Tuyet Lan
|
phuonghue wrote on 23. Jan 2008 , 07:55:NGẬM NGÙI NHỚ THUỞ XA XƯA !!! Trưa … Từ phòng làm việc nhìn ra sân trường … trong cái nắng nhẹ nhàng của mùa Xuân đang đến, có những bóng người thấp thoáng, gì vậy kìa … ô hay, lặt lá mai … rằm tháng chạp rồi sao … Tôi buột miệng kêu lên, các bạn đồng nghiệp cười cho sự lơ đãng của tôi … Rằm tháng chạp … lòng tôi bâng khuâng, một nỗi buồn len nhẹ … Nếu là thuở xưa, chắc tôi đã không thể quên cái ngày đặc biệt này … … Cũng từ cái ngày 23 tháng chạp trở đi, mọi sự trong nhà bỗng rộn ràng hẳn lên … Hồi đó, không như bây giờ, không phải cái gì cũng có sẵn để mua, nhà tôi lại đến năm chị em gái, má tôi lại rất khéo tay trong chuyện nấu nướng, nên gần như mọi thứ chuẩn bị cho TẾT là làm ở nhà … Ba bốn đứa chúng tôi chưa đến 10 tuổi, cũng có “công việc” không ngơi tay. Nào là ngồi lặt bỏ rể từng cọng giá, mà phải lặt 5,6 kg giá cho xong trong một buổi, để má tôi làm dưa …, nào là phụ các chị rây bột mì để làm các món bánh quai vạt, bánh patéchau, nào là giúp má lột tỏi, hành để làm dưa hành, rồi lại quay ra phụ đến chuyện làm mứt … Nhiều loại mứt lắm : mứt gừng, mứt cà, mứt dừa, mứt mảng cầu, mứt tắc, mứt rau câu, mứt me … Gia đình tôi, có món mứt cà, mứt tắc, mứt me và mứt mãng cầu là được bạn bè khen nức nở … Bởi vừa đẹp mắt, vì màu sắc tự nhiên không dùng chất phụ gia, vì khéo gói, và vì vị mứt chua ngọt vừa miệng. Tôi – lúc đó còn nhỏ, chỉ phụ gói, và gọt hay nói đúng hơn là dùng dao lam lạng lớp võ mỏng bên ngoài trái tắt, các công đoạn ngâm, phơi, sên … là các chị lớn và má tôi làm. Toàn bộ mứt (trừ mứt dừa và mứt gừng) đều được gói bằng giấy kiếng trong … nên chúng tôi làm không hết việc … Cũng trong cái ngày 29 tết đó, chúng tôi thích thú chờ xem đổ rau câu làm mứt và làm rau câu đông lạnh … Với mứt rau câu, thì rau câu được nấu đậm đặc hơn gấp 2 lần, sau khi rau câu đông cứng, các chị lớn dùng dao chắn răng cưa cắt ra từng miếng dài vuông vức, thì bọn nhỏ chúng tôi lại xúm vào gói … Tuy rằng còn nhỏ, nhưng chúng tôi cũng phải “tuân thủ” quy định rất nghiêm ngặt, trước khi làm phải rửa tay thật sạch, và phải dùng đủa gấp miếng mứt đặt vào giấy, rồi gói, hoàn toàn không chạm tay vào mứt, vì hai lẻ, một là để cho mứt được vệ sinh và điều thứ hai không kém phần quan trọng là “mứt không có hơi tay, thì mới đề lâu và không chảy nước”, má tôi lập đi lập lại với chúng tôi như vậy trong suốt những ngày đó. Ngày giao thừa bao giờ cũng có buổi cơm “tất niên” đông đủ mọi người, sau khi dọn dẹp xong, là lúc ba tôi và các anh chị lớn ngồi xúm lại giở quyển tử vi Quỳnh Liên ra … Ba tôi luôn xem tuổi cho các con, rồi xem năm nay, trong các đứa con của mình tuổi đứa nào thích hợp để xông đất đầu năm … rồi tuổi của đứa nào thích hợp để xuất hành đầu