Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - Việt Nguyên (Ngày Nay-Houston, TX)  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra
Việt Nguyên (Ngày Nay-Houston, TX) (Read 774 times)
dacung
Gold Member
*****
Offline


Thất bại lớn nhất
là sợ thất bại!

Posts: 1378
Việt Nguyên (Ngày Nay-Houston, TX)
06. Jul 2007 , 06:54
 
Cha tôi và những mùa hè năm tháng cũ

Monday, June 18, 2007  

Đoạn kết có hậu của cuốn phim Vượït Sóng với hai mẹ con Mai và Lai tìm lại được đời sống mới, hạnh phúc trong một buổi chiều trên cánh đồng với cánh diều bay làm tôi nhớ lại một đoạn trong cuốn sách “Người Thả Diều” (The Kite Runner) của Khaled Hosseini, sắp thành phim qua hãng Paramount. Những cánh diều rực rỡ ngày nào của những mùa hè trên quê hương thanh bình cũ. Những mùa hè hạnh phúc của thời đi học. Những con diều của tuổi thơ đã mất. Mùa hè năm nay, những người bạn thời trung học gần 40 năm mới gặp lại, đã đem đến cho tôi nhiều kỷ niệm của những ngày tháng cũ và nhắc đến hình ảnh nghiêm khắc của cha tôi vào những mùa hè.

Father’s Day! Có ai muốn viết về những người cha nghiêm khắc? “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Mẹ lúc nào cũng rộng lượng, nước lúc nào cũng mát mẻ, còn núi Thái Sơn khô khan, cao không với tới, mà núi Thái thì có ai biết ở đâu? Núi Thái xa xôi ở bên Tầu. Câu ca dao chỉ làm cha xa thêm và mẹ thì gần gụi lại.

Các bạn đã nhắc tôi mùa hè năm 1961, buổi chiều mùa hè cha tôi đứng đợi trước cửa trường trung học Trần Lục để đón tôi đi bộ về nhà sau một ngày thi tuyển vào đệ thất. Cái ngày mùa hè ấy, cậu học trò nhỏ luôn luôn lạc quan là tôi đã bảo đảm với ông rằng tôi chắc chắn đậu kỳ thi tuyển vì đã trúng một bài toán thuộc lòng với hai chiếc xe chạy cùng giờ ngược chiều, một chiếc từ Saigon một chiếc từ Vũng Tầu với hai tốc độ khác nhau, một chiếc 60km/giờ và một chiếc 40km/giờ sẽ gặp nhau ở đâu vào lúc nào? Và bài luận văn “Mùa hè em sẽ lên núi hay đi xuống biển”. Tôi chọn bài luận tủ “Mùa hè em sẽ đi lên núi”. Bài luận văn tủ được chú bé con viết rất dễ dàng vì tôi bị những ngọn núi ở Dalat quyến rũ từ nhỏ. Bài viết hơn sáu trang giấy với kết luận được ông giáo Mai trường Bàn Cờ dặn dò tôi để đi vào con đườøng hoạn lộ: “Em sẽ đứng trên núi nhìn thấy giang sơn gấm vóc và luôn luôn ghi ơn Ngô Tổng Thống!”. Có lẽ nhờ câu kết luận này mà tôi thêm tin tưởng để bảo đảm với cha tôi và có lẽ lần đó là lần duy nhất ông tin vào lời nói của tôi.

Năm tôi sáu tuổi, cha tôi đã ngoài 50, ông về hưu sau những năm làm việc ở hãng buôn Pháp. Hơn năm năm thất nghiệp, ở nhà dậy kèm cho anh tôi (hơn tôi một tuổi) và tôi trong suốt những năm tiểu hoc nhờ vậy chúng tôi có những mùa hè đẹp. Mỗi ngày ông bắt chúng tôi ngồi trước hàng hiên nhà, trên hai chiếc ghế đâu mặt vào nhau qua bàn học nhỏ. Ông bắt chúng tôi gò gẫm từng chữ, từng giòng, tập viết chữ đẹp một cách khổ sở như thời ông đi học. Sáng học toán, trưa được ngủ một tiếng, chiều lại phải học Pháp văn. Những năm ấy có lẽ là những năm đẹp nhất giữa ông và chúng tôi.

