Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - "Mẹ già như chuối Ba Hương  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra
"Mẹ già như chuối Ba Hương (Read 1860 times)
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
"Mẹ già như chuối Ba Hương
12. May 2007 , 23:46
 
Nhớ Mẹ


http://kimvo.net/NhoMe_TrangBichDiem.htm

- - - oOo - - -

Với tôi, hình ảnh người hiền mẫu mang một giá trị thiêng liêng cao quý ẩn chứa trong ý nghĩ riêng tư của mình. Tôi đọc bao nhiêu bài văn viết về Mẹ, mỗi tác giả hình như họ rung cảm khi kể về Mẹ của mình, bây giờ tôi viết về Mẹ tôi cảm nhận được cái tâm tư như họ. Kể vể về Mẹ là kể về đấng sinh thành gần gủi nhất, vì chính bà mang nặng đẻ đau để có ta. Tôi mường tượng Mẹ tôi từ một cõi xa xăm trở về với tôi trong ngày lễ Mẹ để có Mẹ bên cạnh, dù là ước mơ có bên cạnh với nhiều người rất dễ, đương nhiên vì sẵn có. Nhưng với tôi xem chừng vô vọng vì tôi đã đeo hoa hồng trắng từ lâu rồi.

Tôi yêu câu thơ đồng dao vẫn thường được đề cập trong sách vở, trong dân gian hay trong nỗi quyến luyến trong tâm hồn của tôi:  

"Mẹ già như chuối Ba Hương
Như cơm nếp mật như đường mía lau"

Hay câu đồng giao khác nói về niềm ước mơ của sự hiếu thảo của con cái đối với người mẹ:  

"Đêm đêm ra đốt đèn trời,  
Cầu xin Mẹ mãi sống đời với con"

Tháng tư năm 75 định mệnh đến, miền Nam rơi vào tay cộng sản, xã hội thay đổi, khoảng 5 năm sau khi phong trào vượt biên rầm rộ thì mẹ tôi bàn tính cho chị em chúng tôi đi vượt biên tìm tương lai. Ba tôi là một quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị nhà cầm quyền CSVN bắt đi tù đày. Mẹ tôi phải bương chải buôn bán tìm sinh kế để nuôi anh em tôi. Tôi nghe mẹ thì thầm to nhỏ với anh tôi dẫn các chị em tôi ra đi, vì quyết định cho 3 chị em tôi và thêm một cháu nhỏ đi theo là một quyết dịnh quan trọng. Điều này tôi có thể đọc trên nét mặt u buồn của bà, Mẹ tôi có lẽ mất ngủ trong nhiều ngày, tin đồn về nạn cướp biển, bị lừa gạt, bị công an bắt lại và những mối lo ở xứ ngoài ra khi mà tôi vừa tròn 10 tuổi, tuổi của non nớt, ngây thơ, tôi theo anh cả ra đi cùng với hai đứa em gái, một 7 tuổi, một 5 và đứa cháu 3 tuổi, con của anh tôi đem theo. Vì tình thế ba tôi cộng tác với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị giam cầm, mẹ tôi sợ bị theo dõi bắt lại cả đám, Mẹ hy vọng trọng trách nhờ  vào anh cả của tôi đưa chị em tôi ra đi.