năm, khi xuất hành thì đi về hướng nào … trong khi đó, má tôi lặng lẽ rửa tách chén kiểu chỉ chuyên dùng cho ngày tết … rồi, chị em gái chúng tôi, phụ má trải khăn bàn bày tách chén, chị gái thì chưng hoa tươi … đến 11g00 thì đâu đó ổn thỏa, cả gia đình chúng tôi thay đồ mới … Thời khắc giao thừa trang nghiêm sắp đến… chúng tôi cùng ba má thắp nhang trên bàn thờ, rồi đổ ra cửa nhà, nhìn mâm cúng ông thiên của má … Đúng 12g00 đêm, tiếng chuông chùa, tiếng chuông nhà thờ đỗ rền … tiếng còi tàu hụ vang … dứt hồi còi, mâm cúng cũng vừa tàn, má dẫn chúng tôi ra lăng ông hái lộc … *** Sau 1975, thời cuộc đổi thay, 11 người trong nhà không còn đủ đầy nữa, người phải đi học tập cải tạo, người phải làm việc nơi xa … thời gian nghỉ tết chỉ còn hạn hẹp từ 27, 28 tết cho đến mùng 4 … Người ở nhà không đủ thời gian để bày biện bánh trái như xưa, người ở xa không đủ thời gian về kịp, đành ăn tết xa nhà … vả lại, cũng không còn đủ điều kiện để mà bày vẽ ra nữa …
Bây giờ, mỗi năm tết về, tôi chỉ còn biết ngậm ngùi, nhớ về một thuở xưa … và … kể cho con gái nghe những cái tết của một thời đã xa mà thôi …
SAO MAI - rằm tháng chạp xuân Mậu Tý -
Note: Admin xin phép sữa font size cho dễ đọc hơn  Thân chào các bạn Dạo chơi trong sân “Đón Xuân này nhớ Xuân xưa” của các bạn , những cảm giác buồn vui lẫn lộn bỗng dưng lại trở về với mình, nên cũng xin mạn phép viết đôi giòng lẩm cẩm về những kỷ niệm của mình về cái Tết tha hương đầu tiên vào năm 1975. Trước hết cám ơn SM về bài “NGẬM NGÙI NHỚ THUỞ XA XƯA”. Bài văn thật dễ thương và cũng thật buồn. Đọc để nhớ da diết về một cái Tết của một thời sa xưa...  ... Vào tháng 7 năm 1975, qua sự bảo trợ của nhà thờ , gia đình mình dọn về vùng Alexandria,một thành phố không xa Thủ Đô HTĐ cho lắm. Mình còn nhớ, ngày đó mình thèm vô cùng những món ăn VN, mà cả một vùng nơi mình ở chỉ có một hai tiệm chạp phô của người Tàu mà thôi. Thế mà chỉ trong vòng có mấy tháng , vài tiệm chạp phô VN xuất hiện. Lúc đó bọn mình mừng ghê nơi, nhưng những đồ được bán ở chợ vẫn chưa được đầy đủ như bây giờ. Thời gian thấm thoát qua đi, và rồi nhưng người dân tha hương như bọn TL, lại sửa soạn ăn một cái Tết xa quê hương. Các bạn ơi, mọi người gọi là Tết để là gọi mà thôi, chứ không có cái Tết nào buồn hơn cái Tết 1975. Những tâm trạng buồn khổ , cảm giác hụt hẫng , lẽ loi, cô độc của những ngườì dân xa xứ dường như vẫn còn lẩn quẩn, lanh quanh đâu đó trong tâm thức của hầu hết moị người dân Việt lúc bấy gìờ, nay mọi người lại phải đón một Muà Xuân xa xứ, một cái tết tha hương đầu tiên với những cảm giác vô cùng hụt hẫng. Chưa có bao gìờ mình ăn một cái Tết thật vô vị, nhưng cũng đầy tình người như cái Tết năm 1975. Khi đó dường như moị người gần gủi với nhau hơn , chia xẻ với nhau những buồn vui, tủi nhục của người dân xa xứ, nên mặc dù cái Tết đầu tiên nơi xứ người thiếu thốn đủ thứ, nhưng tình người thì quá đỗi ngọt ngào. Tết 1975 không có bánh trái , lễ lộc đầu Xuân, không có tiêng pháo dòn tan trong đêm trừ tịch, không được tung tăng đi lễ Phật đêm giao thừa,. (Bởi vì lúc ấy đâu đã có chùa), không có những đêm lang thang trên chợ hoa Nguyễn Huệ, không có những rộn rịp hân hoan chào đón một mùa mới. Cũng không có những cành mai vàng, những cành đào , những chậu cúc vàng khoe sắc thắm dứiơ ánh náng ấm áp của mùa Xuân. Mà Tết nơi mình ỏ chỉ có những bông tuyết trắng xóa phủ trắng cả mọi con đường. Lúc đó mấy chị em mình, chả sợ cái buốt giá của mùa Đông VA, lang thang hết hội chợ này tới hội chợ kia. Chi em mình còn cả gan chạy lên tới Maryland, chỉ vì thèm quá thèm cái hương vị đặc biệt của những ngày Tết. Nói tiếng là hội chợ Tết cho xôm tụ, chớ thật ra chỉ lưa thưa đâu đó vài gian hàng với chút ít bánh mứt được bày biện mà thôi. Cũng có chương trình văn nghệ với dăm ba bài hát ca tụng mùa Xuân. Thế thôi. Mặc dù ở tiệm VN lúc bấy gìờ chưa có đầy đủ những hàng hóa Việt Nam, thế mà Bố Mẹ mình vẫn hiên ngang làm bánh chưng, bởi vi Ông Bà già vẫn thèm có một cái gì goi là hương vị của ngày Tết. Bố mình cứ than phiền, là bánh chưng bên đây ăn chán chết. Bởi vì, bánh chưng thì phải gói với lá dong, mà lúc bấy giờ lá chuối còn chưa có thì lấy gì có lá dong cho Ông già gói bánh. Ông già vừa gói bánh vừa ấm ức vì phải gói bằng giấy aluminum foil. Thêm vào đó, nhà đâu có thùng phi để luộc bánh. Thế nhưng cuối cùng thì cả nhà vẫn có bánh chưng để ăn. Mợ mình vẫn làm giò thủ, và những món ăn của ba ngày Tết. Nhà mình vẫn cúng ông Bà và cúng Giao thừa. Chi em mình vẫn xí xa xí xọn, làm mứt gừng, mứt dừa,. Chính vì vậy, mặc dù không có cáí không khí rộn rịp ồn ào của Tết xưa, nhưng tiểu gia đình của mình vẫn đón một cái Tết tạm được gọi là Tết. Thế đấy mà những người dân xa xứ nhất là nơi mình ở vào năm 1975 đã ăn được một cái Tết xa xứ đầy những buồn vui lẫn lộn Ngày nay Tết nơi quê người ít nhiều cũng có một chút hơi hướng của cái tết quê nhà, nhưng vẫn không thể nào thay thế được những ngày Tết của thưở xa xưa ấy, các bạn nhỉ. Ở đây , hằng năm, gia đình mình vẫn đón một cái Tết sơ sài. Thường thì mình vẫn làm bánh chưng, dăm ba thứ mứt , thế thôi. Ngày 30 Tết , mình vẫn cúng Ông Bà, tối thì cả nhà đi chùa đón Giao Thừa ở Chùa. Riêng ngày mùng Một thì còn tùy theo Tết rơi vào ngày trong tuần hay cuồi tuần. Nếu Tết rơi vào những ngày trong tuần, con cái phải đi học nên chỉ có mình là ở nhà, và do đó thưòng thì mình hay lên Chùa lên để ít ra còn được hưỡng cái khung khí bận rộn của một cái Tết xa nhà. Xin chia xẻ với các bạn những cảm nghỉ lẩm cẩm của mình về những ngày Tết tha hương.
|