
Thương sao câu hát À ơi....
Đã bao năm rồi tôi mới được hưởng niềm hạnh phúc đơn sơ là được ôm đứa cháu ngoại trong tay, hát ru bé ngủ bằng những câu đã học được từ Mẹ, rồi ru cho con và bây giờ lại ru cho cháu. Ơi, những câu Hát Ru mới mộc mạc, đơn sơ làm sao :
À a à a ời, à a à a…ơi ! Cái bống là cái bống bang
Mẹ bống yêu bống (ơ…)bống càng…. làm … thơ. À a à a ời ….À a à a …ơi!
Cái bống là cái bống bình
Thổi cơm nấu nước (a…) một mình…. bống (à) lo…..À a à a ời, à a à a ….ơi!
Chuồn chuồn bay thấp trời mưa
Bay cao trời nắng bay vừa trời râm …. À a à a ời….À a à a ơi!
Cứ như thế, các câu hát ru chẳng cần theo thứ tự nào, đang đề tài nọ nhảy sang đề tài kia, muốn hát bao nhiêu câu cũng được, muốn ngân nga dài ngắn bao nhiêu tùy thích, chỉ cần bắt đầu bằng mấy tiếng đưa hơi : À a à a ời…À a à a ơi…(miền Bắc), hoặc À á ơ…. (miền Trung) hoặc Ầu ơ…..(miền Nam).
Nhà tôi có bốn chị em, nên tôi được may mắn nghe nhiều lần tiếng ru của Mẹ, nhờ vậy mà tôi thuộc khá nhiều câu ru ngay từ khi còn nhỏ. Người ta thường nói trẻ con nhập tâm rất nhanh, điều đó tôi thấy đúng. Lúc tôi sanh bé Hải Yến thì Hải Phượng mới 2 tuổi. Một hôm tôi đang lui cui ở dưới bếp, chợt nghe bé Phượng ru em :
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó “hóc” đứng “hóc” ngồi (khóc)
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng “kiềng” (giềng)Tôi ôm con vào lòng mà xúc động biết bao! Không ngờ những lời ru từ Bà, sang Mẹ, sang con, rồi bây giờ lại được cháu bập bẹ tiếp nối.
Nhưng liệu những câu Hát Ru còn sống được bao lâu nữa nếu như những em bé không còn được nghe tiếng ru của Bà, của Mẹ, của Chị? Cuộc sống thành thị quá bận rộn, phương tiện truyền thanh truyền hình lại có nhiều chương trình sôi động, hấp dẫn, khiến cho người lớn bị quay cuồng trong nhịp sống hối hả,không còn bình tâm để đưa em bé vào giấc ngủ êm đềm qua tiếng Hát Ru nữa. Trong những năm gần đây, các liên hoan Hát Ru- Hò do Nhà Văn Hóa Phụ Nữ TP. và các Trung Tâm Văn Hóa Quận Huyện tổ chức, cùng với việc thu băng cassette các điệu ru của Trung Tâm Âm Nhạc TP., là những nỗ lực rất đáng trân trọng. Nhưng sau đó, có được bao nhiêu câu ru vang lên trong các gia đình? Người ru đã hiếm, mà các câu ru thì đã ngày càng mất đi. Chính vì vậy mà tôi rất vui mừng và cảm phục việc làm của Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và Nhà thơ Lê Giang khi thực hiện cuốn sách về Hát Ru. Tôi tin rằng cuốn sách này sẽ góp phần rất lớn trong việc gìn giữ và phổ biến những bài học đầu đời mà các thế hệ Mẹ VN. đã truyền lại cho chúng ta.
Để chia sẻ niềm vui, đồng thời đáp lại tấm chân tình mà nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vànhà thơ Lê Giang đã dành cho tôi, cô em gái bé bỏng của Anh Chị, em xin kể vài kỷ niệm của em về Hát Ru.