Tôi nhớ buổi chiều trước ngày ra đi, Mẹ dẫn tôi ra chợ đi coi phố xá, thỉnh thoảng bà cuối xuống hôn tôi. Ánh mắt bà long lanh. Tôi nhìn bà, rồi hai Mẹ con ôm nhau khóc. Khi đó tôi không nghĩ đến tương lai như mẹ lo cho tôi, tôi chỉ sợ những khi đi xa cha mẹ, tôi sẽ ra sao khi mà tôi thật sự cần hình ảnh Mẹ đi theo đời tôi. Nghĩ như vậy không thôi cũng dủ bao nhiêu nước mắt tuôn trào. Đoạn Mẹ đưa tôi ra biển, hai mẹ con ngồi dưới bóng cây, hóng gió biển. Nắng chiều đã nhạt dần, tôi nhìn sóng biển trắng xóa từ đằng xa, tôi bổng buồn thêm, cái cảm giác ngày mai làn sóng kia sẽ đưa chị em tôi xa mẹ cha, xa nơi này mà tôi đã quen thuộc, quyến luyến lấy nó. Tôi nức nở khóc thành tiếng, Mẹ hôn tóc tôi, rồi hôn hai bên má của tôi, Mẹ dỗ dành, Mẹ khen tôi đẹp như Ba thường bảo là tôi giống Mẹ như khuôn. Tôi hiểu giờ đây Mẹ cũng lo lắm, Mẹ đang khóc trong lòng nhiều lắm. Ánh mắt lưu luyến của Mẹ cho tôi linh cảm Mẹ đang quặng đau đứt ruột. Vì có lúc Mẹ ôm siết tôi vào lòng, nước mắt Mẹ rơi trên cánh tay của tôi. Hơi ấm của Mẹ truyền sang tôi để mai đây cái ấm áp đó sẽ theo tôi ra đi. Mẹ dặn dò tôi đủ thứ, nào là nhớ lo cho các em cháu, đừng có buồn mà phải ráng học, lo cho tương lai, tôi phải vâng lời và ráng phụ giúp anh tôi lo cho các em cháu,... Từ từ Mẹ tìm cách ra đi sau, vì con nít đi vắng thì công an không để ý nhiều. Mẹ ở lại nuôi Ba trong tù.


Đêm cuối cùng tôi và Mẹ cùng các em chia tay trong bóng đêm, trên một bờ biển đầy rừng cây che phủ. Lúc đó tôi còn nhớ Mẹ đưa cho tôi một cái mền màu xanh nhạt có những đốm xanh đậm và những đốm nâu xen lẫn, vải màu bông dù của quân đội ngày xưa. Mẹ nói khẽ trong màn đêm khi xuống tàu, Mẹ dặn chừng tôi khi ra biển tôi hãy nhớ lo cho các em, đắp mền cho các em và đứa cháu nhỏ kẻo chúng bị lạnh mà sanh bịnh. Lời Mẹ dịu dàng và lưu luyến như còn mãi trong tâm hồn tôi. Mẹ ôm con cháu lần cuối bùi ngùi trong khi chị em tôi nắm tay Mẹ thật chặc khi bước xuống tàu. Tôi có cảm tưởng sắp mất Mẹ, ngước lại nhìn Mẹ, Mẹ nói vọng theo những câu từ biệt ra đi may mắn, trong nỗi xúc động nghẹn ngào vì sắp mất con. Lòng Mẹ lo lắng vì phần biển khơi, phần vì sợ bị bại lộ, nếu bị bắt thì Mẹ ở lại sẽ lo thăm nuôi. Mấy hôm nay mất ăn mất ngủ Mẹ không được khoẻ, Mẹ vẫn ưu tư từ bản tính sợ anh em tôi có mệnh hệ nào xảy ra cho năm đứa, những khúc ruột chắt chiu của Mẹ.



Xuất phát từ bờ biển Phú Quốc trên chiếc ghe máy nhỏ bé, ghe này y như loại người ta dùng để câu cá, nó nhỏ nhắn đến độ không có gì để che nắng che mưa cả, trên ghe điểm danh được 51 người. Lênh đênh trên biển cả hơn 3 ngày 3 đêm mệt mỏi, thức ăn, nước uống cạn kiệt, bởi vì ghe nhỏ, người đông vì chủ ghe cố ý nhét thêm người, không còn chổ cho thức ăn cho một chuyến xa xôi. Mọi người chán nản, mệt lã, bao con tàu lớn chạy ngang, nhưng từ chối dừng lại cứu vớt chúng tôi. Tôi nhớ lời Mẹ thường làm cầu xin Phật Quan Thế Âm mỗi khi gặp gian nguy để tai qua nạn khỏi. Tôi quì gối cầu xin trong màn đêm, xin Phật bà cho phép lạ cứu vớt ghe tôi. Đêm về khuya không gian vô cùng lạnh mấy chị em ôm nhau ngủ, và phủ lên người tấm chăn bông dù Mẹ đưa chúng tôi. Anh tôi đã ngủ. Tôi cũng thiếp đi. Tờ mờ sáng như có một phép lạ nhiệm màu là ghe chúng tôi đã gặp giàn khoan dầu của Tây Đức, họ cho phép chúng tôi đổ bộ lên đó. Vì thuộc lãnh hải của Thái Lan, nên 51 người được đưa vào trại tị nạn tạm cư để phân đi xứ nào có thân bảo lãnh. Còn lại chánh phủ Đức bao chót. Cậu mợ tôi ở Mỹ nộp đơn bảo lãnh chúng tôi, nên chị em chúng tôi được tị nạn trên đất Mỹ.

