ngo_thi_van
|
Ngố wrote on 28. Oct 2012 , 18:48:NHỚ VỀ KỶ NIỆM Ai ai trên đời cũng có kỷ niệm, không nhiều thì ít. Kỷ niệm vui, kỷ niệm buồn, kỷ niệm thương đau, kỷ niệm ....và kỷ niệm. Có nhớ về kỷ niệm mới thấy được thời gian qua nhanh thật vô tình và không chờ, không đợi ai. Thời giờ thấm thoát thoi đưa, Nó đi, đi mãi không chờ đợi ai! Tôi thường hay nhớ thương về những kỷ niệm của mình, kỷ niệm nào cũng đáng ghi nhớ. Mỗi khi buồn mang quyển nhật ký ra đọc, như thấy mình sống lại thời xa xưa, vui nhộn bên bạn bè, và đã bao lần ước muốn trở lại được thời gian cũ. Tuổi đời ngày thêm chất chồng, nhưng vẫn luôn nhớ về quá khứ với những hình bóng bạn bè, tôi mong sao được gặp dù chỉ trong mơ. Hãy luôn nhớ về những kỷ niệm dù thời gian trôi qua, dù nhọc nhằn, vất vả, đừng: Ví như cái muỗng múc canh, Muôn đời không biết vị lành, ngọt ngon. Hai câu ca dao này tôi học được từ má tôi, cũng là câu hát ru tôi ngủ thời thơ ấu , vậy thì mình hãy Ví như cái lưỡi nếm canh, Để mà được biết vị lành, ngọt ngon. Má mà nghe được chắc phải mĩm cười thôi. Kỷ niệm mà tôi nhớ nhiều là lúc tôi dạy nơi Cần Giuộc, cũng là nơi đầu tiên tôi bước vào đời. Vui làm sao, vùng xa xôi hẻo lánh, chúng tôi đứa nào cũng trẻ, lại sống xa nhà nên rất gần gũi thương yêu nhau, không bao giờ ngớt tiếng cười dù có vất vả trong đời sống, thiếu thốn mọi mặt, vì là vùng nước mặn nên nước ngọt thật là quí, nhưng vẫn có nước tắm nhé không " ở dơ " đâu. Chúng tôi ở tập thể nên xem như anh chị em một nhà, ai lớn làm anh chị, nhỏ thì làm em, chia nhau nấu ăn" em" nào cũng được "phân công" không phân nam nữ. Khi mà tới phiên mấy anh nam nấu cơm, eo ơi bữa sống bữa chín, canh thì nêm mặn chát mặn còn hơn nước sông Cần Giuộc, bởi vậy cánh nữ chúng tôi đành phải ra thân nấu nướng. Sau này mới biết là tại mấy anh cố tình như vậy để khỏi phải chui vào bếp, có tức thì cũng xong mọi chuyện. Có một một bạn nam tên là Thuận, tên này nhỏ nhất trong đám nên được kêu là Út, trời ơi! Gạo chỉ mười ba ký lô cho mỗi người mà nó ăn kinh khủng, cứ xoa bụng than đói hoài, cho nên tụi tôi đặt cho nó cái tên là Đoàn Măn Ê mà nó mê ăn thiệt. Ban ngày dạy lớp cho học sinh nhỏ, tối lại phải đi dạy lớp bổ túc văn hóa cho mấy người lớn tuổi, dạy xong về đến nhà tập thể cũng hơn mười giờ tối. Nói tiếng nhà tập thể cho lịch sự, thật ra chúng tôi ngăn phân nữa văn phòng bằng tấm " ri đô " bên trong kê mấy chục cái bàn học sinh mà làm giường, đó là cánh nữ, cánh nam thì thê thảm hơn. Đoàn Măn Ê sau khi dạy lớp buổi tối về thường hay bảo: - Mấy bác ơi, còn cơm nguội không? Em đói bụng quá! - Tiêu chuẩn không nhiều mà đói bụng hoài vậy mậy? Thầy Hai Hiệu trưởng hay la như vậy. Rồi nó chạy lục nồi ăn cơm nguội ngon lành, chúng tôi thấy