
ĐỐT LÒ HƯƠNG CŨ, NGÂM VẦN THƠ XƯA: THƠ KỈNH CHỈ
Tác giả là cố bác sĩ Kỉnh Sĩ Phan Văn Hy (1980 – 1970), một nhà nho, một lương y, một nhà thơ và cũng là một nhà cách mạng lão thành từ thập niên 30. Thi phẩm độc đáo này là một công trình tập hợp sưu khảo đồ sộ do đại gia đình của tác giả thực hiện rất công phu với sự tiếp tay của con cháu và bằng hữu liên hệ mật thiết với tác giả từ quốc nội ra đến hải ngoại trước vá sau 1975. Tập thơ được trình bày rất trang nhã, khiêm tốn, không màu sắc sặc sỡ xen kẽ với những tấm hình của các thi gia đương thời ở miền núi Ngự sông Hương mà sau biến cố tưởng chừng như tuyệt bản, do chính bàn tay của hai người cháu đặc biệt chăm sóc kỹ lưỡng và thận trọng là GS Ngô Thị Vân và NS Ngô Thị Vĩnh hợp lực cùng quý vị tên tuổi trong đại gia đình họ Phan thực hiện.
Thi tập dày 312 trang gồm 3 phần rõ rệt:
Phần mở đầu giới thiệu với những cây bút tên tuổi từng ngưỡng mộ Tiên sinh như: Hoàng Trọng Thược, Hà Thượng Nhân, Tôn Nữ Hỷ Khương, Tôn Thất Kỳ và Lê Văn Lân.
Phần thứ hai là phần chính của tập thơ, gồm có 292 bài có tiêu đề rõ rệt (có đoạn một tiêu đề gồm nhiều bài phụ bổ túc. Nếu kể theo tiêu chuẩn này thì số bài thơ trong tập sẽ tăng lên hơn 300 bài). Đây là phần cốt yếu chủ lực toàn tập vì tập hợp tất cả những bài thơ đủ thể loại (từ ca trù, hát nói đến song thất lục bát, đường luật…) do Tiên sinh làm trong khoảng thập niên 20 – 70. (Bài đầu tiên xuất hiện vào năm 1920. Bài cuối cùng: xuân Canh Tuất 1970, khi bệnh nặng).
Phần phụ bản là những trang thủ bút cùng những văn hán tự – do chính Tiên sinh thảo ra từ hoa tay trước khi ly trần. Nét bút như phượng múa rồng bay
Xen kẽ trước đó là phần thơ điếu gồm những bài thơ phúng viếng, ai biếu ngày Tiên sinh tạ thế của bạn bè họ hàng thân thích ruột thịt, con cháu…kỷ niệm 100 năm ngày húy nhật của Tiên sinh đã được tổ chức hạn chế trong vòng bà con, thân mật. Và đó cũng là thời điểm Thi Phẩm "Thơ Kỉnh Chỉ" chào đời vào hạ tuần tháng 7/1998.
Với tư cách là một người ngoại cuộc nhưng vốn chịu ơn cứu tử muôn đời của Tiên Sinh từ lúc lọt lòng mẹ ở Phủ Hải Lăng, Quảng Tri , bằng tài hèn sức mọn, tôi vẫn liều lĩnh đánh trống qua cửa nhà sấm viết đối giòng tiếp nhận sau hơn một năm trời đọc Tiên Sinh với hơn nửa đời người sau khi Tiên Sinh vắng bóng. Tôi không có tham vọng tiếm quyền một nhà phê bình vốn dành cho các học giả tên tuổi. Và chăng, Marcel Proust đã nói: " Phê bình một tác giả qua một tác phẩm chẳng khác nào nói về một người mà ta chỉ gặp có một lần ngắn ngủi thôi." Vì thế mỗi lần giở thi tập "Thơ Kỉnh Chỉ" ra là tôi chỉ muốn lắng nghe tiếng người ngày xưa ở bên trới miền lạc cảnh vọng về mà thôi.
Tôi không có cái may mắn là vinh dự được gọi Người bằng mỹ từ "Dượng Đốc Hy", "Chú Đốc Hy", "Cậu Đốc Hy"…như những người thân cận. Nhưng Người là vị thầy thuốc đầu tiên trong đời tôi, đã độ sinh tôi từ nhỏ. Rồi sau này lớn lên, hình như có duyên nợ buộc chặt, tôi lại được Người tặng cuốn hồi ký bất hủ "Mon Père M’a Dit…" của Eleanor Roosevelt (Lời Cha Trối Trăn…) với những lời khuyên bảo vàng ngọc. Nhờ đó mà tôi thành tài. Nhờ đó mà tôi thành nhân. Và cũng nhờ đó mà ngày nay tôi mới đủ can đảm ngồi viết những dòng này để tạ ơn Người.
