Hoa Đào Năm Ấy
Buổi sáng lái xe trên đường đến sở, lúc nào Mai cũng cảm thấy yêu đời khi ngồi trong chiếc xe Lexus sang trọng, vừa lái vừa nghe những bản nhạc Việt êm dịu từ chiếc máy CD gắn trong xe. Dòng xe cộ vào giờ đi làm cũng như tan sở lúc nào cũng như mắc cửi, nhưng Mai đã quen với nhịp độ này từ lâu. Ở vùng Thung Lũng Hoa Vàng của tiểu bang California này, ai nấy đều hối hả, vội vã. Thiên hạ đua nhau kiếm tiền cũng như hưởng thụ.
Mấy năm về trước, khi kinh tế và thị trường chứng khoán còn làm mưa làm gió, thiên hạ kiếm tiền dễ như húp cháo nên tha hồ tiêu xài phung phí. Mai còn nhớ trong những buổi ăn nhậu, mấy người bạn trai dám bỏ ra sáu ngàn đô la mua một chai rượu Remi Martin XO để ép nhau uống. Lúc đó Mai cũng hưởng ké nền kinh tế phồn thịnh của tiểu bang này với phần chứng khoán của công ty dành tặng cho nhân viên. Mai bán ra và tậu được chiếc xe Lexus, trả cái rụp bằng tiền mặt.
Bây giờ thì thiên hạ nháo nhác lên khi thị trường chứng khoán sụp đổ, kéo theo hàng loạt cơ sở thua lỗ, bao nhiêu kẻ mất việc. Nhiều bạn bè Mai trong những công ty kỹ thuật cao – High Tech – thất nghiệp hàng loạt. Ngày xưa công ty giành giật nhân viên, bây giờ không còn cảnh đó nữa. Hàng quán bắt đầu ế nhệ khi dân chúng không còn tiền. Lúc trước mỗi lần tiệm Sak Fifth Avenue bán đại hạ giá quần áo, thiên hạ vác từng túi đồ xếp hàng chờ trả tiền, mặc dù mỗi món đồ có giảm nửa giá cũng còn sơ sơ khoảng trăm bạc.
Trong sở, Mai là nhân viên thuộc bộ phận tài chánh, lo việc lương bổng và sổ sách công ty nên nhờ đó, vẫn còn ở lại, mặc dù danh sách cắt giảm nhân viên vẫn được công bố mỗi tuần. Nhân viên ai nấy hồi hộp sợ tên mình dính trong bảng phong thần, hết dám làm việc lè phè, cố gắng đi sớm, về trễ cho xếp…thương.
Bước chân vào văn phòng, Mai đụng đầu anh chàng lao công người Việt tên Dân, vừa xách thùng giẻ lau nhà đi ra. Anh chàng nhìn nàng gật đầu chào, ánh mắt nửa chọc ghẹo, nửa thân tình. Mai gật đầu chào lại, không nói tiếng nào. Đi qua khỏi người đàn ông, Mai nhìn lén sau lưng gã. Chiếc áo ka ki bạc màu với chiếc quần jean cũ, trông gã có vẻ bụi đời vô cùng. Mai hơi bực mình vì nét ngạo mạn ngầm trên khuôn mặt của Dân. Người gì nghèo rớt mồng tơi nhưng lúc nào cũng có nụ cười khinh mạn, khẽ nhếch lên trên khuôn mặt sẹo chằng chịt. Con mắt trái của gã đã mất, còn lại một hố sâu đen ngòm.
Trong cơ sở Francis’s Electronics này ngày xưa có tất cả hơn trăm nhân viên, bây giờ còn lại khoảng hơn năm chục. Khâu ráp nối đồ điện tử lúc kinh tế đang lên, nhân viên ngồi sát nhau trong những dãy bàn dài, thôi thì đủ thứ quốc tịch, nào Mỹ, Mễ, Tàu, Việt, Miên, Lào,.. Họ vừa làm việc vừa kể chuyện tâm tình. Bây giờ chỉ còn lại hai bàn, thiên hạ chăm chú vào công việc, không dám xao lãng hoặc thờ ơ. Chỉ có một người không cần để ý đến tình trạng kinh tế, không lo sợ thất nghiệp, là anh chàng lao công dở người này mà thôi.
Riêng Mai là nhân viên văn phòng, lại làm việc gần xếp lớn nên tất cả nhân viên trong công xưởng có vẻ nể nang nàng hơn. Mỗi khi có việc xuống phân bộ sản xuất, với chiếc áo khoác màu trắng, cùng màu với các kỹ sư và giám đốc văn phòng, Mai tự thấy hãnh diện hơn những người thợ mặc áo khoác màu xanh dương ngồi ở khâu sản xuất. Đi đến đâu Mai cũng nhận được những câu chào hỏi xã giao niềm nở:
- Khoẻ không chị Mai? Hôm nay chị đẹp quá!
- Good morning, Madam!
Phần việc của Mai là lo sổ lương nhân viên. Nàng tính lương cho nhân viên theo số giờ làm việc bấm thẻ. Nhân viên nào dễ thương, Mai làm ngơ cho những lúc đi làm trễ, không trừ bớt số giờ. Nhiều lúc Mai thấy tội nghiệp cho đám nhân công áo xanh, họ lãnh đồng lương khiêm nhượng lại còn bị xén tới, xén lui. Còn những cô cậu kỹ sư trẻ, lúc trước vì số cung yếu hơn số cầu, ra trường được các công ty vồ vập tuyển chọn nên mặt mày lúc nào cũng câng câng, nói chuyện trên trời, dưới đất, coi thiên hạ không ra kí lô nào hết. Đến với công ty nào là họ so sánh xem số cổ phiếu họ sẽ được hưởng là bao nhiêu. Chỗ nào cho nhiều hơn, họ không ngần ngại vỗ cánh tung bay. Bây giờ cảnh đó không còn nữa. Mỗi ngày Mai nhận được ít nhất là vài cú phôn của các cô cậu muốn đầu quân. Lương phạn không còn là đề tài để nói chuyện đầu tiên, mà là những lời hứa hẹn sẽ đem hết kiến thức của mình ra để phục vụ. Thời buổi kinh tế xuống dốc mà. Lơ mơ thất nghiệp lâu, mất nhà, mất xe là cái chắc…
Mai đang cắm cúi lo bảng kế toán tài khoá cuối tháng thì nghe tiếng ca ư ử của gã Dân ở phòng bên: “Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ…”
Mai cau mày khó chịu. Thằng cha này làm việc trong cơ sở của Mỹ mà tỉnh bơ xem như nhà của mình, cứ nghêu ngao ca tiếng Việt. Khuôn mặt thì xấu xí, nhưng gã không thèm có một chút mặc cảm nào.
