(
Đoạn Trường Bất Khuất-
hạm Trần Anh tiếp theo)
1) Phần hồi ký:
Tác giả đã khởi đầu phần hồi ký bằng câu chuyện tình buồn. Vào năm thứ ba, anh được phép viết thư về nhà. Giống như hằng ngàn chàng trai cải tạo khác, khi nghĩ tới người vợ trẻ đang phải bương chải trong cuộc đổi đời tàn bạo “Nhà tôi có chút nhan sắc lại duyên dáng điểm xuyết thêm tâm hồn văn nghệ, nàng theo học Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế…” (tr. 45) Lời thư tựa như máu ứa ra từ tim như môt bản tuyệt tình ca“Không biết bao giờ anh trở về thôi thì, nếu em cảm thấy cuộc đời cần bước đi bước nữa thì cứ thanh thản ra đi vui sống, đừng bận tâm điều gì cả miễn là em cố gắng nuôi năm đứa con của chúng ta nên người thì dù anh có chết, anh cũng vui lòng. Anh viết cho em những dòng này với tầt cả tình yêu và sự suy nghĩ chin chắn nên không ai, kể cả gia đình mẹ anh và các cô chú có thể nghĩ không đúng về em, em ạ!” (tr.45) Và hơn sáu tháng sau, anh nhận được thư hồi đáp “Anh biết không, nhận được thư anh em cảm thấy buồn bực, ngỡ ngàng, buồn vì chồng còn nghi ngờ không hiểu mình - nên đang học xuất sắc tụt xuống hạng tồi. Anh làm khổ em nhiều đó chưa đủ sao anh yêu !?” (tr. 46) Thế nhưng:
Đời như gió gào
Từng ngày người quên hết lời
Một ngày người đi mất rồi
Mà người chẳng biết giã từ
(Bài thơ Tuyệt Tình Ca trong tập thơ tù Tổ Ấm Cuối Cùng của Đào Văn Bình xb năm 1987)
Nàng Tô Thị của Phạm Trần Anh đã ôm cầm sang thuyền khác để lại trong anh một vết thương lòng không thể nguôi ngoai “Tôi vẫn yêu nàng thơ xứ Huế của tôi.” (tr. 47) Thế rồi khi Phạm Trần Anh ra tù, nàng vẫn thường đến thăm, ngày cưới của con gái Quỳnh Trâm “Nàng đã lên ngâm bài thơ Đôi Bờ của Quang Dũng. Nàng quá xúc động nên đang ngâm thơ bỗng dưng nghẹn ngào không ngâm được nữa. Nàng bỏ lại tất cả quan khách còn đang ngỡ ngàng, vội vã ra đi che dấu những dòng nước mắt nghẹn ngào…” (Tr.46)
Trong khoảng thời gian bị cùm biệt giam, Phạm Trần Anh suy nghĩ về cuộc đời của Cụ Nguyễn Du, Cụ Nguyễn Công Trứ mà tứ thơ dào dạt. “Sau bảy năm bị cùm ngửa chỉ mơ có một giấc ngủ được nằm nghiêng, Máu anh hùng nổi lên thách thức ngạo nghễ”: (*)
Chân cùm tay xích đầu sao xích?
Xích sẽ có ngày xích phải tung
Tư tưởng tinh thần làm sao xích?
A ha! A ha!
