
Kỷ niệm với cô Trâm.
Cô Trâm rất hiền, vóc dáng mảnh mai, yếu đuối, tiếng nói nhỏ nhẹ... nhìn Cô không ai nghĩ đó là Giáo sư Lý Hóa lớp 12 .
Khi mang thai, Cô bị yếu tim, bác sĩ không cho lên lầu, nên đến giờ Lý, Hóa, chúng tôi phải “ dọn “ xuống lớp trống hoặc dãy nhà tole để học ... Đến khi Cô nghỉ hộ sản thì cô Huyên ( em ruột của Cô ) và cô Tâm ( bạn của cô Huyên), Trợ giảng của trường ĐHKH thay thế ...
Nhưng cô Nghĩa dạy Sử Địa lớp 11, lúc có thai phải lên lầu vì như các Giáo sư khác, sức khỏe của Cô vẫn bình thường ...
Lớp chúng tôi học với Cô giờ đầu ngày, đôi khi ... Cô đến trễ ! Không có Giáo sư khoảng 10 phút, tôi phải báo cáo với Văn phòng . Lần nào cũng vậy, cứ xuống hết cầu thang, tôi gặp Cô hối hả đi tới :
- Thưa Cô ... em định xuống báo với cô Giám thị .
Cô cười :
- Khổ ghê, em bé bị bệnh, Cô phải cho uống thuốc rồi mới gửi Ngoại, Ngoại già không rành thuốc men nên Cô đi trễ !
Cô vừa bước nặng nhọc bên cạnh tôi, lên từng bậc thang vừa thở gấp . Nhìn bụng khá to của Cô, tôi e ngại :
- Cô ơi, đứng lại nghỉ một chút đi, coi chừng Cô bị mệt ...
- Thôi, đi em, nhanh lên, Cô không sao đâu, trễ lắm rồi .
Một tay kéo vạt áo dài trước, tay kia của Cô bám chặt vào vai tôi ...Tôi nghĩ Cô rất mệt vì có cảm giác một vai mình trĩu xuống, tôi muốn choàng tay ôm hông, dìu Cô, nhưng không dám, sợ vụng về làm hai Cô trò ...lăn xuống cầu thang ... thì “ đổ nợ”! Sau lời xin lỗi lớp, Cô nhanh nhẹn giảng bài, thỉnh thoảng đưa tay lên chận ngực, cố nói to nhưng tiếng hay bị đứt quãng ... tôi thấy thương Cô vô cùng ...
Lúc Cô nghỉ hộ sản, cô Lan dạy thế, Cô cũng hiền và nhỏ nhẹ như cô Nghĩa . Cô đã cho tôi câu danh ngôn : “ Mọi việc sẽ đến, mọi việc sẽ qua, và tất cả đều ổn thỏa”, làm “ kim chỉ nam” trước những bước ngoặc của cuộc đời ... Mỗi lần gặp khó khăn, tôi đều suy ngẫm câu này và nhớ về Cô .
Ngày tìm thăm cô Nghĩa tại nhà ... Cô dẫn chúng tôi vào căn phòng nhỏ tràn ngập ánh đèn hồng ... trong cái “ giường chuồng” xinh xinh đặt ở góc phòng có một bé gái khoảng hai tuổi đứng nhìn mọi người, đối lệch một chút là ... hai cái “ giường chuồng” khác, giống như cái kia, nhưng kích thước nhỏ hơn với hai em bé nhỏ xíu ... y hệt nhau ... đang nằm ngo ngoe . Cả đám bật kêu lên :
- Ôi, đẹp quá ...
- Dễ thương quá ...
- Cô ơi, em trai hay gái hở Cô ?
Cô Nghĩa cười thật tươi :
- Cả hai con gái nữa ... Cực lắm mấy em ơi !
- Ba bé gái dễ thương như vậy ...cực mấy ...cũng chịu được, phải không Cô ?
Qua thời gian nghỉ, Cô đi dạy lại và ... có hôm đến trễ . Tôi gặp Cô ở chân cầu thang, Cô vừa thở gấp vừa nói :
- Cả hai đứa nhỏ đều bệnh, Thầy một đứa, Cô một đứa ... cho uống thuốc ... Thầy cũng đi làm trễ !
Cô trò nhìn nhau cười . Tôi bỗng giật mình ...thấy ... vô duyên quá !
Em bé bị ốm, Cô “ mệt ngất ngư”... vậy mà cười cái gì ! Chợt nhớ bài “ Gì cũng cười” ... “ An Nam ta ...” tôi lại ... mỉm cười, thấy tôi cười ... Cô cũng cười theo . Tôi nhủ thầm : “ Vô duyên ... thây kệ ... miễn là Cô vui ...”
Cô lại vịn vai tôi bước lên ... nhưng hơi thở của Cô không nặng nhọc như những lần trước ...
Trong Lưu bút của tôi, có đoạn Cô viết : “ ...Cô tự ví mình như “ ông lái đò đưa khách sang sông”. Dù mưa nắng, bão tố thế nào thì ông lái đò vẫn cố gắng tận lực đưa khách tận bến và không bao giờ nghĩ đến việc khách nhớ ơn ...” .
Cô ơi, “ ông lái” không nghĩ đến việc tri ân của kẻ đi đò...nhưng có những “ người khách” vẫn nhớ hình ảnh tận tụy của “ ông lái” và khắc ghi công ơn chèo chống, đưa họ qua sông nước ... để đặt chân lên vùng đất bằng phẳng mà đi thẳng đến tương lai ...


Kỷ niệm với cô Nghĩa.