Sau khi người yêu đi lấy chồng, Bố đe doạ cắt tiếp tế từ Hà nội, tôi không còn sự lựa chọn nào nữa, đành phải khăn gói dinh tê về Thủ đô yêu dấu cho khoẻ. Từ khi tốt nghiệp trường Y tá Liên khu rồi được chuyển về công tác tại Ty Y tế tỉnh Thái Nguyên, tôi đã bắt liên lạc được với Bố qua người làng Yên Mẫn tỉnh Bắc ninh. Nhờ vậy, thỉnh thoảng tôi đã nhận được khi thì cái nhẫn vàng khi thì lương thực như cá mắm Húng phơi khô...để bồi dưỡng thêm cho cái lương quá thiếu thốn của Nhà nước. Hồi đó tuy đã 20 tuổi, nhưng chưa bao giờ tôi để ý đến chính chị chính em gì cả, lúc nào cũng chỉ lo phục vụ cái dạ dầy, trốn Tây, né máy bay và vui chơi, văn nghệ với các kiều nữ mà thôi. Đến khi được tin Bố doạ cắt lương thực thì bèn đầu hàng vô điều kiện, không do dự, tìm cách dinh tê ngay về Hà nội vào cuối năm 1951 cùng thời với gia đình nhạc sỹ họ Phạm và cả Thày dạy học tôi nữa.
Thủ đô Hà nội lúc đó khá đông đúc, dân tản cư từ vùng kháng chiến đã rủ nhau kéo về ngày càng đông đảo. Gia đình tôi thuê nhà của ông Võ an Ninh, nhiếp ảnh gia, ở phố Chợ Đuổi gần phố Huế, cách Chợ Hôm không bao xa. Bố tôi bị Tây bắt trong cuộc càn quét năm 1947, hiện nay đã là Thư ký của trường trung học Albert Sarraut. Sau vài năm chờ đợi, được tin Mẹ tôi đã qua đời, Bố bèn tục huyền với một bà còn trẻ, vốn là Cô Đầu ở phố Khâm Thiên Hà nội. Hồi đó ở ngoài Bắc thường có câu thơ diễu:
Cô Đầu, cô Đít, cô Đuôi
Cậu tôi đi vắng ai nuôi cô Đầu
Bà này, tôi gọi bằng Dì, có 1 cô con gái riêng, khoảng 10 tuổi của đời chồng cũ và một mẹ già, tất cả đều sống chung với Bố. Đại gia đình tôi, ngoài Bố, Dì, bà Cụ, còn 6 anh em chúng tôi gồm 3 loại: con Ông (2 anh em tôi), con Bà (cô con gái riêng) và con chung của Ông Bà (2cậu con trai và 1 cô con gái), tất cả 3 giòng con: con Ông, con Bà và con Chúng ta đều sống vui vẻ, đoàn kết mí nhau dưới sự chỉ huy của Bố vì chỉ có ông là người duy nhất làm ra tiền. Sau một thời gian nghỉ ngơi, thăm viếng phố phường Thủ đô và ăn uống ê hề để bồi bổ sức khoẻ cho bõ những ngày cơ cực, tôi được Bố dẫn đi may mấy bộ quần áo thật lịch sự, và sau cùng mua cho tôi một cái đồng hồ thụy sỹ hiệu Cyma ,một cái xe đạp mới toanh để chuẩn bị cho niên học sắp tới.
Tôi sinh năm 1931 nhưng khi vào Hà nội thì thấy tuổi trong khai sinh đã bị sửa thành 1935, lý do: Bố khai tăng lên để được ăn thêm phụ cấp của Tây. Cũng may, nhờ vậy mà việc đi học lại của tôi đã không gặp trở ngại. Năm1945, sau khi VM cướp chính quyển, gia đình tôi di tản từ Thái Nguyên về Hà nội để sinh sống. Năm 1946, tôi đã thi vào trường Nguyễn Trãi và học lớp đệ Thất ở đó cho đến khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Thời gian chiến tranh làm tôi trễ học mất 5 năm, tuy nhiên lòng tôi lúc nào cũng mong muốn được đi học lại. Khi vào Hà nội, Bố thấy tôi đã lớn lại sẵn có nghề Y Tá nên muốn tôi đi làm ngay nhưng tôi không chịu, đòi được đi học và cuối cùng thì tôi đã thành công. Tôi nghi có bàn tay của bà Dì thân mến nhúng vào và bà đã muốn tôi đi làm sớm để đỡ tốn cơm chăng?.Từ chuyện này, tôi đã không có nhiều thiện cảm với Dì dù lúc nào bà cũng chiều chuộng tôi hết sức.
