Nàng và tôi có chung một đam mê là thích đi chợ Trời vào những ngày thứ Bảy. Riêng Chủ nhật, tôi trốn Nàng, đi đánh tennis với các bạn trẻ cố níu lại cái... xuân xanh, sợ nó bay đi mất. Gia đình tôi hình như có duyên với chợ Trời và mọi sự đều do hoàn cảnh đưa đẩy. Những năm đầu tiên, khi mới bước chân vào nước Mỹ, tiền lương cả nhà thuộc loại very low low...income nên hai ngày cuối tuần, vợ chồng con cái thường rủ nhau đi chợ Trời để giải trí lành mạnh và đỡ tốn đô la.
Chúng tôi mướn một apartment khiêm tốn 2 phòng ngủ: vợ chồng và hai tiểu thư chia nhau 2 phòng còn công tử chiếm nguyên phòng khách để làm việc và ngủ luôn cho tiện việc.... Ngày xưa nhà cửa khang trang, ba tầng lầu cao nghều nghệu, giờ đây phải sống chui rúc với nhau thật thảm hại. Thế mà có vị còn nỡ hỏi cái lập trường của tôi để ở đâu? sao hận thù CS ít thế? thì thật...hơi buồn.
Cả nhà có 2 cái xe thì quí tử chiếm một cái để đi làm, cái còn lại tôi tình nguyện làm tài xế đưa rước hai tiểu thư vừa đi học vừa đi kiếm gạo từ sáng đến tối mịt, nghĩa là suốt ngày ở ngoài đường. Cuối tuần làm overtime đưa Nàng đi chợ mua thực phẩm, về đến nhà lại đâm đầu vào bếp, phụ làm thức ăn và... rửa chén. Than ôi, còn đâu những ngày vàng... lái xe 4 bánh phây phây đến trường với các em học sinh thân mến, mà giờ đây trên quê hương thứ hai này chỉ thấy toàn vất vả và...vất vả tức là V.V.V.V.V=V5
Chợ Trời ở Mỹ, nói chung thật phong phú, đa dạng; thượng vàng hạ cám cái gì mua cũng có và là thiên đường của dân nhà nghèo. Có điều mọi người thắc mắc, đồ chợ Trời không biết xuất xứ từ đâu mà vừa nhiều lại vừa rẻ như thế. Thoạt đầu tôi cũng chỉ hiểu lơ mơ nhưng sau một thời gian, quen với nếp sống ở xứ này, dần dần tôi đã tìm ra chân lý.
Nước Mỹ nổi tiếng là một xứ tiêu thụ vì dân Mỹ có tật hay ganh đua. Thích xài đồ sang, đồ hiệu nhưng lại mau chán và thường hay phí phạm. Hậu quả là nợ như chúa Chổm, nghe đâu nước Mỹ thiếu nợ Trung quốc cả ngàn tỷ đấy! Vào một department store thì hết 3/4 là nơi trưng bầy đồ phụ nữ và con nít, chỉ còn 1/4 nhỏ xíu là dành cho quí ông. Đi shopping là một thói quen hay là bệnh nghiền của phụ nữ thì để tôi hỏi lại Nàng cho chắc ăn. Nhưng có một điều bí ẩn là : năm này tháng nọ, tuần nào cũng shopping dài dài, thì tiền kiếm đâu ra và đồ cất chỗ nào cho hết, bộ in ra đô la hay muớn nhà kho để chứa hả? Thì đây là câu trả lời khá chính xác :Tiền không in được thì đi vay nợ, đồ không có chỗ chứa thì khi chán mở garage sale hay cho good-will. Thế rồi một ngày đẹp trời, cái lũ đồ bị ghét này sẽ bò ra chợ Trời và dân nghèo lại có cơ hội đề xài lại.
Các cửa hàng lớn sau khi bầy bán một thời gian cũng thải ra một mớ đồ đủ loại vì kiểu cũ ế, không còn ăn khách nữa. Nếu hàng còn mới thì chuyển qua outlet, Marshall, TJM, Ross...v...v...Nếu đồ bị lỗi, hư hao như mất khuy, sút chỉ, dây kéo mắc gió....hay bị khách hàng chê đem trả lại thì đã có các bạn hàng Mễ tây cơ đến tận nơi mua mão nghĩa là được tính tiền theo kilo và lũ đồ này chắc chắn là có trụ sở ở chợ Trời.
