Chúng tôi: con, cháu, chắt, chiu của Cụ cố bác sĩ Phan Văn Hy, tức Kỉnh Chỉ tiên sinh, một thành viên của Hương Bình Thi Xã và Tao Đàn Diêu Trì, đã từ khắp nơi (Gia Nã Đại, Pháp, Maryland, Michigan, Oklahoma, Texas, Utah, Virginia, và càc tỉnh miền Bắc Cali cũng như Nam Cali) đều đổ về thành phố Garden Grove của Nam Cali, tụ tập tại chùa Việt Nam, tọa lạc trên đường Magnolia vào ngày 25 tháng 7 năm 1998 để tham dự buổi ra mắt tập Thơ Kỉnh Chỉ.
Trước ngày hôm ấy, chúng tôi đã phải đến chùa để kê dọn bàn ghế, sẵn sàng cho ngày hôm sau. Thượng tọa Pháp Châu đã xác nhận một tin mừng là chùa có hệ thống máy lạnh, vì ngày hôm sau trời sẽ rất nóng.
Ngày thứ bảy 25 tháng 7 chúng tôi đã có mặt tại địa điểm từ sáng sớm lo chăng băng đón mừng quan khách, sắp đặt hệ thống âm thanh, phân công người chụp hình, kẻ quay phim, đón tiếp và trao tặng sách cùng bày bánh trái sẵn sàng trên các đĩa giấy.
Trên chiếc bàn trước mặt quan khách là bức di ảnh của Cụ Phan với hai câu thơ nổi tiếng của Người:
Thử lấy dây tình giăng mặt nước
Tình dài dằng dặc, nước vơi vơi.

Bên cạnh là khung hình lồng bút tích của Cụ. Chiếc bàn được tô điểm bằng một chậu trúc và các bình hoa, lẵng hoa rất mỹ thuật do cháu rể và các bạn thân của các cháu Cụ mang đến. Trên chiếc giá là tấm hình các Cụ chụp chung, mà chúng tôi hy vọng hậu duệ của các Ngài sẽ giúp chúng tôi trong việc nhận diện, nhưng cho đến giờ này, chúng tôi cũng chỉ biết thêm được bốn Cụ ngoài ông ngoại chúng tôi, trong số 15 người có mặt trong bức ảnh.

Di ảnh của 15 Cụ
Hàng đầu: 6. Cụ Nguyễn Khánh Trường, 7. Cụ Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy, 8. Cụ Đỗ Phong Thuần, 9. Cụ Phan Ngọc Hoàn
Hàng sau: 2. Cụ Nguyễn Huy Tiển, 5. Cụ Tạ Thúc Khai
Buổi lễ bắt đầu vào lúc 2:30 như mong muốn với sự điều khiển chương trình rất dí dõm của nhà văn kiêm thi sĩ Trúc Chi Tôn Thất Kỳ dưới sức nóng nung người, mà hệ thống máy lạnh thình lình bị hỏng khiến chúng tôi không thể chuẩn bị quạt máy kịp, đấy là một điều đáng tiếc.

Quý thân hữu, quan khách và đại gia đình của Cụ Kỉnh chỉ

Lực lượng hùng hậu các cháu, chắt, chiu từ Michigan về dự lễ
Tuy nhiên, số khán thính giả với tinh thần thưởng thức văn thơ rất cao đã chịu khó ngồi theo dõi chương trình được lần lượt giới thiệu: đặc biệt là Lyn, vợ của Công Thành, anh họ của tôi, Vic, em rể tôi và nhất là Leo, em rể, họ là ba người ngoại quốc đã tỏ ra say sưa, chăm chú theo dõi từng diễn tiến của buổi lễ. Tôi tự hỏi không biết ba người này có hiểu gì không?

