LAM SON
Gold Member
   
Offline

CHANG TRAI TRE VON DONG HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN
Posts: 574
Gender:
|
Sàigòn Yêu Dấu Cũ… Tùy bút Ngọc Thủy Ngày còn đi học, tôi rất mê đọc sách truyện, thả ra được đọc cả ngày chắc tôi vẫn thích, nhưng sợ tôi xao nhãng việc học hành nên bố mẹ tôi cấm… không cho đọc truyện nhiều, chỉ khi nào được nghỉ hè, mới không sợ bị la hoặc bị đòn khi cầm cuốn truyện trên tay. Nên tôi thường đọc… lén. Hễ để dành được khá tiền thì tôi chạy ngay đến nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi để tìm mua những quyển sách truyện hay mà mình thích đọc. Những buổi ấy tôi thích lắm vì ngoài chọn mua được một vài quyển sách nhỏ, tôi còn được đọc “ké” (hay người ta còn bảo là coi ‘cọp’ gì đó) thêm một số sách truyện khác trong tiệm vì không đủ tiền mua hết. Nhà sách Khai Trí lúc ấy đối với tôi là cả một thế giới thần tiên với những phút giây êm đẹp. Nguyên một gian nhà rộng lớn với nhiều kệ sách trưng bày ngăn nắp trang nhã, đâu đâu cũng là sách là truyện, nào là sách trợ giúp thêm sự hiểu biết về các môn trong lớp, sách học làm người, sách bồi dưỡng thêm kiến thức phổ thông, nào là sách về thơ, văn, tiểu thuyết… đủ cả. Lại còn thêm một số sách mua về để có thể tự học như đàn, sáo, cắm hoa, nấu ăn .v.v… Thật là hấp dẫn, nhưng, sách thì nhiều mà tiếc thay túi tiền học trò của tôi lúc ấy ít oi quá, có những quyển sách hoặc truyện mình muốn xem thì lại không đủ tiền mua, về nhà cứ tiếc rồi lại mơ… mình được trúng số, lúc đó chắc khuân về đủ loại sách, tha hồ đọc cho bằng thích. Hoặc lớn lên mình sẽ mở một tiệm sách để muốn đọc sách truyện gì cũng được mà chắc lúc ấy bố mẹ cũng chẳng còn ngăn cấm nữa, để khỏi phải tấm tức khi chỉ mới lén đọc được vài trang thì bị bắt đi ngủ, học bài hay làm việc gì đó, có khi ngay đoạn hấp dẫn quá chừng thì lại phải dấu đi, ấm ức chờ… chờ đến dịp nào chẳng biết mới đau khổ làm sao. Cầu trời và nằm mơ hoài, con nhỏ vẫn chẳng thấy mình được trúng số, thôi thì ráng nhịn tiền quà để hai ba tuần được ghé nhà sách Khai Trí một lần, có khi cả tháng không chừng. Hoặc hôm nào có dịp thì tôi lại chạy bay ra tiệm cho mướn sách gần đó, mượn về rồi đọc ngấu nghiến cho nhanh (mỗi khi bố vắng nhà, mẹ đi chợ) để kịp mang trả. Nhìn cô chủ tiệm ngồi giữa quầy sách, dù là sách cũ, tôi thấy cô sung sướng quá, ước gì tôi có nguyên một kho sách truyện to như thế. Và chắc chắn thế nào tôi cũng sẽ gặp một vài đứa nhỏ ham mê đọc truyện như tôi. Tôi sẽ lại giống như cô đối với tôi lúc ấy (vì là khách hàng thường xuyên, lại biết học trò không có tiền nên có lẽ cô thông cảm mới dành cho sự dễ dãi) cho ngồi đấy tha hồ đọc, miễn khi mang sách về nhà, thì phải đóng tiền thuê và thế chân cuốn đó. Hồi nhỏ thì tôi thích đọc Tuổi Hoa, Ngàn Thông, Hoa Xanh, Hoa Tím.v.v… Lớn lên một chút thì tôi tìm đọc truyện của các nhà văn Lê Văn Trương, Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ.v.v… rồi đến Tự Lực Văn Đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, sau nữa thì tôi thích Nhã Ca, Duyên Anh, Sơn Nam, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Thị Hoàng.v.v… Tuổi thơ dần trôi qua rồi đến tuổi mộng mơ. Biết bao nhiêu là chuyện quên nhớ nhớ quên. Nhưng có một kỷ niệm khó quên đến với tôi trong ngày đầu niên học mới của năm cuối Trung Học, đó là món quà bố mua cho tôi quyển “Gìn Vàng Giữ Ngọc” của tác giả Doãn Quốc Sỹ. Tôi cảm động vì hồi nhỏ hay bị rầy la cấm cản không cho đọc sách truyện, thế mà bây giờ người lại mua cuốn sách ấy để làm quà cho tôi. Lúc ấy tôi cảm động một, sau này ra đời lớn khôn hơn, hiểu được ý bố từ tác phẩm “Gìn Vàng Giữ Ngọc”, tôi cảm động gấp mười với cái thông điệp tốt đẹp đó. Thế là từ đó ngoài các tác giả viết truyện hồn nhiên mà tôi hay đọc như : Lê Tất Điều, Nhật Tiến, Đinh Tiến Luyện, tôi thích tìm đọc các tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Vốn rất mê những câu truyện thần kỳ cổ tích, tôi say sưa đọc những quyển truyện cổ tích của ông như: Hồ Thùy Dương, Sợ Lửa. Những quyển sách luôn chứa đựng những nội dung trung hâu và nhân ái. Nhẹ nhàng mà sâu sắc bởi ông không phải là nhà văn sống thuần túy về nghề viết văn mà còn là một ông Thầy Giáo rất có uy tín. Và nghề dậy học mới thật sự là “nghề chuyên” của ông. Thật ra tôi cũng chưa đọc sách của Doãn Quốc Sỹ được nhiều, không thể nhiều được, vì hồi đó tôi còn là học trò mà học trò thì vẫn không có tiền nhiều để mua sách. Nếu muốn đọc nhiều thêm thì phải thường xuyên vào Thư Viện. Chuyện này cũng không đơn giản vì thì giờ dành để “gạo” bài chiếm gần hết ngày tháng của học trò hồi đó. Cái thời chiến tranh đang trở nên sôi động, nếu con trai không đậu được Tú Tài I thì phải nhập ngũ sớm, còn nếu con gái không qua được ngưỡng cửa Trung Học Đệ Nhị Cấp, đương nhiên phải ở nhà học thêu thùa, may vá, nấu nướng để chuẩn bị hoặc bị cha mẹ thúc hối thành kẻ: “ngày mai trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Chao ơi, con gái lớn (tới trung học là khá lớn bộn rồi) cũng mơ tới ngày mình gặp “hoàng tử” của lòng với một tình yêu thơ mộng, tuyệt vời. Nhưng thời đó hôn nhân phần lớn cũng còn do cha mẹ sắp đặt, quyết định, nếu thi rớt phải nghỉ học ở nhà rồi… “nhỡ” bị gả đi lấy chồng sớm lại nhằm kẻ mình… không yêu không thích thì đau khổ lắm nên chi bằng ráng học trước cái đã. Không ngờ, mới đó mà đã hơn ba mươi năm. Thời gian trôi nhanh quá, người xưa ví “như bóng câu qua cửa sổ” thật đúng lắm. Ngoảnh đi, mới ngày nào mình còn là đứa bé học trò ham mê với sách truyện, mơ ước tới cả một gia tài sách lớn mới thỏa. Giờ ngoảnh lại, tóc xanh tuổi trẻ đã nhuốm bạc mầu và bao mơ ước đó dường như cũng dần dần phai lạt. Sách đối với tôi vẫn còn quý lắm nhưng đọc cuốn hút say mê như ngày trẻ chắc không còn, bởi đầu óc và tâm lòng đã ngổn ngang bao chuyện phiền lo qua những thời bể dâu. Đọc sách đối với tôi vẫn là một món ăn tinh thần cần phải có để nuôi dưỡng tâm hồn lẫn kiến thức. Nhưng tiếc thay, bây giờ có thể có nhiều sách đọc thì tâm trí và thì giờ của tôi lại phải dành nhiều cho những việc khác trong cuộc sống đầy lo toan hôm nay, nhiều khi tôi lãng quên mất cái thú vui cần thiết và bổ ích này. Thật đáng buồn vì nhu thế tôi sẽ không tích lũy thêm nhiều kiến thức và cảm nhận mới dồi dào, để tầm nhìn cùng sự hiểu biết được nẩy nở, phong phú hơn. Tôi nhớ lại nỗi kinh hoàng trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày đó thật khó mờ phai trong tâm khảm của những người miền Nam. Người kẹt ở lại với chế độ mới thì lo mạng sống và cái ăn đến xanh xương, tái mặt. Người đi được… thì với hai bàn tay trắng, nhiều khi bằng sự đau khổ phải xa lìa quyến thuộc người thân, có khi phải chấp nhận đánh đổi cà mạng sống mình để tìm cho được tự do, ra đi với tấm lòng ngổn ngang, đau khổ, với cái đầu trống rỗng, hoang mang. Tôi là người kẹt ở lại khi nước non nghiêng ngả, trong buổi giao thời hãi hùng ngày ấy, với cái tuổi mà nhiều người gọi là ở giai đoạn “ngưỡng cửa bước vào đời”. Tôi bước vào đời chưa kịp hưởng những ngày vui tươi trẻ, chưa kịp trải lên cuộc sống mình những ước vọng mùa xuân tươi thắm. Tôi chỉ kịp vào đời chớm tuổi đôi mươi với nỗi đau vận nước, với hai hàng nước mắt trong giờ phút cuối tháng Tư đen rồi chẩy dài bao nỗi uất hờn cơ cực trong suốt mười lăm năm dài dưới xã hội chủ nghĩa khi tất cả những người đàn ông trong gia đình đều phải đi tù cải tạo, còn chúng tôi mang cái ách thuộc thành phần “ngụy quân” thì cuộc sống nhọc nhằn cũng chẳng khá gì hơn. Vì thế trong suốt mấy năm đầu phải sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa, tôi bày tỏ thái độ riêng của mình là không dùng tới lịch trong nhà như không cần biết tới ngày tháng hiện tại, muốn trôi tới đâu thì trôi, không thèm đọc tới những sách truyện báo chí của họ bởi nội dung chỉ toàn bôi bác miền Nam, huênh hoang trắng trợn và tuyên truyền giả dối quá độ. Còn bao nhiêu sách truyện trước đây của thời Cộng Hòa, dù không ra lịnh đốt hết như Tần Thủy Hoàng đốt sách học trò ngày trước, nhưng đường lối nghiệt ngã cùng chỉ thị giảo hoạt của nhà nước Cộng sản cũng đủ cho người chế độ cũ phải đem giao nộp hoặc tự hủy bỏ, nếu không thì phải đem cất dấu kỹ kẻo sợ mang vào tội phản động, tàng trữ “văn hóa đồi truỵ’ của Mỹ - Ngụy .v.v… Chao ơi, cái buổi giao thời ấy, biết bao nỗi kinh hoàng, cơ cực và cay đắng phủ chụp xuống cuộc sống của người miền Nam với cái tội là người của chế độ cũ, là ngụy quân ngụy quyền, chạy theo đế quốc Mỹ. Câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa: “sách vở ích gì cho buổi ấy” sao mà đúng quá với hoàn cảnh và tâm trạng mọi người lúc đó. Nhưng sách truyện miền Nam dù có bị đốt bỏ, tẩy trừ để thay thế vào đó là sách truyện tuyên truyền cũng chẳng thể nào “tẩy não’ được ai. Những nhà văn, nhà thơ, nhà báo của Việt Nam Cộng Hòa cũng bị bắt đi tù “cải tạo” vì nhà nước Cộng sản rất ngán nếu không nói là e sợ thành phần “cầm bút nguy hiểm’ này. Dù vậy, khi được thả về, những người cầm bút ấy vẫn tiếp tục sứ mạng của họ là nói lên tiếng nói đòi hỏi tự do nhân quyền, tôn giáo, ngôn luận và nói rõ cho thế giới tự do bên ngoài biết về những đối xử thấp hèn độc ác của Cộng Sản Hà Nội đối với toàn thể quân, dân, cán chính Việt Nam Cộng Hòa sau khi cưỡng chiếm miền Nam dù việc ấy rất nguy hiểm vì sự đàn áp, kềm kẹp của chính sách ‘cách mạng”. Một số người bị bắt trở lại, trong số đó tôi nghe tin có nhà văn Doãn Quốc Sỹ vì tội gởi bài chui ra khỏi nước với cái tên Hồ Khanh. Sau này tôi có nghe thi sĩ Hà Thượng Nhân kể chuyện: “Lúc Bác vừa mới đi tù ra, ngay ngày hôm sau, đã thấy anh Doãn Quốc Sỹ đi xe đạp cùng với anh Lê Thành Trị (Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa) đến nhà thăm bác đầu tiên. Bác có hỏi sao lại biết tin nhanh mà đến thăm nhau sớm, hai anh cho biết nghe tin từ anh Khuất Duy Trác là vội vàng rủ đến thăm ngay. Bác rất cảm động vì sự chí tình, luôn quan tâm đến anh em bạn hữu như thế. Doãn Quốc Sỹ là một nhà giáo mẫu mực, rất hiền lành khiêm tốn, thế mà lúc ấy, anh dám đứng ra làm những công việc nguy hiểm để mong vận động văn bút quốc tế biết được những tù đày bất công mà các anh chị em văn nghệ sĩ đang bị quản thúc sớm được can thiệp, sớm được trả tự do. Là một người hiền lành tử tế, không muốn gây chuyện bất hòa với ai bao giờ nhưng với chính sách đàn áp văn nghệ sĩ miền Nam nghiệt ngã như thế, Doãn Quốc Sỹ vẫn dám đối đầu không e sợ gì cả…”. Đến đầu năm 1991, tôi nghe tin nhà văn Doãn Quốc Sỹ được phóng thích và sau đó, năm 1995, được đến Hoa Kỳ theo diện O.D.P. Ông được Hội Giáo Chức, anh chị em văn nghệ sĩ và bạn hữu cùng chủ trương tờ báo Sáng Tạo năm xưa ở Sài Gòn tiếp đón rất nồng hậu, thương mến. Tôi cũng rất kính trọng một nhà văn, nhà giáo có đạo đức và sĩ khí như ông. Qua một vài lần được nói chuyện với ông qua đường dây điện thoại viễn liên vì ông và gia đình cư ngụ tại thành phố Houston, TX; tôi càng quý mến hơn từ lòng nhiệt tâm của ông luôn dành cho văn học và lớp trẻ thanh, thiếu niên. Khi biết tôi vẫn phát hành đều đặn tạp chí văn học nghệ thuật Suối Văn và thường xuyên có những hoạt động dành cho thiếu nhi như viết sách, thực hiện băng đọc truyện và tổ chức thi tuyển tài năng mới cho các em hằng năm ở Bắc Cali, ông chia xẻ sự vui mừng và khuyến khích tôi nên cố gắng duy trì và phát triển các công việc tốt đẹp này. Mặc dù giờ đây đã lớn tuổi nhưng nhà văn Doãn Quốc Sỹ vẫn hăng hái hoạt động. Ông cũng từng làm cố vấn cho Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Và trong một dịp được mời làm MC cho buổi ra mắt Tân Ban Chấp Hành Văn Bút Trung Ương/ Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2003-2005 tại San Jose, tôi được gặp gỡ nhà văn Doãn Quốc Sỹ từ tiểu bang Texas đến tham dự với tư cách Cố Vấn. Cuối tháng 5 năm 2003, tôi rời San Jose để bay sang Minnesota ra mắt tập sách “Trần Thế Vinh Và Phi Vụ Cuối Cùng” do người bạn là Bạch Hạc tổ chức. Qua đầu tháng sáu, trở về lại Thung Lũng Hoa Vàng, tôi thật cảm động và rất vui khi nhận được món quà quý của bác Doãn Quốc Sỹ gởi tặng qua Bưu Điện, đó là ba tác phẩm đẹp của bác: Ba Sinh Hương Lửa, Vào Thiền và Người Việt Đáng Yêu Tôi ôm những quyển sách ấy trong tay mà bồi hồi nhớ đến thuở học trò với bao niềm vui sướng khi được cầm những quyển sách đẹp, những cuốn truyện hay như thế này. Nói lời cảm ơn bác thôi chưa đủ, tôi muốn được thưa cùng ông: “Bác Doãn Quốc Sỹ ơi, món quà của bác, quý giá vô cùng, vì đó là đôi cánh mạnh mẽ giúp cháu bay về được khung trời thân yêu ngày nhỏ, một thế giới hồn nhiên, trong sáng biết là bao, mà đã lâu cháu phải cách biệt, rời xa với nhiều luyến tiếc và buồn rầu. Bây giờ với niềm vui này, cháu xin cảm ơn bác thật nhiều”. Tháng bẩy năm 2004, tôi có dịp qua thăm thành phố Houston. Chuyến đi bất ngờ nhưng cũng rất vui được gặp gỡ nhiều bạn văn, thơ thân mến nơi đây. Chỉ tiếc là không đến thăm bác Doãn Quốc Sỹ được dù rất cảm động với lời mời nhiệt tình tử tế của bác vì không có xe mà nhà bác lại ở một khu vực khác khá xa. Mãi tới hôm cuối cùng mới nghe họa sĩ Phạm Thông cho biết nhà anh chị ở rất gần nhà bác nên có thể đưa tôi đến thăm được thì đã là hôm cuối cùng của chuyến đi, tôi không còn đủ thời gian đến thăm viếng bác, thật là tiếc, chì còn biết hẹn lại với bác và anh chị Phạm Thông một lần khác nếu có dịp trở lại Houston. Và chuyện tôi biết mới nhất về nhà văn Doãn Quốc Sỹ là ông vừa ghé thăm tòa soạn báo Người Việt ở Nam California, tháng 9 năm 2006. Tại đây tình cờ ông gặp lại Luật sư Trần Thanh Hiệp ở Pháp qua Mỹ để diễn thuyết về Dân Chủ và Nhân Quyền. Chuyện ấy vui và cảm động. Vui vì ông được những người phụ trách báo Người Việt đón tiếp niềm nở, thân kính ông như người Thầy, người anh. Cảm động khi nghe mô tả lại cái bắt tay thật chặt, thật thân thiết như tình bạn gắn bó giữa ông và luật sư Trần Thanh Hiệp từ thuở còn sinh viên cùng làm báo chí với nhau đã mấy mươi năm. Những người bạn cùng một thời với nhau, giờ đây kẻ mất người còn. Cuộc biển dâu theo vận nước điêu linh đã ba mươi năm hơn, không biết chừng nào thì… thôi, biết bao người hỏi vậy và chờ đợi không được đành cỡi hạc về cõi khác. Người còn thì lưa thưa. Còn, như nhà văn nhà giáo Doãn Quốc Sỹ quý biết ngần nào. Tôi luôn luôn mong ông vẫn cứ là tác giả Gìn Vàng Giữ Ngọc, là người sống mãi với tuổi thanh xuân Việt Nam. Tôi cầu chúc ông khỏe mạnh, đặc biệt xin được chúc mừng tuổi thọ sinh nhật của ông tám mươi tư tuổi vào ngày 18 tháng 2 năm 2007. Viết về Doãn Quốc Sỹ, tôi đứng ở góc cạnh người đọc văn ông hồi tôi còn đi học, hồi tôi ở tuổi mới lớn… Tôi yêu mến những câu văn chải chuốt mà dịu dàng, trong sáng và chừng mực của ông… trong những tập truyện mà ông đã viết. Bác Doãn Quốc Sỹ ơi, cháu muốn mãi mãi còn là cô bé học trò đi trên những con đường rợp bóng mát của hàng lá me xanh Sàigòn, nói nho nhỏ bên tai cô bạn cùng trường: “ Nhỏ ơi, mình mới mua được cuốn Dòng Sông Định Mệnh của Doãn Quốc Sỹ” và nghe nó nói: “Hôm nào đọc xong đừng quên cho mình mượn nhé, mình cũng thích đọc truyện của nhà văn Doãn Quốc Sỹ lắm”. Ôi, cái thời xưa thân ái, thuở học trò đó, sao mà tươi vui, nhẹ nhàng, yêu mến quá. Cháu mong bác Doãn Quốc Sỹ môt hôm nào sẽ ghé lại San Jose để có một buổi hội ngộ hàn huyên và bác sẽ kể cho nhiều người thương mến bác nghe lại chuyện Sàigòn trước tháng Tư 1975. Ngày đó, cháu sẽ mặc áo dài trắng, đơn sơ như thuở học trò, ngồi lắng nghe giòng thời gian rộn ràng trôi trở lại, xôn xao vỗ về bao kỷ niệm một thuở một thời của Sàigòn yêu dấu cũ… ngọc thủy (đầu mùa thu năm 2006)
|