(nhìn từ phương đông)
Hàn Lệ Nhân
Trước khi bước sang phần mắt mù và mắt không ngươi, trọng tâm của bài phiếm luận nầy, chúng ta cũng nên chấm phá sơ qua những con mắt bệnh phổ thông trên cõi ta bà nầy hầu tránh chuyện riêng tây thiên vị. Trên kia chúng ta có nhắc tới cặp mắt nháy không ngừng nghỉ của tông tông François Mittérand, nay hãy cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân.
Tông tông Mittérand nháy liên tục là do mắt ông bị lông cặm hay quặm. Mắt lông cặm là mắt có lông nheo mọc ngược đâm vào tròng mắt, do bệnh đau mắt hột sinh ra. Nguyên do tạo ra bệnh nầy không nằm trong khả năng của người viết, người viết chỉ xin mạo muội bàn sơ cái tác động của nó thôi. Ai mắc phải trường hợp cặm mới cảm thông, chia sớt được nỗi sót, niềm đau cũng như cái ngứa, cái khó chịu gây nên bởi những sợi lông nheo " phản động " đó. Oái ăm nhất là cái ngứa từ những sợi lông nheo mới nhú, chĩa vào hai khoé mắt. Xưa, cạnh nhà tôi có một bà lão tên Minh bị chứng lông cặm nầy, em gái tôi thường qua nhổ dùm bà, nhưng nhổ sợi nầy thì vài hôm sau sợi khác lại nhú ra. Sau đó bà bị mù, nay đã qua đời.
Loạn thị là một loại mắt kỳ khôi, tiếng Pháp gọi là Daltonisme. Người bị bệnh nầy nhìn màu xanh ra màu đỏ. Lái xe mà vướng bệnh nầy thì làm sao hè ?
Kế đến là cặp mắt cận thị (thấy gần mà chẳng thấy xa) và cặp mắt viễn thị (thấy xa mà chẳng thấy gần). Trên mặt nổi của sự kiện, hai bộ mắt nầy đã được con người – đúng hơn là giới thương mại - thẩm mỹ hoá bằng đủ loại kính, đủ loại gọng. Ngoài ra còn một loại Verre de Contact, đại khái ta có thể hiểu nó là một mảnh thủy tinh nhỏ độ đầu ngón tay vô danh. Người bị cận thị hay viễn thị - nhất là phái đẹp, thay vì đeo kính có gọng, có tác động làm húp mắt – mua bỏ vào tròng mắt, lúc cần có thể lấy ra dễ dàng.
Trong cuốn " 40 Năm Nói Láo ", nhà văn Vũ Bằng có kể câu chuyện về một nhân vật trong làng báo việt nam :
« Tạ Đình Bính có cái tính kỳ lạ là thấy ai có cái gì, dù xấu dù tốt, cũng nhận luôn là mình cũng có thứ ấy như ai. Một hôm TchyA (nhà văn Đái Đức Tuấn) nói chuyện về cái tật cận thị của ông Phạm Quỳnh, Bính đang hút, bỏ luôn dọc tẩu, ngồi phắt dậy và chỉ vào mắt mình, nhận anh cũng cận thị. Một vài tháng trôi qua. Cũng nằm bên bàn đèn, có người nói rằng cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc viễn thị, tìm mua mãi một cái kính vừa mắt mà không sao mua được. Đang đeo kính, Bính bỏ ra đặt xuống bàn, nói :
- Bỏ cha chưa, các người thông thái có nhiều điểm giống nhau kỳ lạ : Tớ cũng viễn thị !
Bất ngờ trong buổi họp mặt lần nầy lại có TchyA. Anh nầy, không gượng nhẹ gì hết, lật tẩy luôn Tạ Đình Bính :
- Tao chịu mày quá. Ba xạo đến như mày là vô địch. Tao còn nhớ cách đây không lâu, mày bảo mày bị cận thị như Phạm Quỳnh ; hôm nay mày thấy Nguyễn Văn Ngọc viễn thị, mày lại khoe mày viễn thị. Thế thì mắt mày là cái thứ gì ?
