LAM_SON
Senior Member
  
Offline

I love YaBB 1G - SP1!
Posts: 302
Gender:
|
Đức Phật đã dạy những gì ? -2-
Như đã trình bày trong kỳ trước, duyên khởi đạo Phật xuất hiện bắt nguồn từ sự bừng tỉnh, Chứng Ngộ Thực Tại của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Do sự Chứng Ngộ này, Ngài đã trực nhận ra được rằng “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể tu hành để thành Phật như Ngài”. Từ sự thấu triệt đó, Ngài khởi tâm Đại Bi, dạy lại những kinh nghiệm hành trì và tu chứng của Ngài, để mọi chúng sinh đều có thể noi theo mà tu hành, tiến tới giác ngộ giải thoát.
Những lời dạy đó tích lũy thành tạng Kinh, là phần Giáo Pháp. Và như thế, đạo Phật xuất hiện trên đời.
Vậy đức Phật đã dạy những gì?
Xin thưa rằng, suốt thời gian trên bốn chục năm ròng rã thân hành đi khắp gần xa để truyền dạy, những lời vàng ngọc của Ngài đã được chư đệ tử nhập tâm, các vị này lại truyền xuống cho đệ tử, rồi được tuyên đọc trong các kỳ kết tập kinh điển, tổng hợp thành tạng Kinh, là một trong Tam Tạng, thì nhiều vô số kể. Tuy nhiên, cốt tủy tất cả những lời dạy đó được đức Phật tóm tắt bằng tuyên ngôn:
– “Này chư Tỳ kheo, bây giờ cũng như trước đây, Như Lai chỉ dạy về “Khổ” và về “Con Đường Diệt Khổ”.
Tuyên ngôn này rút ra từ Bốn Chân Lý Thâm Diệu mà ngài đã Chứng Ngộ, đó là :
– Thứ nhất là Chân Lý về Khổ (Khổ Đế)
– Thứ hai là Chân Lý về nguồn gốc của Khổ (Tập Đế)
– Thứ ba là Chân Lý về sự Diệt Khổ (Diệt Đế)
– Thứ tư là Chân Lý về Con Đường đưa đến sự Tận Diệt Khổ (Đạo Đế)
Bốn Chân Lý này tức là Tứ Diệu Đế ( Đế nghĩa là Chân Lý).
Có người mới nghe nửa câu nói của đức Phật “chỉ dạy về Khổ” thì cho là quan điểm của nhà Phật về cuộc đời rất bi quan, tiêu cực. Nhưng nếu nghe thêm phần sau Ngài nói “và dạy Con Đường Diệt Khổ”, thì sẽ thấy ngay rằng đức Phật rất tích cực muốn cải thiện đời sống để mọi người được hết khổ.
Có ngưòi lại cho rằng “Cuộc đời không hẳn là khổ, nó chỉ khổ với những người nghèo nàn, bất hạnh, còn như vua chúa, quan quyền, những người giầu có, muốn gì được nấy thì không khổ”.
Nhà Phật cho rằng có tám vấn đề trong cuộc đời là nguyên nhân tạo nên “bể khổ”. Tất cả mọi người đều bị tám vấn đề này chi phối, bất kể giầu nghèo sang hèn, không chừa một ai, vượt qua ý muốn của người quyền uy nhất, đó là:
Sinh,
Lão,
Bệnh,
Tử,
Mong cầu mà không được,
Thương yêu nhau mà phải chia ly,
Thù ghét nhau mà phải gặp gỡ,
Thân và tâm khi khỏe khi yếu, lúc vui lúc buồn.
Trên đây là những nỗi khổ đến với con người một cách rất bình đẳng. Những nỗi khổ này chính là chuyện xảy ra hằng ngày trong đời sống.
Về Bốn Chân Lý Thâm Diệu mà Đức Phật dạy chúng ta, thì ba bài đầu là phần lý thuyết, để chúng ta thâm nhập ý nghĩa sâu xa, hiểu thấu sự thật về kiếp người, về những lý do khiến chúng ta bị ràng buộc, trôi lăn trong dòng sông sinh tử. Sau khi đã thâm nhập phần lý thuyết, hiểu rõ ý nghĩa, chúng ta sẽ tiến vào Chân Lý thứ tư là Đạo Đế, Con Đường Diệt Khổ, ứng dụng bài học vào cuộc đời.
Để ứng dụng bài học Đạo Đế, người muốn bước trên con đường phải thực hiện ba nguyên tắc sống sau đây:
– Tuyệt đối không làm những điều xấu ác để chấm dứt dòng nghiệp ác.
