Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - QUÁN CÓC  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Pages: 1 ... 47 48 49 50 51 
Send Topic In ra
QUÁN CÓC (Read 69162 times)
phu de
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3541
Gender: male
Re: QUÁN CÓC
Reply #720 - 25. Jan 2019 , 01:01
 
Vẫn Còn Đây Các Con Của Mẹ
-
Mỹ Huyền, Huỳnh Phi Tiễn, Ca Đoàn Ngàn Khơi




1. Vẫn còn đây, vẫn còn đây, các con của Mẹ
Vẫn còn đây, vẫn còn đây, các con của Cha
Con sẽ về bằng trọn thân xác,
Con sẽ về bằng hồn phách linh thiêng
Từ giòng Cửu Long lên đỉnh Trường Sơn,
Từ lòng đại dương đến chân trời quê hương
Trăm con từ, khắp tám hướng quay về,
Như ngày nào, cùng bọc Mẹ ra đi.

2. Vẫn còn đây, vẫn còn đây, giống dân Tiên Rồng
Vẫn còn đây, vẫn còn đây, cháu con Lạc Long
Năm mươi người, cùng Mẹ lên núi,
Xây bưng biền, lập khu chiến đấu tranh
Còn năm mươi người vượt đại dương,
Nguyện cùng Cha, quyết xây lại quê hương
Trăm con cùng chung góp máu đào,
Từ Động Đình về tận miền Cà Mau.

(Điệp Khúc): Hẹn gặp lại anh trong một ngày mới,
Hẹn gặp lại em trong một ngày vui
Là ngày giải phóng nước non rạng ngời,
Là ngày hạnh phúc thanh bình ngàn nơi
Hẹn gặp Mẹ Cha trong ngày hội lớn,
Hẹn gặp lại nhau trong ngày Việt Nam
Là ngày giải phóng nước non rạng ngời,
Là ngày hạnh phúc thanh bình ngàn nơi.

3. Vẫn còn đây, vẫn còn đây trái tim Diên Hồng
Vẫn còn đây, vẫn còn đây máu xương Việt Nam
Con không hờn, dù đời cay đắng,
Tâm không sờn, dù lòng trắng khăn sô
Còn hồn Việt Nam, là còn niềm tin,
Còn người Việt Nam, sẽ có ngày quang vinh
Trong đêm trường phục sẵn mặt trời,
Mai bình minh về rồi Việt Nam ơi.
Việt Nam ơi, Việt Nam ơi, Việt Nam ơi!!!




Back to top
 
 
IP Logged
 
phu de
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3541
Gender: male
Tôi đi học
Reply #721 - 28. Jan 2019 , 20:48
 
Hôm nay mời cả nhà đọc lại một bài mà chắc chắn trong chúng ta không ai có thể quên được, có người còn thuộc nằm lòng dù đã mấy mươi năm trôi qua.

----------------------


...

Thanh Tịnh( 1911-1988)

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

...

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.

Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.

Dọc đường tôi thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng chì ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.

Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:

- Mẹ đưa bút thước cho con cầm.

Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:

- Thôi để mẹ nắm cũng được.

Tôi có ngay cái ý kiến vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.

Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.

...

Trước sân trường làng Mỹ Lý đầy đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.

Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần.

Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng.

Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.

Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bở ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.

Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đứng lên trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:

- Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa? (Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có tiếng dạ rang của phụ huynh đáp lại).

Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút giây này chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn.

Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:

- Thôi, các em đứng đây sắp hàng để vào lớp học.

Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cáng tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lủng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.

...

Ông đốc nhẫn nại chờ chúng tôi.

- Các em đừng khóc. Trưa này các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai các em lại được nghỉ cả ngày nữa.

Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ vì có nhũng hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.

Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin là có thật. Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.

Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.

Nhưng những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc: Bài tập viết: Tôi đi học"


...

Back to top
 
 
IP Logged
 
phu de
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3541
Gender: male
Re: QUÁN CÓC
Reply #722 - 01. Feb 2019 , 18:24
 
Cuối năm viếng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa



nguyễn thanh khiết
Published on Jan 24, 2019
Nghĩa Trang Quân Đội ngày giáp Tết

Đền Tử Sĩ


Mái rêu phong giữa đồi quạnh quẻ
cột đứng hai hàng đếm thời gian
năm mươi năm – chinh chiến đã tàn
mộ chí vô danh giờ đâu nữa!

Kìa Cổng Tam Quan nằm trơ trụi
nghe bước người cố cựu qua đây
vô tình chăng rừng lá lung lay?
như tiếng gọi từng ngày tuyệt vọng

Đền Tử Sĩ một thời lừng lẫy
đám gai rừng phủ hết lối qua
“Tổ Quốc Ghi Ơn” nợ sơn hà
nước mất nhà tan – còn ai nợ?

Dân còn chăng “Vì Dân Chiến Đấu”?
nước còn đâu “Vì Nước Hy Sinh”?
năm mươi năm vẫn đứng một mình
tàn cuộc – đau cho từng con chữ

Dưới trăng khuya hồn nào ghé lại
nghe dế giun trổi khúc chiêu hồn
rừng đã lấn dần nấm mộ chôn
đền cũ hoang tàn theo năm tháng

Nghĩa Dũng Đài


Sừng sững giữa mồ chôn lớp lớp
Vành Khăn Tang ai quấn ngang đầu
lưỡi gươm cùn cắm xuống vết đau
mỗi nấm mồ mấy vuông khăn trắng?

Gọi ai đây người muôn năm cũ
hỡi oan hồn chiến sĩ trận vong
về đây buông bỏ gánh núi sông
rũ bụi biên cương nằm an nghỉ

Nghĩa Dũng Đài vinh danh tử sĩ
cho bao người sống sót hôm nay
trên tro tàn nắng úa chiều phai
còn đứng đó như chờ như đợi

Nhớ chi người lính ngồi gác súng
đón kẻ về – vĩnh biệt người đi
“Thương Tiếc”ai mà đếm chia ly
ngàn năm hận còn đây dấu vết


Những dãy mồ chôn


Bầy cổ thụ gặm mòn xương cốt
người nằm kia giấc ngủ yên chăng?
lá mùa đông vàng úa lăn tăn
bay trong gió thương người chết trận

Nửa kỷ qua sao còn lẩn quẩn
hỡi vong linh khóc núi thương sông
hỡi oan hồn mất nước – lưu vong
không chỗ gởi nắm xương còn lại

Chinh chiến cả đời thân trấn ải
chết tan thây dưới một bóng cờ
sao bây giờ hồn phách bơ vơ
mả lệch mồ xiêu – Ôi! Tử Sĩ !


@@@

Giữa nghĩa trang ngày tàn năm hết
tiếc giang san cố giữ trong tay
nói cùng người chết hận nằm đây
những kẻ lỡ còn trên đất giặc

Hãy quên đi sơn hà xã tắc
cố ngủ yên – giấc ngủ nghìn thu
quên đạn bom, quên cả quân thù
cứ mặc kệ nước non còn mất


nguyễn thanh khiết
những ngày cuối năm
tháng 01-2019
Back to top
 
 
IP Logged
 
phu de
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3541
Gender: male
Re: QUÁN CÓC
Reply #723 - 05. Feb 2019 , 03:26
 
BIẾN CỐ MẬU THÂN: CUỘC THẢM SÁT TẠI KHE ĐÁ MÀI

Posted on February 5, 2017 by Lưu Hoàn Phố

Lời mở đầu

Biến cố tết Mậu Thân sắp được hầu hết toàn thể dân tộc VN, đặc biệt nhân dân miền Nam, kỷ niệm lần thứ 40 với trái tim vẫn còn rỉ máu, vì hàng trăm ngàn nạn nhân của cuộc thảm sát này –mãi cho tới hôm nay– chưa bao giờ nghe được một lời tạ lỗi và thấy được một cử chỉ sám hối từ phía các tay đồ tể là đảng Cộng sản Việt Nam, đồng bào ruột thịt của họ. Chúng tôi nói là hàng trăm ngàn người, vì ngoài con số 14.300 nạn nhân vô tội gồm tu sĩ, công chức, giáo sư, giáo viên, sinh viên, học sinh, dân thường ở miền Nam (riêng Huế chiếm gần một nửa), còn phải kể đến 100.000 bộ đội miền Bắc (con số do chính CS đưa ra) đã bị nướng vào cuộc tàn sát dân tộc này, cuộc tàn sát man rợ nhất lịch sử đất nước mà người chủ xướng là Hồ Chí Minh và các lãnh đạo cao cấp trong đảng CS thời đó.

Chúng tôi viết lên bài này như nén hương lòng tưởng nhớ các ân sư, thân nhân, bằng hữu, đồng nghiệp của chúng tôi đã bị CS tàn sát trong biến cố ấy như 3 linh mục người Huế là Hoàng Ngọc Bang, Lê Văn Hộ, Nguyễn Phúc Bửu Đồng, ba linh mục người Pháp là Guy, Cressonnier và Urbain, 3 tu sĩ dòng Thánh Tâm là Héc-man, Bá-Long, Mai-Thịnh, ba chủng sinh là Nguyễn Văn Thứ, Phạm Văn Vụ và Nguyễn Lương, hai sư huynh dòng La San là Agribert và Sylvestre cùng nhiều người khác… Chúng tôi cũng viết lên bài này như lời kêu gọi đảng và nhà cầm quyền CSVN phải biết thừa nhận sự thật, lãnh nhận trách nhiệm, công nhận tội ác tầy trời mà chính họ đã gây ra cho dân tộc VN trong những ngày xuân năm 1968, phải chấm dứt ngay việc trình bày biến cố Mậu Thân như một chiến thắng lừng lẫy, phải phục hồi danh dự cho các oan hồn bằng cách chính thức tạ tội và để tự do cho bất cứ cá nhân hay tập thể nào tưởng nhớ các nạn nhân này, phải tôn tạo ít nhất ngôi mộ tập thể chôn cất di hài của họ tại núi Ba Tầng (núi Bân), phía Nam thành phố Huế. Ngôi mộ này lưu giữ hơn 400 bộ hài cốt chủ yếu bốc từ Khe Đá Mài nhưng đã bị chính CS phá đổ trụ bia và để cho hoang phế suốt 32 năm trời.

Đây cũng là điều mà mới đây, trong Thỉnh nguyện thư viết ngày 29-09-2007 cùng 124 Kitô hữu VN khác, chúng tôi đã đề nghị với Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Việc tưởng nhớ, cầu nguyện, minh oan cho họ (các nạn nhân biến cố Mậu Thân) để linh hồn họ được giải thoát, gia đình họ được an ủi là căn cốt trong truyền thống của mọi tôn giáo và nhất là của Kitô giáo. Đây cũng là cơ hội để các đao phủ thảm sát đồng bào bày tỏ thành tâm thiện chí, thống hối lỗi lầm, dọn đường cho việc hòa giải dân tộc cách đích thực. Nhớ lại năm 2002, nhân kỷ niệm 30 năm biến cố Đại lộ kinh hoàng Quảng Trị (1972), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân. Chúng con thiết tưởng Công giáo chúng ta cũng nên nhân cơ hội tưởng niệm 40 năm biến cố Tết Mậu Thân để làm nghĩa cử đối với các oan hồn uổng tử đồng bào đồng đạo. Vậy chúng con kính xin Quý Đức Cha và Hội đồng Giám mục can đảm tổ chức lễ cầu nguyện khắp nơi cho các nạn nhân vô tội, đặt ra một ngày tạm gọi là “ngày nhớ Mậu thân”. Đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản dựng một tấm bia mới tại nghĩa trang Ba Tầng (thành phố Huế), nơi chôn cất hài cốt của hơn 400 nạn nhân, vì tấm bia cũ đã bị phá hủy ngay sau năm 1975”.

