GỐM MỸ NGHỆ BIÊN HÒA XƯA.
Khoảng thời gian từ năm 1923 đến đầu những năm 1960 đánh dấu thời hoàng kim phát triển rực rỡ của gốm mỹ nghệ Biên Hòa. Gốm mỹ nghệ Biên Hòa khởi đầu từ trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hoà do ông Balick làm hiệu hay nói khác đi gốm Biên Hoà do ông bà Balick khai sinh ra và làm cho nó nổi tiếng trong và ngoài nước. Năm 1923, hai chuyên viên Pháp cũng là hai vợ chồng đặt chân đến Việt Nam. Ông Balick tốt nghiệp trường Mỹ thuật trang trí Paris và bà Mariette Balick, tốt nghiệp trường gốm Limoges. Ông làm hiệu trường trường Mỹ nghệ Biên Hoà (tiền thân của trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) và bà phụ trách ban gốm. Chính bà Balick đã vạch ra cho ban gốm một hướng đi riêng rất vẻ vang. Đó là sản phẩm gốm trang trí nhiều màu, chạm khắc chi tiết các hoa văn đặc sắc, nhiều màu men lạ mắt tạo sắc thái riêng. Dùng nguyên liệu nội địa, chủ yếu là tro rơm, tro lò, cát Đà Nẵng, vôi Càn Long…làm men. Đất làm là đất chịu lửa cao khai thác ở Đất Cuốc (Tân Uyên), Chánh Lưu (Thủ Dầu Một)…Qua nhiều thử nghiệm, họ tìm ra loại men tro phù hợp gọi là men ta. Với mạt đồng thu được khi hoàn thiện đồ đồng, bà chế được màu xanh đồng “Vert de bienhoa” đẹp nổi tiếng thế giới không thua kém vert d’ islam trong kiến trúc đạo Hồi. Với đá ong Biên Hoà, bà chế ra men đá đỏ rất đẹp…Men tro cao độ (1280) đốt bằng củi tạo ra hoả biến rất đẹp.
Ông bà Balick nghĩ đến việc tiêu thụ các sản phẩm do trường làm ra. Năm 1933, ông bà lập Hợp tác xã mỹ nghệ Biên Hòa là một bộ phận của trường Mỹ nghệ Biên Hòa. Các sản phẩm ra lò mà men không láng đều, hoặc có vết nứt, vết xước, không tròn vo bị đập bỏ không thương tiếc. Các món đồ làm ra phải hoàn hảo, bán giá cao. Một lò có khi loại bỏ tới 40% sản phẩm khuyết tật mà hợp tác xã vẫn có lãi như thường.
Gốm Biên Hòa được giới sành điệu ưu chuộng vì sắc thái men giản dị, trầm lắng, kín đáo, hài hòa kim cổ, thuần túy phương Đông. Các sản phẩm làm bằng tay ở tất cả các khâu tô màu, men, khắc, lộng, các bình và chậu hoa lớn nhỏ đều xoay tay. Đặt một sản phẩm gốm Biên Hòa vào bất kì căn phòng nào, tòa nhà nào, ở vị trí nào nó đều toát lên vẻ đẹp rất riêng. Khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng sản phẩm gốm Biên Hòa thông qua những cuộc “đấu xảo” ở một số triển lãm: Pháp các năm 1922, 1925, 1933; Inđônêxia 1934, Nhật 1937, Hà Nội 1939, Băng Kok Thái Lan 1955, Mỹ 1958… Qua các kì triển lãm nhà trường cũng nhận được rất nhiều bằng khen danh dự, huy chương.
Năm 1950 ông bà Balick về nước, thời gian này HTX mĩ nghệ tách ra khỏi trường, trở thành đơn vị độc lập tự thu, tự chi. Những năm 1950, một số thợ của HTX có nhà cửa ở Tân Vạn cùng với một số địa phương hình thành “xưởng” nhỏ tại nhà. Năm 1958, ông Nguyễn Thành Lễ (Bình Dương) mở thêm xưởng gốm Thành Lễ ngoài xưởng sơn mài. Ông mời nhóm thợ của HTX mĩ nghệ Biên Hoà sang làm cố vấn, làm đầu đàn cho xưởng gốm để sản xuất gốm mĩ nghệ xuất khẩu. Cũng tương tự như gốm Biên Hoà các năm 30, ông không sản xuất ồ ạt, chất lượng được đặt lên hàng đầu, do đó giá thành cao nhưng vẫn được khách hàng nước ngoài đặt hàng. Năm 1960, các chuyên gia Nhật Bản đến làm cố vấn về gốm cho trường Mỹ nghệ Biên Hoà, họ đưa ra kĩ thuật “rót khuôn”, nhờ kĩ thuật này mới sản xuất hàng loạt, về số lượng kĩ thuật này hơn hẳn xoay và in.
Sự ra đời của gốm mỹ nghệ Biên Hòa là một bước ngoặt quan trọng. Từ kinh nghiệm làm gốm cổ truyền đến nghiên cứu phát hiện của ông bà Balick và kỹ thuật làm gốm hiện đại đã tạo nên dòng sản phẩm độc đáo của gốm Biên Hòa nổi tiếng trong và ngoài nước. Từ trường Mỹ nghệ Biên Hòa đến trường Cao đẳng Trang trí Mỹ thuật ngày nay đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhiều thế hệ nghệ nhân nổi tiếng như Nguyễn Văn Hai, Lê Văn Mậu, Huỳnh Văn Thọ… góp phần làm đẹp cuộc đời bằng vô số sản phẩm gốm.
Trích từ :
Khanhhoathuynga.wordpress.com
Bình gốm Biên Hoà , với hình ảnh chim bồ câu , tượng trưng cho hoà bình bên hoa văn chạm lộng , không dùng làm đèn thì để decor vẫn rất tuyệt vời
Những nét chạm lộng :
Thắp nến hoặc đèn bên trong :