
Bà Phạm Duy Nhượng
Khuê danh: Hoàng thị Sâm Hôm nay để thay đổi đề tài, tôi mến tặng Quí Thầy Cô và các em một câu chuyện thú vị là sự trùng hợp về vài phương diện giữa hai Thầy Trò chúng tôi mà nay mới phát hiện được nhờ tập Hồi ký của nhạc sỹ P.Duy. Trong bàì hồi ký "Những ngày thơ ấu", tôi đã giới thiệu nhạc sỹ Phạm duy Nhượng, vừa là Thầy dạy học, vừa là người đã truyền thụ cho tôi những nốt nhạc đầu tiên để làm vốn văn nghệ trong suốt thời kỳ kháng chiến, và những ngày tháng sau này. Thầy vốn là em của Thạc sỹ Văn phạm Phạm duy Khiêm, là anh của nhạc sỹ Phạm Duy, ngoài ra còn có người chị tên Trinh và tất cả đều là con cụ Phạm duy Tốn, vừa là nhà văn, vừa là nhà cải cách xã hội trong thời kỳ Pháp thuộc. Cụ chính là tác giả của tập truyện Tiếu lâm VN và truyện ngắn " Sống chết mặc bay", cốt truyện vừa tếu vừa cay đắng, có thể cũng do Cụ sáng tác ?
Theo lời kể của P.Duy, Thầy tốt nghiệp trường Bưởi, sau đó theo học trường Sư phạm tại Hà nội và được bổ đi dạy học ở tỉnh Hưng Yên. Thầy đã làm việc và sống ở đây với Mẹ và Chị trong một thời gian vài năm cho đến khi Thày được thuyên chuyển lên dạy lớp Nhất tại tỉnh Thái Nguyên, tức là quê quán của tôi. Thầy sinh năm 1919, hơn tôi đúng một con giáp, cầm tinh con Mùi, y trang như đệ tử và sau này vì muốn giống Thầy, tôi cũng theo học ngành Sư phạm và dĩ nhiên cũng là... Thầy luôn. Thế là, bước đầu Thầy Trò tôi đã giống nhau ở hai điểm quan trọng là cầm tinh con Mùi và cùng làm nghề bán cháo phổi. Tôi không rõ Thầy có dạy trường con gái hay không, chi tiết này không thấy P.Duy đề cập đến trong Hồi ký. Tuy nhiên, P.Duy tiết lộ một bí mật khá hấp dẫn là Thầy, giống hệt tôi, sau một thời gian âm thầm nghiên cứu đã can đảm làm đám cưới với cô học trò xinh xinh của mình một cách đàng hoàng và giữa... thanh thiên bạch nhật! Cô có khuê danh là Hoàng thị Sâm, theo hồi ký, là con gái của một gia đình tiểu tư sản, bố mẹ có cửa hàng bán tạp hóa tại thị xã Hưng Yên. Cô nổi tiếng là xinh đẹp và là hoa khôi của tỉnh. Có một thời gian, khoảng 2 năm, vì thất nghiệp nên P.Duy đã về sống với đại gia đình, lúc đó Thầy còn độc thân, và P.Duy thú thật cũng có lúc mơ tưởng đến người đẹp và muốn cua cô gái bán hàng này lắm. Hoá ra lúc đó cả hai anh em đều cùng yêu Cô tôi và không hề cho nhau biết nghĩa là trong vòng bí mật. Nhưng sau này thấy hoa đã có chủ, biết anh mình chấm trước rồi , P.Duy bèn ngậm ngùi rút lui theo đúng phép lịch sự. Hơn nữa, có thể P.Duy cũng ngán roi mây của ông anh vì quyền huynh thế phụ mà! Bây giờ để bài viết thêm phần phong phú, tôi mạn phép được Mao Tôn Cương một tí về cuộc hôn nhân thơ mộng của Thầy tôi nhé.
Thầy lập gia đình vào khoảng năm 1940 hay 1941? nghĩa là hồi còn cổ lỗ sỹ, và nam nữ vưỡn thụ thụ bất thân. Cụ Khổng Tử lúc đó đang ngự trị độc quyền trên quê hương ta chỉ trừ có Nam kỳ quốc là còn hơi lỏng lẻo mà thôi. Tôi thét mét là trong bối cảnh khó khăn như thế, làm sao Thầy có thể giao du thân mật được với Cô để đi đến cuộc hôn nhân thơ mộng đó được. Hồi ký không cho biết lúc đám cưới Cô bao nhiêu tuổi, tôi phỏng đoán có lẽ Cô còn bé lắm, chắc chỉ chung quanh 17 cái xuân sanh và diễn tiến có thể như thế này. Hưng Yên cũng như Thái Nguyên là những tỉnh nhỏ, thời đó chưa có bậc Trung học, các em chỉ học đến lớp Nhất là hết mức. Sau đó muốn lên Trung học thì phải đi tỉnh lớn, nhà giầu thì có thể được, nhưng nhà nghèo đành nghỉ học ở nhà làm bếp, bế em và chờ lên xe hoa là...chấm dứt đời con gái. Vấn đề được đặt ra, nếu Cô chỉ mới tốt nghiệp lớp Nhất mà đã lấy chồng ngay thì e Thầy bị phạm luật vì Cô còn bé quá, chỉ độ 13 là cùng thôi hà! Vậy Cô có khả năng rơi vào kịch bản thứ hai tức là học xong lớp Nhất, gia đình đã mướn Thầy làm gia sư để Cô được học bậc trung học tại nhà cho tiện việc...ss. Cũng nên nói thêm, lúc đó Thầy đã có bằng Tú tài Tây dư sức để dạy Cô. Nhờ được gần gũi thân mật với nhau hàng ngày nên hai người đã yêu nhau một cách thoải mái vì lửa gần rơm mà, phải không quí vị? Ái chà, kịch bản này giống y trang trường hợp của Thi sỹ Hữu Loan, hồi đó cũng đã kết hôn với cô học trò nhỏ bé của mình một cách vô tư, đúng là tư tưởng nhớn gặp nhau! Sự thật, tuy gia đình khá giả, nhưng bố mẹ không dám cho Cô đi học xa, vì là hoa khôi của tỉnh nên ra ngoài dễ gặp mấy anh...phải gió lắm. Nếu quả như thế thì Thầy ở thế thượng phong, P.Duy làm sao cạnh tranh nổi nên phải bỏ cuộc là đúng dzồi.
Bây giờ đến vấn đề kế tiếp, tại sao Thầy lại khăn gói lên tận Thái Nguyên, một tỉnh khỉ ho cò gáy, giáp giới Trung quốc để hành nghề? Chắc là phải có lý do chính đáng chứ? Theo Hồi ký thì Thầy được Sở Học vụ ưu ái thuyên chuyển đi mà không nói rõ lý do tại sao? Viết đến đây tôi chợt nghĩ đến đệ tử của Thầy, 20 năm sau, hoàn cảnh cũng đại khái như vậy nhưng trường hợp chót này thì Thầy Trò tôi lại diễn chung một kịch bản "Trốn" tuyệt cú mèo. Số là cái búa của Cụ Khổng lúc đó còn ác liệt lắm nên Sở Học vụ, giống như Bộ Giáo dục, có lẽ đã giúp Thầy đi trốn...hợp pháp bằng cái lệnh thuyên chuyển ? Còn tôi thì năm 1962, sau khi cưới vợ cũng được trường BB Thủ đức cho một lối thoát hiên ngang là đi phục vụ Tổ quốc! Thế là Thầy Trò tôi lại thêm một điểm giống nhau: cưới vợ xong đều cùng được trốn khỏi quê vợ một cách hợp pháp, khỏi sợ đám thanh niên trong tỉnh cho xơi đòn hội chợ!
Năm 1943, tôi hân hạnh được học lớp Nhất do Thầy hướng dẫn. Tôi không biết đích xác gia đình Thầy dọn lên Thái Nguyên từ năm nào, có thể là năm1942 ? và sau khi đã lập gia đình với Cô ở Hưng Yên ? Đến đây lại có một nghi vấn được đặt ra. Theo hồi ký, Cô đẻ cho Thầy những 2 đứa con trai, sau đó qua đời vì bệnh thương hàn, nhưng không nói rõ năm nào và ở đâu cả ? Hồi đó lũ học trò lớp Nhất thường lại nhà Thầy chơi vào những ngày nghỉ để tập đàn, đánh cờ và ngắm Cô giáo vì Cô vừa đẹp vừa dễ thương, và hay làm bánh cho chúng tôi xơi lắm. Tôi thấy Cô còn nhỏ xíu, săn sóc một baby cũng nhỏ xíu chừng 5,7 tháng mà thôi ! Vậy thì đây là Cô nào? Nếu Cô học trò đầu tiên đã bạc mệnh ở Hưng Yên thì đây là Cô thứ nhì hay sao? Sao Thầy tôi giỏi quá dzậy? Hơn nữa P.Duy là em ruột của Thầy đâu có viết loạng quạng được. Vậy thì đâu là sự thực? Và sau đó một thời gian Thầy lại kết duyên một lần nữa với bạn của Chị Vân tôi, tên là Nguyệt, Y Tá tại bệnh viện tỉnh và đây cũng là người vợ cuối cùng của Thầy.
Và bây giờ tôi mạn phép được gỡ rối những thắc mắc nếu có ở đoạn trên một cách dản dị như sau. Thầy tôi không thể có ba đời vợ được vì Thầy hiền lắm. Cô ở Thái Nguyên chính là người vợ đầu tiên của Thầy vì Cô xinh đẹp và còn rất trẻ. Tháng 8/45, sau khi Việt Minh cướp chính quyền, gia đình tôi di tản về Hà nội thì Thầy Cô vẫn lang thang ở Thái Nguyên. Trong thời gian này, Thầy Cô hoạt động và sinh sống ra sao, tôi cũng hổng biết vì còn mắc đi học ở Hà nội. Sau khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ tháng12/46, tôi gặp lại Thầy ở Thái Nguyên và được biết Cô đã qua đời về bệnh thương hàn và từ đây trở về sau mọi chyện đều được diễn tiến y như trong các bài Hồi ký mà tôi đã trình làng.
Thầy tôi tài hoa nhưng bạc mệnh, còn tôi dở ẹc thì lại sống dai. Thầy mất năm 1967 ở Sài gòn, hưởng dương 48 tuổi. Thời kháng chiến Thầy nghiện thuốc lào nên đã sáng tác bản nhạc " Say thuốc lào". Vào Sài gòn, mỗi ngày Thầy đốt 3 bao thuốc lá, hậu quả là Thầy đã ra đi vì bệnh phổi. Tác phẩm của Thầy để lại rất khiêm tốn, nhưng theo P.Duy rất có giá trị.
1- Nhạc đường xa Một hành khúc vui tươi.
2- Chiều đô thị Sáng tác lúc đứng trước cảnh "tiêu thổ kháng chiến" của tỉnh Thái Nguyên
3- Tà áo Văn Quân Có lẽ bài này sáng tác lúc sắp dinh tê ?
4- Say thuốc lào Bài này chỉ có một số đệ tử được biết
5- Ba bà mẹ chồng Ban AVT đã trình bầy
6- Ai lên xe buýt Nhạc Hài hước
7- Sơn tinh Thuỷ tinh Kịch Hài hước
Các tác phẩm của Thầy đều tuyệt tích giang hồ từ lâu, chỉ trừ bài Tà áo Văn Quân thỉnh thoảng còn có vài ca sỹ hát. Tôi là đệ tử chân truyền của Thầy và trên cõi đời này chỉ còn sót lại một người nữa, bạn thân của tôi, hiện đang sống ở Hà nội. Nếu có duyên, và có dịp thuận tiện, tôi sẽ lần lượt mời quí vị thưởng thức 3 bài hát để đời của Thầy là Chiều đô thị, Say thuốc lào và Nhạc đường xa. Riêng bài Tà áo Văn Quân thì tôi không dám hát, sợ hát hay quá làm các ca sỹ khác mất job thì tội nghiệp cho họ, mong quí vị thông cảm.
Chú thích : Thân tặng quí vị hình của Cô tôi lúc mới lập gia đình. Hình này tôi lấy ở trên net do nhạc sỹ Phạm Duy cung cấp.
Nguyễn ngọc Đường