Trong toàn bộ biến cố Tết Mậu Thân, có lẽ những gì xảy ra tại Huế là đau thương và đánh động hơn cả. Nhưng trong những gì xảy ra tại Huế, thì có lẽ cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài là rùng rợn, dã man và thê thảm nhất. Tiếc thay, theo sự am hiểu của chúng tôi, hình như người ta chỉ biết đến kết cục của nó là hàng trăm bộ hài cốt dồn lại một đống dưới khe sau khi thịt thối rữa bị nước cuốn đi lâu ngày, từ đó suy diễn ra sự việc hơn là biết rõ diễn tiến của toàn bộ sự việc kể từ lúc các nạn nhân bắt đầu bị dẫn đi đến chỗ hành quyết. Lý do là vì chỉ có hai con người duy nhất trong đoàn tử tội đã chạy thoát được trước khi thảm kịch xảy đến, họ nắm được một ít chi tiết nhưng lại chẳng biết rõ địa điểm, do vụ việc xảy ra giữa đêm khuya trong rừng già; họ lại còn quá trẻ rồi sau đó đăng lính, mất hút vào cơn bão chiến tranh, khiến mãi tới ngày 19-09-1969, tức gần hai năm sau, nhờ khai thác tù binh Việt cộng, chính phủ VNCH mới biết đó là Khe Đá mài trong vùng núi Đình Môn, Kim Ngọc, thuộc quận Nam Hòa, tỉnh Thừa Thiên (xã Dương Hòa, huyện Hương Thủy ngày nay) và mới tiến hành việc tìm kiếm hài cốt các nạn nhân xấu số. Thời gian sau, một trong hai người đã chết trận, đem theo bí mật xuống đáy mồ. Chúng tôi may mắn gặp được chứng nhân duy nhất còn lại, nay gần lục tuần. Ông đã tường thuật mọi việc cho chúng tôi khá tỉ mỉ. Nhưng vì lý do an ninh của đương sự, chúng tôi viết theo dạng tự thuật để khỏi nêu tên ông. Chúng tôi cũng xin phép bỏ đi nhiều chi tiết có thể giúp CS lần hồi dấu vết của ông để báo thù.

Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải và Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi

-----------------------------------



Hồi ấy tôi mới 17 tuổi, đang là học sinh trung học đệ nhị cấp. Vì tình hình bất an, gia đình tôi đã từ quê chạy về thành phố, cư ngụ tại giáo xứ Phủ Cam, thôn Phước Quả, xã Thủy Phước, tỉnh Thừa Thiên (nay gọi là phường Phước Vĩnh, thành phố Huế) từ mấy năm trước.

Sáng sớm mồng một tết Mậu Thân, tôi cùng gia đình đi thăm bà con thân thuộc và du xuân với các bạn đồng trang lứa, trong một khung cảnh tạm an bình, vắng tiếng súng, nhờ cuộc hưu chiến mà hai miền Nam Bắc đã cam kết tuân giữ.

Bỗng nhiên, khuya mồng một rạng mồng hai tết, nhiều tiếng đại bác và súng lớn súng nhỏ vang rền khắp xứ đạo của chúng tôi. Sáng hôm sau, tôi nghe nói Việt Cộng đang tấn công vào toàn bộ thành phố Huế và đã chiếm nhiều nơi rồi. Hoảng hốt, cả gia đình tôi cũng như rất nhiều giáo dân chạy đến nhà thờ (lúc ấy mới hoàn thành phần cung thánh và hai cánh tả hữu) để ẩn trú, vì đó là nơi an toàn về mặt thể lý (xây vững chắc, tường vách dày, trần xi măng rất cao) cũng như về mặt tâm lý (có thể trông cậy vào ơn phù hộ của Chúa và đông đảo người bên nhau thì bớt hãi sợ…). Tôi thấy đủ hạng: nữ nam già trẻ, linh mục tu sĩ, ngồi chen chúc nhau cả mấy ngàn người (giáo xứ Phủ Cam lúc đó lên tới 10.000 giáo dân). Đang khi ấy, ở bên ngoài, lực lượng địa phương quân, nhân dân tự vệ cùng các quân nhân chính quy về nghỉ phép hợp đồng tác chiến, chống giữ không cho Cộng quân tiến vào giáo xứ từ hướng An Cựu, Bến Ngự, Nam Giao, Ngự Bình… Cuộc chiến đấu xem ra rất ác liệt!

Thế nhưng, đến chiều mồng 6 Tết, do lực lượng quá nhỏ, lại không có tiếp viện (vì mặt trận lan khắp cả thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên), các chiến sĩ đang bảo vệ giáo xứ đành phải rút lui, bỏ chạy. Thế là VC tràn vào! Khuya hôm đó, lúc 1g sáng, chúng mang AK và đèn đuốc xông vào nhà thờ Phủ Cam để gọi là “bắt đầu hàng” và lục soát mọi ngõ ngách. Sau này tôi mới biết chúng có ý lùng bắt cha xứ mà chúng nghi là người chỉ huy cuộc kháng cự, lùng bắt tất cả những ai mà chúng nghĩ đã chống cự lại chúng trong 5 ngày qua, cùng mọi cán bộ viên chức chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, như xảy ra tại nhiều nơi khác trong thành phố Huế lúc ấy.

Thấy chúng vừa xuất hiện, tôi liền lợi dụng bóng tối, nhanh chân chạy đến cầu thang sắt phía cánh trái nhà thờ (gần mộ Đức Cố Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền hiện nay), leo lên trần xi măng, sát mái ngói. Từ trên đó, qua mấy lỗ trổ sẵn để gắn đèn cao áp (nhưng chưa gắn), tôi mục kích khá rõ sự việc diễn ra bên dưới. Tôi thấy lố nhố VC địa phương (du kích nằm vùng) lẫn bộ đội chính quy miền Bắc. Chúng lật mặt từng người, chỉ chỏ bên này bên kia. Một câu nói được lặp đi lặp lại:

– Đồng bào yên tâm! Cách mạng đến là để giải phóng! Các mẹ, các chị, các em có thể ra về. Còn các anh được mời đi học tập, chỉ 3 ngày thôi! Không sao đâu!!!

Thế là mọi tráng niên và thanh niên từ 15 đến 50 tuổi đều bị lôi đứng dậy và dẫn đi, dù là học sinh, thường dân hay công chức…. Tiếng kêu khóc thảm thiết vang động cả nhà thờ. Con khóc cha, vợ khóc chồng, cha mẹ khóc con. Ai nấy linh cảm chuyến đi “học tập” này sẽ chẳng có ngày đoàn tụ. Sau này tôi biết thêm là linh mục quản xứ chúng tôi, cha Nguyễn Phùng Tuệ, nhờ ngồi giữa đám nữ tu dòng Mến Thánh Giá với lúp đội trên đầu, nên may mắn chẳng bị VC nhận diện. Bằng không thì bây giờ ngài đã xanh cỏ. VC ở lại trong nhà thờ suốt đêm hôm đó vài tên, còn những tên khác đi lùng khắp giáo xứ để bắt thêm một số người nữa, cũng từ 15 đến 50 tuổi, thành thử có nhiều thanh niên hay học sinh gặp nạn.

Sáng hôm sau, lúc 8 giờ, bỗng có hai tên VC theo thang sắt trèo lên trần và khám phá ra tôi. Một đứa tên Hồ Sự, du kích gốc Long Hồ, vừa được đồng bọn giải thoát khỏi nhà lao Thừa Phủ (là nhà lao nằm giữa lòng thành phố Huế, ngay sau lưng tòa hành chánh tỉnh). Tên kia là Đỗ Vinh, sinh viên, người gốc làng Sịa. Sau khi lôi tôi xuống, chúng hỏi tôi tại sao lại trèo lên núp (nấp). Tôi trả lời là vì nghe con nít khóc ồn ào, chịu không nổi, phải trèo lên đấy để nghỉ.

...
Chùa Từ Đàm, nơi Việt cộng đặt bản doanh năm Mậu Thân


Chúng dẫn một mình tôi -lúc ấy chẳng còn hồn vía gì nữa- đi xuống dốc nhà thờ, nhưng đến chắn xe lửa thì quẹo trái, men theo đường xe lửa tới chắn Bến Ngự. Từ đây, chúng dẫn tôi lên chùa Từ Đàm là nơi VC đang đặt bản doanh. Chúng rất đông đảo, vừa sắc phục vừa thường phục, vừa bộ đội miền Bắc vừa du kích nằm vùng miền Nam. Vào trong khuôn viên chùa, tôi nhận thấy ngôi nhà tăng 5 gian thì 4 gian đã đầy người bị bắt, đa số là giáo dân giáo xứ Phủ Cam của tôi. Gian thứ 5 (đối diện với cây bồ đề) còn khá trống, để nhốt những người bị bắt trong ngày mồng 7 Tết. Tôi cũng trông thấy ông Tin, chủ hiệu ảnh Mỹ Vân, người rất đẹp trai, đang bị trói nơi cây mít. Một tên VC nói:

– Thằng ni trắng trẻo chắc là cảnh sát, bắn quách nó đi cho rồi!

May thay, có một người trong nhóm bị bắt đã vội lên tiếng:

– Tội quá mấy anh ơi, đây là ông Tin chụp ảnh tại Bến Ngự, cảnh sát mô mà cảnh sát!
Nhờ thế ông Tin thoát nạn, được cho về. Tiếp đó, VC đưa cho tôi một tờ giấy để làm bản lý lịch. Chúng bảo phải khai rõ tên cha, tên mẹ, tên mình, nguyên quán ở đâu, cha mẹ làm chi, bản thân bây giờ làm chi. Khai rõ ràng chính xác, Cách mạng sẽ khoan hồng. Khai tơ lơ mơ, khai dối láo là bắn ngay tại chỗ. Lúc ấy không hiểu sao Chúa cho tôi đủ sự thông minh và điềm tĩnh nên đã khai hoàn toàn giả, giả từ tên cha mẹ đến tên mình, và giả mọi chi tiết khác, như nghề của cha là kéo xe ba gác, nghề của mẹ bán rau hành ở chợ Xép, bản thân thì đang học trường Kỹ thuật!?! May mà bọn VC chẳng kiểm tra chéo bằng cách hỏi những người cùng giáo xứ bị bắt đêm hôm trước. Bằng không thì tôi cũng rồi đời tại chỗ!

Chúng tôi ngồi tại chùa Từ Đàm suốt cả ngày mồng 7 Tết, không được cho ăn gì cả. Lâu lâu tôi lại thấy VC dẫn về thêm một số tù nhân, trong đó tôi nhớ có cậu Long, 16 tuổi, học sinh, con ông Nguyện ở xóm Đường Đá giáo xứ Phủ Cam. Thỉnh thoảng chúng lại trói ai đó vào gốc cây bồ đề, bắn chết rồi chôn ngay trong sân chùa. Sau này người ta đếm được có 20 xác, trong đó có anh Hoàng Sự, vốn là cảnh sát gác lao Thừa Phủ, bị đám VC khi được thoát tù đã bắt đem theo lên đây.

VC cũng cho một vài kẻ về nhắn thân nhân bới cơm nước lên cho người nhà, nhưng với điều kiện: nhắn xong phải đến lại trong ngày, bằng không bạn bè sẽ bị chết thế. Thế là một số anh em Phủ Cam lên tiếng xin thả ông Hồ (khá lớn tuổi, làm nghề hớt tóc, nhà ở gần cabin điện đường Hàm Nghi) để ông về lo chuyện tiếp tế thực phẩm. Tay VC liền hỏi: “Ai tên Hồ?” thì có một cậu thanh niên nào đó nhảy ra nói: “Hồ đây! Hồ đây!” Thế là nó được thả về và rồi trốn luôn, thoát chết. Một vài bạn trẻ cùng tuổi với tôi cũng được cho về nhắn chuyện bới xách rồi quyết không lui, nhờ vậy thoát khỏi cơn thảm tử. Còn ai vì hãi sợ hay thương bạn mà lên lại Từ Đàm thì cuối cùng bị mất mạng như tôi sẽ kể. Các “sứ giả” về thông báo với bà con là ai có thân nhân “đi học tập” hãy bới lương thực lên chùa Từ Đàm. Vậy là vài hôm sau, người ta ùn ùn gánh gồng lên đó gạo cơm, cá thịt, muối mắm, bánh trái ê hề (Tết mà!)… Họ chẳng thấy thân nhân đâu mà chỉ gặp mấy tên cán bộ VC bảo họ hãy an tâm trở về nhưng để đồ ăn lại. Nhờ mưu mô thâm độc này mà VC tạo được một kho lương thực khổng lồ để ăn mà đi giết người tiếp!!

Lân la dò hỏi và nhìn quanh, tôi thấy trong số thanh niên Phủ Cam bị bắt có rất nhiều người bạn của tôi: anh Trị tây lai con ông Ngọc đàn ở nhà thờ, con trai ông Hoàng lương y thuốc Bắc ở chợ Xép, hai con trai ông Thắng nấu rượu, hai con trai ông Vang thổi kèn, anh Thịnh con ông Năm, hai anh em Bình và Minh con ông Thục mà một là bạn học với cha Phan Văn Lợi… Tôi cũng nghe nói có hai thầy đại chủng viện mà sau này tôi mới biết là thầy Nguyễn Văn Thứ, nghĩa tử của cha Nguyễn Kim Bính và bạn cùng lớp với cha Nguyễn Hữu Giải, rồi thầy Phạm Văn Vụ, đồng nghĩa phụ với cha Lợi…

Khi trời bắt đầu sẫm tối, VC bắt chúng tôi ra sân xếp hàng và một tên tuyên bố:

– Anh em yên tâm! Như đã nói, Cách mạng đưa anh em đi học tập 3 ngày cho thấm nhuần đường lối rồi sẽ về thôi! Bây giờ chúng ta lên đường!

