LÁ THƯ PHƯƠNG XA
Ngày..tháng..năm..
Anh H. kính mến,
Đã lâu lắm chừng mấy chục năm anh em mình mất liên lạc nhau, nhỏ nhớ và trông tin anh rất nhiều.
Hôm nay, được tin anh biết anh vẫn còn sống nhỏ mừng lắm,nên vội vã viết thư thăm anh. Anh H. có khỏe không? Dạo này ra sao cuộc sống thế nào? Ở đó có vui không? Đời sống ổn định chứ? Ôi! Nhỏ hỏi nhiều quá chắc anh không trả lời kịp phải không? Nhỏ vẫn như ngày nào, cứ hỏi và hỏi không đợi ai trả lời hết. Lần gặp chị Cúc vào năm 1979 biết anh "mất tích " nhỏ rất buồn,lo nữa, không biết anh có bình yên hay không, nhỏ và chị Cúc có đi tìm chỉ vỏn vẹn với cái tên N .V.H. ở quận Củ Chi làm sao tìm được trong khi" thế giới" quá bao la,thì cũng đành vì quá mỏng manh còn hơn tơ trời nữa! Rồi ngày tháng trôi qua, nhỏ vẫn nhớ đến anh,lâu lâu mang những cánh thư cũ ra đọc,lấy hình ra xem và cầu nguyện cho anh được bình an. Còn như anh không còn trên cõi đời này,thì mong được yên vui cõi vĩnh hằng không còn thấy cảnh khổ đau của trần thế!
Anh H. kính, biết được tin anh nhỏ mừng cở nào không? Gặp ai nhỏ cũng khoe, nhỏ vui lắm vì hễ anh còn sống thì anh em mình có ngày gặp nhau. Được biết anh đang sống ở một nơi thật xa, vắng vẻ, ít người qua lại, thoạt nghe nhỏ cảm thấy buồn,nhưng nghĩ lại vậy là tốt, xa lánh chốn phồn hoa bụi bậm, tìm cuộc sống ẩn dật mà hạnh phúc đó anh.Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói :
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn tìm đến chốn lao xao.
Rồi :
Thu ăn măng trúc,đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen,hạ tắm ao...
quá là nhàn. Nhỏ nể anh lắm bởi vì anh: " Nhìn xem phú quý tợ chiêm bao! ". Xa anh, không ai dạy nhỏ ứng xử với đời, nên bao lần nhỏ vấp ngã,nhỏ đứng dậy và giờ đây nhỏ đã đứng! Nhỏ cố vui sống vì anh bảo "đời người quá ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn 25 năm " đó sao, nhỏ đâu có quên nó đã trở thành một qui tắc, một định luật,một công thức trong đời sống của nhỏ.
Nói nhiều quá chưa cho anh biết tí ti gì về nhỏ cả,à quên nữa quyển sách " Quẳng gánh lo đi mà vui sống " và " Những bước thăng trầm " của anh cho nhỏ ngày nào nhỏ vẫn giữ kỹ, dù theo năm tháng nó có vàng phai nhưng vẫn còn nguyên và sạch sẽ.Nhỏ đã là cô giáo lăn lốc nhiều nơi xa nhà,đã từng lãnh 13 ký gạo và bột mì mỗi tháng,không có tiền phải xin ba mẹ,đã từng ở tập thể để đêm về tủi thân mà khóc nhớ cha nhớ mẹ,lặn lội cực khổ ở nơi "khỉ ho cò gáy,đồng khô nước mặn! " Nhưng nhỏ cũng cố vui vì bên cạnh có lũ bạn đồng cảnh ngộ, rảnh thì làm thơ,chép nhạc ca hát nghêu ngao cho qua ngày tháng.Nhỏ vẫn còn thua các anh chị, các bạn khác ra đi tìm tự do mà ở lại để chịu sự bực mình bởi vì nhỏ quá hèn nhát,thật không xứng đáng là em gái của anh.
Anh kính mến, nhỏ đã di dạy qua bao nhiêu trường nên nhỏ có nhiều ban, bạn nào cũng thương và tốt với nhỏ.Nghỉ hè nhỏ buồn quá định rủ tụi bạn đi tìm anh dù không hy vọng, cuối cùng nhỏ đã không đi vì " người đi biết về phương nào !...",biết anh có còn nhớ đến nhỏ không? Biết ra sao vì lâu quá, anh đừng trách nhỏ nhé.Bây giờ nhỏ kể anh nghe những vui buồn của nhỏ, hồi dạy ở Cần Giuộc nhỏ bị bốc đi dạy " bổ túc văn hóa " cho cán bộ xã, nhỏ khóai lắm vì đây là cơ hội để nhỏ " hành hạ " cho bỏ ghét. Họ cho nhỏ dạy lớp năm,buồn cười cô giáo văn mà bảo dạy lớp năm cũng khó cho nhỏ, chỉ dạy hai môn toán và văn thôi, nhưng không sao nhỏ chịu khó soạn bài coi bài thật kỹ trước khi tới lớp. Ôi ! cán bộ xã người nào cũng dở hết anh ạ, ông bí thư xã viết văn thì sai lỗi chính tả quá chừng,học bài tả người nhỏ đã tinh nghịch cho họ tả " thầy cô giáo" mà họ thích. Khi nhỏ chấm bài bọn nhỏ cười quá chừng,họ tả mà tưởng chừng như tả Kiều Nguyệt Nga không bằng,ấy vậy mà nhỏ không chấm điểm vì sai lỗi chính tả nhiều quá. Họ cũng thích điểm nữa cứ hỏi :
- Sao cô không cho điểm tụi em vậy ?
