Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - TRUYỆN - PHILA TO  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra
TRUYỆN - PHILA TO (Read 1045 times)
Dau Do
Gold Member
*****
Offline


Quân Sư

Posts: 11591
Thành Phố Phượng Hoàng
Gender: female
TRUYỆN - PHILA TO
29. Sep 2007 , 10:11
 
     
BÔNG HỒNG Tặng các chị VỢ LÍNH.

                                               

           
“Hai tay nâng nhẹ đóa hồng
Nhớ ơn vất vả thăm chồng nuôi con.”      
     
Tên cai tù trại Vĩnh Quang lật qua lật lại, xoay ngược xoay xuôi tờ đơn xin thăm nuôi chồng của chị K.A, mặc dầu tờ đơn này đã nhầu nát gần như tả tơi bởi qua tay các cơ quan ở địa phương để được đóng 3 con dấu từ khóm, phường tới quận, hồi lâu hắn vất trả lại, giọng nghiêm chỉnh đúng tiêu chuẩn XHCN:
     _ “Chồng chị vi phạm lội qui, cải thiện ninh tinh, nười nao động lên bị trại cắt thăm luôi, chị phải ráo rục chồng chị sớm rác ngộ để nần sau sẽ được cứu xét”.
     Nghe như xét đánh mang tai, bình thường thì chị cầm tờ giấy quay lui, không nên phí phạm một chút nước miếng, nhưng nay vì chồng, vượt 3 ngày đường chỉ để .. nhìn anh mà không được! Cố gắng nuốt cục đờm đang chặn ngang cổ họng để khỏi phaỉ lợm giọng, chị chưa biết tính sao, có nên xuống nước năn nỉ tên này hay không? Có nên tránh trâu để khỏi bị trâu đánh với hy vọng được trông thấy chồng?
Bất chợt chị nhìn cái đồng hồ vỏ “Seiko ruột nội hóa” mà chị đeo nơi cổ tay và chị có dư thông minh biết phải làm gì. Cuối cùng cai tù gật gù cái đầu nhưng cũng giả bộ sẳng giọng:
     _ “Vì chính sách khoan hồng và nhân đạo của đảng và nhà lước ta, lay thay mặt trại, chúng tôi chiếu cố cho chị gặp chồng ba mươi phút, nhưng phải chấp hành đúng lội quy và vận động chồng chị học tập tốt, nao động ..”.

     Tai chị ù đi, chẳng cần nghe hắn nói tiếp những gì, cho tới khi nhìn thấy anh, được gặp anh là hạnh phúc lắm rồi, dù cho còn có con sông quái ác ngăn đôi vợ chồng là cái bàn và tên“cán bộ”!

Từ hai bờ Nam Bắc, cùng vươn tới nhưng không được cầm tay nhau truyền hơi ấm, chỉ có mắt trao đổi tình yêu thương, ngàn lời nói cũng không thừa, nhưng vừa mới nhìn nhau chưa kịp chớp mắt thì “thần chết” đã vung lưỡi hái lên cố tình để lộ cái “đổng không người lái” rồi tuyên bố hết giờ!

     Văn minh thật! Chị nghĩ thầm và cũng thầm khen người Cộng Sản tiến bộ rất nhanh, từ lúc mang bộ mặt “đồ đá”ù chạy ù quá độ sang “đồ da” rồi mau chóng tiến tới thời kỳ “đồ đểu” chỉ trong vòng mười năm phút! Thời gian chạy mau đến thế sao?

Chị biết chúng nó đã ăn gian, muốn lột thêm cả đôi dép .. dưới chân! Nhưng thôi, chả cần thiết phải phí phạm thêm vài giọt nức bọt, nhìn thấy anh chưa bị vùi thân dưới chân đồi, bên nương sắn như một số đồng tù bất hạnh khác là được rồi, nếu ngồi thêm thì chị là người sẽ “vi phạm nội quy” chứ không phải anh.

Vừa bước ra khỏi cửa nhà “thăm nuôi”, anh quay vào nhà tù nhỏ, chị trở về nhà tù lớn, hai vợ chồng đã bị khuất mắt bởi những đồi củ sắn, núi khoai mì trùng trùng điệp điệp, cả hai chinh phu và chinh phụ thời hậu 1975 cùng “đi lui”, đi giật lùi:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy.
Thấy xanh xanh những núi rừng khoai (mì)
....
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

     Chuyện đi thăm chồng của người vợ lính ở các trại tẩy não đều cùng hoàn cảnh tương tự như thế cả. Sau vài ngày đường vất vả bám theo tầu hỏa nóng như lửa, tới miền Bắc, cái nôi của XHCN thì bám theo xe trâu, cúi đầu đi theo lũ “bò vàng”, tay dắt con nhỏ, chân lội bộ cả ngày đường, vén quần vượt suối, ôm .. bụng lội bến phà Trang v..v, vượt trăm gian ngàn khổ đứng ngoài vòng rào trại giam ngóng cổ trông chồng! Người thì thấy chồng kẻ thì không, nỗi thống khổ này dễ mấy ai biết!
Sách các anh viết về đời sống thú ơi là thú .. trong các trại tù thì bày bán tràn ngập phố phường nhưng những bước đường các em đi đến trại giam người yêu, vợ lần mò khắp rừng sâu núi thẳm để thăm chồng thì vẫn không thấy câu thơ bài văn nào nói đến cả! Các anh ngày xưa có ngòi bút tài hoa lả lướt biến đâu rồi?
Dẫu cho nay mực còn hay đã cạn thì cũng mạnh dạn vươn vai đứng lên cố nghệch-ngoạc cho chúng em đôi điều gọi là “còn một chút gì để nhớ để thương” chứ cứ để chúng em ngóng cổ cò lặn lội bờ sông gánh gạo nuôi chồng thì chờ đến bao giờ mới được đọc?

     Sau những ngày tháng bòn mót sửa soạn rồi lặn lội từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng lên núi cao rừng sâu để thăm nuôi chồng, 3 ngày đường đổi lấy 30 phút, mắt nhìn mắt mà tay chẳng được cầm tay, rồi chàng trong song sắt, nàng ngoài chân mây!