Rồi chúng bắt đầu dùng dây điện thoại trói thúc ké từng người một chúng tôi, trói xong chúng xâu lại thành chùm bằng một sợi dây kẽm gai, 20 người làm một chùm. Tôi nhớ là đếm được trên 25 chùm, tức hơn 500 người.

Khi chúng tôi bị lôi ra đường (đường Phan Bội Châu hiện giờ), chừng 7g tối, tôi thấy có một đoàn cố vấn dân sự Hoa Kỳ khoảng 14 người cũng bị trói nhưng sau đó được dẫn đi theo ngã khác hẳn. Áp giải chúng tôi lúc này không phải là VC nằm vùng, địa phương, nhưng là bộ đội miền Bắc, khoảng 30 tên. Bọn nằm vùng ở lại để đi bắt người tiếp.
Bỗng một kẻ mặc áo thầy chùa xuất hiện, đến cạnh chúng tôi mà nói:

– Mô Phật! Dân Phủ Cam bị bắt cũng nhiều đây! Chỉ thiếu Trọng Hê và Phú rỗ!

Trọng (con ông Hê) và Phú (mặt rỗ) là hai thanh niên công giáo, nhưng lại là “tay anh chị” khét tiếng cả thành phố. Về sau tôi được biết đa phần những thanh niên bị bắt đêm mồng 6 Tết tại nhà thờ Phủ Cam và sau đó bị giết chết đều là học sinh, sinh viên, thanh niên nhút nhát hiền lành. Còn hạng can đảm, có máu mạo hiểm hay hạng “du dãng, anh chị” đều đã đi theo binh lính, dân quân để chiến đấu tự vệ hoặc nhanh chân trốn chạy, không tới nhà thờ trú ẩn, nên đều thoát chết. Sự đời thật oái oăm!

Hết đường Phan Bội Châu, chúng tôi đi vào đường Tam Thai (bên trái đàn Nam Giao), sau đó men theo đường vòng đan viện Thiên An, xuôi về lăng Khải Định (xin xem bản đồ). Từ con đường trước lăng Khải Định, VC dẫn chúng tôi bọc phía sau trụ sở quận Nam Hòa (lúc đó chưa bị chiếm), ra đến bờ sông Tả Trạch (thượng nguồn sông Hương).

Chúng tôi lầm lũi bước đi trong bóng tối, giữa trời mờ sương và giá lạnh, vừa buồn bã vừa hoang mang, tự hỏi chẳng biết số phận mình rồi ra thế nào, tại sao VC lại tấn công vào đúng ngày Xuân, giữa kỳ hưu chiến!?!

...

Tới bờ sông, VC cho chặt lồ ô (nứa) làm bè để tất cả đoàn người vượt qua phía bên kia mà sau này tôi mới biết là khu vực lăng Gia Long, thuộc vùng núi Tranh hay còn gọi là vùng núi Đình Môn Kim Ngọc. Lúc ấy vào khoảng 9g tối. Từ đó, chúng tôi bắt đầu đi sâu vào rừng, lúc lên đồi, lúc xuống lũng, lúc lội qua khe, lần theo con đường mòn mà thỉnh thoảng lại được soi chiếu bằng những cây đèn pin hay vài ngọn đuốc của 30 tên bộ đội. Tôi thoáng thấy tre nứa và cây cổ thụ dày đặc. Trời mưa lâm râm. Đến khoảng 11g rưỡi đêm, chúng tôi được cho dừng lại để tạm nghỉ ăn uống. Tôi đoán chừng đã đi được hơn chục cây số. Mỗi người được phát một vắt cơm muối mè, đựng trên lá ráy (môn rừng). Hai cánh tay vẫn bị trói. Ít người ăn nổi. Riêng tôi làm hai vắt.

...

Ăn xong thì được cho ngủ. Chúng tôi ngồi gục đầu dưới cơn mưa, cố gắng chợp mắt để lấy lại sức. Bỗng nhiên như có linh tính, tôi chợt choàng dậy và thấy rung động toàn thân hết sức dữ dội. Máu tôi sôi sùng sục trong đầu. Có chuyện chẳng lành rồi đây!

Quả thế, tôi thoáng nghe hai tên VC gần kề nói nhỏ với nhau: “Trong vòng 15–20 phút nữa sẽ thủ tiêu hết bọn này!” Tôi nghe mà bủn rủn cả người! Nghĩ mình đang là học sinh vô tội, lại còn trẻ trung, thế mà 15 phút nữa sẽ bị giết chết, tôi như muốn điên lên. Dù thế tôi vẫn cầu nguyện: “Lạy Chúa, từ lâu Chúa dạy con phải hiền lành thật thà, không được làm hại ai, vậy mà giờ đây lại có người muốn giết con và các bạn của con nữa. Xin Chúa ban cho con mưu trí, can đảm và sức mạnh để tự giải thoát mình…”. Tôi ghé miệng vào tai thằng bạn bị trói ngay trước mặt: “Tụi mình rán mở dây mà trốn đi! Mười lăm phút nữa là bọn hắn bắn chết hết đó!”. Chúng tôi quặt ra tay sau, âm thầm lần múi dây trói. Nhờ trời vừa mưa vừa tối, dây điện thoại lại trơn nên chỉ ít phút sau là nút buộc lỏng, vung mạnh cánh tay là sẽ bung ra. Chúng tôi cũng mở múi buộc dây thép gai đang nối mình với những người khác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ vị thế bị trói thúc ké, để bọn VC khỏi nghi ngờ. Tôi dặn thằng bạn tiếp: “Hễ tao vỗ nhẹ sau lưng là tụi mình chạy nghe!”

Đánh thức chúng tôi dậy xong, một tên lên tiếng nói lớn cho cả đoàn:

– Chúng ta sắp đến trại học tập rồi. Vậy trong anh em ai có một là vàng, hai là tiền, ba là đồng hồ, bốn là bật lửa thì nộp lại để Cách mạng giữ cho, học xong 3 ngày sẽ trả. Kẻo vào trại, ăn cắp lẫn nhau rồi lại đổ lỗi cho Cách mạng, nói xấu cán bộ!

Thế là mọi người riu ríu và khổ sở móc ra những thứ quý giá còn giữ trong người. Ai chậm chạp hoặc ngần ngừ thì mấy tên bộ đội tới “giúp” cho. Bọn chúng lột sạch và cho tất cả vào mấy cái ba lô vải. Lúc đó tôi mới để ý thấy tay bộ đội áp giải chùm của tôi đang mang trên hai vai và cột quanh lưng ít nhất cả chục cái radio lớn nhỏ mà chắc hắn đã cướp được của dân dưới thành phố. Với khẩu AK trên tay lại thêm từng ấy máy móc trên người, hắn bước đi lặc lè, chậm chạp, khá cách quãng mấy tên khác

...
...

Khe Đá Mài hiện nay (hình chụp tháng 11-2007)

Chúng tôi lại bắt đầu đi xuống dốc. Tôi nghe có tiếng nước róc rách gần kề. Lại một khe nữa! Được vài bước, tôi vỗ nhẹ vào lưng thằng bạn. Cả hai chúng tôi vung tay, dây tuột, và nhanh nhẹn phóng ra khỏi hàng. Lấy hết sức bình sinh, tôi đá mạnh vào gót rồi vào dưới cằm tên bộ đội áp giải (tên mang cả chùm radio ấy!). Hắn ngã nhào. Hai chúng tôi lao vào rừng lồ ô. Bọn VC tri hô lên: “Bắt! Bắt! Có mấy thằng trốn” rồi nổ súng đuổi theo chúng tôi. Chạy khoảng mấy chục mét, thoáng thấy có một lèn đá -vì trời không đến nỗi tối đen như mực- tôi kéo thằng bạn lòn vào trong mất dạng.

Tôi dặn hắn: “VC nó kêu, nó dụ, tuyệt đối không bao giờ ra nghe! Ra là chết!” Một lúc sau, tôi nghe có tiếng nói trong bóng đêm: “Bọn chúng chạy mất rồi, nhưng rừng sâu thế này khó mà thoát chết nổi! Thôi đi tiếp!!!”.

Khi nghe tiếng đoàn người đi khá xa, chúng tôi mới bò ra khỏi lèn, đi ngược lên theo hướng đối nghịch. Chừng 15-20 phút sau, tôi bỗng nghe từ phía dưới vọng lên tiếng súng AK nổ vang rền và lựu đạn nổ tới tấp, phải mấy chục băng và mấy chục quả. Một góc rừng rực sáng! Chen vào đó là tiếng khóc la khủng khiếp –chẳng hiểu sao vọng tới tai chúng tôi rõ ràng– khiến tôi dựng tóc gáy, nổi da gà và chẳng bao giờ quên được. Hai chúng tôi đồng nấc lên: “Rứa là chết cả rồi! Rứa là chết cả rồi! Trời ơi!!!” Lúc đó khoảng 12 đến 12g30 khuya đêm mồng 7 rạng ngày mồng 8 Tết. Tôi bàng hoàng bủn rủn. Sao lại như thế? Các bạn tôi dưới ấy đều là những người hiền lành, chưa lúc nào cầm súng, chưa một ngày ra trận, chẳng hề làm hại ai, họ có tội tình gì? Bọn chúng có còn là người Việt Nam nữa không? Có còn là người nữa không? Sau này tôi mới biết đấy là vụ thảm sát khủng khiếp nhất trong cuộc chiến Quốc-Cộng. Địa danh Khe Đá Mài –mà lúc ấy tôi chưa rõ– in hằn vào lịch sử nhân loại và cứa vào da thịt dân tộc như một lưỡi dao sắc không bao giờ cùn và một thỏi sắt nung đỏ chẳng bao giờ nguội.

...
Xương cốt các nạn nhân nằm dồn dưới khe (hình chụp tháng 10-1969)

Chúng tôi tiếp tục chạy, chạy mãi, bất chấp lau lách, gai góc, bụi bờ, vừa chạy vừa thầm cảm tạ Chúa đã cho mình thoát chết trong gang tấc nhưng cũng thầm cầu nguyện cho những người bạn xấu số vừa mới bị hành quyết quá oan ức, đau đớn, thê thảm. Sáng ra thì chúng tôi gặp lại con sông. Biết rằng bơi qua ngay có thể gặp bọn VC rình chờ bắt lại, chúng tôi men theo sông, ngược lên thượng nguồn cả mấy cây số, đến vùng Lương Miêu thượng. Tới chỗ vắng, tôi hỏi thằng bạn:

– Mày biết bơi không?

– Không!

– Tao thì biết. Thôi thì hai đứa mình kiếm hai cây chuối. Mày ôm một cây xuống nước trước, tao ôm một cây bơi sau, đẩy mầy qua sông. Rán ôm thật chặt, thả tay là chìm, là chết đó. Trời lạnh này tao không lặn xuống cứu mày được mô!

Đúng là hôm đó trời mù sương và lạnh buốt. Thời tiết ấy kéo dài cả tháng Tết tại Huế. Có vẻ như Ông Trời bày tỏ niềm sầu khổ xót thương bao nạn nhân vô tội ở đất Thần Kinh này. Vừa bơi tôi vừa miên man nghĩ tới các bạn tôi. Máu của họ có xuôi theo triền dốc, hòa vào giòng nước sông Tả Trạch này chăng? Oan hồn họ giờ đây lảng vảng nơi nào? Có ai còn sống không nhỉ?

...
Sông Tả Trạch ở Lương Miêu

Chúng tôi cập gần bến đò Lương Miêu. Từ đây, xuôi dòng sẽ về trụ sở quận Nam Hòa, hy vọng gặp binh lính quốc gia, nhưng cũng có nguy cơ gặp bọn VC chặn đường bắt lại. Thành thử chúng tôi nhắm hướng bắc, tìm đường về Phú Bài. Thằng bạn tôi, do suốt đêm bị gai góc trầy xước, đề nghị đi trên đường quang cho thoải mái. Tôi gạt ngay:

– Ban đêm thì được, chớ ban ngày thì nguy lắm. Chịu khó lần theo đường mòn!

Chúng tôi thấy máu và bông băng rơi vãi nhiều nơi, chứng tỏ có trận đánh gần đâu đó. Đang đi, tôi đột nhiên hỏi thằng bạn:

– Chừ (=bây giờ) gặp dân thì mày trả lời ra răng (=thế nào), nói tao nghe.
– Nhờ anh chứ tôi thì chịu!

