( nhìn từ phương đông )
Hàn Lệ Nhân

Đã nói qua cặp mắt của Thúy Vân, ta không thể không bàn tới cặp mắt của Thúy Kiều :
Làn thu thủy, nét xuân sơn Chỉ có 6 chữ gọn gàng, Tố Như tiên sinh đã vẽ ra trước mắt, trong tâm chúng ta một đôi mắt trong, đẹp. Trong hơn sóng nước mùa thu. Đẹp hơn dáng núi mùa xuân. Điểm quan tâm của chúng ta không nằm
Trên cặp mắt của Thúy Kiều, mà
Trong cặp mắt của nàng. Trong mắt Kiều có gì đặc biệt ? Có một nhãn lực tuyệt vời, nhìn được chiều sâu thăm thẳm, tưởng chừng soi thấu vào tận đáy mồ hoang để thấy nỗi niềm cô độc xót xa của một kiếp người với ta, giữa cái đã qua và cái sẽ đến :
Thấy người nằm đó, biết sau thế nào ? Cặp mắt đó đã gọi hồn ma Đạm Tiên dậy kết tình chị em :
Hữu tình ta lại gặp ta,
Chẳng nề u hiển mới là chị em.Cặp mắt đó đã khám phá tình yêu, chọn lấy con đường không chịu hướng những tia nhìn về các khuôn mòn, lối cũ.
Tóm lại cặp mắt Thúy Kiều là cặp mắt linh động - muốn gọi là hai viên ngọc quí cũng không ngoa - biết nhìn, biết khóc, biết tiếp thu, biết phản ứng, biết vâng lời, biết từ chối, biết lựa chọn, biết quyết định, biết cười ...
Tôi ca tụng mắt của Kiều như thế hẳn có người lắt léo hỏi lại : Kiều tài mạo tuyệt trần như thế sao lại làm ... điếm ? Ai biết ! Để hỏi ông này: Tố như tiên sinh - thác lời thầy bói - có viết về Kiều :
Anh hoa phát tiết ra ngoài,
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa. nhưng không nói rõ những " phá tướng " của Kiều. Vậy ta có thể dẫn câu chuyện dưới đây làm một trong những " phá tướng " của nàng :
* Vào cuối đời nhà Thanh, triều vua Quang Tự tại Bắc Kinh, nơi nhà thanh lâu nổi tiếng đương thời tục gọi là Bát Đại Hồ Đồng, có một nàng danh kỹ tên Hạnh Xuân. Nếu ai không biết nàng là kỹ nữ mà trông thể thái diện mạo của nàng thì đều phải nghĩ rằng nàng là một quí phu nhân, vừa đẹp, vừa tài mạo đoan trang, dáng đi, lúc nói, lúc cười ; khi nằm, khi ngồi rất nhã chẳng bợn chút thô tục, cũng không có điểm nào yêu quái tiện dâm. Thế mà sự thật rành rành, Hạnh Xuân hiện đang là một ca kỹ, chỉ khác ở chỗ nàng là thứ ca kỹ nổi danh, khắp Trung Quốc các đạt quan, quí nhân đều biết tiếng, đều mong được gần gũi nàng cho thoả chí.
Một hôm trong đám khách, có phú thương họ Hạ muốn lấy Hạnh Xuân làm thiếp. Chuyện tiền chuộc dù phải trả trăm lạng vàng chẳng thành vấn đề, họ Hạ chỉ chú trọng một điều duy nhất : Liệu Hạnh Xuân có sinh con không ? Éo le một nỗi là họ Hạ lại không muốn Hạnh Xuân sinh con bởi lẽ ông đã có vợ và hai thiếp rồi, con cái đùm đề. Thêm nữa họ Hạ quá yêu vẻ đẹp của Hạnh Xuân. Ông muốn nàng sẽ mãi như bức tượng bằng ngọc, nếu sinh con nàng tất sề ra, xấu đi. Để giải quyết nỗi thắc mắc nầy ông bèn mời một vị túc nho họ Mạc đến Bát Đại Hồ Đồng dùng cơm luôn thể nhờ cậy chỉ giáo cái tướng cách của Hạnh Xuân. Nàng được gọi tới bàn rượu. Mạc tiên sinh không hiểu rõ ẩn ý của lái buôn họ Hạ nên nghĩ rằng ông nầy muốn lấy Hạnh Xuân để có thêm con, nên sau khi quan sát Hạnh Xuân rồi, ghé tai bạn bảo : " không nên lấy vì nàng vĩnh viễn không thể sinh con ".
Lái buôn họ Hạ hỏi : " Ngoài tướng sinh nở, Hạnh Xuân còn có điểm xấu nào nữa ?
Mạc tiên sinh đáp : " Tướng cô ta cứ theo dung mạo bên ngoài thì phải thuộc hạng tam phẩm phu nhân, thế mà chẳng hiểu tại sao lại luân lạc vào đây sống đời ca kỹ ? Vì tướng cách cô ta nhất định lấy người chức tước, chứ không lấy phú thương đâu ".
Lời họ Mạc làm họ Hạ thắc mắc, ông năn nỉ bạn tìm cho ra cái phá tướng nào ghê gớm đến nỗi biến một phu nhân thành con điếm.
Từ bửa đó, Mạc tiên sinh năng lui tới Bát Đại Hồ Đồng.
Một hôm, ngồi nói chuyện vãn cùng Hạnh Xuân, tiên sinh liền hỏi thẳng vào đề cho nàng biết tướng cách của nàng giá đáng phu nhân sao lại lạc loài nơi thanh lâu đàn phách. Hạnh Xuân nói : " thuở nhỏ cha mẹ xem số cho nàng, thầy số bảo tương lai nàng là người trong thanh lâu, phê vào lá số mấy chữ :
Mỹ nhi vô tử, diễm nhi đa phu nghĩa là đẹp nhưng không con, tài sắc nhưng lắm chồng.
Mạc tiên sinh cố ý ngồi nói chuyện thật lâu với Hạnh Xuân, hy vọng phát hiện được phá tướng của nàng. Nhưng từ trưa đến quá chiều, tuyệt nhiên vẫn không thấy gì khác lạ cả.
Rời kỹ viện ra về, dọc đường họ Mạc chợt nhớ ra trong khoảng thời gian đàm thoại với Hạnh Xuân, mình là ông già ngoài năm mươi mà cũng chẳng phải chạy đi tiểu tiện lần nào, thế mà Hạnh Xuân mới mười chín tuổi đầu lại phải cứ chốc chốc xin phép đi tới sáu, bảy lượt, vả lại lúc nầy nhằm mùa hè, thông thường người toát mồ hôi chứ đâu có cần tiểu tiện. Đúng rối, tướng mệnh học gọi là tiết khí, một loại ám phá tướng.
Đến tối, Mạc tiên sinh vội vã tới kỹ viện tìm cô bạn đồng phòng với Hạnh Xuân tên Phi Phượng để hỏi xem hôm nay Hạnh Xuân có đau ốm gì không ? Phi Phượng bảo không. Mạc tiên sinh thừa cơ nói luôn thể tại sao buổi chiều Hạnh Xuân ngồi nói chuyện với ông mà lè tè chạy vào nhà cầu đến năm bảy lượt. Phi Phượng chỉ bưng miệng cười. Mạc tiên sinh cho biết sở dĩ ông ta đến đây hỏi lẩn thẩn như thế là vì lý do liên quan đến vấn đề xem tướng số. Bấy giờ Phi Phượng tỏ vẻ ngạc nhiên : " Thôi chắc rồi, nếu vậy con Hạnh Xuân có phá tướng thật rồi. Tôi không hiểu tướng hay phá tướng là thế nào nhưng tôi thấy con Xuân có cái bệnh kỳ lắm ". Phi Phượng chỉ nói tới đấy rồi im bặt.
Mạc tiên sinh hỏi : " Cô ta có bệnh về bài tiết thì nên tìm thầy thuốc chửa, khó gì đâu ".
Phi Phượng cười đáp : " Nó đi chửa nhưng thầy thuốc bảo nó không phải bệnh, chỉ là thói quen, không dùng thuốc chửa được ".
Ngừng một lát, Phi Phượng tiếp : " Cái phá tướng ấy của con Hạnh Xuân không chỉ là đi tiểu tiện luôn luôn thôi đâu, mà còn ... " Phi Phượng lại không nói thêm.
Tuy nhiên Mạc tiên sinh cũng chẳng cần hỏi nữa, phá tướng của Hạnh Xuân, tuy ẩn bên trong, đã rõ ràng.
Trong tiết Thanh Minh, anh em Kiều đi tảo mộ, thấy một ngôi mả hoang. Và chỉ cần nghe Vương Quan nói mả ấy là mả Đạm Tiên, một ca nhi bạc phận, Kiều đã :
Lại càng mê mẩn tâm thần,
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.
Lại càng ủ dột nét hoa,
Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài. Và tối về, Kiều lại :
Một mình lưỡng lự canh chầy,
Đường xa nghĩ nỗi sau nầy mà kinh.
Hoa trôi bèo dạt đã đành,
Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi.
Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi,
Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn.Nỗi đa sầu đa cảm của Kiều có thể liệt vào loại Cô Âm Trầm Tinh hay Mãn Diện Sầu Dung như tích " Nhân Diện Đào Hoa " của thi sĩ Thôi Hộ và một cô gái đa sầu, lãng mạn vùng thôn giả :
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong.
( Đề Tích Sở Kiến Xứ, Thôi Hộ )
( Hôm nay, năm ngoái, cửa cài,
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi.
Mặt người chẳng biết đâu rồi,
Hoa đào còn đó vẫn cười gió xuân. )
( Đề Chỗ Đã Trông Thấy Năm Trước, Trần Trọng Kim ) (1) hay tích về sủng phi Mai Anh ( có đôi mắt rất buồn ) của Đường Minh Hoàng, sau khi ông nầy gặp Dương Quí Phi, thì Mai Anh bị thất sủng và bị giam vào lãnh cung.
( CÒN TIẾP )
Chú thích
(1) Thôi Hộ là một thi sĩ đẹp trai, tính quả hợp, không hay chơi với ai. Một ngày thanh minh đi chơi một mình đến phía nam kinh thành, thấy một nhà có vườn đào nhièu hoa, mới gõ cửa xin nước uống. một người con gái rất đẹp và nghiêm trang ra hỏi tên họ, rồi đem nước mời uống. Đến tiết Thanh Minh năm sau, Thôi Hộ lại đến nhà ấy, thấy cửa đóng, đề bài thơ nầy ở cánh cửa bên tả. Cách mấy hôm lại đến chợt nghe tiếng khóc và có ông lão ra hỏi : Anh có phải là Thôi Hộ không ? Con gái tôi đọc bài thơ của anh rồi nhịn ăn mới chết. Thôi Hộ vào khấn, thì người con gái ấy sống lại, bèn lấy làm vợ. Sau Thôi Hộ đỗ tiến sĩ về đời Trinh Nguyên, làm quan đến chức Lĩnh Nam tiết độ sứ. (theo sđd)