     Nếu như chúng ta đã có những bài thơ hay, bài nhạc hùng ca tụng người lính thì lại thiếu nhiều lời nói về người “nuôi” lính, “đẻ” ra lính, những người đứng sau lưng làm chỗ dựa vững chắc cho lính tiến về phía trước, bước ra sa trường. Những người mà Không Quân gọi là người “lái phi công”, Bộ Binh tôn vinh là “hoàng hậu chiến trường” Nhẩy Dù nâng lên hàng “nội tướng”, BĐQ, TQLC, Pháo Binh, Thiết Giáp âu yếm phong làm tổng “chỉ huy hậu phương” v.v..

     Là gì đi nữa thì chính họ mới là người tạo nên những chiến thắng nhưng lại âm thầm hứng chịu quá nhiều cay đắng! Vẫn vắng những tiếng nói lời “Cám ơn EM”.

Từ khi “biết anh thích mầu Trời” thì em đã “bồi hồi chọn mầu áo xanh”, nhưng rồi anh bay bổng Trời cao, anh Mũ Xanh hành quân bốn vùng chiến thuật, anh HQ lắc lư con tầu đi, anh rằn ri hô “Biệt Động sát”, anh ôm Dù “cố gắng” nên chúng em “chẳng thấy bóng dáng anh đâu!” Dẫu cho có về hậu cứ nghỉ ngơi một vài ngày để tái trang bị thì vẫn ứng chiến, cấm trại! Có đúng thế không hay anh lại đi “hành quân” vùng .. hậu tuyến? Biết anh thích phịa nhưng em vẫn bồi hồi cố tin lời anh nói:
_ “Một trăm em ơi! Chiều nay (cấm trại) một trăm phần trăm”.

Người chinh phụ tân thời đưa vai gánh vác “giang sơn” nhà chồng, hiếu với cha yếu mẹ già, nuôi đàn con dại để chinh phu rong ruổi từ Bến Hải tới Cà Mâu, đêm đêm nghe tiếng súng đại bác từ xa vọng về, ôm con nguyện cầu Chúa Phật cho chinh nhân:
“Chinh nhân ơi, xin anh trở về”.
Anh trở về rồi anh lại đi ngay, có khi đi mãi không bao giờ trở lại!

Đất nước tôi chiến tranh bao trùm nhiều thế hệ, giặc Tầu, giặc Tây, giặc Cộng, nhiều tuổi trẻ đã thay nhau ra chiến trường, có anh trở về thì đã “hòm gỗ cài hoa” em thành quả phụ! May mắn hơn thì .. anh trên chiếc băng-ca, anh đu mình trên đôi nạng gỗ, dù có như thế nào đi nữa thì anh trở về vẫn KHÔNG làm dang dở đời em.

Ai đã từng là thân nhân của lính, vợ lính đều có những giây phút căng thẳng đứng lặng nhìn những xe cứu thương hối hả lao về phía bệnh viện, những xe GMC chở quan tài phủ cờ lặng lẽ đi trên đường phố, những xe jeep lấm bùn từ mặt trận trở về tìm đến xóm nhà mình ở. Anh về phép với mẹ con em hay người ta đi tìm nhà báo tin anh đã hy sinh vì Tổ Quốc? Đời vợ lính sống trong hồi hộp mãi như thế sao?

Kinh Thánh nói: “Con người ta sống không chỉ bằng cơm áo mà còn phải sống bằng tình thương”. Ai có sống trong hoàn cảnh trông chờ người thân thương mới thấy thương người vợ lính lúc nào đầu cũng đau như búa bổ.
Người lính quanh năm suốt tháng miệt mài xông pha nơi chiến trường, mấy ai có dư thì giờ nghĩ đến hậu phương mà buồn mà lo! Lo là lo cho tròn nhiệm vụ, anh BB lo tiến chiếm mục tiêu “bằng mọi giá” (sic!), cái giá anh phải trả là chính thân xác, anh KQ lo sao thả vài trái 500 cân anh cho trúng đầu người “anh em” mà quên đi những viên 12 ly7 “hit & run”, nếu nó “hit” mà không “run”, lại nằm lì trong anh thì anh nằm xuống nhẹ nhàng thanh thản, không còn sầu oán.

Một trái SA.7 bay lên làm nổ tung chim sắt, cả chim lẫn người cùng trở về với đất, anh không đau mà cũng chả buồn, người buồn là em. Chim ăn biển Bắc người tìm biển Đông cũng còn có ngày thấy, nhưng anh thì không bao giờ còn thấy, đêm đêm em về tìm anh trên vách, chỉ bóng mình bảo cho con là bố đó, bố con là người sống hùng, sống mạnh nhưng không sống lâu, Bố con là người hùng!

Khi “nghỉ cuộc chơi”, người Không Quân gãy cánh, bỏ bầu Trời xanh, anh HQ không còn được yêu đời biển cả mà lắc lư con tầu đi trên đất lạ, chàng Kỵ Binh xếp áo giáp loang vết máu gục đầu trên pháo tháp! Sao không về đây gục đầu trên vai em? Pháo Binh súng to và dài thì xếp càng, bỏ lựu đạn lân tinh vào .. lòng để mặc cho địch tự do ngày đêm pháo kích rung rinh tan nát đời vợ lính!

Cuộc chiến tàn nhưng không thanh bình, ngày trở về anh không về “chống nạng cày bừa bên người yêu sẵn lòng giúp đỡ” mà lại chống gậy vào tù khiến người vợ lính lại hóa kiếp thành người vợ tù nhưng vẫn phải tiếp tục chiến đấu.

Bao đau thương cực khổ suốt đời của người vợ lính nay cô đọng thành chén thuốc đắng, thuốc đắng không giã tật mà làm người vợ lính thành tàn tật cả thể xác lẫn tâm hồn. Con cò lặn lội bờ sông, đầu đường xó chợ, dãi nắng dầm mưa, kiếm gạo nuôi con nuôi chồng, còn nước mắt đâu để mà khóc nỉ với non!.

Dù quan hay lính thì ngày xa xưa còn có dịp lên xe (jee) xuống ngựa (sắt) , cuối tháng bắt tí tiền còm đưa hiền thê “tiền lính tính liền”, nay không còn cách tính nào hơn là chôm đồ nhà đem đi bán.