Lúc khoảng 9g, chúng tôi gặp 3 thằng bé chăn trâu. Tôi lên tiếng nói:

– Hai anh là học sinh ở đường Trần Hưng Đạo dưới phố (con đường chính của khu buôn bán, không nói là Phủ Cam). Cách mạng (không gọi là Việt cộng) số về đánh dưới, số còn trên ni. Hai anh vừa mang gạo lên chiến khu hôm qua cho họ. Nay họ cho hai anh về, nhưng ướt cả áo quần lại đói nữa. Mấy em biết Cách mạng có ở gần đây không, chỉ cho hai anh, để hai anh kiếm chút cơm ăn, kẻo đói lạnh quá!

– Hai anh qua khỏi đường này thì sẽ thấy mấy ông Cách mạng đang hạ trâu ăn mừng!

Thế là chúng tôi hoảng hốt tuôn vào rừng lại. Chạy và chạy, chạy tốc lực, chạy như điên, không dừng lại để nghỉ. Một đỗi xa, chúng tôi mới hướng ra lại đồng bằng. Bỗng một đồn lính xuất hiện đằng xa, đến gần thấy bên trong lố nhố mũ sắt. Phe ta rồi! Lần này thì vô đây chứ không đi mô nữa cả. Nhất định vô! Lúc đó khoảng 10 giờ trưa. Đây là đồn biên phòng của một đơn vị quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi nghe từ trong đồn có tiếng dõng dạc vang vọng: “Hai thằng VC muốn về hồi chánh hả? Vào đi! Nhớ để tay lên đầu. Thả tay xuống là bắn đó!”

Chúng tôi nhất nhất tuân theo. Vào được bên trong, hoàn hồn, chúng tôi mới nói:

– Hai đứa em là học sinh ở dưới Phủ Cam, Phước Quả, bị VC bắt lên rừng từ tối hôm qua với mấy trăm người khác. Nghe tụi nó định giết hết, hai đứa em đã liều mở dây trói, đánh thằng VC rồi bỏ chạy. Còn mấy người kia chắc là chết hết cả rồi! Giờ tụi em chỉ có một nguyện vọng : xin đồn phát súng cho bọn em đánh giặc với, chớ không thể đi ra khỏi đồn nữa.

Viên sĩ quan chỉ huy cất tiếng: “Tổ quốc đang lâm nguy! Đứa con nào trung, đứa con nào hiếu lúc này là biết liền. Thôi, mấy em thay áo quần, xức thuốc xức men, ăn uống thoải mái rồi ở lại với mấy anh. Tội nghiệp!!!”

Họ hỏi chúng tôi về chỗ xảy ra cuộc hành hình nhưng chúng tôi hoàn toàn không thể trả lời được. Giữa rừng rậm lại đêm khuya, biết đâu mà lần. Gần nửa tháng sau tôi mới gặp lại gia đình họ hàng, bằng hữu thuộc giáo xứ Phủ Cam đang chạy về lánh nạn tại Phú Lương và Phú Bài. Hai chúng tôi quyết định bỏ học để đăng lính. Phải cầm súng bảo vệ tổ quốc thôi. Phải báo thù cho anh em bạn bè bị VC giết quá ư dã man, tàn ác, vô nhân đạo. Tôi nhập bộ binh. Thằng bạn tôi đi nhảy dù. Nhưng vài năm sau, tôi nghe tin nó chết trận! Tội nghiệp thật, nhưng đó là cái chết ý nghĩa!

Đến gần tháng mười năm 1969, nhờ bắt được và khai thác mấy tù binh VC, chính phủ VNCH mới biết địa điểm tội ác chính là Khe Đá Mài, nằm trong rừng Đình Môn Kim Ngọc thuộc quận Nam Hòa (nay là xã Dương Hòa, quận Hương Thủy). Nơi đây không thể vào được bằng xe vì đường đi không có hoặc không thể đi lọt, mà chỉ vào được bằng lội bộ. Cây cối chỗ này rất cao, lá dày và mọc theo kiểu hai tầng, tầng thấp gồm những bụi tre và cây nhỏ, tầng cao gồm những cây cổ thụ, với những nhánh lớn xoè ra như lọng dù che khuất đi những gì bên dưới. Bên dưới hai tầng lá này, ánh sánh mặt trời không chiếu sáng nổi. Đúng là nơi có thể giết người mà không cần phải chôn cất. Công binh đã phải bỏ hai ngày, dùng mìn phá ngã các cây cổ thụ để tạo ra một khoảng trống lớn đủ cho máy bay trực thăng đáp xuống, và tiểu đoàn 101 Nhảy Dù Quân lực VNCH đã phụ trách việc bốc các di hài nạn nhân. Các binh sĩ đã tìm thấy cuối một khe nước chảy trong veo (về sau mang thêm tên Suối Máu, Phủ Cam Tử bộ), cả một núi hài cốt, nào sọ, nào xương sườn, nào xương tay xương chân trắng hếu, nằm rời rạc, nhưng cũng có những bộ còn khá nguyên. Xen vào đó là dây điện thoại và dây thép gai vốn đã trói chúng tôi thành chùm. Rồi áo quần (vải có, da có, len có) nguyên chiếc hay từng mảnh, lỗ chỗ vết thủng. Rồi tràng chuỗi, tượng ảnh, chứng minh thư, ống hít mũi, lọ dầu nóng… vương vãi trên bờ, giữa cỏ, dưới nước. Nhờ những di vật này mà một số nạn nhân sẽ được nhận diện. Khi tất cả hài cốt, di vật được chở về trường tiểu học Nam Hòa (nay gọi là Thủy Bằng) bên hữu ngạn sông Hương, đem phân loại, thân nhân đã ùa đến và không ai cầm nổi nước mắt. Tất cả òa khóc, nghẹn ngào. Có người cầu nguyện, có người nguyền rủa, có người lăn ra ngất xỉu khi khám phá vật dụng của người thân. Cái chủ nghĩa nào, cái chế độ nào, cái chính đảng nào đã chủ trương dã man như thế? đã tạo ra những con người giết đồng bào ruột thịt cách tàn nhẫn như thế?

...
Hài cốt các nạn nhân được quy tập ở trường tiểu học Nam Hòa (nay gọi là Thủy Bằng) bên hữu ngạn sông Hương

...
Y phục còn lại của các nạn nhân đẻ ở sân trường tiểu học Nam Hòa

...
...
...

Cuối cùng, đa phần các hài cốt (hơn 400 bộ) được quy tập một chỗ, mang tên nghĩa trang Ba Tầng, nằm phía Nam thành phố Huế, khá cận kề khu vực Từ Đàm (đất của Phật giáo) và Phủ Cam (đất của Công giáo). Nghĩa trang xây thành hình bán nguyệt. Hai bên, phía trước, có hai bàn thờ che mái, cho tín đồ Phật giáo và Công giáo đến cầu nguyện. Ở giữa, phía sau, một trụ đá dựng đứng với giòng chữ Hán làm bia tưởng niệm. Từ đó, tại giáo xứ Phủ Cam của tôi, hàng năm, ngày mồng 10 Tết được coi là ngày cầu nguyện tưởng nhớ các nạn nhân Mậu Thân. Chúng tôi có thể tha thứ cho người Cộng sản nhưng chúng tôi không bao giờ quên được tội ác của họ, y như một câu ngạn ngữ tiếng Anh: “Forgive yes! Forget no!”

...
Nghĩa trang Ba Tầng hiện nay (ảnh chụp tháng 4-2012)

...
...
...

Tiếc thay, sau khi vừa chiếm được miền Nam, Cộng sản đã dùng mìn phá ngay trụ bia và hai bàn thờ. Lại thêm một phát súng vào hương hồn các nạn nhân mà nỗi oan vẫn chưa được giải. Đến bao giờ họ mới được siêu thoát đây? Cũng phải nói thêm một điều đáng tiếc nữa là trong Đại hội thường niên từ 8 đến 12-10-2007 năm nay tại Hà Nội, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã hoàn toàn im lặng trước đề nghị Giáo hội Công giáo VN hãy tưởng niệm 40 năm biến cố này, theo như Thỉnh nguyện thư mà cha Giải, cha Lợi cùng nhiều linh mục và giáo dân khác đã viết hôm 29-09-2007.


Kể lại cho hai cha Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi trong tháng kính các đẳng linh hồn, Tháng 11-2007
Nguồn: FB Phan văn Lợi

     
Back to top
 
 
IP Logged
 
phu de
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3541
Gender: male
Re: QUÁN CÓC
Reply #724 - 21. Feb 2019 , 02:14
 
Nhớ Thời Học Trò Tập Tành Cà phê, Thuốc Lá

Tản Văn, Phạm Nga
Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn… (Huy Cận)
(nguồn: https://dotchuoinon.com/2015/08/09/nho-thoi-hoc-tro-tap-tanh-ca-phe-thuoc-la/)


...
1.
Vào cuối thập niên 60, khi học đến các lớp đệ Nhị rồi đệ Nhất, đám học sinh trường Pétrus Ký tụi tôi ít nhiều đã có vẻ người lớn hơn, chững chạc hơn. Trong sân trường, duy nhất kiểu đồng phục quần xanh/áo trắng không cá tính, mấy anh lớp lớn dù có nhỏ con đi nữa trông vẫn “người lớn” hơn bọn nhóc đàn em học đệ nhất cấp.
Nói là “người lớn hơn” bởi về mặt ngoại hình, dễ thấy là đứa nào cũng lún phún ở mép miệng vài sợi có thể gọi là râu để tập làm quen với dao cạo. Còn về tâm tư, tình cảm, có nhiều đứa ban đầu kín bưng như mèo dấu kít, lâu sau cũng tiết lộ nửa vời với thiên hạ rằng mình đã mần được vài bài thơ kiểu chiều buồn thư viện, ghế đá công viên, thân phận tóc xanh … và trịnh trọng thông báo sắp đi họp với một thi văn đoàn, một nhóm thơ học trò liên trường nào đó.
Nói là “chững chạc” hơn vì dù muốn dù không, việc phải đậu hai cái bằng tú tài đã đặt lên vai những cậu học sinh cuối cấp trung học một trách nhiệm không nhỏ chút nào, như phải có tú tài 1 thì khi bị đi lính mới vô được trường sĩ quan, còn bằng tú tài 2 vốn là điều kiện để dễ kiếm việc làm hơn đối với học sinh con nhà nghèo, không dám mơ học tiếp lên đại học.
Chính trong cơn khủng hoảng tâm-sinh lý tuổi dậy thì cùng những ưu tư mơ hồ về tương lại, đa số tụi tôi thời đó bắt đầu tập hút thuốc lá và uống cà phê. Như thể muốn khẳng định mình là đàn ông, đúng mẫu quý-ông-sành-điệu, các cậu con trai phải hút thuốc và nhâm nhi cà phê thành thạo, nhất là những cậu chưa thấy có cọng ria nào lú ở mép miệng hay không rặn nổi ra câu thơ nào.
Các bậc cha mẹ – kể cả những ông bố ghiền thuốc – thì nào có thể tán thành, ngược lại còn lo lắng, than thở trước chuyện con trai mình bắt đầu bày đặt làm theo thói hư, tật xấu của cánh đàn ông trên đời. Riêng có bố tôi, thời đó đang làm chủ nhiệm một tờ nhật báo tiếng Pháp ở Sài Gòn, lại rất phóng khoáng – hồi đó bọn tôi gọi những ông bố như ông là “ông pô chịu chơi” – không hề lên tiếng ngăn cấm việc tôi tập hút thuốc. Nhiều đêm khua lơ khuya lắc, ông đi dự họp báo hay tiệc tùng gì đó, về nhà thấy tôi ngồi chong đèn ôn bài thi, ông đã dịu dàng hỏi “Học khuya vậy con?” rồi lặng lẽ đặt lên bàn gói thuốc Caraven A mà ông đang hút dở. Tất nhiên, tôi hiểu cử chỉ trìu mến, đầy cảm thông ấy chính là một cách bố tôi công nhận tôi không còn là con nít nữa. Tôi đã rất cảm kích và xúc động hồi lâu, thương bố vô cùng và tự nhũ phải ráng đậu tú tài hạng ưu cho xứng đáng với tấm lòng của cha mẹ kỳ vọng nơi mình.
Cũng vào thời đó, các lớp đệ nhị cấp học buổi sáng và khi đến cổng trường thì thường đã cận giờ chuông reo vào lớp, tôi thường chỉ có thể tắp chiếc Mobylette ba-má-cho vào một xe bán điểm tâm đậu trên vỉa hè, vừa ngốn cái bánh sandwich vừa nốc chai sữa đậu nành ướp lạnh, vừa ráng nhớ lấy cái bảng tên ra cài lên ngực, không thìchết với mấy ông giám thị. Khúc phim chớp nhóa mỗi tảng sáng ấy hiếm khi cho phép tôi còn thời gian mà đốt một điếu Bastos xanh, thả vài lọn khói, nói chi chuyện nhẩn nha thưởng thức một tách cà phê sáng. Thành ra, chuyện tôi và đám bạn cùng lớp kéo nhau đi ngồi quán cà phê chỉ diễn ra vào những giờ giấc thong thả hơn, như khi đã tan học, giờ trống cuối buổi sáng, trước hay sau những lúc đến trường vào buổi chiều để học võ Vovinam bên sân vận động Lam Sơn, đọc sách hay tra tài liệu tại thư viện trường, dự giờ thực hành nói tiếng Pháp ở phòng thí nghiệm cũ…


