Trần Chính Trung
* - Chữ Trung mình để phần Cha
* - Chữ Hiếu cho Mẹ, đôi ta chữ Tình
(Ca Dao)1) .
Từ Nhân Đến Quả
Nhân-Quả là một chu kỳ nằm trong tiến trình: Sống, Còn, Nối, Tiếp, Tiến, Hóa đến vô cùng của muôn vật muôn loài. Nhân-Quả cũng là tóm lược của chu kỳ nhiều phức tạp chứađầy những trợ duyên Thuận-Nghịch trong một sự tổng hợp gồm đủ cả không gian lẫn thời gian. Nhân là cái mầm mống phát sinh ra sự kiện, đó cũng là khởi điểm. Quả là cái hình thành được tạo dựng, đó cũng là đích điểm. Ở loài thảo mộc, nhân là hạt giống được gieo trồng trên đất để theo ngày tháng nẩy mộng đâm mầm, thành cây xanh lá rậm, rồi đâm cành trổ bông, để đến sinh trái, kết quả. Ở loài người, nhân là tinh cha huyết mẹ và quả là kết con sinh cái (con cái). Vì vậy chẳng bao giờ một vật gì bỗng không lại có. Tất cả được tạo nên bởi một nguồn gốc một nguyên nhân. Trồng dưa thì được ăn dưa, trồng cà thì được ăn cà và con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.
Không có tổ tiên, ông bà tất không có cha mẹ. Không có cha mẹ tất cũng không có con cái và không có Ta hiện diện trên cõi đời này ! Tổ Tiên, Giòng Giống, Cha Mẹ là điều mà đã là người thì chẳng ai dám dứt bỏ hay từ chối. Đó là những mối giây lớn kết nối ta với đồng bào, đồng loại, giằng kéo bắt Ta cắn chặt răng để chịu thua thiệt, đứng vững gót để được làm người ở ngay cả trong một xã hội hư hèn, biến loạn. Mối giây lớn đó được gọi là Duy Nhân Cương Thường trong tương quan nhân tính. Vì vậy mà người xưa có câu:
Đọc tám vạn nghìn từ mặc kệ
Không quân thần phụ tử chẳng ra người
(Nguyễn Công Trứ)
Nhìn ngược lại giòng lịch sử, suốt từ Đông sang Tây, không ai là không do cha mẹ sinh ra với những ẩn tích không thể tẩy xóa về gia thế, giòng dõi và chủng tộc. Thích Ca là con vua Sudhodana Gautama thuộc bộ tộc Sakyas bên Ấn Độ. Jésus Christ là con bà Maria giòng dõi vua David xứ Do Thái bên Trung Đông. Và dân tộc Việt Nam chúng ta, cùng với 99 giòng Việt khác đã cùng có chung một mẹ một cha “cha là Lạc Long Quân, mẹ là Âu Cơ” mang một thân xác da vàng và giòng máu luân lưu dào dạt ý chí quật cường, bất khuất ...
Nếu người ăn quả còn biết nhớ kẻ trồng cây, uống nước còn nhớ đến nguồn thì sự yêu cha mẹ, kính ông bà, tôn sùng tổ tiên và anh hùng liệt nữ chỉ là làm một điều thuận với lẽ thường hằng, hợp với một chân lý phổ quát: Đạo Hiếu. Bài viết này không bàn sâu về Đạo Hiếu, nhưng trình bày về Việt Nam như một quê hương của nòi tình, mà ở đó người đàn bà vì thấm nhuần đạo hiếu đã giữ một vai trò quan trọng trong việc đóng góp công sức, hy sinh một cách thản nhiên và lặng lẽ để làm cho tổ quốc vinh quang, dân tộc được trường tồn qua sự hoàn tất những nhiệm vụ liên tiếp của một chu kỳ sống “một đời người”, như làm theo trách nhiệm của một đứa con hiếu thuận, làm một người vợ đảm ngoan chung sức cùng chồng tát cạn biển đông, làm bổn phận người mẹ quên mình vì con mà tận tụy một đời với những lo nghĩ yêu thương.
2). Tình: Những Sắc Thái Của Nhân Tính
Đã là người, tất khi sinh ra đã có đủ những nhân tính căn bản. Sống là một tiến trình biểu lộ tình cảm qua những phát huy nhân tính:
2a). Tình cảm
Tình có bảy thứ gọi chung là “thất tình” gồm những biến thái như: Thương, ghét, vui, buồn, sợ, muốn, giận. Tình nằm sâu trong tâm hồn con người, nhưng bản chất của tình thì động. Vì vậy, chữ tình (情) được viết bằng bộ Tâm (心) là trái tim và chữ Thanh (青) mầu xanh lá cây. Về ý nghĩa mầu sắc, xanh lá cây tượng trưng cho sự tươi trẻ, thanh xuân, nhưng theo ý nghĩa của y lý Đông Phương qua triết lý ngũ hành thì xanh thuộc Mộc (cây). Ở con người, Mộc chủ về gan mật mà gan mật thì liên quan tối gân cốt để hành động. Do đó, người xưa thường khen kẻ dám làm là can đảm hay là to gan lớn mật. Tình tuy bản chất động nhưng chỉ phát lộ ra ngoài khi bị cảm kích bằng ngoại cảnh. Cảnh sinh tình, nên vì tương quan nhân quả, tình thường được ghép chung với cảm. Cảm ( ) gồm chữ Tâm (心) ở dưới và chữ Hàm ( 咸 ) ở trên. Hàm có nghĩa là khắp cả, đều hết. Nghĩa là khi tình cảm ở tâm bị kích động thì sẽ lan truyền ra khắp hết thân thể để biểu lộ bằng hành động.