Như trên đã thưa, chúng tôi có 4 chị em, tôi là chị , còn 3 em tôi đều là con trai, mà con trai thường rất hiếu động, sểnh một chút là chúng “thụi nhau”, nên Mẹ tôi thường ru :
Anh em như thể tay chân
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy.Hoặc :
Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.Về sau này khi ru cháu, tôi thấy Mẹ tôi dường như hơi ưu tư :
Hôm nay vai ngủ kề vai
Mai sau tay chớ chém tay Mẹ buồn.Dạy chúng tôi thương yêu nhau chưa đủ, Mẹ tôi còn dạy chúng tôi :
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Rồi thương cả những con vật gần gũi với mình :
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta
Cấy cầy vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây luá còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.Và thương cả những vật vô tri :
Cảm ơn cái cối cái chầy
Đêm khuya giã gạo có mày có tao
Cảm ơn cái cọc cầu ao
Đêm khuya vo gạo có tao có mày.
Có một lần, hồi tôi khoảng 5-6 tuổi, Mẹ tôi đang ru em tôi ngủ thì phải chạy xuống bếp coi nồi canh, tôi được dịp thay Mẹ ru em, Mẹ vừa ru câu :
Bồng bồng mà nấu canh khoai
Ăn vào mát ruột đến mai lại bồngTôi ru tiếp câu của Mẹ :
Bồng bồng mà nấu canh tôm
Ăn vào mát ruột đến hôm lại bồngRồi cao hứng tôi “bịa” ra câu khác :
Bồng bồng mà nấu canh cua
Ăn vào mát ruột đến trưa lại bồng.Mẹ tôi chạy lên, ngạc nhiên hỏi : Con học câu đó ở đâu đấy? “ Dạ, Con thấy Mẹ nấu canh cua thơm quá nên mới ru vậy” Mẹ tôi ôm tôi vào lòng khen “Con Mẹ giỏi quá!” Chẳng biết em tôi có “ganh tị” không mà nó khóc ré lên làm Mẹ tôi cũng phải ôm nó vào lòng rồi ru cả hai chị em:
À a à a ời, à a à a….ơi….. Cái bống đi chợ cầu canh
Con tôm đi trước củ hành theo sau
Con cua lật đật theo hầu
Cái chầy rơi xuống vỡ đầu con cua À a à a…ời À a à a….ơi….Trong những câu Mẹ tôi ru, tôi thích nhất là những bài Hát Ru trở đi trở lại hoài không dứt. Tôi thường ru những câu này mỗi khi “bí”, chưa tìm được nhiều câu khác nhau. Những lúc đó tôi lôi hết cả “vốn liếng” về câu ru để cố đưa em vào giấc ngủ, nào là kể về Cha Mẹ :
Công cha như núi Thái Sơn…..
Về Ông Bà :
Bà ơi cháu rất yêu bà
Đi đâu Bà cũng mua quà về cho
Hôm qua có chiếc bánh bò
Bà chia cho cháu phần to nhất nhà
Mỗi lần cháu chạy chơi xa
Hễ Mẹ cháu đánh thì Bà lại can
Cháu không nói bậy nói càn
Bà xoa đầu cháu khen ngoan nhất nhàvề cả các con vật:
Con cua tám cẳng hai càng
Một mai hai mắt rõ ràng con cua …À a à a ời, À a à a ơi….
Cái cò, cái vạc, cái nông,
Sao mày dẫm lúa ruộng ông hỡi cò
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi
Chẳng tin thì ông đi đôi
Mẹ con nhà nó còn ngồi đằng kia ….À a à a ời, À a à a ơi…..Con cóc là cậu ông trời
Ai mà đánh nó thì trời đánh cho
Con cóc là cậu thầy nho
Ai mà đánh nó Trời cho quan tiền …À a à a ời, À a à a ơi…...Con mèo mà trèo cây cau ………..
Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn nó quện nhau đi
Tò vò ngồi khóc ti tỉ tì ti (rán thêm cho dài ra)
Nhện ơi nhện hỡi mày đi đằng nào ? …À a à a ời, À a à a ơi…...
Con kiến mày ở trong nhà
Tao đóng cửa lại mày ra đằng nào ?
Con cá mày ở dưới ao
Tao tát nước vào mày lội được chăng ? À a à a ời, À a à a ơi …..Em tôi vẫn chưa chịu ngủ, tôi thấy nó lim dim, hình như nó đang “thưởng thức” tiếng ru “lảnh lót” của tôi hoặc cũng có thể là nó chờ xem tôi “cạn vốn” chưa.
