
và Nhạc sĩ MINH DUY
Nguyễn Toàn
--------------------------------------------------------------------------------
Vào đầu thập niên 60, cách đây đúng 45 năm, một bản hùng ca khi được phát thanh lần đầu trên đài phát thanh Sàigon và đài Quân Đội đã được quần chúng khán thính giả đón nhận một cách nồng nhiệt, để rồi trong suốt thời gian 45 năm sau đó, bài hát đó vẫn được ưa chuộng và rất nhiều người đã thuộc lòng, đó là nhạc phẩm "Bài Ca Chiến Thắng" của nhạc sĩ Minh Duy.
Sau khi sáng tác xong 2 nhạc phẩm: "Bài ca Chiến Thắng" và "Tình Quân Dân", quần chúng khán thính gỉa không còn hân hạnh đón nhận được một tác phẩm nào khác nữa của nhạc sĩ Minh Duy.
Vì đã trót lỡ mang kiếm con tầm phải nhả tơ, cho nên bây giờ, 45 năm sau, những người ái mộ nhạc của Minh Duy, lại vui mừng khi thấy nhạc sĩ Minh Duy xuất hiện trở lại cho phát hành một lúc 4 Dĩa CD "Tình Khúc Minh Duy" kèm theo 4 tuyển tập "Cung Thương Hoài Khúc".
Trong một tình cờ ghé thăm thành phố Melbourne của tiểu bang Victoria, Úc Đại Lợi, tôi được gặp nhạc sĩ Minh Duy. Nhân dịp này, tôi đã nói chuyện với nhạc sĩ Minh Duy.
Nhạc sĩ Minh Duy đã nói về nguyên nhân đưa đẩy, để anh sáng tác nhạc phẩm "Bài ca Chiến Thắng" như sau: "Đầu thập niên 60, trong lúc quân dân miền Nam đang sát cánh bên nhau chiến đấu bảo vệ lý tưởng tự do, dân chủ, khi chưa tốt nghiệp Đại học Sư phạm, một hôm tôi đi chứng kiến một cuộc đón quân về ở thủ đô Saigon. Với tâm hồn rung động mãnh liệt ở tuổi thanh niên có nhiều nhiệt huyết và yêu đất nước, tôi lấy làm xúc động vô cùng. Đường Hồng Thập Tự với không khí náo nhiệt, cờ xí ngợp trời gieo vào lòng tôi một ấn tượng mạnh mẽ, khi tôi trở về gác trọ trước mặt một số anh em bạn cùng lớp tôi đã sáng tác nên ca khúc này. Tác phẩm ra đời tự nó gom hết những hình ảnh, những tình cảm đã được tích lũy từ trước, là một thanh niên đã chứng kiến bao nhiêu chuyện về chiến tranh, những hình ảnh về người chết ở ngoài chiến trường. Gặp biến cố lớn và tưng bừng đột nhiên những hình ảnh từ quá khứ trở về khiến cho tôi hoàn thành nhạc phẩm này rất mau trong ngày hôm đó".
Sau đây là những câu hỏi đáp, giữa người viết và nhạc sĩ Minh Duy:
- Hỏi: Xin anh cho biết nhạc phẩm đầu tay của anh và có hài lòng hay không?
- Đáp: Bản nhạc đầu tay của tôi là "Ngày Tôi Yêu Người", và tôi rất tâm đắc với nhạc phẩm này.
- Hỏi: Nguyên nhân nào đưa đẩy anh vào con đường nghệ thuật?
- Đáp: Yêu thích âm nhạc từ thuở nhỏ. Từ lúc 5-7 tuổi tôi đã say mê tiếng sáo của cậu tôi qua "Chùa Hương" của nhạc sĩ Hoàng Quý và "Buồn Tàn Thu" của Văn Cao. Khả năng âm nhạc và kịch nghệ của tôi phát triển một cách tự nhiên từ đấy.
- Hỏi: Đã theo học nhạc ở đâu (nhạc sĩ nào, trường hoặc tự học)?
- Đáp: Cũng như nhiều người viết nhạc ở lứa tuổi của tôi, tôi không có may mắn mắn xuất thân từ một trường âm nhạc mà chỉ học nhạc lý căn bản với thầy rồi phải tự nghiên cứu, đào sâu thêm về hòa âm và nguyên tắc sáng tác nhằm mục đích viết nhạc để giải khuây chứ không chuyên nghiệp. Tôi coi lớp nhạc sĩ đàn anh đi trước như những bậc thầy của tôi. Vài bậc đàn anh mà sau này tôi được gặp lại, quý mến và thường học hỏi thêm kinh nghiệm là cố nhạc sĩ Hùng Lân và Hoàng Nguyên.
- Hỏi: Cho biết tên những sáng tác hoặc một số sáng tác hài lòng nhất và trường hợp nào đã sáng tác những nhạc phẩm đó cùng với thời điểm?
- Đáp: Những tình khúc được thực hiện vào 4 CD và được in trong 4 tuyển tập là những tình khúc đã được tuyển chọn dựa trên chất lượng nghệ thuật cao. Có thể nói rằng đó đều là những nhạc phẩm tôi đắc ý nhất. Tôi rời quê hương không mang được một bản thảo nào theo nên không thể xác quyết nhạc phẩm nào được viết vào năm nào mà chỉ nhớ khoảng giai đoạn nào trong 5 giai đọan rõ rệt: thời còn độc thân, sau khi lập gia đình, hậu 75, lúc ở trại tị nạn, sau khi đặt chân lên quê hương thứ hai.
