lenhan
YaBB Newbies
Offline

I love YaBB 1G - SP1!
Posts: 49
Gender:
|
TÌNH TRÊN MẠNG Ông Tùng đứng trước gương, mỉm cười sung sướng, tay vuốt, sửa lại nếp chiếc áo sơ mi hồng rực rỡ, mà bà Lý đã tặng ông hai hôm trước, nhân sinh nhật lần thứ bốn mươi sáu của ông. Bà Nhi vẫn ngồi trên salon quay nhìn chồng với ánh mắt dửng dưng! Nét hớn hở của chồng, bà đã thấy thường xuyên trên một năm nay, kề từ ngày ông Tùng “chát” quen được bà Lý trên mạng… Hơn một năm về trước, đêm nào ông Tùng cũng thức đến hai, ba giờ sáng, ngồi lỳ bên máy vi tính. Ngủ được một giấc, không thấy chồng đâu, bà Nhi nhẹ nhàng sang phòng sách tìm – ông Tùng giật mình, bấm nhanh chuyển chương trình – bà Nhi nhỏ nhẹ: - Gần sáng rồi! Sao mình chưa đi ngủ? - Anh bận lo cho xong dự án. Tụi nhỏ làm không ra gì – mình phải chịu cực… Mình cứ ngủ đi, chút xíu anh ngủ… Nhiều lần như vậy, bà Nhi bắt đầu để ý – việc đến, phải đến – ông Tùng cho biết: qua mạng, ông quen được bà Lý, một kiến trúc sư, ba mươi bảy tuổi, chưa lập gia đình – bà nhờ ông trong việc hợp tác làm ăn với các nơi – chia theo năng suất. Tiếng chuông điện thoại reo vang, bà Nhi giật mình. Ông Tùng móc máy di động ra (cái điện thoại mà dạo này lúc nào ông cũng mang theo bên mình, ngay cả khi vào nhà vệ sinh). - Alô… biết… rồi… Anh đến ngay… Vuốt lại tóc, ông Tùng nhanh nhẹn bước ra cửa, nói mà không quay lại: - Tối mình ăn cơm, rồi khoá cửa ngủ trước đi. Anh họp xong, dự tiệc về khuya lắm, mình khỏi đợi… Bà Nhi vẫn ngồi yên, nhìn căn nhà vắng lặng mà buồn vô cùng, Như – đứa con gái duy nhất – đã gả đi hơn một tháng rồi, hơn một tháng bà lủi thủi cô đơn, hằng ngày đợi chồng cho đến nửa đêm. Lúc xưa mẹ con bên nhau đỡ trống trải, bà không cảm thấy buồn khi nghỉ buôn bán. Từ lúc dời nhà về đây, bà Nhi phải sang luôn sạp hàng tạp hoá ở chợ vì xa nơi này quá. Ông Tùng bảo ông kiếm tiền được rồi, bà ở nhà lo cho nhà cửa. Gần đây, ông Tùng thay đổi thật rõ rệt: áo quần chải chuốt, tóc nhuộm nâu vàng, mùi nước hoa nồng nặc, đi đứng sửa tướng, điệu bộ như mới hai mươi… Bà Nhi nhắc nhở ông nhớ tuổi tác của mình và vai trò ông ngoại sắp tới – ông phớt lờ như không nghe. Bà thấy chán nản và mệt mỏi, bà nghĩ: “Có vấn đề rồi! Nhưng có thể người tên Lý đó không biết ông vướng bận gia đình vì ông nói dối nên bà ta không có lỗi, còn chồng mình ham vui đùa - bù những thiếu thốn ngày xưa - nên cũng không có lỗi. Chỉ tại mình, mình ngu, lấy chồng và tin chồng nên phải chịu cảnh này!” Nhiều lúc, nhìn cách búng tay, huýt sáo, nhịp bước của ông, bà thấy mắc cỡ – chồng mình lố bịch vậy sao? Chuông điện thoại vang lên cắt dòng suy tưởng. Bà nhấc máy: - Alô! Tiếng bà Thành sang sảng ở đầu dây: - Nhi hả? Sáu giờ sáng mai, tụi tao đón mày ở trạm xe buýt gần ngã tư. Mày nói chuyện với lão Tùng chưa? Nhớ nha!... BàNhi chưa kịp trả lời, máy đã cúp. “Sao nhanh vậy? Mới bàn sáng qua, sáng mai đã có chuyến đi.” Thật lòng bà Nhi không muốn khinh bỉ chồng, nhưng nhìn ông dạo này, bà bất mãn quá! Để tránh phải đối diện với chồng hàng ngày, sáng qua, bà Nhi tìm đến bạn học cũ – bà Thành, bà Ngọc - đang buôn hàng biên giới, rủ bà Nhi tham gia, bà đồng ý ngay. Tối qua, bà Nhi đã nói chuyện với chồng – ông Tùng lơ là, không quan tâm: - Ừ!...Muốn đi với bạn cho vui, thì đi. Thật chua xót!