Nếu như trước đây “hào hoa nhất lính KQ, có mỗi cái quần anh cũng bán đi” vì cái tật “ cú lũ tàng tàng” thì nay nàng “lái phi công” không còn xu “hào” mà chỉ “hoa” cả mắt vì mệt nên bắt buộc còn cái quần lót cũng phãi bán đi để tiếp tế cho chồng trong tù được thêm hũ mắm, nắm thuốc rê v.v..

Tưởng như đùa mà có thật, chuyện kể rằng chị XYZ nhận thư chồng xin tiếp tế, nhìn quanh nhà chẳng còn gì để bòn để mót, chỉ còn một xếp quần lót 7 mầu (Monday to Sunday) mà ngày đầu tiên khi đi du học từ Mỹ Quốc trở về anh đem đến tặng em để làm kỷ niệm, em vẫn giữ kỹ để dành hơi mong tặng lại anh khi về phép. Nay thì thôi đành biến những kỷ niệm ấy thành hũ mắm ruốc, bánh thuốc lào. Trong tù, ăn mắm ruốc anh sẽ nhớ đến em, hút thuốc lào anh thấy hình ảnh em qua làn khói.

Bên cạnh những khó khăn vật chất, người vợ tù còn phải “thắt lưng buộc bụng” cho chắc để chiến đấu chống chính sách khoan hồng (vô) nhân đạo của cái đảng tà ma là “nhà ngụy ta ở, con ngụy làm đầy tớ, vợ ngụy ta cướp”!

Đây mới chính là mặt trận gay cấn và nguy hiểm, mờ mờ ảo ảo khôn lường, chiến trường khốc liệt như vậy mà tuyệt đại đa số các chị em đã chiến thắng. Ngày xưa đối đầu với kẻ thù, các anh đã chiến thắng bằng súng đạn rồi thăng cấp, rồi huy chương cuống, huy chương thòng mang lủng là lủng lẳng trên ngực, nay các chị chiến thắng bắng tay vo, chỉ cốt bảo toàn “lãnh thổ” để chờ đợi anh về mà thôi.

Giả sử sau 30/4/75 chị em vợ lính vào tù, các anh ở lại săn sóc con dại, cha mẹ già thì các anh đi thăm nuôi vợ được mấy lần? Nếu phải chiến đấu chống lại chính sách của địch là “nhà ngụy ta ở, chồng ngụy ta lấy” thì các anh có chống nổi không? Có bao nhiêu anh gục ngã trên chiến trường này? Nói thực tâm đi!

Chịu thua hả? Vậy thì đã có anh chồng nào nói lời cám ơn vợ thay cho tấm huy chương về sự chiến thắng của các chị chưa? Chưa hả? Thế thì nói đi là vừa, muộn còn hơn không, một bông hồng trao tận tay trong ngày đại hội, ngày họp khóa.
         
Đoạn trường, đoạn trường lại đoạn trường, chúng ta còn sống sót sau cuộc chiến và còn có dịp may mắn gặp lại nhau trên đất khách lưu vong, nếu ai có niềm tin thì cho đó là một đăïc ân của Thượng Đế, nếu ai còn máu mê đỏ đen gọi đó là “bon-nớt” thì tất cả chúng ta cũng nên bớt chút thì giờ nghĩ đến đồng đội thua cuộc còn ở lại, họ đã trả nợ Tổ Quốc xong cả vốn lẫn lời thì ai đó chớ vội vác cờ đi “đón gió”, hãy dành cho các bạn ấy một chỗ nho nhỏ tỉ-tì-ti trong trái tim ta, cụ thể là nghĩ đến những anh em thương phế binh Việt Nam C.H trước khi mở bàn tay đối với người dân .. XHCN.(!)

Còn người bạn đời, nay đã trở thành CÁC BÀ, tuy được an hưởng hạnh phúc lúc tuổi CHƯA già bên sự thành công của con cháu nhưng vẫn không quên khổ đau quá khứ, và hiện tại, trong người lại thêm nhiều chất CAO khó trị! Các anh đâu? Hay mau mau dìu các chị đi .. trị, nói lại cho rõ là đi điều trị bệnh cao mỡ, cao máu.
Những dịp họp đại hội, họp khóa của các anh thuộc mọi quân binh chủng và quân trường, các anh đã, đang và sẽ nâng niu bông hồng để tặng “người yêu” cho đôi má thêm hồng, nụ cười thêm duyên, nhân dịp lễ Tạ Ơn, lễ Giáng Sinh và năm mới, người viết xin tạ ơn quý chị “vợ lính” đã chờ đợi lính đi hành quân, nuôi lính trong tù, xin chân thành cầu chúc tất cả các chị vợ lính thuộc mọi quân binh chủng, những người “điều khiển hạm trưởng”, những vị “lái phi công” và cả “nhà tôi” nữa mãi mãi thật vui tươi và khỏe mạnh để cùng các anh tu bổ và “bảo trì” cái hạnh phúc đang ở trong tầm tay, đó là những hạnh phúc có thật.

Còn anh em chúng ta, nay không còn ở cái tuổi xung phong ào ào vào mục tiêu nữa mà đang “từng bước từng bước thầm” tiến lên đồi cao! Sang năm mới chúc các anh cái gì cũng mới, trừ tình yêu. Chớ vì vốn sẵn mang trong máu cái tính hào hoa mà phải lặn lội về Phương Đông xa xôi để tìm cái gọi là “hạnh phúc”, cái hạnh phúc ấy hao-hào (tốn tiền) mà lại nhiều hoa (liễu) sẽ mang họa vào thân vì những quỷ thần mang tên “ếch”, thân không bại thì chân ..  cũng liệt!  
Mong lắm thay.                               


CAPTOVAN
Back to top
« Last Edit: 25. Oct 2007 , 21:47 by admin »  

Triệu người quen, có mấy người thương
 
IP Logged
 
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
Truyện Phila To
Reply #1 - 25. Oct 2007 , 21:23
 

Chị Đậu Đỏ ơi,

Trong email đầu tiên anh Phila To gửi bài cho D/D, anh đính kèm bài Bông Hồng Cho Người Vợ Lính, em nhớ có đọc chị đã đăng rồi, và mới biết tác giả bài trên là anh Phila To.  Vì thế em xin sửa tên mục của chị đã đặt theo tựa đề Bông Hồng Cho Người Vợ Lính thành  TRUYỆN - PHILA TO, để từ giờ đăng những bài viết của anh Phila To luôn nha chị .  Wink



NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN


   PhilaTo 
                          
      Đã mấy lần tôi lôi cổ chúng ra khỏi túi hành trang mà tôi đã chuẩn bị để lên đường nhập trại thì bà cụ lại chờ lúc tôi không có mặt lén bỏ chúng vào, ngày 15 tháng 6 năm 1975, ngày chót theo lệnh trình diện của ủy ban quân quản th.p “Hồ chí Minh” bắt các sĩ quan chế độ cũ vào trại giam, tôi ra đi và xách cái túi lên thì lại thấy đôi dép râu và bộ bà-ba đen đã nằm lại trong đó từ lúc nào, bực quá tôi lấy chúng ra và quăng vào góc nhà rồi lững thững xách túi ra đi như người mất hồn, không buồn chào tữ giã Mẹ. Bà cụ không nói gì nhưng tôi biết cụ đang ngồi dưới đất, miệng móm mém nhai trầu, ngước đầu nhìn theo con, tay quyẹt nước mắt, tôi nghe như có tiếng nấc nghẹn trong cổ họng của mẹ già.
     Ngày xưa khi còn chiến tranh súng nổ đạn bay, mẹ tôi thường lo âu sợ hãi có ngày nào đó hậu cứ tiểu đoàn sẽ đến nhà báo tin Mẹ đi nhận xác con, chuyện đó chưa xẩy ra thì nay “hòa bình” đến, con lại đành bỏ Mẹ để đi tu huyền tù
      “ Xưa chiến tranh, Mẹ thở dài Đêm nghe tiếng đại bác”.
     “ Nay thanh bình, Mẹ lại mất con!”            
Và Mẹ con tôi xa nhau từ đấy.!
     Những ngày “lao động là vinh quang” trên rừng núi miền Lào-Cai, Yên-Bái, Hoàng Liên Sơn vùng thượng du Bắc Việt, tôi mới thấy không có giầy dép nào chịu nổi với gai góc, đá ong, đá tai mèo, ngoại trừ đôi dép Mẹ tôi đã tiên liệu mua cho nhưng tôi lại vất đi! Những đôi dép được  phát minh ra từ vỏ bánh xe hơi mà những “anh bộ đội” miền Bắc gọi là dép-râu vượt Trường-Sơn hay phi hành gia Phạm Tuân hãnh diện gọi là:“Đôi dép lốp bay vào vũ trụ”!
Còn cô gái miền Nam thì buồn rầu chán nản :
     _ “Đôi dép lốp đạp  tan đời son trẻ
     Nón tai bèo che khuất cả tương lai.”
     Ai nói gì thì nói nhưng vơí tôi thì những khi “vác tre đốn gỗ trên ngàn”, kéo từng bó lứa từ trên núi xuống, ngồi rửa chân bên dòng suối, nhìn đôi giầy không còn là hình thù đôi giầy nữa, nó đã được khâu vá bằng đủ mọi vật liệu cũng không ngăn được những vết cắt nơi bàn chân, lúc đó tôi ước ao có đôi dép bằng vỏ xe ô-tô, đôi dép thích hợp và tiện dụng nơi rừng rú nhưng thật là “khó coi” trên đường phố, đó là lúc tôi nghĩ đến Mẹ nhiều nhất, thương thân thì ít, thương Mẹ thì nhiều:
     “ Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
     Núi Thái Sơn ở đâu, cao bao nhiêu không ai biết, nhưng những ngọn núi quanh đây làm tôi sợ, làm tôi đổ mồ hôi, nhờ dòng suối như dòng sữa Mẹ, nhờ nước trong nguồn chảy ra đã cứu tôi khỏi chết khát, nước trong nguồn rửa sạch cái mặt bôi vôi, nước trong nguồn giúp tôi trở thành con người “sạch sẽ”.
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra không bao giờ cạn, đổ ra biển thành “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”. Cũng tương tự như thế, tình thương của Mẹ bao la, khi con nghịch dao đứt tay cũng khiến Mẹ lo lắng, khi cha cầm chổi lông gà thì Mẹ dùng thân mình để che chở cho con, đỡ cho con những roi đòn từ tay bố. Có lẽ vì vậy mà chúng ta chỉ nghe đến cái tên thân yêu là “Mẹ Việt Nam” chứ không nghe ai nói “Bố Việt Nam”, mái trường Mẹ Võ-Bị chứ không có trường bố V.B.
Tám năm sau, từ miền Bắc trở về trại giam Hàm Tân Z30D, tôi mong được Mẹ đến thăm để con có dịp nói lời xin lỗi đã làm Mẹ buồn khi cất bước ra đi nhưng Mẹ tôi đã không đến được!
Mỗi khi gia đình đến thăm nuôi, tôi luôn luôn hỏi tin tức về Mẹ, hỏi cụ có khỏe không thì hình như lúc nào vợ tôi cũng đã có sẵn câu trả lời:
_ “Mẹ vẫn khỏe”!
Tôi mơ được Mẹ đến thăm nhưng cụ lại đến trong ác mộng, điều đó báo cho tôi  biết có thể Mẹ đã không còn, đem kể lại chuyện này với gia đình thì lúc đó vợ tôi mới thú thật rằng sau khi lần lượt tiễn chân các con đi xa, Mẹ tôi đã hết nước mắt vì khóc, mắt cụ đã lòa, không còn thấy đường để đi thăm các con và cụ đã mất rồi!
Những lần lên thăm, gia đình đều có mang theo cho tôi khăn tang và hình ảnh đám táng của Mẹ, nhưng thấy con còn đang tù (không tội) thì dấu kín chuyện mẹ đã chết là hơn để cho con được an tâm “học tập” sao cho ra được cái giống vượn!
Khi Mẹ tôi nhắm mắt lìa đời, điều an ủi là có đầy đủ con cháu, em và anh tôi đã được tha mặc dù anh đang ở trong tình trạng “ruột để ngoài da”, một tiếng nổ khiến anh đổ ruột, ruột đứt nhiều khúc nhưng vì lòng súng AK nhân đạo (!) ngắm chim trời “bắn nhầm” vào ch .. của người tù lầm than nên anh thoát chết và được tha về!
Không ngờ ngày tôi trình diện đi tù cũng là lần cuối Mẹ con ở bên nhau, nhưng con thì bực bội giận hờn, Mẹ thì thương con đau lòng nuốt nước mắt.
     Nghe tin Mẹ chết, lòng tôi không còn chỗ chứa những nỗi buồn mà hối hận nhiều hơn. Nhớ lại khi có lệnh đi học tập cải tạo một tháng (!), thiên hạ đồn rằng măïc bà-ba đen đi dép-lốp thì sớm được về! Thế là cụ tìm mua cho các con, 3 trai, 2 rể mỗi đứa một bộ với tất cả số tiền dành dụm bấy lâu. Thương mẹ nhưng tôi không thể xỏ chân vào đôi dép râu khi vừa mới cởi bỏ đôi giầy trận, tôi vất dép đi là vì vậy.
     Con nào cũng có lúc lầm lỗi đối với Mẹ cha, khi cha Mẹ còn sống thì khó khăn mở miệng nói câu Xin Lỗi, khi các Người đã đi rồi thì hối hận, hối hận mãi mãi. Nhà tâm lý Vicky Ngô khi còn sinh tiền nói rằng nếu ai ở trong trường hợp đó hãy viết một lá thư  xin tha thứ và đem đốt trước phần mộ của các Người coi như một lời xin lỗi.
Xin đa tạ lời hướng dẫn của nhà tâm lý, tôi viết lá thư “Như nước trong nguồn” nhân ngày của Mẹ, nhưng thực ra chỉ để tự an ủi mình, tự lừa dối cho mình an lòng, Mẹ tôi và tất cả các bà Mẹ Việt Nam khác, lúc nào cũng đã tha thứ cho các con rồi.
     Mẹ luôn luôn thương con và hy sinh cho con, bất cứ dân tộc nào, kể cả các sinh vật khác, nhưng ngày nay người Việt sinh sống khắp 5 Châu nên chúng ta có dịp so sánh thì mới thấy “Mẹ Việt Nam” thật là tuyệt vời! Nhất là các bà Mẹ miền Nam lại kiêm nhiệm thêm vai trò “làm Cha” sau 30-4-1975, những bà Mẹ trẻ ở độ tuổi thanh xuân, cái tuổi “nước trong”, những Thị-Đào tân thời mà ngày xưa quan tòa Hồ Xuân Hương đã cho phép có quyền bước thêm bước nữa:
     _ “Hay cho con bé Thị Đào, nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?”
     Thưa rằng đợi “bố cháu” chứ còn đợi ai nữa, thực tế đã chứng minh điều đó, từ bà Ba đến cô Tư, dì Năm, cô Hồng, Mai, Lan, Trúc, chị Phượng, chị Cúc v.v..  và cả “mai-hom” nữa. Giả sử rằng nhà nước “ta” bắt các bà đi “lao động là vinh quang” để các cha kiêm vai trò làm Mẹ thì chắc gì các con đã có cá mà ăn (xảy cha ăn cơm với cá, xảy Mẹ liếm lá đầu đường) nói chi tới chuyện tìm đường vượt biên để ngày nay đã được “công thành danh toại” thì các con lại ngại ngùng bóp chân cho Mẹ khi đau!
     Sự yêu thương và hy sinh của Mẹ thì không ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết, nhất là đối với các bà Mẹ trẻ lại bị “làm cha” sau ngày mất nước, nhưng nếu không nêu một vài thí dụ cụ thể thì các “cậu cử, cô tú, bà luật, ông đốc v.v..” trưởng thành trên đất Mỹ này sẽ không thể hiểu nổi tại sao mình lại có được tương lai tươi sáng như ngày hôm nay.
     Hãy tưởng tượng một phụ nữ ở độ tuổi 30 mà chồng bị chết bất ngờ, bị CS bắt đi cải tạo coi như chết, không có và không còn bất cứ thứ gì ngoài mấy đứa con còn nhỏ dại, các cô Mẹ trẻ này đã phải chống chọi với muôn vàn vất vả và khó khăn để bảo vệ con , hy sinh tất cả, thắt lưng buộc bụng và buộc .. chính mình để có thể đem được các con vượt trùng dương, đi vào cõi chêát để tìm cái sống trên bến bờ tự do.
Khi các con được an toàn thì cũng là lúc các Mẹ trẻ đã bước vào tuổi 40, 50, cái tuổi quá trẻ để xin tiền già, mà quá già để đi học lại. Thôi thì tất cả vì con, đề cho con có điều kiện học hành, con đi trường học thì mẹ phải đi “trường đời”, đi học đại lấy cái văn bằng đại học “C.C MD” để sớm có việc làm, có tiền nuôi con ăn học trở thành những MD, DDS, Ph.D v.v..sau này.
Phục thay, phục thay, nhưng những nhà khoa bảng trí thức tuổi trẻ này có biết cái văn bằng “C.C M.D” nghĩa là gì không? 
Xin lỗi các bà Mẹ đã tốt nghiệp văn bằng “C.C M.D” này, mọi công việc đều đáng quý, tôi không có ý bôi bác, nhưng phải nói thật cho các nhà trí thức này biết cái VINH của các con có được là do cái không VUI mà các Mẹ phải chịu đựng ngày qua ngày.Vui làm sao được khi phải còng lưng với Trời, cúi mặt nhìn đất để cắt móng tay, dũa móng chân cho người! Chỉ vì mong cho con học hành có cái bằng MD mà Mẹ đành cong lưng “ Chà Chân Mỹ Đen” (CCMD), mờ mắt cắt chỉ, mỏi gối đạp máy trong xưởng may để “Cắt Chỉ May Đồ” (CCMD)! Cả hai nghề vất vả này đều viết tắt là “C.C MD”, là mẹ của những mảnh bằng đích thực MD.
Đừng quên ơn của Mẹ các con ơi, các nhà khoa bảng ơi!
Với các ông thì .. tuy lúc nào cũng vỗ ngực tự xưng là phái mạnh, nhưng thực ra chúng ta yếu đuối hơn các bà nhiều, không chịu đựng được chay tịnh, vì thế dân gian mới có câu chế diễu rằng:
     _ “ Bà ơi, bà chết thì thiệt thân bà, ông tôi sắp sửa dọn nhà rước dâu”
     Người phụ nữ Việt Nam vừa là Mẹ vừa là Cha khi ông bố ngao du sơn thủy, Mẹ là đầy tớ cho các con, nhưng đôi khi còn làm “mẹ chồng” nữa kìa.
     Trong vở hài kịch của trung tâm âm nhạc nọ, Hồng Đ.. nói với QM:
     _ “Em là vợ, kiêm vai  đầy tớ và còn làm Me ïcủa  anh nữa kìa”.
Khán giả nữ cười thích thú với câu nói này. Làm vợ để bảo tồn nòi giống là rõ ràng. Làm đầy tớ để “nấu nướng”, đi làm, đi chợ, rửa chén, lau nhà, lo tất cả mọi việc trong gia đình cho chồng cho con thì khỏi bàn cãi, và ngày nay ở hải ngoại còn nổi bật vai trò bà nội, bà ngoại làm “bê-bi-sít”, chạy theo cháu muốn hụt hơi, bế cháu cụp xương sống, nhưng làm “mẹ chồng”, tức mẹ của chồng thì tôi chưa thấy.
Tưởng chuyện đùa cho vui nhưng lại có thật, tôi vừa chứng kiến tận mắt một hình ảnh cảm động, người vợ kiêm thêm vai trò làm người Mẹ của chồng:
     Trong buổi gây quỹ giúp TPB của tập thể chiền sĩ vùng TN vào ngày 23-4-06, anh thương binh Võ tường Đông..một tay chống nạng một tay chùi nước mắt khi thấy bạn bè đơn vị cũ thì chị Đông quàng tay qua vai chồng vỗ nhè nhẹ như ru à-ơi:
     _ “ Thôi nín đi .. anh, thôi nín đi, đừng khóc nữa, khóc nữa mà làm gì!”.
     Một hình ảnh đẹp, không chỉ làm người thương binh Đông hạnh phúc mà những phái mạnh khác cũng thích được làm “Con” như thế thay vì bị làm cháu của bà “ nội”!