Nhờ ông mà tôi yêu Saigon. Mỗi chiều cha con đạp xe trên những ngõ hẹp gập ghềnh từ nhà ra rạp hát Việt Long, vòng qua những ngõ hẻm xóm Vườn Chuối thời Saigon còn thanh bình chưa thấy chiến tranh. Tôi yêu những con đường ở Saigon bắt đầu từ những ngày đi bộ đến mỏi chân với ông từ nhà ra khu trung tâm Saigon, qua Trần Qúy Cáp, Cao Thắng, Lê Văn Duyệt đến Tự Do, Lê Lợi, đi nhìn những ánh đèn Neon buổi tối, những căn phố lầu để ông có dịp kể lại những con đường ở Paris. Nhiều năm sau này khi đến Paris, bước vào những cầu thang máy cũ kỹ với hai cánh cửa sắt đóng xập vào tôi lại sững sờ nhớ lại những ngày còn nhỏ đi Saigon với cha tôi. Những buổi chiều đi bộ với ông khắp Saigon đếân mỏi chân, về đến nhà nằm lăn quay lên giường đọc sách. Ông không đọc sách nhiều nhưng ông đã làm tôi mê sách vở qua những sạp báo bên lề đường và những hàng nước mía khi ngừng chân. Những cuốn sách quyến rũ trên lề đường Lê Văn Duyệt và những cuốn sách trên đường Nguyễn Huệ trước nhà sách Khai Trí. Bắt đầu là những cuốn truyện bằng tranh mỏng, Phù Đổng Thiên Vương, bà Trưng bà Triệu rồi đến những cuốn sách trên sạp báo. Tôi đọc bất kể loại sách nào từ chuyện Tầu, Tề Thiên Đại Thánh, chuyện chưởng, chuyện kiếm hiệp, chuyện tình cảm. Đến 16 tuổi bao nhiêu tiền tôi dành hết cả vào sách và ciné! 17 tuổi tôi lại ham đọc sách triết. Những cuốn sách mới thơm mùi giấy và mực làm tôi quên những buổi cơm chiều, cha tôi phải sai anh tôi đi tìm lôi cổ về nhà. Sách vở đem lại sự bực mình cho cha tôi nhưng đã đem lại hạnh phúc cho tôi, những hạnh phúc của ba tháng hè.

Năm tôi 50 tuổi, các con tôi bắt tôi viết nhật ký với những câu hỏi do chúng đặt ra, về những ngày ở Việt Nam, về những kỷ niệm tuổi thơ, câu hỏi khó nhất là “tôi đã nhớ học được gì từ cha tôi”? Ông là người nghiêm khắc, khó tính với hai con mắt làm bạn bè cùng lớp của tôi sợ hãi. Tôi nghĩ mãi mới nhớ đến chín điều tâm niệm của ông hay lập đi lâp lại, những bài luân lý ông cố nhét vào đầu anh em chúng tôi, sáu anh em trai, như nước đổ đầu vịt.

Điều tâm niệm thứ nhất: Tụi mày, học trò đi học sau này đỗ đạt có bằng cấp là để cho tương lai chúng bay chứ không phải cho cha mẹ. Giảng điều tâm niệm thứ nhất xong, ông nhìn lại không thấy đứa nào, ông phải đợi đến ngày hôm sau để giảng tiếp điều tâm niệm thứ hai: khi nào chúng mày có con, chúng mày mới hiểu lòng cha mẹ. (Điều tâm niệm thứ hai này quả thật phải hơn 20 năm sau khi ông mất tôi mới thấm).

Điều tâm niệm thứ ba của ông được ông em kế thua tôi ba tuổi nhớ kỹ nhất, sau này nó bắt đầu dạy cho con như một ông già: chúng bay học giỏi, sẽ đi làm kiếm được nhiều tiền, có tiền, giầu nuôi được chúng mày và con chúng mày. Cha mẹ không được nhờ đâu. Nước đổ từ trên thác đổ xuống, không chạy ngược lên, đến đời con chúng mày cũng vậy đừng đợi nhờ vả đến chúng. Điều tâm niệm này ông nói hơi nặng lời, hình như khi ấy chỉ có ông anh cả của chúng tôi thấm thía. Điều tâm niệm thứ tư, có lẽ là lời tiên tri cho bọn chúng tôi vì ít khi nào ở VN anh em chúng tôi nghĩ chúng tôi sẽ giầu: Đừng quên gốc gác khi giầu có.

