(Tiếp theo)
Trong ngày tiễn đưa Thầy Khang 5-12-15, từ sáng sớm An Hảo, Mỹ Đà, Mai Lan, Thanh Long và Kim Phượng trong Ban Chấp Hành đã có mặt, cùng lo xếp thức ăn nhẹ như bánh mì, pate chaud, bánh kem, trái cây nhiều loại …để khách dự đám tang ăn nhẹ vào buổi trưa trước khi hạ huyệt.
Từng nhóm đã đến thăm viếng lần cuối ngay cả trước 9:30 am là lúc buổi lễ bắt đầu. Bà quả phụ Nguyễn Đức Khang vẫn đội khăn tang ngồi bất động nơi hàng ghế đầu. Bên phải và bên trái của Bà không lúc nào không có người đến ngồi kế bên để vỗ về và chia sẻ niềm đau với Bà.


Buổi cầu siêu và cúng cơm sáng nay, ngoài Đại Đức Trúc Hiền và Ban Hộ niệm còn có sự hiện diện của Cô Thu Lê, Cô Thanh Hải và quý em Kim Phượng, Mai Lan, Minh Châu, Kiều Hạnh và Thu Béo.

Cùng có mặt trong sáng Thứ Bảy, người ta thấy quý Thầy Nguyễn Ngọc Đường và phu nhân: Cô Ngọc, Phó Đức Long, quý Cô: Nguyễn Tố Nga, Vũ Ngọc Mai, Lê Thị Thu và phu quân: GS Lê Tiến Đạt, Hoàng Thanh Hải, và Nguyễn Hồng Nhung. Hầu hết các Cựu Hội Trưởng cũng đến tiễn đưa Thầy Khang: Trần Thúy Lan, Đặng Cần, Phạm Thu, Nguyễn Tuyết Nga, Trần An Hảo. Riêng Cựu Hội Trưởng Vũ Đan rất tiếc không tham dự được vì bận việc gia đình nhưng đã đặt thức ăn cho ngày 4-12 và nhờ người giao tận nơi hành lễ, và Hoàng Nga cũng đã điện thoại chia buồn và góp phần phúng điếu. Hai cựu Tổng Thư Ký Phạm Tâm Loan và Cao Minh Châu đã có mặt trong cả 2 ngày tang lễ.


Một số nữ sinh đã về từ xa: Nguyễn Kiều và phu quân Nguyễn Khôi từ Washington, Mỹ Đà và Túy Vân đến từ San Jose, LâmThu tức Thu Béo và phu quân Lâm Tiến Dũng, Thanh Thủy từ San Diego.
Chúng ta còn có LVD Nguyễn Ngọc Oanh, Nguyễn Tân Hương, Nguyễn Ngọc Đóa, Thanh Liên, Hài, Dương Ngọc Hoa. Và nhất là hai phó nhòm rất chuyên nghiệp Lâm Tiến Dũng và Kim Định.
Ngoài ra, số CNS đang ở xa ngàn trùng cũng đã làm thơ khóc Thầy như Thuận Nguyễn từ Minnesota, Huỳnh (Bùi) Thu Anh và Huy Hoàng đang du lịch xa, Trần Anh Thư, các nữ sinh và Hai GS Phượng Oanh và Châm từ Úc Châu, Phạm Mỹ Dung và Phượng Trần tức Thư Ký Không Lương của Cô Vân (và Tí Lanh Chanh của tôi) từ Việt Nam. Phượng Trần còn nhớ tới Sinh Nhật của Cô Vân trong tháng này và nhắn với chị em LVD “nhớ làm cho Cô vui.” Nhưng Cô đã nhờ tôi chuyển lời cám ơn các bạn và các em vì không thể nào vui được trong hoàn cảnh tang chế này.