Dân bước vào văn phòng của Mai. Phận sự gã là đổ mấy thùng giấy và rác ở mỗi bàn làm việc. Thấy Mai đang nhìn mình, gã nheo mắt hỏi:
- Người đẹp mạnh giỏi?
Mặt Mai lạnh như tiền. Nàng làm bộ không nghe, cắm cúi trên những trang giấy với các con số dày đặc. Gã Dân đổ xong thùng rác ở góc bàn giấy của Mai nhưng chưa chịu đi ra mà còn cà rà, lân la nói chuyện:
- Cô qua Mỹ lâu chưa mà làm việc văn phòng ngon lành, giỏi quá vậy?
- Hai mươi lăm năm!
- Vậy chắc cô học đại học bên này nên mới có “giốp” ngon như vậy?
- Cũng thường thôi. Chú làm việc mà lè phè nói chuyện hoài, ông xếp để ý thì mất việc, đừng trách nhé.
Biết Mai không muốn nói chuyện với mình, Dân không lấy làm khó chịu mà vẫn toét nụ cười, làm hằn thêm những vết sẹo trên mặt trông thật dễ sợ:
- Nhằm nhò gì hả cô… hai? Mài sừng cho lắm cũng là trâu. Làm lao công kiếm đâu mà chả có giốp? Phải chi làm ông này bà nọ thì mới sợ chúng đuổi chớ lương ba cọc ba đồng tối thiểu, bỏ chỗ này đi thì chỗ khác vớt vất cũng vậy thôi. Bất quá đi rửa chén mấy tiệm ăn cũng được mà!
Vừa lúc đó chuông điện thoại ở phòng Mai reo lên. Mai mừng thầm trong bụng khi tống khứ thằng cha đồng hương này đi chỗ khác.
Nhìn theo phía sau lưng của gã, Mai thấy nét hiên ngang của người đàn ông có một chút gì quen thuộc mà Mai không nhớ mình đã quen ai có những nét giống như vậy. Mấy năm nay Mai sống trơ trọi sau một thời gian ly dị, buông thả, bắt bồ hết người này đến người khác. Bốn mươi lăm tuổi đời rồi chứ ít ỏi gì, nhưng đỡ cái là nét mặt Mai ai cũng khen trẻ hơn tuổi rất nhiều.
oOo
Cuộc đời Mai cũng khá gian truân. Thuở còn trẻ, bố mẹ Mai bận công việc làm ăn nên gởi nàng vào học nội trú ở trường Couvent des Oiseaux trên Đà lạt. Hai năm đầu, Mai nhớ nhà nằng nặc đòi về sống gần gia đình nhưng mẹ nàng khuyên nhủ và hẹn vài năm sau khi đậu tú tài xong mẹ sẽ đón Mai về Sàigòn học tiếp.
Nhưng, đến năm 19 tuổi, trong một buổi party tại nhà nhỏ bạn, Mai quen một phi công trẻ, anh họ của Thúy, học cùng lớp với Mai. Như bị tiếng sét ái tình đánh trúng, Mai yêu Dũng điên cuồng. Tình cảm người con gái tuổi dậy thì lúc nào cũng bồng bột, hơn nữa ảnh hưởng tư tưởng tự do của dân trường Pháp, Mai muốn sống hết mình với con tim.
Phi đoàn của Dũng đóng ở Nha Trang nhưng thỉnh thoảng Dũng lái trực thăng lên Đà lạt, ghé trường, nói dối mấy bà sơ là anh họ của Mai lên thăm, để xin lãnh nàng đi ra phố ăn cơm.
Dũng lớn hơn Mai đến mười tuổi nên chàng cưng chiều người yêu thơ ngây bé bỏng hết mình. Mai tha hồ hờn dỗi, nhõng nhẽo đủ điều. Bạn bè nói cho Mai biết coi chừng những chàng phi công, họ bay bướm, bồ bịch hàng tá. Mai yêu bộ đồ bay của chàng quá đi thôi. Nhất là nụ cười nửa miệng, nửa như ngạo nghễ, nửa như bất cần. Chàng gọi Mai là “bé của anh”…
Có những cuối tuần, Dũng tìm cách lên Đà lạt để đón Mai ra phố, lúc nào chàng cũng tìm cách nói dối để qua mặt mấy bà sơ. Có một lần chàng vào trường đón Mai, nói với mẹ bề trên là có thân nhân ở Sài gòn lên, xin phép cho Mai ra ngoài chơi qua đêm với gia đình. Thế là chàng lái trực thăng đưa người yêu về tận Nha Trang để hai người du dương nhau trên bãi biển đến sáng hôm sau chàng mới lấy công tác trở lên Đà lạt.
Chuyện tình lén lút đưa đến hậu quả: Mai đã hiến dâng đời con gái cho người yêu không chút tiếc rẻ, và mối tình được đúc kết bằng một bào thai.