Trong các mùa lễ hội như Tạ ơn, Giáng sinh....hay các dịp đi Ăn cưới, Sinh nhật...v...v...mọi người thường có thói quen tặng quà cho nhau và phần đông quà này, dù mới tinh, có khi còn nguyên trong hộp, cũng thấy xuất hiện ở chợ Trời. Tại sao mọi người lại không trân quí các tặng phẩm lại tuôn ra bán bừa bãi ở chợ Trời như thế? Câu trả lời sẽ nhiêu khê lắm, chắc phải dành ra một bài khác mới kể hết các lý do vớ vẩn này. Ngoài ra còn có sự cạnh tranh của hàng giả, hàng nhái, hàng dỏm...xuất xứ từ các nước bạn thân mến như Trung quốc, Đại hàn, Đài loan...v...v. Cũng chưa hết, còn những đồ được chôm từ các gia chủ thiếu may mắn bị bọn trộm đến viếng và được đem bầy bán vô tư trên các sạp hay các miếng ni lông trải xuống đầy mặt đất.
Mua đồ ở chợ Trời muốn được như ý, nghĩa là vừa rẻ, vừa có chất lượng là một nghệ thuật. Hàng họ chợ Trời vốn hỗn tạp, thật giả, vàng thau lẫn lộn nên dễ mua lầm và khi trả giá lại hay bị hớ. Cần nhớ, đồ mua ở đây không trả lại được và nếu cãi nhau thì khách hàng thường chịu thua, còn muốn thưa kiện thì chỉ đi kiện củ khoai mà thôi.
Tôi không dám nói khoe chứ mua đồ chợ Trời thì người Đẹp của tôi là số dách, không phải tại Nàng tài giỏi gì hơn người khác mà vì Nàng có kinh nghiệm mua bán và nhất là có nghề sửa y trang. Quần áo ở chợ Trời muôn mầu muôn vẻ và...như rừng, nhưng kiếm được món đồ vừa ý không phải là dễ. Sau khi đã lục lọi mỏi tay mới kiếm được cái áo đầm, mầu mè hấp dẫn, hàng hiệu đàng hoàng, chỉ mất vài cái nút, sút chỉ chút chút có thể sửa được nhưng xem kỹ thì nó size 6 mà mình lại số 4 thế là huề. Chưa hết, có khi chỉ hư cái dây kéo cũng đành phải bỏ vì rất khó sửa, rồi thêm vài chuyện linh tinh khác như vòng số 2, số 3 ,rộng hẹp chút đỉnh mặc không sát, không ôm thì đâu còn hấp dẫn nên cũng đành ngậm ngùi quay đi. Thế nhưng tất cả những cái vớ vẩn đó đối với Nàng là chuyện nhỏ vì Nàng sửa được hết và cứ y như mua ở trong tiệm ra! Nhưng muốn thành công thì phải có đồ nghề, phải biết sử dụng một số máy đặc biệt và cũng... tốn kém lắm. Thôi thì để khỏi nhức đầu, nếu cái hầu bao của quí vị kha khá thì ta cứ dô tiệm lớn mà sắm đồ thoải mái, để kinh tế mau hồi phục và công nhân đỡ thất nghiệp. Hơn nữa, cứ có Tiền là ta mua được gần như tất cả chỉ trừ có... Hạnh phúc nhưng chính cái này cũng cần phải...xét lại vì hiếm có Hạnh phúc nào mà lại không dính đến...Tiền ! Mời quí vị thưởng thức một bài vè của dân Hà nội dưới chế độ XHCN
Tiền là Tiên là Phật
Là sức bật của con người
Là cái cười của tuổi trẻ
Là cái khoẻ của tuổi già
Là cái đà của danh vọng
Là cái lọng để che thân
Là cái cân của công lý
Và Tiền là...hết ý.
Thầy Giáo bán Chợ Trời Sau vài năm định cư tại Mỹ, nền tài chánh của gia đình tôi vẫn còn ảm đạm. Cậu con trai đã có người yêu nên ra ở riêng còn hai cô con gái vừa đi học vừa đi làm nên tốt nghiệp hơi chậm. Bữa nọ đang lang thang chợ Trời thì mắc mưa, tạt vào một lều bán quần áo con nít để tạm trú. Nhìn thấy đồ nghề bầy trên sạp, đu đưa trên rack và treo lủng lẳng chung quanh lều, trong óc tôi chợt loé ra một tia sáng, y như nhà bác học Archimèdes năm xưa : Ô hay, mấy cái đồ quỉ này làm dễ ợt, sao ta không sản xuất đem ra đây bán, không chừng hốt bạc đấy, em nghĩ sao?