Điều tâm niệm thứ năm làm chúng tôi bực bội nhưng ở cuôí thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 đúng phóc: Đừng nghiện ngập thuốc phiện! Dù giầu có đến đâu nghiện ngập không có lối thoát.

Điều tâm niệm thứ sáu: đừng quên những người giúp đỡ mình, kéo đến điều tâm niệm thứ bẩy, ông cứ nhắc đi nhắc lại mãi làm chúng tôi chỉ muốn quên: khi giầu đừng quên lúc nghèo!

Hai điều tâm niệm chót thứ tám và thứ chín nặng tình gia đình: anh em phải thương yêu và đùm bọc lẫn nhau và sau cùng phải nhớ đến tổ tiên.

Hình như cứ mỗi cuối năm là ông lập đi lập lại những điều tâm niệm này, càng nhắc chúng tôi càng quên, có lẽ vì ông không tin tưởng lắm vào các con ông. Tôi không biết về phần năm anh em khác của tôi nhưng rõ ràng là ông ít tin tưởng vào tôi. Dậy kèm tôi suốt năm năm tiểu học, đậu hạng năm trường tiểu học Phan Đình Phùng nhưng ông nhất định bắt tôi thi vào trườøng trung học Trần Lục, giản dị là sau bốn năm học Trần Luc rồi thì cũng sẽ vào Chu Văn An hay Petrus Ký. Học ở Trần Lục hai năm rồi nhưng ông lại muốn tôi thi vào trường Cao Thắng cho có nghề! (Ngôi trường cạnh chợ Cũ, chợ chó, học sinh đi học lúc nào cũng có kềm búa trong cặp, các anh em tôi đều tốt nghiệp trường Cao Thắng. Tôi hay đến họp Hướng Đạo, trổ nóc nhà đi qua chợ chó). Tôi phải cố gắng lắm mới thoát được kỳ thi tuyển vào Cao Thắng. Đậu trung học đệ nhất cấp ông và tôi lại tranh cãi một lần nữa. Ông đinh ninh tôi sẽ chọn ban B toán, tôi lại chọn ban C văn chương. Ông giận mất đến mấy ngày, cứ bảo tôi rằng: văn sĩ rách lấy gì mà ăn? (thật ra lúc ấy tôi muốn thành họa sĩ vẽ tranh khỏa thân chứ không muốn viết văn). Tôi thấy văn sĩ trong nước hồi ấy có nghèo thật, nhất là mỗi ngày nhìn ông Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng lảo đảo vào trong xóm, nhưng thích văn chương hơn toán nên vẫn cố cãi bướng. Mấy ngày liền ông cứ đặt câu hỏi: “Mày có chắc sống được với văn chương? Sau này có gia đình lấy gì nuôi con?” Sau đó ông đổi giọng nhẹ nhàng hơn. “Học ban toán sau này thành kỹ sư có nghề nghiệp vững chắc tại sao con lại thích viết văn?” Ông không biết rằng những đêm nằm trên sân thượng nghe ông ngâm chuyện Kiều và buổi tối theo dõi chương trình Tao Đàn ông yêu thích đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn của tôi. Cuối cùng tôi cũng chiều lòng ông chọn ban Toán khô khan. Tôi không biết nếu ngày ấy chọn ban C rồi thì cuộc đời sau này có lận đận như mấy ông bạn thơ Tô Thùy Yên hay Du Tử Lê? Mới đây, đọc những cuốn sách hay của Orhan Pamuk, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ giải văn chương Nobel mới biết văn chương bạc bẽo, hồi nhỏ ông bị mẹ la rầy vì chỉ mong thành họa sĩ và văn sĩ bỏ cả ngành kiến trúc đang học để viết văn hay như nhà văn Tây Ban Nha Paulo Coelho, viết “The Alchemist” ấn bản hơn 100 triệu cuốn, hồi nhỏ nhất định mơ thành văn sĩ bị cha bắt bỏ vào nhà thương điên ba lần hồi năm 17 tuổi, hai lần trị bằng điện giật cho đến năm 26 tuổi mới được xem là bình thường đạt được giấc mộng theo đuổi ngành văn chương.

Học xong Chu Văn An, đậu Tú Tài đôi, cha tôi chọn cho tôi ngành Không Quân! Ông không tin tôi sẽ thi đậu vào Y khoa. Cuộc đời có trời sắp đặt. Tôi đậu Y khoa nhờ may mắn. “Cả năm chỉ thích đi Hướng Đạo, Hội Hồng Thập Tự, làm ban đại diện trường Chu Văn An, làm sao mà đậu được Y khoa?” Giống như Paulo Coelho viết trong The Alchemist “Khi mà mình mơ một điều gì mãnh liệt thì trời đất và mọi sự đều đồng lõa giúp vào”. Kỳ thi vào Y khoa năm 1968 do Gs Trần Ngọc Ninh làm chủ khảo đặt nặng kiến thức tổng quát và sinh ngữ. Lòng yêu sách vở đã giúp tôi. Gần 40 năm qua tôi còn nhớ, buổi chiều đi với anh tôi và một người bạn, đi qua sập báo trước nhà Khai Trí bỗng dưng tôi cầm cuốn sách “Cours de langue Francaise tome IV” đọc bài “Mary đi Mỹ”. Bị anh tôi và bạn thúc dục nhưng tôi bỏ hẳn chầu xi nê rạp Rex để đọc xong bài “Mary đi Mỹ”, đọc ngấu nghiến phần dịch tiếng Việt, phần phân tích mệnh đề, phân tích văn phạm và ngữ vựng. Kỳ thi đó bài Pháp văn là bài Mary đi Mỹ với các câu hỏi hoàn toàn trong cuốn sách đã được đọc. Tôi mất một giờ làm bài, phần còn lại viết tới viết lui cho đẹp! Năm ấy cha tôi không đợi tôi ngoài cổng trường thi nhưng ông lại được ông con ngông nghênh cho biết chắc chắn sẽ đậu vào y khoa dù ông thầy Vũ Bảo Ấu đằng sau nhà nhắc nhở rằng: “Cậu nhớ thi vào Y khoa là thi tuyển đấy”. Tôi đậu vào y khoa rồi, ông vẫn không tin tôi sẽ học. Ngày đầu tiên đến trường ông bắt tôi hứa sẽ không hoạt động xã hội, không đi Hướng Đạo, không được viết báo Chính Luận, không được làm ban đại diện sinh viên. Tôi giữ được lời hứa đúng một tháng nhưng sự tiên đoán tôi sẽ không học hết y khoa của ông không đúng. Năm 1975 tôi tốt nghiệp, ông mất sau ba tháng nhìn thấy cảnh đời tang thương mà không thấy ngày tốt nghiệp của tôi.

Đêm hôm nay, viết những giòng chữ này cho ngày Father’s Day và những kỷ niệm cũ, nếu ông còn sống chắc ông cũng sẽ rằy rà với cặp mắt nghiêm khắc như ngày tôi 18 tuổi: “Mày không đi ngủ sau mấy đêm làm việc chỉ thích viết lách!” Một lần nữa, cha con tôi chắc lại bất đồng ý kiến, ở vào tuổi của tôi ông cũng đã vướng vào những đam mê khác!

Việt Nguyên - 5/6/97
(Fathers’s day 2007)
Back to top
« Last Edit: 09. Oct 2007 , 11:32 by dacung »  

dacung
WWW  
IP Logged
 
dacung
Gold Member
*****
Offline


Thất bại lớn nhất
là sợ thất bại!

Posts: 1378
Re: Việt Nguyên (Ngày Nay-Houston, TX)
Reply #1 - 09. Oct 2007 , 11:32
 
The Kite Runner, cánh dìêu của tuổi thơ và hy vọng


Friday, October 05, 2007 

HOUSTON (NN) – Một mùa hè đã qua, một mùa thu lại đến như nhà văn Nga Babel đã viết “Cặp kính trên sóng mũi và mùa thu ở trong tim”. Mùa thu của những suy ngẫm về cuốn phim Vượt Sóng với nữ tài tử Kiều Chinh, một trong những vai chánh của cuốn phim. Kiều Chinh đến Houston để dự buổi tổ chức kỷ niệm 50 năm điện ảnh của bà. Trong Vươt Sóng, Kiều Chinh đóng vai bà nội dịu dàng và linh độâng hơn những cuốn phim trước, một Kiều Chinh đi vào lòng khán giả Việt hơn hẳn Kiều Chinh trong phim Hội Mạt Chược (Joy Luck Club). Cuốn phim đã làm tôi xúc động nhớ lại những đêm trên biển Nam Hải, trời tối đen, biển lặng, trăng sáng của những ngày vượt biên trôi nổi nhưng không chìm. Một cuốn phim với đoạn kết hạnh phúc giống như đoạn kết của cuốn truyện The Kite Runner, truyện bán chạy nhất trong hai năm qua của nhà văn Khaled Hosseini đã được hãng Paramount làm thành phim ra mắt đầu tháng 11 năm nay.


Cùng một văn hóa


Mùa thu đọc lại The Kite Runner với những đoạn văn xúc động, một cuốn truyện đọc rất buồn. Nhà thơ Đỗ Qúi Toàn đã nói với tôi rằng từ ngày sang Mỹ đến giờ ông tránh đọc những cuốn truyện Việt Nam sau 1975 vì nhiều câu chuyện buồn quá! Nhưng ông và tôi cùng vấp phải một lỗi lầm, đã đọc The Kite Runner, cuốn sách đọc nửa chừng chỉ muốn ngừng vì Khaled Hosseine tàn nhẫn không cho người đọc ngừng cảm xúc. Cô con gái của tôi, không nhớ gì về Việt Nam, đã khóc sau khi đọc hồi ký của Bố về những ngày vượt biên, về những buổi chiều hai cha con chở nhau trên xe đạp đi trong xóm vào những ngày sau 1975, sau khi đọc xong The Kite Runner đã xúc động và hỏi: “câu chuỵên có thật không hả bố! Sao giống những chuyện bố kể về Saigon sau ngày Cộng sản vào Saigon”. Được xem cuốn phim sắp chiếu, lòng cô bé còn buồn hơn là đọc xong cuốn truyện hai năm trước.

Cuốn truyện của Hosseini với những đoạn đời đầy nước mắt nếu thay tên Kabul thành Saigon, nêu quên đi những danh từ Hồi giáo Shiite, Sunni, nêu chỉ nhìn thấy những con người cùng văn hóa Á Châu thì The Kite Runner là cuốn truyện của người tị nạn Việt Nam sau 1975. Cuốn truyện đầy những chuyện buồn, nhưng mà... “chuyện có buồn thì sách mới hay”.

The Kite Runner đã đưa tôi về sống lại với thời thơ ấu, thời vui thú với bạn bè, chơi đùa, kết bè kết bạn, thả diều, bắn ná, ngồi trên cây với cặp ná nhắm bắn vào những con chó chạy hoang trên đường, nhớ những ngày thả diều trong xóm hay có khi lên nóc nhà thả diều lên cao và mơ chiếc diều có thể bay lên cao đụng đến mặt trời nếu có đủ sợi dây nhợ dài! Những ngày mùa hè mưa trể, giấy bóng, dây nhợ, keo, ngồi hàng giờ chuốt tre làm sườn diều, cắt giấy dán những chiếc đuôi diều dài. Hai anh em làm những chiếc diều bằng tiền để dành trong những con heo đất.

Trò chơi Kite Runner ở A Phú Hãn khác hẳn với trò chơi thả diều ở Việt Nam. Những chiếc diều của bọn trẻ ở Kabul được dùng trong những trò chơi lớn như chiến tranh. Hội diều là hội lớn nhất vào mùa đông. Những con diều với những sợi dây được nhúng bằng dầu hắc cho cứng, trộn lẫn với keo và miểng chai treo lên cây phơi khô cho dây cứng. Trẻ em thả diều lên cao, cố dùng dây diều để cắt đứt dây diều của đối thủ, khi diều bị chém rơi, người đi săn diều (The Kite Runner) chạy theo chiều diều sa, cố bắt được chiếc diều của đối thủ.

The Kite Rurner dẫn tôi về thời mê xi nê, đi xem bà Kiều Chinh và đi xem phim cao bồi, cố xin tiền bố mẹ năm đồng xem hai phim ở rạp Đại Đồng. Sáng chủ nhật mua ổ bánh mì thịt đi vào rạp Khải Hoàn xem phim mãi đến giờ giới nghiêm. Thuở phim ảnh ở Việt Nam được chuyển âm qua tiếng Pháp bởi hãng Mỹ Vân, đi xem John Wayne, Victor Mature và Elizabeth Taylor mà cứ tưởng các tài tử người Pháp giống như Amir nhân vật chánh trong truyện The Kite Runner cố xin bố đi qua Iran để xem tài tử John Wayne vì trong phim Rio Bravo, John Wayne nói tiếng Iran!

Đọc đến đoạn Amir đi tị nạn qua Mỹ, vào tiệm mướn phim Magnificient seven đã xem hơn 13 lần, được một người bản xứ hỏi “cậu đã xem phim này chưa” thì cậu Amir kể vanh vách đoạn kết nào Charles Bronson chết, James Coburn chết, mà cả người hùng Robert Vaugh cũng chết khiến ông Mỹ bản xứ đã phải cảm ơn ông nhô: “Thank you, man” và hậm hực bỏ đi, tôi phải bật cười vì văn hóa ở Việt Nam và A Phú Hãn quả thật giống nhau, người Mỹ không muốn biết đoạn kết, còn người Á Châu bao giờ cũng hỏi nhau đoạn kết cho dù đó là cuốn truyện hay cuốn phim trinh thăm chăng nữa!

Bật cười to hơn nữa khi đọc đến đoạn người A Phú Hãn hay có khuynh hướng nói quá, họ dùng chữ Laaf, nghe như bá láp của người Việt Nam, gần như một căn bệnh quốc gia: “nếu người A Phú Hãn khoe con mình là bác sĩ y khoa thì có thể cậu bé chỉ mới thi đậu kỳ thi sinh hóa trong trường trung học!”


Có một tình người


Câu chuyện The Kite Runner bắt đầu với nhân vật chánh trong truyện, Amir, người A Phú Hãn định cư ở San Francisco sau ngày Nga chiếm Kabul, nhận được cú điện thoại trong mùa hè năm 2000 từ người bạn già Rahim Khan từ Pakistan. Cú điện thoại đã đánh thức Amir, một nhà văn trẻ vừa tạm ổn định cuộc đời tị nạn ở Hoa Kỳ, qua California cùng với ông bố Baba. Quá khứ lại hiện về với những kỷ niệm cũ trong thành phố Kabul trước thời Taliban, một thành phố bình yên với những tiếng cười những niềm vui và tự do. Ở Kabul, Amir là con một thương gia giầu có thành công có người bạn thân là Hussan con của Ali người làm của Baba. Hai cậu chơi với nhau thân thiếât từ khi mới lọt lòng. Hai cậu cùng một cảnh ngộ mất mẹ sớm. Mẹ Amir mất vì xuất huyết sau khi sanh còn mẹ của Hussan bỏ đi ngay sau khi sanh cậu theo đám ca hát rong. Cả hai lớn lên thả điều, đá bóng. Amir thả diều còn Hassan chạy săn diều. Nhưng một ngày Amir đã hèn nhát không dám can thiệp khi bọn vô lại cầm đầu bởi Assef hiếp dâm Hassan. Amir say mê văn chương còn Hassan không được đi học, hai người khác nhau nhưng thân thiết cho đến ngày phải bỏ Kabul. Hassan về chăm sóc nhà của cha Amir sau khi cha con Amir sang Mỹ.

Đời sống ở Mỹ còn khó khăn nhưng Amir nghe lời Rahim trở về Kabut tìm con của bạn là Sohrab sau khi biết Hassan và vợ bị Taliban xử tử hình cướp nhà của cha Amir.

Với ngòi viết linh động và cảm xúc, Khohed Hossini đưa người dọc về Kabul qua nhiều giai đoạn lịch sử sau ngày chế độ quân chủ xụp đổ cho đến khi Nga chiếm A Phú Hãn và ngày Taliban làm cuộc cách mạng Hồi giáo quá khích.

Trong câu chuyện đầy tình người, tình bạn, tình cha con và những phản bội sau những cuộâc đổi đời Khaled Husseini đã làm tôi sững sờ về những mảnh đời của những người cùng khổ ở Kabul? Hay ở Saigon sau 75 của người Việt? Hay của người A Phú Hãn?

Những ngày mới đến California, gia đình Amir đã ở dưới Basement cả tuần lễ. “Babe yêu lý tưởng Mỹ quốc nhưng đời sống ở Mỹ đã làm ông loét bao tử?” Nước Mỹ là nơi Baba chôn dấu những kỷ niệm, nhớ nhà, nhớ những người cùng phố ở Kabul, nhớ những ngày đi dạo trong những khu buôn bán sầm uất, nhớ những người hàng xóm chào hỏi nhau mỗi ngay. Ở đây không ai chào hỏi, ông bố vẫn phải cố gắng thích hợp với xã hội Mỹ mỗi ngày trong khi ông con Amir yêu xứ Mỹ tự do không bị ràng buộc. Một năm rưỡi sau khi đến Mỹ, ông con học trường cao đẳng còn ông bố vẫn phải chật vật chỉ vì danh dự và tự hào.

Một tháng sau khi đến Mỹ, Baba tìm công việc trên đường Washington đứng bán xăng ở trạm xăng do người A Phú Hãn làm chủ. Mỗi ngày ông làm việc 12 giờ, sáu ngày một tuần. Công việc bao thầu vừa thay nhớt xăng, lau kính xe vừa đứng sau két tiền.

Ngày được mướn làm việc, Baba vào văn phòng Xã Hội ở San Jose, gặp bà công chức người da đen, mập, khó chịu để trả lại xấp Food Stamp trên bàn làm việc của bà ta: “Cám ơn bà nhiều nhưng tôi không cần. Ở A Phú Hãn tôi luôn luôn làm việc, ở Mỹ tôi cũng làm việc. Cám ơn bà Dobbins”. Trong suốt những năm đầu ti nạn, Baba giúp đỡ cộng đồng, xây nhà cho người mới đến, giúp đồng hương tìm việc làm, xem những người A Phú Hãn khác giống như anh em trong nhà, cố để lại vết tích trong cộng đồng người A Phú Hãn.

Baba cố hội nhập nhưng bất đồng văn hóa, một lần hiểu lầm với ông bà Nguyễn chủ tiệm tạp hóa “Fast and Easy”, hai vợ chồng già đầu bạc, vợ bệnh Parkinson, chồng phải đi khập khễnh vì bị gẫy cổ xương đùi. Baba viết ngân phiếu để trả tiền chợ bị bà Nguyễn hỏi căn cước nên phát cáu: “sau hai năm đến tiệm mỗi ngày trả tiền không thiếu một đồng, hôm nay lại đòi bằng lái xe! Cái xứ gì kỳ cục không ai tin ai!”.

Trong khi Baba cố gắng hòa nhập trong xã hội mới ở Mỹ thì ông tướng Sahib, bố vợ của Amir, sống như còn đang ở Kabul. Từ ngày sang Mỹ ông không đi làm, cả nhà ăn Welfare, lãnh trợ cấp chính phủ vì không muốn làm những công việc không thích hợp với địa vị một ông tướng. Ông mong đợi ngày A Phú Hãn được giải phóng. Ông mong chế độ quân chủ ở A Phú Hãn được tái thành lập, chức vụ được phục hồi. Mỗi ngày ông mặc đồ vét, nghiêm chỉnh ngồi chờ thời, đi ra chợ trời giúp vợ con mua bán để giải trí. Năm 1988 chiến tranh lạnh chấm dứt. Năm 1991, thế giới chú tâm vào Thiên An Môn quên bẵng đi A Phú Hãn nhưng ông tướng Sahib mang hy vọng mới, nhất là khi quân Sô Viết rút khỏi A Phú Hãn. Ông ăn mặc quân phục chờ đợi. Sau ngày Hoa Kỳ bỏ bom A Phú Hãn năm 2002, ông tướng được gọi về nước tham dự vào bộ Quốc Phòng. Ông may mắn hơn nhiều ông tướùng tị nạn Việt Nam khác ở Hoa Kỳ.

Trong khi cha con Amir bắt đầu làm lại cuộc đời mới ở Fremont thì ở Kabul xã hội thay đổi. Sau ngày Soviet chiếm đóng Kabul, không ai còn tin lẫn nhau, mọi người sống trong không khí đe dọa, hàng xóm nghị kỵ tố cáo lẫn nhau, con tố cha mẹ, anh tố em, người làm công tố cáo chủ, bạn bè nghi kỵ tố cáo nhau. Quân Cộng sản đóng mọi nơi chia Kabul thành hai nhóm: một nhóm dò xét người khác, một nhóm còn danh dự không làm chuyện bẩn thỉu. Mọi người sống nghi ngờ nhau trước họng súng Kalashnikov của Nga. Ngày đó Amir còn ở lại Kabul, giấc mơ của cậu cũng như giấc mơ của những người trong thành phố Kabul là một sáng thức dậy nhìn ra đường sẽ không còn thấy bóng dáng của quân Nga đi tuần trên đường, không còn thấy những chiếc xe tăng lăn trên từng góc phố, không có giờ giới nghiêm, mọi người được sống tự do được nhìn bóng trăng và không còn thấy máy bay Mig trên nền trời.

Hy vọng của Baba cũng như hy vọng của những người A Phú Hãn khác là cơn ác mộng của A Phú Hãn chỉ tạm thời, những ngày tiệc tùng khách đầy nhà của ông ở khu phố Wazir Akbar Khan sẽ trở lại. Sau bốn năm Liên Minh Bắc Quân (Northern Alliance) chiếm A Phú Hãn (1992-1996) quân Taliban đến giải phóng Kabul, mọi người nhẩy múa vui mừng trên đường phố. “Hòa bình cuối cùng đã đến”. Hi vọng là điều lạ lùng kỳ dị đối với dân A Phú Hãn nhưng hòa bình đã đến với một giá đắt.

Với Taliban, nước A Phú Hãn thời tuổi trẻ của Amir đã chết. Sự tử tế cùng những con người tử tế đã biến ra khỏi đất nước. Con người không tránh được chết chóc và chết chóc ở mọi nơi. Ở Kabul, con người sống với sợ hãi và sợ hãi ở cùng khắp, trên đường phố trong sân vận động, ở chợ. Nỗi lo sợ trở thành một phần của đời sống. Hầu hết mọi người hoặc chết ở Kabul hoặc sống ở những trại tị nạn ở Pakistan và đôi khi chết may mắn hơn sống. Ăn mày ngồi khắp cùng đường phố, những người ăn mày có trình độ đại học, những người từng là giáo sư trung học. Trong khi quân CS Parchami đến từng nhà bắt nhà giầu bỏ tù, tịch thu nhà cửa giết chủ nhà thì thời Taliban nhân danh Hồi Giáo “ném đá đàn bà ngoại tình ở sân vận động. Hiếp dâm trẻ em, đánh đòn đàn bà mang giầy cao gót.”

Amir trở về Kabul tìm được cậu bé Sohrab con của Hassan (trước giờ hấp hối Rahim Khan cho Amir biết Hassan là em cùng cha khác mẹ). Sohrab bắn ná giỏi như cha cậu hồi bé, cứu Amir ra khỏi cuộc đấu võ tay đôi với tên vô lại Assef (kẻ đã hiếp dâm Hassan) bằng viên đá bắn mù mắt Assef”. Đoạn Amir cùng Sohab chạy trên đường phố Kabul cũng giống như những đoạn trong cuốn truyện thứ hai “A Thousand splendid suns” có vẻ như Khohed cố tình viết cho phim hơn là truyện.

Giấc mơ của Hassan, mơ thấy những đóa hoa Lawla sẽ nở lại trên những đường phố, nhạc Rahab sẽ trỗi lên nhộn nhịp trong mỗi căn nhà và những cánh diều sẽ bay trên nền trời Kabul trong khi chờ đợi người bạn thơ ấu trở về không bao giờ đạt được nhưng đời sốâng vẫn tiếp diễn. Amir, Sohrab và vợ là Soraya tìm lại được hạnh phúc trong một buổi chiều trên cánh đồng ở Fremont. Amir chạy theo con diều trên quê hương mới,tưởng như sống lại thời trẻ với nụ cười nở rộng trên môi nhưng anh không sống lại được một thời thơ ấu đã qua, như chúng ta.

Chiến tranh A Phú Hãn vẫn tiếp diễn và người A Phú Hãn may mắn hơn những người Việt tị nạn với nhà văn Khahed Hosseini viết cuốn truyện đúng vào thời điểm cần thiết.

Việt Nguyên
(21-9-2007)

Back to top
 

dacung
WWW  
IP Logged
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra