Đêm 19 tháng12 năm 1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình tôi lúc đó đang ở Hà nội. Theo lệnh của Thị trưởng, những ai không có nhiệm vụ chiến đấu đều phải di cư ra ngoài thành phố để tránh những thiệt hại về nhân mạng. Thế là dân Hà thành lũ lượt gồng gánh, bồng bế nhau dời Thủ đô yêu dấu để đi về phương trời...vô định vì biết đi đâu bây giờ ! Thật ra trước đó ít lâu, dân thủ đô có bà con thân thích ở các tỉnh chung quanh đã liên lạc rủ nhau đi trốn từ khuya rồi. Chỉ có dân Hà nội chính gốc là bị kẹt, đành tử thủ cho đến phút chót với hy vọng mong manh là điều đình, nhưng tất cả đều đã quá muộn.
Sau khi dời thành phố, đám di tản buồn trong đó có gia đình tôi, bắt đầu dắt díu nhau lang thang, qua hết làng nọ đến làng kia, vừa đi vừa bán dần những tài sản mang theo để phục vụ cái dạ dầy. Đến khi những hành trang quí giá cuối cùng đã nằm yên trong bụng rồi mọi người mới nhìn nhau ngao ngán...thở dài.
Gia đình lúc mới tản cư còn có thêm một anh giúp việc, nhưng sau một thời gian dài thất nghiệp anh đã được giải phóng vì đâu còn gì nữa để mà gánh với gồng. Mỗi khi dừng chân ở một nơi nào, đám dân khốn khổ lại tản mát ra ở các làng chung quanh để sống tạm bợ cho qua ngày. Hôm nào có tin Tây về càn quét lại hốt hoảng kéo nhau chạy tiếp, càng ngày càng xa Hà thành hoa lệ.
Đời sống du mục tuy vất vả nhưng riêng tôi cũng có những kỷ niệm vui vui. Trong khi người lớn hễ gập nhau là than thở, bàn bạc về một tương lai tối mò thì lũ con nít vẫn vui chơi, đùa nghịch vô tư vì đâu còn phải cắp sách đến trường nữa. Buổi sáng tôi lục cơm nguội, nếu cạn láng thì chạy ra chợ ăn điểm tâm miễn phí. Chao ôi, thật đủ thứ hấp dẫn ở trên đời: nào là khoai, sắn, trứng vịt luộc, bánh đúc, xôi chè...hầm bà làng. Sau khi đã ăn no bằng mắt rồi, tôi bèn vào nhà lồng chợ để xem các ông lái lợn đánh cờ tướng. Tôi tuy mới 15 nhưng trí nhớ tốt và thuộc rất nhanh những thế cờ bí hiểm để dành phòng khi chiến đấu với những đấu thủ khác. Những hôm trời mưa gió, rét buốt, không trốn đi chơi được, Bố bắt tôi hầu cờ để giải sầu. Có lần bị chiếu bí, Bố lườm tôi thật...dễ sợ, làm tôi nhớ đến những trận roi mây quắn đít khi còn học Bố ở lớp Ba tiểu học trường René Robin ở tỉnh Thái Nguyên, quê hương thơ mộng của tôi ngày xưa.
Hồi đó gia đình tôi tạm trú tại làng Hạ Hội, tỉnh SơnTây ngay dưới chân núi ChùaThầy, một danh lam thắng cảnh của Bắc Hà. Hàng ngày tôi leo núi 2,3 lần mà không biết mệt, chỉ khi nào đói bụng mới bò về nhà. Tôi lần mò đi thăm nào là hang Thánh hoá, chỗ Tiên đánh cờ, đường lên Trời, xuống Âm phủ...đi đến đâu gặp những cây có quả ăn được là tôi xơi ráo để về nhà cho... đỡ cơm. Thú thực, trong thời gian chạy loạn, cái món ăn nhanh và chạy giỏi thì tôi thuộc loại siêu. Tính tôi nhát, có gì nguy hiểm là cắm đầu chạy thục mạng, bất kể phương hướng, đôi khi lạc qua những nhóm khác làm gia đình phải tìm kiếm vất vả.