2b). Tình Nghĩa
Tình tuy có tới thất tình, nhưng khi nói đến tình thì con người đều thường chỉ nghĩ đến cái khía cạnh tốt đẹp của nó là yêu thương, tình ái. Ngay cả đến yêu thương cũng có những khung bậc (bệ, bậc) khác nhau tùy đối tượng như yêu cha mẹ, anh em ... nhưng đa số cũng chỉ nghĩ đến sự yêu thương giữa trai và gái qua chữ tình ái. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là điều thông thường, vì đó là đầu dây mối nhợ căn bản để nẩy sinh những mối tương quan nhân tính khác theo luật nhân quả. Có tương quan vợ chồng rồi mới có tương quan cha mẹ, con cái. Khi sống thành xã hội phồn tạp mà muốn tránh hỗn loạn thì phải có trật tự, có ngôi thứ trên dưới, vì vậy mà có vua tôi, quan dân. Những mối quan hệ này người xưa gọi là Tam Cương, ba giềng mối lớn chi phối toàn diện sinh hoạt con người trong xã hội.
Đa cảm tất đa tình ! cổ nhân đã có câu: “Tình như tình để”. Nghĩa là tình cảm như mạch nước ngầm, nơi đáy giếng với những vơi đầy bất tận. Tình là thứ nhu nhuyễn không có hình thức nhất định, ví như nước mà đặc tính của nước là thẩm thấu, ngấm ngầm để mang sự sống cho muôn loài . Không có nước tất đất sẽ khô cằn không thể trồng trọt, không có nước tất không có sự sống, nhưng nước quá nhiều cũng gây thành úng lụt tàn hại mùa màng hủy diệt sinh mạng. Đối với đất khô hạn thì phải tưới bằng cách dẫn thủy, tát nước. Đối với đất úng lụt thì phải khơi bằng cách đào ngòi tháo nước, thì đối với người việc dạy dỗ uốn nắn tình cảm cũng có ý nghĩa như công tác trị thủy, tưới bón hay tiêu tháo kể trên. Tình được uốn nắn bằng lễ nghĩa là những hình thức được coi là tiêu chuẩn áp dụng cho từng trường hợp, tùy người, tùy cảnh. Vì vậy, Tình thường được Nghĩa đi theo để điều hòa ở mức vừa phải, không thái quá mà cũng không bất cập. Chữ Nghĩa (義 ) có nghĩa là điều phải, việc đúng nên làm. Chữ Nghĩa gồm chữ Dương (恙 ) là con dê, tượng trưng cho quyền lợi vật chất và chữ Ngã (我) là cái Ta chung của mọi người, tức là quyền lợi chung phù hợp cho mọi người theo đúng tinh thần đại đồng “kỳ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Điều mình không muốn thì cũng đừng làm cho người.
2c). Tâm Lý
Tình cảm được coi như một nguồn năng lực chủ yếu của con người, nhưng vấn đề là xử dụng nguồn năng lực đó làm sao cho hợp lý và tốt đẹp. Người không thể sống như tĩnh vật vô tình, như gỗ đá vô tri. Cho nên tình không thể diệt mà phải chính, không thể lạnh lùng nhổ bỏ như loài cỏ dại mà phải xuất lực ra tưới bón như lúa, như ngô, kiên tâm uốn nắn như cây kiểng. Tình phải nuôi mới lớn, nuôi bằng những cảm xúc cao đẹp, mà gây cảm xúc thì không gì bằng đọc lịch sử, văn chương, thi phú. Vì vậy mới nói “khởi ư thi” bắt đầu bằng thơ văn. Nhưng phát triển thì phải định hướng quy về một chủ đích, không thể để tự do buông thả như ngựa không cương, như thuyền không lái mà phải khuôn phép theo lễ nghĩa. Vì vậy mới nói “chế ư lễ”, dùng lễ nghĩa để uốn nắn. Một khi tình đã nuôi cho mạnh, uốn cho ngay chính đó là lúc tình có thể đem ra ứng dụng một cách hợp lý và tốt đẹp trong mọi hoàn cảnh, vì đã đạt được tới mức độ thuần thục “phát nhi trúng tiết” như một nốt nhạc góp phần làm nên một hợp âm, như một khí cụ trong tay người nghệ sĩ tài ba tham dự hòa tấu. Vì vậy mới nói “hòa ư nhạc” và bản chất của nhạc là “hòa nhi bất đồng”, âm thanh chỉ tương ứng mà hòa hợp với nhau, chứ không tan lẫn vào nhau như màu sắc.
