Bài viết này mục đích chỉ để giải trí, vui chơi. Nội dung kể lại vài mẩu chuyện nho nhỏ, dí dỏm nặng phần hài hước, và vô thưởng vô phạt. Tác giả mong quý bạn thưởng thức với cái tâm cởi mở, vô tư và dưới khía cạnh tích cực thì tôi rất cám ơn.
Ban hợp ca Bát Tiên- Kỳ ĐH này, ban tam ca MTV có hảo ý mời Thầy Đường hát chung cho vui cửa vui nhà. Được gãi đúng chỗ ngứa, Thầy bèn hăng hái gia nhập vô điều kiện ngay. Vì không có thời gian và cùng mắc bệnh lười nên tất cả nhất trí chỉ gặp nhau một lần để tập thôi. Nhạc nền đã có sẵn, mọi người sẽ tập mình...ên ở nhà rồi đến tệ xá ráp lại là khoẻ re. Nhưng sự đời đâu có dản dị như vậy. Hát đồng ca tưởng dễ hoá ra lại không phải vậy. Nếu không có người bắt nhịp nó sẽ lủng củng, kẻ trước người sau như đi dạo mát vậy. Trên sân khấu ta thấy các ban đồng ca tuy đông người mà hát rất đều là do hát...nhép cả đấy. Tôi biết trước điều đó nhưng không sao, vì mục đích cốt cho vui thôi mà. Vả lại Thầy Cô biểu diễn mà đệ tử không vỗ tay ủng hộ thì còn ra cái tổng thống OBM gì nữa. Hôm Tiền ĐH, ban hợp ca gồm các ca sỹ: Cô N.Mai, Cô Ngô Vân, Cô Lê Thu, Thầy Đường, tăng cường thêm Thầy Đạt (phu quân của Cô Thu) thành ban Ngũ ca để khán giả lác mắt. Tính tôi vốn cẩn thận, cho chắc ăn, tôi in thêm ra 3 bản bài Viễn Du nhờ 3 đệ tử hát giỏi như Kiều N, Thanh Hằng, Bình Hoà ? phụ hoạ. Kết quả ra sao ? Trên sân khấu, ban Ngũ ca biến thành ban Bát Tiên, chia thành 2 nhóm và mạnh ai người ấy hát. Dưới sân khấu, thấy vui quá một số khán giả cũng nồng nhiệt hát theo. Thế là cả làng đều hát, vui như Tết và vỗ tay muốn bể cả hội trường.
"Em đến thăm anh một chiều...mưa"- Rất tiếc hôm đó trời không lạnh mà cũng không mưa nên bài hát có vẻ không hợp...thời tiết. Phần nữa, tác giả ca khúc đã xài nhiều những từ như: anh anh, em em, từ câu đầu cho tới câu chót làm ca sỹ cao tuổi Thầy Đường hơi mắc cở. Thầy nghĩ thầm Cô Ngọc ngồi bên dưới chắc đang lẩm bẩm: già rồi mà còn ham...lát nữa tan hàng về bắt rửa một đống chén bát cho biết thân! Nhưng biết làm sao đây! Bài "Em đến..." tôi đã hát từ năm 18 tuổi nên thuộc như cháo, bây giờ hát bài khác thì lại phải cầm giấy, thật vất vả và quê một cục. Thôi thì, giữa 2 cái dở: thà rằng rửa chén còn hơn mất sỹ diện với khán giả. Bài này tôi đã can đảm hát live, tuy không được vừa ý nhưng khán giả cũng hoan nghênh tận tình và may mắn được Phương Đ có nhã ý thu hình để ông Thầy giữ làm kỷ niệm. Cám ơn người đẹp.
Thầy giáo " Ba không"- Trong Hội ta, Thầy Long là một hiện tượng đặc biệt. Cả Hội chỉ có hai Thầy là thường có mặt trong các dịp hôi hè, vui vẻ với mọi người. Thầy Đ hay nói thẳng, dễ gây sóng gió, làm phiền nên ít được người thương. Thầy Long và Cô Vân thì ngang ngửa về số người ưu ái nhưng xem kỹ lại, có lẽ Thầy Long nhỉnh hơn một tí vì Thầy là con người trầm lặng, ít bon chen và hiếm thấy trình diện nơi phồn hoa đô hội. Thầy L theo chủ nghĩa "Ba không" nghĩa là không thấy, không nói và không hình. Lý do tại sao, tôi đã giải thích kỹ trong bài "Chân dung quý Thầy" rồi, ở đây chỉ nhấn mạnh vào cái mục "không hình" thôi.