Tới lúc này thì tôi phải giở “chiêu” ru những câu trở đi trở lại hoài (giống như thể loại rondo trong âm nhạc) :
Mẹ em đi chợ đàng trong,
Mua em cây mía vừa cong vừa dài.
Mẹ em đi chợ đàng ngoài,
Mua em cây mía vừa dài vừa cong…(Mẹ em đi chợ đàng trong)
Con kiến mày leo cành đa,
Leo phải cành cụt leo ra leo vào
Con kiến mày leo cành đào
Leo phải cành cụt leo vào leo ra…(Con kiến mày leo cành đa..)
Ba bà đi bán lợn con,
Bán đi chẳng được lon ton chạy về
Ba bà đi bán lợn xề
Bán đi chẳng được chạy về lon ton (Ba bà đi bán lợn con...)Cuối cùng thì nó cũng phải chịu “thua” thôi vì ai mà có thể chờ đợi được mãi cái vòng luẩn quẩn đó nhỉ !
Chính vì “thấm” những câu ru như thế, mà tôi rất thích khi bắt gặp các câu ca dao khác :
Không đi thì nhớ thì thương
Muốn đi thì ngại cái mương cái cầu
Không đi thì nhớ thì rầu
Muốn đi thì ngại cái cầu cái mương.Hoặc trong ngày Quốc tế Phụ Nữ , tôi không khỏi bật cười trước những câu thơ rất “dí dỏm” của ai đó :
Hôm nay mùng tám tháng ba
Chị em hớn hở đi ra đi vào
Các anh kính cẩn cúi chào
Chị em hớn hở đi vào đi ra (Hôm nay……)Gần đây nhất, khi đọc cuốn Du Ngoạn trong Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam của GSTS. Trần Văn Khê, do Nhà Xuất Bản Trẻ ấn hành năm2004, tôi rất thích thú khi gặp lại thể loại thơ mình yêu thích từ hồi còn nhỏ :
Mài dừa đạp cám cho nhanh
Ép dầu chải tóc cho anh cho nàng
Mài dừa dưới ánh trăng vàng
Ép dầu chải tóc cho nàng cho anh. (Trang 52 )
Thật là tình tứ, lãng mạn, dễ thương làm sao! Tôi đọc lại lần nữa, lần nữa, bỗng dưng không biết có phải là do ảnh hưởng của các câu ru ngày trước không mà tôi lại “À a à a ời…” thành :
Mài dừa dưới ánh trăng thanh,
Ép dầu chải tóc cho anh cho nàng
Mài dừa dưới ánh trăng vàng
Ép dầu chải tóc cho nàng cho anh.Rồi cũng vì yêu thích thể thơ “luẩn quẩn” này, mà khi ôm cháu Thỏ (tên gọi ở nhà) vào lòng, tôi đã ru :
À a à a ời…À a à a ơi …. Tưởng rằng Thỏ đã ngủ say
Vừa đặt xuống chiếu mở ngay mắt liền
Tưởng rằng Thỏ đã ngủ yên
Vừa đặt xuống chiếu mắt liền mở ngay . À a à a ời,…À a à a ơi !
Bồng Thỏ đi tới đi lui
Thỏ nghiêng Thỏ ngó Thỏ cười Thỏ la
Bồng Thỏ đi lại đi qua
Thỏ nghiêng Thỏ ngó, cả nhà đều vui. À a à a ời….À a à a ơi….
Mấy câu thơ “con nòng nọc” (nghĩa là chưa được bằng thơ con cóc) ở trên đã làm cho gia đình tôi thêm ấm cúng.
……Xin cảm ơn những Bà Mẹ VN. Cùng với dòng sữa nóng nuôi dưỡng hình hài con, Các Bà Mẹ đã cho chúng con những giai điệu ngọt ngào, những lời ru thâm thúy, những bài học làm người sâu sắc, những cảm hứng vô biên …….
Ơi ! Thương sao câu hát À ơi!
Mùa Vu Lan năm 2004
Nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan.