
Ngày 18/4/1998, giáo sư Trần Bích Lan, nhà thơ Nguyên Sa đã từ giã chúng ta tại Quận Cam/California, hưởng thọ 67 tuổi. Những ngày sau đó, và cho đến bây giờ, tuần nào cũng vậy, có một người phụ nữ vẫn đều đặn, xách cái túi, trong đó đựng một bình 2 lít nước lạnh, một cái khăn, 1 bó hoa, và một máy cắt cỏ nho nhỏ, đến nghĩa trang góc đường Bolsa và Beach, Quận Cam. Bà đến săn sóc mộ phần của nhà thơ Nguyên Sa. Người phụ nữ đó tên Nga .
“Hôm nay Nga buồn như con chó ốm, như con mèo ngái ngủ trên tay anh”.Hai câu thơ của bài thơ tên “Nga” mà Nguyên Sa đã làm vào đêm Giáng sinh 1954 tại Solden, Áo quốc, tặng cho người yêu tên Nga của mình. Sau đó, bài thơ này đã in tại Paris ngày 10/12/1955, thay giấy báo hỷ, báo tin cho bè bạn ở Paris biết là Trần Bích Lan và Trịnh Thúy Nga làm lễ thành hôn vào ngày 17/12/1955.
Giáo sư Trần Bích Lan ăn thịt bò khô, đá bóng với học trò .Hình ảnh lý thú về ông Trần Bích lan, lúc ông ở Pháp về Sàigòn 1956, dạy trường Chu Văn An, mà khi đến giờ ra chơi, giáo sư Trần Bích Lan cũng ra… chơi luôn với học trò, đá bóng với học trò, và cũng ăn thịt bò khô với học trò, đến nỗi ông hiệu trưởng xin: “Thầy Lan đừng như vậy nữa, vui lòng vào phòng giáo sư mà nghỉ ngơi, uống nước trà.”
Nhưng ông thầy dạy Triết lớp 12 đó, ông Trần Bích Lan, tốt nghiệp đại học Sorbonne đó, ông ấy dậy Triết như người ta đi chơi, đi dạo. Dễ hiểu. Rõ ràng. Như người ta nói chuyện với nhau. Không có lòng thòng, tối mù, “dọa-dẫm-đầy-triết-lý”. Hai người dậy Triết đại học và trung học thảnh thơi nhất, có lẽ là hai ông giáo sư đều tên Lan, cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan và giáo sư Trần Bích Lan. Nếu ai đã đọc những sách giáo khoa về Triết học của Foulquier hay T.V.H.M, rõ ràng quí vị này chỉ nên để tham khảo, còn nếu nói về phương diện sư phạm dễ hiểu, nhưng không kém phần sâu sắc, phải để dành chỗ cho hai ông Lan, nhất là ông Trần Bích Lan, nhà thơ Nguyên Sa, mà khi từ Paris về Sàigòn, ông đã mang cả một luồng thơ mới, tám chữ và tự do, cho những người yêu thơ lúc đó và cả cho đến bây giờ, sau nửa thế kỷ. Nguyên Sa được gọi là “thi sĩ của tình yêu”, lúc đó và chắc bây giờ cũng vậy.
Cái ông về từ Tây ấy, chẳng Tây tí nào cả. Ði dạy học thì giờ ra chơi đá bóng, ăn thịt bò khô trước cổng trường với học trò. Ðến dự những buổi họp văn học, lúc nào áo chemise cũng bỏ ra ngoài, đi dép và đội nón ni-lông rộng vành.
“Nguyên Sa từ Paris mang về cùng với thơ, không khí tự do mà chúng ta mong nhớ.”Trích dẫn câu nói của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền trong nhóm “Sáng Tạo” như vậy không có nghĩa là nhà thơ Nguyên Sa không gặp khó khăn với những bạn văn của mình. Chúng ta hãy mở Hồi ký của Nguyên Sa, trang 188: “Chúng tôi không có sự gần gũi của tình bạn và cũng không có sự xa cách của đối chọi. Dù vậy, có một khoảng cách. Khoảng cách của ngộ nhận. Một trái núi hiểu lầm đã vô tình được dựng lên giữa Nguyên Sa và các bạn trong Sáng Tạo, trông thì chỉ như núi giả sơn, mà vượt qua không được. Thời kỳ cộng tác với Sáng Tạo, chỉ có sự gần gũi tình bạn đến mức với Mai Thảo.”
Và như sách đã dẫn, ở trang 190, ông viết, bày tỏ: “Tôi không thích chống trả những ngộ nhận. Tôi vẫn nghĩ Albert Camus (tác giả cuốn Le Malentendu – Ngộ nhận) có lý khi nhấn mạnh ngộ nhận không phải chỉ là một kinh nghiệm của con người, ngộ nhận điều kiện nhân sinh, là yếu tính của kiếp người.”
(Trong cuốn hồi ký này, nhà thơ Nguyên Sa có nhắc đến một số những nhà văn, thơ, họa sĩ trong nhóm Sáng Tạo như: Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Trần Thanh Hiệp.)
Lần đầu gặp nhà thơ Nguyên SaNgười phụ trách mục này vẫn nhớ ở giữa thập niên 1960, đi theo ông anh đến tham dự một cuộc nói chuyện về thơ văn tại trụ sở “Thanh Hóa”, trong ngõ trường Lê Bảo Tịnh, trên đường Trương Minh Giảng. Linh mục Thanh Lãng, thi sĩ Bàng Bá Lân (cũng là giáo sư Pháp văn), giáo sư Phạm Việt Tuyền và nhà thơ Nguyên Sa.
Tôi vẫn nhớ lắm lắm hình ảnh đầu tiên về nhà thơ Nguyên Sa. Vẫn áo chemise bỏ ra ngoài. Ði dép. Nói sắc, gọn và có những ngôn ngữ làm cho tôi “choáng váng”. Sau này gặp lại ông ở Quận Cam, Nam California trong những lần phỏng vấn ông, kể lại cho ông nghe những cảm xúc đó, ông cười thích thú. Và cô Nga, cô giáo Pháp văn của trường Trưng Vương, bà hiệu trưởng “thực thụ” của các ngôi trường Văn Học, Văn Khôi, trong những dịp lễ giỗ hàng năm, vẫn cười cười khi tôi tôi kể lại những câu chuyện ấy.
Nguyên Sa, một lực sĩ chạy Việt dã .Trần Bích Lan, nhà giáo. Nguyên Sa, nhà thơ, nhà báo. Sức viết của ông, từ những sách giáo khoa, cho đến thơ văn, là một sức viết của một lực sĩ chạy marathon. Ðầu năm 1960, ông chủ trương tạp chí Hiện Ðại, song song với các tạp chí Sáng Tạo, Thế Kỷ 20. Nhà báo Vũ Bằng, trong một cuộc phỏng vấn với Nguyên Sa, năm 1972, tại Sàigòn, đã viết: “Từ năm 1956, tới nay, Nguyên Sa bật hẳn lên trong thời thơ văn. Mấy cuốn sách xuất bản gần đây như “Một bông hồng cho văn nghệ”, “Descartes nhìn từ phương Ðông” và nhất là Thơ Nguyên Sa tái bản tới năm lần, cùng nhiều bài đăng trên các báo chí như “Ðất Nước”, “Văn Học”, “Hiện Ðại”, “Quần Chúng” đã dành cho anh một địa vị cao trong làng nghệ thuật.”
Sau biến cố 30/4/1975, nhà thơ Nguyên Sa ở Pháp 3 năm, sau đó qua định cư ở California, Hoa Kỳ. Ở xứ Mỹ, ông lại tiếp tục làm việc, vẫn với vận tốc cao. Làm tạp chí Ðời, Phụ Nữ Việt Nam và tuần báo Dân Chúng. Oâng làm thơ trở lại, sáng tác đều đặn: Thơ Nguyên Sa tập 2, tập 3 và tập 4, sắp sửa ấn hành, thì ông đi sang thế giới bên kia.
Ðối với Văn bút quốc tế, trong thời gian ông ở Pháp, ông đã cùng với nữ sĩ Minh Ðức Hoài Trinh và nhà văn Trần Tam Tiệp vận động thành công việc thành lập Trung tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, hội viên chính thức của Hội Văn Bút Quốc Tế.
Ðôi giòng cuốiÐôi giòng cuối là để tạ tội độc giả đang đọc những giòng chữ này. Nói về Nguyên Sa mà không trích dẫn được một bài thơ. Quả thật người viết thật bối rối, vì dù đã đọc hết toàn tập thơ Nguyên Sa, nhưng không dám trích dẫn bài thơ nào gọi là tiêu biểu Nguyên Sa, chỉ xin trích dẫn hai câu của bài thơ tên “Nga”, vì đây là câu thơ làm chúng tôi “choáng váng” nhất, ở thuở đầu đời khi biết đọc thơ.
Ðôi giòng cuối cũng để cảm ơn chị Nga về những cuốn thơ và hồi ký của Anh, mà chị đã bỏ công in lại sau khi Anh mất. Cũng cảm ơn chị đã mỗi năm, cho bọn em, những đám học trò của Anh và của chị, được tham dự lễ giỗ của Anh. Nói đúng hơn là được “ăn giỗ” rất ngon.
Ðôi giòng cuối cũng để nói về một cuộc hôn nhân đặc biệt giữa người con trai nhà thơ Nguyên Sa và người con gái thi sĩ Hoàng Anh Tuấn. Thi sĩ Hoàng Anh Tuấn và nhà thơ Nguyên Sa đều du học ở Pháp. Một người học về đạo diễn điện ảnh. Một người học triết. Nhưng cả hai đều làm thơ. Hoàng Anh Tuấn, từ Paris về Việt Nam, chỉ mơ hoài đến Hà Nội trong thơ. Nguyên Sa từ Paris về, mang cả sông Seine, Paris về, dù Paris, sông Seine đó có cốm xanh, áo lụa Hà Ðông. Cảm ơn Học và Trang đã yêu nhau và nên vợ nên chồng.