Thầy Long ít được chụp hình và có vẻ lơ là với cái món này. Cũng dễ hiểu thôi, Thầy không được chiếu cố vì đâu phải là người quan trọng và cũng không có thói quen đi kiếm người để chụp hình. Thầy không mặn mà với hình ảnh vì nghĩ mình đã cao tuổi, nhan sắc tàn phai, đâu còn gì để hấp dẫn nữa !. Nếu mục đích chụp chỉ để kỷ niệm thì vài cái là đủ, đâu cần nhiều làm chi nên để dành chỗ cho các đệ tử còn đang ở tuổi...bà Ngoại nhưng vẫn thích làm đẹp. Bởi vậy qua bao nhiêu ĐH, kiếm được hình thầy trên diễn đàn, trên net đều như lá mùa Thu.
Lần này nhờ nồi bún bò mà hình Thầy được quảng bá rộng rãi trên diễn đàn. Hình Thầy cười trông hiền như Bụt và rất dễ thương. Nhưng Thầy cũng không biết là mình có hình vì có được chiêm ngưỡng đâu. Té ra Thầy không chơi computer, hình như chỉ có phu nhân là biết thôi. Và như thế là hoà cả làng, trước sau như một, dù có nồi bún bò hay không, cuộc sống của Thầy cũng "Vũ như cẫn".
Hôm ĐH, không biết từ bàn nào, bất ngờ Thầy đến sau lưng tôi: Sao hôm Chủ nhật không lại nhà xơi bún bò? Tôi cười: Thèm lắm, nhưng què giò, có ai đưa đi đâu. Có 2 cô con gái R và RD thì mải vui với bạn, bỏ Bố nằm chèo queo ở Irvine. Con cái bi giờ thật là... thờ ơ, lạt lẽo! Tôi thấy Thầy cô đơn cũng tội nghiệp nên từ nay nếu còn duyên với ĐH, tôi xin đăng ký trước với ban tổ chức là xếp chỗ cho tôi được ngồi cạnh Thầy để trò chuyện. Đây là một yêu cầu nghiêm túc, mong quý vị có chức năng tôn trọng, tôi rất cám ơn.
Bàn số 10 kỷ niệm- Ban tiếp tân xếp chỗ hôm ĐH thật tế nhị và khéo léo. Vợ chồng Thầy Đ được hân hạnh thay mặt BCV qua bàn số 10 tiếp đón khách quý phương xa là Cô Hồng Nhiệm và Thầy Cô Hiếu Tâm. Chúng tôi rất hân hoan được ngồi cạnh nhau như vậy vì từ thuở đứt phim năm 75, lần đầu tiên gặp lại Cô H.Nhiệm để chuyện trò hàn huyên. Ngoài ra còn được bàn luận văn nghệ rất sôi nổi với Cô Hiếu Tâm, thật quý hoá. Riêng Ngọc thì được nói chuyện thả dàn với Cô Thanh Hương, người cùng xứ rất thân tình. Ngồi một lúc, nhúc nhích cảm thấy hơi khó khăn, Cô Nhiệm tinh ý bảo: bàn mình 11 người đấy, Tội nghiệp, BTC thật vất vả, đông quá làm sao tránh khỏi sự sơ sót. Nhưng được ngồi gần nhau để tâm sự thì lại càng thân mật và thêm phần ấm cúng!
Văn nghệ uyển chuyển-Theo MC Kiều thì phần trình diễn của Thày trò tôi thoạt tiên được xếp thứ 2 sau ban MTV của quý Cô. Nhưng vì chương trình thay đổi và thiếu giờ nên cứ lùi dần cho đến số 4 mới được ổn định. Tuy có đôi chút bất tiện nhưng tôi rất mừng vì chương trình văn nghệ năm nay quả là phong phú và rất thành công. Đúng là trăm hoa đua nở, màn nào cũng tuyệt vời nhất là mục múa kiếm của Cô Ngoạn thật đặc sắc tuyệt cú mèo. Vì chương trình quá dầy đặc, không đủ thời gian nên tôi có ý định bảo Kiều bỏ bớt mục của tôi đi nhường chỗ cho khách phương xa được thoải mái nhưng em không chịu. May mắn sau đó mọi chuyện vẫn được diễn tiến tốt đẹp.