Giả thử ở vào trường hợp một người khác bị bắt quả tang nói láo như thế, ít nhất cũng cuống lên, ấp a ấp úng một lúc rồi muốn trả lời ra sao mới trả lời được. Đối với Tạ Đình Bính thì không, tuyệt đối không. TchyA chưa chửi hết câu thì Bính đáp liền, không cần nghĩ ngợi, tuồng như cái tật nói phét, nói dóc, ngụy biện lúc nào cũng nằm sẵn ở trong máu anh rồi :
- Ồ, thế thì mày không biết tao rồi. Mắt nầy tao cận thị, còn mắt bên nầy thì viễn thị. Tao nói dóc thì tao không trông thấy mày.
Rồi sợ anh em chưa đủ tin, Bính bình luận tiếp với một sự vững tin ghê gớm : Thực quả, tao chưa thấy mấy trường hợp một mắt viễn thị, một mắt cận thị như thế bao giờ. Chính tao cũng lạ cho tao, nhưng sau tao nghĩ có lẽ đây là một dị tướng, chớ không phải là chuyện đùa. ».
Mẫu chuyện về ông Tạ Đình Bính làm tôi nhớ đến huyền thoại cận đại nầy :
• Mấy bửa trước khi Liên Sô và Đông Đức bất thình lình cho xây bức tường ô nhục ngăn đôi Bá Linh thành Tây Bá Linh và Đông Bá Linh (13/08/1961), người ta thấy trước một cửa hiệu nhãn khoa, phiá Đông Bá Linh, tấm bảng như sau :
Quí vị nào cận thị xin đến tiệm kính đầu đường.
Quí vị nào viễn thị xin hãy theo tôi.
Cặp mắt kính cận và viễn thị nói riêng là một phát minh nhất cử lưỡng tiện, nói rõ là không những nó bình thường hoá con mắt bệnh mà còn trang điểm cho khuôn mặt nữa. Chả thế mà đi một vòng tiệm Optique 2000, Générale Optique, Frères Lissac … (chuyên bán kính) ở Pháp, tính ra cũng có đến hàng ngàn kiểu gọng, to nhỏ, vuông tròn, méo bầu … Nhưng than ôi, ông tổ cuộc phát minh nầy, dầu đeo thật nhiều cặp kính cùng một lúc cũng không tài nào " nhìn thấy " trước được ở cuối thế kỷ 20 có một cái hoạ chết người nguyên do phát xuất từ đứa con đẻ của ông. Đó là trường hợp điển hình bên xứ Chùa Tháp, Khmer XHCN của Polpot và Ieng Sary. Theo lệnh Polpot, Ieng đã giải toả thành thị, đẩy dân xuống ruộng, bỏ luật lưu thông, hệ thống tiền tệ, học đường và thủ tiêu tất cả những ai chống đối, đặc biệt trự nào mang kính trắng trên mặt, để tạo dựng một lớp người mới, một lớp vật mới thì đúng hơn, vì, theo Duy Vật Biện Chứng Pháp, con người chỉ là một khối vật chất, chỉ là chuổi phản ứng tự động máy móc, một con chó của Pavlov (1). Cho nên tri thức là một xa xí phẩm cần phải tiêu diệt. Và một sớm một chiều, trên xứ Chùa Tháp, cặp kính trắng bỗng trở thành biểu tượng cho giai cấp trí thức, mà đã là trí thức thì không thể là con vật và đã không phải là con vật thì nhân danh nhân đạo, nhân danh tiền đồ Thế Giới Đại Đồng Vô Sản … Xuất, Ieng Sary phải đưa họ sang thế giới khác ! Chuyện xứ Chùa Tháp trong chế độ XHCN của Polpot, dưới mắt của một số người, đã qua từ lâu, không nên nhắc lại, hơn nữa vụ án về Khmer Đỏ đang ngủng ngẳng tới hồi chung cuộc ; nhưng đảo mắt nhìn chung quanh xứ Chùa Tháp, mặc cho ai khua môi múa mép định hướng nầy, định hướng khác ; mặc cho ai ảo thuật mà mắt thiên hạ : chuyện tiêu hũy sách báo vẫn còn đó, lịch sử vẫn còn đó, nỗi đau, nỗi hận vẫn còn đó … Nháy mắt một cái vừa tròn 31 năm ! Thôi oán thôi hờn nhưng không thể thôi nhớ.