Những ngày sau đó trở lại trường, Mai làm biếng học, cứ uể oải ụa mửa, lấy cớ bệnh, nằm vùi ở học xá. Nàng bỏ cơm, mặt mày chao dao khiến mấy bà sơ sinh nghi, viết thư mời mẹ nàng lên để nói chuyện. Mai không biết mẹ bề trên đã nói gì với mẹ nàng sau cánh cửa văn phòng mà sau đó Mai thấy mẹ bước ra với cặp mắt đỏ hoe.
Mẹ nhìn Mai nửa giận nửa thương. Mẹ ra lệnh Mai thu xếp đồ đạc để về Sài gòn liền.
Mai biết mình có lỗi, lo sợ không biết bố mẹ sẽ đối xử nàng cách nào đây nên không dám cãi. Nhưng nàng cũng buồn rầu không biết phải làm sao để báo tin cho Dũng biết. Mai chỉ hấp tấp ghi địa chỉ của nàng ở Sàigòn mà nhét vào tay nhỏ Thúy, nhờ nó trao lại cho Dũng.
Không biết bố mẹ Mai bàn bạc ra sao mà trong mấy tuần liên tiếp, mặt bố nặng chình chịch, không nói với Mai nửa lời. Riêng mẹ vào phòng Mai, hỏi thăm về người đàn ông nào đã phá hoại đời con gái của bà. Mai khóc lóc nói thật về tình yêu của hai người. Mai nói Dũng thương nàng thật tình, nếu bố mẹ bằng lòng thì hai người sẽ lấy nhau. Mẹ nghe người yêu của con gái của mình là phi công thì bà nghiến răng, nói:
- Mày ngu quá con ạ! Mấy thằng phi công nổi tiếng là đào hoa. Hơn nữa làm vợ lính trong thời buổi chiến tranh này thì chỉ có nước làm gái góa. Để từ từ cho mẹ tính… Mày giết mẹ mày rồi! Ra đường còn mặt mũi nào mà mẹ dám nhìn thiên hạ… Nuôi cho mày ăn học tưởng đâu làm rạng rỡ gia đình chớ đâu dè hư thân mất nết như vậy?
Sau đó bố mẹ bàn bạc đưa Mai về ở tạm với người dì ở Mỹ Tho để chờ ngày sanh nở.
Mai không được tin tức gì của Dũng. Không biết khi nhỏ Thúy báo tin dữ, chàng có đến nhà Mai ở Sàigòn để tìm không? Nhưng, có đến tìm, chưa chắc bố mẹ đã tiếp.
Trong mấy tháng trời Mai đau khổ khóc sưng cả mắt. Nàng như con thú bị nhốt trong chuồng. Mai muốn đi tìm Dũng để bàn với chàng giúp nàng bỏ nhà ra đi. Mai sẵn sàng theo chàng dù ở chân trời góc biển nào.
Vì tinh thần sa sút quá nên Mai sanh non, đứa con trai đẻ thiếu tháng èo uột, mấy tháng sau nó qua đời. Mới mười chín tuổi mà Mai cảm thấy mình già dặn hẳn ra. Nàng đâm ra hận đời, hận người, với những tháng ngày mang nặng, đẻ đau mà không hề nhận được một chút tin tức gì của Dũng. Mai nhận được lá thư của Thúy từ Đà lạt cho biết, con nhỏ đã báo tin cho anh họ của hắn biết rồi, và nghe nói phi đoàn của Dũng bị đổi đi Pleiku thì phải.
Sanh nở xong, mẹ đón Mai trở về Sàigòn. Lúc này bố của Mai đã đổi tánh. Ông đi làm ăn cả ngày, ban đêm đi ăn nhậu với bạn bè đến khuya mới về. Tối nào ông về mặt mũi cũng đỏ ngầu, người toàn mùi rượu.
Thế là bố mẹ lại gây gổ nhau. Mẹ khám phá bố có người đàn bà khác bên ngoài. Hai người bàn tính đến việc ly dị. Bố cũng không năn nỉ hay luyến tiếc mái gia đình này nữa. Mai buồn rầu bỏ học trước cảnh gia đình tan vỡ, và xin vào làm việc ở một cơ sở Mỹ. Mẹ đau khổ phận mình nên cũng không còn hơi sức đâu khuyên can con gái. Cảnh gia đình hạnh phúc khi xưa nay chỉ còn hai mẹ con đi ra đi vào lặng lẽ như hai chiếc bóng.
Thế rồi vận nước đến hồi đen tối, Cộng sản bắt đầu xâm chiếm dần miền Nam. Mai nhờ làm sở Mỹ nên được bốc đi trước ngày 30 tháng 4. Nàng đem mẹ theo, cùng một chút vốn liếng nhỏ để tạo dựng cuộc đời mới nơi xứ người…
oOo
Lúc đầu định cư ở Mỹ, Mai được một gia đình bảo trợ mang hai mẹ con nàng về ở tiểu bang Chicago. Mai kiếm được một việc làm ở hãng đóng đồ hộp, với đồng lương khiêm nhượng chỉ đủ nuôi hai mẹ con ngày hai bữa ăn.
Mai cặp với anh chàng Mỹ phụ trách kiểm hàng trong cơ xưởng. Hai người ăn ở với nhau như vợ chồng, không có đám cưới rình rang theo thông thường, vì lúc đó hai mẹ con nàng không có bạn bè.
James yêu Mai, nhưng coi bộ không thích bà mẹ vợ. James cứ phàn nàn với Mai là mẹ nàng nấu những món ăn gì hôi rình cả nhà cửa. Vì mẹ không biết nói tiếng Anh nên mỗi khi Mai bận việc đi đâu, mẹ ở nhà với con rể, hai người ra vào không ai nói với ai nửa lời.
