Lethikinhhoang
Gold Member
   
Online

Cười là liều thuốc bổ
Posts: 3980
Gender:
|
Mụ PHù Thủy và Thi Sĩ
Sáng Tác
Chuyển cổ tích Linh Bảo kể
Ngày xưa có một thanh niên rất khó tính. Hắn thấy ai cũng có một nghề để sống, nhưng suy nghĩ mãi vẫn không thấy có nghề gì thích hợp, hắn bèn chọn nghề làm thơ, và nhất định trong một thời gian rất ngắn phải thành một thi sĩ nổi tiếng. Hơn nữa, hắn ta còn muốn nhờ thơ mà cưới được vợ đẹp, tậu nhà to, xe mới như mọi người. Gặp ai hắn cũng phàn nàn:
- Những người ra đời từ mấy trăm năm trước thực là may mắn. Bọn họ có thể nổi tiếng rất dễ dàng. Cho đến lớp người ra đời mấy chục năm gần đây cũng còn sung sướng chán. Vì lúc ấy bọn họ cũng có một số đề tài để làm thơ. Còn ta sinh sau đẻ muộn, có cái gì nên thơ, đặc biệt họ diễn tả hết cả rồi ! Ta phải làm thế nào mới làm được thơ ở cái thế giới đã khô cạn kiệt quệ hết cả ý thơ này, ta phải viết cái gì trong thơ của ta?
Hắn ta nóng ruột và buồn rầu đến nỗi phát ốm. Thật tội nghiệp làm sao! Không một thầy Lang hay bác sĩ nào có thể chữa trị được chứng bệnh “muốn thành thi sĩ “ của hắn.
Nhưng may sao, trong vùng có một mụ phù thủy biết đoán quá khứ, vị lai và bói toán lặt vặt. Hắn nghĩ thầm không chừng may ra mụ ta có thể chữa được bệnh của hắn, nên mừng quá vội đi tìm mụ ngay.
Mụ phù thủy ấy ở trong một căn nhà nhỏ, bên cạnh cổng ra vào của một nông trại gần rừng. Công việc của mụ là mở cửa cho những người đi xe hay cưỡi ngựa ra vào đồn điền. Mụ không những chỉ biết mở cửa, mà còn biết nhiều chuyện bí mật khác nữa. Có lẽ mụ ta giỏi hơn cả cụ Lang già trong vùng vì cụ Lang chỉ biết bắt mạch, cho thuốc lá vớ vẩn cụ đã hái trong rừng, rồi bệnh nhân có lành hay không, cụ cũng thu tiền, ngoài ra không có một lời khuyên nào khác.
Nhà mụ phù thủy tuy nhỏ hẹp nhưng sạch sẽ và đầy vẻ huyền bí. Chung quanh vườn không có cây lớn để cho bóng mát, mà cũng chẳng có cỏ hoa tô điểm phong cảnh hoang vu. Vườn trước có một cái tổ ong, còn vườn sau là một đám khoai lang. Lá khoai xanh tươi mạnh mẽ vươn sang luống bên cạnh rồi bò giăng đầy vườn. Bên cạnh rãnh nước, mấy cây Mơ dại đầy hoa và nhiều cành đã mang nặng chĩu từng chùm quả. Những quả non ấy, nếu ai dại dột nếm thử một tí sẽ thấy chua đến quắn lưỡi.
Đứng trước nhà mụ phụ thủy hắn ta nghĩ thầm: - Những cảnh tượng ta thấy ở đây thật là một bức tranh sống của cái thời đại không còn lấy một chút ý thơ nào. Cái giá trị của nó không đáng một đồng bạc! Mụ phù thủy vừa trông thấy hắn ta đến, mụ nói ngay: - Chú hãy tả cái cảnh này đi ! Dù cơm cháy cũng là cơm mà! Ta đã biết chú đến đây vì việc gì. Tư tưởng văn chương của chú khô cạn, tim óc rỗng tuếch, mà chú lại nhất định muốn thành thi nhân cuối năm nay.