nó ăn cơm nguội với nước lả mà đứa nào cũng ứa nước mắt, may mà còn cơm cho nó ăn, có hôm bị Sạch Sành Sanh( tên của thầy Sanh ) ăn hết nó đành đói meo mà đi ngủ.Chúng tôi mỗi tháng về thăm nhà một lần, và luôn luôn được nghỉ ngày thứ hai, vì đứa nào cũng ở xa, đây là những bữa ăn hơn yến tiệc của vua khi có đứa về thăm nhà trở lại trường, đủ thứ thức ăn cả bánh kẹo nữa tha hồ ăn, nhưng chỉ phù du một tuần rồi sau đó toàn là nước tương rau luộc! Một hôm, cô giáo Kim Âu( cô này đang dạy lớp một), cô dạy học sinh ghép vần gì không biết mà cô cứ cho học sinh đọc đồng thanh hoài hai câu thơ: Ta đi, ta nhớ quê nhà, Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương! Đoàn Măn Ê của tôi bực mình vì đang nằm ngủ trưa, cứ nghe văng vẳng hai câu thơ đó, Măn Ê bực bội la lên: - Nhớ cái con khỉ khô! Rau muống có gì mà nhớ, cà dầm tương ai thèm ăn. Chúng tôi cười ầm lên, anh ta quay lại hỏi: - Có cơm chưa các bác? Đói rồi. - Mới hai giờ mà đói gì, để năm giờ mới được đói. Này lại đây lặt rau muống nè. - Gì? Rau muống nữa hả? Trời, ngán quá! - Hôm nay không luộc mà là canh đại dương. - Có tí gì trong canh không? - Có. Tí chanh và tí muối. - Em hỏng ăn. - Tối nay cấm không được lục nồi. - Chiều nay em sẽ đi câu cá kèo. - Ừ tốt, nhưng ai làm cá? Nhắc đến cá kèo, thì chỗ chúng tôi ở nhiều vô số, câu rất dễ không cần lưỡi cũng không cần mồi, mình chỉ thắt cái vòng thả xuống chờ con cá chui vào là giựt nó lên. Nói thì nói vậy chứ tụi tôi có câu được đâu, học trò câu giúp và cũng làm giúp, mấy lúc có cá kèo, cua biển, hoặc còng là bữa ăn" thịnh nộ" (thịnh soạn) lắm. Con còng mà lăn bột chiên ăn với rau sống nước mắm chanh là tuyệt cú mèo, cám ơn Cần Giuộc, cám ơn xứ sở " khỉ ho cò gáy" này, nhờ lăn lóc ở đây tôi đã biết nếm hương vị quê hương như mắm còng cà dĩa, biết ăn cá kèo kho tiêu với rau răm, biết ăn còng chiên bột, biết ăn canh chua cua...chúng tôi như lớn khôn thêm. Cạnh trường chúng tôi có trường Phước Lại, trường này cũng toàn nhân tài "nằm trong lá ủ " , những nhân vật cừ khôi giởn không thua trường chúng tôi, nên chúng tôi thường la cà ghé chơi để cười ké cho rộ mé. Mỗi khi từ chợ Cần Giuộc về trường là phải ngang qua trường này, những lúc bị học chính trị hè trường chúng tôi khoái ngồi gần trường Phước Lại lắm, để là cười hùn, cười ké. Trường này có chị Sang, chị Truyền,chị Bích Lan...