Mẹ có vẻ khổ sở và cô đơn nơi xứ người. Bà thèm có bạn bè để tâm sự. Bà muốn đọc những tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
Nơi Mai ở không có nhiều người Việt nam, hơn nữa hai vợ chồng Mai đi làm cả ngày, cuối tuần ở nhà lo dọn dẹp, chợ búa nấu nướng nên đâu có thời giờ chăm sóc cho mẹ của Mai. Nhưng mẹ nàng không nghĩ thế, bà cho là con gái mê chồng, không ngó ngàng gì đến mẹ.
Mỗi ngày đi làm về, Mai thấy mặt mẹ chù ụ buồn bã, Mai xót xa quá nhưng không biết làm sao hơn. Cuối tuần nàng lái xe xa cả mấy chục cây số để mua một ít đồ tạp hóa Á đông cùng sách báo cho mẹ coi đỡ buồn. Nàng dạy chồng ăn những món ăn như phở, hủ tiếu, chả giò. James cũng thích đồ ăn Việt nam lắm nhưng chàng ta không chịu được món mắm kho hay thịt kho của mẹ. Mỗi lần đi làm về, bước vào nhà nghe mùi nước mắm nồng nặc là James chạy lại mở tung hết các cánh cửa để mùi hôi bay bớt ra ngoài.
Thế là mẹ lại giận. Mai khổ tâm đứng giữa bên mẹ, bên chồng. Mẹ nói cạnh nói khoé, chê thằng rể không đủ sức bảo bọc con gái, để Mai phải đi làm ngày hai buổi mà nó còn làm trời. Nhiều khi bà nhìn ra ngoài trời nói bâng quơ:
- Thiệt là hận tụi cộng sản làm bao nhiêu người phải bỏ nước ra đi… Ra nước ngoài rốt cuộc ai cũng chỉ là cu li chớ hay ho gì…
Ngày qua ngày, tình cảm của vợ chồng Mai càng lạnh nhạt. James không chịu được thái độ chống đối của bà mẹ vợ ở ngay trong nhà mình nên tìm cách kiếm chuyện với Mai. Tức nước vỡ bờ, hai vợ chồng gây gổ, ly dị nhau sau năm năm chung sống.
Sau khi bỏ chồng, Mai đem mẹ về tiểu bang Cali, nơi có nhiều người Việt định cư. Mẹ có vẻ thoải mái khi về vùng nắng ấm, có đủ các thức ăn quê hương. Báo chợ biếu không, bà tha hồ nhặt về đọc. Bà có vẻ vui hơn xưa nhiều.
Mai thấy người Việt nam ở San Jose thành công trong việc học nhiều hơn tiểu bang khác nên nàng bắt đầu ghi tên đi học lại ở College. Nàng theo khóa học kế toán tài chánh hai năm, sau đó ghi tiếp học ở đại học San Jose. Rồi nàng cũng mũ áo ra trường như ai. Văn bằng kế toán không kiếm nhiều tiền như ngành điện tử, nhưng cũng tạo cho Mai một công việc làm với đồng lương khá hơn công việc làm ở Chicago rất nhiều.
Mai bắt đầu quen biết, cặp bồ lung tung với các bạn đồng nghiệp Mỹ trong sở. Nàng không thích giao thiệp với người đồng hương vì hình ảnh người yêu đầu đời đã in sâu vào lòng nàng một mối hận. Nàng cho rằng Dũng đã im lặng, phũ phàng bỏ rơi nàng trong lúc bụng mang dạ chửa. Nếu thật tình chàng yêu Mai thì đã lặn lội tìm nàng rồi.
Lại thêm hình ảnh của cha. Sau 30 tháng 4 nghe nói ông kẹt lại Sàigòn với bà vợ sau. Hai người sanh thêm mấy đứa con, cuộc sống không mấy khá. Mẹ vẫn hận bố nên không liên lạc thư từ và cũng không muốn con gái giúp đỡ gì cho cha.
Mai quen biết với John cùng làm việc trong sở và quyết định bước thêm bước nữa.
Đám cưới sơ sài được tổ chức với bạn bè trong sở. Mẹ Mai cũng không chống đối. Lúc này bà hiểu đôi chút tiếng Mỹ, nói năng dăm ba câu ba rọi nhưng đủ để John hiểu và cười xòa.
Hai vợ chồng mua căn nhà nhỏ, đem mẹ Mai về ở chung. Cuộc sống tưởng đâu yên, nhưng ba năm sau mẹ lâm bệnh ung thư ngặt nghèo và từ giã cõi đời, bỏ Mai lại.
Khổ vì mất mẹ, Mai đâm ra nghiện rượu. Nàng thèm rượu chát và uống như nước lã mỗi ngày. John thương vợ nên thông cảm nỗi khổ của nàng, chỉ khuyên Mai nhẹ nhàng là đừng nên quên sầu trong chất men, nhất là đàn bà. Nhưng đã nghiện rồi thì làm sao bỏ được. Cuối tuần Mai có thể một mình chơi hết hai chai rượu chát. Mà phải là rượu chát của Pháp nàng mới chịu. Mới đầu John còn khuyên vợ nhẹ nhàng, về sau thấy Mai vẫn nốc hết ly này đến ly khác, John chán nản bỏ vào phòng nằm đọc sách.
John thèm có một đứa con, nhưng hai vợ chồng sống chung bao lâu vẫn không thấy động tĩnh gì. Đi bác sĩ thì hai người vẫn bình thường. Mai không cho chồng biết là ngày xưa nàng đã chửa đẻ một lần rồi chớ sao không. Lúc mong muốn có con thì không được, ngày xưa không trông đợi thì lại có. Ông Trời kể ra oái oăm thật. Hay là Mai cao số về đường chồng con? Gặp ông nào cũng lận đận, trắc trở!
Thế rồi, một ngày đẹp trời, Mai khám phá trong cặp táp của John tờ giấy khám thai của một người đàn bà tên Lisa. Mai tra gạn thì John thú thật đã ăn nằm với người đàn bà này cả năm nay, giờ cô ta đang có thai. John không biết phải nói với Mai ra làm sao.