- Hỏi: Nguồn cảm hứng sáng tác đến từ đâu? Thói quen khi sáng tác?
- Đáp: Cảm hứng của tôi là tất cả những gì đẹp, gợi cảm cho tôi, chẳng hạn như một mối tình, một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói, một tia nắng, một chiều mưa, một dòng sông, một kỷ niệm vui buồn v.v... Khi nhạc hứng đến thì tôi viết ngay, bất cứ ở đâu và lúc nào bởi vì kinh nghiệm cho thấy nếu không chộp lấy cảm hứng thì nó thường tan biến ngay! Tôi không nhờ vào một chất kích thích nào để sáng tác. Thói quen tai hại nhất của tôi là có những lúc sáng tác đến quên ăn, quên ngủ!
- Hỏi: Viết nhạc trước khi đặt lời hoặc song song với việc đặt lời hay viết lời trước rồi sau đó phổ nhạc?
- Đáp: Thường thì tôi viết nhạc và lời song hành, ngoại trừ trường hợp phổ thơ.
- Hỏi: Có nhắm vào một giọng ca nào khi sáng tác một nhạc phẩm không? Giọng ca nào thích hợp với sáng tác của mình?
- Đáp: Tôi viết nhạc để thỏa mãn một nhu cầu tinh thần chứ không nhằm mục đích thương mại nên tôi không nhắm trước giọng ca rồi mới viết. Sau này, tôi mới để ý xem giọng ca nào có thể thích hợp với nhạc phẩm nào của tôi.
- Hỏi: Xin anh nói qua về 4 tuyển tập "Cung Thương Hoài Khúc"?
- Đáp: Sở dĩ tôi cho xuất bản 4 Tuyển tập "Cung Thương Hoài Khúc" đi cùng với 4 CD nhằm mục đích cung cấp bài nhạc có ghi hợp âm đơn giản cho những ai thích sử dụng để chơi nhạc hoặc tự ca diễn. Mặt khác, 4 tuyển tập “Cung thương hoài khúc” là tài liệu gốc để người biết nhạc có thể nhận ra những chỗ phối âm linh động trong CD không giống với nguyên tác. Bốn Tuyển tập "Cung Thương Hoài Khúc" cũng còn nhằm giới thiệu một số nhạc phẩm chưa kịp thực hiện vào 4 CD lần này.
- Hỏi: Xin anh cho biết lý do nào khiến anh không phổ biến những tình khúc này ra ngoài thị trường trước 75?
- Đáp: Có nhiều lý do để tôi không tung những tình khúc của tôi ra thị trường trước 75. Lý do quan trọng nhất là tôi cương quyết không làm suy yếu tinh thần chiến đấu chung bằng những bài ca ủy mị kể cả những bài về tình lính theo kiểu thương mại. Lý do thứ hai, tôi nghĩ muốn chen vào chốn chợ nhạc thì phải làm “người nghệ sĩ lăn lóc gió sương” mà tôi thì ngày hai buổi đến lớp nên không làm được. Lý do thứ ba, tôi đã thử tung vài bài viết về đất nước thì bị bạn bè (không tiện nói tên) chôm làm của riêng sau khi lăng xê vài lần. Tôi đã hy vọng rằng sẽ có một ngày hòa bình trở lại để người dân khắp mọi vùng đất nước sống yên vui trong tình yêu. Lúc bấy giờ tôi sẽ giới thiệu dòng nhạc tình của tôi. Tiếc thay, ngày ấy đã không đến như ý tôi muốn là sống trong một nước Việt hòa bình, thịnh vượng, thực sự tự do, dân chủ.
- Hỏi: Dự tính gì trong tương lai, có tiếp tục ra CD, một mình hay chung với bạn bè?
- Đáp: Tài chính là điều kiện tiên quyết để tôi có thể thực hiện những CD kế tiếp. Hiện thời một số nhạc phẩm đã có in trong "Cung Thương Hoài Khúc" nhưng chưa được thực hiện vào CD và tôi cũng đang có trong tay thêm một số sáng tác mới có thể làm đầy gần 2 CD nữa. Tôi còn Tuyển tập "Tị Nạn ca" (một vài bài đã có trong 4 CD đã phát hành) và một Tuyển tập "Nhi đồng ca" cần được thực hiện.
Vài hàng về nhạc sĩ Minh Duy:
Sinh năm 1937, dòng họ gốc Thường Tín Hà Đông, xuôi Nam trước 1954. Sống ở miền Trung một thời gian. Vào sống vĩnh viễn tại Saigon, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Saigon 1961. Đại học Văn Khoa Saigon 1965. Dạy học các trường Trung học Công Tư tại Saigon đến cuối 1979. Sang Úc năm 81, trở lại nghề cũ, ngành cũ. Hưu trí năm 2002.
Nguyễn Toàn (Sydney)
Mời quý vị nghe bài Melbourne một ngày cuối đông của sáng tác của Nhạc Sĩ Minh Duy, Quang Linh trình bày
Nhạc do chị Mỹ tặng

Melbourne một ngày cuối đông