Xích sẽ có ngày xích phải tung. (Tr. 61&62)
Sau đó Phạm Trần Anh lại đưa chúng ta về “Những giờ phút Sài Gòn hấp hối” (*). Anh quyết định ở lại với đất nước dù tất cả gia đình, cha mẹ đã xuống tàu. Rồi dùng lý lịch giả “gia đình cách mạng” cùng Tú Kếu thành lập Mặt Trận Người Việt Tự Do Phục Quốc Diệt Cộng. Nhưng do kết nạp vội vã, thiếu cảnh giác đã bị công an gài người vào theo dõi khiến chiến hữu Nguyễn Văn Thầm thấy bị lộ phải uống dầu máy tự sát, tránh không cho cộng sản khai thác. Anh mô tả lại cảnh công an bắt anh tại nhà như sau “Một trung đội công an súng ống tận răng, thằng nào thằng nấy hùng hổ đầy vẻ căm thù tràn vào nhà, đè ngửa tôi ra rồi còng tay trước sự kinh hoàng của vợ và các con tôi.” Trước tình thế đó “Tôi hiểu rõ mọi việc xem như đã thua rồi nên thản nhiên nói ‘các anh muốn gì? ‘thì một tên công an nhào tới tát vào mặt tôi một cái như trời giáng rồi hằn học nói ‘Mày phản động, dám chống lại chúng ông mà còn lý sự hả?” (tr. 75) Rồi anh bị dẫn vào trại giam. “Vừa bị đẩy vào phòng thì nghe tiếng quát giọng Bắc Kỳ đặc sệt “Địt mẹ mày, giờ này mà còn phản động… để tao xem gan mày to bao nhiêu mà dám chống lại chúng ông, úp mặt vào tường, khẩn trương lên! Bất thình lình một báng súng như trời giáng vào lưng đau nhói tá hoả tam tinh… chưa kịp hoàn hồn thì những cú đấm cú đá dồn dập, tôi lảo đảo té xấp vào tường không biết gì nữa..” (tr. 75)
Sau khi tuyên án, anh được di chuyển tới Trại Tù Đại Bình (có lẽ thuộc tỉnh Lâm Đồng). Tại nơi đây tù kiên giam bị nhốt vào dãy xà-lim mới xây hết sức kiên cố mà anh em gọi đùa là “Tứ Giác Đài”. Tiêu chuẩn ăn của tù “mỗi tháng 7 kilô thực phẩm bao gồm gạo mốc mủn lẫn khoai lang, bắp, khoai mì (sắn) mốc meo lên màu chạy chỉ đen có, xanh có xen lẫn vàng khè…” Cho nên tù biệt giam sống sót nhờ cái hộp đựng phân do Cụ Phạm Xuân Thái đặc trách vệ sinh đem vào. Vì đồ ăn quá ít cho nên gần như tiêu hoá hết, cứ hai tuần mới đi tiêu mà anh em gọi đùa là đi “Tham quan lăng Bác”. Một cái hộp vuông mỗi bề 25cm bên trong đựng mạt cưa để tù “thăm lăng Bác”. Cụ Thái đã bỏ vào đó một khúc khoai mì dài khoảng 10-15 cm. Khi cán bộ trực trại đi rồi thì anh em “bới lớp mạt cưa lẫn phân, chia nhau mỗi người một miếng rồi ăn tươi nuốt sống, bất kể ..” (tr. 80) Trong thời gian này anh cùng một số anh em người Thượng chuẩn bị một chuyến vượt ngục nhưng vì có lệnh chuyển qua Trại Xuân Lộc cho nên thoát chết. Cuộc vượt ngục bất thành do anh em yếu quá không đủ sức băng rừng. Một số bị bắt lại, một số bị bắn chết thật thê thảm.
Vào khoảng Tháng 8, 1980 trại tù đã xảy ra một cuộc thảm sát do tổ chức đánh cai tù để vượt ngục bất thành, khiến sáu anh em tù bị bắn chết, xác nằm ngổn ngang mà nhà thơ Tú Kếu đã diễn tả qua bài thơ Vô Đề. Đây chính là bản cáo trạng về chế độ cộng sản bạo tàn:
Chính đêm ấy, mảnh trăng liềm đẫm máu
Tưởng chừng như thân thể bạn bè tôi
Uốn cong lên khi bị bắn tơi người
Miệng nguyền rủa nhưng không còn tiếng nói
Môi mấp máy, đúng môi còn mấp máy
Như muốn tuôn dòng thác đổ căm hờn
Như muốn gào to. Không thể dã man hơn!
Không thể dã man hơn. Quân khốn kiếp!