Mai giận quá đập phá đồ đạc trong nhà, nhất định đòi ly dị. Mai không muốn cho John ca bài “How can I tell her about you.”
Đàn ông người nào cũng bội bạc, Mai nghĩ vậy và đâm ghét hết tất cả đàn ông trên cõi đời. Mười lăm năm mặn nồng tình nghĩa vậy mà John cũng giũ áo ra đi cái một. Căn nhà bán chia đôi, mỗi người ôm một số tiền, đi hai hướng riêng. Trước khi đi, John hôn lên má Mai, tha thiết xin nàng giữ tình bạn và xin lỗi đã phụ nàng. Chẳng qua John mong có con quá, chỉ một lần bay bướm mà người đàn bà kia có con nên John không bỏ được. Mai dọn ra một apartment hai phòng ngủ trong một cao ốc sang trọng. Hai năm nay nàng sống cô đơn nhưng chưa muốn kết nối tình cảm lâu dài với một ai. Mai đổi qua làm việc ở Francis’s Electronics để khỏi ra vào gặp John ở sở cũ…
oOo
Đêm nay là dạ vũ Giáng sinh trong sở làm. Ban giám đốc mướn một nhà hàng để khoản đãi nhân viên. Đồ ăn để đầy trên hai dãy bàn, mạnh ai nấy lấy. Người nào người nấy áo quần lộng lẫy. Ăn uống xong sẽ có màn khiêu vũ. Mai tiếc rằng mình đi một mình, không có người để ra thi thố trên sàn nhảy.
Đang suy nghĩ miên man thì có tiếng người cất lên khiến Mai giật mình:
- Người đẹp cho phép tôi ngồi cùng bàn chứ?
Lại Dân! Chẳng lẽ nói không. Mai gật đầu giơ tay mời. Gã tay bưng đĩa thức ăn, nhìn qua đĩa xà lách của Mai và nói ngay:
- Đằng kia có món tôm luộc cô thích lắm đó. Cô muốn không? Tôi lấy cho cô nhé.
- Cám ơn. Để một lát tôi đi lấy.
- Không sao. Tôi để thức ăn của tôi ở đây, cô trông giùm cho tôi nhé. Tôi trở lại lấy cho cô. Trời ơi, lâu lâu mới có bữa ăn chùa, ăn cho no, cho đã.
Mai mỉm cười không phản đối. Tại sao gã biết Mai thích món tôm luộc? Kể ra “chàng gù ở nhà thờ Đức Bà” này không đến nỗi tệ. Mai vui vui với ý tưởng trong đầu.
Một lát sau Dân trở lại với đĩa thức ăn đầy ắp, đưa cho Mai. Gã chọn những con tôm to tướng màu hồng cam, thêm chút nước sốt để bên cạnh. Mai nhận lấy và nói cám ơn. Hôm nay gã Dân diện vét lên coi khác hẳn vẻ lam lũ thường ngày. Tướng tá gã cao lớn coi cũng không đến nỗi tệ, chỉ phải tội gương mặt chằng chịt những vết sẹo, con nít nhìn gã ban ngày, tối ngủ dám có ác mộng lắm!
Dân kéo chiếc ghế đối diện Mai và ngồi xuống với đĩa thức ăn của mình. Hồi đó tới giờ Mai không có cảm tình với gã đàn ông này, vì lúc nào gã cũng nhìn Mai đăm đăm khó hiểu, pha chút bỡn cợt. Mai thầm nghĩ, dù cuộc đời nàng gian truân, qua bao nhiêu tay đàn ông nhưng đâu đến nỗi rơi vào tay thằng cha lao công trong cơ xưởng mà hễ thằng chả gặp nàng ở đâu là mắt sáng lên, nói năng không chút kính nể.
- Cô có thân nhân gia đình ở đây không, cô Mai nhỉ?
- Không. Mẹ tôi qua đời đã mười năm nay rồi. Cha tôi có vợ khác và còn ở Việt nam. Thế còn chú, gia đình chú ở đây chứ?
- Ôi, thân cu li như tôi kiếm miếng ăn bỏ miệng còn chưa đủ, đâu dám nghĩ đến vợ con? Mà tôi đâu có già lắm đâu mà cô gọi tôi bằng chú?
Mai im lặng. Người đàn ông này ngoài năm mươi tuổi, không có vợ con ở đây thì có ở nơi khác chớ dễ gì ở không? Đàn ông nào cũng vậy, hễ hỏi có vợ chưa cứ chối đây đẩy. Có hay không thì nhằm nhò gì đến nàng. Mai cắm cúi ăn. Gã Dân bắt chuyện, hỏi những câu trời trăng mây nước. Hôm nay là tiệc Giáng sinh, Mai cũng không muốn tỏ ra khó tánh như thường ngày nhưng nàng mong gặp bạn bè khác để lấy cớ bỏ đi bàn khác cho rồi.
Vừa lúc đó tiếng nhạc trỗi lên. Từng cặp bắt đầu ra sàn nhảy. Mai lơ đễnh nhìn từng đôi vợ chồng ôm nhau âu yếm. Hôm nay ông xếp cho nhân viên mời cả người phối ngẫu dự tiệc nên ai nấy đều có đôi. Mai hơi buồn cho thân phận mình. Đàn ông vây quanh bao nhiêu mà những đêm Noel lẻ loi như vậy thật là khổ. Biết vậy phải chi Mai điện thoại mời một tên tình hờ đến dự cho đủ cặp với người ta.
Tiếng của gã Dân cất lên lôi Mai về thực tại:
- Mời cô Mai ra nhảy với tôi bản này nhé?
Mai ngần ngừ và liếc nhanh khắp phòng. Trời ơi, nàng ra nhảy với anh chàng lao công coi xệ quá. Nhưng chẳng lẽ ngồi nhìn thiên hạ hạnh phúc. Nghĩ vậy Mai mỉm cười đứng dậy. Ban nhạc đang chơi bản Bebop dồn dập. Đây là điệu nhạc ruột của Mai.
Dân dìu Mai ra sàn. Hai người quyện lấy nhau theo điệu nhạc. Mai ngạc nhiên khi thấy anh chàng lao công lam lũ thường ngày lại có những bước đi nhẹ nhàng, bay bướm của một tay chơi thứ thiệt. Mai và gã nhảy thật ăn rơ nhau. Hai người như quên hết thực tại, chỉ biết đắm mình trong tiếng nhạc, không biết mọi người từ từ trở vô bàn để xem hai người biểu diễn.
Tiếng nhạc chấm dứt. Tiếng vỗ tay vang lên. Gã Dân nghiêng mình kiểu cách cám ơn và giơ tay mời nàng tiếp theo bản khác. Rồi bản thứ ba, thứ tư. Tango, Valse, Cha cha,.. Điệu nào gã Dân cũng nhảy thật hay. Mai tự hào mình là dân chơi mà còn thấy muốn hụt hơi theo đà quay của gã.
Một lát sau, Dân dìu Mai về trở lại bàn. Gã nói nhẹ bên tai nàng:
- Cám ơn cô đã nhảy với tôi mấy bản nhạc… Đã từ lâu tôi mới tìm thấy được niềm vui năm xưa..
Mai nhẹ gật đầu. Trong vòng tay của gã, Mai nhớ lại cảm giác thời xa xưa với mối tình đầu. Người yêu Không quân của Mai ngày xưa cũng có lối nhảy bay bướm như vậy. Thời gian qua quá nhanh… Mai đã quên dĩ vãng từ lâu nhưng tự dưng đêm nay gã đàn ông lạ với lối nhảy khiến Mai nhớ lại ngày xưa khi mình còn là cô nữ sinh trường đầm, leo rào đi chơi với người tình.
Tự dưng Dân ôm mặt gục xuống bàn. Mai hốt hoảng lay tay gã:
- Chú… ơ … anh bị sao vậy?
Dân lắc đầu nhưng đôi mắt vẫn nhắm nghiền:
- Chắc không sao. Tôi chỉ hơi bị mệt và chóng mặt. Tôi ngồi nghỉ một chút là khoẻ.
Mai ái ngại nhìn người đàn ông. Nàng cảm thấy tội nghiệp. Có lẽ hồi nãy nhảy hăng mà gã quên tuổi của mình đã xế chiều chớ không như hồi còn trẻ chăng?
- Anh có muốn về không, tôi đưa anh về.
- Khỏi, tôi có xe của tôi mà. Xin lỗi đã làm cô sợ.
Tuy nói để trấn an Mai nhưng nàng thấy gương mặt người đàn ông, sau những lớp thẹo chằng chịt đã đổi sang một màu xám xịt. Mai đứng lên lại quầy rượu lấy một ly nước lạnh mang đến cho gã. Người đàn ông cầm ly nước, con mắt còn lại nhìn Mai thật sâu khiến nàng thấy đỏ bừng hai má. Hai người ngồi im lặng nhìn người khác nhảy. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Lát sau Dân nhìn Mai nói:
- Cô nhảy khá lắm. Những điệu nhảy này bây giờ giới trẻ đã thay đổi, họ thích lắc mình và “phăng” hơn là giữ nét lả lướt nguyên thủy. Nhìn cô, tôi tưởng tượng khi còn trẻ cô duyên dáng lắm… Bây giờ vẫn còn…
Mai lại đỏ bừng má. Gã này coi bộ biết tán gái dữ đa. Nhưng trái tim của Mai đã cằn cỗi rồi, hơn nữa người đàn ông cỡ như gã này không phải là đối tượng của Mai.
Mai không còn hứng thú ở lại nữa. Nàng nhìn gã Dân nói:
- Tôi cảm thấy hơi mệt. Anh ở lại chơi, tôi về trước.
- Vâng, nếu cô về thì tôi cũng về. Tôi đi với cô ra bãi đậu xe. Bây giờ trời cũng đã tối.
Hai người im lặng đi bên nhau. Trời mùa đông Cali năm nay khá lạnh. Mai bắt tay gã Dân, chúc gã Giáng sinh vui vẻ. Bàn tay chai cứng của người đàn ông nắm tay Mai hơi lâu. Mai rút tay về và đi nhanh về chiếc xe Lexus bóng loáng đậu gần đó…
oOo
Thế rồi những ngày nghỉ trôi qua thật nhanh. Cơ sở của Mai đóng cửa từ trước Giáng sinh đến qua Tết tây mới mở cửa lại. Nhân viên được nghỉ ở nhà không ăn lương. Kẻ có tiền thì lợi dụng dịp này đi du lịch. Kẻ không tiền thì than trời như bọng vì mất đi một kỳ lương.
Mai theo lời mời của người bạn, bay về Florida chơi một tuần lễ. Đến khi trở lại làm việc, Mai ngạc nhiên khi không thấy bóng dáng anh chàng lao công tên Dân ở đâu cả. Mai hơi thắc mắc nhưng cũng không bận tâm. Người như gã, y như gã từng nói, làm công việc với đồng lương tối thiểu, không làm chỗ này thì đi chỗ khác, thiếu gì công việc. Chắc gã kiếm được công việc nào nhàn hơn nên đã vỗ cánh bay đi. Lúc trước ra vô đụng đầu, thấy gương mặt xấu xí của người đàn ông cùng con mắt chột khiến Mai mất cảm tình. Bây giờ Mai cảm thấy hơi hối hận. Sau những điệu nhảy, Mai đoán gã này ngày xưa cũng là một tay chơi chớ không phải là dân cù lần. Mai định bụng sẽ gặp gã để hỏi han quá khứ người đàn ông này xem sao. Có thể gã là một sĩ quan đi học tập, qua Mỹ theo H.O. Cái điệu bộ ngang tàng không chút mặc cảm chứng tỏ gã không phải là người tầm thường. Mai cũng hơi lấy làm xấu hổ khi nhớ lại lúc trước thái độ mình lúc nào cũng tỏ vẻ khinh khỉnh với gã. Đời Mai cũng đã bầm dập mấy phen chớ hay ho gì. Nhớ giọng ca ngâm nga của gã vừa làm vừa hát, nhiều khi đổi lời theo ý gã… “Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ.”