Hắn ta nói một cách thất vọng: - Tất cả mọi đề tài đều đã có người viết cả rồi! Thời đại của chúng ta đang sống không phải là một thời đại cổ đầy thơ mộng nữa, và cũng không còn sót lại cái gì để nói nữa
Mụ lắc đầu trả lời: - Chú nói thế không đúng. Trong thời đại cổ, bọn phù thủy giỏi, thế nào cũng bị người ta thiêu sống, còn thi nhân thì chết đói ! Y phục của thi nhân cũng rách tung cả lên. Chú phải biết bây giờ là một thời rất tốt, nhưng chỉ vì chú nhận xét không đúng. Thính giác của chú không linh mẫn. Có rất nhiều đề tài có thể viết thành thơ, viết thành chuyện, nếu chú biết viết.
- Chú có thể được gợi ý ở các loại cây cỏ, hoa trái, muông thú trên thế giới, có thể tìm hứng qua cảm thông sự sống và chết. Nhưng chú cần phải đạt được cảm xúc của tâm linh, hấp thụ được điện quang siêu tần của vũ trụ, lĩnh hội được tinh hoa của tư tưởng mới hòng thành thi sĩ thứ thiệt. Nhưng thôi, bây giờ chú thử đeo mục kỉnh của ta lên, mang cả ống nghe của ta nữa, và hãy cầu nguyện đi. Đừng lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình như thế nữa!
Hắn ta nhận thấy điều cuối cùng khó khăn nhất. Hắn biết làm thế nào để khỏi nghĩ về mình được! Hắn cho rằng một mụ phù thủy già nua lẩm cẩm, thực không nên yêu cầu nhiều đến thế ! Hắn tiếp lấy kính và ống nghe đeo lên.
Mụ phù thủy lẳng lặng dắt hắn ra đứng giữa vườn khoai, và để vào tay hắn một củ khoai thực lớn. Trong củ khoai hình như có tiếng thì thầm. Thì ra khoai đang hát một bài hát của đời khoai lang. Củ khoai hát tả đời mình, giống khoai từ đâu đến. Trước khi được mọi người công nhận khoai lang đáng giá hơn một đồng một cân, khoai lang đã vất vả như thế nào . . .
“ Vua truyền đem giống khoai lang phân phát cho toàn dân. Vua biết chúng tôi là một thứ lương thực rất trọng yếu. Trong chiếu chỉ, Vua đã dặn rõ ràng như thế, nhưng dân chúng không hiểu, cho đến cách trồng khoai cũng không biết. Có người đào một cái lỗ, đổ cả thúng khoai giống xuống. Có người trồng rải rác nơi này một củ, chỗ kia một củ, tưởng rằng mỗi năm cây khoai sẽ cao lớn dần và có thể lay thân cây cho khoai rụng xuống. Người ta tưởng rằng khoai lang sẽ cao lớn nở hoa, kết những quả đầy nước ngon ngọt. Nhưng sự thực dây khoai khô héo tàn tạ làm người ta thất vọng. Có ai ngờ rằng dưới gốc cây sinh ra những củ khoai đầy bột ngon lành. Nguồn sống của loài người chính là nhờ khoai lang . . .”
Hắn gật gù lẩm bẩm:
- Thực đấy, chúng ta đã từng kinh nghiệm cuộc sống, chịu nhiều đau khổ. Đây cũng chứng minh tổ tiên chúng ta đã phấn đấu để loài người tồn tại và phát triển đến ngày nay. Khoai và loài người chúng ta đều phải tranh đấu như nhau, thật là cả một thiên lịch sử hùng tráng! Mụ phù thủy gọi hắn: - Thôi đủ rồi, bây giờ chú hãy đến thăm mấy cây Mơ dại đằng kia.
Hắn nghe tiếng cây Mơ dại nói: - Chúng tôi là một giòng họ mới thành lập ở đây. Chúng tôi cùng với một bọn người từ một nơi rất xa xôi, dùng thuyền lướt sóng trong sương mù để đến nơi đầy nắng ấm và gió dịu hiền này. Bọn người ấy tìm thấy cây cỏ và hoa quả để sống rất dễ dàng. Lúa chín tràn đồng, và hoa trái đầy rừng. Bọn Đào và Mận cũng chín sau mùa sương hết. Khu rừng Đào và Mận ấy còn có một tên nữa gọi là Dã mai quốc và Tửu chi quốc . . .