Trong một bài Hồi ký tôi có giới thiệu với quí bạn là Nàng đã có nghề may cắt quần áo con nít từ năm 19 tuổi. Nghề này Nàng tự học trong sách vở, học lỏm ở các chị em, bạn bè mà thôi. Hồi năm 63 ở VN, Nàng đã biết vẽ kiểu, cóp kiểu, mướn thợ may, thợ thêu, sản xuất đồ bán ở chợ Bến Thành và bỏ mối tùm lum đi các tỉnh rồi.
Thế là một kế hoạch qui mô được đưa ra. Nàng là giám đốc hãng Minh Ngọc kiêm thợ may, còn tôi, chuyên viên cắt chỉ, xếp đồ và tài xế. Xưởng may được đặt ngay trong gara cho tiện việc sổ sách. Thế còn "Thủ tục Đầu Tiên"? Thì đi vay nợ chứ sao !. Mỹ giầu thế mà còn mắc nợ nữa là Mít vượt biên! Nàng bèn tình nguyện làm chủ Hụi, còn tôi thì lao động cái miệng, đi năn nỉ bà con, bạn bè... mỗi người tham gia một chân hụi và vấn đề tiền bạc như vậy là tạm thời ổn định.
Có tiền rồi ta liền cấp tốc đi khiêng 3 cái máy may về, toàn là loại kỹ nghệ nghĩa là may mệt nghỉ mà không sợ hư. Điều quan trọng là những máy này rất hữu dụng vì may được đủ loại vải : cứng,mềm,thung,lụa... đều ok hết. Sau đó vợ chồng lái xe phom phom lên LA để tìm mua vật liệu như: vải, chỉ, nút, thung, dây kéo, vải lều,cọc sắt, rack...v...v... đủ thứ hầm bà làng. Đến đây chắc có bạn thắc mắc: Thế hãng có 2 người thôi à, sao vắng vẻ thế ? Sao không mướn thêm thợ để sản xuất cho được nhiều?.Ối dào, đây là Mẽo chứ đâu phải Việt Nam. Sức mấy mà dám trả tiền thợ theo giờ, bộ không sợ một ngày đẹp trời họ đình công đòi tăng lương hay sao? Nói đùa một tí cho vui chứ hai vợ chồng làm cò con mí nhau đủ sống là mừng rồi. Hơn nữa hãng có 2 người thì khỏi bị sở Thuế làm phiền, khoẻ re!
Thời vàng son Hai vợ chồng vất vả làm đêm làm ngày độ nửa tháng thì hoàn tất được một số quần áo tương đối đủ mặt hàng để đem bầy bán. Chúng tôi mướn một chỗ để dựng lều, sử dụng chung cho 2 ngày Thứ Bẩy và Chủ Nhật. Phần đằng trước khá rộng để bầy hàng, còn phần đằng sau là chỗ đậu xe. Buổi trưa, chúng tôi xơi cơm ngay trong xe, khi thì nấu sẵn ở nhà mang theo,khi thì xơi luôn đồ ăn mua ở chợ.
Buổi sáng hôm đó, trời cao xanh thật đẹp, gió hiu hiu và nắng vừa vừa. Hãng Minh Ngọc tưng bừng khai trương ở Chợ Trời, toạ lạc tại bãi đậu xe của trường Orange Cost College thuộc tỉnh Costa Mesa. Hãng mới trình làng, quần áo nhiều kiểu lạ, mầu sắc rực rỡ, hấp dẫn khách hàng ra dô nườm nượp làm hai vợ chồng như gà mắc đẻ không biết bỏ ai tiếp ai. Khách hàng của chúng tôi đa số là các bạn Mễ dễ thương, mua đồ nhiều, thoải mái và ít khi trả giá. Gia đình người Mễ thường đông con nít và tuyệt đai đa số là hưởng welfaire foodstamp. Tôi không biết rõ lý do nào người Mễ lại đẻ nhiều như thế? Chắc tại nghèo nên thiếu phương tiện để giải trí chăng? hay tại giống dân khoẻ do Trời sinh, chắc là cả hai, nhưng quả thật phụ nữ Mễ phần lớn trông đồ sộ đáng nể.