– Siêng năng làm những điều lành thiện, chuyển hóa dòng nghiệp trở thành nghiệp lành, để tạo duyên tốt cho con đường tu hành.
– Hành trì theo một pháp môn tu của Phật giáo để thanh tịnh tâm ý, tiến tới giác ngộ giải thoát.
Ba nguyên tắc sống này được rút ra từ bài kệ:
Không làm những điều ác
Siêng làm những việc lành
Tự thanh tịnh tâm ý
Lời chư Phật dạy rành.
Có thể hình dung đạo Phật như con chim đại bàng có hai cánh, là Từ Bi và Trí Tuệ. Hai câu đầu, “không làm những điều ác” và “siêng làm những việc lành” thuộc về lãnh vực phát triển lòng Từ Bi.
“Tự thanh tịnh tâm ý” thuộc về lãnh vực tu hành để thức tỉnh ra khỏi cơn mê vọng từ vô thủy, Chứng Ngộ Thực Tại như đức Phật, là phần Trí Tuệ.
Như thế, cả ba điều đều quan trọng, nhưng hai điều trên thì nhiều tôn giáo và trường học cũng đã dạy, duy “Tự thanh tịnh tâm ý” là điều cốt tủy của đạo Phật, là điều quan trọng nhất.
Tại sao vậy ?
Tại vì, nội dung của “tự thanh tịnh tâm ý” thâu gồm sự xả bỏ hết tất cả mọi vướng mắc của ba lãnh vực độc hại là Tham lam, Sân hận và Si mê, tiêu trừ ba sự độc hại này để chuyển tâm thành Giới hạnh, Định lực và Trí tuệ, rồi tới xả bỏ luôn tất cả mọi khái niệm, luôn cả khái niệm về sự xả bỏ, đi tới chỗ tâm hoàn toàn tịch tĩnh, chấm dứt mọi nguyên nhân cấu tạo thành kiếp sống mới. Đó là con đường Niết Bàn.
Nói về từ ngữ Niết Bàn, vì từ ngữ này thường được dùng khi có tin buồn, khiến có thể làm cho người nghe cảm thấy ngần ngại.
Đó là điều hiểu lầm rất đáng tiếc. Niết Bàn không phải là sự chết, mà là một trạng thái tâm thức tạm nói là an lạc và giải thoát. Trạng thái này chỉ người đã Chứng Ngộ mới biết thực tế là thế nào, có thể dùng câu “như người uống nước, nóng hay lạnh tới đâu chỉ chính người đó tự biết” để nói lên tính cách không thể trình bày ra được. Các vị đã chứng đạo thường dùng câu “như người câm muốn nói chuyện mộng” để mô tả tâm trạng của mình, muốn nói ra mà không có cách nào, vì tất cả những trạng thái tâm thức ở thế gian đều không phải là Niết Bàn.
Xin lược trích ý kiến của hòa thượng Narada Maha Thera viết về vấn đề này trong cuốn The Buddha and His Teachings, do cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch, như sau:
…”…Dầu người ta có thể viết đầy đủ và rõ ràng như thế nào, dầu người ta có dùng danh từ bóng bẩy đến đâu để cố gắng mô tả trạng thái vắng lặng của Niết Bàn, văn tự không thể giúp nhận thức thế nào là Niết Bàn. Niết Bàn không phải là cái gì có thể miêu tả bằng giấy trắng mực đen hay nhận thức bằng lý trí. Niết Bàn là pháp siêu thế, chỉ có thể chứng ngộ bằng tuệ giác.
Không thể có sự hiểu biết Niết Bàn bằng lý trí thuần túy, vì Niết Bàn không phải là một vấn đề có thể dùng luận lý để thấu đạt. Lời dạy của Đức Phật hoàn toàn hợp lý. Tri thức có thể lĩnh hội đầy đủ các Phật ngôn. Nhưng Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của Phật Giáo, vượt ra khỏi phạm vi luận lý…..
Ðạo quả Niết Bàn có thể thành tựu trong kiếp sống. Phật Giáo không hề chủ trương rằng mục tiêu cứu cánh của người Phật Tử chỉ thành tựu được sau khi chết.
Khi đạo quả Niết Bàn được thành tựu trong kiếp sống hiện tiền, nghĩa là trong lúc còn mang thân ngũ uẩn thì gọi là “Hữu Dư Niết Bàn”. Lúc bỏ xác thân mới gọi là “Vô Dư Niết Bàn”.
Một vị A La Hán hay một vị Phật lúc còn tại tiền gọi là đắc Hữu Dư Niết Bàn. Từ đó không còn tạo nghiệp mới nữa, nhưng những nhân lành hay dữ đã tạo trong dĩ vãng vẫn còn trổ quả cho tới lúc tâm thức và thân sắc tan rã.
Khi một vị A La Hán nhập Vô Dư Niết Bàn, nếu còn nghiệp cũ thì nghiệp ấy hết hiệu lực vì không còn biểu hiện nơi đâu được nữa”....
Như thế, đạo Phật không phải là một mớ lý thuyết suông, mà là một pháp thực hành để đem thân và tâm trở về với sự tỉnh thức, an lạc. Đó là phần Đạo Đế, Con Đường Diệt Khổ. Con đường này có tên gọi là Bát Chánh Đạo, có tám chi bao gồm ba nhóm học và hành trì là :
– Giới Học gồm:
- Chánh Ngữ là nói lời chân thật, hoà nhã, không dối trá, không nói lời thô tục nhảm nhí, vu cáo, vân vân…
- Chánh Nghiệp là hành động chân chính, giữ giới, không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, để tạo nghiệp thiện
- Chánh Mạng là hành nghề lương thiện, chân chính, không làm những việc xấu ác để kiếm tiền, thí dụ buôn bán cần sa ma túy, buôn bán thân xác phụ nữ, buôn lậu súng đạn để người ta giết nhau, vân vân…
– Định Học gồm :
- Chánh Tinh Tấn là sự cố gắng tu tập để :
* tiêu trừ những ý niệm xấu ác đang hiện hành trong tâm,
* không buông thả tâm ý khiến cho các điều xấu ác có thể nẩy nở
* hướng tâm về các điều lành thiện để tạo điều kiện cho chúng nẩy nở
* trong tâm đang nghĩ về điều thiện thì khai triển ra để điều thiện nẩy nở thêm.
Tóm lại, Chánh Tinh Tấn là luôn luôn tỉnh giác để tăng cường tính tốt và loại bỏ tính xấu.
- Chánh Niệm là suy niệm chân chánh, đem tâm về con đường tu tập, thí dụ tu theo pháp môn Thiền thì liên tục chú tâm quán tưởng, hoặc theo dõi hơi thở, hoặc niệm Phật.. vân vân… để chuyển hóa tâm từ trạng thái hỗn loạn trở nên bình tĩnh.
- Chánh Định là trụ vào một đề mục để giữ cho tâm được an định, là điều cần thiết để tâm được trong sáng mà quan sát sự vật, ngõ hầu thấu suốt thực tướng của vạn hữu.
– Tuệ Học gồm :
- Chánh Kiến là hiểu biết rõ ràng, tường tận về Phật pháp để ứng dụng vào đời sống một cách sáng suốt. Thí dụ người có Chánh Kiến thì ứng xử theo chánh pháp, không bày trò lễ bái đốt vàng mã, sát sinh hại vật để hối lộ thần thánh, vân vân…
- Chánh Tư Duy là sự suy tư đúng đắn đưa đến những quyết định cao thượng về giải thoát, về lòng trắc ẩn, tình thương yêu muôn loài, vân vân…
Tất cả các con đường tu học của Phật giáo đều nhấn mạnh vào sự thanh tịnh hóa và luyện cho tâm được an định. Tâm có an định thì mới có thể nhìn rõ sự việc trên thế gian, cũng như thùng nước có đứng lặng thì mới nhìn thấy cây kim dưới đáy.
Để đạt được điều này, nhà Phật đã có những pháp môn tu, thí dụ Ngũ Đình Tâm Quán, Thiền Chỉ Quán, Thiền Tứ Niệm Xứ, Thiền Tông, Thiền Minh Sát, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, vân vân… Hành trì theo đường lối tu của các pháp môn tu này sẽ giúp hành giả gỡ bỏ những vướng mắc Tham Sân Si vốn đã xuất hiện từ vô thủy.
Như thế, đạo Phật không bi quan, không lạc quan, chỉ phân tích rõ ràng thực tế vận chuyển của cuộc đời và dạy những pháp môn tu tập để mọi người được tỉnh thức thật sự, tiếp cận với đời sống ngay trong hiện tại một cách vững vàng, sáng suốt bằng tâm thức an định.
Câu chuyện Thiền sau đây nói lên tầm quan trọng của sự định tâm, của định lực, trích dịch từ cuốn “The Zen Way to the Martial Arts”, tác giả là thiền sư Taisen Deshimaru.
Thiền sư Taisen Deshimaru sinh năm 1914, tại Nhật Bản. Năm 16 tuổi, ông vào chùa xin làm đệ tử của thiền sư Kodo Sawaki, một trong số các thiền sư danh tiếng và có ảnh hưởng sâu rộng trên khắp nước Nhật đương thời, đặc biệt nhấn mạnh vào sự quan trọng của phương pháp tọa thiền. Không giống phần lớn thiền sư khác, thiền sư Taisen Deshimaru sống đời cư sĩ cho mãi đến năm 51 tuổi mới thọ giới tu sĩ, chỉ một thời gian ngắn trước khi vị thày qua đời. Hai năm sau, 1967, ông qua Âu Châu, định cư tại Pháp để dạy Thiền. Ba năm sau, năm 1970, ông được giao phó những nhiệm vụ quan trọng, được Sư Trưởng chùa Vĩnh Bình Tự bên Nhật truyền tâm ấn và bổ nhiệm ông làm Trưởng môn phái Thiền Tào Động tại hải ngoại.
Ông đào tạo rất đông đệ tử và xây đắp nền móng vững chắc cho sự truyền bá Thiền Tào Động tại Âu Châu trước khi qua đời vào năm 1982, hưởng thọ 68 tuổi.
Câu chuyện Thiền của thiền sư Taisen Deshimaru có tên là “Con đường chân chính của Võ Đạo” như sau:
“Một ông vua thời xưa muốn có con gà chọi vô địch, nên sai viên quan cận thần huấn luyện cho ông ta một con. Người này khởi sự bằng cách dạy con gà tất cả mọi kỹ thuật để xung trận.
Sau mười ngày, ông vua hỏi:
– Trẫm đã có thể tổ chức cuộc đấu cho con gà này chưa?
Huấn luyện viên thưa:
– Tâu bệ hạ, chắc chắn là chưa được. Con gà khỏe thì có khỏe, nhưng là cái khỏe vô dụng, rỗng tuếch, nóng nẩy, lúc nào nó cũng chỉ muốn đánh nhau, cuồng nhiệt quá mức, không có sức chịu đựng.
Mười ngày sau ông vua lại hỏi:
– Thế bây giờ trẫm cho tổ chức cuộc đấu được chưa?
– Tâu bệ hạ, chưa, chưa! Chưa được ạ. Nó vẫn còn hung hãn quá, cả ngày nó chỉ tìm cơ hội để đánh nhau. Mỗi khi nghe thấy tiếng con gà trống khác gáy, dù là tiếng gáy từ làng bên, là nó điên tiết lên, muốn xông ra đánh nhau liền.
Lại mười ngày huấn luyện nữa trôi qua, ông vua hỏi tới lần thứ ba:
– Bây giờ thì có thể được chứ?
Nhà huấn luyện trả lời:
– Dạ, bây giờ thì nó không còn nộ khí xung thiên lên như trước nữa, nó giữ sự lặng lẽ khi nghe tiếng con gà khác gáy. Dáng điệu của nó vững vàng và nó có nhiều nội lực dự trữ. Nó không còn luôn luôn mất bình tĩnh. Nhìn nó, bệ hạ không nhận ra được sinh lực và sức mạnh của nó đâu.
Ông vua hỏi:
– Vậy thì chúng ta có thể tiến hành cuộc thi đấu được chưa?
Huấn luyện viên trả lời:
– Tâu bệ hạ, có thể.
Thế là nhà vua truyền lệnh cho qui tụ đám gà chọi lại và cuộc đấu bắt đầu. Nhưng không một con gà nào dám xáp lại gần con gà kia. Tất cả đàn gà đều sợ mất hồn, chạy tán loạn, thành ra con gà của vua chẳng cần phải đấu.
Con gà chọi này đã trở thành như là con gà bằng gỗ. Nó đã vượt qua giai đoạn huấn luyện kỹ thuật. Bây giờ nó sở hữu một nguồn nội lực thâm hậu tiềm ẩn, không bao giờ phô ra. Với cách đó, sức mạnh tụ lại trong cơ thể, và đối phương không còn cách nào khác hơn là vái chào trước sự im lặng sấm sét và nội lực tiềm tàng nơi nó.''
Nếu bạn thường xuyên hành trì tọa thiền thì bạn có thể am hiểu được điều bí mật của võ đạo một cách thẩm thấu vào vô thức, tự nhiên và tự động. Từ đó, sẽ có thể không cần dùng tới kỹ thuật, không cần luyện nhu đạo, hiệp khí đạo, không thủ đạo hoặc kiếm đạo. Người khác sẽ tránh kiếm chuyện với bạn và thế là không còn cần tới đánh nhau.
Con đường chân chính của Võ đạo không xuyên qua sự tranh tài hoặc xung đột mà nó vượt qua chuyện sinh và tử, chuyện thắng và thua.
|