Nhỏ mắc cười quá cũng giã bộ làm mặt nghiêm :
- Các bác, các chú,các anh,các chị viết còn sai nhiều quá nên không thể cho điểm được. Kỳ tới tôi sẽ dạy ( nhỏ cố tình nhấn mạnh chữ dạy ) căn bản về lỗi chính tả và dấu thanh.
- Biết rồi cô giáo,nhưng ít nhiều phải cho điểm tụi em mừng.
Nhỏ cười thầm và nói lẩm bẩm: - muốn thì cô sẽ cho từ điểm 1 trở lên .
Từ đó nhỏ làm một thang điểm hẳn hoi và chấm " thẳng cánh đại bàng " luôn,người nào khá lắm chỉ được điểm 5 mà thôi. Tối đến tụi nhỏ kể nhau nghe và cười ầm lên cũng tạm quên buồn xa nhà anh ạ. Nhưng học sinh thì dễ thương cứ rủ cô giáo đi câu cua,câu cá kèo hay đi bắt còng về chiên bột,còng ở đây thật mềm lăn bột chiên ăn ngon lắm, tụi nhỏ cũng biết ăn đọt chùm ruột,lá xoài non, lá điều non, ngon lắm. Nhỏ còn biết những đêm tối trời thì cua nhiều thịt không bị xốp, còn đến ngày mùng tám và hai mươi bốn của tháng thì cua lột cũng lăn bột chiên thì tuyệt cú mèo!
Một lần bị "đày" đi vào Đình Thiết để dạy học sinh mù chữ vì ở đó dân nghèo quá, con họ không được đi học,anh biết không trời mưa đường đê trơn trợt nhỏ đã té bò càng xuống ruộng ướt quần áo hết trơn,lạnh run phải ghé vào nhà dân đốt lửa sưởi ấm,thật nhớ đời! Nhỏ định " đào ngủ " nhưng ba cứ nhắc chừng,thương ba mẹ nên nhỏ cứ làm "cô giáo " hoài.Người dân ở vùng nầy nghèo và đa số mù chữ, chiều chiều các dì,các bác,hay đến trường nhờ cô giáo đọc thư con của họ bị đi "nghĩa vụ quân sự ", nhỏ thấy tội nghiệp quá dù sao họ cũng là những người dân quê mùa, chất phác, lam lũ ruộng nương,cực khổ cả đời.Bởi vậy khi họ ghi tên đi học là nhỏ tình nguyện dạy ngay, nhìn những gương mặt rạng rỡ nhỏ thấy thương quá, dù già phải mang kính lão vẫn muốn được biết chữ,chỉ giản đơn là để đọc thư con .
- o tròn như quả trứng gà,
ô thời đội nón ơ đà có râu.
i tờ hai chữ giống nhau,
i ngắn có chấm, tờ dài có ngang...
Đó là những câu vần để họ dễ nhớ,nhưng khó khăn lắm họ mới thuộc, nhỏ phải cho đọc đồng thanh hoài,thấy thương lắm anh ạ. Họ bắt nhỏ phải dùng thước gõ nhip cho họ đọc giống như học trò nhỏ, sau tiếng gõ họ ê a đọc theo, tay thì cứng mà cứ nắn nót từng chữ,xong một chữ kêu cô giáo xem cho bằng được.Sau mấy tháng cũng có người ghép được vần và viết thành câu,có người còn viết thư cho con nữa ...bọn nhỏ thấy vui vui.Bây giờ kể gì nữa nhỉ?
Anh biết không, vài năm sau tụi bạn lần lượt đi vượt biên,đứa còn đứa mất, nhỏ nôn quá muốn đi theo,nhưng mẹ đã lặn lội xuống tận nơi để xin cho nhỏ được thuyên chuyển về quê nhà.Nhỏ có nhỏ bạn tên Oanh nó thương nhỏ lắm rủ nhỏ cùng đi với nó,nhỏ đã " khăn gói chỉnh tề " hai đứa cứ " rù rì " mẹ biết được cứ theo" canh " hoài, thế là mộng vượt biên không thành,nhỏ khóc (nước mắt cá sấu )!
Thế rồi :
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi!...*
nhỏ lập gia đình ở tuổi " đón giao thừa ",cái tuổi mà ở quê người ta cho là "lỡ thời " là " ế ẩm ",Mặc ! nhỏ còn muốn sống độc thân hoài. Nhưng ý trời !!!
Rồi giờ đây nhỏ định cư ở nước Mỹ, một xứ sở văn minh nhất thế giới nhưng thật là xa lạ, và quá lạnh lùng băng giá,mình còn nhỏ hơn hạt cát ở sa mạc nên nhỏ cũng sống lầm lũi, lầm lũi.Trời ! Một con bé thích vui nhộn,ồn ào mà giờ đây phải lặng lẻ âm thầm, buồn, buồn tàn thu! Nhỏ cũng đi làm,sáng sớm chui vào hảng về nhà làm lặt vặt rồi chạy đi học Anh văn, ở xứ người mà ngôn ngữ bất đồng thì quá là khổ sở,nhỏ chưa bao giờ thấy được ánh mặt trời .Có chị bạn thường nói đùa: " chúng mình ra đi khi gà chưa gọi sáng, khi về thì phố đã lên đèn!". Còn thì giờ đâu mà nghĩ ngợi, ngày này, tháng nọ năm kia, nhỏ thấy thương bản thân mình,thương người Việt Nam tha hương, rồi thương dân mình. Dù sao ở đây nhỏ còn hạnh phúc hơn những người còn ở lại quê nhà phải chịu nhọc nhằn tăm tối.
Anh ạ,đặc biệt ở đây có bốn mùa rõ rệt,mỗi mùa đều có cái đẹp riêng, mùa nào cũng đep! Khỏi phải nói anh cũng biết nhỏ rất thích tha hồ cho " cô bé " làm thơ, anh đã từng bảo nhỏ là "người em sầu mộng " đó sao, nhưng nhỏ không phải Mai Đình của Hàn Mặc Tử đâu. Mùa nào cũng " hấp dẫn ",nhỏ thích nhất mùa Thu, đẹp làm sao khi lá đổi màu thật lạ kỳ từ xanh chuyển sang vàng, rồi đỏ, rồi xam xám ...không sao mà tả được.Nhỏ đã lặng đứng hằng giờ để nhìn lá rụng,nhỏ biết thế nào anh cũng bảo tại gió nhiều lá chịu không nổi nên rơi chớ có gì đâu phải không ? Vì lúc nào anh cũng thích chọc nhỏ để được nghe sự phản đối của nhỏ, nhưng nhìn lá rơi thật đẹp nhỏ nhìn theo từng chiếc lá xem chúng về đâu,và sau đó chúng sẽ ra sao?Thích nhất là đi trên lá âm thanh xạc xào nhỏ lê từng bước, từng bước, nhẹ nhàng,nhẹ nhàng,thảo nào các thi sĩ,văn sĩ, nhạc sĩ,họ tả mùa Thu với muôn ngàn hình ảnh thật quyến rủ, tuyệt vời. Hiện giờ đang mùa thu trời hơi se lạnh,cây bắt đầu đổi màu và lá sắp rơi rơi, nhỏ thì dở không biết diễn đạt thôi thì khi anh em mình gặp nhau nhỏ sẽ kể tiếp.


Một điều thật quan trọng mà nhỏ lại quên, dù ở xứ người nhưng nhỏ vẫn liên lạc được thầy cô và các bạn của trường Trung học.Khỏi nói anh cũng biết nhỏ vui cở nào,có mấy bạn chung lớp với nhỏ ở rải rác các tiểu bang,anh có nhớ nhỏ bảo lớp nhỏ chỉ có bảy húi cua không ?Nhỏ liên lạc được một húi cua và sắp được một húi cua nữa vui ghê anh ạ! Còn bạn Lan mà nhỏ hứa giới thiệu cho anh đó,bây giờ thành " góa phụ cô đơn " chồng Lan đã chết trong tù, tội nó lắm! Nhỏ giờ vui vì biết được tin anh và liên lạc các bạn học cũ, hàng ngày kể nhau nghe những vui buồn,những nhọc nhằn, hay phiền muộn cũng tan biến.
Anh H. kính mến, rất nhiều điều muốn nói với anh nữa nhưng sợ anh sẽ bảo con nhỏ này già rồi vẫn như hồi xưa cứ vòng vo dài và dài.Anh có nhớ trong " Ngư ông và biển cả" Hemingway đã nói; " người già mong cho ngày dài ra,đêm ngắn lại ..." nhỏ giờ mới thấy thấm thía. Nhỏ tạm ngưng nơi đây hẹn sẽ kể anh nghe ở những thư sau nhé. Cầu chúc anh luôn khỏe mạnh,sống vui và bình an, cho em kính thăm chị và hai cháu.
Kính thư,
Em gái của anh
Hạ