Nói thì giản dị nhưng chuyện không phải dễ làm. Vì đó là một tiến trình Tự Thắng để làm người, phát huy trọn vẹn Nhân Tính, “tận kỳ tính”, để đạt tới mức Nhân Chủ, làm chủ mình, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên. Nhân Chủ là một lý tưởng cao đẹp, làm chủ mình mà thảnh thơi như Tiên, Phật, làm chủ xã hội mà không áp chế bóc lột đồng loại, làm chủ thiên nhiên mà biết lấy chổ dư bù chổ thiếu để của kho thành vô tận. Hòa được với mọi người với vũ trụ mà không mất bản sắc, kết hợp được cả hai yếu tố mâu thuẫn nhau là Sống và Chết bằng Thủ Đoạn Nhân Ái, qua phong cách sống nội Thánh ngoại Vương để an định không chỉ một xã hội một quốc gia, một thế giới mà là cả vũ trụ trong tình trạng Duy Nhiên Thái Hòa. Lý Tưởng Nhân Chủ này được gói ghém trong biểu tượng Tiên Rồng, mà tổ tiên ta đã để lại như một bí quyết để giữ nước nòi cho con cháu trong nhiệm vụ Sống-Còn-Nối-Tiếp-Tiến-Hóa đến vô cùng.
3). Đạo Hiếu: Nền Tảng Sâu Xa Của Duy Nhân Cương Thường
3a). Đạo Là Gì ?
Đạo là một thứ hệ thống tư tưởng bao gồm nhiều ý niệm, dùng để hướng dẫn con người sống một cách tốt đẹp phù hợp với những tiêu chuẩn lý tưởng. Nhưng Đạo cũng có nghĩa là con đường phải theo để đạt đến một đích điểm nào đó. Theo chiết tự, Đạo (導) gồm bộ Xước (逴) là chân bước đi thong thả và chữ Thủ (取) là cái đầu. Đầu để trầm tư suy nghĩ những ý niệm trừu tượng, phân biệt phải trái, đúng sai. Nhưng ý thức được trọn vẹn sự việc, mà không quyết tâm thi hành, thì đó chỉ là hạng thanh đàm bạc nhược. Người xưa có câu “kiến nghĩa bất vi vô dũng giả” nghĩa là thấy việc đúng phải, nên làm, mà không làm là kẻ hèn mọn. Nhưng tri hành phải hợp nhất, biết thì phải đi đôi với làm. Kẻ cầu đạo khi được học đạo tất phải hành đạo để đắc đạo. Học đạo, sống đạo, thực hành đạo đều là những hành động có ý thức đòi hỏi sự kiên tâm quyết chí, thúc đẩy bằng một niềm tin mãnh liệt. Đạo không sống thì đạo không thành, đường đi không tới. Do đó chữ Đạo bao gồm chữ Thủ chỉ sự biết và bộ Xước chỉ sự làm trong một toàn thể gọi là Đạo.
3b). Nhận Định Căn Bản
Đạo Hiếu bắt đầu bằng một nhận định căn bản “Nhân bản hồ tổ”, người gốc ở tổ tiên. Sự liên hệ nguồn gốc này mang đủ hai đặc tính huyết thống và tinh thần, được di truyền từ đời tổ tiên xuống đến con cháu, nối những thế hệ thành một xâu chuỗi, thành một sinh mệnh có tính bất tử, vì thống nhất được cả quá khứ, hiện tại và tương lai vào một giòng sống miên man và bất tuyệt. Ý niệm sinh mệnh nói trên được chứng thực qua cách nói ví với những bộ phận bất khả phân ly của một con người đang sống. chẳng hạn đã có những câu phương ngôn như:
* - Cốt nhục thâm tình.
* - Anh em như thể tay chân.
* - Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
* - Máu chảy ruột mềm.
* - Môi hở răng lạnh.
Ý niệm sinh mệnh nói trên cũng đã trở thành một niềm tin làm cơ sở siêu hình cho Đạo Hiếu. Trong ngôn ngữ Việt đã có những câu như:
* - Phúc đức ông bà để lại.
* - Phúc đức tại mẫu.
* - Sống gởi thác về.
* - Tu nhân tích đức để phúc cho con.
* - Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.
* - Sống vì mồ vì mả, không ai sống vì cả bát cơm.
Ý niệm sinh mệnh nói trên cũng đã được chấp nhận trong đời sống quốc gia, được thể hiện qua định chế lập pháp. Tội tru di tam tộc (giết ba họ), hay khi thi đỗ đại khoa được cấp ngựa xe võng lọng để vinh quy bái tổ, trở về quê quán để làm lễ tuyên cáo với tổ tiên về thành quả đã đạt được trong việc học hành. Cha mẹ, vợ con của những người đỗ đạt làm quan tước đều được phong hàm. Do đó mà có câu “một người làm quan cả họ được nhờ”, nhờ vì được tiếng thơm lây cho cả giòng họ .
Ý niệm sinh mệnh nói trên cũng đã đưa đến một thói quen được thấy trong đời sống hàng ngày và đồng hóa cá nhân với cả giòng họ, coi người được tiếp xúc như là đại diện chính thức của giòng họ, chẳng hạn như Lão Trần, Chu Tiên Sinh, Trần Thi, Nhan Thị, v.v... Do đó, một người có thể lưu danh thơm thiên cổ làm rạng rỡ tổ tiên giòng họ, hay di xú, để tiếng xấu đến muôn đời làm điếm nhục tông môn bằng những hành động có tính cách cá nhân. Ca dao có câu:
* - Yêu người yêu cả đường đi
* - Ghét người ghét cả tông chi họ hàng
3c). Những Ý Niệm Tạo Dựng Nên Chữ Hiếu.
Hiếu ( ) là con đường thờ cha mẹ hết lòng. Thờ là đối xử một cách cung kính lúc cha mẹ còn trên đời cũng như lúc cha mẹ khuất núi. Phân tích theo chiết tự thì Hiếu ( ) là đất ở trên và chữ Tử ( ) là con ở dưới. Chữ Thổ và chữ Tử được phân biệt tách bạch bằng nét phẩy ( ) thuộc bộ Phiệt. Dấu phẩy này tượng trưng cho cương giới, phân định vị trí người con đối với cha mẹ và các bậc tôn trưởng. Vì vậy mà chữ Tử đứng ở dưới chữ Thổ chỉ phận ở dưới.
Sách có câu “Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình”, ở trên trời là biểu tượng, ở dưới đất là hình thể, đó là ý nhờ mẹ nên mới có con. Thổ, tức là địa phối hợp với thiên để tượng trưng cho ý niệm Âm Dương đầu mối của muôn vật với ý nghĩa “Nhất âm, nhất dương chi đạo”, mà cái đức lớn nhất của trời đất là sinh hóa “Thiên địa chi đại đức viết sinh”, và cái công lao cha mẹ cũng nằm trong việc sinh đẻ con cái, nuôi dưỡng chúng nên người.
Theo kinh Dịch, Thổ là đất địa, tương ứng với quẻ Khôn ( ) Khôn chỉ yếu tố Âm, người mẹ, sự chứa đựng bao dung, lòng nhân ái … đối lập với quẻ (Kiền) Càn ( ) chỉ yếu tố Dương, người cha, sự cứng rắn … Con là kết quả của tinh cha huyết mẹ. Sự thụ nhân và cưu mang mầm sống, là khả năng thuộc bản chất người nữ với tấm lòng bao dung nhu thuận, vì đó mà quẻ Khôn được tượng trưng bằng một khoảng trống vắng ở giữa, hai hàng vạch nằm chồng liên tiếp lên nhau. Trong vòng chín tháng mười ngày thai nhi với mẹ chỉ là Một. Đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, khi thai nhi cất tiếng khóc chào đời và được cắt rốn giữa cơn đau xé ruột của người mẹ, thì Một đã trở thành Hai. Mẹ và Con với sự chia cách của hai thân xác, nhưng lại được ràng buộc chặt chẽ bằng mối tương quan nhân tính bền vững của tình mẫu tử và những nghi thức, bổn phận do chữ Hiếu qui định.
Theo triết lý ngũ hành, Thổ có vị trí đứng giữa thuộc Trung cung, mang số năm (5), mầu vàng. Thổ đứng ở giữa vì thổ có đức bao dung chứa đựng. Tục ngữ có câu: “Bậc trưởng thượng lòng phải rộng, tính phải thẳng-quân tử tiết trực tâm hư”, vì vậy mà Thổ tượng trưng cho Mẹ mà cũng tượng trưng cho Vua mặc hoàng bào, ở trung ương. Đó là lý do người chết thường chôn theo địa táng chứ không thả trôi sông, trôi biển theo thủy táng hay treo cao bỏ mặc kiểu thiên táng. Câu “sống gởi thác về” được hiểu là nhập thổ về với tổ tiên. Ý niệm ngũ hành còn là đầu mối của nhiều nghi thức. chẳng hạn chữ Tỉnh (井 ) là đào giếng để lấy nước ăn, uống, là dấu vết để lại của thời bình sản kinh tế qua các hình thức phân quân điền địa. Đất phân làm chín (9) khu, chia cho tám (8) nhà cầy cấy, còn thửa ruộng ở giữa có giếng để dùng chung. Lúa thu hoạch được ở ruộng giữa này do sức đóng góp của tám nhà chung quanh sẽ thay cho thuế nộp vào kho vua. Do đó đại gia đình chỉ giới hạn trong chín đời, gọi là cửu tộc, lấy mình làm gốc ở giữa kể lên bốn (4) đời gồm cha mẹ, ông bà, cụ, kị, và dưới mình bốn (4) đời gồm con, cháu, chắt, chút. Trong từ đường của giòng họ ngành trưởng thì thần chủ thờ vị thủy tổ không bao giờ thay đổi gọi là “Bách thế bất điêu chi chủ”, nhưng trong những nhà thờ ngành thứ nhì, thì có lệ chôn thần chủ khi vượt quá năm (5) đời. Ví dụ nếu người cha chết, người con lên thay thì người cha sẽ được thờ, thần chủ của kị người cha sẽ được đem chôn và thay vào đó là thần chủ của cụ người cha nay là kị của người con.