Những bài thơ Tiên Sinh làm đều được thai nghén khai sinh từ cuối thập niên 40 và đầu thập niên 50, cho mãi đến năm 1970 là người Tiên sinh quy tiên mới hết, nghĩa là trong thời điểm nhà Nho đã đến hồi mạt vận. Nhắc lại quá khứ bao giờ cũng buồn, nhất là quá khứ vàng son rực rỡ một thời của thế hệ Nho học ở buổi giao thời cũ mới, khi mà kẻ sĩ đã tự thấy mình cáo chung, lạc hậu, hết còn chỗ chân đứng. Trong tinh thần đó, nhà thơ Tú Xương của dòng sông Vị đã từng tâm sự, than thở:
"Sông kia rày đã lên đồng
Nơi làm nhà cửa nơi trồng ngô khoai.
Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình mà tưởng tiếng ai gọi đò."
Nhà Nho đã giật mình. Nhà thơ đã giật mình, vì từ lâu cứ tưởng dư âm hiển hách của thời đại mình đang còn có kẻ trọng vọng, ngưỡng mộ và luyến tiếc như người sang sông "đang lên tiếng gọi đò". "Gọi đò" hay gọi đến một thời đại huy hoàng đã vắng bóng? Thôi hết rồi những chuyến đò ngang đầy tình khứ lưu trong nắng chiều, trong sương sớm trong những kỳ chợ phiên. Thôi hết rồi cô lái đò duyên dáng với nụ cười hồn nhiên. Bởi vì tất cả đã lắng sâu chìm lĩm vào đáy mồ dĩ vãng. Bởi vì đồng ruộng đã nổi lên những nhà cửa và ngô khoai la liệt.
Nhưng Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy vẫn muốn trở lại nguồn, vẫn tìm về với vẻ đẹp xưa muôn nét kiều diễm. Chính trong tinh thần vọng cổ đó, Tập thơ Kỉnh Chỉ đã đem đến cho tôi tất cả những tinh hoa của người xưa cô đọng qua những dòng thơ chứa đựng, sâu sắc.
Nơi đây không có tình yêu vay mượn, khoc lóc sướt mướt như các thi sĩ đương thời: Tản Đà 19 tuổi say mê giai nhân.
Kỉnh Chỉ đã thấy rõ cuộc đời hư ảo, tất cả chỉ là giấc mộng kê – vàng, nhưng thi nhân đã nuôi ảo mộng đẹp đẽ rồi cuối cùng thành hư không. "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên." Nghĩa là hoài bão của người trai thời loạn sống ích cho nước co dân bằng cách dấn thân trên đường cách mạng (lập chiến khu Ba Lòng ở Quãng Trị để bài phong, đả thực, chống cộng) và chính trị (tham gia chính phủ Quốc Gia đương thời với những chức vụ trọng yếu như Tỉnh Trưởng Quảng Trị, rồi Tổng Trưởng bộ Cựu Chiến Binh). Muốn thực hiện hoài bão đó của mình, Tiên Sinh đã dứt khoát chấm dứt mọi hệ lụy vương giả. Về hoàn cảnh này, Tôn Nữ Hỷ Khươngđã viết về Tiên Sinh: "Sinh thời, không những chỉ Quãng Trị là chỗ quê nhà, hầu như những miền đất cụ Kỉnh Chỉ đặt chân tới, cụ đều có thơ, và may thay, ngày nay các con cháu đều lưu giữ được: Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Phan Rang, Pleiku, Kontum, Cheo Reo, Đèo Ngang, Nha Trang, Sài Gòn…ngay cả khi thăm điện Versailles và vãng cảnh tháp Effeil ở Paris hay hồ Leman ở Genève, Thụy Sĩ và những cảnh đẹp ở thành Rome, Ý, cụ cũng để lại những vần thơ thắm thiết. Aáy là bởi bên trong con người bác sĩ nhân hậu này còn có một thi sĩ đa tình". Vậy căn cứ ở lập luận này, ta có thể chia sự nghiệp thơ phú của "Thi Sĩ Đa Tình Kỉnh Chỉ" ra làm 4 thời kỳ:
THỜI KỲ NHẬP THẾ, CỐNG HIẾN CHO ĐỜI CÔNG, NGẪU HỨNG, TỰ VỊNH PHỤ THUỘC TỪNG ĐỊA PHƯƠNG:
Năm 1929, đổi về công tác tại đồi núi Cheo Reo, gần Trường Sơn, Tiên Sinh viết:
Một thầy một tớ đến Cheo Reo
Đường xá xem ra thật hiểm nghèo
Lội xuống lòng khe, khe lại suối
Leo lên sườn núi, núi rồi đèo.