Đại diện cho Điễn Đàn có Đặng Mỹ với vòng hoa phúng điếu hình trái tim, Thu Béo với một danh sách ghi tên đại diện các trang LVD sau đây:
- Hồi Ký: Thầy Nguyễn Ngọc Đường
- Vườn Trúc: Đậu Đỏ
- Xướng Họa Thơ Đường: Ngố
- Khung Trời Nhắc Nhở: Ngọc Đóa
- Tiếng Chim Vườn Trúc: Tất Mỹ
- Khung Cửa 75: Phương Huệ, Tí Mơ, Bích Định, Tuyết Lan, Hoài Nguyễn
- Dãy Nhà Tôn: Kiều Nguyễn, Kim Tuyết, Võ Ánh Tuyết và Thu Béo
Cùng gửi phúng điếu còn có Phương Đặng, Tú Quyên, Thuận Nguyễn, Mỹ Dung 73, Tuyết Nga, Đỗ Thị Sứng, Nguyễn Thị Xuyến, Vũ Thị Yến, Triệu Thị Thuận, Trần Kim Đào, nhóm 69 Thanh Hằng, Minh Hải và Tuyết Lê, Hồng Thanh và Đặng Kim Loan.
Khi ghé Mạ Vân Gia Trang, chúng ta còn thấy lời chia buồn với Cô Vân của Kahat Nguyễn Thị Kinh Hoàng, Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Toàn, thân hữu lâu năm của Diễn Đàn nữa.


Trong phần điếu văn của Lê Văn Duyệt, Cô Thu đã phát biểu như sau: “Chị Vân và tôi cùng dạy trường Nữ Trung Học LVD và khi sang Mỹ năm 1975 lại định cư cùng một vùng, cách nhau có 30 phút. Đến khi hội AH/LVD được thành lập thì chúng tôi lại cùng nhau đi vui họp với các em trong bao nhiêu năm nay.
Khi cháu gái chúng tôi sanh con đầu lòng thì chị Vân lại là người thương và trông nom cháu thành ra cháu có 2 bà ngoại “thật” và “giả” (gọi là BN nuôi mới phải) cho đến nay cháu đã 17 tuổi, có nhiều kỷ niệm với Ông Khang và Bà Vân. Anh Khang là người điềm đạm khoan dung, thấy bà cháu tôi lắm lúc vội vàng hấp tấp, anh gật gù bảo “Cứ từ từ, Cứ từ từ” và cho đến bây giờ chúng tôi vẫn dùng câu đó bảo nhau. Tôi biết chị Vân chỉ làm món Huế nên khi nào có món Bắc thì lại biếu anh. Một lần tôi biếu xôi gấc mà tôi thường thêm đường đã có ngữ rồi, không cần nêm nếm. Ngày hôm sau anh gọi tôi khen sao xôi gấc ngon quá mà không ăn được nhiều. Thì ra tôi đã bỏ vào nồi xôi 7 muỗng muối to (loại table spoon). Anh cũng hay được ăn món bánh bò tôi làm mà anh thích, lần cuối cùng cách dây một tháng anh chỉ ăn được một miếng nhỏ vì cổ họng đau đã thấy khó nuốt rồi…..Chỉ kể ra một vài kỷ niệm…
Gia đình Đạt Thu Châu Thành Điền Phương Quyên Quỳnh Thư xin chia buồn với chị Vân, nhất là con gái Quỳnh Thư đã thay mặt chúng tôi chia sẻ buồn lo với Mạ Vân suốt 2 tuần nay.

Tôi đã lên ca tụng những đức tính và binh nghiệp của người quá cố, cùng lời chia buồn của đại gia đình Lê Văn Duyệt khắp nơi đã được chuyển đến Cô Vân và tang quyến (xin xem bài điếu văn trong MVGT và Nối Tiếp Vần Thơ…).

LVD Phan Uyển Nghi cũng đã có đôi lời chia buồn với Cô Giáo cũ như sau:
“Kính thưa Thầy Khang,
Em là Phan Uyển Nghi, là một cựu nữ sinh Trung Học LVD, em là học trò của Cô Ngô Vân và em cũng là một thành viên của gia đình 25 người Việt Nam refugee tị nạn đầu tiên đến Thousand Oaks. Trong thời gian ấy Thầy Cô thuộc gia đình 13 người. Hai gia đình mình rất thân thiết và có nhiều kỷ niệm sinh hoạt với nhau trong những ngày đầu địng cư trên đất Mỹ. Vậy mà thấm thoát đã 40 năm và hôm nay Thầy giã từ Thousand Oaks, giã từ Cô Ngô Vân và những người thân thương của Thầy để đi về một nơi xa lắm. Thầy Khang ơi, thôi vĩnh biệt Thầy. Em chúc Thầy được thong dong thanh thản đi về an nghỉ nơi đất Phật.
“No coming, no going,
No after, no before
We hold you close to us,
We release you to be so free,
Because we are in you and you are in us
Because we are in you and you are in us.”
Good bye Thầy.
Đó là những câu hát Uyển Nghi đã cất cao để tiễn đưa Thầy Khang tự do bay xa vào cõi vĩnh hằng.