"Nhạc Đường Xa" vất vả! Thật tình, đối với tôi mọi sự trên đời bây gìờ đều không quan trọng kể cả vợ, xá chi cái số 1 hay số 2, nhưng tha nhân nhớ đừng làm tôi hồi hộp là được rồi. Tôi đã dặn dò K.Phương là mình sẽ lên hát ở mục thứ 2 để em chuẩn bị.trước. Tại sao phải chuẩn bị? MC Kiều cho biết thời gian ít ỏi nên sau lời giới thiệu là phải có mặt ngay, nghĩa là diễn viên phải đứng sẵn trên sân khấu và không miễn trừ ai kể cả Quý Cô. Nhưng sau đó mọi sự đều " nói vậy mà không phải vậy". Quý Cô từ từ tha thướt bước lên sân khấu từ chỗ ngồi và vẫn đẹp như mơ. Riêng tôi đã không được báo trước đủ thời gian để chuẩn bị vì...già lại còn có một mắt, phải có người dắt. Miệng đang nhai mà bị mời lên hát bất tử thì nuốt không kịp. Thế rồi, không biết MC Kiều hay HT Vũ Đan còn hối: Thầy đi kiếm K.Phương để bảo chuẩn bị đi! Trời ơi Thầy đang tiếp khách quý, lại bắt đi tìm partner để trình diễn thì còn ra cái thể thống gì nữa hả quý em!
Phương ơi, bi giờ em ở đâu
Sân khấu hay ngồi đâu?
May quá, đang không biết tìm em ở đâu thì em đã lù lù ở sau lưng thỏ thẻ: Thầy ui, em đứng cạnh Thầy để cùng lên sân khấu một lượt cho khoẻ!
Thầy Đường định làm MC? Bài NĐX tôi đem trình diễn ngoài việc chính góp vui với ĐH còn có mục đích thầm kín là tưởng nhớ đến người Thầy cũ năm xưa, tài hoa nhưng vắn số, đó là nhạc sỹ Phạm Duy Nhượng. Tôi có sáng kiến là sẽ tự đọc lời giới thiệu cho trân trọng nhưng MC Kiều bảo BTC chỉ cho 1 phút, bài của tôi lại dài, quá tiêu chuẩn, nên đành phải dẹp tiệm. Em còn diễu: Bố đã nổi tiếng với những bài tếu trên diễn đàn, nay lại tham lam muốn xông vào ngành MC thì để các MC chuyên nghiệp như T.Lan, K.Kiểm, T.Hằng, P.Mai, Hoàng Nga...và cả con thất nghiệp hay sao ? Nghe ra có vẻ hợp lý nên tôi đành vui vẻ...rút lui. Tuy thiếu may mắn nhưng MC Kiều đã thay Bố hoàn tất tâm nguyện đó một cách xuất sắc và duyên dáng. Kiều đã tự thêm vào câu : "chống Trung Cộng xâm lược" rất có ý nghĩa và đã ưu ái nhấn mạnh đến 2 con số 18 và 81 làm tôi rất thích thú và cảm động. Tiện đây tôi cũng xin chân thành cám ơn Cô N.Mai đã khen ngợi bài song ca và có vài lời nhắc nhở đến Người Thầy Cũ của tôi một cách tôn kính. Ngoài ra bài NĐX còn độc đáo ở chỗ có sự tham gia của 4 thế hệ: Thầy Nhượng, Thầy Đường, Trò Kim Phương và cháu Bảo, con của K.Phương. Chính cháu Bảo đã làm nhạc nền, thu âm cho chúng tôi và rất thành công. Cám ơn cháu Bảo.
Hát thật, hát nhép- Thú thật từ khi biết hát đến nay, có lẽ đến sáu, bẩy chục năm, tôi chưa hề biết hát nhép nó ra làm sao cả! Đó là sự thật và xin thề đó là sự thật 100%. Thầy trò tôi tập hát bài NĐX chỉ có vài lần vào dịp cuối tuần vì nữ ca sỹ còn phải đi làm và bận việc gia đình, không nhiều thời gian như Cô N.Mai đã diễn tả trong bài tường thuật. Thoạt đầu tôi định tự đánh đàn để 2 Thầy trò cùng hát cho dản dị vì chỉ cốt vui thôi mà. Nhưng sau thấy không ổn vì ĐH có thu hình và có thể ra dvd để bán gây quỹ, hát tệ quá khán giả buồn đâu có được nên bèn đổi ý kiến. Tuy nhiên tôi cũng không muốn ra phòng thu âm chuyên nghiệp vì mất thì giờ và tốn tiền. Tôi vốn nghèo và là vô sản chân chính từ nhiều năm nay. May quá và chắc là có duyên nên Bảo, con của K.Phương, vốn là nhạc sỹ chuyên thu âm cho Mỹ, có thể giúp chúng tôi và free. Thế là ba ta cùng làm việc vui vẻ và để thử thời vận: Thầy trò tôi sẽ cùng...nhép dưới sự điều khiển của cháu Bảo, nhạc sỹ mẽo nhưng có trái tim Việt Nam. Chao ôi, hát nhép sao mà hấp dẫn và khoẻ thế, khỏi lo sổ mũi, hắt hơi hay cảm cúm! Các ca sỹ thứ thiệt quả là khôn lòi con mắt còn mình thì...dại ơi là dại. À mà mình xưa nay vốn có tiếng là dại rồi còn than thở gì nữa hả quý vị! Thế là, Thầy trò tôi hai tay tự do tha hồ múa, miễn là cái miệng phải dính với cái mic để khỏi bị lộ tẩy là được rồi, Hôm đó đôi song ca Kim Phương-Ngọc Đường đã biểu diễn ngon lành hết xẩy, trên cả tuyệt vời dưới những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả và của các đệ tử thân mến. Cám ơn các đệ tử.