oOo
Mấy tháng trôi qua cho đến một ngày vào mùa xuân, Mai nhận được một phong bì to, bên ngoài in địa chỉ một tổ hợp luật sư ở San Jose gởi đến. Mai lật qua lật lại chiếc phong bì với vẻ ngạc nhiên. Người ta có lộn không vậy? Nàng không nợ nần hay có dính líu gì đến pháp luật đâu mà luật sư gởi thư cho nàng. Chắc có sự lầm lẫn gì đây.
Mai xé phong bì, bên trong là một lá thư đánh máy cùng một phong bì nhỏ kèm theo. Mai đọc nhanh những hàng chữ:
“Kính chào bà Mai Nguyễn
“Chúng tôi đường đột gởi lá thư này đến bà với tư cách đại diện cho thân chủ của chúng tôi là ông Trần Quốc Dân, đã qua đời ngày 29 tháng 12 năm… Theo di chúc của người quá cố, chúng tôi xin chuyển lá thư của ông ta cùng bản sao của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đến cho bà để tùy nghi.
Nếu bà có điều gì thắc mắc, xin liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ trên đây, hy vọng chúng tôi sẽ giúp được bà trong vấn đề giấy tờ, theo ý muốn cuối cùng của thân chủ chúng tôi.”
Mai lặng người, hai tay run rẩy như vừa được tin một người thân trong gia đình đã qua đời. Mấy tháng nay vắng bóng người lao công, Mai tưởng đâu ông ta đã vỗ cánh tìm bến đậu khác chớ ai có ngờ… Cuộc đời ngắn ngủi đến như vậy sao? Mai nhớ đến điệu nhảy lả lướt của người đàn ông trong buổi tiệc Giáng sinh. Nhưng giữa Mai với người đàn ông này đâu có gì thân mật, gắn bó để ông ta phải nghĩ đến nàng trước khi lìa đời?
Mai tò mò rút lá thư kèm theo trong phong thư, được dán kín lại.
Mai nhắm mắt lại vài phút cho đỡ hồi hộp trước khi xé phong bì ra.
Hàng chữ cứng, bay bướm trên trang giấy trắng đập vào mắt nàng. Tim Mai đập mạnh hơn khi bắt đầu đọc:
“Thanh Mai thương,
“Chắc Mai rất ngạc nhiên khi đọc những dòng chữ này phải không? Cho phép anh được gọi tên Mai và xưng anh với em một lần cuối. Anh viết những dòng chữ này khi nằm cô đơn trên giường bệnh trong một ngày cuối năm. Anh biết, với căn bệnh của mình, anh không còn sống bao lâu nữa. Anh muốn được nhìn thấy em một lần cuối trước khi lìa đời nhưng ý muốn này quá xa vời, hơn nữa anh có biết số điện thoại nhà riêng của em đâu mà gọi?
“Mai ơi, anh chính là Dũng của em ngày xưa đây. Anh biết anh có lỗi nhiều với em cho nên những ngày tháng qua, ra vào cơ sở gặp em, anh chỉ muốn phun ra hết những ẩn ức trong lòng mà anh ôm ấp mấy chục năm nay nhưng không dám.
Em cao sang quá, hình ảnh anh ngày xưa đã hoàn toàn biến mất trong ký ức của em rồi. Hơn nữa nhân dáng bên ngoài của anh hiện tại đã làm anh chùn bước, không muốn em nhận ra anh. Nhưng hôm nay em cho phép anh được kể cho em nghe câu chuyện về đời anh.
“Cả cuộc đời, điều anh ân hận nhất là đã làm mất tuổi thơ và sự trong trắng của em. Lúc đó anh yêu em mãnh liệt nên không nghĩ đến hậu quả. Cha mẹ anh mất sớm, anh về sống với dì của anh là mẹ của Thúy. Khi đậu tú tài toàn phần, anh không muốn làm gánh nặng cho dì anh nữa nên anh gia nhập Không quân. Anh mãn nguyện với cuộc đời binh nghiệp của anh. Đến khi gặp em, yêu em.. anh cảm thấy đời mình quá hạnh phúc. Nhưng tình yêu nào cũng là một trái đắng.
Ngày em bỏ Đà lạt đi đột ngột, Thúy có báo tin cho anh biết. Lúc đó anh cũng chưa hiểu nguyên nhân nào làm em quyết định như vậy. Vừa lúc đó phi đoàn anh thuyên chuyển về Pleiku để tăng cường những phi vụ yểm trợ chiến trường càng ngày càng thảm khốc. Thúy có nói cho anh biết sơ và anh cũng ngờ ngợ đoán là em đã có mang đứa con của anh trong bụng. Anh vừa vui vừa đau khổ. Vui vì được làm cha. Khổ vì không biết làm sao để bảo đảm tương lai cho em và con trong lúc chiến tranh càng ngày càng leo thang. Thân anh ngoài hai bông mai ra, không có chút sản nghiệp nào để lo cho mẹ con em. Nhưng anh cũng định bụng sau những chuyến công tác, anh sẽ đánh liều đến nhà em ở Sàigòn để thú thật tình yêu của mình cho ba mẹ em biết.
