nguyen_toan
|
Dự Tiệc Cưới
Hình như là khi về già, chúng ta thay đổi nhiều thói quen và sống càng đơn giản càng hay. Nhưng ngược lại, thì các buổi tiệc tùng ngày nay lại càng nhiều tiết mục và phức tạp hơn. Còn nhớ lúc còn trẻ, được đi dự đám cưới bạn bè là dịp vui. Bạn gái chúng ta thường lợi dụng dịp này để sắm áo quần mới. Nhiều cô bạn của người viết còn phải đi “làm đầu” ở hiệu trước khi đi ăn cưới. Thời thập niên 60 là kiển uốn lọn (boucles anglaises), và thập niên 70 là kiểu đầu tổ chim, đánh rối cao và tròn như cái nồi úp... Trong khi đó các đức lang quân thì than trời như bọng vì phải “đóng bộ” giữa thời tiết nóng bức của Sài Gòn! Tiệc cưới ngày xưa thường đãi ăn nhà hàng Tầu, cô dâu chú rể mặc áo cưới, và không đổi áo suốt tiệc như ngày nay. Nhiều đám cưới nhà giầu, sang trọng hơn thì được tổ chức ở nhà hàng Tây như Continental, Majestic, hay Cercle Sportif, thực đơn là cơm Tây và văn nghệ là khiêu vũ. Ðám cưới của các cặp bình dân có khi được tổ chức nơi tương đối ít tốn kém, như câu lạc bộ Sĩ Quan tại An Ðông hay một quán Bò Bảy Món thì cũng đậm đà lắm rồi...
Quà cưới thì đúng là tùy hỷ - thời ấy mà đã thực dụng như người Mỹ mà mình biết sau này. Chỉ vì phần nhiều là vật dụng dùng trong nhà. Sau đám cưới, cô dâu chú rể có khi được mừng đến mười bộ ly, mười mấy đèn để bàn table nuit, và hai chục chai eau de cologne! Xài cả đời không hết! Thời ấy ít có màn đưa phong bì. Các bậc trưởng thượng muốn tặng hiện kim xứng đáng cho con cháu thì thường đưa phong bao từ trước, hoặc vào lúc cử hành hôn lễ buổi sáng, trong vòng gia tộc với nhau. Ngày nay, trong tiệc cưới thì cô dâu phải thay áo ít nhất hai lần, theo lối tân cổ giao duyên. Cả mẹ chồng, mẹ vợ cũng đều thay đổi áo. Cứ lấp lánh như cây Noel. Tiệc cưới ngày xưa cũng ít có ban nhạc ca sĩ giúp vui. Ngày nay, phần lớn tiệc cưới có ban nhạc, ca sĩ của ban nhạc và nhất là có M.C. điều khiển chương trình. Người điều khiển này là tay hoạt náo cho tiệc cưới thêm vui vẻ, nhưng nếu không may thì đấy là cực hình vì quan viên hai họ sẽ sượng sùng vì những câu đùa cợt được nghe thấy rất nhiều lần trong các đám cưới khác. Ðôi khi người ta còn mời cả ông chánh án lên làm lễ cho đôi trẻ để thêm phần long trọng.
Ði ăn cưới, dù trong thiệp mời có đề là sáu giờ chiều khai tiệc, quý vị đừng chờ đợi được mở đầu vào lúc bảy giờ! Có lẽ ít nhất là tám giờ mới được cầm đũa. Nhiều người muốn cho chắc ăn đã ăn cơm nhà trước khi đi ăn cưới. Mỗi khi nói đến điều này, thì người Việt mình rất đắc ý cho rằng đó mới là “dân tộc tính” mà dù bị nhắc nhở mãi ta vẫn chưa bỏ được! Buổi tiệc thường kéo dài cỡ bốn tiếng với rất nhiều tiết mục. Mở đầu là ra mắt hai họ, và hai bên cha mẹ cô dâu chú rể có đôi lời chào mừng quan khách và vài lời giáo huấn cho dâu rể. Sau đó mới là phần ẩm thực và ban nhạc và ca sĩ giúp vui với bài hát vui tươi dí dỏm dành cho đám cưới. Phần lớn các ca khúc như “Mộng Dưới Hoa,” “Vì Ðó Là Em,” “Yêu Nhau Dài Lâu,” “Ngẫu Hứng Lý Qua Cầu”... được mang ra trình bày. Trong đám cưới, không ai hại nhau mà hát “Sang Ngang,” “Tà Áo Cưới” hay “Tan Tác,” “Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà,” “Ðồi Thông Hai Mộ” cả! Vì thế danh mục bài hát trong đám cưới cũng khá giới hạn. Ðôi khi có một ông chú bác của cô dâu chú rể lên ngâm bài thơ do chính mình sáng tác để tặng hai cháu và quan khách. Mọi người đều xuề xòa vỗ tay và nhớ đến câu nói của Andy Warhol: “người ta ai ai cũng có 15 giây nổi tiếng trong đời.” Các ngài thi sĩ tay ngang ấy thì không chịu 15 giây nên đôi khi ta gặp bài thơ rất dài với niêm vận có thể làm cụ Dương Quảng Hàm cau mặt! Nếu quý vị không là ca sĩ chuyên nghiệp thì có thể không hiểu được nỗi khổ của nghệ sĩ, nhất là ca sĩ. Khi có mời ban nhạc và ca sĩ riêng thì phần văn nghệ coi như đã đầy đủ trọn gói rồi. Họ chọn bài vở cẩn thận và tập dượt với nhau từ trước. Nếu có người “lạ” lên hát, không biết bài, biết “ton,” cũng không chuẩn bị, thì cố nhiên không hay rồi. Người viết thường hay “bị” những lời mời vu vơ, kiểu “chốc nữa lên giúp vui một bài nhe,” hoặc “chắc là chị phải lên hát ‘tặng’ các cháu một bài mừng chúng nó chứ!” Ðôi khi mình nghĩ thầm không biết các cháu có nghe nhạc Việt không, vì vừa mới thấy chúng nó “đàm thoại” với nhau bằng tiếng Mỹ ngon lành! Quý vị làm nghề bác sĩ, luật sư chẳng bao giờ bị mời “khám” hay “cãi” để giúp vui cả. Oan ơi là oan.
Thường thường, chúng tôi cứ xin trước với bạn bè là sẽ không “lên” hát, nếu bị như thế, sẽ không đến dự tiệc cưới được. Trường hợp ngoại lệ là đám cưới của chính gia đình nghệ sĩ thì khác. Ðám cưới con chị Mai Hương chẳng hạn, thì lên hát với mẹ của cô dâu thì hợp thời quá đi chứ! Hay trong đám cưới của Tuấn Ngọc với Thái Thảo thì mọi người lên hát với cô dâu và chú rể om sòm trời đất. Quan khách ngồi ở dưới toàn là bạn bè quen biết cả nên không khí thật là tự nhiên.
Nhiều hôm đi dự tiệc cưới về bỗng mình bị khản cổ. Hóa ra vì lúc ngồi ăn tiệc, nói chuyện với người bên cạnh phải “hét” để át tiếng nhạc. Nếu không hét, nói thầm vào tai lại mang tiếng bất lịch sự, hoặc tệ hơn nữa nếu vị ngồi bên là nam giới có khi bị “ghen” oan uổng và mang tiếng lẳng lơ! Có người nói đùa, rằng hình như ban nhạc trong tiệc cưới được trả tiền theo độ “decibel,” trống kèn đàn địch càng ồn càng hay! Thỉnh thoảng dự một đám cưới chỉ có chục bàn, không có văn nghệ và chẳng có M.C., như đám cưới của người bạn lâu năm là Kỳ Hùng thì người viết thấy không khí vui vẻ thân mật vô cùng. Hay là mình già rồi, nên không còn hợp với sự ồn ào náo nhiệt?...
Quỳnh Giao
(nữ ca sĩ )
|