Ướt đầm áo dạ cơn mưa bấc,
Lạnh thấm xương sườn ngọn gió heo.
Đã biết công danh là bánh vẽ
Cười mình sao vẫn cứ đèo queo.
Vào thời điểm đó, kẻ sĩ đã mấy ai thoát ra khỏi vòng danh lợi? Vì ở trong một quỹ đạo của guồng máy nên Tiên Sinh không thể làm chi khác hơn được mà cứ phải "đèo queo" nên đôi lúc giải buồn với bầu rượu túi thơ – một phương tiện cơ hữu của các bậc thâm nho ngày xưa – ở nơi "khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn muối":
Rượu uống li bì mấy bữa nay,
Say rồi lại tỉnh, tỉnh rồi say.
Ơ hoài xứ mọi buồn như chết,
Vắng hẳn tin nhà nhớ đã quay.
Nằm suốt năm canh không thể ngủ…
Tình hoài hương đã nổi dậy mãnh liệt trong tâm tư thi nhân nên khi về công tác ở huyện Hương Hóa, Tiên Sinh tự hỏi lòng:
Tiện đây xin hỏi non sông ấy
Thay đổi bao lần có nhớ chăng?
Ngoài ra những hình ảnh đơn sơ, tầm thường hàng ngày mà thiên hạ hầu như không để ý tới, vẫn là những đề tài hấp dẫn để Tiên Sinh ngẫu hứng đề thơ:
Người ngồi, người kéo đều người cả,
Có khác nhau chăng một chữ thì. (Vịnh Người Kéo Xe, 1931)
To đầu mà chạy thật đà mau,
Chỗ gọi rằng xe, chỗ gọi tàu. (Vịnh Xe Lửa, 1932)
Mụ vợ cà lơ tay ẵm bồng,
Chồng cà lơ nó áo quần không. (Giữa Quốc Lộ 9 gặp một gia đình cà lơ đưa nhau đi)
Gặp một tin thời sự nóng hổi, như Nam Kinh thất thủ năm 1937 rơi vào tay Nhật, Tiên Sinh cũng động lòng:
Nghe nói Nam Kinh, Nhật lấy rồi,
Trăm năm Trung Quốc thế là thôi…
…Hơn thua đều cũng người Đông Á
Sợ lạnh răng vì bởi hở môi.
Rồi Tiên Sinh đâm ra lo buồn cho sự thế đảo điên đã bắt đầu Thế Chiến thứ hai:
Xóm giềng sao nỡ hiếp chi nhau,
Đức hiếp Ba Lan, Nhật hiếp Tàu…
…Không biết gian tham là lậm mạt.
Trèo cao càng lắm té càng đau.
Nhưng rốt cuộc, mối tình hoài hương vẫn là thắm thiết hơn cả, nên Tiên Sinh vẫn không bao giờ quên miền sông Hương núi Ngự với người bạn thơ kết nghĩa Đào Viên: cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Hội trưởng làng thơ Hương Bình Thi Xã:
Gần năm năm chẵn, chẳng về kinh,
Nhớ cảnh sông Hương, núi Ngự Bình…
…Nhớ chị chèo đò, O bán hến,
Nhớ bao nhiêu chuyện bấy nhiêu tình. (Nhớ Huế, 1938 )
Chẳng hay trong nớ yêng vui gì, (yêng có nghĩa là "anh" ở Huế)
Em ở ngoài này buồn quá đi…
…Công danh họa bỉnh còn đeo mãi,
Văn tự đôi đường có ích chi,
Lui tới tuy người quen biết cả,
Nước non ai đó bạn Chung Kỳ (Nhớ Thúc Giạ II-I- 1938 )
Rồi Tiên Sinh lại liên tưởng đến thân phụ tôi là cụ cố Sa Minh Tạ Khúc Khải, một người bạn thơ đồng liêu hồi còn ở Quãng Trị (1947). Khi ba tôi đổi về Huế giữ chức vụ chánh án Tòa Sơ Thẩm, Tiên Sinh có làm một bài thơ "Tiễn Đưa" (tiếc rằng tài liệu đã bị thất lạc, hơn nửa thế kỷ rồi còn gì?) mà ngày nay tôi không nhớ được. Tôi chỉ còn nhớ vài câu trong một bài đường luật ba tôi đáp lễ Tiên Sinh:
Nhớ bạn làng Thi Quãng Trị
Nhớ ai, ai có nhớ ta chăng?