Việc thờ cha kính mẹ phải xuất phát tự đáy lòng, đột khởi tự con tim và được hướng dẫn bởi trí óc. Nghĩa là việc hiếu thảo phải được thúc đẩy bởi năng lực tình yêu qua những biểu lộ hình thức gọi là Lễ. Cốt tủy của Lễ là ở chỗ thành tâm, tức là sự thực lòng được thể hiện qua thái độ cung kính bên ngoài. Không có sự chân thật thì Lễ chỉ là hư văn, hình thức giả dối. Chữ Thành (成 ) ngoài ý là chân thành không giả dối, đổi thay còn có nghĩa là làm nên công, xong việc, hoàn tất một cách tốt đẹp như chữ Thành Công, Thành Nhân. Chữ Thành được ghép bởi chữ lực (力) là sức mạnh và bộ Qua (戈) là một thứ binh khí thời cổ để diễn tả sự muốn thành công hay thành nhân không phải là chuyện dễ làm. Để Thành Công hay Thành Nhân tất phải dùng tới cả sức mạnh của ý chí tinh thần lẫn thể xác và vũ khí vật chất để thắng kỷ và thắng nhân, bắt mình vào khuôn phép hay khuất phục người. Thắng người còn dễ nhưng chiến thắng chính bản thân mình là một điều thật khó. Đó cũng là lý do nói. Đạo Hiếu là đạo để tu thân, khởi điểm của tiến trình đi đến Nhân Chủ qua những cấp bậc liên tiếp là: thương gia đình, lo cho tổ quốc, trăm họ bình yên và hài hòa cùng vũ trụ. Đó cũng là lý do nói Thành là khởi điểm tu thân cầu học trong nền Đạo Hiếu của 99 giòng Việt với những giai đoạn: “Thành ý, Chính tâm, cách vật, chí tri, thành nhân chi mỹ”. Nghĩa là ý muốn phải mãnh liệt và chuyên nhất, không thay đổi, lòng dạ phải ngay lành không khuất tất gian tà, làm việc phải phân minh rõ ràng đến nơi đến chốn, hiểu biết phải sâu xa đến ngành đến ngọn. Có thành tâm thì mới hy vọng có thành công được vậy ! và Tu để làm gì nếu không là để thành người tốt, đó là ý nghĩa của câu “thành nhân chi mỹ”. (Sau này Khổng Khâu tức Khổng Tử đã lấy năm (5) ý trên mà sửa lại để bình trị (làm vua) thiên hạ là: “Thành kỳ ý, Chính kỳ tâm, Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc Bình Thiên Hạ”)
Đạo Hiếu là đạo tu thân, sống Làm Người và để Thành Người trong xã hội, nên trên từ vua, quan đến thứ dân đều theo đạo Hiếu. Chữ Hiếu ( ) khi được ứng dụng vào tầm vóc quốc gia thì chữ Tử ( ) ngoài ý nghĩa là con thông thường còn để chỉ những người tôn quý, có đức hạnh, có học vấn, có chức vụ cao, chẳng hạn như đại thần Chu Văn An hay vua (thiên tử) và chữ Thổ ( ) chỉ công trình kiến trúc được đắp bằng đất cao và vuông vắn để làm nơi tế lễ. Vua, trong cương vị là thiên tử đứng dưới để làm lễ tế trời đất.
Nếu hiểu sống Làm Người để Thành Người đạt tới lý tưởng Nhân Chủ thì trăm năm của kiếp nhân sinh phù du có lẽ quá ngắn ! Thích Ca đã phải luân hồi bao nhiêu kiếp để thành chính quả ? Nhưng bổn phận là điều mà không ai có thể chối từ. Sự khác biệt của các vị Tiên

hật với chúng ta là: Họ đã có một quá khứ, còn chúng ta có một tương lai. Tương lai thì có biết bao điều hứa hẹn, cho nên chữ Liễu ( ) là sự hiểu biết, sự hoàn tất, làm xong công, xong việc đã bị làm cho dở dang, ngăn cách bởi một vạch ngang ( ) chữ Nhất. Ý nhắc nhở là ở vị trí người con ( ) ta còn biết bao việc phải hoàn tất. Thật vậy sống làm người đến khi nhắm mắt xuôi tay có mấy ai dám nghĩ mình phải thảnh thơi trả xong ơn nghĩa, ơn tổ tiên, ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, làm xong bổn phận với gia đình thân thích, đối với đồng bào ruột thịt và đối với tổ quốc thân thương yêu quý.
3d). Đạo Hiếu
Từ sự nhận định “Nhân Bản Hồ Tổ”, đến việc ý thức toàn thể giòng họ như một sinh mệnh không thể chia lìa, đã đặt các phần tử trong một gia tộc trước những bổn phận phải hoàn tất để thực thể đó được Sống-Còn-Nối-Tiếp-Tiến-Hóa đến vô cùng. Sống làm người không ai không mong được đủ năm điều: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, nghĩa là sang, giàu, sống lâu, mạnh khỏe, bình an. Nhưng làm sao để sống, để còn là điều quan trọng hàng đầu, Chết, mất vẫn là điều tệ hại nhất. Hiểu được vậy tất thông cảm nổi lo âu của các bậc tôn trưởng khi thấy mình tuổi đã cao, cái chết đã cận kề mà chưa thấy có kẻ nối dõi, vì e sợ giòng họ do sự thua kém của mình và tuyệt tự. Việc bái lễ cầu con, lấy vợ lẽ cho chồng, nuôi nghĩa tử ... chỉ là những cố gắng đớn đau tuyệt vọng của những người mang mặc cảm chưa làm xong trách nhiệm với giòng họ “bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại” không con để cho giòng dõi bị tuyệt diệt là một tội nặng. Tuy nhiên, việc làm cho giòng họ được trường tồn, chỉ là bước đầu. Những phần tử có trách nhiệm còn phải cố gắng làm sao để làm cho rạng danh giòng họ. Con phải hơn cha, cháu phải hơn ông, con cháu hưng vượng, thì đó mới thật sự là nhà có phúc. Vì đó là sự tiến lên của một gia đình, giòng họ và đất nước.
Đạo Hiếu là đạo thờ người vì (và) truy nhận nguồn gốc tổ tiên. Tổ tiên tuy không là đấng toàn năng tạo ra muôn loài, muôn vật, có toàn quyền ban phát phúc họa với sự thưởng phạt thiên đường, địa ngục, với cõi niết bàn, với ngục thất a tì, nhưng tổ tiên đã để lại gương tốt oai linh làm anh thư liệt nữ, hào kiệt anh hùng, với những công trạng hiển hách muôn đời ghi lại trong gia phả, trong sử sách để con cháu đời sau học theo, làm theo. Những lúc hành lễ cúng thờ tổ tiên, những lúc xem lại gia phả, đọc lại sử nước nhà, trong cái tịch mịch của sự suy tưởng bằng một tấm lòng thành kính, tất sẽ thấy được hình bóng phảng phất của hồn thiêng tổ phụ qua hương bay khói tỏa trở về chứng giám, sẽ cảm được từ đáy sâu của tiềm thức thế nào là vinh quang và tủi nhục của một giòng họ, của một nước nòi đã trải qua trong cuộc đấu tranh gay gắt để: Sống-Còn-Nối-Tiếp-Tiến-Hóa. Do đó, Đạo Hiếu là đạo tu thân để làm người con xứng đáng, nhưng cũng là đạo tu thân để làm người công dân tốt trong một đất nước trong một xã hội. Có yêu nhà thì mới yêu nước. Có giữ được nước thì mới giữ được nhà. Câu “quốc phá gia vong” là một quy luật biện chứng lịch sử mà tổ tiên ta đã từng đưa ra để giáo dục con dân:
“Nay ta bảo thật các ngươi nên cẩn thận như nơi củi lửa, nên giữ gìn như kẻ húp canh, dạy bảo quân sĩ, luyện tập cung tên, khiến cho người nào cũng có sức khỏe như Bàng Mông, Hậu Nghệ thì mới có thể dẹp tan được giặc mà lập nên được công danh. Chẳng những là thái ấp của ta được bền vững, mà các ngươi cũng đều được hưởng bổng lộc. Chẳng những gia quyến của ta được yên ổn, mà các người cũng được vui với vợ con, chẳng những tiền nhân ta được vẻ vang, mà các ngươi cũng được thờ phụng tổ phụ trăm năm vinh hiển, chẳng những một mình ta được sung sướng mà các ngươi cũng được lưu truyền sử sách, nghìn đời thơm tho. Đến bấy giờ các ngươi dầu không vui vẻ, cũng tự khắc được vui vẻ ...” (Hịch Tướng Sĩ Hưng Đạo Vương).
Đạo Hiếu thâm trầm giản dị là thế, gần gủi và thiết thực đối với chúng ta trong tư cách con dân là thế, có thể coi là trong gang tấc mà sao vẫn bị ngộ nhận như một kẻ xa lạ vô cùng ! Đã có biết bao người khi mở miệng, hễ đặt bút là chê tổ tiên, khinh khi giòng giống. Theo họ, đạo xưa là hẹp hòi, hủ lậu, là bất công, áp chế con người ..v.v.. Nhưng họ có hiểu rõ bản chất của Đạo Hiếu và dụng ý của người xưa chăng ? Một ngàn năm (1000) bị giặc phương Bắc đô hộ mà không bị đồng hóa. Tám mươi năm (80) giặc Pháp xâm thực, mà không bao giờ ngớt đổ máu xương tranh giành độc lập. Những kết quả đó tất phải tạo được bởi một Nhân. Và nhân nào nếu không là những người con hiếu thảo, những người vợ đảm ngoan, những người mẹ hiền thục ? Hiếu tử luôn luôn sẽ trở thành trung thần, nghĩa sĩ, bạn hiền. Những phường bạc tình, vong ân, bội nghĩa, khinh khi cha mẹ, coi thường nòi giống. Cuối cùng rồi cũng đi làm tay sai cho người, bán nước cho ngoại bang. Vì họ đều có chung một bản chất ích kỷ, tham lam, ti tiện, những loại người này họ sống hay chết thì cũng thối tha, vô tích sự cho xã hội và cho đất nước.
4). Những Cống Hiến Vĩ Đại Của Người Phụ Nữ Việt Cho Quê Hương
Nguyện vọng sâu xa nhất của loài người là sống còn mãi mãi. Những phương pháp tu luyện, những linh đơn, tiên dược có khả năng trường sinh hoặc kéo dài tuổi thọ mà ngày nay ta còn được nghe tới, chỉ là những dấu tích của một ước mơ chưa trọn vẹn. Dù chưa tìm được phép Trường Sinh, nhưng loài người lại có khả năng Truyền Sinh để tiếp nối sự sống đến vô cùng. Tuy nhiên, khả năng truyền sinh lại có thể hoàn tất một cách tốt đẹp qua sự thuận tình hợp tác của hai yếu tố nam và nữ, qua tương quan vợ chồng, trên căn bản bình đẳng. Vì con cái phải là kết quả của tình nghĩa, của lòng yêu thương và tinh thần trách nhiệm được biểu lộ bằng một mong ước thật tình và một sự chờ đợi nôn nóng ...
Nhiều người theo tây học đã cho rằng phụ nữ Việt Nam bị kỳ thị coi rẽ, coi khinh và mất nhân cách vì họ bị lệ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ ở nhà, vào chồng khi xuất giá vào con khi chồng chết … Do đó, họ đã hô hào giải phóng phụ nữ và đòi nam nữ bình quyền, rập theo khuôn mẫu của những phong trào tương tự ở Âu Mỹ. Phải nhìn nhận là thiện chí của họ rất tốt, thái độ của họ rất đúng, nhưng đối tượng của họ sai. Bên Âu Châu, phong trào giải phóng phụ nữ và đòi nam nữ bình quyền bắt nguồn sâu xa từ một ý niệm triết lý căn bản: “…đàn bà là vật phụ thuộc của đàn ông”, qua chuyện tích bà Eva được làm nên bởi cái xương sườn của Adam. Thượng đế đã tạo nên Eva trong mục đích làm cho Adam vui sống. Eva với bản tính nhẹ dạ cả tin và ưa phù phiếm nên đã bị rắn Satan cám dỗ ăn trái cấm. Sau khi phạm tội, Eva đã quyến rũ Adam phạm tội theo và cả hai bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Vả lại, ý niệm tự do Tây phương đặt trên quyền lợi cá nhân. Quyền lợi đưa tới tư hữu. Tư hữu đưa tới chiếm đoạt mà chính sách đế quốc thực dân là một hậu quả tất nhiên. Ngược lại, ý niệm tự do Đông phương xây dựng trên bổn phận. Bổn phận đưa đến trách nhiệm. Trách nhiệm đưa đến hy sinh quên mình mà sự tu thân tự tỉnh là đều kiện chủ yếu. Do đó, thiện chí “giải phóng phụ nữ” đã không đặt đúng chỗ, vì trên cả hai phương diện lý thuyết và thực tế người đàn bà Việt Nam đã, đang và mãi mãi được quý trọng không những bởi con cái, bởi chồng mà còn bởi cả toàn thể dân tộc. Họ được tôn xưng và giữ một địa vị không thể thay thế được trong triết lý Âm Dương, trong nguồn gốc dân tộc, trong việc trồng người gồm cả hai mặt sinh dưỡng và giáo hóa, để bảo tồn giòng sinh mệnh lịch sử của nước nòi được Sống-Còn-Nối-Tiếp-Tiến-Hóa đến vô cùng.
4a). Vị Trí Người Phụ Nữ Trên Căn Bản Triết Lý Dịch
Dịch là những ý niệm triết lý lâu đời nhất của nhân loại, được hệ thống lại từ khi nhân loại chưa có chữ viết. Dịch xây dựng trên ý niệm Âm-Dương. Âm biểu tượng bằng một vạch đứt đoạn (--), và Dương biểu tượng bằng một vạch liên tục (-). Định lý căn bản của dịch là: “nhất âm nhất dương chi vị đạo”, một âm phối hợp với một dương đó là đạo lớn. Hệ luận của “độc dương bất sinh, cô âm bất trưởng”, riêng một mình yếu tố dương thì không thể sinh trưởng được, riêng một mình yết tố âm thì cũng không thể nào lớn lên được. Và “âm trung chi dương, dương trung cho âm”, trong âm có dương, trong dương có âm.Biểu tượng của dịch được vẽ bằng một vòng tròn tượng trưng cho sự viên mãn tròn đầy của lý tưởng, sự duy nhất chỉ có một chân lý mang tính phổ quát bao trùm cả mọi nơi chốn, ảnh hưởng suốt khắp mọi thời. Bên trong vòng tròn là hai yếu tố Âm Dương được phân biệt bằng một mầu trắng âm và mầu đen dương, với một chữ S cân xứng làm bằng hai nửa vòng tròn nối tiếp nhau, diễn tả ý “âm dương tương thôi” yếu tố âm và yếu tố dương đun đẩy và bù đắp lẫn cho nhau, tạo nên một thế Thăng Bằng Động của một sự Bình Đẳng Tuyệt Đối trên giá trị bản chất, nhưng khác biệt nhau vì hoàn cảnh: Vị trí và nhiệm vụ. Sự khác biệt vị trí và nhiệm vụ nói lên tính hợp lý trong việc phân công. Yếu tố dương có một đầu to và một đầu nhỏ, yếu tố âm cũng có một đầu nhỏ và một đầu to. Nếu đầu to tượng trưng cho ưu điểm và đầu nhỏ tượng trưng cho nhược điểm thì với sự phối trí của biểu tượng dịch lý, yếu tố âm và yếu tố dương đã hoàn toàn bổ túc, bù đắp cho nhau để tạo thành một toàn thể có đủ những tính chất: hợp lý, cân xứng, hài hòa. Còn hai điểm nhỏ, điểm đen nằm ở đầu to yếu tố âm trắng và điểm trắng nằm ở yếu tố dương đen, tượng trưng cho mầm nhân của khả năng biến đổi tiến hóa để thích nghi với hoàn cảnh, phù hợp với nhiệm vụ mới, diễn tả hệ luận biến dịch “Âm trung tri Dương, Dương trung tri Âm”, căn bản của quy luật chân lý tương đối trong môi trường động.
Đặt nền trên những căn bản triết lý trên, người phụ nữ đã có một địa vị xứng đáng và cao trọng trong xã hội Việt Nam đặc biệt là trên tương quan vợ chồng. Vợ chồng là đạo lớn “phu thê chi đại đạo” hay của người quân tử bắt đầu từ mối liên hệ vợ chồng “quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ”, chỉ là những diễn dịch từ định đề căn bản của dịch “nhất âm nhất dương chi vị đạo” là mối cương thường đứng hàng đầu trước mối liên hệ cha mẹ-con cái và vua tôi, tạo nên ba giềng mối lớn gọi là Tam Cương. Lấy vợ, sinh con nối dõi vừa là một nhu cầu thuộc bản năng, vừa là một nhiệm vụ trong việc làm người để thành người. Do đó, đời một người được chia làm ba thời kỳ với ba mục tiêu rõ rệt. Tuổi vị thành niên thì lo học hành “Định Học”. Tuổi trưởng thành thì lo lập gia đình “Định Tình”. Sau khi đã yên bề gia thất, vợ con mới lo công danh sự nghiệp “Định Nghiệp”. Việc lấy vợ còn quan trọng hơn việc thi đỗ. Vì vậy, thi đỗ được coi là tiểu đăng khoa, còn lấy vợ là đại đăng khoa.
Khi vợ chồng ăn ở với nhau đã có con cái, người vợ nay thêm bổn phận làm mẹ lại càng được tôn kính nhiều hơn. Chỉ nhìn qua lễ nghi, tang ma thì đủ rõ mục đích biểu lộ lòng nhớ ơn sâu xa của người con đối với công lao sinh dưỡng của người mẹ. Nào mũ mấn đội đầu tượng trưng cho cái “nhau” lúc ra đời, nào áo sô trắng tượng trưng cho lúc còn nằm trong bụng mẹ. Nào để tang ba năm, khoảng thời gian tối thiểu để đứa bé có thể sống xa mẹ ...
Kể ra khi nhìn vào thực tế xã hội tất cũng nhìn thấy nhiều sự sai lạc và biến đổi không thập phần hoàn hảo như những ước tính hoạch định trên lý thuyết. Tuy nhiên, đó chỉ là những khuyết điểm về phần nhân sự thực hành mà những người có trách nhiệm cải tạo xã hội phải sửa sai. giáo dục chứ không đập bỏ, phá vỡ một cách vô trách nhiệm. Thái độ phê bình “vơ đũa cả nắm” chỉ chứng tỏ một trình độ hiểu biết nông cạn và phiến diện về đối tượng được phê bình, nếu không muốn nói đó là thái độ thù nghịch. Không thể lấy con đường 14th ở Washington D.C. để đại diện cho cả thủ đô Hoa Kỳ hay nguy hại hơn nửa cho cả nước Hoa Kỳ rộng lớn. Cũng không thể đọc vài tờ báo như: Penthouse, Playboy, Sirs ... để định mức tình trạng trí thức Hoa Kỳ !
Nếu tin vào sự chính xác của quy luật “tư tưởng hướng dẫn hành động”, thì chỉ ý niệm Âm Dương trong vòng Thái Dịch cũng đủ minh chứng sự “Bình Đẳng Tuyệt Đối” của vợ với chồng trên giá trị bản chất người, Nhân Bản. Và để kết luận, người phụ nữ có một địa vị cao trọng được tôn kính đúng mức ở xã hội Việt Nam, với những chứng tích không thể chối bỏ được trong lịch sử dân tộc.