Hà nội lúc đó đang có phong trào học nhẩy nghĩa là học 2 lớp vào một năm. Thời gian học không thay đổi nhưng chương trình 2 năm thu gọn thành một năm, chỉ chú trọng đến những môn chính như Toán, Lý Hoá, Anh, Pháp văn mà thôi và kiểu học này dành cho mấy người lớn tuổi muốn học đốt giai đoạn. Tôi ghi tên vào học cùng một lúc 2 lớp, Đệ Thất và Đệ Lục ở trường Phan chu Trinh, địa điểm gần hồ Thuyền Quang, khung cảnh rất nên thơ. Trường nhỏ, chỉ mới có đến lớp đệ Tứ và đặc biệt Nam,Nữ đều học chung. Tôi đã 20 tuổi, nhưng trên giấy tờ chỉ mới 16, phải học chung với một đám con nít thật vừa vui lại vừa buồn. Thanh niên ở tuổi 20 tương đối đã đủ khôn ngoan, riêng tôi lại còn già dặn hơn một bực vì đã nếm mùi đau khổ với VM những 5 năm ở trong rừng Việt Bắc. May quá, chắc cũng do Thượng Đế sắp đặt, giữa đám con nít, lồ lộ hiện ra hai thiếu nữ chừng 15,16 tuổi, ngoại hình khá đẹp, nhí nhảnh, xinh tươi như mấy con chim se sẻ và như có một hấp lực vô hình, chỉ sau một thời gian ngắn chúng tôi đã làm quen được với nhau ...dễ dàng. Vấn đề học hành của tôi cũng không gặp trở ngại, 2 môn Pháp văn và Quốc văn thì các em làm sao địch lại tôi, chỉ có 3 môn Toán,Lý,Hoá là phải học cẩn thận thôi.
Trường học nào cũng vậy, môn Văn nghệ luôn luôn được mọi người ưa thích, nhất là tuổi học trò thường ham vui hơn là học. Đến đây tôi lại phải thắp nén hương lòng, chân thành cám ơn Thày, đã truyền cho tôi một nghề mà đi đâu cũng có đất dụng võ và riêng đối với phái nữ lại còn được ưu ái hơn. Thế là sau mỗi buổi học, 3 đứa chúng tôi thường ở lại lớp một thời gian để đàn hát mí nhau vui như Tết. Trong hai nàng, tôi để ý đến một nàng tên T, da tuy hơi ngăm ngăm nhưng mà... giòn lại có duyên, mắt to, lanh lẹn và là Phật tử, thường sinh hoạt ở chùa Quán sứ. Không hiểu sao, tôi để ý thấy hai nàng lúc nào cũng đi sát với nhau như bóng với hình, có lẽ để canh chừng nhau chăng? Thỉnh thoảng, tôi lại hân hạnh được hai nàng rủ về nhà chơi để gặp gia đình, đôi khi còn được mời ăn cơm trong bầu không khí ấm cúng thân tình. Lâu dần rồi tôi cũng tìm được cách để tách hai nàng ra và hẹn hò gặp riêng nhau một cách êm thấm. Chỗ gặp nhau thường ở vườn Bách Thảo, gần hàng bánh Tôm, để sau khi tâm sự sẽ được thưởng thức món bánh Tôm nóng hổi một cách thuận lợi.Cũng có khi muốn gặp nhau một cách tuyệt đối bí mật, chỗ hẹn có thể là một nghĩa trang, cách xa thành phố đến hơn 10 km đi về phía chợ Mơ. Chúng tôi di chuyển bằng xe đạp, đi song song, vừa đi vừa nói chuyện thoải mái.