Thảm kịch Vào một buổi sáng cuối Đông, gió lạnh buốt đến tận xương, bất ngờ du kích báo tin làng đã bị lính Tây vây kín nên không ai chạy kịp. Tất cả đành chịu trận và chỉ còn biết ngồi cầu nguyện. Chị tôi, 20 tuổi, bôi tro than đầy mặt rồi chui vào gầm giường để trốn. Còn lại, Bố,Mẹ, tôi và 2 em nhỏ, mặt xanh như tầu lá, hồi hộp ngồi bất động ở trên giường, những nhà xung quanh cũng đều chung một số phận. Lũ Tây lục soát từng nhà, bắt đi hết những đàn ông, thanh niên, ngoài ra tha hết và không giết ai cả. Bố tôi cũng bị bắt theo đám này và Chị tôi, may mắn đã thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc.

Khi Tây vừa rút khỏi làng là súng cối bắt đầu bắn như mưa trở lại. Đạn nổ tứ phía, nhà cửa tan nát, người chết, người bị thương, vừa khóc vừa chay tán loạn. Gia đình tôi thật thê thảm: Mẹ trúng đạn vào chỗ nghiệt chết ngay không kịp trối, tôi nằm bên cạnh, thoát chết chỉ bị mảnh đạn nhỏ ghim sau lưng. Tội nghiệp đứa em trai nằm phía ngoài, thật đau khổ, mảnh đạn lớn đã cứa gần đứt đầu gối, chẩy máu cho đến chết vì không được ai băng bó. Chị tôi, thân gái một mình, phải lặn lội qua làng bên cạnh để tìm mua áo quan nhưng cuối cùng chỉ mua được một cái duy nhất, đành phải gạt nước mắt chôn hai Mẹ con chung vào một hố, vì không còn sự lựa chọn nào khác. Rồi ba Chị em, thất thểu dắt díu nhau theo đám người lánh nạn, tìm đường lên tỉnh Thái Nguyên, hy vọng được gặp lại bà con thân thuộc năm xưa để nương tựa trong những ngày sắp tới.
Bất hạnh thay, ba năm sau đến lượt Chị tôi qua đời tại tỉnh Bắc giang vì bệnh Chó Dại. Lúc đó Chị mới 23 tuổi, đã có gia đình và đang mang bầu đứa con đầu lòng, không biết là trai hay gái. Như vậy, gia đình tôi gồm sáu người, chỉ trong một thời gian ngắn, bốn năm, đã mất ba người cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Sau 5 năm tham gia kháng chiến trên núi rừng Việt Bắc, trải qua những ngày bụi đời gian khổ, cuối năm 1951, hai anh em tôi mới được gập lại người Bố thân yêu tại Thủ đô Hà nội.

Trở lại chốn xưa Viết đến đây tôi hồi tưởng lại hình ảnh khủng khiếp đã xẩy ra cách đây hơn 1/2 thế kỷ. Em trai tôi, mới 7 tuổi, đầu gối gần gẫy rời, máu me đầm đìa, không nói được một lời chỉ nhìn tôi bằng đôi mắt tuyệt vọng. Mẹ, nằm bên cạnh, bất động với đôi mắt nhắm nghiền. Cả ba chị em nghẹn ngào không ai khóc được một tiếng, có lẽ diễn biến xẩy ra quá nhanh và kinh hoàng nên nước mắt đã tức tưởi không thể chẩy ra. Và cho đến bây giờ, khi viết đến những dòng này, tôi mới có thể khóc và nước mắt đã được chẩy ra thoải mái. Cái chết của Chị tôi vài năm sau đó, tuy không có máu chẩy nhưng lại đau đớn vô cùng vì những cơn điên nổi lên từng hồi do biến chứng của bệnh Dại. Mỗi khi có một chút gió hay trông thấy nước là cơn điên lại nổi dậy, hành hạ Chị suốt cả một tuần lễ và tôi đã phải chứng kiến thảm kịch này từ phút đầu cho đến khi Chị trút hơi thở cuối cùng.Thuốc ngừa bệnh Chó Dại lúc đó chỉ có ở Viện Pasteur Hà Nội mà thôi.
Năm 1999, khi trở về Việt Nam, tôi đã vất vả đi tìm lại những địa danh ngày xưa, nơi gia đình đã phải hứng chịu những đau thương thảm khốc còn in sâu trong tâm khảm. Nhưng nay vì thời gian đã quá lâu nên mọi dấu tích đều được chôn chặt vĩnh viễn dưới lòng đất quê hương.
Hồi ký
Nguyễn ngọc Đường .