Nhớ hộc dài đông mấy chẳng ngang…
…Thi ngâm cồn Sải, giòng Hương dội (Sải là tên cồn cát ở QT)
Rượu rót sông Hàn, Bến Ngự hăng (sông Hàn là sông Thạch Hãn chảy ngang qua tỉnh Quãng Trị. Hồi đó Tòa Sơ Thẩm Huế đóng trong một cao ốc tọa lạc ở Bến Ngự)
Trận lụt năm Giáp Thìn năm 1953 ở Huế là một trận lụt to nhất trong lịch sử cố đô. Mưa bão liên miên, nước bạc dâng lút nóc nhà. Kỳ thi tú tài bán phần năm ấy tại Huế phải bị đình chỉ một tuần, sau khi mới thi ngày đầu (3 ngày). Bộ Giáo Dục ở Sài Gòn đánh công điện hỏa tốc giao toàn quyền cho GS Phạm Đình Ái, Giám Đốc Nha Học Chánh Trung Phần toàn quyền quyết định đề thi và mở lại ngày thi sau khi học sinh đã hoàn tất "chống lụt".
Tiên Sinh đã tức cảnh, lo sợ thiên tai, buồn cho thân phận nên đã gời ba tôi một bài thơ:
Trời đất dường như nổi bệnh khùng,
Tai ương giáng xuống nửa miền Trung.
Của thời mất sạch, người thì chết.
Lụt thiệt to mà bão thiệt hung.
Thây xác đọt cây treo lủng lẳng,
Cửa nhà giòng nước nổi lung tung.
Ai là vua Vũ đời nay nhỉ?
Trị thủy xin ra giúp sức cùng. (Buồn Bão Lụt 1953)
Sau đó ba tôi cũng làm một bài thơ gởi lại Tiên Sinh mà ngày nay tôi nhớ không trọn:
Dập dồn mưa gió mấy ngày đêm,
Lụt đã đầy sân lại lút nền.
Cỏ cú không làm mà sạch bách,
Xương rồng chẳng kiếm nổi huyên thiên…
…Lân lý can qua (?) vách đọ thuyền… (Lụt năm Thìn 1953 ở Huế)
2. THỜI KỲ CÔNG DU ÂU CHÂU, THĂM VIẾNG NƯỚC PHÁP Trong thời gian này, đến nỗi nơi vãng cảnh (tức sinh tình!) Tiên Sinh đều ghi lại kỷ niệm bằng những nét đan thanh: những đô thị phồn hoa, ánh sáng kinh thành đều được Tiên Sinh miêu tả rất đầy đủ, nhất là kinh đô ánh sáng Ba Lê:
Tàu bay muôn dặm tiếng ù ù,
Già tới Ba Lê chỗ tít mù.
Âu Á non sông tầm mắt khách,
Bể trời mưa gió tiếng mùa thu.
Rợn mây lộn xộn trò vô định,
Đường sá e dè cuộc viễn du.
Nước cũ làng xưa đâu đó nhỉ,
Xa trông những luống chạnh lòng sầu. (Đến Ba Lê 1954)
Nhưng trong người Tiên Sinh vốn tiềm ẩn một lòng chung thủy với quê cha đất tổ nên cảnh vàng son rực rỡ nơi xứ người, Tiên Sinh không bao giờ quên mình chỉ là người lữ khách và luôn luôn huớng về quê nhà, như người bạn chung tình luôn luôn tưởng nhớ đến người yêu bé nhỏ xa cách muôn trùng, mặc hco giàu sang cám dỗ, nửa đêm bỗng thức giấc động lòng cố quốc:
Khách Việt chưa từng mùa lữ thứ,
Đất Âu thiệt lắm vẻ phồn hoa.
Vì lòng cố quốc còn cay đắng,
Nên chén tha hương ít mặn mà.
Quảng Tri ai về cho nhắn hỏi,
Bến Hiền Lương cũ những ai qua. (Nằm Nhớ Quảng Trị, 1954)
Nặng lòng cố quốc, tình hoài hương canh cánh bên lòng, ngày mãn nhiệm công du, lên đường "Trở Về Nước" ngày 27/10/1954, Tiên Sinh đã làm ngay bài thơ này với hai câu kết thật đậm đà như một lời nhắn nhủ của bậc đàn anh đi trước:
Đôi lời dặn bảo đàn em bé
Sắc đẹp đồ ngon món thuốc mê.