Mất ánh sáng của đôi mắt đối với con người xương thịt là nỗi khổ đau trọn vẹn, là mất tất cả ý sống trên đời. Năm tôi 15 tuổi, tưởng đã bị mù, may nhờ bác Cầm, mẹ chị Lê Thị Bạch Yến, ròng rã hai tháng trời, dùng thịt chân cua đồng nhúng thuốc gia truyền rà cho mới khỏi. Giá trị của đôi mắt lành lẻ, nỗi đau cùng cực của một kẻ chẳng may bị mù đã được sách vở ghi lại quá nhiều. Ở đây tôi chỉ xin mượn khúc hát Người Nghệ Sĩ Mù của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ làm căn cứ cho phần viết tiếp :
« Ai dừng chân nơi đây buông lòng theo câu ca
Tôi ngồi trong bóng tối nghe đời đi ra xa
Tôi thèm chút ánh sáng
Ánh sáng sáng soi cuộc đời
Ánh sáng đâu, phút vui đâu
Không thèm qua trong đời mù loà.
Trong ngày tôi đi nhưng như là đi trong đêm
Trời sinh đời tôi nhưng chưa hề cho tôi tên
Chưa hề cho thấy gió
Thấy bướm thấy hoa màu gì
Có thấy chi ánh chiêu dương
Hay là sương sương mờ chiều tà.
Ôi nào còn gì đâu giữa cuộc đời lạnh lùng tiếng đàn buồn não nùng
Ôi chỉ còn mình tôi bán hồn mình lòng mình cho người bằng bạc tiền
Nhịp nhàng bàn chân bước có tiếng người đi đến
Người dừng lại giây phút hãy giúp tôi đời sống.
Đời mù loà tăm tối sống dưới trời tươi sáng
Đời mơ nhiều quá niềm vui chẳng thấy
Không cho tôi nhìn một lần
Chỉ đành lòng ôm kín bóng tối và hoang vắng.
Dù nụ cười khô héo cũng có khi thành tiếng
Là một lần ai đến đã giúp tình thương mến
Đàn ơi đàn hỡi đàn lên ngàn tiếng
Cho tôi vui cùng cuộc đời.
Nhưng niềm vui mong manh không nằm yên trong tay
Chuỗi ngày đầy chua cay chất tràn lên đôi vai
Đi vào trong bóng tối chiếc bóng cô đơn lạnh lùng xót xa
Thay bước chông gai tôi lần đi trên đời đường dài
Tiếng đàn càng âm u đưa vào trong thiên thu
Niềm riêng là câu ca trên bờ đôi môi khô
Tôi đã gánh hết giữa kiếp sống nhân gian đọa đầy.
Những đớn đau, những xót xa
Thương giùm tôi ôi đời mù lòa ...»
(Hoàng Thi Thơ, 1928 – 2001) Thế mà, ở trên cõi đời nầy vẫn có kẻ :
Thà cho trước mắt mù mù,
Chẳng thà ngồI thấy kẻ thù quân thân.
Thà cho trước mắt vô nhân,
Chẳng thà ngồI ngó sinh dân nghiêng nghèo.
Thà cho trước mắt vắng hiu,
Chẳng thà thấy cảnh trời chiều phâm xâm.
Thà cho trước mắt tối hầm,
Chẳng thà thấy đất lục trầm can qua.
Dù đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.
Dù đui mà khỏi danh nhơ,
Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình. Đọc đoạn thơ mộc mạc đanh thép trên, là người việt nam, ai không biết xuất xứ của nó ? Đó là lời nhân vật chính Kỳ Nhân Sư trong truyện Ngư Tiều Vấn Đáp của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu.
Ngoài ra còn một nhân vật chính khác cũng của cụ mà từ thành phố đến thôn quê, từ học giả chí bần cố nông, người người đều quen thuộc, đó là Lục Vân Tiên, trong truyện Lục Vân Tiên.
Không phải ngẫu nhiên mà trong các tác phẩm của cụ Đồ Chiểu có đến hai nhân vật mù, hiện thân của tác giả. Cái mù của Lục Vân Tiên là do tai nạn, nguyên nhân là chàng khóc thương Mẹ quá nhiều mới ra nông nỗi. Còn cái mù của Kỳ Nhân Sư, trái lại :
Thầy ta chẳng khứng sĩ Liêu,
Xông hai con mắt bỏ liều cho đui. Thái độ phản kháng tiêu cực nhưng quyết liệt của Kỳ nhân Sư trước bọn xâm lăng Tây Liêu cũng là thái độ của Nguyễn Đình Chiểu – và của Nguyễn Khuyến – đối với bọn thực dân " đạo đi trước, cướp nước theo sau " phú lăng sa.
Nguyễn Đình Chiểu, qua hình ảnh của Kỳ Nhân Sư, quan niệm :
Gặp cơn trời tối thà đui,
Khỏi gai con mắt lại nuôi đặng lòng. Và Nguyễn Đình Chiểu trong thực tế, chủ trương :
Sự đời thà khuất đôi tròng thịt,
Lòng đạo xin tròn một tấm gương ! Vì mù loà, cụ Đồ Chiểu – và Tam Nguyên Yên Đỗ – không thể cầm gươm đâm giặc, diệt nòi phản dân hại nước, ông đã :
" … không than mây oán gió, không vẽ thiên đường bằng ảo giác mượn vay " mà " … tay nắm chặt bàn tay, mài bút (sắt) xuyên tim nòi phản bội ".
Mù như hai cụ họ Nguyễn thật là đáng ngại, đáng phục (cả với kẻ thù xâm lược và tay sai) hơn những người mắt sáng muôn phần.
Đứng trên phương diện chiến tranh xâm lược, lối phản kháng, đối lập tiêu cực kiểu Đồ Chiểu và Yên Đỗ đáng sợ gấp trăm lần lối chống đối bằng bạo lực. Không dám cho bạo lực kém hữu ích – quân đội quan trọng lắm chứ – nhưng bạo lực chỉ diệt được phần xác - bạo lực nhất thời chiếm được đất và, trong một khoảng thời gian nào đó, có thể thay tên đổi họ, ngấm ngầm đồng hoá cái nầy cái nọ - còn chữ nghĩa phá tan tất cả : Tinh thần, nhất là tinh thần, và đôi khi phần xác cũng tiêu luôn. Khổng Minh chọc chết Chu Du bằng ba tấc lưỡi. Roger Salengro, dân biểu xã hội Pháp, đã tự hũy mình vì một bài báo. Nixon mất chức tổng thống nước Mỹ vì cuộc điều tra vụ Watergate. Việt Nam Cộng Hoà xụp đổ nguyên nhân chính vì những buổi đàm phán tại Paris năm 1973. CHXHCN Việt Nam bị cô lập, ngắc ngoải non hai mươi năm sau 1975, một phần cũng vì tiếng nói của các thuyền nhân.
Mù như cụ Nguyễn Đình Chiểu, như cụ Nguyễn Khuyến là một sự bảo vệ đạo đức, lý tưởng, tiết tháo ; một biểu hiện căm ghét, bất hợp tác với kẻ thù của cả dân tộc ; một sự phê phán gay gắt. Mù nhưng còn hơn sáng. Sáng mà hại dân hại nước, tham quyền cố vị đến mất nhân phẩm như Tôn Thọ Tường thời thực dân Pháp, như tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ thời đế quốc Mỹ và như những gì diễn ra sau đó…
Sáng chi nhân phẩm bỏ đi,
Thảo ngay chẳng biết lỗi nghì thiên luân. (Còn tiếp)
Hàn Lệ Nhân
Chú thích: (1) Ivan Petrovitch Pavlov (1849 – 1936) : Bác học Nga. Trong những thí nghiệm về phản xạ hữu kiện, Pavlov đã làm cho con chó chảy nước miếng bằng tiếng chuông mà không cần thịt làm vật kích thích. Dựa trên thí nghiệm đó, cộng sản đi đến chủ trương rằng người ta cũng có thể tập cho con người những phản xạ hữu kiện giống như con chó của Pavlov.