Khi bán hàng ở chợ Trời, tiếp xúc nhiều với dân nghèo tôi có một nhận xét có vẻ hơi nghịch lý là người nghèo thường chi tiêu rộng rãi, thoải mái, không khó khăn như mấy người giầu, điển hình là những người bạn Mễ thân mến của chúng tôi. Có thể là đã nghèo thì để dành thêm vài chục cũng chẳng giầu thêm được bao nhiêu nên tiêu xả láng cho sướng đời chăng? Còn người khá giả, nếu đã có 999 rồi thì phải cố thêm 1 nữa cho đủ 1000 để cất vào tủ chứ!
Một bữa ế khách, vợ chồng đang ngồi ngáp dài, chợt thấy một đám thiếu nữ ào vào hàng bên cạnh, xúm xít quanh cái rack xoay tròn để lựa đồ. Tò mò, tôi bèn lượn qua xem món gì mà đắt khách thế, hoá ra là: " Cái thúng mà thủng hai đầu. Bên ta thì có,bên Tầu thì không" tức là cái váy đấy. Chao ôi,cái đồ này may còn dễ hơn đồ của các em bé nữa, Nàng chỉ xoẹt xoẹt vài cái rồi cho cái dây kéo vào là xong ngay.Thế là hãng Minh Ngọc lại có thêm món hàng mới toanh là váy đầm, bán rẻ hơn và đẹp hơn.
Hàng họ của chúng tôi nhờ sản xuất tại chỗ không qua các trung gian, kiểu đẹp vì cóp từ các hiệu danh tiếng, may khéo,vải tốt lại bán rẻ nên các bạn hàng khó cạnh tranh nổi. Một cái váy đầm, tiền vải là 1 đô, bán ra 10 đô thì đúng là ngon ơ, phải không quí bạn.
Buổi trưa hơi vắng khách, vợ chồng rủ nhau vào trong xe ăn cơm và nhân thể ...đếm tiền. Thật là sung sướng, từ thuở bố mẹ sinh ra, lần đầu tiên tôi làm được một món đồ, dù chỉ là cắt chỉ, đem bán và lấy tiền trực tiếp từ khách hàng, thật là một kỷ niệm khó quên. Buổi chiều cũng vẫn đông khách cho đến khoảng 3 giờ thì thu xếp đồ nghề lên xe trở về tổ ấm.
Đêm nay mới thật là... đêm, đếm tiền mệt nghỉ vì tiền giấy một đô la hơi nhiều, cũng không sao vì cũng là...tiền cả. Sau khi xếp các loại tiền giấy khác nhau sấp nào ra sấp nấy, tổng kết tình hình thì thấy rất khả quan, vợ chồng nhìn nhau sung sướng muốn rơi nước... mắm ra và cùng hy vọng về một tương lai... sáng lạn.
Hai năm sau, công chuyện làm ăn phát đạt, hàng họ mỗi ngày mỗi nhiều, chúng tôi phải mua xe lớn hơn mới đủ chỗ chứa đồ và cuộc sống cứ thế mà tiếp tục lên hương.
Thời kinh tế ảm đạm Thời gian cứ dần trôi, gia đình tôi được sống những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc bên nhau, vì tiền bạc lúc này tương đối khá sung túc. Nhưng đời người thay đổi bất ngờ, khi hợp, khi tan, khi trồi khi sụt biết đâu mà mò, và cũng là lẽ thường mà thôi. Hai cô con gái, sau khi tốt nghiệp đại học bèn từ từ rủ nhau đi lấy chồng để xây dựng tương lai, bỏ lại hai vợ chồng già cô đơn lạnh lẽo. Một thời gian sau, vào một ngày đẹp trời, chúng tôi cũng lại khăn gói dọn về ở với vợ chồng cậu con trai để tìm lại chút hơi ấm gia đình, nhưng nhà ở mãi trên tỉnh Pomona đèo heo hút gjó, cách xa quận Cam, nơi phồn hoa đô hội đến gần 50 miles.
Ngày xưa lúc mới hành nghề chợ Trời, nhà ở Santa Ana, lái xe ra chợ chỉ 15 phút. Nay thì đường xa diệu vợi khoảng 45 phút lái xe, phải dậy thật sớm, cỡ 5 giờ, thu xếp đồ nghề để ra đi mới kịp giờ mở hàng.Đến nơi, sau khi dựng xong lều, quần áo được móc lên đàng hoàng thì đã gần 8 giờ, vợ chồng bèn uống cà phê, ăn sáng lai rai để chờ khách vào mở hàng.
Thú thực với quí vị, gian hàng của chúng tôi sống được là nhờ gia đình các người Mễ trú ngụ quanh đó. Dạo này không hiểu có biến cố gì xẩy ra mà không còn thấy bóng dáng thân yêu của họ ở chợ Trời nữa. Có thể họ là di dân bất hợp pháp, ở lậu nên bị đuổi đi chăng?
Xét cho cùng,chẳng qua cũng chỉ tại số ăn mày cả lũ mà thôi. Khách hàng mỗi ngày mỗi vắng, phần nữa không cạnh tranh nổi với hàng của Trung quốc, Đại hàn... vì họ bán rẻ hơn mình nên đành phải chịu trận.
Một bữa nọ, trời về chiều, tự nhiên không biết lũ chim câu ở đâu bay ra đầy chợ, cứt chim vung vãi tung toé vào lều, vào quần áo làm chúng tôi vội vàng đi kiếm mấy miếng nylon để che lại. Sau đó gió bất ngờ nổi lên càng ngày càng mạnh muốn cuốn bay cả lều lên. Chúng tôi bèn chia nhau mỗi đứa ôm một cột để cố giữ lại nhưng nghe chừng nó muốn lôi cả mình lên trời vì sức người có hạn. Phần tôi tương đối cầm cự được, còn Nàng thì tội nghiệp, mặt mày thất sắc, hoảng sợ nhìn tôi, đôi mắt rớm lệ như muốn kêu cứu nhưng tôi đâu dám bỏ cái cột của mình ra, bụng đánh lô tô, lẩm bẩm bài hát " Tôi ơi đừng tuyệt vọng" để an ủi. Lúc đó tôi nhìn Nàng vừa thương lại vừa giận. Thương Nàng vất vả may đồ, vẽ kiểu, làm rập đêm ngày, ra chợ bán hàng rồi lại còn phải ôm cột, đánh nhau với gió trời. Còn giận Nàng thì đôi khi muốn khóc vì mặc size số 4 cũng chưa vừa lòng, định ráng xuống tới sồ 2 mới thoả mãn để bây giờ phải khổ sở với cái cột lều vì da thịt đâu còn bao nhiêu! Trời ơi, giá lúc này mà có mấy em Mễ, mỗi em một cột thì tornado cũng chả sợ, xá chi cái gió trời vớ vẩn này. May quá, sóng gió rồi cũng qua đi và an bình đã trở lại. Hai vợ chồng bèn mau mau thu xếp đồ nghề lên xe để trốn khỏi cái chợ trời đầy tai hoạ này.
Năm đó, chỉ còn mấy tháng nữa là tôi được xơi tiền già, tiền hưu cũng chẳng được bao nhiêu vì không đủ credit. Vợ chồng bàn nhau chắc phải dẹp tiệm chợ trời vì hàng họ ế quá, bán chả được bao nhiêu, thỉnh thoảng còn phải thưởng thức món cứt chim và ôm cái cột lều...mắc gió thì thật chẳng bõ công tí nào. Tuần sau, tôi bèn treo bảng " going out of business " everything must go, 75% off nhưng tính ra cũng vẫn còn lời tí tỉnh.
Thế rồi, vào một buổi sáng mùa Đông, gió lạnh từng cơn đang nhè nhẹ thổi về, lá vàng còn phủ đầy trên sân trường OCC thì hãng quầo áo Minh Ngọc đã âm thầm dẹp tiệm. Từ đây, bóng dáng đôi vợ chồng, môt già một trẻ, trong gian hàng bé nhỏ.xinh xinh, đã dần dần phai mờ trong ký ức của những người có cái thú đi chợ Trời vào những buổi cuối tuần.
Xin tạm biệt các bạn hàng thân yêu. Cám ơn các nàng Mễ dễ thương, tuy nghèo nhưng hào phóng vì đã chi tiêu thật...rộng rãi. Hẹn gặp lại tất cả quí vị trong một ngày đẹp trời...sắp tới !

Từ nay vĩnh biệt chợ trời
Những ngày thân ái một thời không quên
Nhớ hoài nàng Mễ... không tên
Bước đi,núng nính, rung rinh...hết hồn.

Hạnh phúc cũng...dễ tìm