Back to top
« Last Edit: 25. Oct 2007 , 22:01 by Đặng-Mỹ »  
 
IP Logged
 
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
TRUYỆN PHILA TO
Reply #2 - 25. Oct 2007 , 21:23
 
     Công ơn sinh dưỡng của người Mẹ dù bất cứ dân tộc nào cũng được nói đến nhiều rồi, 2000 năm trước các con đã ca tụng Mẹ, 2000 năm sau và mãi mãi Mẹ vẫn là tình thương nhưng điều quan trọng và cần thiết là con phải cư xử với Mẹ như thế nào để khỏi phải hối hận về sau.
     Người Mỹ họ tính lương của một bà mẹ làm việc ở nhà là $134,121 một năm và những món quà thích nhận được trong ngày “Má” là nữ trang, hoa đủ thứ, đi ăn nhà hàng v.v..Nhưng có lẽ món quà mà các bà Mẹ Việt Nam thích và hạnh phúc vẫn là tiếng thủ thỉ của các con bên tai khi các bà đang lúi húi trong bếp lo bữa cho chồng con:
_ “Mẹ nấu món này ngon quá, để con phụ với mẹ một tay”.
      Nói thương Mẹ thì dễ, nhưng làm thế nào để bày tỏ tình thương đó? Hằng ngày trên TV Mỹ có chương trình giáo dục của ông Maury, ông hỏi những cô bé thích mang bầu ở độ tuổi 12, 13 rằng có thương yêu Mẹ không, thì cô nào cũng “Yép” nhưng vẫn nhất định đòi làm Mẹ khiến các bà Mẹ buồn muốn khóc!
     Tuy các gia đình Việt Nam trên đất tạm dung chưa Mỹ hóa quá độ như thế nhưng việc thực hành lời nói “con thương yêu Mẹ” vẫn còn hạn chế và có chiều hướng suy giảm! Sợ đến một ngày nào đó lại phải nghe câu ca:
     _ “Mẹ thương con như Trời như bể, con nuôi Mẹ con kể từng ngày!”
     Ở Mỹ sẽ không phải kể từng ngày vì Mẹ già đã có SSI và nursing-home!
     Sống trong xã hội “thì giờ là tiền bạc”, tài sản để lại cho con là ngân hàng, nhà cửa xe cộ và thường quên đi tài sản quý báu là “tình gia đình”. Theo các tài liệu nghiên cứu, nếu một em bé được bú mẹ thay vì bú bình trong 6 tháng đến 1 năm đầu thì sau này đa số các em sẽ mạnh khỏe, thông minh. Nếu được bố mẹ bế bồng, được ngồi ăn cơm chung, chuyện trò cùng gia đình mỗi buổi chiều thì đa số sẽ trở thành những đứa con biết thương yêu cha Mẹ.
     Ai mà không biết điều đó, nhưng làm thế nào bây giờ? Mỗi cây một hoa, mỗi nhà một cảnh, lại còn phải tùy vào độ tuổi độ trưởng thành của con mà có sinh hoạt gia đình sao cho ấm cúng. Tôi không dám lạm bàn về chuyện dạy con sao cho lên người mà nhân ngày “Má-đây” xin nhắc tóm tắt những điều thực tế cụ thể mà các cô gái đã lập gia đình thì nên cư xử với Mẹ Việt Nam như thế nào cho Vừa Lòng Mẹ. Những điều này dựa trên lời giảng của các tôn giáo và ngay cả kinh nghiệm qua ba đời, ba thế hệ của từng gia đình “một Mẹ hai con, hai Mẹ một con”, nói cho dễ hiểu là sống trong một gia đình gồm có Bà Ngoại, Mẹ và con gái.
       Những ai còn Mẹ, còn được mang “bông hồng cài áo” thì thật là hạnh phúc, nhất là những con đã có gia đình, các cô các cậu đã sinh con lại còn được ở chung với Mẹ thì không còn gì hạnh phúc hơn. Các con đã có gia đình thì lại cần lưu ý đến vai trò  của những con dâu và con rể, chắc sẽ có những bất đồng giữa 2 thế hệ, nhưng hãy chứng tỏ mình là người trí thức, trí thức không phải là có bằng cấp cao mà là hiểu biết đạo làm người, đạo làm con. Vì thế dù cho là Mẹ chồng, Mẹ vợ hay Mẹ đẻ thì tất cả đều là Mẹ cả, đã là con thì phải nhớ công sinh công dưỡng.
_ Bởi vì: “ Có nuôi con mới biết lòng cha Mẹ”
     _ Bởi vì: Những ngày Mẹ ở với chúng ta không còn bao lâu nữa đâu!
     Hãy làm những gì có thể làm được để Mẹ hài lòng và tránh những điều gì khiến Mẹ ứa nước mắt hầu sau này khi Mẹ đi rồi sẽ không bị hối hận.
     _ Ngày gần Mẹ là ngắn ngủi.
     _ Đừng xem Mẹ là gánh nặng, đừng trách Mẹ già là lẩm cẩm.
     _ Dạy con cái biết kính trọng và yêu thương Bà (nội-ngoại) chính là đầu tư tài sản quý giá cho bản thân mình về sau này.
     _ Đừng LA Mẹ khi Mẹ săn sóc “quý tử” của mình không đúng với tiêu chuẩn của Mỹ. Người Mỹ họ không “bú mớm” cho con như Mẹ Việt Nam đã từng bú mớm cho chính bản thân mình khi xưa. Có lẽ các cô cậu sẽ lắc đầu le lưỡi khi nghe nói một bà Mẹ Việt Nam “mút mũi” cho con, vì sợ chùi bằng khăn mũi con sẽ đau. Không có sữa guigoz, sữa vàng sữa bạc, không có chương trình bê-bi xyz như trên đất Mỹ, Mẹ Việt Nam đã ngồi nhai cơm cho nhiễn để mớm cho con, nuôi con cho khôn lớn và ngày nay con có mũ áo xe cộ nhà cửa xênh-xang thì lại chê Mẹ là NHÀ QUÊ!
     _ Đừng chờ tới ngày “Má-đây” (mother day) mới ới Má một tiếng đi ra nhà hàng xì-phút (sea food) để Mẹ chờ xì khói trong 60 phút , hay đưa Mẹ tới nhà hàng “ôn-diu-khen-ít” (all you can eat) mà chẳng ít được cái chi.