Thuở 1980 rất khó liên lạc giữa Việt Nam và Mỹ, Mẹ không có tin tức, chúng tôi bơ vơ nơi xứ lạ, bặt tin về Mẹ. Hơn năm 5 sau tôi nhận được tin từ người bà con vượt biên sang cho biết Mẹ bị đau nặng và đã qua đời. Tin Mẹ mất như sét đánh ngang tai tôi. Tôi nhớ văng vẵng lời Mẹ nói với tôi những ngày cuối cùng hãy ra đi trước, khi cha tôi ra tù Mẹ sẽ tìm cách đưa cha mẹ qua đoàn tụ sau. Rồi niềm mong ước đó đã không đến với Mẹ nữa. Kể từ ngày ấy tôi phải đeo bông trắng như vầng khăn tang chịu cảnh mồ côi Mẹ. Do vậy mỗi năm ngày lễ Hiền Mẫu hay ngày Vu Lan đến tâm hồn tôi cảm nhận sự cô đơn, sự trống vắng bóng Mẹ hiền, những gì ngày xưa sống với Mẹ lại hiện về trong tâm trí tôi.

Tôi nhớ về Mẹ mà lòng muốn âu yếm thì thầm bên tai Mẹ:  
"Mẹ ơi, Mẹ có biết là những đứa con của Mẹ, do hoàn cảnh trái ngang mà phải tha phương, ra đi xa xứ, lưu lạc nơi quê người, chính là những đứa con khao khát tình phụ mẫu, lưu luyến kỷ niệm ngày xưa, dù rằng đó chỉ là những hình ảnh cũ của những ngày xa xưa, tuy đơn sơ nhưng chân chất, tuy mộc mạc nhưng gắn bó với nơi chốn quê nghèo bên sự che chở của Mẹ, và nhung nhớ về hoài niệm ở quê mẹ trong nỗi ray rứt tâm can:

"Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều"



Đêm nay trăng sáng như ngày rằm ở quê hương mình, con ngước mắt trông về quê mẹ trong nỗi buồn nhớ Việt Nam, nhớ Phú Quốc, cũng như nhớ Mẹ, câu ca dao cổ xưa đã thấm ướt tâm hồn con, nhạt nhòa bờ mi con, trong niềm xúc cảm vô biên, con  xin Mẹ hiểu thấu lòng con, bởi vì:

"Đêm đêm ra đốt đèn trời,  
Cầu xin Mẹ mãi sống đời với con"

Dù là Mẹ sẽ sống mãi mãi trong tâm tưởng của con, bởi vì con vẫn mãi mãi thương Mẹ. Con xin được ôm Mẹ, được hôn Mẹ yêu thương như ngày xa xưa."
Trang Bích Diễm
Back to top
« Last Edit: 12. May 2007 , 23:48 by LAM SON »  

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Gia Tài Của Cha Tôi
Reply #1 - 10. Jun 2007 , 20:32
 
Gia Tài Của Cha Tôi

Nguyễn Duy-An

Cha tôi không còn nữa! Cha tôi đã mất ngày 22 tháng 5 năm 1998 ở Việt Nam, để lại lại cho tôi một gia tài vô giá. Đó chính là niềm tin, là lý tưởng, là ý chí và nghị lực giúp tôi vững bước trên đường đời.