Bây giờ LVD chúng tôi theo xe tang đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trước giờ hạ huyệt. Đai Đức chủ lễ cho con cái dâng cúng lần cuối lên người sắp ra đi, trong khi chúng tôi yên lặng nhận những đóa hồng tiễn biệt Thầy Khang. Vì đau khổ chồng chất trong một thời gian quá dài, Cô Vân từ từ ngất xỉu trong nỗi lo lắng cuống cuồng của mọi người. Tôi đã kịp chạy đến và đề nghị dìu Cô Vân ra xe đưa gấp về nhà nghỉ ngơi.
Sau khi hình Thầy khang đã được an vị trên bàn thờ, Cô Vân đã gượng ngồi dậy và chắp tay làm lễ với các con và các cháu.
Và khi đêm về, Cô đã gọi tôi để gửi lời cám ơn của gia đình cô đến mẹ con tôi. Đúng là một mẫu người chu đáo đầy tình nghĩa, một người khó kiếm trong thời gian điện tử ngày nay.
Bây giờ là thư từ qua lại với Cô Vân của chúng tôi để phần nào an ủi và nâng đỡ tinh thần của bạn hiền và cô giáo cũ.




Nhìn lại hình ảnh và diễn tiến của 2 ngày đưa tiễn Thầy Khang, tang gia và chính Cô Vân đã hết lời ca ngợi tình nghĩa LVD đối với Thầy Khang, “dù chỉ là Rể” theo Cô Vân. Riêng tôi thì dù đã biết từ lâu về LVD, cũng không nén được xúc động khi thấy được thứ ân tình của các em trong thời đại này.






Tôi muốn ghi lại mấy vần thơ của LVD Ngố:
“Thương Cô ánh mắt dịu hiền
Tận tâm dìu dắt thật chuyên thật cần.
Thương Cô dáng dấp thanh tân
Nụ cười nhân hậu nói năng dịu dàng
Thao thao bất tuyệt cô mong
Truyền giao sở học mênh mông cho đời
Cố công rao giảng cao vời
Bên tai văng vẳng những lời năm xưa.”
Còn Cao Minh Châu thì:
“Bảy năm áo trắng thật dài
Tháng ngày lược chải, hoa cài qua mau.
Ơn Cô, Thầy nghĩa thâm sâu
Làm sao báo đáp ngày sau thế nào?”
Thân hữu quá cố Đỗ Hữu Tài, con trai nuôi cưng của Mạ Vân, cũng ca ngợi tình thầy trò LVD:
“…Hát hò, ngâm vịnh vui cchơi
Thầy Cô Giáo cũ một đời còn thương
Bao năm trời vẫn ngát hương
Tình Thầy, nghĩa bạn vấn vương chẳng rời.
Dẫu đi khắp bốn phương trời
Còn đây kỷ niệm một thời xa xưa.
Cho tôi sống lại giấc mơ
Cho tôi ngâm lại lời thơ ân tình.”
Và với tôi:
“…Dẫu đời thay đổi biển dâu,
Ân cần chia sẻ âu sầu tiêu tan
Tạ Lê Văn Duyệt tình thân
Em là hạnh phúc cõi trần khó phai.”
(Thơ được trích từ Quán “Nối Tiếp Vần Thơ” của GS Ngọc Mai )
Chuỗi ngày vui hãy còn đây, những đau buồn xin gác lại cho đời sống được tiếp tục.
Lê Văn Duyệt sẽ mãi nhớ thương Thầy Khang đã yêu thương và chăm sóc Cô Ngô Vân vạn ngày như một