Bởi vì:
Bơ sữa dồi dào những tiệc khách,
Muối dưa hẩm hút cũng mùi quê. (Trở Về Nước, 1954)
Thì ra câu nói của người xưa trong sách vỡ lòng "Quốc Văn Giáo Khoa Thư": "Chốn Quê Hương Đẹp Hơn Cả!" vẫn còn có giá trị vĩnh cữu muôn đời, như một khuôn vàng thước ngọc cho những ai không muốn mất gốc, đồng hóa vào văn hóa ngoại lai xứ người. Và lời khuyên của Tiên Sinh là một lời thiết tha răn dạy đàn hậu tiến nên người . người đọc liên tưởng đến "Gia Huấn Ca" của Nguyễn Trãi, và những bài thơ "nhắn gởi bạn trẻ" "chúc phường hậu tử tiến mau" của Phan Bội Châu, ông già Bến Ngự trong những ngày cuối đời ở Huế.
Về nước, Tiên Sinh Kỉnh Chỉ lại tiếp tục sự nghiệp văn chương với những vần thơ lai láng trữ tình cugn các bạn làng thơ vong niên đương thời ở khắc các tỉnh miền Trung và Tiên Sinh luôn luôn đi tiên phong trong lãnh vực sáng tác cũng như trong các buổi hội Tao Đàn xướng họa.
CUNG ĐÀN XƯỚNG HỌA:
Đáp lễ thân hữu, khóc bạn từ trần, họa đề thơ do bạn ra…là những thú vui độc đáo tao nhân mặc khách của Tiên Sinh.
Được tin thân phụ tôi dời về cư ngụ tại vùng Tân Thuận bên kia cầu, Tiên Sinh vội vã đến viếng thăm (1964). Ba tôi liền ra đề thơ "Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây", Tiên Sinh liền đại diện phái đoàn thi hữu làm ngay một bài thơ đường luật để lưu niệm ngày ba tôi chính thức hồi hưu:
"Đề do cụ Sa Minh ra khi các thi hữu định tháng sau qua hội ngâm tại nhà cụ ở Tân Thuận. Vậy có bài này để tặng cụ." (thủ bút)
Dù chưa thật phải cảnh đào nguyên,
Tân Thuận nơi đây đất nước hiền.
Khách tới để thăm người ẩn dật,
Chủ mừng như gặp bạn thần tiên.
Kho đầy trăng gió cần chi của,
Túi sẵn thi văn lựa phải tiền.
Khen cụ Sa Minh, tài lựa chỗ
Nửa phần thành thị nửa điền viên. (Tháng ba xuân Gíap Thìn 1964)
Ba tôi có họa lại để đáp lễ Tiên Sinh. Bài hoạ này có in trong thi tập "Suối Lòng Khuya" do hội Khổng Học Sài Gòn của cụ Nguyễn Trác xuất bản năm ấy. Tiếc rằng tác phẩm này cùng những văn phẩm khác của ba tôi đều bị tuyệt bản vì chiến dịch "Xóa bỏ văn hóa đồi trụy, thiêu hủy tàn tích Mỹ Ngụy" do sở Văn hóa của Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phát động tại Sài Gòn năm 1976.
Cụ Thảo Trì mời Tiên Sinh ra Vũng Tàu thăm tân gia, Tiên Sinh liền họa vần "Chơi Vũng Tàu" của cụ, có câu:
Đồ sộ mấy đường nhà lẫn phố,
Mênh mông muôn dặm nước in trời.
Nghiêng bầu thi rượu say lòng khách,
Nghĩ cuộc binh đao ngán chuyện đời.
Hôm ấy những người bơi dưới nước,
Thật tình yêu nước được bao người.
Càng đi sâu vào thế giới thơ Kỉnh Chỉ, người ta đã có một nhận xét chung là từ tình hoài hương đến lòng yêu nước, tình yêu quốc gia dân tộc, Tiên Sinh đã gắn bó rất chặt chẽ như bóng với hình, nhất là hai câu cuối ở bài trên; ở đây người đọc luôn luôn cảm thấy tinh thần ái quốc nơi Tiên Sinh thật cao tột đỉnh trời. Bất cứ cảnh vật nào ở ngoài đời trong lúc ngâm vịnh cũng làm Tiên Sinh chạnh nhớ đến thân phận người dân nhược tiểu của một tiểu quốc chậm tiến nhưng lúc nào cũng muốn vươn lên không ngừng, như lời than tâm sự của một thi sĩ thế kỷ trước:
Trạnh lòng cố quốc nghĩ mà đau.
Thử hỏi cảnh nước mất nhà tan, bị thực dân Pháp đô hộ gần 1 thế kỷ mà không đau lòng sau được? Kẻ sĩ thời loạn như Tiên Sinh thời đó tuy đầy thiện chí và lòng dũng cảm của một bậc trượng phu mà cũng đành chịu bó taychờ thời. Thôi đành gởi gấm ký thác tâm sự mình qua những vần thơ bóng bẩy vậy. Vì thế người ta đã không lạ gì khi thấy trong thơ Kỉnh Chỉ luôn bàng bạc nỗi ưu tư thời đại, hậu thiên hạ chi lạc." (Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ). Tấm thân già của Tiên Sinh khi nhìn cảnh bể dâu chỉ biết giỏ những giòng lệ thương cảm:
Đời như thế đó, dân như thế
E phải rơi nhiều lệ bể dâu. (Chán Thế Sự 10/12/1964)
Có nhiều lúc Tiên Sinh chán đời:
Tuổi bảy mươi lăm thấy cũng vừa,
Sống hoài sống hủy, bực mình chưa…
…Trời không bắt chết đi cho khỏe,
Có ích chi đâu cái sống thừa. (Chán Đời, 1964)
Nhưng sau đó lại trở nên lạc quan yêu đời tha thiết:
Đã sống thì sao lại bảo thừa,
Cuồc cờ thế sự định hay chưa…
…Tám mươi ông Lữ câu sông Vị,
Chả nhẽ nay mà chịu kém xưa. (Không Chán Đời, 10/12/1964)
Những bài thơ Tiên Sinh làm trong thời kỳ này, phần lớn là để họa lại những bài do bạn làng thơ xướng ra như các cụ Quỳ Ưu, Đông Xuyên, Vân Đình Tôn Thất Bàng, Thảo Trì, Diên An, Tôn Thất Mạnh Danh…; hoặc khóc bạn như cụ Đông Viên Phạm Duy Toại:
Vạch đất khó theo người đức sĩ
Kêu trời mà khóc bạn văn chương…
…Thấy cảnh vườn đông nay vắng chủ,
Mắt già chan chứa lệ tang thương… (Khóc cụ Đông Viên Phạm Huy Toại, 1965)
"Mắt già chan chứa lẹ tang thương" chính là Tiên Sinh đã khóc cho chính thân phận mình, thân phận người dân chất phác của một nước nhuợc tiểu với bao thăng trầm của lịch sử khi mượn cớ khóc bạn vậy. Và "nước mắt già" đó đã vơi đi cùng năm tháng cho đến khi Tiên Sinh tuổi đã xế chiều ở cuối đời thì cạn hẳn không còn khóc được nữa.
Cũng ở trong thời điểm này, trội hơn hết là phần xướng họa với người bạn già tâm đắc nhất đời là cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị ở Huế, mà Tiên Sinh xem như tri kỷ có một không hai trên đời. Để dẫn chứng, tôi nghĩ không gì thiết thực hơn là trích lại những cảm nghĩ của một "nhân chứng sống" đã viết về Tiên Sinh: "….Với riêng tôi và gia đình tôi, cụ Kỉnh Chỉ mà thiếu thời tôi thường gọi là "Chú Đốc Hy", đã như một người chí thiết trong gia đình…có một tình cảm thiêng liêng mà càng lớn lên tôi càng khám phá, chiêm nghiệm sâu sắc hơn, là được chứng kiến tình bạn thơ, tình anh em chí thiết, bền vững giữa chú Đốc Hy với thầy tôi, cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
"Năm 1925,nhân nhận được bức chân dung thầy tôi gửi, cụ Kỉnh Chỉ đã xúc động viết:
Phương trời nhận được bức chân dung
Trân trong yêu đương kể chẳng cùng
Hôm sớm như gần ông bạn cũ
Bút nghiên càng nặng mối tình chung
Quan Sơn ngàn dặm nhà xa ngái
Vạn Thọ đôi đường nỗi nhớ nhung
Nhắn bạn cố đô chờ đợi đó
Ngày xuân sẽ có hội tao phùng.
"Năm 1928, từ Pleiku, cụ Kỉnh Chỉ làm bài thơ Hoài Cảm gởi cụ Thúc Giạ, thầy tôi. Bài thơ có hai câu kết:
Dẫu cho ngọn bút thần tiên nữa
Khó vẽ cho ra một chữ "Tình"
"Thầy tôi lập tức phúc đáp, họa lại với hai câu kết:
Dẫu ai có thuốc hay chi nữa
Khôn chữa cho ai một chữ tình.
"Có lúc người ta tưởng Thúc Giạ với Kỉnh Chỉ là đôi tình nhân tâm đầu ý hợp. Anh hỏi, em trả lời, kẻ xướng người họa, hai nhưng thơ quấn quít bên nhau trong tâm tưởng: tình bạn, tình thơ ấy vượt không gian và thời gian đẹp mãi…" (Tôn Nữ Hỷ Khương: Niềm thương gói trọn mấy vần thi)
Vâng, đúng như vậy, thưa bạn. Tâm tình của Kỉnh Chỉ vì quá đẹp nên đã tồn tại mãi với thời gian để rồi ngày nay chúng ta mới có dịp thuởng ngoạn những vần điệu vô cùng sáng chói như hào quang kim cương hổ phách.
Tiếc rằng có những vần điệu Tiên Sinh làm trong thời gian ở chiến khu ở Ba Lòng, Quảng Trị (một miền cận sơn nước độc, phía Tây sát dãy Trường Sơn) và trong thời gian tham chính đã bị thất lạc, hoặc gia đình chưa kịp cập nhât hóa, bổ túc trong kỳ xuất bản này. Tuy nhiên tôi còn nhớ khi ra Huế thăm ba tôi, sau khi nhận chức Tổng Trưởng Bộ Cựu Chiến Binh , Tiên Sinh đã đọc cho ba tôi nghe một bài thơ đường luật đối đáp lại bài "Vịnh Tào Tháo" của Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm mà tôi chỉ còn nhớ hai câu kết vì nó quá sâu sắc, bao hàm hai nghĩa:
Cười đời chê Tháo là tôi nịnh,
Tôi nịnh như Ông mấy mặt à?
Đọc lên, hai cụ lấy làm đắc ý lắm. Ba tôi cứ tấm tắc ngợi khen mãi và đã khoanh tròn bằng mực son (ý nói xuất sắc nhất) hai câu này.
THÂN PHẬN CUỐI ĐỜI Những ngày cuối đời của Tiên Sinh thật là êm ả như giòng Hương lặng sóng những chiều cuối thu ở Huế. Tiên Sinh đã tìm thú vui nơi cửa thiền để ngày đêm nghe câu kinh tiếng kệ quanh áng hương trầm với tiếng chuông mõ đồng vọng trong hư vô. Tiên Sinh đã tự vịnh; để rồi sau đó khóc người bạn tri kỷ đã sớm vội lìa trần để Tiên Sinh đơn độc trước cuộc đời:
Đã chục năm rồi tuổi cổ hy
Vài mươi năm nữa tuổi kỳ di.
Hết duyên càng khỏi lo già lắm,
Biết đủ nên không sợ thiếu gì,
Nội ngoại bốn đời đông cháu chắt
Quan sơn ngàn dặm có thê nhi.
Riêng mình chẳng ước mong chi cả,
Chỉ ước mong đời chẳng loạn ly. (Vịnh tám mươi tuổi, 1969)
Một biến cố tình cảm khá quan trọng trong thời gian này là người bạn vong niên của Tiên Sinh là nhà thơ Thúc Giạ bỗng đột ngột từ trần. Tiên Sinh buồn vô hạn như vừa đánh mất một vật báu trên đời. Tôn Nữ Hỷ Khương đã viết như sau: "Năm 1961, khi tiễn thầy tôi đi vào cõi vĩnh hằng, chú đốc Hy đã khóc thầy tôi bằng ba bài thơ thống thiết:
Ôn lại tập thơ "Tình Thúc Giạ"
Bao dòng chữ mực bấy dòng châu
…Thơ nào tả hết nỗi lòng đau
Mỗi một câu thơ một chuỗi sầu
Quá nhớ nên thường tìm ở mộng
Có thiêng xin hãy chứng cho nhau."
Một kỷ niệm cuối cùng giữa Tiên Sinh với ba tôi thuở sinh tiền đã làm cho tôi phải ứa lệ mỗi lần nghĩ tới là một chiều chớm đông năm 1965, nghe tin ba tôi đau nặng, tôi tức tốc về Sài Gòn thăm thì đã thấy Tiên Sinh đang ngồi cạnh giường an ủi ba tôi với những lời đậm đà tâm huyết: "Thế hệ bọn mình đã làm tròn bổn phận với nhà, với nước; bây giờ nếu có chết đi cũng không còn tiếc nuối ân hận gì nữa. Mình đã hoạt động để dành cho con cháu sau này, trên mọi lãnh vực văn chương cũng như chính trị …"
"… Để Dành Cho Con Cháu Sau Này…" Ôi lời nói của Tiên Sinh cách đây gần nửa thế kỷ mà tôi vẫn tưởng chừng như mới hôm qua ở nhà cụ bà Phan Thị Vinh, ái nữ của Tiên Sinh với gia đình hai người cháu ngoại GS Ngô Thị Vân và NS Ngô Thị Vĩnh. Và chính những người này đã thực hiện lời di chúc của Tiên Sinh năm xưa để bằng mọi giá cho ra đời Thi Tập "Thơ Kỉnh Chỉ", một tài liệu rất sáng giá cho công trình tham khảo tương lai của những người làm văn học sử ở hải ngoại, đúng như lời kết luận của bác sĩ Lê Văn Lân: "Tôi hy vọng chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu thêm Tập Thơ Kỉnh Chỉ, di sản quý báu không những riêng cho hậu duệ của Tiên Sinh mà la của tất cả chúng ta." (Lê Văn Lân: Di Cảo "Thơ Kỉnh Chỉ")
Thay cho lời kết, tôi muốn được nói lên một cảm nghĩ cuối cùng trước khi gấp cuốn Thơ Kỉnh Chỉ lại và trang trọng đặt lên tủ đứng: Tự tin vào tài năng và sự phấn đấu của chính mình, Tiên Sinh đã bước lên mọi nghịch cảnh, bước qua mọi oan khiên để giành một chỗ đứng trên văn đàn Việt Nam cũng như trên chính trường nước nhà tiền thập niên 50 vậy. Tiên Sinh làm thơ rất tự nhiên, thành thật xuất phát tự đáy lòng, nghĩ sao nói vậy, viết vậy, bay bổng nhẹ nhàng. Không văn hoa cầu kỳ, không bí hiểm cao siêu, trau chuốt. Bạn sẽ thất vọng và vỡ mộng nếu bạn muốn tìm nơi đây một chút khách sáo bóng bẩy. Bởi vì con người Kỉnh Chỉ vốn mực thuóc khuôn phép có sẵn. Bạn không tin ư? Xin mời bạn thưởng thức mấy vần bi ai dưới đây rất đặc thù của những hậu duệ Tiên Sinh muốn theo gót Người:
Nhớ ơn dưỡng dục suốt đời con
Ba mất nhưng hình dáng vẫn còn,
Mười chín năm rồi xa cõi tục
Một trăm năm chẳn tuổi vàng son.
Trên trời Ba, Mạ, Me cùng Mệ,
Dưới đất chắt, chiu, cháu với con.
Họp mặt hôm nay chung tiệc nhỏ,
Quỳ dâng chén rượu đến hương hồn.
Hồn thiêng mãi mãi ngự trong con
Thương nhớ bao xuân cũng vẫn còn.
Chín chữ cù lao ơn dưỡng dục,
Những lời răn dạy giá vàng son.
Muôn năm phước đức còn dành lại,
Thọ hưởng bao đời với cháu con.
Gương tấc chưa đền ơn biển cả,
Xuân lai thành kính niệm hương hồn.
Phan Thị Vinh, thứ nữ, California
Đêm nay ngồi nhớ đến ông tôi,
Người ông yêu kính đã xa vời
Bao năm cách biệt nơi trần thế,
Hình ảnh ông tôi vẫn chẳng rời
Vẫn thoáng hiện về trong giấc mộng,
Nên nhẹ đau lòng hận biệt ly
Ông tôi Y sĩ vừa Thi sĩ
Tài đức đem ra cứu cõi đời,
Văn chương hạ bút lưu nhân thế,
Con cháu nào ai theo kịp Người.
Cháu ngoại Ngô Thị Vân
Thưa bạn, đến đây chắc bạn cũng đồng ý với tôi rằng nhà thơ, nhà lương y Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy đã vắng bóng từ 1/3 thế kỷ qua nhưng tinh hoa của Người vẫn mãi lưu truyền hậu thế để rồi đàn hậu duệ và bằng hữu bốn phương rơi rớt còn lại ở hải ngoại đã góp nhặt tinh hoa ấy lần lượt cống hiến cho đời sau những áng thơ bất hủ và :
Họp mặt hôm nay chung tiệc nhỏ,
Quỳ dâng chén rượu đến hương hồn.
Nhưng hỡi ơi, hương hồn Người ở xa quá, ở tận trên cõi Thiên Đường chưa có dịp về đây chứng giám "Con cháu nào ai theo kịp Người". Đường về cõi phúc ở nước nhược non bồng thênh thang rộng mở đẹp như bồng lai tiên cảnh, không có đạn mìn, hầm chông như ở hạ giới, đang đón chào những ai đang muốn nối gót Tiên Sinh. Vậy hương hồn Tiên Sinh có linh thiêng xin mời về đây chứng giám.
Trong niềm hi vọng vô biên đó, tôi thành tâm thắp nén hương lòng nguyện cầu Tiếng Thơ Bên Trời Của Người sống mãi trong tâm hồn đàn hậu duệ để an ủi con cháu trên bước đường lưu vong.
Am Sông Tô, xứ Mặt Trời Mỹ Quốc, 5/6/00
Phụng Hồng