     _ Đừng chờ “Má-đây” mới phôn cho tiệm bán hoa nhờ  một anh “xì” tới thăm  Mẹ với một bó bông và tấm thiệp in sẵn theo tiêu chuẩn “trả nợ quỷ thần”.
      Ngày nay trên đất Mỹ tôi thường nghe các bà Mẹ hỏi con: “Hôm nay các con muốn ăn món gì mẹ NẤU cho”.. Có nghĩa là mẹ chiều theo ý con, nhưng các con thì lúc nào cũng hỏi ngược lại mẹ:
     _ “ Mẹ muốn ăn gì không thì con MUA cho”!
Đừng bao giờ hỏi một câu vô duyên nhất trong những cái vô duyên như vậy, Mẹ Việt Nam không bao giờ nói thích ăn cái này cái kia, lúc nào và luôn luôn từ chối với lý do rất “Mẹ Việt Nam”:
_“Thôi, Mẹ không ăn đâu, mua làm gì cho tốn tiền”.
Ở với Mẹ mấy chục năm rồi mà không biết Mẹ hợp với khẩu vị gì sao? Một bát bún, tô miến gà, miến lươn tu-gô, một túi nhãn, trái mãng cầu v.v.. Hãy tự động mua về mang tới TẬN TAY, bảo đảm các cụ sẽ cảm động ứa nước mắt, sẽ sống thêm 24 giờ vì tấm lòng của con chứ không vì cái gì đựng trong gói giấy, các cụ không ăn thì con cháu hưởng lộc.
Hãy nói câu: “Để con phụ bếp với Mẹ”. Nói xong rồi chạy đi chơi không phụ mẹ cũng được, Mẹ vẫn cười vui vì tiếng nói của con.
Thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe, ít nhất mỗi tuần một lần:
_ “Mẹ khỏe không? Cẩn thận nhé kẻo bị té, nhớ uống thuốc cho đều v.v..”
Tùy theo trình độ của từng người mà mua tặng Mẹ sách báo, những CD, DVD âm nhạc, cải lương, câu kinh tiếng kệ mà ngày xưa Mẹ yêu thích. Nếu có điều kiện, thỉnh thoảng nên đưa Mẹ đi vãn cảnh chùa chiền, thánh đường, tu viện, thiên nhiên.
Tuổi già sẽ trở lại có những nét dễ thương như hồi còn bé, nên đối với những bà Mẹ cao niên, các con lại cần lưu ý hơn. Nhớ lại khi xưa, mỗi khi lãnh lương xong tôi biếu Mẹ vài đồng để “ăn trầu”, Mẹ nói Mẹ không lấy nhưng ánh mắt Mẹ rất vui, rồi cụ cất tiền thật kỹ vào túi áo trong, cài ba bốn cái kim băng, khi thấy con trai Mẹ nhăn nhó thiếu tiền mua thuốc hút, cụ gỡ kim gài túi áo lấy tiền mà khi xưa con biếu mẹ, cho lại con, miệng mỉm cười:
_ “ Tiền đây, cha bố anh”.
Và những đồng tiền để dành, Mẹ tôi đã đem ra mua dép-râu cho các con để các con bảo vệ đôi chân trong lao tù.
Ngày nay tại hải ngoại, tuy các bà Mẹ không túng thiếu nhưng hãy biếu Mẹ dăm ba đồng để Mẹ ăn trầu, Mẹ cúng dường, Mẹ đem chia sẻ niềm hạnh phúc với người khốn khó, đó là những viên gạch để xây nhà cho Mẹ trên Thiên Quốc. Đừng lơ là nhiệm vụ làm con khi Mẹ còn sống, đừng chờ tới khi Mẹ ra đi mới có vài trang cáo phó rằng thì là:
“ RẤT ĐAU BUỒN báo tin MẸ ĐÃ ĐƯỢC VỀ NƯỚC CHÚA!”
Đã Được Chúa gọi về mà lại than phiền là Đau Buồn thì còn ra cái thể thống gì nữa? Nghe có vẻ trật đường rầy quá! Tệ hơn nữa là nhân dịp đau buồn này thì con ăn ké quảng cáo thêm vài chữ  “em-đi”(MD) sau tên của mình cho thêm phần long trọng!
“ Lời quê góp nhặt dông dài” để hợp ý với những ai còn Mẹ và nhân ngày của Mẹ, xin kính chucù quý Mẹ Việt Nam có những người con ngoan và hiếu thảo.
Người ta thường nói “sự thành công của người chồng bao giờ cũng có bóng của người vợ phía sau”, Câu nói đó không còn thích hợp với cuộc sống của người Việt trên đất Mỹ, nhưng nếu nói: “ Sự thành công của các con là do bàn tay của người Mẹ” thì lúc nào cũng đúng, từ ngàn xưa cho tới ngày nay. Một thi sĩ nổi tiếng thời tiền chiến là ông Hồ Dzếnh cũng đã phải cảm động về công lao của người Mẹ Việt Nam, nói chung là người phụ nữ Việt Nam như sau:
Cô gái Việt Nam ơi
Nếu chữ hy sinh  có ở đời.
Tôi muốn nạm Vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Người viết bài này thì không còn Mẹ để thăm viếng, không còn Mẹ để phụng dưỡng, chỉ còn có “Mẹ các cháu”, nhưng không biết có quà gì giá trị để tặng cho Mẹ các cháu đây? Thôi thì theo gương các niên trưởng và niên đệ xin tặng Mẹ cháu một món quà rẻ tiền nhưng có thể giúp bảo vệ đôi tay búp măng, đó là cái máy “rửa chén” biết nói và một Rô-bô biết nấu những món ăn vào cuối tuần, dù là phở bò, phở gà, bún thịt nướng, bún bò, bún riêu, bún thang, bún mộc, mì Quảng, cá nướng trui v.v..một mình rôbô làm hết, còn ăn được hay không là tùy người đối diện./.
                                   Mùa Vu-Lan 2006
                                   PhilaTo
            (Thân tăng LVD Lương thị Ba tự Dung)
Back to top
« Last Edit: 25. Oct 2007 , 21:48 by Đặng-Mỹ »  
 