đây là những nhân vật gây cười số một, chị Truyền và chị Sang thân nhau lắm đi đâu cũng có đôi, khi nào vắng một trong hai người thế là tụi tôi cùng hát theo một điệu cải lương: " Sang đã sang sông sâu Truyền đâu, Truyền đâu mà Sang khôngthấy? ứứứ..." Để rồi được dịp cười ầm ĩ. Sống xa nhà chỉ tìm vui qua tiếng cười cho quên bao ngày tháng nhọc nhằn. Có lần sau chuyến về quê trở lại trường, tôi khệ nệ" tay xách nách mang ", từ Thị trấn về trường phải qua đò ngangTân Thanh(không phải đò dọc) mới có xe lam về trường lại đi ngang qua trường Phước Lại , chờ xe lâu đôi khi tôi ước phải mình dạy trường này chỉ qua đò là tới, sướng quá. Mãi mê suy nghĩ, bỗng có một giọng là lạ hỏi: - Cô bé về đâu mà xách đùm đề vậy? Tôi quay lại thấy người này lạ nên hỏng muốn trả lời hơn nữa chờ xe lâu quá nên cũng bực, tuy nhiên cũng lí nhí đáp: - Tôi về Phước Vĩnh Tây. - Có thể cho tôi xách phụ được không? Tôi cũng về Phước Vĩnh Tây nè. - Tui chờ xe chứ đâu có đi bộ mà anh xách phụ. - Vậy tôi cũng chờ xe luôn. Tôi đâm bực bội vì trời nắng nóng mà phải đứng chờ xe, anh ta cứ làm quen - Cô là giáo viên? - Dạ. - Dạy lớp mấy? Nhà ở đâu? Sài Gòn? Nghe hỏi lung tung tôi đâm quạu, nhưng tôi bỗng cười một mình - Ta sẽ phá cho mà biết. Tôi vui vẻ trả lời: - Dạ thưa anh nhà em ở Chắc Cà Đao. -Xa vậy sao?Tôi cố nín cười,ta còn hỏng biết Chắc Cà Đao ở đâu sao ngươi biết mà bảo xa,hihihi... - Cô về thăm nhà mỗi tuần hả? - Dạ mỗi tháng chứ không phải mỗi tuần. - Cô giáo tên gì? - Tên em xấu lắm, tại hồi nhỏ khó nuôi bị đau ban khỉ lâu năm. - Tên đâu có quan trọng cô giáo,quí là cái tâm của mình, cho tôi biết tên để dễ gọi thôi. Tôi giã bộ ngập ngừng không muốn nói: - Nhưng anh không được cười tên em xấu nha. - Không cười, tên nào cũng là tên cha mẹ đặt sao lại cười. - Thật hả? Ư ..tên em là ...mắc cở lắm, vậy anh tên gì? - Anh tên Thanh. Còn em? Tôi cố nín cười và lí nhí: - Dạ em tên ...Nội, Nguyễn Thị Nội. - Vậy có gì mà xấu,cám ơn em. Ô xe đến kìa Nội Tôi muốn cười thật lớn mà cố nín" tên " này bị trúng kế rồi. - Nội đưa đây anh xách phụ cho,gì mà nặng thế? Tôi lầm bầm: - Thằng cháu hổn hào, dám xưng anh với bà nội. - Thì mang những thức ăn đủ cho một tháng. - Nội lên xe đi. - Ừ, để nội lên cháu. May quá hắn không nghe, tức quá phải có chị Thức, chị Hà ở đây ba đứa cười cho đã . Xe chạy ầm ầm mà hắn cứ hỏi lung tung tôi không nghe được gì, trong đầu đang nghĩ tới điều gì sẽ xảy ra nữa, và phải phá hắn ta cái gì tiếp theo. - Cháu ngoan, cháu nói nhiều quá nội không nghe được gì. Hắn cứ kêu Nội hoài. Tới trường, tôi xuống xe không ngờ hắn cũng xuống theo. - Để anh mang giúp cho Nội vào trường kẻo nặng. - Cám ơn anh Thanh, anh về đâu? - Đông Thạnh. - Xa vậy à? Thấy tôi xuống xe nhỏ Tư, nhỏ Liêng, Đoàn Măn Ê chạy ra mừng, nhỏ Tuyết đang dạy cũng chạy ra hỏi: - Ở đâu ra vậy? Ai vậy mậy? Tôi cười: - Cháu của bà đấy. Tụi nó đồng thanh: - Cái g..ì...? Nhỏ Tuyết cất giọng hát:" Trên chuyến xe lam đông người trưa nay ..." - Ở đó mà rên sến học trò ngóng mầy kìa. Tôi mời anh khách vào văn phòng, nhỏ Tư xuất sắc trong vai" tỳ nữ" rót nước mời , tôi cố ra dấu để tụi nó đừng kêu tên tôi" bể " hết nhưng không làm sao được, tụi nó ngố gì đâu chẳng thấy ám hiệu của tôi. Tôi bỗng vô duyên: - Sao anh Thanh không về đi, coi chừng hết xe đi bộ đó. - Không sao đâu Nội, đi bộ là chuyện nhỏ. Cả đám tụi nó lại đồng thanh lần nữa: - Cá..i g..ì...? Ai là Nội???Mầy.... Hắn bỗng đảo mắt nhìn, tôi thấy hắn nhìn vào bảng danh sách giáo viên trên vách tường có lẻ kiếm tên Nguyễn Thị Nội, tôi lật đật đứng lên lấy tấm thớt của mình mà che lại và tìm cách đuổi hắn về - Tư, nấu cơm chưa? - Chưa. Chỉ ăn có một bữa nấu chi sớm. - Tao đói bụng. Đoàn Măn Ê bỗng hỏi: - Ủa anh chưa về sao? Bác ở quê mới lên có kẹo bánh gì không? Đói rồi. - Bữa nay tụi bây sẽ được một bữa ăn rất là thinh nộ, tao đã gom hết cả đám giỗ ông cố đem về nè. - Thật hả? Ai cũng mong bác hết. Thật là lãng xẹt chúng tôi mãi nói chuyện riêng quên nhà đang có khách, mà thật ra không biết nói gì, hình như quê một cục hay sao hắn ta đứng lên từ giã: - Anh Thanh về nha Nội, hân hạnh được biết mấy thầy cô giáo trẻ. Thỉnh thoảng anh Thanh ghé chơi được không Nội? - Dạ được chứ. Ba đứa nó chạy ra sau tấm" ri đô " mà ôm bụng cười sằng sặc: - Nội ơi tụi" con " chịu không nổi. Tiễn khách ra về chúng tôi được dịp cười một trận muốn vở bụng luôn, quên cả nấu cơm chiều. May mà hôm đó không có Hiệu Trưởng và Hiệu phó ở trường. Tụi tôi thì thích những tên như Hai, Ba, Nội... để được kêu chị Hai, chị Ba, thậm chí Nội...mà có dịp cười cho qua ngày đoạn tháng. Cạnh trường chúng tôi có một ngôi chùa của đạo Cao Đài, chùa này lớn lắm, cỗng chùa chạm rồng thật to, ở giữa sân có cột cờ với lá cờ đạo lúc nào cũng bay phất phới, giống như ở Toà Thánh Tây Ninh. Những ngày rằm, nhất là ngày rằm lớn thì thật đông đạo hữu đi lễ chùa, đặc biệt những người phái nam tôi thấy người nào cũng búi tóc, họ mặc áo dài màu trắng đi đến chùa, chúng tôi ngồi trong nhà tập thể nhìn ra đường dưới ánh sáng của đêm trăng thấy toàn là những bóng trắng thướt tha, đứa nào cũng" ngẩn ngơ" nhìn lạ lẫm. Nhỏ Tuyết bảo: - Trời ơi mấy" nàng" đi đông quá ra đây mà xem nè tụi bây ơi. - Đừng nói bậy người ta đi chùa đó, tại đạo của người ta phải vậy. - Sao phải để tóc dài và búi tóc kỳ vậy? - Đã bảo đạo của người ta, nhỏ này hỏi hoài. Ở xóm trong có một anh tên The, chiều nào đi ra chùa thường hay ghé trường để tán dóc với chúng tôi, anh thường nói về đạo của anh và cũng giải thích để chúng tôi hiểu. Anh không là tu sĩ trong chùa, chỉ là bổn đạo thôi nhưng anh cũng búi tóc, Tuyết và Tư thường gọi anh là chị hai The, anh cũng không giận. Tôi hơi ngạc nhiên vì anh bảo trước năm 1975 anh là sinh viên luật năm thứ tư, ở Sài Gòn vậy mà anh chịu để tóc dài" búi tó" đủ thấy sự tín ngưỡng về đạo giáo thật cao. Vậy là chúng tôi có thêm bạn để hàn huyên và cũng có đề tài để chọc phá mà không sợ bị giận, ghét. Bác Tư Hà là mẹ của ba em học sinh trường, nhà bácTư gần trường, bởi vậy có sự liên quan giữa giáo viên và phụ huynh, đặc biệt bác rất thương chúng tôi, thấy chúng tôi sống thiếu thốn mọi mặt bác thường bảo chúng tôi đến ở nhà bác cho tiện nghi hơn. Nhưng cả đám chúng tôi đông quá làm sao mà về nhà bác được, hễ nấu món gì ngon là bác hay kêu tụi tôi đến ăn, bác không biết chữ, đi học bổ túc văn hóa thì bác bảo già rồi học không vô.Nhỏ Liêng thắc mắc: - Ê , sao không thấy bác Tư trai đi tới đi lui, toàn là bác gái không, ngộ ghê há. - Ai mà biết, chắc bác gái thích là chủ nhà. Tụi tôi cười hì hì. - Không được thắc mắc nha" thủ khẩu như bình" mấy cưng. Chị Thức đã lên tiếng nên mấy đứa tôi im re. Bác trai tên Hà báo hại tụi tôi phải đổi tên chị Hà là Thu( liên tưởng đến nhân vật cải lương Bạch Thu Hà)vì tụi tôi hay đến nhà bác chơi nên cũng ngại, .Tôi nhớ hoài hôm bác Tư mời chúng tôi đến nhà bác ăn cơm chiều, bác bảo nay có nấu món đặc biệt để đải, cả bọn kéo nhau đến nhà bác. Chúng tôi thấy cũng không lạ gì nhìn vào thấy thịt xào với mướp hương thơm ngát, dường như thịt gà, rồi cá chiên, khá kho. Nhìn tô mướp xào thật hấp dẫn, thơm phưng phức cộng với mùi hành tiêu, thịt nhiều hơn mướp, không khách sáo chúng tôi chén một bữa thật no nê, còn được" la sét " nữa.Chả lẻ ăn xong rồi về thì vô duyên quá, nên chúng tôi ở lại chơi với mấy đứa học trò và xem có giúp gì bác không. Bỗng bác hỏi: - Mấy cô ăn có ngon không? - Dạ thưa bác ngon lắm, cám ơn bác hôm nay cho tụi con ăn một bữa thật ngon. - Lần đầu tiên con ăn thịt gà xào mướp đó bác, thơm ghê. - Không phải thịt gà đâu, đố mấy cô biết thịt con gì? - Rõ ràng thịt gà mà, nhất định không phải thịt heo. Chị Thức chen vào: - Thịt chuột hả bác Tư? - Gì thịt chuột chị Thức này, thịt chuột ai đem xào. Bác Tư cười: - Không phải thịt gà, cũng không phải thịt chuột. Cả đám nhao nhao: - Thịt con gì hả bác? - Con này lớn lắm và dễ sợ nữa. Tôi vội nói không suy nghĩ: - Chả lẻ thịt con cọp, phải không bác? - Thôi để bác nói cho mấy cô biết, sở dĩ bác không muốn nói trước là vì sợ mấy cô không dám ăn, bởi thịt con này quí lắm, hiếm nữa, ăn được nên thuốc lắm... Bác Tư chưa nói xong, nhỏ Tư lên tiếng liền: - Con gì mà ăn nên thuốc hả bác Tư? - Đó là thịt cá sấu. - Trời!!! Cả đám cùng la lên một lượt: - Cá sấu cá sấu! Mình ăn thịt cá sấu! Bác Tư ôn tồn nói: - Đâu có gì đâu mà sợ, các cô được ăn là hên lắm, dễ gì có mà ăn. Em của bác ở gần biển Cần Giờ đem cho bác hồi sáng này, cậu ấy bảo có con cá sấu nổi lên định ăn thịt một người đánh cá, cả đám xúm lại đánh đuổi con cá sấu, cuối cùng họ giết được và xẻ thịt. Con cá sấu gần cả trăm kí lô. Bộ da đem bán mắc tiền lắm. Chúng tôi đứa nào cũng im re, không biết nói gì ai cũng sợ. Nghĩ tới hình dáng cá sấu là thất kinh hồn vía, vậy mà còn ăn thịt nó lại khen ngon nữa. Cả đám nhìn nhau méo sẹo, bây giờ muốn" mữa " ra cũng không được, bỗng nhiên cả đám cùng" ụa ụa" một lượt, chị Hà muốn khóc, nhỏ Liêng mặt xanh lè. - Thịt cá sấu rất mát, là vị thuốc, các cô ăn sẽ ngăn ngừa nhiều thứ bệnh lắm, lại không sợ ma quỉ khuấy phá, không sao đâu. Bác Tư thương mấy cô lắm mới mời mấy cô ăn, bác nói thật. Bác còn làm khô nữa kìa,một mớ bác ướp gia vị và nướng, ăn ngon lắm. Chúng tôi cám ơn bác Tư và xin phép về trường. Đến trường nhỏ Tuyết nói liền: - Đừng bao giờ đi" ăn chực " nữa nha tụi bây, có muốn mữa cũng mữa không được. Hiểu thì đã muộn Ghê quá! - Ai mà biết là mình ăn thịt cá sấu đâu. Trời ơi! nữa tin nữa ngờ ta đã xơi con thú kinh dị nhất trần gian hu!hu!hu! - Tuyệt đối giữ bí mật nha tụi cưng.Chị Thức bảo Nhỏ Liêng nói:- Em nói má em nghe được không? - Coi chừng bị dũa đó. - Mai mốt tụi mình trở thành loài bò sát hi!hi!hi..Da bỗng nỗi " sù sì ", cái miệng... - Đừng nói nữa. Đứa nào cũng sợ lắm, nhưng rồi sau đó cả đám ôm bụng cười lăn vì ăn còn khen thơm, ngon nữa .Thật là nhớ đời và không dám kể cho ai nghe hết. Sau đó bác Tư có mời chúng tôi đến ăn giỗ, chúng tôi không đến dự không phải sợ ăn thịt con gì khác nữa, mà cảm thấy kỳ vì" đi ăn chực". Sống xa nhà thiếu thốn trăm bề, vất vả, gian nan, được sự thương yêu của phụ huynh là điều quí báu nhưng chúng tôi rất ngại. Rồi cũng có lúc chia tay, bịn rịn, khóc lóc. Lần lượt nhóm giởn chúng tôi thay phiên nhau ra đi ...có đứa ra đi tìm tự do, có đứa chuyển nghề, tôi cũng chuyển về" quê ". Giã biệt đứa" cháu nội " , giã từ "nàng hai The ", từ biệt đám học sinh, chia tay với bác tư Hà,bà má Bảy sẽ ít dịp gặp Đoàn Măn Ê ...chúng tôi buồn lắm. Dù sao chúng tôi cũng cám ơn sự thương yêu của phụ huynh học sinh đã hết lòng giúp đỡ, và đàn học sinh thì thật dễ thương, rất kính trọng và quí mến thầy cô.Cũng là một niềm an ủi cho kiếp giáo xa nhà của chúng tôi. Tôi nghĩ ở tận phương trời nào, dù nghìn trùng cách trở, trong lòng chúng tôi luôn nhớ về kỷ niệm nhớ những ngày sống bên nhau và ghi khắc mãi trong tim.Giờ đây lưu lạc xứ người,mỗi khi ngồi nhìn trời...hiu quạnh là lòng tôi se thắt Nhớ về kỷ niệm thấy buồn hiu, Còn đâu hình bóng mỗi buổi chiều. Thầy, trò, bạn hữu, bên trường nhỏ Thương nhớ vô bờ, nỗi tịch liêu! lêthịngố Em Ngố oi , Ky niem nay chac se theo em suot doi ! Co khong ngo cac giao su di day o xa ma bi thieu thon nhieu nhu vay ! Co tin rang trong hoan canh nhu vay cac em se chang bao gio quên nhau dươc . Nhung chuyen em ke lai rat la vui. Cac em cung nghich chang thua gi hoc tro nhi ? Co Van
|