2.
Đối với nhiều học sinh các lớp lớn của trường Pétrus Ký thời đó, có ít nhất là hai quán cà phê bình dân ở gần trường đã đóng vai quán ‘ruột”, đó là Cheo Leo và Năm Dưỡng. Hai địa điểm này đã là chỗ tụ tập thường xuyên, quen thuộc của nhóm học Nhị C rồi Nhất C tụi tôi cùng nhiều nhóm học sinh các lớp khác, ban khác trong trường. Tụi tôi “đóng đô” thường nhất là ở Cheo Leo, quán nằm khoảng giữa con hẻm số 109 đường Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3), cách trường Pétrus Ký khoảng gần ½ km, còn thỉnh thoảng mới đi xa hơn vài trăm mét nữa để tới quán Năm Dưỡng, có mặt tiền nhô hẳn ra đường Nguyễn Thiện Thuật.
Vừa rồi, tưởng chuyện dĩ vãng thời đi học đã nhòa nhạt hết trong trí nhớ, tình cờ một ông bạn từ Pháp về, nhất định đòi tôi dẫn đến cà phê Cheo Leo ngày nay. Tôi hiểu bạn mình trong thâm tâm là muốn trở lại với Cheo Leo ngày xưa, cái quán cà phê mà nhiều cựu học sinh Pétrus Ký thường “đóng đô” một thời, cái quán gắn liền với tuổi trẻ chúng tôi như một chứng nhân thời gian thầm lặng mà chung thủy.
Chúng tôi đã biết cà phê Cheo Leo vào thập niên 60 nhưng theo một trang web chuyên viết chuyện Sài Gòn xưa, quán này ra đời năm 1938, tức còn xa xưa hơn rất nhiều. Tìm đến quán vào một buổi chiều mưa nhẹ, tôi mới nhận ra cảnh cũ tới nay hầu như không hề thay đổi, và những người xưa – đám học trò năm nào nay râu tóc đã bạc phơ vẫn thường lai rai đến quán, như để ôn lại hồi ức thời đi học. Nhìn quanh thì vẫn những bộ bàn ghế inox, cũng chiếc ghế sofa gỗ đã 40 – 50 năm tuổi. Bề dày quá khứ của Cheo Leo như đọng lại trên các mặt tường vôi xám xỉn và loang lỗ vết nứt, trần nhà thì ám đen màu khói than, thoang thoảng mùi cà phê từ góc bếp.
...
Trước tháng 4-75, dù không thuộc hạng nổi tiếng của Sài Gòn nhưng cà phê Cheo Leo vẫn là địa điểm quen thuộc của đám con trai các trường Pétrus Ký, Chu Văn An thời đó. Hơn 75 năm qua, Cheo Leo đã tồn tại cùng gia đình ông Vĩnh Ngô (người gốc Huế, chủ quán) đến thế hệ thứ 3. Còn về số khách “ruột” của quán, tức đám học sinh tập tành cà phê, thuốc lá như tụi tôi một thời, hiện ít nhất cũng đã trên dưới lục tuần.

Hầu hết người Sài Gòn hiện tại chỉ biết đến cà phê phin, riêng giới trẻ thì thích cà phê ly giấy kiểu fast-food hay cà phê xay kiểu Ý, kiểu Mỹ… Riêng nhiều người trong đám U70 chúng tôi hay các vị cao niên hơn, đều chỉ muốn tìm đến cà phê vợt – một loại cà phê giản dị, bình dân, tồn tại từ lâu đời, bán ở những tiệm nước, quán cóc ngõ hẻm hay dọc các con đường nhỏ. Pha vợt (hay vớ) thì hương cà phê hòa cùng mùi khói bếp củi hay than, khi nhâm nhi cà phê, người ta lãng đãng cảm nhận được rời rã vài mảng ký ức xa xưa. Tiếc thay, ở Sài Gòn hiện còn rất ít quán cà phê chịu lưu giữ cách pha và mùi hương cà phê mộc mạc này.

...
Trong số các quán cà phê vợt còn tồn tại đến hôm nay, có lẽ những người sống trong năm tháng cũ không ai lại không biết đến Cheo Leo. Khi ông Ngô mất, những người con của ông tiếp nối nhau trông coi quán. Từ con gái đầu cho đến con gái thứ ba là bà Sương hiện nay, họ đều giữ nguyên cách thức pha chế cà phê vợt do bố mình để lại.

...
3.
Tách cà phê sữa-ít-sữa trên bàn đã cạn sạch, cũng đã xong hai điều thuốc Hòa Bình – định mức nghiêm nhặt cho mỗi chầu cà phê ở tuổi già cao huyết áp. Tôi nghĩ mình thật ngây ngô, buồn cười cái thời mình 17,18 tuổi, nhất là vào những ngày tháng ôn thi hai cái tú tài, mà chính từ quán Cheo Leo này tôi đã chính thức mua thuốc lá nguyên gói và cà phê sữa-ít-sữa cũng chính thức trở thành “gu” uống riêng của tôi.
“Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn/ Tuổi hai mươi đến có ai ngờ…”. Tôi hồi tưởng về thời học trò mới lớn của mình mà như đang sống lại nỗi ngỡ ngàng tuyệt diệu trong câu thơ Huy Cận. Vậy đó, thật là vừa tội vừa thương cái chân dung vụng dại của những cậu con trai bắt đầu biết suy tư chuyện đời, mơ mộng vài tà áo dài trắng, lén lút làm thơ, bập bẹ điếu thuốc và rủ nhau đến hoài một quán cà phê quen…
(Tháng 8-2015)
Phạm Nga



Back to top
 
 
IP Logged
 
phu de
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3541
Gender: male
Re: QUÁN CÓC
Reply #725 - 21. Feb 2019 , 02:30
 
Có một Sài gòn … cà phê



Minh Tâm
(nguồn: http://saigonnewspaper.blogspot.com.au/2015/05/co-mot-sai-gon-ca-phe-p1.html)



Tháng 5-2015, Sài Gòn vừa tưởng niệm 40 năm…. Nhiều cảm xúc cho tháng ngày này. Không chỉ ký ức cuộc chiến mà còn là hoài niệm về hình ảnh Sài Gòn chất chứa những nhân ảnh giờ đã là muôn năm cũ!
Mây vẫn bay, ngày vẫn trôi đi, ai chẳng có một cái quán để nấp bóng còn đang bồng bềnh ở đâu đó trong tâm tưởng. Chút hoài cảm mong manh rằng có một ngày nào đó, ngồi bên quán vắng chiều hôm bỗng dưng bắt gặp lại một vài khuôn mặt quen thuộc qua một dòng nhạc, qua những giọt cà phê đang lặng lẽ buông rơi… Để hoài cố nhân với còn ai nữa, những người của dĩ vãng thấp thoáng ẩn hiện trong một ngày nhạt nắng…
Cà phê là món điểm tâm…
Tôi còn nhớ, cà phê Năm Dưỡng ở số 251/2 Nguyễn Thiện Thuật, nằm trên con hẻm nhỏ nối liền với Lý Thái Tổ. Hẻm đó còn có nhà của… nghệ sĩ Hùng Cường. Thuở ấy, may mắn lứa sinh viên còn được hưởng cái thú nghe đâu vốn là “đặc sản” của quán từ trước 1975: Mấy ông bà khách hàng của Năm Dưỡng thường ngồi chồm hổm trên ghế, cà phê đổ ra cái đĩa cho nó nguội mới uống. Cà phê Năm Dưỡng hay hát đĩa cải lương của Hãng Dĩa hát Việt Nam, loại đĩa 78 vòng vừa dầy vừa nặng. Dĩa hát được nhiều khách nhớ nhất là Tư Ếch đi Sài Gòn do Văn Huờng ca vọng cổ được phát tới phát lui.

...
Cà phê Năm Dưỡng pha bằng vợt chớ không bằng phin và dành cho dân ghiền cà phê như học sinh và sinh viên nghèo thời ấy. Hồi đó trước quán còn có ông già người Tàu bán húng lìu ngon lắm…
Anh bạn đồng nghiệp Trần Tiến Dũng nói rằng người Sài Gòn – Chợ Lớn ngày xưa thức giấc sớm, cứ tầm bốn, năm giờ sáng là bếp ở tiệm nước hoặc bếp ở quán hẻm phố đỏ lửa nấu nước pha cà phê. Hình ảnh phổ biến nhất của cà phê vợt lại là cái siêu đất, loại siêu nấu thuốc bắc và cái vợt bằng vải dài như chiếc vớ của người đi giày bốt.
Ở các tiệm nước của người Hoa còn có kiểu uống cà phê vợt chấm giò quảy hoặc bánh tiêu. Nhiều người lớn tuổi, dân lao động nghèo, kiểu uống cà phê này có thể thay thế phần ăn điểm tâm sáng. Thật là ngon lành biết bao khi cầm nguyên cả cái bánh giò quảy chấm vào ly cà phê hoặc ngắt từng miếng bánh nhỏ rồi dùng muỗng vớt chung với cà phê lên nhâm nhi.
Hình ảnh quen thuộc là một ông già người Hoa ngồi chồm hổm trên cái ghế đẩu hỏi chuyện với người xung quanh: “Lị biết bữa nay xố sổ con gì không? Ngộ hôm qua nằm mơ thấy tiền cột thành xấp cao như núi, tính nhịn ăn một bữa mua vé số. Có trật thì đói một chút cũng không chết à”. Vậy rồi mấy người trong quán cùng lên giọng lơ lớ bàn số đề với ông già ngồi chồm hổm…
Và nói đến cà phê vợt mà không nhắc đến ngón nghề rót cà phê của các tay pha chế thì có khi thiếu sót. Cái hình ảnh đưa siêu cà phê lên cao rồi để cho dòng cà phê chảy ra từ cái ống siêu làm tràn miệng ly cà phê đọng lại trong cái dĩa. Cái ngón nghề rót tràn ly này sao khéo quá, tràn chút xíu, để dư cà phê cho khách chút xíu thôi, vậy mà thành một phong cách uống kề môi miệng vô cái dĩa vừa thổi vừa húp.

...
Có người giải thích về phong cách húp chút cà phê dư trong dĩa là: Cà phê mới rót nóng hổi, hương cà phê tràn trên mặt cái dĩa, kề mủi, miệng vô là cách tận hưởng hương cà phê. Cách giải thích đó không hề suy diễn vì chỉ với món cà phê vợt người ta mới có phong cách húp cà phê trong dĩa, cũng như chỉ ở Chợ Lớn người đời nay và người đời sau mới cảm nhận được mùi vị các giai thoại về ban hội nhất thống giang hồ, truyền kỳ về các ông vua ve chai, vua ấp hột vịt, vua bột ngọt, vua chiếu bóng… nhưng trên hết là mở ra không gian văn hóa của những người Hoa chọn Sài Gòn làm chốn quê nhà.
Nhắc kể về một thuở cà phê Sài Gòn, các thế hệ sinh viên đàn anh (và cũng là bạn vong niên!) của người viết bài này, cứ mỗi lần gợi lại là miên man trong dòng chảy đậm đặc hương cà phê kỷ niệm…
Minh Tâm

Back to top
 
 
IP Logged
 
phu de
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3541
Gender: male
Tội ác của Việt cộng
Reply #726 - 10. Mar 2019 , 04:01
 
Nhạc phẩm "Truy Điệu" của nhóm Lê Minh Bằng sáng tác năm 1974 sau khi cộng sản pháo kích bừa bãi vào trường tiểu học Cai Lậy vào ngày 9/3/1974 giết chết 23 học sinh và 43 bị thương.