Có lần anh đưa cho LM Trần Thế Phiệt tài liệu “Đường Hướng Cách Mạng Hoá, Hiện Đại Hoá Việt Nam ” giấu trong cuốn giấy vệ sinh nhưng chắng may bị an ninh trại khám thấy. May nhờ một mực khai đó chỉ là bản chép lại chủ trương của thủ tướng Jamaica có đăng trên báo Nhân Dân cho nên cả hai thoát án tử hình. Theo Phạm Trần Anh, trong các trại tù cộng sản có lẽ tên cai tù Phi Sơn là một tên khát máu nhất mà theo nhà phạm tội học Lombroso thì Phi Sơn quả là loại người “sát nhân bẩm sinh” (*)” Không rõ tên thật y là gì, chỉ biết y mang bí danh này từ lúc còn là trưởng ban ám sát Tỉnh Lâm Đồng. Một tay y đã giết bao nhiêu quân nhân viên chức VNCH và cả đồng chí của y nữa. Dáng người dị dạng cao lều khều, lúc đi lưng hơi còng, cặp mắt đỏ ngầu sâu hoắm, đôi long mày rậm và gò má nhô lên, mặt lạnh như tiền, hai hàm răng lúc nói chuyện san sát như nghiến lại nên dường như tù nhân nào cũng không dám nhìn thẳng vào mặt y. Trong lúc uống rượu cao hứng y say sưa kể chính tay y đã giết không biết bao nhiêu là người. Nghe nói có lần y bắt được viên đại úy ở Chi Khu Đơn Dương, Lâm Đồng. Sau khi đánh đập, tra tấn không khai thác được gì, y trói hai tay nạn nhân vào một gốc cây rồi khoét hai mắt cho máu chảy ra để kiến bu lại. Đến khi quân ta tìm được thì xác đã thối rữa, dòi bọ bò lổn ngổn, ruồi kiến bu quanh…” (tr.89). Hành vi tàn ác của Phi Sơn có thể sánh với Nguyễn Ngọc Cơ tự Sáu Búa – Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Bặc Liêu trong cuốn hồi ký 26 Năm Lưu Đày của TT. Thích Thiện Minh.
Trong một lần thăm nuôi bất ngờ do Tú Kếu - được thả trước - có lòng tới thăm anh em, tác giả may mắn gặp một số khuôn mặt như Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Hải Thủy, Trí Siêu Lê Mạnh Thát và Tiến Sĩ Kinh Tế Mã Thành Công. Riêng đối với nhà văn Doãn Quốc Sĩ tác giả tỏ lòng kính trọng đặc biệt “Tôi thường gần gũi để học thêm, lãnh hội thêm những cao kiến cùng đức tính nhiệt tình và chân thật của bậc thức giả này. (tr.97)
Rồi trong một buổi học tập dàn dựng để bầu “Hội Đồng Tự Quản” hầu qua mặt các phái đoàn quốc tế tới thăm trại, Phạm Trần Anh được anh em đề cử ra tranh chức đội trưởng để đối đầu với ứng viên cò mồi do cai tù đề cử. Sau khi đảm nhiệm “chức đội trưởng” trong biên bản bàn giao anh yêu cầu phải chứng minh rõ số lúa tồn kho thì được đội trưởng cũ cho biết khoảng hai tấn lúa do anh em tù sản xuất đã được dùng để biếu cai tù, quản giáo, trực trại và giám thị… trong khi đó anh em tù nào đói quá lấy trộm một hai chén thóc là bị cùm kỷ luật cả tuần lễ. Nhận được biên bản này, bọn cai tù và giám thị ngậm đắng nuốt cay không thể nói gì nhưng tìm cách trả thù. Nhân dịp giỗ bố, Phạm Trần Anh có mời mấy thầy bên Dòng Đồng Công, TT. Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), TT. Thích Thiện Minh và nhà văn Doãn Quốc Sĩ. Thế là trực trại ùa vào lập biên bản, sáng sau có lệnh cùm kỷ luật Phạm Trần Anh vô thời hạn. Tuy nhiên chỉ mấy tuần sau thôi cai tù phải thả anh ra vì cả trại xôn xao khi TT. Thích Thiện Minh tuyên bố tuyệt thực vô thời hạn nếu không thả Phạm Trần Anh ra.
Cũng trong khoảng thời gian này (tác giả không ghi rõ năm), tù cải tạo gốc quân-cán-chính VNCH từ ngoài Bắc chuyển về rất đông cho nên tác giả có dịp gặp gỡ một số khuôn mặt như Đại Tá Nguyễn Văn Lương (CTCT), Đại Tá Vũ Thế Quang, Đại Tá Huy, Đại Tá Không Quân Phùng Ngọc Ấn và Trung Tá Nhảy Dù Bùi Quyền v.v... Anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi và đã tổ chức hát quốc ca, Tù Ca với bản nhạc nổi tiếng Đôi Giày Dũng Sĩ. Sau một vụ xô xát giữa tù nhân và vũ trang cảnh vệ, tác giả tâm tình là trong hàng ngũ công an cai tù vẫn có người ngấm ngầm chống cộng và âm thầm giúp đỡ anh em. Có một đại úy công an nói rằng “Nếu phục quốc đến đây thì tôi là người đầu tiên bắn hết chúng nó. “ (*) Chúng nó đây là công an VC.
Từ trang 105 tới trang 144 tác giả nói về Thung Lũng Tử Thần tức Trại Tù Xuân Phước nằm dưới một thung lũng có tám ngọn núi bao quanh thuộc rừng núi Tỉnh Phú Yên giáp biên giới Lào-Việt mà người tù Vũ Đình Thụy đã mô tả như sau:
Ai đã đến để một đời nhớ mãi
Ai đã qua nơi địa ngục trần gian
Ai đã sống những tháng ngày khốn khó
Thần chết rập rình, địa ngục đâu đây! (tr.106)
Tại nơi đây đã có ít ra năm linh mục đã chết trong biệt giam và cả ngàn ngôi mộ của anh em tù nhân. Nơi mà:
Trông thấy người khác chết
Trong lòng rất xót xa
Nủa thương xót kẻ chết
Nửa nghĩ tới thân ta
(Vũ Đình Thụy tr.107)
Trong thời gian này tác giả chung sống với TT. Thích Thiện Minh gọi thân mật là Thày Ba. Cả hai sau đó lần lượt vào nhà cùm kỷ luật. Để trấn áp tù nhân, nhà cùm chưa đủ, cai tù còn dùng roi điện bắt tù nhân nằm xuống đánh ngay trước cổng trại. Có điều trớ trêu là cùng linh mục nhưng có linh mục “con mồ côi” không ai thăm nuôi sống đói khổ, lao động cực nhọc. Trong khi đó những linh mục khác có xóm đạo dư dả thăm nuôi ăn không hết nên thức ăn ngon, vật dụng đẹp, thuốc bổ đều mời cán bộ sơi dùm cả… và hầu như không chia xẻ với các linh mục khác chút gì gọi là bác ái cả!” (tr.114 &115). Theo người tù Nguyễn Quang thì nhiều người mong lập thành tích đái công chuộc tội trong đó có Thày Phạm Hồng Quang, LM Đinh Xuân Thụy “ông này không những cầm sổ kẹp nách, vừa ghi chép, vừa chạy giữa trưa nắng thật buồn cười, tay kia cầm gậy thọt thọt khắp nơi trong trại và cả chiều tối xem có tù nhân nào đào vách khoét tường không..” (tr.115). Thế nhưng theo Phạm Trần Anh, “bên cạnh những con sâu làm rầu nồi canh, có một số linh mục đáng kính hy sinh tại Thung Lũng Tử Thần” như: LM Nguyễn Huy Chương bị kiên giam cho đến chết, LM Nguyễn Luân bị kiên giam, trước khi chết vẫn còn dặn dò mọi người hãy vì con người đấu tranh cho quyền làm người, LM Nguyễn Văn Vàng kiệt sức chết trong xà-lim, LM Phong kiệt sức chết khi lao động, LM Nguyễn Quang Minh (Vụ Án Vinh Sơn) bị đánh dập lá lách, trào máu họng chết.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất trong một trại tù kìm kẹp khốc liệt như thế mà lại có tài liệu học tập chống cộng gọi là “Báo Chui” do một số tay gan lì như Vũ Ánh, Phạm Chí Thành, Nguyễn Xuân Nghĩa, Thiếu Tá TQLC Võ Đằng Phương chủ trương rồi bị bắt giải về Phan Đăng Lưu để điều tra nhưng không tìm ra manh mối cho nên đem trở lại trại, nhốt vào xà-lim cho đến khi Ân Xá Quốc Tế can thiệp. Rồi lại có các tù nhân trẻ như Trần Minh Tuấn quê ở Bình Định dám rải truyền đơn ngay trong trại tù và Phạm Văn Thành, Nguyễn Văn Trung. Chính mấy anh em này đã làm Cuộc Nổi Dậy tại Xuân Phước ngày 28-10-1994 .
Thung Lũng Tử Thần Xuân Phước cũng còn là “nơi dừng chân” (*) của các người tù như LS Trần Danh San, LS Nguyễn Chuyên, LS Lý Văn Hiệp và anh Nguyễn Chí Thiệp cựu Phó Tỉnh Trưởng Quảng Nam. Ngoài ra lại có cựu SV/QGHC Cao Văn Bình ra toà thách thức quan toà VC tuyên án tử hình. Thế nhưng tên chánh án thâm độc này tức tối nói rằng ”Mày muốn làm anh hùng hả? Tao chỉ cho mày một bản án chung thân, nghĩa là tù rục xương để mày chết lần chết mòn trong bốn bức tường đá, chứ dại gì cho mày chết ngay!” (tr.123). Anh Cao Văn Bình sau ba lần tự sát mới thành công để được thoát kiếp đoạ đày. Lần cuối cùng anh nhảy vào chảo nước sôi kết liễu đời mình.
Vào năm 1991 tác giả có một chuyện vui khi bà cụ đến thăm trước khi đi Mỹ, có cho tác giả 800,000 (tiền VC). Anh đã dùng tiền này để nhờ giám thị trại mua một máy truyền hình để anh em coi cho đỡ buồn, nuôi hai con heo, khoảng 200 con gà và mấy chục kílô cá rô, cá trắm cỏ để “bồi dưỡng” cho anh em. Bọn cai tù mừng húm và hứa sẽ đề nghị giảm án xuống cho anh còn 20 năm. Bà cụ thấy con mình tù tội đã 16 năm cho nên nước mắt dưng dưng năn nỉ con viết đơn xin giảm án. Anh đã khóc vì tình thương của mẹ nhưng cảm khái nói “Mẹ đừng nói nữa. Con không bao giờ làm đâu. Con cam tội bất hiếu với mẹ còn hơn là nghe lời mẹ ký vào đơn xin giảm án..!!!” (tr.140) Phạm Trần Anh khác với Từ Thứ năm xưa vì mẹ mà về hàng Tào Tháo. Ngày nay Phạm Trần Anh thà chịu tội bất hiếu với mẹ chứ không bao giờ đầu hàng cộng sản và phản bội anh em. Đó chính là tinh thần Bất Khuất của thiên hồi ký này.
Trong những trang cuối cùng của phần hồi ký khi đã định cư tại Thành Phố San Diego, California, anh tâm tình lý do tại sao anh cho ra đời cuốn sách: “Trong Bữa Cơm Cay Đắng của Tổng Hội Cựu Sinh Viên QGHC tổ chức để ôn lại kỷ niệm và đọc thơ tù cho anh em, tôi không đến được cho nên viết những tản mạn tâm tình Đoạn Trường Bất Khuất như để tạ lỗi cùng anh em.” (tr.142)
(
Còn tiếp)