Khi nhận được bức " tâm thư " của anh Tôn Thất Ngự kêu gọi về vụ đóng góp để ra mắt " Đặc San Trung Học Khải - Định " tôi nghĩ rằng mình chẳng thể nào viết được một bài gì để gởi đăng , nhưng trưa nay sau khi nói chuyện qua điện thoại với anh Trần Sĩ Lâm tôi bỗng đổi ý kiến . Tôi tự nghĩ mình là cựu nữ sinh ban Văn Chương mà không viết được vài dòng cho đặc san trường mình thì " ốt dột " quá !
Mấy chục năm trời đè nặng lên thể xác cũng như tâm hồn , tôi bỗng thấy trí óc mình trở nên mỏi mệt , không thể nhớ được những chuyện quá khứ đã xãy ra chính xác vào những thời điểm nào .
Tôi chỉ nhớ rằng năm đầu tiên bước vào ngưỡng cửa trường Trung học Khải Định đã đem lại nhiều xáo trộn cho đời sống tinh thần của mình . Từ một nữ sinh không phải thuộc hạng dở của trường Nữ Trung Học Đồng Khánh , tôi vẫn nghĩ mình chưa chịu thua kém ai , nhưng sau những năm tháng học chung với các bạn trai , tôi đành phải công nhận các bạn nam học sinh có nhiều người quá giỏi !

Nhiều kỷ niệm vui buồn đã xãy ra trong suốt thời kỳ là nữ sinh trường Khải Định . Chúng tôi ba đứa Võ Thị Nguyệt , Hoàng Quỳnh Hoa , Ngô Thị Vân ( mà các bạn thường tặng cho biệt danh là " Les trois mousquetaires " ) và nhất là tôi , đã gặp nhiều gian truân kém may mắn trên đường thi cử , mặc dù bộ ba này tự xét học chẳng đến đổi nào ! Phải chăng đấy là hậu quả của bộ óc bị chi phối về những vấn đề khác ngoài chuyện học hành ?
Những năm học tại trường đã mang lại một dĩ vãng khó quên . Tôi còn nhớ những ngày đạp xe cùng các bạn theo anh trưởng ban xã hôi đến các nhà thương thí hoặc các bệnh viện chữa trị cho người cùi , để thi hành công tác tình thương . Những cánh tay run rẫy chìa ra , cùng những ánh mắt cảm kích khi chúng tôi đặt vào lòng bàn tay họ những món quà tuy nhỏ bé nhưng đã gói ghém tất cả tình thương mà chúng tôi đã dành cho họ , khiến lòng chúng tôi ấm hẳn lại và quên đi cái rùng mình thoạt đầu khi chợt nhìn thấy những bàn tay cụt ngón .
Nhớ ngày lớp tôi được cha Cao văn Luân dẫn đi thăm dòng sông Bến Hải . Tôi đã được nhìn tận mắt dòng sông mà các con cùng một mẹ Việt Nam đã nhẩn tâm dùng để chia rẽ kẻ Bắc người Nam . Lúc bấy giờ tôi chợt nghĩ đến những người xưa khi đứng trước dòng sông Gianh chắc cũng cùng tâm trạng ? Họ cũng đã đau cái đau khi nhìn thấy đất nước mình bị chia cắt ? Con cùng một mẹ mà sao nỡ xem nhau là kẻ thù ?
Nhớ những lần đạp xe đi thăm căn nhà của cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự . Cảnh vẫn còn đây nhưng người xưa đâu còn nữa ! Những lúc ấy tôi bỗng tưởng tượng lại khung cảnh trên chiếc thuyền xuôi về Thuận An ( mẹ tôi đã kể lại cho chúng tôi nghe ) Cụ Phan đã bế mẹ tôi vào lòng và dạy cho mẹ tôi học thuộc lòng bài thơ sau đây :
Có người hỏi thiếp
Mày có chồng chưa ?
Thiếp quệt mắt thưa
Rằng xưa vẫn có
Nhà Việt là họ
Nhà Nam là tên
Hơn ba nghìn niên
Tuổi chưa già lắm
Hai bảy vạn dặm
Mặt cũng lớn lao
Mỹ miều biết bao
Rừng vàng bể bạc
Mấy trăm năm trước
Cũng đại trượng phu
Chống Hán , bình Ngô
Anh hùng như thế !
Trời sao nỡ để
Cướp sống chồng tôi
Chồng ơi ! Chồng ơi !
Hồn chồng tôi đâu ?
Ai hô dùm với ! Nhớ lại lần đi xem kết quả kỳ thi Tú tài , tôi đã ngỡ ngàng không thấy tên mình trên bảng , tìm tên hai " mousquetaires " còn lại , thấy cũng cùng chung số phận . Thế là ngày hôm ấy tôi đến nhà Nguyệt , gặp Quỳnh Hoa tại đấy , chúng tôi ôm lấy nhau vừa khóc vừa cười . Rồi năm học tới , chúng tôi đau khổ nhìn các bạn cũ chia tay mình , nhưng tuổi học sinh là tuổi dễ quên dễ nhớ , nên chúng tôi dễ dàng hội nhập vào lớp mới , lại có những bạn bè mới . Danh từ " Les trois mousquetaires " lại càng được nhắc nhỡ thường xuyên trên cửa miệng các bạn cùng lớp , vì chúng tôi ba đứa , sau nỗi bất hạnh vừa qua , bây giờ đi đâu cũng có nhau .
Tôi cũng nhớ đến những bữa tiệc tất niên với những giọng hát non nớt học trò , nhớ những ngày cuối niên học với những tập lưu bút vội vàng chuyền tay nhau . Nhớ những bức ảnh kỷ niệm mà nay nhìn lại đã thấy lỗ chỗ kẻ mất người còn ! Nhớ những ngày mưa đã mang lại nhiều kỷ niệm buồn đau nhức nhối và làm sao quên được những lần đi học về vẫn thấy xa xa bóng dáng " chàng " lẽo đẽo đạp xe theo . Kỷ niệm thì nhiều kể làm sao cho xiết !
Cô Vân và Cô Quỳnh Hoa Bây giờ khi tuổi đã xế chiều , chúng tôi mỗi bận gặp nhau hoặc nói chuyện với nhau qua điện thoại , vẫn thường nhắc đến những kỷ niệm xưa - những người đã có một thời làm tim chúng tôi lỗi nhịp .
Có một điều chúng tôi vẫn thường bảo nhau " Mấy thằng con trai Huế ( xin lỗi các đấng nam nhi xứ Huế ! Tôi chắc rằng khi các bạn nhắc đến chúng tôi , các bạn cũng sẽ gọi " Mấy đứa con gái Huế " ... ) thiệt là vô duyên , thương người ta mà khọng chịu tỏ thì ai làm răng mà biết được ! "
Có thể đấy là lý do tại sao ít có mối tình học trò nào trở thành duyên phối ngẫu ! Nhưng theo tôi nghĩ , thà như vậy những mối tình ngây thơ áy sẽ tồn tại mãi , sẽ còn đẹp mãi để khi chúng ta nhớ lại vẫn còn thương , còn tiếc , chứ như Hồ Dzếnh đã viết :
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề
Tình chỉ đẹp những khi còn dang dỡ Nếu không có những mối tình éo le trắc trở thì làm sao trong nền văn học có được những áng văn chương bất hủ .
Những kỷ niệm của dĩ vãng dù đẹp đẽ hay đau buồn cũng chỉ là một mớ hành trang mà chúng ta phải mang theo đến tận cuối cuộc đời
Viết xong ngày 11 tháng 10 1995 tại Cali