Hỡi bé thơ ơi, sao vội lìa đời, khi tuổi còn tươi, khi tuổi còn xanh
Tiếng hát ngây thơ bên trường ngày nào, bây giờ còn đâu khi đạn thù rơi
Thầy còn giảng bài tình thương trong lớp
Bạn bè còn ngồi chăm chỉ lắng nghe
Sao em nỡ bỏ mái trường ngày xưa
Lưu luyến vĩnh viễn ra đi
Hỡi bé thơ ơi, sao vội bỏ thầy, bỏ mẹ, bỏ cha, bỏ bạn, bỏ em
Hỡi bé thơ ơi, em tội tình gì, sao vội bỏ đi, em lại bỏ đi
Thầy còn giảng bài tình thương trong lớp
Bạn bè còn ngồi chăm chỉ lắng nghe
Sao em nỡ bỏ mái trường ngày xưa
Lưu luyến vĩnh viễn ra đi.


* Bài hát "Truy Điệu" trong clip do Lê Duy hòa âm và được trình bày hợp ca với Lê Duy, Dong Mien, Dan Thy.
Back to top
 
 
IP Logged
 
phu de
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3541
Gender: male
Re: QUÁN CÓC
Reply #727 - 14. Mar 2019 , 03:09
 
Nhớ lại 'Tháng Ba gãy súng'

Bùi Văn Phú Gửi đến BBC từ California


Tựa bài viết này cũng là tên một tác phẩm của Cao Xuân Huy, một sĩ quan Thuỷ quân Lục chiến, viết về những ngày cuối cùng của cuộc chiến ở miền Trung Việt Nam, nơi ông chiến đấu cho đến khi cùng nhiều đồng đội bị bắt làm tù binh vào cuối tháng 3 năm 1975.

...

Với nhiều người Việt, nhất là những người lính Việt Nam Cộng hòa thì tháng 3 năm 1975 đánh dấu sự bắt đầu một khúc quanh lịch sử, với Ban Mê Thuột rơi vào tay bộ đội cộng sản ngày 10 tháng Ba, từ đó lãnh đạo miền Nam có những quyết định di tản chiến thuật sai lầm đầy máu và nước mắt, từ cao nguyên về Nha Trang, từ Đà Nẵng vào Sài Gòn để rồi dẫn đến một ngày cuối tháng Tư đau buồn.

Tác phẩm "Tháng Ba gãy súng" được xuất bản năm 1985, sau khi tác giả vượt biển và được định cư tại Mỹ năm 1983.

Cao Xuân Huy nhập ngũ năm 1968, khi vừa tròn 21 tuổi, theo lệnh tổng động viên được ban hành ở miền Nam sau các đợt tấn công của cộng sản vào Tết Mậu Thân.

Đây là cái nhìn về những ngày cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam qua con mắt của một sĩ quan trẻ thuộc một đơn vị được coi là tinh nhuệ nhất của quân đội cộng hòa, của cựu trung úy Đại đội phó Đại đội 4, Tiểu đoàn 4 Thuỷ quân Lục chiến.

Trong lời mở đầu của tác phẩm, tác giả viết: "Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ."

Câu chuyện được ông ghi lại là khoảng thời gian từ 15 tháng Ba, lúc tác giả đang nghỉ phép ở Sài Gòn và tìm cách trở về đơn vị hiện đóng quân ở cây số 23 phía bắc Huế, cho đến ngày 27 tháng Ba, khi ông theo đoàn tù binh gồm những người lính Việt Nam Cộng hòa vừa bị bắt sau một cuộc rút lui vô cùng ngỡ ngàng theo lệnh cấp trên.

25 tháng Ba, 1975 Huế rơi vào tay cộng sản Bắc Việt. Những người lính không được lệnh bảo vệ mà phải rút lui, trong đó có đơn vị của trung úy Cao Xuân Huy đang nằm chờ ở bờ biển để được di tản vào Đà Nẵng. Đêm 26 rạng ngày 27 tháng Ba, ông và những người lính còn lại của đơn vị bị bắt làm tù binh.

Được dẫn đi dọc Quốc lộ 1 từ Huế về hướng bắc và trên đoạn đường đó nhiều tù binh đã bị bộ đội xử bắn tại chỗ. Cao Xuân Huy thoát chết là nhờ số mệnh, nhờ ông ngoại phù hộ như tác giả đã kêu cầu nhiều lần khi đối diện với tử thần.

Ông đã sống để kể lại những gì mình chứng kiến trong 12 ngày đêm ở tuyến đầu miền Nam Việt Nam qua cách viết chân thực, trong đó rổn rang những tiếng chửi thề, ngập hơi rượu, tình đồng đội và những cái chết nhẹ tựa lông hồng là điều rất thực về người chiến binh trong đơn vị của ông.

...

Những kinh hoàng của cuộc triệt thoái - hay rút lui, di tản chiến thuật - được kể lại bằng ngôn ngữ thật nhất. Máu, thịt vương vãi. Đầu chẻ làm hai. Người chết dưới xích xe tăng, chết giữa thành sắt của những con tàu. Những người lính bất tuân lệnh bị xử bắn ngay tại chỗ. Những người lính Thuỷ quân Lục chiến can trường không muốn để bị địch bắt làm tù binh, trên đường rút lui không còn hi vọng, vì biết đã bị bỏ rơi, nên cứ ba bốn người ôm nhau rồi cho nổ lựu đạn để cùng chết.

Khi chờ di tản đơn vị có những chuyện khó ai hiểu được. Một cô sinh viên văn khoa Huế với đầy đủ giấy tờ chứng minh, bồ của một người lính, cứ nhất định đòi đi theo người tình và thỉnh thoảng khóc lóc lớn tiếng, vái lạy tứ phương khiến có người nghi ngờ cô là cán bộ cộng sản được gài vào đi theo đơn vị. Hay hình ảnh một nhà tu đầu trọc, mặc áo cà sa đeo súng đi bắt tù binh Việt Nam Cộng hòa.


Câu chuyện lịch sử quân đội mà Cao Xuân Huy muốn ghi lại là một lữ đoàn Thuỷ quân Lục chiến, binh chủng thiện chiến nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, bị một đại đội Việt Cộng bắt làm tù binh. Sự thất bại nhục nhã đó là một dấu hỏi lớn mà lãnh đạo miền Nam phải trả lời cho những thế hệ mai sau.

Sau "Tháng Ba gãy súng" xuất bản lần đầu năm 1985, Cao Xuân Huy chỉ viết thêm một tác phẩm nữa là "Vài mẩu chuyện" phát hành trong năm 2010, vài tháng trước khi ông qua đời ngày 12/11/2010.

...

Ba chiến dịch - Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Hồ Chí Minh - dẫn đến ngày sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngày 30/4/1975

Cũng với lối viết giản dị nhưng rất thực về chiến tranh, về mơ ước hoà bình, về đời sống tù cải tạo mà ông đã trải qua 4 năm rưỡi trong đó. Đọc truyện "Người muôn năm cũ" để thấy ảnh hưởng của chiến tranh tâm lí mà đài Mẹ Việt Nam đã có sức mạnh làm lung lay tinh thần chiến đấu của bộ đội miền Bắc với giọng cô Hiền thường xuyên nhắc đến chuyện "sinh Bắc tử Nam".


Câu chuyện gặp gỡ giữa tác giả và một anh bộ đội miền Bắc sau giờ ngưng bắn, vào ngày 28/01/1973, cho thấy người Việt hai miền ai cũng mơ ước đất nước hòa bình. Nhưng anh bộ đội đã phải thay đổi thái độ ngay khi một đồng chí khác tiến đến gần chỗ hai người đang đứng nói chuyện với nhau. Để rồi chỉ chốc lát lại bắn giết mà anh bộ đội gốc Hà Nội chắc đã tử trận sau đó. Bi thảm của chiến tranh tưởng như chấm dứt với Hiệp định Ba-Lê 1973, nhưng nỗi oan nghiệt của hòa bình lại ùa tới.

Hệ quả của cuộc chiến với bao oan hồn của người dân, người lính còn ám ảnh tác giả qua câu chuyện "Chiếc lưỡi câu" ma quái.

Cao Xuân Huy chưa bao giờ viết văn khi còn ở trong nước, ông chỉ viết khi ra đến hải ngoại. Trước ông, trong cuộc chiến đã có những bút ký chiến tranh của Phan Nhật Nam là "Mùa hè đỏ lửa", "Dựa lưng nỗi chết", "Tù binh và hoà bình"hoado của Trang Châu với "Y sĩ tiền tuyến" hay của Nguyên Vũ với "Đời pháo thủ", "Sau bảy năm ở lính" là những tác phẩm đem đến cho người đọc hình ảnh chiến đấu can trường, cùng tình đồng đội, tình cảm gia đình, thương yêu và mơ ước hoà bình đến trên quê hương của người lính cộng hòa

Nhưng vì sao những người lính đã chiến đấu trong 20 năm để bảo vệ miền Nam bị buộc phải buông súng. Đến nay vẫn chưa có được những lí giải.

Những ngày cuối tháng Tư 1975, Sài Gòn tràn ngập người di tản từ Đà Nẵng, từ Huế, Nha Trang. Họ như mất thần, khóc lóc kể lại những cảnh chết chóc tang thương trên đường di tản bằng tàu, bằng đường bộ. Những câu chuyện chưa đánh giặc đã phải bỏ chạy làm ngạc nhiên nhiều người. Nhưng dân và cả lính không ai hiểu nổi.

Rồi chiến tranh chấm dứt ở đó vào ngày 30 tháng Tư, 1975. Những người lính ở lại chấp nhận cuộc đổi đời với tù tội trong các trại học tập cải tạo. Bên ngoài xã hội đời sống khó khăn với khoai sắn, bo bo, mì sợi. Văn nghệ sĩ, trí thức bị đàn áp, bắt giam.

Việt Nam dưới ánh sáng xã hội chủ nghĩa trong hơn bốn thập niên qua đã khiến hàng triệu người bỏ quê hương ra đi vì không chấp nhận ý thức hệ cộng sản. Điều nghịch lý là nhiều người từng đứng về phía kẻ thù của Mỹ nay cũng đang rời bỏ thiên đường để mưu tìm cuộc sống nơi đất Mỹ.

Và tầu chiến Mỹ nay đã trở lại Đà Nẵng, như lính Mỹ đã từng đổ bộ lên đây hơn nửa thế kỷ trước, giữa lúc chiến tranh đang gia tăng cường độ để be bờ, ngăn chặn Trung Quốc bành trướng.

Trong chuyến ghé Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson hôm đầu tháng 3/2018, thủy thủ Mỹ đã xuống phố hát "Nối vòng tay lớn" và mời gọi dân chúng cùng đồng ca. Đây là bài ca đã được chính tác giả là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát trên đài Sài Gòn trưa ngày 30/4/75 để chào đón bộ đội cộng sản vào thủ đô Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem cảnh này trên trang Facebook của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, tôi thầm cám ơn những người lính cộng hòa đã bảo vệ miền Nam và tự hỏi những người bộ đội cộng sản có bao giờ nghĩ đến hệ lụy mà họ đã để lại cho đất nước từ ngày 30/4/1975 đến nay.


Tác giả dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California
Back to top
 
 
IP Logged
 
phu de
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3541
Gender: male
Re: QUÁN CÓC
Reply #728 - 28. Mar 2019 , 03:55
 

Bà Già Lên Phây (Facebook)






Nghe mấy đứa cháu xúi bà
Lên phây những chuyện gần xa biết liền
Nên nhờ nó lập ních nêm
Để đọc tin tức mọi miền gần xa

Tổ sư mấy đứa hại bà
Lại đăng hình ảnh bà già lên phây
Không đăng ảnh chụp mới đây
Mà đăng cái ảnh những ngày còn son

Vào phây mới được mấy hôm
Mấy thằng trai trẻ chát luôn với mình
Khen “em” xinh thật là xinh
Người ở trong hình thật giống cô tiên






...


– Anh thích ba vòng còn zin
Ngoài đời nhìn thấy đứng tim con à !
– Anh thích nét đẹp kiêu sa
Ngày xưa đi học ta là hoa khôi

– Thích “em” nói chuyện rất vui
Ta là cô giáo một thời dạy văn
Mình nói là bạn đã nhầm
Thì nó lại bảo chẳng cần quan tâm

...

...


Vào phây chát cả ngày đêm
Buông lời tán tỉnh nên duyên sau này
Tổ sư cả lũ chúng mày
Cứ nhìn vào ảnh có ngày chết thôi
– Anh thích “em” ở nụ cười
Thực ra răng rụng hết rồi còn đâu
– Anh thích đôi mắt bồ câu
Thực ra thì đã nát nhàu chân chim






...






Nói chuyện với “em” mấy lần
Là anh đã thấy đời cần có “em”
Nó hỏi quê quán, họ tên
Trả lời với nó ních nêm Mộng Đào

Quê quán thì giáp nước Lào
Cứ vào xứ Nghệ, huyện nào phôn sau
Nó say mình thật rồi sao ?
Thế thì cho nó nốc ao nhớ đời !