Ông nội mất khi cha tôi còn bé lắm! Mấy năm sau bà nội “đi thêm bước nữa” nên cha tôi phải nghỉ học để tìm kế sinh nhai nuôi dưỡng 3 người em còn nhỏ dại mặc dầu lúc đó cha tôi cũng chỉ mới 15 tuổi đầu. Cha tôi không phải là người giỏi, cũng không có tài gì đặc biệt nên đã không thể làm giàu về vật chất nhưng ý chí và nghị lực của ông thật tuyệt vời. Cha tôi luôn luôn can cảm đối đầu với sự thật, cho dẫu có phũ phàng, và sẵn sàng chấp nhận “thua một trận để thắng cả cuộc chiến!”

Lúc còn ở miền Bắc, cha tôi đã từng đi “làm thuê ở mướn”, can tâm chịu nhục nhã để tìm phương tiện nuôi dưỡng các em khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho từng người “để cô và hai chú không phải tủi thân vì ông nội chết sớm!”

Sau khi di cư vào miền Nam, ở Bình Giả một thời gian, cha tôi lại một lần nữa đưa gia đình đi dinh điền Phước Tín thuộc quận Phước Bình, tỉnh Phước Long vì sợ con cái mắc phải những cơn bệnh ngặt nghèo vì “ngã nước” nơi vùng đất đầy chướng khí lúc mới thành lập trại di cư này. Nhưng rồi thực tế quá phũ phàng, gia đình tôi lại dọn ngược trở về Bình Giả năm 1966 vì chiến tranh lan rộng trên vùng Phước Long. Một lần nữa, cha tôi đã phải bắt đầu lại từ con số không, ăn nhờ ở đậu anh em bà con, làm thuê làm mướn sống qua ngày, rồi phát rừng kiếm đất cày cấy.

Trong thời gian chạy loạn và di chuyển trở lại Bình Giả, tôi đã mất một năm học, rồi vì tuổi trẻ ham chơi, tôi phải ở lại lớp thêm một năm nữa. Tôi biết lúc đó cha tôi lo buồn nhiều lắm; tuy nhiên, vì sợ tôi chán nản bỏ bê việc học nên cha tôi chỉ ân cần nhắc nhở: “Con phải can đảm vươn lên. Con là niềm tự hào của cha. Nếu tự con không được can đảm cho lắm, thì cũng phải tỏ ra là mình can đảm. Người ta không phân biệt được một người can đảm với một người tỏ ra can đảm đâu…”

Sau năm 1975, khi biết anh em chúng tôi hầu như mất định hướng, không còn hứng thú tiếp tục học, cha tôi chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo: “Các con phải cố gắng mà học. Đời cha đã khổ vì ông nội mất sớm, không được học nhiều nên cứ phải cày sâu cuốc bẫm. Thời nào người có học cũng hơn, các con cố lên, đừng chán nản.” Tôi không bao giờ quên giọng nói nghẹn ngào của cha khi tôi từ giã gia đình trở lại trường học vào một buổi sáng cuối thu năm 1975: “Cha không có một hũ vàng cũng không có một tủ sách để lại cho con. Cha chỉ biết cày sâu cuốc bẫm để nuôi con ăn học cho tới đầu tới đũa… Con đừng cầu mong của cải mà hãy cầu mong sự khôn ngoan, hiểu biết, và lòng dũng cảm.”

Chính nhờ những lời khuyên dạy đó mà đầu thập niên 1980, em trai tôi đã trở thành một giáo viên ở vùng “Kinh Tế Mới Xuân Sơn” gần Bình Giả thay vì phải “thi hành nghĩa vụ quân sự” ở Campuchia như bạn bè cùng trang lứa. Và cũng chính nhờ những lời khuyên dạy đó mà sau khi tới Mỹ, tôi đã tìm mọi cách rời khỏi nông trại của người bảo trợ để tự đi tìm cho mình một tương lai qua việc học.

Những ngày đầu gian khổ ở Mỹ, tôi đã nghĩ thật nhiều về cuộc sống vất vả của gia đình đang lây lất qua ngày ở Bình giả, và thường xuyên ôn lại những lời khuyên dạy của cha tôi để làm động lực thúc đẩy mình phải vươn lên. Thời sinh viên độc thân, với tiền học bổng và làm việc trong trường, tôi cũng tạm đủ sống, nhưng đêm từng đêm tôi vẫn đi quét nhà, hút bụi, lau cầu tiêu… để kiếm thêm tiền mua quà gởi về giúp gia đình bên Việt Nam . Tôi rất vui mừng và hãnh diện vì trong gian nan khốn khó của những ngày đầu sống kiếp tỵ nạn, mặc dầu tôi không đủ khả năng để nuôi các em như cha tôi đã từng làm, nhưng tôi cũng giúp đỡ cha mẹ và các em, các cháu được phần nào qua cơn túng quẫn.

Trước Tết Nguyên Đán năm 1998 tôi vội vã dẫn theo đứa con gái đầu lòng mới 8 tuổi trở về khi nghe tin cha tôi bệnh nặng, và sợ sẽ không còn sống được bao lâu! Sau khi hoàn tất thủ tục Hải Quan và bước ra phía ngoài phi trường, tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cha già một tay chống gậy, một tay bám vào vai em tôi mới có thể đứng vững để nhìn lại đứa con trai sau bao nhiêu năm trời xa cách. Cha tôi gầy gò và xanh xáo quá!

Hai cha con tôi ôm nhau khóc ròng, trong lúc mẹ và các em, các cháu cũng khóc như mưa. Ngày tôi âm thầm lặng lẽ cỡi xe đạp rời Bình Giả ra Láng Cát để xuống thuyền đi tìm tương lai, trời mưa như thác đổ. Chiều nay tôi trở lại, trời Sàigòn nắng chang chang, nhưng sân phi trường cũng ướt đẫm nước mắt của cha, của mẹ, của anh em và con cháu. Người ta trở về trong tiếng vui cười hớn hở, cả Việt Kiều lẫn thân nhân đi đón; chỉ riêng tôi trở về với nước mắt trong vòng tay gầy guộc, yếu đuối của cha già. Khi ôm cha vào lòng để những giọt nước mắt yêu thương nhung nhớ của cha ướt đẫm vai áo, tôi mới nghẹn ngào, nức nở thốt lên: “Cha ơi! Con đã về!” Phải, tôi đã về! Tôi đã trở về bên cha già như đứa con hoang đàng trong Phúc Âm tìm về với Người Cha Nhân Hậu... (Luca 15: 11-32).

Cha tôi vốn ít nói, bây giờ lại bệnh hoạn, đi đứng nói năng đều khó khăn, nhưng cũng không quên hỏi tôi trong nghẹn ngào: “Con có học được tới đầu tới đũa như lòng cha mong ước không?”  Nước mắt tôi lại trào ra. Tôi vòng tay ôm cha tựa sát vào người. Trời nóng lắm nhưng lòng tôi lại có cảm giác buốt lạnh và đang được sưởi ấm từ từ nhờ hơi ấm của tình cha...

Chúng tôi về tới Bình Giả lúc nào tôi cũng không hay vì trời đã chập choạng tối nên tôi không nhìn rõ cảnh vật hai bên đường làng. Lúc xe đậu lại trước nhà, tôi mới chợt tỉnh cơn mơ… Anh em bà con trong làng không biết tôi trở về; do đó, khi thấy xe ngừng ở cổng, họ đoán là cha tôi từ bệnh viện trở về nên chạy đến thăm hỏi đầy nhà. Một số người khi biết nhà có Việt Kiều đã âm thầm rút lui vì sợ mang tiếng đến thăm Việt Kiều chứ không phải thăm cha tôi. Khi nghe em tôi nói thế, tôi ra sân đứng chào đón mọi người, nhưng hầu hết lấy cớ “để ông cụ nghỉ” và ra về. Cha tôi mệt lắm, nhưng cũng cố gắng đứng lên nói vài lời cám ơn mọi người rồi mới để em tôi dìu vô phòng nghỉ, sau khi quay sang dặn tôi: “Cha biết con cũng mệt, nhưng cố được thì thay cha ngồi nói chuyện và cám ơn mọi người. Ngày mai con đưa cháu đi một vòng thăm hỏi anh em bà con trong họ, trong làng cho phải phép.”

Mấy ngày Tết tôi bận tối tăm mặt mày vì người vô ra liên tục. Việt Kiều nhà người khác về quê mang quà đi biếu bà con, riêng tôi lại ngồi nhà nhận quà của anh em bà con đến thăm cha tôi đang bệnh: Người mấy quả trứng, người ít trái cây, hộp sữa... Ôi! Cái tình người ở quê tôi đẹp quá! Tôi đã đi qua hơn một nửa quả địa cầu, đến thăm cả trăm thành phố khác nhau, nhưng tôi chưa tìm được ở đâu người ta có “tấm lòng yêu thương chòm xóm” như tại làng Bình Giả – Quê Hương Yêu Dấu của tôi. Có những người đã dọn ra Ngãi Giao hay vào Xuân Sơn, nhưng nghe tin cha tôi đi nhà thương về cũng lặn lội đến thăm. Có người đã nói thẳng với mẹ tôi: “Nghe nói có Việt Kiều về, nhà con cũng ngại lắm, nhưng biết ông ở nhà thương về, không đến không được!”

Cha tôi chỉ là một nông dân tầm thường, nhưng mọi người trong làng đều thương mến... Tôi đã xúc động đến rơi lệ khi bà con trong làng nói cho tôi biết trên con đường nối liền Vũng Tàu và Quốc Lộ số 1, đi ngang cuối làng Bình Giả, trước khi vào tới xã Tân Lập, có một chiếc cầu mang tên cha tôi: Cầu Ông Minh.

Tôi đã chụp hình “chiếc cầu mang tên cha tôi” đưa về Mỹ, để chung vào hộp với tài liệu tôi viết lại những lời khuyên dạy của cha từ ngày còn bé... Đây chính là biểu tượng của một gia tài vô giá cha để lại cho tôi.

Đã từ lâu lắm rồi, trên con đường mòn từ Bình Giả vào Tân Lập, có một đoạn đi qua một con suối thuộc phần đất của gia đình tôi. Chính cha tôi đã vận động bà con đốn cây xẻ gỗ làm một chiếc cầu khá tốt để giúp dân làng vận chuyển nông sản qua lại, và mọi người vẫn gọi là “Cầu Ông Minh”.  Khi chính phủ quy hoạch làm đường nhựa và xây cầu xi-măng, bà con trong vùng đã xin phép được chính thức đặt tên là “Cầu Ông Minh” trong bản đồ hành chính của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam.


Cầu Ông Minh

Ngày mùng 6 tết tôi phải lên đường trở về Mỹ. Cuộc chia tay nào cũng buồn cả! Riêng tôi, khi nhìn thấy cha già chống gậy đứng bên cửa, nước mắt lưng tròng nhìn theo... tôi bước không đành! Tôi ra xe, ngoảnh mặt lại thấy cha giàn giụa nước mắt, tôi lại chạy vào. Ba bốn lần như vậy tôi cũng không làm sao cất bước lên xe.

Em tôi sợ trễ giờ lên máy bay nên vừa khóc, vừa nói: “Cha vô nhà đi, anh mới ra xe được!”

Không biết vô tình hay hữu ý, cha tôi nói một câu làm mọi người cùng bật khóc nức nở: “Con không cho cha nhìn anh con lần cuối được sao?”

Tôi ôm cha vào lòng thật chặt và nước mắt tuôn trào. Con gái tôi cũng ôm bà nội khóc nức nở. Cha tôi ôn tồn nói: “Con đưa cháu ra xe kẻo trễ. Đừng khóc nữa... Con đi đi, cứ để cha đứng nhìn theo.”

Tôi chỉ còn biết “dạ” trong tiếng nấc và bước thụt lùi ra xe. Đó là hình ảnh cuối cùng của cha tôi còn giữ mãi trong tim cho tới giờ này. Người cha già chống gậy đứng bên cửa nhìn con ra đi, hay trông ngóng bóng con trở về? !!!

Nguyễn Duy-An

Back to top
 

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra