyện đá banh còn rủ nhau vô làng học võ.
Thời đó vùng này có nhiều thầy võ như ông Chín Sâu, ông Tám, ông Sáu Qưới. . . Nhưng có lẽ trong các lò võ thì ông Chín ở Bà Điểm là người có đông học trò nhất.
Từ lâu, học võ ở nhà quê không tốn tiền, vô vị lợi, không nặng về thương mại như bây giờ. Học trò nhà giầu lâu lâu đem vài giạ lúa đến tặng thầy. Còn đa số nhà nghèo chỉ chẳng cần gì hết. Sau khi thầy coi giò coi cẳng sơ sơ và chấp nhận, ít ngày sau phải mang con gà hay một lít đế vô để cúng tổ làm lễ nhập môn. Thường thường nhà thầy luôn có chừng 5, 10 đệ tử tập dượt nên con gà phải đem nấu cháo mới đủ cho mọi người cùng nhâm nhi, thưởng thức. Làng Bà Điểm nổi tiếng với 18 thôn vườn trầu nên nhà thầy, giống như nhiều nhà khác, luôn có vườn trầu rộng chừng vài mẫu. Trước khi tập võ vào buổi chiều, các học trò vô lấy gầu múc nước giếng lên để tưới hàng chục luống trầu và cây trái khác . Trước là trả công thầy dậy võ bằng sức lao động , sau là vận động mạnh cho bắp thịt nở nang, mạnh mẽ và dai sức.
Ba nói hoài mà chưa thấy chuyện ma gì hết ? Xuân nóng lòng.
Từ từ vì chuyện này nó ăn qua chuyện kia mà. Ba, bốn thằng bạn theo học ông Chín và ông Sáu. Tánh không thích nơi đông đảo nên ba đem một lít rượu đế, mua bằng tiền để dành rất lâu, đến xin học với ông Tám, vì ông có rất ít đệ tử. Ông dặn sơ về cách thức cúng tổ mà nghe xong ba cũng hơi giật mình, và dặn hai bữa sau tốt ngày trở lại.
Ổng dặn gì mà ba hết hồn ? Lan tò mò
Ông Tư dơ tay ra hiệu như kêu cô con gái chờ chút xíu :
Đúng hai ngày sau ba trở lại. Ông dẫn ra trước điện thờ nằm trong căn phòng nhỏ riêng biệt phía trước, ngay sau cánh cửa. Phòng này được ngăn riêng với cả căn nhà bằng một bức tường ngang, chứ không nằm chung ở giữa như những nhà Việt-Nam bình thường khác, chứng tỏ ông tôn trọng triệt để việc thờ phượng . Điện thờ có hai bàn thờ. Một trưng bầy bình bông, nhang đèn, hộp trầm . . . trên đặt khung hình của hai, ba vị nữ thần trông khác thường như Ấn Độ hay Miên gì đó. Ba nghĩ có lẽ hơi giống như người ta thờ trên chùa Bà của người Chà. Đối diện là bàn thờ Phật.
Ông kêu ba hãy yên tâm và tin tưởng sẽ được phù hộ, đoạn cởi áo ra để quấn, cột bùa ngũ sắc quanh ngực làm mấy vòng . Xong, ông cầm nhang vái bên bàn thờ Phật trước. Quay lại khấn trước bàn thờ Bà, ông tiếp tục cầm nhang quơ qua quơ lại như vẽ bùa và nâng lên trên đầu lâm râm khấn vái thêm một lúc nữa. Tiếp theo, ông quơ vài vòng nhang khói quanh người ba. Sau đó, ông quay ngang và ra hiệu cho ba cũng quay sang đối diện. Ông cắm nhang xuống, mở gói giấy cầm con dao bầu lên và dặn ba phải kêu Mô Na Na Ma Ta Ra liên tiếp trong khi ông chém lên ngực ba 8 lần. Với vẻ mặt thật nghiêm trọng, đôi mắt sáng quắc như điện, ông cầm dao chém thật lẹ 8 nhát từ khoảng lồng ngực trên hai núm vú lên đến bên dưới xương quai xanh. Ba còn nhớ rõ mồn một từng tiếng dao chặt kêu bụp bụp trên da thịt mình, như tiếng rựa chặt trên vỏ dừa . Những sợi dây ngũ sắc rơi lả tả xuống. Có sợi vẫn dính trên ngực ba cùng với tám vết dao rớm máu như bị lưỡi lam rạch trên ngực. Nhưng đặc biệt ba không hề cảm thấy đau đớn và lưỡi dao không ăn sâu vào da thịt !
Ui . .cha . . .ba kể nghe ghê qúa
Vậy là ba được phù hộ nên chém không đau ?
Lâu qúa rồi, ba không nhớ ai phù hộ , do bùa Chà, bùa gồng của Miên, hay âm binh ra đỡ dao chém vì nó qúa huyền bí , khó hiểu với tuổi ăn chưa no, lo chưa tới của mình lúc đó. Nhưng nó tạo cho mình niềm tin thật mạnh, không sợ gì nữa. Một thứ đòn tâm lý tin tưởng vào sức mạnh vô hình.
Rồi ba học những thứ gì ? Tâm hỏi
Ông Tám vừa là thầy võ, vừa là thầy thuốc và là thầy bùa . . . luôn có lẽ. Nghe bà kể hồi còn trai tráng ổng rất mạnh, có thể dùng răng cạp bao gạo rồi nhấc lên như chơi. Ông có chiếc xe gắn máy hiệu Goebel để đi đi về về nhiều nơi như Đức Hoà, Đức huệ, Gò Dầu . . . làm ăn mỗi ngày. Thường thường về tới nhà là mệt đừ, ổng chỉ dạy ba độc nhất một bài quyền Bát quái. Tập mãi, ít phân thế, thiếu người giao đấu nên múa hoài cũng chán. Phần lớn khi đến nhà ổng buổi chiều, ba phải xách nước giếng, đổ đầy vô hai cái lu lớn để xài. Cũng đỡ ba không phải tưới nguyên vườn trầu như mấy thằng bạn học võ bên ông Chín. Bù lại, ba phải dùng chân cán thuốc bắc bằng dao cầu và thuyền tán hầu như mỗi ngày . Ổng có dạy ba viết bùa bằng chữ Phạn, chữ Miên gì đó lằng ngoằng, cong queo khó hiểu để trị bệnh như nhức đầu, đau bụng, sổ mũi, ói mửa . . . ba ghi hết vô cuốn sổ tay. Nhưng sau có khi ổng quên lại cho lộn bùa chữa đau bụng thành bùa chữa nhức đầu làm ba mất tin tưởng rồi lơ là và không để ý nữa.
Dao chặt vô thịt ba, nghe ghê qúa. Lan lắc đầu như rùng mình.
Bên ngoài trời vẫn mưa. Tiếng gió thổi mạnh, hú lên từng cơn. Trong nhà, ánh đèn cầy lung linh, mờ ảo. Ông Tư nhỏm dậy rót thêm nước trà rồi tiếp :
Lần thứ hai xảy ra khoà̉ng năm 1969. Lúc đó
ba đã đi lính, được biệt phái trong toán liên
lạc VN về 1 lữ đoàn bộ binh Mỹ đang đóng ở
căn cứ Lai Khê nằm trên quốc lộ 13, phía bắc
quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Hồi đó chính phủ VNCH có chương trình chiêu
hồi kêu gọi được hàng ngàn Cộng quân bỏ
súng quay về với miền Nam.
Ở Thất Sơn, Châu Đốc, sát biên giới Việt
Miên, có khoảng hơn hai mươi mấy Miên
cộng bỏ Khờ Me đỏ ra hàng. Cầm đầu họ là
Lục Tà, tiếng Miên nghĩa là thầy chùa . . .
- Ủa. . .mà sao nhà sư mà lại đi lính ? Bà Tư ngắt lời.
Không rõ. Nhưng theo suy đoán thì người Miên rất sùng bái Phật giáo. Đạo này hầu như là quốc giáo của họ. Thời gian đó tình hình lộn xộn có thể ông Lục tà này thuyết phục đám lính Miên bỏ hàng ngũ chạy sang VN lánh nạn vì bất mãn với Khờ Me đỏ cõng rắn cắn gà nhà hay bất cứ lý do nào khác . . .
Ừ . . . thì cũng có thể. Bà Tư ậm ừ
Đám lính Miên này được người Mỹ trọng dụng cho đi dẫn đường, chỉ lối lấy tên là Kit Carson Scouts, rập khuôn theo chương trình KCS của sư đoàn 1 TQLC Mỹ ngoài vùng I từ năm 1966. Đây là chương trình dùng hồi chánh viên theo các đại đội tác chiến để dò tìm mìn bẫy, hầm hố, kho đạn, địa đạo bí mật . . . của địch quân.
Toán liên lạc của ba gồm 5 anh em đến Lai Khê trước và ở trong một lều vải nằm đầu trại lữ đoàn trong vườn cao su . Toán Kit Carson Scouts người Miên đến sau. Họ tụ tập nghe chỉ dẫn, rồi xuống đơn vị được chỉ định. Ban chỉ huy gồm ông Lục tà cùng 3, 4 đệ tử thân tín được cho vô ở chung với toán VN. Có tổng cộng trên dưới 10 người cùng ở chung lều. Mọi người đều dựng giường bố, để sắc ma-ranh đựng đồ đạc cá nhân, súng ống, đạn dược, bên cạnh. VN đến trước chiếm phía ngoài gần cửa cho tiện lợi ra vào. Họ đến sau bị nhét vô phía trong. Vì giờ chung chiến tuyến (?), hai bên tỏ ra hòa đồng, chuyện trò vui vẻ. Đa số họ nói được tiếng Việt, nhưng lơ lớ giọng Miên. Việc đầu tiên họ làm là dựng ngay một bàn thờ bằng cái bàn dã chiến ở giữa, sát bên hông. Bên trên phủ vài lớp khăn thêu hình bùa chú chằng chịt đầy màu sắc ; hai, ba khuôn ảnh thần thánh khác lạ, cùng bình hương, nhang đèn . . . Mỗi ngày ông Lục tà và các đệ tử đều làm lễ, thắp nhang khấn vái sáng chiều rất trịnh trọng trước bàn thờ.
Căn cứ Lai Khê là nơi đặt bộ tư lệnh của sư đoàn I bộ binh Mỹ, cộng lữ đoàn 1 hay 3, tùy theo tình hình, có hồi được tăng cường thêm 1 lữ đoàn của sư đoàn I không kỵ, bệnh viện dã chiến của đại đội quân y Charlie, đại đội trực thăng, phi đạo nhỏ, đủ cho vận tải cơ C-123, 130 và máy bay quan sát OV-10 . . . lên xuống . Làng Lai Khê có từ trước khi căn cứ thành lập nên đặc biệt chính quyền xã và nghĩa quân vẫn ở lại làm việc như thường. Dân địa phương, công nhân sở Mỹ được phép cư trú, ra vào có sự kiểm soát ở cổng. Trong làng vẫn có sinh hoạt thương mại bình thường và tương đối khá giả hơn hết . Cạnh đó là khu giải trí biệt lập cho lính Mỹ với nhiều tiệm, bar, nhà hàng . . . một, hai ban nhạc chơi nhạc hàng ngày, và một số chị em ta hành nghề tại chỗ, được bác sĩ khám bệnh, kiểm soát sức khỏe hàng tuần. Tối đầu tiên, toán lính Miên vô làng Lai-Khê dạo phố ghé qúan VN ăn uống lai rai nên về trễ. Nhóm VN của ba lên club lữ đoàn uống vài lon bia cho sừng sừng như thường lệ khi ở hậu cứ. Đến 10 giờ, khi câu lạc bộ đóng cửa, cả bọn trở về lều đi ngủ sớm vì không biết làm gì khác trong trại lính. Nhưng lạ lùng thay đặt mình xuống, vừa nhắm mắt thì có cảm tưởng ai đến vỗ vai, lôi áo kêu dậy liền. Người nào mệt qúa , thiếp đi thì như bị ai banh hai mắt ra, không cho nhắm lại. Ngồi dậy thì tất cả vẫn bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Sau mấy lần bị phá đám liên tiếp như vậy, ai nấy nhìn nhau nghi ngờ đã bị âm binh của ông Lục tà đuổi ra khỏi lều, giống như ở miền thượng du Bắc Việt người ta thờ ma xó giữ nhà. Nghe kể, hẫy người lạ vô nhà đụng tới đồ đạc sẽ bị ma đếm to từng tiếng như : 1, 2, 3 để kiểm soát.
Tất cả bốn người , trong đó có ba, không nói không rằng đều đứng lên vác đồ đạc, giường bố, súng ống sang lều bên cạnh cho yên thân. Sau đó, mọi người đều ngủ ngon như thường, trừ Tịnh, một tay nổi tiếng to gan, cứng đầu nhất bọn nhất định ở lại để đương đầu.
Rồi ông đó có ngủ được không ?
Ông này nán lại thêm. Nhưng đến nửa đêm cũng lục đục vác giường qua. Ổng nói ổng nằm lì lại chống chỏi bọn âm binh cả chục lần nữa. Sau cùng, cứ nhắm mắt lại, hay nằm xuống là ổng bị chúng làm mạnh hơn bằng cách xô xuống giường. Nhưng khi mở mắt ra, thấy mình vẫn nằm giữa giường đàng hoàng đâu có thể bị rớt xuống đất. Cuối cùng không còn đủ kiên nhẫn và mệt qúa, ông đành bỏ cuộc dọn qua lều mới ngủ cho xong !
Kết cục ra sao ?
Sau này biết thêm Lục tà đã làm lễ đặt kim vàng dưới da thịt các đệ tử. Có kim vàng nằm trong người cũng như được âm binh đi theo phò trợ bổn mạng, bom đạn sẽ tránh xa. Cho nên những tay lính Miên này rất gan lì. Họ cứ mạnh bạo xông pha nơi lửa đạn như vào chỗ không người làm người Mỹ rất nể sợ và trọng dụng.
Hừ . . . dễ sợ vậy hả. Có tin được không ? Bà Tư thắc mắc
- Như có một trường hợp khá hy hữu, bộ chỉ huy lữ đoàn tạm dời lên Đồn điền Đất Đỏ , Plantation de Tèrre Rouge, ở Bình Long, để hành quân chừng hơn tháng, dĩ nhiên cả toán phải đi theo. Một hôm trong lúc đang họp thì căn cứ bị pháo kích. Tất cả đều chạy xuống hầm để tránh đạn. Riêng Lục tà ỷ có âm binh, bùa ngải . . , ngồi yên không thèm chạy. Lúc đó ba cũng làm gân theo, để tỏ ra lính VN cũng lì lợm gan dạ không thua gì Lục tà và lính Miên, không sợ chết, không chạy.
Trời ơi sao giờ mới kể ra ? Bộ khùng rồi sao mà ông không núp khi bị pháo kích. Bà Tư giận dữ la lên.
Thì lúc đó mình còn trẻ , còn hăng máu, đâu muốn lính VN mất mặt bầu cua, thua bọn lính Miên. Dĩ nhiên cũng hơi sợ, sau hối hận là sao mình ngu đi cương ẩu, lỡ bị pháo kích trúng thì đã xong đời rồi.
Như vậy nhờ bùa, âm binh phò trợ họ bất tử hết à ? Tâm hỏi
Nghe nói bùa này chỉ để đi đánh giặc thôi. Sau này cũng thấy nhiều con bị trúng đạn khiêng xác về. Hỏi tại sao kim vàng và bùa lại mất linh vậy , thì ban tham mưu trả lời những người này chết vì phạm tội, không giữ giới cấm,đi ăn chơi bậy bạ với gái điếm trong khu giải trí nên không còn được âm binh phò hộ nữa.
Ánh đèn cầy đang leo lét chợt bùng lên rồi rung lảo đảo. Căn phòng tối dần. Bà Tư lên tiếng :
Nè đèn cầy sắp hết rồi. Thôi tất cả đi ngủ đi
Sợ ma với âm binh qúa. Xuân ơi cho em ngủ chung giường với chị nghe.
Mọi người lục đục mò vô giường ngủ. Ngọn đèn cầy tắt lịm. Bóng tối tràn tới và căn nhà chìm hẳn trong bóng tối. Bên ngoài, mưa vẫn rơi. Gió thổi mạnh, hú lên từng cơn . . .