Nói nhiều, nói ít và không nói - ĐH lần này có một điều đặc biệt là: Chỉ có Quý Cô, Quý đệ tử chức sắc là tương đối được nói thoải mái nghĩa là ít bị hạn chế thôi. Ưu tiên "nói" dĩ nhiên là phải dành cho các MC gạo cội và quý vị có chức năng. Xem kỹ ra có vài vị còn phát ngôn hơi... nhiều nữa đấy
Quý Cô trong BCV lần này thừa thắng xông lên: cả Ba Cô cùng nói cho các đệ tử nghe mệt nghỉ. Cô N.Mai thì vẫn như thường lệ, Cô Vân chỉ có vài lời khuyên nhủ ngắn gọn. Riêng Cô Thu có bài nói vui, hơi tếu nhưng rất thâm thuý và có ý nghĩa. Tôi nhớ đoạn kết, Cô có lời khuyên các đệ tử: "...Bi giờ các em đã biết mình ở đâu rồi thì phải làm gì để Hội ta...v...v..."
Phần này phóng tác cho vui - Chợt có tiếng cười khúc khích bên dưới:
Dạ thưa Cô: Làm chi cũng chẳng làm chi
Nếu có làm gì cũng chẳng làm sao
Làm sao cũng chẳng làm sao
Nếu có thế nào cũng chẳng làm chi (Cụ Phan Khôi)
Bên dưới lại có tiếng cười: Ối dào, Cụ Phan làm sao bằng được Thi Bá Vũ Hoàng Chương:
Hai chân tanh tách làm luôn mãi
Cái khối to lù cứ thế thôi
Chỉ có 2 câu vừa tượng thanh vừa tượng hình, tác giả đã vẽ ra cảnh một lũ châu chấu nhỏ xíu, tanh tách đá vào con voi to lù lù không nhúc nhích, thật hết xẩy.
Từ thuở lập Hội đến nay, quý Thầy thường ít có cơ hội được nói và cũng chỉ là chuyện bình thường vì đây là trường nữ cơ mà !. Riêng Thầy Đường, kỳ ĐH này có ý đồ muốn tôn vinh Người Thầy Cũ một chút, định lăm le...nói nhưng lại được nhắn nhủ là nên rút lui vì... thiếu giờ. Thế là "no more sugar" và cũng xin chấm dứt bài viết ở đây cho tiện việc...ss.
Thêm một tí cho đầy đủ để rồi chấm hết luôn. Thưa người đẹp miền xứ lạnh Van Ku Vơ:
Lần ĐH này, vợ chồng chúng tôi không có hân hạnh được diện kiến người đẹp dù chỉ một lần, không biết tại sao? Ngoài ra lại thiếu duyên nên không được chụp hình chung với em dù cũng chỉ môt lần!

Tôi nhớ mãi và luôn cám ơn em là người đầu tiên đã giúp tôi có đất dụng võ và múa bút trên diễn đàn. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm thật khó quên khi được em tặng hoa kỳ ĐHTG lần 2 ở thung lũng Hoa Vàng, chiều theo ý muốn của tôi. Và giờ đây mọi sự đều đã qua đi và cũng chỉ còn là kỷ niệm. Nếu em cảm thấy bi giờ '' cơm không còn dẻo và canh đã hết ngọt" thì em cứ vô tư delete cái mục Hồi ký ra khỏi diễn đàn để khỏi làm kỳ đà cản mũi cho sự đoàn kết của Hội ta. "Văn là người", bản chất của tôi là trung thực. Dù không phải là nhà văn đích thực, tôi cũng không thể viết Tròn vì như vậy thì đâu còn là Thầy Đường nữa chắc chỉ là bột ngọt thôi. Thân ái.
Đường