Trước tiên MC Trúc Chi lên giới thiệu sơ lược chương trình. Thứ nam của ông tôi là ông Phan Văn Thính thay mặt cho trưởng nam là ông Phan Văn Nghị vì lý do sức khỏe đã không thể tham dự, ngỏ lời cảm tạ Thượng Tọa Trụ Trì, các vị đã viết tựa cho tập Thơ Kỉnh Chỉ, các văn nghệ sĩ sẽ lên phát biểu cảm tưởng về tác phẩm và tác gia và ngâm vịnh các bài thơ chọn lọc cùng tất cả quan khách tham dự. Ông Thính cũng nêu ra một vấn đề là vì chúng tôi chỉ căn cứ trên di bút của Cụ chúng tôi, nên sợ rằng có thể có bài là trước tác của các thi nhân khác mà Cụ chúng tôi đã ghi chép lại trong những buổi cùng nhau xướng họa: vì vậy chúng tôi ước mong nếu quý vị nào tìm thấy có sự nhầm lẫn xin phủ chính và chỉ giáo cho.

Vì Cụ Hoàng Trọng Thược bị bệnh thình lình, đã không thể đến được như dự tính nên nhà văn Võ Phiến được mời lên đầu tiên để phát biểu ý kiến. Ông Võ Phiến đã nhấn mạnh về sự khác biệt giữa hai danh từ “văn nhân” và “văn sĩ”. Văn nhân là cốt cách của con người, văn sĩ là cái nghiệp văn chương của họ. Có người là văn nhân nhưng có thể không phải là văn sĩ, có kẻ là văn sĩ nhưng chưa chắc đã có cốt cách của một văn nhân. Cụ Phan Kỉnh Chỉ xứng đáng vừa là văn sĩ vừa là một văn nhân.

Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh lên máy vi âm tiếp nối chương trình. Bà ca tụng con cháu của Cụ Kỉnh Chỉ đã góp sức, góp trí nhớ để tạo thành tập thơ. Buổi lễ không chỉ có tình mà còn có hiếu nữa. Bà lại nêu ra một điều đáng tiếc về tập thơ là chỉ thấy phần thơ họa mà không có những bài thơ xướng. Bà bảo rằng nếu có những bài ấy chắc cuốn sách sẽ hay hơn nhiều.

Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh
Chúng tôi xin thưa cùng quý vị, sự thiếu sót nêu trên là do sự cố ý của chúng tôi, vì trong tờ giấy có hình các Cụ đính kèm thơ mời họp, chúng tôi đã nhắc đến phần này. Trong tương lai, chúng tôi dự định sẽ in tiếp tập Thơ Kỉnh Chỉ thứ hai với những bài thơ xướng và họa giữa các Cụ trong Hương Bình Thi Xã, cũng như Tao Đàn Diêu Trì hoặc các nhóm thân hữu mà thôi. Trước khi thực hiện dự định này, chúng tôi cầu mong sự trợ giúp nhiệt tình của hậu duệ các Cụ cũng như bất cứ ai có biết những bài thơ xướng và họa giữa các Cụ và Cụ chúng tôi, chúng tôi sẽ vô cùng cảm tạ.
Chương trình buổi lễ được tiếp nối với nhà văn Đỗ Quý Toàn. Ông đã nhắc đến bài thơ “An nhiên” mà tác giả đã sáng tác trong những ngày cuối cuộc đời tại chùa Già Lam, chứng tỏ tác giả đã thấm nhuần tư tuởng đạo pháp rất hợp với khung cảnh buổi lễ được tổ chức tại ngôi chùa hôm nay.

Chúng tôi cũng xin thưa với quý vị rằng những tháng trước buổi ra mắt tập thơ, chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo đi tìm địa điểm: có nơi rất vừa ý lại không đủ sức chứa đựng số người chúng tôi muốn mời, có chỗ rộng rãi khang trang thì ngày giờ lại không được chấp thuận. Chúng tôi nghĩ rằng duyên may run rũi đã khiến chúng tôi tìm được chùa Việt Nam và được Thượng Tọa Trụ Trì chấp nhận ngay, có lẽ đấy là ý muốn của ông chúng tôi đã đưa đẩy chúng tôi đến ngôi chùa này.
Nữ sĩ Thiên Thanh Như Lý được giới thiệu lên máy vi âm, bà nói về sự tương quan liên hệ tình cảm giữa hai gia đình họ Phan và họ Thái. Bà cũng nhắc đến bài thơ “Giọt sương trên lá” mà tác giả đã sáng tác vào năm 1956 và bà sẽ ngâm tặng trong phần hai của chương trình.

Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch tức thi sĩ Trần Hồng Châu bảo rằng ông rất cảm động được dự một buổi họp văn chương rất là Huế rất là Thần kinh, ông lại càng cảm động hơn nữa vì đây không phải là một cuộc hội họp văn nghệ đơn thuần mà là một buổi họp có tình nghĩa, đạo lý.

Tiếp theo giáo sư Hoạch là thi sĩ Huy Trâm. Ông bảo rằng cố thi sĩ Kỉnh Chỉ là một nhà nho, một tao nhân mặc khách và nổi bật hơn hết là tấm lòng nhân hậu, thương yêu gia đình, thương yêu xã hội, thương yêu những người nghèo khổ, những bệnh nhân người Mọi, những người lính ngoài trận mạc…

Trước khi giới thiệu thi sĩ Cao Tiêu, nhà văn Trúc Chi đã nhắc đến một câu chuyện xảy ra giữa Cụ Kỉnh Chỉ và Trúc Chi để thấy rõ tài xuất khẩu thành thơ của Cụ, khi Trúc Chi được sai vào nhà lấy dùi ba toong ra cho Cụ:
Đọc sách đeo gương thành bốn mắt
Ra đường chống gậy hóa ba chân
Nhà thơ Cao Tiêu khi nhìn vào hai câu thơ treo cạnh bức di ảnh, ông đã đọc rồi thốt ra như sau: “Ôi chao ôi! nước sông và nước biển như thế mà không đo được cái tình của Cụ, chứng tỏ rằng khi còn trẻ Cụ là người đa tình số một!” Ông lại bàn về bút hiệu “Kỉnh Chỉ”, ông bảo đã tra cứu nhiều bộ tự điển, nhưng ở đâu cũng chỉ thấy chữ “Chỉ” chứ chữ “Kỉnh” thì không có. Ông đưa ra một giả thuyết có lẽ Cụ Kỉnh Chỉ đã nói lái Kỉnh Chỉ thành “chỉnh kỹ” chăng, vì người quân tử xưa thường hay tự chỉnh mình.

Thi sĩ Trúc Chi góp ý kể rằng trước kia ông có gặp Cụ Hồng Liên Lê Xuân Giáo, khi bàn về bút hiệu Kỉnh Chỉ, Cụ Hồng Liên đã thốt ra như sau: “Có chữ cả đấy, nó ở trong bốn chữ Hán: THẤP HY KỈNH CHỈ, nhưng đến bây giờ ông đã không còn nhớ xuất xứ của bốn chữ ấy từ đâu ra. Tối hôm kia, khi tôi nói chuyện với Trúc Chi qua điện thoại, ông bảo với tôi rằng có một câu chuyện liên hệ với bút hiệu của ông tôi, nhưng hôm buổi lễ không dám kể vì sợ mang tội hỗn láo. Tôi cũng xin viết ra đây để hầu quý độc giả: Nhân một buổi trà đàm giữa cụ thân sinh Trúc Chi và ông tôi, ông tôi được hỏi về ý nghĩa của bút hiệu, ông tôi cười và nói đùa rằng vì ông tôi không phải là người cao lớn nên mới gọi là “thấp Hy Kỉnh Chi”.

Ngoài ra bác sĩ kiêm học giả Lê Văn Lân, người mà gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn, vì chính ông là người đã đốc thúc chúng tôi phải bằng mọi giá sớm ấn hành tập Thơ Kỉnh Chỉ, ông đã gởi bài “Đôi giòng ghi chép tìm hiểu ý nghĩa về bút hiệu Kỉnh Chỉ của Bác sĩ Phan văn Hy” cho cậu tôi. Qua di bút của Cụ, tôi thấy bút hiệu được viết ra chữ nho như sau:

Đọc là Kính Chí, nhưng cũng đọc là Kỉnh Chỉ vì cung kính hay cung kỉnh đều đọc thay cho nhau.
Trong thơ điếu Cụ năm 1970, có bài thơ bằng chữ Hán của Minh Chu KTS Ngô thi hào như sau:
Tiễn biệt thi nhân liễu thế trần
Lão du Phật cảnh dự phong vân
Bối trung trí huệ thường tinh tấn
Kỉnh ái tao đàn niệm bảo trân
Chỉ dẫn hậu sinh hà thi bá
Đại thừa đạt đạo đắc Nam huân
Thi đàn tổng niệm nam trần ảnh
Hào khách tam thiên khấp cố nhân
Ráp những chữ đầu câu, người ta đọc thành:
Tiễn lão bối Kỉnh Chỉ đại thi hàoNhư vậy CHỈ đây là chỉ dẫn, phải viết là

nghĩa là ngón tay, chỉ, bảo, biểu thị ý kiến cho người ta biết.
còn

:CHỈ, có nhiều nghĩa
1/. Dừng lại (chỉ bộ) như hình bàn chân

2/. Thôi, cấm (cấm chỉ)
3/. Ở vào chỗ nào đó, ví dụ như trong câu chữ Nho:
Tại chỉ ư chí thiện
Tự đặt mình vào chỗ rất phải làm.
4/. Dáng dấp, cử chỉ, đi đứng
5/. Tiếng giúp lời (trợ ngữ) như:
Ký viết quy chỉ, hạt hựu hoài chỉ
Đã nói rằng về, sao lại còn nhớ
6/. Có nghĩa là duy chỉ như vậy
Thành ra Kỉnh Chỉ có thể chọn nghĩa số 3, số 4 là hay nhất. Có thể Cụ Kỉnh Chỉ thâm Hán Học đã dựa vào một điển tích hay một câu nói trong sách Nho nào đó có nghĩa thâm thúy.
Giáo sư Nguyễn Sĩ Tế được mời lên tiếp tục chương trình. Giáo sư cũng bàn về sự “an nhiên” trong thơ Kỉnh Chỉ. Ông phân tích rằng cái “an nhiên” này là cái an nhiên siêu hình của Đông phương chứ không phải cái an nhiên của Tây phương, cái an nhiên của người suốt đời nghĩ về con người, về xã hội, về ý nghĩa cuộc đời, cái an nhiên chỉ những người thiền mới có được, và để kết thúc ông đã ngâm bài thơ “Thánh Tích” của ông:
Song lạnh âm thầm nhện kéo tơ
Ngoài hiên chim đợi với hoa chờ
Từng mùa tiếp nối mùa, canh giữ
Cùng bụi thời gian một quyển thơ
Rồi ông bảo rằng chúng ta đang là nhện, đang là chim, đang là hoa, chúng ta đang làm bổn phận canh giữ tập thơ của Cụ Kỉnh Chỉ.

Nối lời giáo sư Nguyễn Sĩ Tế là bác sĩ Tôn Thất Niệm. Bác sĩ Niệm đã ca tụng phong cách văn nhân và sự nghiệp của Cụ Kỉnh Chỉ. Ông xác nnận rằng hoài bảo của các vị thầy thuốc là cứu người, cứu đời.

Nữ nghệ sĩ Minh Trang mặc dầu trong người không được khỏe, cũng cố gắng đến dự và lên máy vi âm để tỏ lòng ngưỡng mộ thi văn của “dượng Đốc Hy”.

Trong số quan khách tham dự chúng tôi nhận thấy sự có mặt của các thi, văn, nghệ sĩ và các phóng viên nhà báo sau đây: Long Ân, Phong Đăng, Nguyễn Đồng, Trần Đại Hiền, Nguyễn Thị Hợp, Nguyên Khai, Trần Sĩ Lâm, Viên Linh, Hoàng Mai, Mai Kim Ngọc, Trần Nhân Ngôn, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Công Trường Sơn, Ngự Thuyết, Cao Thanh Tùng, Lê Tú Vinh, cùng một số các văn và thi sĩ của khóa 48-55 Khải Định.

[
Từ trái sang phải: Nhà báo Viên Linh (X), giáo sư Nguyễn khắc Hoạch, thi sĩ Cao Tiêu, một thân hữu, giáo sư Nguyễn sĩ Tế

Ông chủ tịch Hội Ái Hữu Quảng Trị và một số rất đông đồng hương của Kỉnh Chỉ tiên sinh cũng hiện diện trong buổi lễ. Quý vị này đã nhắc lại về người lương y đã săn sóc cho ba thế hệ trong gia đình họ.
Sau phần phát biểu cảm tưởng về thân thế, sự nghiệp và bình giảng văn thơ của cố thi sĩ Kỉnh Chỉ là phần ca ngâm với sự trình diễn qua giọng ngâm thơ điêu luyện của nữ nghệ sĩ Bích Thuận và Hà Minh Nguyệt với sự phụ họa bằng tiếng sáo réo rắt của nghệ sĩ Ngọc Nôi.

Nghệ sĩ Ngọc Nôi và Nữ nghệ sĩ Bích Thuận

Nữ nghệ sĩ Hà Minh Nguyệt
Ngoài ra chúng ta còn được thưởng thức giọng ca truyền cảm của nữ sĩ Thiên Thanh và giọng ngâm thơ trầm ấm của nam nghệ sĩ Hà Phương.

Chỉ tiếc rằng chúng tôi nhận thấy quan khách chắc cũng đã thấm mệt vì sức nóng của buổi trưa hè nên đành thay đổi chương trình. Thay vì mời quan khách dùng tiệc trà trong khi đại diện gia đình thuộc hàng cháu là Ngô Khắc Thuật lên trình bày về sự hình thành tập Thơ Kỉnh Chỉ và những dự tính trong tương lai cho tập thơ thứ hai, chúng tôi đành phải bỏ tiết mục này và phần ẩm thực đã thực hiện trong lúc các nghệ sĩ đang trình diễn: đấy là một lỗi lầm lớn mà chúng tôi tha thiết mong các nghệ sĩ vui lòng tha thứ cho.

Ngoài ra chúng tôi đã dự định trước khi chia tay chúng tôi sẽ phát bài hát “Giữ chặt mối dây” (bài này đã do cựu Châu Trưởng Hướng Đạo Phan Mạnh Lương cung cấp) để tòan thể hội trường cùng hát với chúng tôi, vì chúng tôi muốn dùng lời của bài hát để nhắn nhủ với tất cả thế hệ trẻ trong đại gia đình chúng tôi như sau:
Chúng ta hôm nay hiệp vầy
Cùng nhau nắm tay
Nét thương yêu nhau tỏ bày,
Giữ chặt mối dây.
Tâm trí ta chung cùng nhau,
Thanh khí ta luôn tương cầu,
Mến nhau ta nên hằng ngày
Giữ chặt mối dây
Dẫu khi xa xôi đường dài,
Lòng ta không phai,
Sớm khuya không quên giờ này,
Giữ chặt mối dây.
Nét thương yêu nhau tỏ bày,
Cùng nhau đến đây,
Gắng công anh em họp bầy
Giữ chặt mối dây
Tuy nhiên người ta thường bảo: ”Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” sức nóng của miền Nam Cali đã không chiều lòng những người có thiện chí, nên chúng tôi đã không thể thực hiện chương trình như dự tính.
Dù sao buổi lễ được hình thành là do sự góp công, góp của, góp sức của đại gia đình chúng tôi, tuy nhiên buổi lễ được thành công là nhờ sự hiện diện và lòng ưu ái của Thượng Tọa Trụ Trì, các bậc trưởng thượng, các văn nghệ sĩ cũng như bạn bè thân hữu đã dành cho đại gia đình chúng tôi và nhất là đối với Kỉnh Chỉ tiên sinh. Quý vị đã giúp chúng tôi có cơ hội để báo hiếu phần nào công ơn sinh thành, dưỡng dục của người quá cố. Như lời của cậu tôi đã thưa cùng quý vị, vì chúng tôi quan niệm buổi lễ ra mắt tập Thơ Kỉnh Chỉ như một buổi họp mặt thân hữu trong không khí gia đình, ắt hẳn việc tiếp đón không tránh được nhiều điều sơ suất thiếu sót, xin quý vị lượng tình bỏ qua. Xin chân thành cảm tạ tất cả quý vi.