IP Logged
 
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
Re: TRUYỆN - PHILA TO
Reply #3 - 29. Oct 2007 , 12:14
 
...


Cả nhà ơi,

My mang bình hoa vào mục này để chào mừng thành viên mới, anh Phila To, và để giới thiệu anh với cả nhà. Wink
Thật là kỳ thú khi anh tìm thấy D/D LVD và gửi cho D/D bài đầu tiên gọi là "quà làm quen" thì My lại nhận ra đó chính là bài mà chị Đậu Đỏ đã chọn cóp trên net mang về D/D từ trước, ký dưới tên khác là CapToVan.  Do đó My đã dùng ngay mục này của chị Đậu Đỏ để sửa tên mục thành mục Truyện - Phila To để đăng những truyện anh gửi cho D/D.
My xin phép viết lại đây lời tự giới thiệu của anh để cả nhà đọc xem có thấy rất dễ mến không ?  Cheesy

Họ của tôi là Tô tên Phila, Philato theo thánh  kinh bên Thiên Chúa giáo là một tên "bán Chúa" rồi xoa tay tuyên bố "Ta vô tội". Tôi dùng bút hiệu này để viết những chuyện lẩm cẩm  "khó ưa". ....
Nếu LVD cho gia nhập D/ D thi còn gi bằng. Ngày xưa tính làm Rể LVD không được thì bây giờ trúng lô an ủi là vào diễn đàn cũng hạnh phúc tuổi già rồi. Tôi gốc Petrus Ký và gia nhập Khóa 19 truờng Võ Bi Đà Lạt...








Back to top
« Last Edit: 29. Oct 2007 , 14:59 by Đặng-Mỹ »  
 
IP Logged
 
Dau Do
Gold Member
*****
Offline


Quân Sư

Posts: 11591
Thành Phố Phượng Hoàng
Gender: female
Re: TRUYỆN - PHILA TO
Reply #4 - 29. Oct 2007 , 13:00
 
Quote:
...


Cả nhà ơi,

My mang bình hoa vào mục này để chào mừng thành viên mới, anh Phila To, và để giới thiệu anh với cả nhà. Wink
Thật là kỳ thú khi anh tìm thấy D/D LVD và gửi cho D/D bài đầu tiên gọi là "quà làm quen" thì My lại nhận ra đó chính là bài mà chị Đậu Đỏ đã chọn cóp trên net mang về D/D từ trước, ký dưới tên khác là CapTo Van.
My xin phép viết lại đây lời tự giới thiệu của anh để cả nhà đọc xem có thấy rất dễ mến không ?  Cheesy

Họ của tôi là Tô tên Phila, Philato theo thánh  kinh bên Thiên Chúa giáo là một tên "bán Chúa" rồi xoa tay tuyên bố "Ta vô tội". Tôi dùng bút hiệu này để viết những chuyện lẩm cẩm  "khó ưa". ....
Nếu LVD cho gia nhập D/ D thi còn gi bằng. Ngày xưa tính làm Rể LVD không được thì bây giờ trúng lô an ủi là vào diễn đàn cũng hạnh phúc tuổi già rồi. Tôi gốc Petrus Ký và gia nhập Khóa 19 truờng Võ Bi Đà Lạt...



Mỹ ơi, Đ Đ cũng hơi ngạc nhiên vì bài này do 1 người gởi về website mà không có xưng tên họ, chỉ có email thôi, chứ không phải Đ Đ sưu tầm trên net đâu Undecided  Undecided.


Quote:
Subject:   Toi xin gop bai ve nguoi phu nu Vieät Nam.
From:   Lecaliboy@aol.com
Date:   Sun, September 16, 2007 10:21 am
To:   baiviet@levanduyet.com
Priority:   Normal
Options:   View Full Header |  View Printable Version  | View Message details  | This is Spam




Kinh gui Truong NTH Le Van Duyet.
Khong biet co hop le de gui bai viet nay hay khong nhung toi xin phep gop
bai, neu duoc chap thuan thi toi se gui tiep nhung ky niem ve LVD. Bai attach nay
viet bang VNI. Xin cho biet y kien.



Mến chào anh Phila ,
Đ Đ đã có gởi đến anh mật mả dùng để log in vào diễn đàn LVD, anh đã nhận được chưa? Nếu anh khg nhận được xin email cho biết, Đ Đ sẽ gởi lại 1 lần nữa.
Xin chào mừng anh đến với diễn đàn LVD!


...




Back to top
 

Triệu người quen, có mấy người thương
 
IP Logged
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra