Xin mời các anh chị em cùng đọc Lá Thư tâm Tình 13 do cô Thu viết nhân dịp Tết Đinh Hợi.
Lá Thư Tâm Tình 13: Tết Thủy Tiên
Em yêu,
Lại một năm nữa trôi qua. Mùa xuân Đinh Hợi đang thấp thoáng ngoài song cửa. Cali sau mấy tuần lạnh bất thường dưới độ không, vườn nhà chị cây cối cành lá như bị luộc chín trông thật tang thương, mấy hôm nay lá chín khô đã bắt đầu rụng và chị đã ra vườn quét dọn, cắt các cành chết, làm một “spring cleaning” chào đón mùa xuân. Chị đã nhìn thấy những nụ hoa đào lấp ló ở hai cây đào bên hông nhà, và cây mai trong chậu đã bắt đâù hé nụ. Hôm qua đi chợ ở Orange County thì mới thấy muà xuân về rực rỡ, không biết bao nhiêu là cành đào hồng thắm, cành mai vàng óng ả và đặc biệt năm nay có rất nhiều hoa lan. Chị ở đây cách xa cộng đồng Việt nên mùa xuân nếu có cảm thấy thì chỉ là mênh mang ở trong lòng, nghe những khúc nhạc xưa, nhìn thoáng một nét mai vàng, một cành lan hay mấy nụ hoa đào thì biết là xuân về, tết đến và nặng lòng hoài cổ...
Nhớ nhiều đến ngày xưa, đọc nhiều và nghe nhiều đến một thứ hoa các cụ chơi ngày tết ở miền bắc mà thỉnh thoảng em cũng có hỏi chị vì em ít thấy bây giờ, hoặc là chỉ nhìn thấy hình trong các báo Xuân. Đó là hoa thủy tiên. Hôm nay nhân dịp năm hết tết đến chị kể chuyện tiả hoa thủy tiên cho em nghe nhé, để gọi là một chút quà đầu xuân...
**********
Năm nay là năm thứ hai chị đi tìm củ thuỷ tiên đem về tập tỉa. Khởỉ đầu là theo hứng của một người bạn đã tỉa bao nhiêu năm nay rồi, thêm vào những bức hình của một người bạn khác gửi cho, thấy quả là một công trình tuyệt kỹ cuả các cụ ngày xưa. Bây giờ lại được nhìn thấy tận mắt cái công trình đó nên tự nhiên cũng muốn thử làm. Để chị kể đầu đuôi cho em nghe ....
Bắt đầu cuối tháng 11 âm lịch là phải đi tìm xem ở đâu có bán củ thủy tiên. Tiếng Anh gọi là narcissus chứ không phaỉ daffodil. Trông đại loại cũng như củ hành tây, có vỏ nâu bọc ngoài, nhưng có thêm vài nhánh nhỏ xung quanh một nhánh lớn ở giữa. Nếu khéo chọn thì được củ tròn chịa, ít nhánh nhỏ thôi (cho dễ tỉa) và trông xòe ra như một bàn tay bốn năm ngón. Đem về cứ gói giấy báo để ở chỗ mát, một góc nhà đâu đó. Đầu tháng chạp âm lịch thì đem ra bắt đầu tiả.
Những củ thủy tiên chưa tỉa

Phải có một bộ dao (2 con dao nhỏ) một lưỡi ngắn để cắt và một lưỡi dài để ‘lách’ vào các múi , các ... ngõ ngách của củ thuỷ tiên, mà không đụng vào các ‘giò’ hoa đã tiả. Giò hoa là cái phần nõn ở phía trong cùng của mỗi múi ..hành sau khi đã bóc dần từng lớp vỏ ngoài. Mình phải bóc vỏ thế nào để cho cái giò non đó nó lộ ra mà không đụng phải nó, trông trầy sát bởi vì chỉ lỡ tay quá trớn một tý, đụng phải người đẹp mỏng manh này là người đẹp ốm yếu gầy mòn và..đi luôn. Người ta ví hoa thủy tiên như một nàng tiên đài các, dễ vỡ, dễ tan, phải nâng niu, săn sóc vơí sự nhẹ nhàng, tỉ mĩ. Nâng niu như một nhà thơ, nhà văn nhìn tác phẩm của mình, nhìn đứa con tinh thần của mình lớn dần, thành tịu, nâng niu với cả một tấm chân tình.
Những củ thủy tiên vừa được tỉa xong, sẵn sàng để ngâm vào nước, mặt cắt nằm úp xuống dước nước.

Sau khi tỉa hết mấy cái “tay” để lộ mấy cái ‘giò’ ra thì rửa sạch sẽ, để nước vòi chảy nho nhỏ rửa cho sạch nhựa và úp mặt củ đã tỉa vào một chậu nước rộng rãi trong 1, 2 ngày. Sau đó, đem củ đặt vào bát, rộng hẹp tuỳ theo hình dáng hay cái ‘tay’ cuả củ, bắt đầu một chương trình săn sóc bằng cách rửa củ bằng vòi nưóc nhỏ cho hết nhựa, thay nước trong bát mỗi ngày trong 3 tuần kế tiếp cho đến ngày hoa nở (từ 3 tuần trở ra tùy theo thời tiết). Loài hoa này thích sạch sẽ và thích nước nên gọi là thuỷ tiên chăng? Lúc ngâm nước cũng phải đổ cho ngập đến cuống hoa cho “củ” được trắng muốt như củ hành tây mơí bóc và chỗ nào còn nhô lên khoỉ mực nước thì phải lấybông gòn nhúng vào nước đắp lên để cho củ khỏi thâm.
Lúc mới tỉa xong thì củ mầu trắng và chút lá xanh nhạt như cây thiếu nắng. Rửa mỗi ngày, kỳ cọ kỹ càng nhưng nhẹ tay cho hết những nhớt bên ngoaì vỏ. Sau độ một tuần thì đã thấy lá xanh bắt đầu mọc chồi ra, giò hoa cũng lớn thêm và lá nào có tỉa đều thấy uốn cong và thấp nhưng không mọc dài và thẳng như củ mọc tự nhiên không được tiả. Làm như thể tiả hoa là “cà” vào chân giò hoa một chút, làm cho nó bị thương một tý và nó không lớn được, không mọc cao nghều lên được. Các lá thì nhờ có cắt lượn vào một chút nên cũng không mọc thẳng như cây hành mà uốn cong xuống rất đẹp. Nghe nói thì có vẻ dễ dàng nhưng quả thực không dễ vì khi mình bóc từng cái “áo” một để lộ cái giò hoa ra thì rất dễ quá tay, đụng phải giò hoa làm cái túi bọc các nụ bị rách, và thế là hoa lụi đi, không nở được. Hoặc là quá tay cắt vào chân của giò hoa nhiều quá thay vì chỉ “cà” vào chân đó một chút xíu (để “dwarf” cành hoa khỏi mọc cao) thì cũng ..thôi rồi, hoa nở èo uột hoặc cứ uá đi mà không lớn.
Củ thủy tiên đã được ngâm trong nước 2 tuần lễ, bắt đầu ra nụ

và hoa

Tuy nhiên những cành lá vẫn nằm thấp dưới chậu


Củ thủy tiên mọc tự nhiên, không được tỉa gọt nên ra lá và cành dài và cao

Chi đã từng “giết” khá nhiều người đẹp loại này vì có lẽ mắt chị không được tinh lắm, gặp một củ xấu, nhỏ mà giò hoa chỉ bằng cái tép bưởi thì mắt bà già này làm sao nhìn cho ra. Hoặc là có hoa nở nhưng không nhiều, hoặc là hoa không được mạnh, hoặc là không “đả” gốc của giò nên cành hoa vẫn nở nhưng mọc dài lêu đêu. Có một lần chị lấy nước mưa, nghĩ như nước mưa ngày xưa mình còn ở nhà quê VN, nước trong và ngọt lịm. Ai ngờ nước mưa cùng LA có 300,000 cái xe chạy và nhả khói mỗi ngày, đem acid rain để tắm rửa cho người đẹp mỏng manh thì còn chi là đời. Đôi khi, bàn tay tuyệt kỹ của các cụ ngày xưa có khi cố tình để lại một hai giò không tiả, để nó cao và lại uốn được thành hình con công con phượng, chứ chị thì chỉ mong nó nở được nhiều là đã đủ mãn nguyện, tạm gọi là thành công!! Củng chưa tính được ngày giờ dễ hoa nở đúng vào lúc giao thừa cuả đất trời hay đúng ngày mồng một Tết! Nhưng chị cũng biết khi không mà mình ngôì một tiếng rưỡi đến 2 giờ đồng hồ để tiả một củ thuỷ tiên, rồi hì hục rửa mỗi ngày, cầm lên cầm xuống, ngắm tới ngắm lui trong suốt 25 ngày tiếp theo là ngày đoán chừng hoa nở, thì đấy là cái dấu hiệu ...về già của chị, và cũng nhờ thế mới thông cảm được với các cụ ngày xưa, còn rủ nhau đi thi hoa thuỷ tiên xem chậu hoa nào đẹp, nở có đúng ngày giờ không, hoa còn hàm tiếu hay đã mãn khai, dáng dấp thanh tao cỡ nào. ..Các cụ mất ăn mất ngủ vì hoa. Có khi đang đêm cũng bật dậy, sợ hoa nóng quá hay lạnh quá sẽ nở sớm hay trễ hơn dự định. Thế mới biết nghề chơi cũng lắm công phu!
Nếu rủi mà hoa không sống thì con người văn nhân đa cảm cũng khóc thương cho đời hoa yểu mênh. Nhà văn Nguyễn Lân, cũng là nhà giáo, có một người học trò tên là Kiều Hạnh, tài nghệ tỉa hoa đã vào bậc” sư”, năm nào cũng tặng ông một chậu thuỷ tiên, chẳng may lần này thuỷ tiên không sống. Ba tháng sau người họ trò lại đem tặng ông một chậu khác. Em hãy nghe nhà văn Nguyễn Lân khóc thuỷ tiên và cảm kích tấm chân tình của người học trò trong bài thơ sau đây:
Kiều Nữ Thủy Tiên
Một đêm trừ tịch
Em đến bên anh
Vóc mai, mình hạc thanh thanh
Đợi chờ em...một năm tròn xa vắng
Trong tay anh, Thuỷ Tiên mảnh khảnh
Trang nhã và ý nhị làm sao
Chiêm ngưỡng em, anh tự hào
Em vẫn đẹp, vẫn vô cùng thu hút!
Ngày từng ngày, nâng niu chăm chút
Em héo mòn, ủ dột nét hoa
Em ra đi trong nắng chiều tà
Nhìn nhau lần cuối tưởng là vĩnh quyết...
Ba tháng qua, tin em biền biệt
Em ởi đâu? Em ở nơi đâu?
Nhớ em trằn trọc đêm thâu
Nhớ em rưng rưng mắt lệ...
Bỗng một chiều...
Trong huy hoàng, diễm lệ
Em trở về ngào ngạt hương hoa
Em trở về đẹp lộng lẫy, kiêu sa
Em trở về như lòng anh mơ ước!
Lặng nhìn em ngâm mình trong bồn nước
Thân nõn nà, tươi mát, Thuỷ Tiên ơi!
“Bên người một đoá hoa trời,
Bao nhiêu hoa thế rã rời hết hương”.
Nhụy tim vàng nhỏ nhẹ: “Anh thương...
Câu thơ này, xin tặng cho Kiều Hạnh.
Người có bàn tay thánh thiện,
Có bàn tay mầu nhiệm từ bi!
Đóa hoa trời lồng bóng Kiều Nhi
Kiều Nhi! Kiều Nhi!
Tạ ơn nàng cho em Hương Sắc! “
Nguyễn Lân 4/2001
Chị gửi kèm theo đầy mấy cái hình thuỷ tiên để em có chút ý niệm, mong cũng nói lên được một phần nào cái đẹp của một thời vang bóng...và chị gửi cho em, cho các em lá thư này thay lời chúc tụng đầu xuân...
THU LÊ 2/14/07