Nhưng rồi, trong phi vụ cuối cùng, máy bay anh bị bắn trúng. Máy bay bốc cháy, anh phải nhảy dù ra ngoài. Anh tưởng đâu mình chết rồi vì khi anh sửa soạn để nhảy xuống thì máy bay nổ. Khi tỉnh lại thì anh thấy mình đang nằm trong khu rừng già, mình mẩy đầy thương tích. Cặp mắt anh sưng tấy lên với máu khô đóng cục. Nhìn quanh không thấy một ai. Anh gắng gượng ngồi dậy, bò lết dưới cỏ để kiếm nước uống, sau đó lại ngất đi. Đến khi tỉnh lại lần thứ hai, anh nghe tiếng nói lao xao. Thì ra anh đã rơi vào tay địch. Bọn Việt cộng để anh nằm dở sống dở chết như vậy, không thuốc thang chữa trị. Nhưng có lẽ Trời Phật còn thương nên cho anh sống, và kéo lê kiếp tù binh. Không thuốc men chữa trị, kết quả là khuôn mặt anh bị nhăn nhúm vì những vết thương, sau trở thành vết thẹo.
“Chừng hai năm sau, miền Nam rơi vào tay Cộng sản. Lúc các quân nhân mới kéo nhau đi tù thì anh đã là thằng tù nhiều kinh nghiệm rồi.
“Ở tù được 10 năm, anh được thả về. Anh dò hỏi thì được biết gia đình em đã ra đi trước 75, không ai có tin tức gì cả. Thúy cho anh biết, em có liên lạc với Thúy để báo tin cho anh biết là em đã sanh cho anh một đứa con trai, nhưng sau đó đứa bé bất hạnh qua đời. Anh buồn quá. Tương lai đen như mõm chó.
Sau đó anh tìm cách vượt biên bằng đường bộ qua ngã Cam-pu-chia. Chắc em đã đọc sách báo nói về những chuyện kinh khủng của những kẻ tìm tự do bằng đường bộ rồi nhỉ? Anh không muốn nhắc lại làm chi.
“Trở lại chuyện của anh, qua những lần tưởng chết, anh đã đến được bến bờ tự do. Anh mất hết giấy tờ nên dùng giấy tờ của người bạn đường đã chết, mang tên Dân, nếu không giấy tờ gì cả, sẽ gặp rắc rối khi định cư.
“Một hội nhà thờ bảo lãnh anh về sinh sống ở Oregon, nhưng một năm sau thì anh tìm cách dọn về tiểu bang Cali.
Trời dun dủi cho anh được gặp em trong cùng chỗ làm việc. Anh nhận ra em ngay dù đã mấy chục năm xa cách. Em vẫn duyên dáng với đôi má lúm đồng tiền. Em cao sang quá. Còn anh tấm thân tàn tạ với khuôn mặt dị hợm nên anh không dám nhìn em. Bao lần anh muốn thổ lộ niềm nhung nhớ của anh dành cho em bấy lâu nay nhưng anh không dám. Anh sợ em khinh khi. Mối tình đầu ngày xưa của một cô bé mới lớn còn bồng bột, chắc em đã chôn vùi trong dĩ vãng từ lâu. Nhận nhau để làm gì nhỉ? Chỉ thêm ngỡ ngàng thêm mà thôi.
“Một thời gian ngắn sau khi định cư ở đất Mỹ, anh khám phá ra mình bị ung thư. Anh chán nản không còn muốn phấn đấu nữa. Em cũng biết, một phi công như anh đã từng đi tu nghiệp bên Mỹ thuở xưa thì vốn liếng Anh ngữ của anh có thể giúp anh tìm một việc làm khá hơn nhưng anh không muốn. Anh chấp nhận làm một nghề hèn mọn nhất để được trông thấy em hàng ngày. Anh mua một bảo hiểm nhân thọ thuộc loại không cần khám sức khoẻ. Anh muốn có một số tiền để dành cho bất cứ người nào lo ma chay cho anh sau này. Nhưng sau khi gặp em, anh đã đổi tên người thừa hưởng là em đó Mai ạ. Coi như chút quà anh để lại cho em như một lời tạ tội ngày xưa. Anh biết mình không sống lâu nên đi gặp luật sư để sửa soạn di chúc. Anh đã cống hiến thân xác anh cho ngành y khoa. Bộ phận nào của còn tốt, anh hiến cho người đang chờ thay bộ phận đó. Chút tiền dành dụm trong trương mục anh dành cho nhà quàn lo việc ma chay cho anh. Mà có gì phải lo nhỉ, một người không thân nhân, xác thân chỉ thiêu là xong. Cát bụi rồi cũng trở về với cát bụi. Anh nhớ mãi đêm Noel, anh được ôm lại em trong vòng tay. Anh có cảm tưởng như đôi ta đang quay cuồng trong tiếng nhạc tại một dạ vũ ở xứ hoa anh đào xa xưa ấy. Anh cảm thấy hạnh phúc quá đi thôi.
“Viết đến đây anh cảm thấy mệt quá rồi. Căn bệnh anh đến hồi bộc phát. Anh mong được gặp em lần chót nhưng không biết liên lạc em ở đâu. Anh mong mình khoẻ lại để sau kỳ nghỉ lễ, anh sẽ vào sở và được trông thấy em, người con gái kiêu sa mà anh yêu hết lòng…”
Lá thư không có đoạn kết. Có lẽ người đàn ông định viết thêm nhiều hơn nữa nhưng rồi đành phải bỏ ngang. Mai gục đầu xuống bàn, nước mắt nhạt nhòa. Kỷ niệm ngày xưa cuồn cuộn trở về trong tâm trí.
Hình ảnh người đàn ông trong đêm dạ vũ đã quay cuồng với nàng trong mấy điệu nhạc.
Ôi, còn ai vào đây nữa. Lối nhảy bay bướm này nàng đã thấy nhưng sao nàng không thể nhớ ra.
Mai nhớ lại thái độ của mình khi xưa đối với người lao công. Bất giác hai vai gầy của người con gái rung lên theo từng độ nấc./.
Tống Minh Long Quân