Kính gửi đến quý anh chị con cóc cuối tuần.
Dạo:
Đã qua nửa thế kỷ rồi,
Mà dân mình vẫn chưa thôi lệ sầu. Cóc cuối tuần:
Nửa Thế Kỷ Rồi
Nửa thế kỷ đã qua rồi, thưa Mẹ,
Mà dân mình ngấn lệ vẫn chưa khô,
Dù trên đây hay ở dưới đáy mồ,
Nỗi đau đớn cơ hồ luôn còn đó.
Người may mắn thoát được xiềng xích đỏ,
Kẻ sa cơ vò võ ở quê nhà,
Đâu đấy cùng ôm một nỗi xót xa,
Thương tiếc thuở ngọc ngà nay đã mất.
x
x x
Quân cán chính miền Nam đà lây lất
Giữa ngục tù ác độc nhất trần gian,
Thân tả tơi dưới nanh vuốt bạo tàn
Của bầy thú dã man từ phương Bắc.
Vạn người chết do đòn thù của giặc,
Nắm xương tàn rải rác khắp rừng sâu,
Và thân nhân, dù lặn lội khá lâu,
Vẫn không biết tìm đâu ra dấu vết.
Nửa thế kỷ trong gông cùm ác nghiệt,
Giờ chỉ còn một nước Việt tan hoang,
Dù bên ngoài cố ra vẻ giàu sang,
Thực chất chỉ là món hàng giả mạo.
Toàn hối lộ, cùng mưu mô lừa đảo,
Chẳng còn gì chút đạo đức ngày xưa,
Từ người già ngay đến cả trẻ thơ,
Giờ chỉ biết tôn thờ tờ giấy bạc.
Thế hệ cũ nay chỉ còn lác đác
Dăm ba người chưa lạc mất lương tâm,
Ngoài mặt đành phải giả điếc giả câm,
Nhưng trong dạ khóc thầm cho quê mẹ.
Thiếu đạo đức, dân ngày càng tồi tệ,
Phóng mắt qua giới trẻ lại thêm sầu,
Chỉ cần may thắng một trận túc cầu,
Chúng trần trụi đua nhau vòng khắp phố.
Nền giáo dục, nói ra càng xấu hổ,
Học đường nay thành hố thẳm sình lầy,
Trẻ không còn được học những cái hay,
Thầy bà chỉ là tay buôn bán chữ.
Giặc Tàu như hổ dữ
Đang dần dà chiếm cứ trọn giang san,
Bọn quyền cao, vốn gian ác tham tàn,
Vẫn trâng tráo tạo vô vàn tội nghiệt.
Làm sao kể xiết,
Nỗi đau buồn của nước Việt ngày nay.
Lòng người đã chóng đổi thay,
Dù ngay tại quê nhà hay hải ngoại.
x
x x
Nơi đất khách, người ban đầu hăng hái,
Mặc đêm ngày phải bươn chải kiếm ăn,
Và nếu cần phải tranh đấu dấn thân,
Chẳng một chút ngại ngần ra góp sức.
Nhưng trang sử chóng mờ theo nét mực,
Với thời gian ký ức cũng tàn phai,
Còn sót chăng chỉ ít tiếng thở dài
Theo số phận kẻ lạc loài trôi nổi.
Những người cũ, than ôi, dần thay đổi,
Mấy ai còn nhớ tới chuyện năm nao,
Khi nước mắt tuôn trào,
Trong đêm tối lao mình vào biển động.
Đa số tạm thành công trong cuộc sống,
Đã không còn phải chống chỏi lo toan,
Và giờ đây được rảnh rỗi an nhàn,
Muốn về nước nên vẽ vằn vẽ vện.
Kẻ hí hởn hô hào làm "từ thiện",
Kẻ giở trò "ra mắt" kiếm chút danh,
Kẻ ươm mơ có "một mái nhà tranh...",
Kẻ chạy vạy xin hành nghề ca sĩ,
Kẻ lo ngại "tài năng" mình lãng phí,
Kẻ sợ con tàu "chính trị" bỏ rơi,
Kẻ lăm le chuyện "đội đá vá trời",
Kẻ muốn hưởng cho bõ thời vất vả,
Kẻ mấy bận "dối già" còn chưa thỏa,
Kẻ bỗng dưng có mồ mả để xây,
Kẻ nóng lòng mặc áo gấm mới may...
Ôi, lạnh lẽo xương phơi đầy lối mộng.
x
x x
Mênh mông trời tuyệt vọng,
Chẳng còn gì để ngóng để trông,
Khi những lời nhắc nhở hận non sông,
Đang lặng lẽ tắt dần trong sa mạc.
Người tỵ nạn hơn nửa đời lưu lạc
Ắt sẽ còn trôi giạt khắp năm châu,
Sẽ âm thầm đếm ngày tháng buồn đau,
Trước khi phải tiễn nhau về thiên cổ.
Quê hương hoài khốn khổ,
Biết bao giờ mới có một ngày mai.
Trần Văn Lương
Năm mươi năm Quốc Hận
Morioka, 4/2025