Gần một giờ đêm, ông Tùng về đến – từ tối đến giờ, bà Nhi cứ nằm nghĩ lung tung. Ông Tùng vừa tắm vừa huýt sáo nho nhỏ. Thấy chồng đến bên giường, bà vờ ngủ say – ông ngồi ở cuối giường mở máy di động ra ngắm nghía cười một mình rồi bấm số nói nhỏ: - Anh tới nhà rồi! Ngủ ngon nha! Bye, bye… Một vị đắng dâng lên cổ họng nhưng cay xè đôi mắt – bà Nhi nằm quay lưng lại phía chồng – cắn chặt môi để không bật ra tiếng nấc, mặc cho nước mắt trào tuôn ướt gối…! Biết chồng đã ngủ say, bà Nhi trở dậy – mới bốn giờ – bà sắp xếp lại vài thứ trong nhà, kiểm túi hành trang rồi thay áo, mở cửa – ra đi. Tiết trời gần cuối năm, không lạnh lắm, nhưng bà Nhi chợt rùng mình – có lẽ bà yếu người vì thức suốt đêm. Đèn đường vẫn còn, làm bóng bà nghiêng nghiêng di chuyển trên nền đất hè phố ẩm sương đêm – bà cảm thấy mình thật tội nghiệp!!!...
Hơn tám giờ sáng, ông Tùng thức giấc, bên gối vợ có mảnh giấy nhỏ với dòng chữ: “Em đi tỉnh.” Ông xem xong, buông tờ giấy xuống giường, không để ý đến cái gối ố nước mắt của bà đêm qua! Ông Tùng vẫn nằm yên, nhìn ra cửa sổ – căn nhà hình như vắng lạnh quá! Thật ra ông đâu muốn vợ buồn, ông chỉ vui chơi thôi mà – đàn ông có bàn bà bên ngoài là chuyện thường – ông đâu có bỏ vợ. “Đồng ý là – so nhan sắc thì em Lý không bằng Nhi, nhưng em trẻ hơn , tròn trịa, vui vẻ, lúc nào cũng cười đùa thoải mái – không như Nhi – chững chạc và càng đạo mạo hơn từ ngày chuẩn bị gả Như…” Ông Tùng thấy vợ mình già và cũ kỹ quá. Bên bà Lý ông thoải mái vô cùng – bà đưa ông đi gặp bạn bè thân quen ở những nơi sang trọng: phòng trà, hộp đêm, vũ trường…, nơi đâu, bà cũng giới thiệu ông là bạn trai của bà – kiến trúc sư – giám đốc điều hành công ty xây dựng ABC ở Mỹ. Ai ai cũng nể phục ông, mọi người đón tiếp ông niềm nở. Ông Tùng vui lắm, ông quên hẳn cái gốc mồ côi của mình, quên quá khứ khốn khổ – chỉ là anh thợ hồ chưa rành việc ngày đầu gặp bà Nhi – rồi chính vợ ông đã hỗ trợ, hun đúc cho ông tiến thân, để rồi nhờ thời cơ, ngày nay trở thành doanh nhân trong ngành bất động sản. Khi ta quay lưng với người giúp ta vượt qua vực thẳm, ta là kẻ bất nhân, người giúp ta lại là vợ chồng cùng ta, thì ta mang thêm tội bất nghĩa! Ông Tùng không nghĩ và cũng không cần nghĩ đến đạo lý này, ông bị choáng ngợp bởi cái hào quang rực rỡ mà bà Lý vẽ quanh ông. Ông ưỡn ngực kiêu hãnh trong chiếc áo kiến trúc sư, giám đốc Việt kiều bà Lý đã khoác cho. Ông nhớ đến bữa tiệc vui nhộn tối qua tại New World do bà Lý sắp xếp để ông đãi một số bạn bè của bà đến mừng “bạn trai Lý” về nước, ông nhớ tới nét mặt hớn hở, tự hào của bà Lý khi cả hai choàng vai bước đi trước ánh mắt ngưỡng mộ, khâm phục của mọi người. Nhiều lúc, ông tưởng mình là một kiến trúc sư thật sự. Ông Tùng mỉm cười thích thú “Em Lý thật tuyệt” – rồi cầm điện thoại di động bấm lên xem hình bà Lý, không buồn thắc mắc vợ mình đang lặn lội ở đâu!!!...
Hai tháng trôi qua - cứ vài ngày đi mua, vài ngày ở nhà bán – nhóm bà Nhi đã “đánh” được bốn chuyến hàng, bà được chia số tiền kha khá. Bà mua tole, mướn thợ sửa lại mái của một ngôi chùa nhỏ, nghèo nàn trên đường bà đi qua. Bà chở xi măng tới, cho người tráng lại chánh điện một chùa khác bị bể, bẩn. Bà mướn người đóng lại cái bàn thờ ở đình làng. Chi phí này hết nhẵn tiền lời kiếm được, còn thâm vào vốn! Nhưng bà cảm thấy nhẹ nhàng vô cùng, mặc dù nỗi ray rứt vẫn không lìa bỏ bà, lúc nào cũng canh cánh bên lòng một niềm đau khó tả. Càng khổ hơn khi phải tìm cách che giấu trước ánh mắt của hai người bạn. Bà Nhi cảm thấy chán chường khi nghĩ đến chồng. Có lần ngồi chờ hàng trong một quán nước bên bờ sông, nhìn dòng nước lặng lờ trôi, bà buột miệng: - Ở đây êm quá! Khi nào tao chết, tụi mày thiêu xác, đem tro đổ hết xuống sông này dùm tao nha. Bà Thành, bà Ngọc cùng ré lên: - Con điên! Nói bậy gì vậy? - Mày điên quá! Đang làm ăn nói chuyện gì vậy? Bà Nhi làm thinh, nhìn ra sân nắng, mỉm cười vu vơ…
Mỗi lần về nhà, đã mệt mỏi vì đi đường xa, bà Nhi càng mỏi mệt hơn khi nhìn phong cách của chồng. Ông Tùng và bà Lý mỗi ngày thêm gắn bó – ông nói, cười cùng bà Lý qua điện thoại một cách thoải mái như không có sự hiện diện của vợ. Bà Nhi chỉ là một cái bóng mờ trong nhà, bà chua xót nghĩ: “Thành quả của hơn hai mươi năm tận tụy bên chồng là đây sao? Cái giá phải trả cho chuỗi ngày chung vai gánh gồng hoạn nạn là thế này sao? Tàn nhẫn quá!!! Một lần giặt áo cho chồng, thấy trong túi có mấy viên thuốc cảm, bà hơi nao lòng: “Anh ấy bị ốm sao?”, nhưng rồi bà nhủ: “Không cần bận tâm, đã có người chăm sóc cho anh ta rồi”. Dạo này nhà đất “đóng băng”, ông Tùng có vẻ lo nghĩ và hơi gầy, bà thấy điều đó, nhưng tự bảo: “Anh ấy đã có người chia sẻ…”. Đối với ông, bà không còn cần thiết nữa! Nụ cười cay đắng trên môi, bà Nhi nhớ lại một buổi tối, ông Tùng về, đưa cho bà hộp thuốc, nhỏ nhẹ: - Đi xa nhiều, mệt lắm! Mình uống thuốc bổ này cho lại sức… Chuyện lạ đây!!! Sự lo lắng – để lấp liếm việc làm của mình, để tỏ tình cảm cho lương tâm bớt cắn rứt hay để thưởng “công” bà đã câm lặng, không hỏi han, đá động gì đến chuyện của ông???!!! Thật ra, bao lần bà Nhi muốn lên tiếng kêu chồng dừng lại, đừng đi xa nữa, nhưng biết nói thế nào đây? Nếu ông mê muội, không nghe, làm ồn ào lên thì phiền phức! Bản tính cầu toàn làm bà im lặng. Bà cảm thấy mình già quá! Những ngày cuối đời của mình chẳng yên ổn chút nào! Lẽ ra càng về già, vợ chồng càng đậm tình nghĩa, càng cần nương tựa nhau hơn, không ngờ… khoảng cách giữa bà và ông mỗi lúc rộng thêm – rộng đủ cho người thứ ba chen vào vùng vẫy! Bà Nhi đã không còn tin tưởng chồng nữa, tình cảm dành cho ông sao mà mù mịt quá? Bà buồn vô cùng vì sự mất mát – Sao ra nông nỗi thế này? Sao thảm thương như vậy???!!!
- Đi chuyến này xong, nghỉ Tết, ra giêng tính… Bà Ngọc quyết định. Mấy cửa trước trót lọt, sao nơi này xe dừng lâu quá! Mọi người lo lắng. Lát sau, người tài xế chạy đến: - Mấy chị xuống đi, vô trạm lập biên bản. Anh chép miệng buồn bã: - Gần Tết nên khó quá! Mọi người vào trạm, ngồi chờ. Tiếng giấy lật sột soạt, tiếng hỏi, tiếng đáp, tiếng máy… tích… te… tiếng người léo nhéo, bà Nhi đứng bên cửa ra vào, lòng trống rỗng. Hàng bị giữ lại, chuyện gì sẽ tới nữa? Bà đưa mắt nhìn những người bộ đội biên phòng cầm súng đi rải rác bên hàng xe, rồi nhìn vào khóm rừng thưa mờ mờ trước mặt. Trong tiết trời se lạnh, chợt một ý tưởng táo bạo loé lên trong đầu – thật bất ngờ – nhanh như tia chớp, bà nhảy đến giật khẩu súng trên tay người bộ đội đứng gần rồi chạy thật nhanh vào rừng… Tiếng người, tiếng chân ồn ào đuổi theo: - Đứng lại… đứng lại… - Nhi! Mày điên hả? Đứng lại đi… - Nhi! Nhi ơi! Đứng lại, đứng lại… Bà Nhi cắm đầu, cắm cổ cố chạy thật nhanh giữa hàng cây thưa… Vừa chạy, bà vừa chĩa súng lên trời… bóp cò – không có gì xảy ra! Sao kỳ vậy? Bà nghĩ thật nhanh – bất thình lình dừng lại, quay súng chĩa vào đám người vừa đuổi tới. Người mất súng đến gần bà nhất, cách khoảng năm, sáu mét, khựng lại, đưa hai tay lên. - Nhi ơi! Nhi, mày điên sao? Chen giữa tiếng gào của bà Ngọc, tiếng đoàng… đoàng…đoàng… vang dội một vùng, cả người bà Nhi rúng động, rồi cái thân hình mảnh mai từ từ ngã xuống – nhẹ nhàng như chiếc lá khô rơi nằm trên mặt đất… Khẩu súng bên cạnh. Người mất súng nhanh nhẹn nhặt lại súng của mình. Mọi người ùa đến. Bà Ngọc gào to: - Nhi ơi! Mày điên hả Nhi? Tiếng khóc của bà Thành thật não nề: - Trời ơi! Trời, Nhi ơi, mày làm sao vậy? Những người lính lôi hai bà ra xa. Hai bà ngồi phịch xuống đất vừa khóc, vừa kêu: - Nhi ơi! Nhi ơi!... Bà Nhi nằm thẳng người, mở to đôi mắt nhìn lên – Trời hừng sáng, tia nắng đầu ngày xoa nhẹ những ngọn cây. Bà thấy nụ cười tươi của con bên chồng trong ngày cưới, bà thấy ông Tùng ngồi cắm cúi bên máy vi tính – tất cả đều êm đẹp… Tội danh cướp súng, hành hung hay gì gì đó bà không màng đến. Bà thấy nhẹ tênh, xuôi tay, nhắm mắt thênh thang đi vào giấc ngủ… Bà Thành, bà Ngọc cùng chồm dậy hét: - Nhi! Nhi! Nhi ơi!... Tất cả mọi người đều kinh ngạc, sững sờ – bà Nhi nằm đó, nét mặt thản nhiên, thoải mái với nụ cười mãn nguyện, bên cạnh dòng máu đỏ, loang phủ nền cỏ ướt sương đêm, đang lần lần ngấm xuống đất… Vài người dân đưa tay lau mắt, quay đi, các bộ đội biên phòng đứng yên nhìn xác bà trân trối, không gian như đọng lại trong lúc mặt trời lên dần trên những vòm cây!!!...
Chuyện đến đây coi như “chấm hết” – người chết rồi, nỗi khổ cũng không còn, nhưng người sống phải sống để gặt quả do hạt mình gieo chứ. Ông Tùng và bà Lý đã gieo hạt tình trên mạng – họ sẽ gặt được quả gì? Phần sau nhờ các bạn – những cư dân mạng viết tiếp… Bất cứ ý tưởng nào của các bạn cũng được hân hoan đón nhận.
Chào thân ái và mong đợi… Lê Nhân _
|