Đến nơi, tìm chỗ dựng xe đàng hoàng xong, chúng tôi đi tìm một cái mả được xây bằng xi măng sạch sẽ, chung quanh bằng phẳng, tránh xa các bụi rậm vì sợ rắn rết nó phục kích để có chỗ ngồi tâm sự. Sau khi đã ấm chỗ thì về phần tôi, hai chân vẫn đặt song song, hai tay để tự nhiên trên hai đầu gối và cái mặt thì tự do nhúc nhích, tương đối dễ chịu hơn hồi tình tự trên bờ ruộng ở làng Hương Câu năm xưa. Đến đây chắc quí bạn lại thắc mắc: Ô hay, từ khi bị người yêu bỏ tưởng đã rút được kinh nghiệm xương máu rồi, hoá ra cũng chẳng thấy tiến bộ gì cả,vẫn...vẫn... nghĩa là Vũ Như Cẫn hà?.Đúng như vậy, tuy hơi buồn, nhưng bản chất con người làm sao thay đổi được!. Sông có cạn, Núi có mòn...bản chất thỏ đế của tôi vưỡn không hề thay đổi. Nàng năm nay đã 74 tuổi, vẫn còn sống mạnh khoẻ ở Sài Gòn đấy. Tôi còn số phone và địa chỉ đây. Quí bạn ơi, muốn thay đổi cái bản chất thì phải..Tu, có khi phải nhiều kiếp mới thành, riêng tôi, thời gian ngắn quá làm sao tu... kịp được.
Bây giờ lại phải nói thật với quí bạn, cuộc đời tình ái của tôi cho đến giờ phút này chỉ như bóng mây, như bọt xà bông cũng vì cái bản chất...dễ thương đó mà thôi. Thật ra lúc hẹn hò với Nàng, đôi khi tôi cũng có ý tưởng đen tối, không được trong sáng là sẽ...sẽ...nhưng đến khi được ngồi gần Nàng rồi thì...than ôi nó lại chuyển thành...yếu xìu và bản cũ lại được tái diễn như thường lệ nghĩa là cốt Khỉ lại hoàn cốt...Tiều, rõ chán mớ đời.
Đời sống học sinh của tôi trong những ngày tháng ở Hà nội thật là tuyệt vời. Bố cho mỗi tháng 100 đồng để tiêu vặt, lúc đó chỉ có 5đ tô phở tái, 3đ tô phở chín. Mỗi lần đi chơi với các nàng, khi phải trả tiền quà, nếu có mặt cả hai thì tôi luôn luôn bị móc bóp...chậm vì họ còn trẻ nên lẹ lắm, lại tranh nhau nữa thì tôi đành chịu thua thôi. Chỉ khi nào có hai đứa thì tôi mới không dám để...nàng trả. Ở trong lớp, tôi thường được mọi người nể, một phần vì học giỏi, nên nhớ chỉ riêng có 2 môn Pháp văn và Quốc văn thôi, phần nữa lại có nghề Văn nghệ nên ai cũng quí mến. Phần đông, các giáo sư trong lớp chỉ hơn tôi vài tuổi, hồi đó có Tú tài1 là dạy Trung học được rồi, tôi được các Thầy nể, vì ăn nói đứng đắn, đàng hoàng có vẻ người lớn.
Thày dạy môn Quốc văn, đã lớn tuổi, tên là Nguyễn uyển Diễm, Thày chú ý đến những bài luận văn của tôi vì nó già dặn, có hơi hướng của vùng kháng chiến, và có lần Thày đã đọc lên cho cả lớp nghe. Thật cảm động và hãnh diện, vì những điều tôi diễn tả trong bài là sự thật, là những kinh nghiệm sống mà chính tôi đã trải qua. Chao ôi, tôi được các em gái con nít nhìn với con mắt đầy vẻ khâm phục và chan chứa tình cảm, trong lòng cũng thấy vui vui. Có lần tôi bị quê với một em gái về môn Pháp văn. Lần đó Thày đọc Dictée cho cả lớp viết, xong rồi,Thày bắt tôi và em gái lên bảng viết lại: em viết toàn hảo, tôi bị một lỗi. Hỏi dò ra mới biết bố em là Tây thuộc địa, mẹ Việt Nam, thế là từ nay tôi chỉ còn có mỗi môn Quốc văn để...hãnh diện.
Thời gian qua thật mau, thấm thoắt đã tới mùa phượng nở. Học sinh sửa soạn nghỉ hè và bình thường là phải có màn Văn nghệ để chia tay. Tôi đang chuẩn bị chương trình để tổ chức một đêm văn nghệ thật tưng bừng vui vẻ với các kiều nữ thì thày dạy Anh văn gọi tôi vào văn phòng để cho biết một tin quan trọng: Tôi được đề cử làm đại diện cho học sinh các trường tư, nội ngoại thành phố Hà nội lên đọc diễn văn tại nhà hát lớn thành phố nhân dịp có cuộc phát phần thưởng cuối năm.
Tin động Trời, thế là thế nào? Hà nội lúc đó đã có nhiều trường tư lớn, dạy tới đệ nhị cấp, tại sao họ chọn trường tôi, và hết người hay sao mà lựa tôi lên để đọc diễn văn?.Tôi là một thanh niên mới ở vùng kháng chiến vào, lý lịch chắc còn mù mờ, lại học đến tận... lớp đệ 7+6, không sợ tôi phát ngôn bậy hay sao, dù bài diễn văn dĩ nhiên phải do các Thày soạn. Cho đến giờ phút này tôi cũng không tìm được lý do, còn Thày Anh văn của tôi thì đã qua đời từ lâu rồi đâu có dịp để hỏi.Thế là buổi văn nghệ của trường bị xếp lại, thay vào đó là trường tổ chức một nhóm học sinh đi quyên sách vở ở các tiệm sách lớn trong thành phố để dùng làm phần thưởng cho các học sinh ưu tú. Nhà trường cho mượn một xe hơi có tài xế để tụi tôi hoàn toàn sử dụng trong thời gian đi quyên sách. Thế là vui như mở hội, hàng ngày, cứ sáng sớm là tụ lại để ăn điểm tâm, rồi cả lũ kéo nhau lên xe đi vòng vòng, lượn qua các phố lớn, chia nhau vào các tiệm sách để nhận những sách bị bán ế do họ thải ra mang về làm phần thưởng cho các học sinh ưu tú. Trưa nghỉ ăn quà rồi lại tiếp tục cho đến chiều tối thì giải tán ai về nhà nấy.Trong suốt thời gian công tác, không có cuộc hẹn hò nào giữa 3 chúng tôi vì gặp nhau cả ngày cũng đã mệt mỏi lắm rồi đâu còn có nhu cầu phải... nhìn nhau nữa.
Ngày phát phần thưởng cho học sinh các trường tư thục được tổ chức trọng thể tại Nhà Hát Lớn Hà nội dưới sự chủ toạ của ông Thị Trưởng và các quan chức trong Bộ Giáo Dục. Hôm đó tôi mặc áo sơ mi trắng, quần tây dài và đi giầy, trông đàng hoàng đầy vẻ tự tin. Nhờ Trời, tôi có giọng đọc rất tốt nên bài diễn văn được phát âm rành mạch và rõ ràng qua các loa phóng thanh, không vấp váp từ đầu đến phút chót. Sau khi các học sinh ưu tú đã lần lượt lên sân khấu nhận phần thưởng, dĩ nhiên có cả tôi, tiếp theo là phần Văn nghệ do các học sinh tự nguyện lên biểu diễn. Phần tôi, điếc không sợ súng, dám đánh solo bản Valse favorite của Mozart bằng đàn Banjo Alto, nhưng cũng được khán giả tán thưởng nhiệt liệt.
Hôm sau, tự nhiên tôi lẩm cẩm suy nghĩ, sao hoàn cảnh của tôi hôm đó hơi giống một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Số Đỏ của nhà văn Vũ trọng Phụng thế. Quí bạn nghĩ sao? Đúng quá chứ còn gì nữa! Nhân vật đó, Xuân Tóc Đỏ, nhờ thời cuộc đưa đẩy đã đọc1 bài diễn văn quan trọng trước các khán giả hâm mộ môn quần vợt ở vườn hoa...?.Còn tôi, một nghệ sỹ nghèo, lang thang kháng chiến, là vô sản chân chính, bỗng nhiên nhẩy lên sân khấu giữa Thủ đô Hà nội, đọc diễn văn trước các quan khách của một xã hội tư sản! Nghĩ cho cùng, chẳng qua cũng do bàn tay của Thượng Đế sắp đặt cả.
Trong dịp Hè, vì muốn tiếp tục học nhẩy nữa, nên tôi luyện thêm môn Toán Lý Hoá và Anh văn lớp đệ Ngũ để chuẩn bị ghi danh vào lớp đệ Tứ cho niên khoá tới. MùaThu năm1952, tôi ghi tên học lớp đệ Tứ trường Minh Tân, có các giáo sư chính như:Quốc văn, thi sỹ Vũ hoàng Chương; Toán, gs Đoàn viết Lưu; Pháp văn, gs Nguyễn khắc Kham...Chương trình thi Trung học Đệ nhất cấp hồi đó rất khó, nhất là Pháp văn, phải làm một bài nghị luận luân lý( Dissertation morale),còn Anh văn thì có một bài dịch. Về Pháp văn, tuy tôi có một chút căn bản nhưng cũng vất vả lắm mới vượt qua được. Tôi phải học thêm môn Pháp văn với gs Bùi hữu Sủng, chuyên luyện về cái môn nghị luận. Tôi đã đậu kỳ thi này năm1953 và rất hãnh diện vì chương trình 4 năm tôi chỉ học có 2 năm.
Sau khi chia tay nhau ở trường Phan chu Trinh, niên khoá 51-52, tôi và hai nàng ít khi hẹn hò để gặp nhau nữa, một phần vì học nhẩy cần nhiều thời giờ để học thêm các môn chính, phần nữa tính tôi hời hợt, ham vui nhưng lại... mau quên nên hậu quả là theo thời gian, cuộc tình tay ba của chúng tôi cũng từ từ...dẹp tiệm.
Thời gian trôi nhanh... năm 1957, tôi đang học trường Cao đẳng sư phạm ở Sài gòn thì bất ngờ gặp lại nàng T trong Đại học xá Minh Mạng, nàng đang là chủ quán bán đồ giải khát cho sinh viên và lúc đó đã có gia đình với vài đứa con nhỏ. Vóc dáng vẫn nhanh nhẹn, hơi tiều tuỵ và điểm vài nét phong trần, nàng có vẻ hờn trách tôi vì đã phải chờ đợi quá lâu mà chẳng thấy... động tĩnh gì nên nàng đành phải...đi lấy chồng, chấm dứt cuộc tình học sinh ngây thơ, lãng mạn.
Vài lời tâm sự Cuộc đời tình cảm của tôi từ thuở ban đầu đến lúc đó nghĩ kỹ ra thật...đáng buồn. Lúc mới 7 tuổi đã thương nhớ vu vơ cô bạn của chị mình, chỉ cần được nắm tay dẫn đi chơi, thỉnh thoảng cho mấy cục kẹo là đã cảm động rồi. Đến khi yêu kiều nữ Y Tá thì lại chỉ ham ăn quà, nói chuyện vẩn vơ, rồi được cầm tay nhau là đã thoả mãn, không chịu đi thêm bước nữa nên nàng cũng chán mà đi kết duyên với ông Quân y sỹ. Gặp cô Thổ xinh đẹp chân voi, đã định yêu nhưng lại sợ Ma Gà nên đành phải rút lui. Vào Hà nội, giao du thân mật với hai em gái nữ sinh tưởng khá hơn nhưng cũng chẳng đi đến đâu vì mắc lo công danh sự nghiệp. Đến đây chắc quí bạn lại thắc mắc: cứ cái điệu này chắc mồ côi vợ suốt đời!
Quí bạn ơi, tôi đâu có đầu hàng dễ vậy, vấn đề tuy nan giải nhưng rồi cũng có cách giải quyết ổn thoả. Cổ nhân nói:" Cùng tắc Biến,Biến tắc Thông." Bản chất của tôi không thể thay đổi được,Tu thì... lâu quá làm sao chờ, vậy thì chỉ có nước" Liều " là thượng sách. Quí bạn còn nhớ trận chiến giữa Do Thái và 13 nước Ả Rập năm 1967 không? Do Thái dùng chiến thuật: đánh nhanh ,đánh mạnh, đánh bất ngờ và thế giới chỉ... trơ mắt ếch ra nhìn vì nhanh quá đâu có cản kịp ! Chính tôi đã áp dụng chiến thuật này từ năm1961 trong kế hoạch " Lấy Vợ " của tôi và Do Thái chỉ là cái lũ đi... cóp lại mà thôi. Tôi sẽ diễn tả tỉ mỉ kịch bản hấp dẫn này để mời quí bạn thưởng thức trong bài Hồi ký chót, tức là bài thứ mười sắp tới.
Hồi ký
Nguyễn ngọc Đường