Chàng thanh niên gật gù lẩm bẩm: - Thật là một câu chuyện rất nhiều ý thơ ! - Đúng, chú đi theo ta.
Mụ phù thủy dắt hắn ta đến cái tổ ong. Hắn nhìn vào trong. Chao ơi, cuộc sống mới hoạt động làm sao! Kìa, ong đứng đầy trên tất cả các hành lang, chúng nó đập cánh để cho không khí trong tổ ong được lưu thông, khoáng đảng, và phần việc của chúng chỉ có thế. Từng đàn ong bên ngoài bay về tổ, chân chúng nó treo dỏ đựng đầy phấn hoa. Phấn hoa ấy được chọn lọc và sửa soạn để làm mật và sáp.
Bọn chúng bay ra bay vào. Con ong Chúa cũng muốn bay ra ngoài để thưởng thức ánh nắng và gió mát. Bọn ong quân có bổn phận phải bay theo ong Chúa, thấy thời kỳ chia tổ chưa đến mà ong Chúa cứ đòi bay bèn cắn mất cánh. Ong Chúa mất cánh đành phải nằm đợi vậy
Tiếng mụ phù thủy lại thì thầm bên tai hắn: - Bây giờ chú hãy nhìn những người đang đi lại trên đường. Hắn ta cáu kỉnh: - Sao mà lắm người thế! Hết chuyện này đến chuyện khác. Chuyện liên tiếp nhau không ngừng làm người ta phát chóng mặt. Thôi tôi mệt rồi, tôi phải đi về đây!
Mụ phù thủy nói bằng một giọng cương quyết: - Không được! Chú mày phải tiến lên! Đi thẳng vào đám người ấy. Mở to mắt của chú ra mà xem. Rỏng tai lên mà nghe. Dùng óc mình mà nghĩ. Dùng tim mà cảm thông. Như thế chú mới có thể sáng tác một cái gì được. Nhưng trước khi ra về, chú hãy trả lại mục kỉnh và ống nghe cho ta.
Mụ phù thủy nói xong, đòi hai vật quý của mụ lại.
Chàng thanh niên kêu lên: - Bây giờ cả đến những tiếng động rất tầm thường tôi cũng không nghe được. Tôi không còn có thể nghe thấy một tiếng gì nữa cả! Bộ tôi điếc rồi sao? Mụ phù thủy se sẽ lắc đầu: - Nếu như thế chú không thể thành một thi nhân cuối năm nay được!
Hắn ta lo lắng hỏi: - Thế đến bao giờ mới thành? - Nếu cuối năm nay không thành được, thì cuối năm sau cũng không thành. Chú sẽ không bao giờ sáng tác được một cái gì hết.
Hắn ta có vẻ thất vọng vô cùng; - Nếu thế, tôi biết làm gì được bây giờ? Tôi biết làm thế nào để có thể kiếm ăn bằng thơ?
Mụ phù thủy ngẫm nghĩ một lúc bảo: - Nếu chú mày nhất định kiếm ăn bằng thơ thì chỉ còn có cách này: chú mày hãy tham dự những mục phê bình của các báo, chỉ trích bọn thi sĩ, dù nổi tiếng hay không. Chỉ trích mạt sát tàn tệ những tác phẩm của bọn họ. Nhưng điều cần nhất là chú mầy phải tập đừng đỏ mặt, đừng xấu hổ khi làm việc này mới được. Can đảm lên mà phê bình, chỉ trích. Nếu cần thì đeo mặt nạ, đổi tên, từ bỏ lương tâm . . . Như thế chú mày may ra cũng sẽ có thể nhờ thơ mà có cơm ăn, nuôi vợ con và bản thân.
Ra về, hắn ta tự phàn nàn một mình: - Quái, sao ở trên đời người biết sáng tác nhiều thế nhỉ !
Và từ đấy hắn ta bắt đầu phê bình, chỉ trích, mạt sát tàn tệ từng thi sĩ một, bởi vì hắn ta không có một tí linh cảm nào để thành thi sĩ, nhưng lại chỉ muốn kiếm ăn bằng việc làm có liên hệ đến văn thơ.
Linh Bảo
|