Nhớ mãi tô nước cơm tuổi thơ
Tôi còn nhớ cái thuở còn sống cùng ông bà ngoại, cái thuở tôi chỉ đang là một đứa bé vô lo vô nghĩ. Đó là những ngày tháng tôi được bên cạnh ngoại trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ với mái tranh lá dừa, với đàn vịt, với chiếc cầu tre dưới mé sông – nơi mà chiều nào bà cháu tôi cũng tắm lội. Và tôi lớn lên theo câu hát ru buổi trưa hè của ngoại, và trưởng thành nhờ khói bếp của chiếc cà ràng mà ngoại hay nấu.
Cái thuở ấy, cha mẹ tôi đi cắt lúa cho người ta theo từng vụ nên khoảng thời gian tôi ở cùng ngoại là nhiều nhất. Tôi sống cùng ngoại trong một miền quê còn lưu giữ nhiều nét đặc trưng của mảnh đất Nam Bộ hiền hoà, một miền quê thật yên bình và cũng chính mảnh đất ấy đã chứng kiến tôi lớn lên từng ngày, đã lưu giữ giúp tôi những tháng ngày hạnh phúc khi có ngoại. Nhà ông bà ngoại tôi là ngôi nhà với mái ngói bằng gạch nung màu đỏ, với vách được dựng bằng những tấm ván gỗ còng, gỗ bạch đằng được tỉ mỉ bào bóng loá. Những tấm ván ấy đâu đó có lốm đốm những chiếc lỗ be bé do thời gian bào mòn và do những con mói ăn gỗ đục mà thành ra như thế. Ở nhà ngoại còn có những bức tranh được vẽ lên kính rất đẹp, có lẽ bây giờ khi xã hội dần thay đổi và phát triển, càng có nhiều món đồ trang trí lấp lánh và đẹp đẽ hơn nên tranh được vẽ lên kính với đủ hình dáng con công, con rồng, con phụng đã không còn được ưa chuộng như trước kia. Tôi cũng không còn thấy nhiều nhà trang trí bằng những bức tranh ấy nữa nhưng thi thoảng về nhà ngoại bắt gặp lại những bức tranh đó, dường như trong tôi một cảm xúc bồi hồi, một nỗi nhớ từ sâu trong trái tim mình về những ngày tháng tôi và ông bà ngoại vui vẻ cùng dưới mái nhà ấy lại hiện lên thật rõ nét làm sao. Căn bếp của ngoại đơn sơ, chỉ vỏn vẹn một chiếc cà ràng nhìn đã cũ kĩ, phía trên được lợp bằng mái tranh lá dừa đã ám khói đen theo dòng thời gian trôi.

Cứ mỗi bốn năm giờ sáng hằng ngày là ngoại lại lọ mọ nhóm lửa để nấu nồi nước nóng châm vào chiếc bình thuỷ đã ngã vàng, những hình vẽ in trên đấy cũng theo sự cầm nắm của ngoại mà nhạt dần. Khói trắng kêu ấm bay lên thổi chiếc nắp của cái bình đang sục sôi trên chiếc lò đang đầy lửa vàng. Những giọt nước sôi bắn ra tung toé chạm vào chiếc lồng bắt ấm phát ra tiếng “xèo xèo”, ngoại tôi nhanh tay lấy chiếc ấm ra khỏi lò và bỏ đi một ít nước trong ấm, ngoại nói với tôi phải làm như vậy để tránh nước bị ám khói uống vào sẽ đau bụng. Lời dạy của ngoại vẫn còn văng vẳng bên tai tôi, nó là bài học làm bếp đầu tiên mà tôi đã học được từ người thầy cũng là người bà của tôi. Ngoại đổ nước sôi vào cái ấm trà để pha trà uống nóng cho mỗi buổi sáng sớm, vị trà ngon nhứt mà tôi từng uống có lẽ là vị trà được pha từ đôi bàn tay của ngoại. Dù có chút đắng của phút ban đầu nhưng đọng lại trong miệng là vị ngọt ngào khó tan biến, có lẽ như cái tình yêu mà tôi dành cho ngoại, nó cứ lưu luyến mãi trong tâm trí, trong trái tim của tôi. Châm trà xong ngoại bắt tiếp nồi cơm đã vo hai lon rưỡi lên chiếc bếp vẫn còn đang rực từng đợt lửa hồng. Tay ngoại vừa cầm ly trà nóng để thưởng thức nhâm nhi từng ngụm trà ngon lành, tay còn lại ngoại liên tục chỉnh lửa trong cà ràng để lửa đều toả ra mọi hướng giúp cho nồi cơm nhanh chín và không bị khét đít nồi. Vừa nấu cơm ngoại vừa kể cho tôi nghe về những tháng ngày cơ cực lúc trước, ngoại kể tôi nghe về những lần mẹ và các cậu của tôi phải ăn cơm độn bông điên điển và độn cả khoai để lắp đầy cái bụng trong những lúc làm ăn khó khăn, nhà ngoại đông con nhưng gạo lại không đủ no cho tất cả. “Ngoại nói lúc ấy giặc giã con ơi, có cái ăn như thế đã là may mắn hơn nhiều gia đình lắm con, chỉ thương cho mẹ của con, làm chị lớn trong nhà nên lúc nào cũng phải ăn ít làm nhiều, mẹ con là một đứa rất hiểu chuyện, ngoại kêu ăn no để có sức làm phụ ngoại nhưng lúc nào nó cũng nói dối là đã no để nhường phần lại cho mấy em của nó. Ăn thì đã ít nhưng lại mẹ con lại mần nhiều hơn ai hết, mẹ con mới mười mấy tuổi đầu đã theo ngoại bơi xuồng đi cắt lúa thuê cho người ta, một mình mẹ con lúc ấy khiêng hai dạ lúa là không thành vấn đề gì, nghĩ lại chỉ càng thấy thương mẹ của con. Khi nào lớn lên nhớ hiếu thảo với mẹ nha con!”

Nấu cơm chắt nước (Ảnh: Thanh Nhã)
Tôi càng say mê trong những câu chuyện của ngoại, ngoại càng kể một cách say sưa, dường như có nhiều chuyện ngoại vẫn còn muốn kể cho tôi nghe, nghe về cái thời ngoại và mẹ tôi lúc trước. Tiếng sôi ục ục của nồi cơm trên bếp làm cắt ngang cuộc trò chuyện của bà cháu tôi, ngoại lấy cái tô bằng sành có in hình cô tiên rồi ngoại chắt nước cơm trong nồi ra. Ngoại pha thêm một ít đường và đưa nó cho tôi. Sẽ không nói cường điệu khi với tôi, thứ nước cơm bình dị ấy chính là dòng sữa ngọt lành mà những tháng ngày còn bé tôi rất ưa thích, đó cũng là thứ nước ngọt vị phù sa, chan chứa tình cảm yêu thương mà ngoại dành cho tôi. Thời gian trôi qua, có nhiều thứ lớn lên tôi sẽ quên, nhưng vị nước cơm của ngoại làm sao tôi có thể quên được chứ. Đó không đơn thuần chỉ là nước chắt cơm mà còn là thứ quà của tuổi thơ, nguồn dưỡng chất nuôi tôi lớn khôn qua năm tháng, thứ nước ấy không gì có thể sánh bằng. Nước cơm ấy, ngoại đã từng dùng nó để nuôi mẹ tôi khôn lớn và giờ đây, tôi lại tiếp tục thay mẹ thưởng thức vị nước ngon ngọt ấy, hương vị ngày xưa ấy giờ vẫn không có gì sai lệch và tình thương ngoại dành cho mẹ và giờ là dành cho tôi cũng không có gì thay đổi, vẫn là thứ tình thương ngọt ngào như vị phù sa quen thuộc, vẫn chan chứa và đong đầy.

Tô nước cơm tuổi thơ (Ảnh: Thanh Nhã)
Cuộc sống hối hả khi trưởng thành của tôi, tôi có nhiều mối quan hệ, gặp gỡ nhiều người trên thế gian này, được thưởng thức qua những vị ngon khác lạ trên đời. Nhưng lòng tôi vẫn chung thuỷ yêu thích vị nước cơm quê nhà, nhớ mùi khói hăng cay mắt của ngoại mỗi sáng, nhớ cả tình thương, sự chở che, chăm sóc, nuôi tôi những ngày còn bé của ngoại. Cái hương vị ấy dù có giản dị như tính cách người nhà quê chúng tôi, nhưng chính nó đã nuôi sống bao thế hệ những người lớn như tôi, làm sao mà nỡ quên cái hương vị đặc biệt ấy. Và cứ mỗi lần tôi thấy khói trắng bốc lên trong những chiếc bếp nơi hàng quán tôi hay ăn, hay mỗi lúc mũi nghe cái mùi khói hăng, cái mùi khét của củi khô cháy nó làm tôi ngước lên bầu trời một màu xanh thẳm và tự hỏi rằng: “Có đám mây nào gặp ngoại tôi không? Ở một nơi xa xôi nào đó giữa muôn ngàn đám mây trắng, ngoại có dành nước cơm cho con chưa?”
Văn Mẫn - Bút nhóm Đồng Xanh