Có tìm khắp cả đất trời
Mộng Đào không thấy trên đời đâu nha
Cháu ơi ! Mau mở phây ra
Mộng Đào gỡ xuống không bà thần kinh..




sưu tầm
Back to top
 
 
IP Logged
 
Dau Do
Gold Member
*****
Offline


Quân Sư

Posts: 11591
Thành Phố Phượng Hoàng
Gender: female
Re: QUÁN CÓC
Reply #729 - 03. Apr 2019 , 08:24
 

Chuyện vui


Trong những ngày cuối năm con chó tôi muốn mua vui cho quý độc giả chút xíu.
Xin kể hầu quý vị chuyện tiếu lâm mà chính cố Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, người có thú vui sưu tầm tiếu lâm Soviet, từng kể.

“Ba con chó từ Hoa Kỳ, Ba Lan và Nga gặp nhau. Con chó Hoa Kỳ nói:
‘Tôi cứ sủa lâu lâu một chút là sẽ có người mang thịt tới cho xơi.’”
“Con chó Ba Lan hỏi: ‘Thịt là gì vậy?’
“Con chó Nga hỏi: ‘Sủa là gì?’”


Giờ Ba Lan đã khá hơn rất nhiều nhờ xoá bỏ chủ nghĩa xã hội. Tại Anh có tới hơn một triệu người Ba Lan và thực phẩm Ba Lan xuất hiện nhiều ở cả các siêu thị lớn cũng như những cửa hàng nhỏ hơn của chính người Ba Lan.
Nhưng câu hỏi của con chó Nga vẫn còn đó. Có lần tôi gặp và phỏng vấn nữ ca sỹ Maria Alyokhina, thành viên của ban nhạc Pussy Riot từng bị chính quyền Putin bỏ tù, và cô nói:
“Đó là tình huống nguy hiểm khi các nhà báo bắt đầu phục vụ lợi ích của quyền lực vì đó là lý do tự do có thể bị mất đi.”
Cô cũng nói tin tức là những gì người dân đăng tải và tuyên truyền là điều chính quyền hay làm. Nước Nga khá hơn một số nước khác trong đó có Việt Nam vì dù sao họ vẫn có sở hữu tư nhân với báo chí. Nga cũng không còn là chế độ độc đảng dù các đảng chính trị đối lập đều bị Tổng thống Putin tìm cách vô hiệu hoá. Con chó Nga giờ đã biết sủa là gì nhưng sủa thì người ta cho đi tù chứ không mang thịt tới.
Điều trớ trêu đối với các nước xã hội chủ nghĩa là họ luôn tự nhận xã hội của họ tốt đẹp nhưng lại không dám để cho người dân tự nói ra điều đó bằng cách để họ được quyền ra báo, lập đài phát thanh hay truyền hình. Điều này đương nhiên dẫn tới những chuyện ngớ ngẩn.
Chẳng hạn mới đây Việt Nam bị cho là có mức độ tham nhũng “tăng nghiêm trọng” trong năm 2018, năm mà Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có vẻ đẩy mạnh chiến dịch “đốt lò”. Đáng ra truyền thông phải mổ xẻ kỹ vấn đề này và đặt câu hỏi liệu có phải chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng thực ra chỉ là cuộc chiến phe phái. Dĩ nhiên điều này không xảy ra mà người ta lại tập trung vào chuyện cô giáo cũ của ông Trọng nói sẽ cho ông những 10 điểm cho thư ông gửi chúc Tết.
Xem tin tức thời sự về Venezuela ngày nay nhiều bạn trẻ thấy xa lạ. Nhưng những người lớn tuổi hơn sẽ nhìn thấy Việt Nam của mấy chục năm về trước khi cả triệu người rời bỏ đất nước nghèo khó, lạc hậu và độc đoán để tìm tới bến bờ tự do và hạnh phúc thực sự. Về mức độ và cách thức có thể khác nhau nhưng hai nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa này đều thuộc địa hoá chính đất nước mình. Cả hai đáng ra đều đã có thể phồn vinh và vững mạnh hơn nhiều nếu các chính trị gia không tham nhũng quyền lực và tự cho mình quyền tước đoạt những quyền căn bản của người dân trong đó có quyền “mở miệng”.
Năm Kỷ Hợi đang gõ cửa và chưa có dấu hiệu gì cho thấy mọi sự sẽ thay đổi ở cả hai nước trong tương lai gần. Cũng không rõ liệu một thập niên nữa có mang lại thay đổi gì đáng kể ở hai nước có chữ cái đầu tiên trong tên nước đứng cuối bảng chữ cái và bản thân hai nước này cũng đội sổ trong nhiều lĩnh vực. Ít ra hy vọng Việt Nam sẽ không quay trở lại thời như trong chuyện hài Soviet khác mà chính cố Tổng thống Reagan cũng từng kể:
“Ở Liên Xô ô tô là hàng hiếm và cứ bảy gia đình mới có một gia đình mua được ô tô. Người ta thường phải đặt cọc tiền trước và 10 năm sau mới được nhận xe. Một hôm có ông Liên Xô tới đặt cọc và được hẹn 10 năm sau quay lại. Ông liền hỏi: ‘Buổi sáng hay buổi chiều vậy?’.. Nhân viên nhận tiền hỏi lại: ‘Những 10 năm nữa cơ mà, sáng hay chiều thì có gì quan trọng?’. Ông Liên Xô trả lời: ‘Thợ sửa ống nước hẹn đến buổi sáng.’”
Chúc mọi nhà đón Tết Kỷ Hợi vui vẻ và đầm ấm. Trong năm con lợn mọi người đừng quên câu nói của mấy con lợn quản lý chính quyền trong tiểu thuyết Trại Súc Vật của George Orwell: “Mọi con vật đều bình đẳng nhưng có những con bình đẳng hơn những con khác.”

Nguyễn Hùng

Back to top
 

Triệu người quen, có mấy người thương
 
IP Logged
 
phu de
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3541
Gender: male
Re: QUÁN CÓC
Reply #730 - 21. Apr 2019 , 04:54
 
Truyền Thông Thiên Tả Mỹ Nói Láo Liên Tục
- Bị Lật Tẩy Sau Gần 55 Năm -

Phạm Hiếu Liêm


Tháng Ba, năm 2019, Công Tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller nộp tường trình cho Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ sau hai năm điều tra cặn kẽ và tốn kém nhiều nhân lực và tài chánh về nghi vấn Ứng Cử Viên Donald Trump thông đồng với ngoại bang Nga để được đắc cử Tổng Thống nước Mỹ. Ông Mueller khẳng định Tổng thống Trump và cộng sự viên không thông đồng với Nga và ông Trump không vi phạm luật pháp.*

Nhiều người Mỹ kể cả không ít người Mỹ gốc Việt bị ngã ngửa vì trong suốt hai năm qua đã cả tin vào báo chí truyền thông thiên tả (TTTT)* Mỹ ngày ngày loan tin láo khoét và bình luận thiên vị chống Trump, tuyên truyền cho Đảng Dân Chủ đối lập nên cứ tưởng rằng kết quả điều tra sẽ dẫn đến TT Trump bị truy tố, con gái và con rể sẽ đi tù cùng bộ hạ thân tín, v.v..

Chúng ta nên nhân cơ hội này để tự hỏi tại sao TTTT Mỹ có thể lộng hành láo khoét như vậy?

Câu trả lời ngắn là vì TTTT Mỹ quá mạnh (hơn 90% truyền thông Mỹ thiên tả, dưới 10% thiên hữu), quá giàu và có quá nhiều quyền lực trong ngót 55 năm qua khiến họ kiêu căng đến độ tin rằng họ có thể tung tin thất thiệt để lật đổ một TT dân cử.

Câu trả lời đầy đủ hơn phải bắt nguồn từ thời Chiến Tranh Lạnh khi tình báo Nga Sô xâm nhập vào hàng trí thức, văn nghệ sĩ Mỹ dẫn đến vụ án Alger HissWhittaker Chambers vào năm 1950 khi ông Hiss bị kết tội làm gián điệp cho Nga Sô. Sự chia rẽ của giới truyền thông Mỹ bắt đầu từ đấy với Tả phái bênh vực ông Hiss và Hữu phái tin rằng ông Whittaker nói thật.



Mặc dù về sau, khi đế quốc Sô Viết sụp đổ, tài liệu của KGB cho thấy ông Hiss là gián điệp, nhưng TTTT Mỹ vẫn không thay đổi lập trường vì họ đã có thế thượng phong. Thế thượng phong này bắt đầu khi ‘Ủy Ban Điều Tra Hành Vi Chống Mỹ’ của TNS Joseph McCarthy quá hăng say trong công tác truy lùng người Mỹ thân Cộng đã vi phạm quyền đã được qui định trong Hiến Pháp của nhiều công dân Mỹ vô tội.

Khi Ủy Ban ấy bị giải tán và TNS McCarthy qua đời thì TTTT  đã đạt được nhiều thiện cảm trong quần chúng Mỹ ưa chuộng tự do, cùng lúc các hoạt động chống Cộng của chính phủ Mỹ bị đa số người Mỹ nghi kỵ và không tin tưởng.

Do đó, vào năm 1965, sau khi TT Johnson gởi quân Mỹ vào Nam Việt Nam thì TTTT bắt đầu tường thuật láo khoét về chiến tranh VN cho khán giả và độc giả của họ. Nhân dân và chính phủ VNCH bắt đầu trở thành nạn nhân của họ từ đó. Tường thuật láo khoét cùng bình luận tuyên truyền thân Cộng của TTTT công hiệu đến độ họ đổi trắng thay đen khiến chiến thắng quân sự của quân lực VNCH và Đồng Minh trong trận chiến Tết Mậu Thân trở thành một chiến bại trong con mắt của công chúng Mỹ.

TT Johnson đành tuyên bố ông sẽ không tái tranh cử. Những năm tiếp theo cho thấy TTTT lật đổ TT Nixon khi họ điều tra vụ Watergate, sau đó giật dây phong trào phản chiến đưa chính trị gia thiên tả chiếm đa số lưỡng viện Quốc Hội Mỹ, rồi cắt ngân sách viện trợ quân sự cùng kinh tế cho VNCH bất chấp các hứa hẹn của TT Nixon cùng Ngoại Trưởng Kissinger cam kết với TT VNCH Nguyễn Văn Thiệu trước đó.

Trong suốt 10 năm, 1965 đến 1975, TTTT Mỹ không ngớt dùng thủ đoạn láo khoét làm hại VNCH, đến nỗi có lúc TT Nguyễn Văn Thiệu phải nêu đích danh vài ký giả như ông Peter Collins của đài truyền hình ABC/CBS là “persona non grata” (người không được tiếp đón niềm nở) của Nam Việt Nam.

TTTT Mỹ đóng vai trò lớn trong sự bức tử quốc gia VNCH vào năm 1975. Với thành quả triệt hạ hai TT Mỹ và giúp VC nuốt chửng VNCH, TTTT càng có nhiều quyền lực và uy tín trong dư luận Mỹ. Khi Bill Clinton trở thành TT Mỹ, xuất thân từ hàng ngũ phản chiến ngày trước thì TTTT trở thành công cụ tuyên truyền cho đảng Dân Chủ tại Mỹ. Đồng thời, TT Clinton từ từ đưa các đại tư bản tay chân cùng các công ty lớn đầu tư vào TTTT để tha hồ khuynh đảo xã hội Mỹ cùng toàn thể thế giới.

Từ thập niên 1990 đến cuối năm 2016, TTTT Mỹ đã đạt đến tột đỉnh vinh quang, giàu sang và quyền thế; họ tự tin và kiêu căng đến độ tiên đoán 98% rằng bà Hillary Clinton sẽ làm TT Mỹ. Không dè người Mỹ lại chọn ông Trump làm TT khiến TTTT tức lồng lộn tiếp tục tung tin và bình luận láo khoét ngõ hầu giúp đảng DC lật đổ ông Trump qua cuộc điều tra của Công Tố Viên Mueller trong hai năm qua. Cuối cùng như chúng ta đều biết, TTTT Mỹ bị lột mặt nạ là một bọn thiên vị bè đảng, gian dối vô liêm sỉ hoàn toàn không xứng đáng với lòng tin của quần chúng trước đây.

Một điều đáng nói là phóng viên Peter Collins vào khoảng năm 2003 đã tỉnh ngộ khi bị thượng cấp buộc phải nói láo làm lợi cho Sadam Hussein trong chiến tranh Iraq . Ông từ bỏ nghề ký giả và tuyên bố là ông đả tự giải phóng bản thân.

Thỉnh thoảng cũng có vài nhân vật khác khá nổi tiếng từ TTTT tỉnh ngộ như ông Bernard Goldberg, bà Sharyl Attkisson và gần đây nhất là bà Lara Logan cảnh báo quần chúng về sự dối trá và thiên vị cho đảng DC của truyền hình và báo chí Mỹ nhưng họ chỉ là những tiếng nói hiếm hoi và lẻ loi.

Từ thập niên 2000 đến nay, nhờ thông tin và mạng xã hội qua internet, một vài nhân vật gạo cội của TTTT như các ông Dan Rather và Brian Williams bị vạch mặt nói láo với chứng cớ không chối cãi được, nhưng những vụ lẻ tẻ đó không nhằm nhò gì so với ảnh hưởng quyền lực quá lớn của TTTT. Không những nói láo ngày xưa làm hại VNCH, TTTT còn làm các tài liệu (documentaries) xảo trá để tiếp tục tiếp tay tuyên truyền cho VC. Vậy mà không hiểu tại sao rất nhiều đồng bào tỵ nạn, cũng như người Mỹ gốc Việt, vẫn tin tưởng vào các thủ đoạn xảo trá của bọn gian manh?

Sau gần 55 năm tung tin thất thiệt, tường thuật láo, bình luận thiên vị TTTT đã góp tay bức tử VNCH một cách oan uổng rồi tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho nước Mỹ. Cuối cùng bọn chúng bị tổ trác sau cuộc điều tra của Công Tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller.

Bộ mặt thật đầy dối trá, láo khoét đã bị phơi bày cho quần chúng Mỹ và thế giới. Từ đây chúng sẽ mất hết uy tín, không thể kiêu căng như trước. Hy vọng chúng sẽ hồi tâm để giúp xây dựng một nước Mỹ với một nền báo chí tự do lành mạnh hơn xưa.

-----------------------------------------------------------------
* TTTT: "truyền thông thiên tả" còn được gọi là "truyền thông thổ tả"

-----------------------------------------------------------------
BÁO CÁO MUELLER - "GAME OVER!"
https://www.youtube.com/watch?v=64LIqGeRuxE
Back to top
 
 
IP Logged
 
phu de
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3541
Gender: male
sư phụ xuống đường
Reply #731 - 14. May 2020 , 17:46
 
Đại dịch cúm Tàu, sư phụ xuống đường laugh12 laugh12

About 200 Goats Escape, Roam the Streets of East San Jose
Even goats are getting tired of quarantine

Back to top
« Last Edit: 19. May 2020 , 02:32 by phu de »  
 
IP Logged
 
phu de
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3541
Gender: male
Re: QUÁN CÓC
Reply #732 - 19. May 2020 , 02:37
 
Mô tả từ năm 1962 về cuộc sống trong lồng kính năm 2022 có trở thành sự thực do virus Corona Vũ Hán?



...
Domenica del Corriere, December 1962. (La "Singoletta", designed by Walter Molino)

Liệu mô tả về những chiếc lồng kính có trở thành sự thực.

Một hình vẽ mô tả vào năm 1962 của một tạp chí Ý cho thấy cuộc sống của con người vào năm 2022 – các cá nhân sử dụng xe có lồng kính để di chuyển thay vì đi bộ. Điều này có thể trở sự thực do nỗi sợ hiện tại của thế giới đối với virus Corona Vũ Hán (COVID-19).

Ông Walter Molino, một họa sĩ truyện tranh và minh họa người Ý, đã vẽ hình mô tả này. Hình vẽ xuất hiện trên trang nhất của một số báo năm 1962 của tờ La Domenica del Corriere, một tờ báo hàng tuần của Ý xuất bản từ năm 1899 đến 1989.

Bức vẽ mô tả mỗi cá nhân đang ngồi trong xe lồng kính và di chuyển theo hướng của mình vào năm 2022.

Tuy mục đích ban đầu của hình vẽ dự đoán về việc đi lại của con người trong tương lai, nhưng nó có vẻ phù hợp một cách kỳ lạ với nỗi sợ hiện tại của thế giới đối với virus Corona Vũ Hán. Bức ảnh đề xuất về tiêu chuẩn “bình thường mới” trong lối sống của con người vào năm 2022 – dùng các lồng kính để bảo vệ khỏi virus.


Mới đây, một nhà hàng ở HòaLan cũng áp dụng ý tưởng về lồng kính. Các thực khách đến ăn ở đây sẽ ngồi trong các nhà kính riêng. Người phục vụ đeo tấm nhựa che mặt và chuyển thức ăn bằng 1 một tấm ván dài. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi mùa hè đến và các nhà kính quá nóng để ngồi ăn?






Một nhà hàng ở Hòa Lan sử dụng những kính để cách ly các thực khách.


Ngoài ra, những tuần gần đây cũng xuất hiện những đề xuất rằng mọi người ở trong các lồng kính riêng khi đi du lịch bằng máy bay, đi đến bãi biển và các hoạt động khác.

Liệu một viễn cảnh con người sống, làm việc, đi lại trong các lồng kính có trở thành sự thực trong tương lai?

Văn Thiện
ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

Back to top
 
 
IP Logged
 
phu de
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3541
Gender: male
Re: QUÁN CÓC
Reply #733 - 21. May 2020 , 02:39
 
KEEP YOUR DISTANCE



BUMPER TABLES: Fish Tales in Ocean City, MD showed off an interesting way to maintain social distancing this weekend.

The restaurant is takeout only for now, but employees tried out some bumper tables as a way to help keep people apart once they open to dine-in customers.




A café in Germany has found a colorful way to enforce social distancing among patrons—by strapping pool noodles to hats.


Back to top
 
 
IP Logged
 
phu de
Gold Member
*****
Offline



Posts: 3541
Gender: male
Re: QUÁN CÓC
Reply #734 - 01. Jun 2020 , 06:18
 
DALIDA : ÁM ẢNH CÔ ĐỘC VÀ CÁI CHẾT

Dalida là một trong ba nghệ sĩ được xem là biểu tượng của Pháp trong thế kỷ 20. Lúc còn sống, Dalida đã ghi kỷ lục khi bán hơn 120 triệu đĩa hát trong 10 thứ tiếng và bán thêm 20 triệu bản sau ngày qua đời. Tại Việt Nam, rất nhiều ca khúc gắn với tên tuổi Dalida được các nhạc sĩ Việt Nam viết lại lời Việt. Trong đó nổi bật nhất là các bản lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy: Le temps des fleurs (Nhớ lúc yêu nhau), Paroles Paroles (Những lời mê hoặc), La chanson d’orphée (Bài ngợi ca tình yêu), Bang Bang (Khi xưa ta bé), Pour en arriver là (Chỉ có thế thôi)… Hay nhạc sĩ Anh Bằng với lời Việt Chuyện tình yêu từ ca khúc Histoire d’un amour.

...


Heidegger không trao hy vọng cho Dalida

Ngày 12-5, bộ phim Tôi là Dalida của đạo diễn Lisa Azuelos đã chính thức đến với khán giả Việt. Bộ phim mở màn bằng cuộc tự tử bất thành của Dalida trong khách sạn vào năm 1967. Từ cái chết hụt này, một quãng đời trước đó của Dalida được kể lại…

Quan trọng nhất của sự mở màn này chính là tranh luận về cái chết của Dalida và người tình (Luigi Tenco – một ca sĩ, nhạc sĩ trẻ người Ý) thông qua tác phẩm Hữu thể và thời gian (Sein und Zeit) của triết gia người Đức Martin Heidegger. Luigi cho rằng “Sống là để dẫn đến cái chết” trong khi Dalida cho rằng “Sống là để yêu”. Tuy nhiên, sau tranh luận đó và sau thất bại khi bài hát Ciao, amore ciao (Luigi sáng tác) hai người song ca không lọt qua vòng một của Liên hoan âm nhạc San Remo, Luigi đã tự bắn vào đầu. Cái chết của Luigi xảy ra ngay kề thời điểm hai người chuẩn bị công bố mối quan hệ và đám cưới không xa của mình, chính điều này làm Dalida quyết định tự tử.

Sau cuộc tử tự bất thành, cùng với việc nghiền ngẫm suốt tác phẩm Heidegger, trong phim đã chọn một câu thoại thật rất hay của Dalida trong cuộc trò chuyện với bác sĩ tâm lý riêng của mình. Khi vị bác sĩ nói: “Cô là người trao hy vọng cho cả ngàn người” và Dalida đã đáp lại: “Nhưng ai trao cho tôi?”.

Sau câu hỏi bỏ lửng đó, Dalida tiếp tục tìm đến Phật giáo thông qua Arnaud Desjardins dù cô là người Công giáo. Cô tìm đến Ấn Độ với hy vọng thoát khỏi bi kịch của đời sống. Nhưng thiền sư ở đây đã khuyên cô hãy trở lại với sân khấu, bởi âm nhạc chính là đời sống của Dalida.

...
Người mẫu Sveva Alviti (Ý) vào vai Dalida trong phim Tôi là Dalida, đây là vai diễn điện ảnh đầu tiên của người mẫu này.
Ảnh: THE GREEN MEDIA


Những sự lựa chọn đến với cái chết

Sau đó Dalida tiếp tục đời sống của mình với những bản nhạc tình, những điệu disco thời thượng, với ước vọng đem đến niềm vui cho công chúng yêu mến cô bằng chính thứ âm nhạc của mình. Đó là âm nhạc của những đau khổ, tình yêu, sự cô đơn, thất vọng lẫn hy vọng… Cùng với âm nhạc, với thành danh trên sân khấu, Dalida tiếp tục chứng kiến hai cái chết nữa. Đó là năm 1970, người chồng cũ của Dalida là Lucien Morisse (giám đốc chương trình của đài phát thanh Europe 1) tự tử bằng súng. Dẫu cái chết của Lucien không liên quan gì tới Dalida bởi hai người ly dị vào cuối năm 1961 sau năm năm chung sống. Thế nhưng cái chết này đã để lại nhiều tổn thương trong lòng cho Dalida, nhất là nuối tiếc khi bỏ Lucien. Người đàn ông quan trọng thứ ba trong cuộc đời của Dalida, người đồng hành với cô suốt chín năm trong cuộc đời cũng chọn tự tử sau khi chia tay cô ba năm, đó là Richard Chanfray (tự tử năm 1983).

Cuộc đời Dalida trong phim lẫn đời thực là cuộc đời giằng xé giữa nhiều điều: Chọn làm phụ nữ gia đình với con cái bình thường hay chọn đứng trên sân khấu và trì hoãn mọi cuộc hôn nhân, mọi cơ hội con cái? Chọn bước vào đời sống thinh lặng hay đứng dưới ánh đèn hào quang và chống chọi ngay với đôi mắt vốn khó chịu với ánh sáng của mình? Và cuối cùng, chọn sống hay chọn chết và chết có là một sự sống đời sau hay không?… Những câu hỏi cuộc đời của Dalida có lẽ cũng là câu hỏi của nhiều người dù là ca sĩ, nghệ sĩ hay là một người phụ nữ bình thường…

Tôi là Dalida chưa thật sự hấp dẫn

Bộ phim Tôi là Dalida mở màn bằng cái chết hụt và kết thúc bằng cái chết thật của Dalida vào đêm 3-5-1987. Dalida đã tự sát bằng thuốc an thần và qua đời tại nhà riêng trên phố Orchampt thuộc khu Montmartre (Pháp). Dalida qua đời với dòng chữ duy nhất để lại “Tôi không thể chịu đựng cuộc sống thêm được nữa, hãy tha lỗi cho tôi” (La vie m’est insupportable, pardonnez-moi).

Nếu so sánh Tôi là Dalida với bộ phim La vie en rose về nữ ca sĩ Édith Piaf trước đó, bộ phim Tôi là Dalida đang ra rạp Việt không hấp dẫn hơn. Tôi là Dalida dưới góc độ là tác phẩm điện ảnh thì phim vẫn thiếu điểm nhấn, chỉ chạm vào bề nổi cuộc đời Dalida chứ chưa chạm được vào những bi kịch thật sự từ đời sống, đức tin… dẫn đến việc Dalida hai lần tự sát. Thế nhưng đây là một bộ phim với những bản nhạc tình piracétam Dalida điển hình để những ai yêu quý nhạc Pháp, văn hóa Pháp có dịp đến rạp để xem.

https://www.phap.fr/

------------------------------------------------------------------

Mời nghe ca khúc:
Mourir sur scène-L'hommage vibrant à Dalida [les Enfoirés 2020 -Jenifer, Nolwenn, Maëlle et Vitaa]


Back to top
 
 
IP Logged
 
Pages: 1 ... 47 48 49 50 51 
Send Topic In ra