Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - Hồi Ký (2015)  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Pages: 1 ... 23 24 25 26 27 28
Send Topic In ra
Hồi Ký (2015) (Read 44315 times)
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #360 - 18. Jun 2018 , 10:03
 
"Thủ Đô khói lửa"
     Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào đêm 19/12/46, gia đình tôi lúc đó đang ở Hà nội. Theo lệnh của Thị trưởng, những ai không có nhiệm vụ chiến đấu đều phải di tản ra ngoài thành phố để tránh những thiệt hại về nhân mạng. Thế là dân Hà thành lũ lượt gồng gánh, bồng bế nhau dời Thủ đô yêu dấu để đi về phương trời...vô định vì biết đi đâu bây giờ ! Thật ra trước đó ít lâu, dân thủ đô có bà con thân thích ở các tỉnh chung quanh đã liên lạc rủ nhau đi trốn từ khuya rồi. Chỉ có dân Hà nội chính gốc là bị kẹt, đành tử thủ cho đến phút chót với hy vọng mong manh là điều đình, nhưng tất cả đều đã quá muộn.
     Sau khi dời thành phố, đám di tản buồn trong đó có gia đình tôi, bắt đầu dắt díu nhau lang thang, qua hết làng nọ đến làng kia, vừa đi vừa bán dần những tài sản mang theo để phục vụ cái dạ dầy. Đến khi những hành trang quí giá cuối cùng đã nằm yên trong bụng rồi mọi người mới nhìn nhau ngao ngán...thở dài.
     Gia đình lúc mới tản cư còn có thêm một anh giúp việc, nhưng sau một thời gian dài thất nghiệp anh đã được giải phóng vì đâu còn gì nữa để mà gánh với gồng. Mỗi khi dừng chân ở một nơi nào, đám dân khốn khổ lại tản mát ra ở các làng chung quanh để sống tạm bợ cho qua ngày. Hôm nào có tin Tây về càn quét lại hốt hoảng kéo nhau chạy tiếp, càng ngày càng xa Hà thành hoa lệ.
     Đời sống du mục tuy vất vả nhưng riêng tôi cũng có những kỷ niệm vui vui. Trong khi người lớn hễ gập nhau là than thở, bàn bạc về một tương lai tối mò thì lũ con nít vẫn vui chơi, đùa nghịch vô tư vì đâu còn phải cắp sách đến trường nữa. Buổi sáng tôi lục cơm nguội, nếu cạn láng thì chạy ra chợ ăn điểm tâm miễn phí. Chao ôi, thật đủ thứ hấp dẫn ở trên đời: nào là khoai, sắn, trứng vịt luộc, bánh đúc, xôi chè...hầm bà làng. Sau khi đã ăn no bằng mắt rồi, tôi bèn vào nhà lồng chợ để xem các ông lái lợn đánh cờ tướng. Tôi tuy mới 15 nhưng trí nhớ tốt và thuộc rất nhanh những thế cờ bí hiểm để dành phòng khi chiến đấu với những đấu thủ khác. Những hôm trời mưa gió, rét buốt, không trốn đi chơi được, Bố bắt tôi hầu cờ để giải sầu. Có lần bị chiếu bí, Bố lườm tôi thật...dễ sợ, làm tôi nhớ đến những trận roi mây quắn đít khi còn học Bố ở lớp Ba tiểu học trường René Robin ở tỉnh Thái Nguyên, quê hương thơ mộng của tôi ngày xưa.
     Hồi đó gia đình tôi tạm trú tại làng Hạ Hội, tỉnh SơnTây ngay dưới chân núi ChùaThầy (Sài sơn), một danh lam thắng cảnh của Bắc Hà. Hàng ngày tôi leo núi 2,3 lần mà không biết mệt, chỉ khi nào đói bụng mới bò về nhà. Tôi lần mò đi thăm nào là hang Thánh hoá, chỗ Tiên đánh cờ, đường lên Trời, xuống Âm phủ...đi đến đâu gặp những cây có quả ăn được là tôi xơi ráo để về nhà cho đỡ cơm. Thú thực, trong thời gian chạy loạn, cái món ăn nhanh và chạy giỏi thì tôi thuộc loại siêu. Tính tôi nhát, có gì nguy hiểm là cắm đầu chạy thục mạng, bất kể phương hướng, đôi khi lạc qua những nhóm khác làm gia đình phải tìm kiếm vất vả.                     
*Thảm kịch - Vào một buổi sáng cuối Đông, gió lạnh buốt đến tận xương, bất ngờ du kích báo tin làng đã bị lính Tây vây kín nên không ai chạy kịp. Tất cả đành chịu trận và chỉ còn biết ngồi cầu nguyện. Chị tôi, 20 tuổi, bôi tro than đầy mặt rồi chui vào gầm giường để trốn. Còn lại, Bố, Mẹ, tôi và 2 em nhỏ, mặt xanh như tầu lá, hồi hộp ngồi bất động ở trên giường, những nhà xung quanh cũng đều chung một số phận. Lũ Tây lục soát từng nhà, bắt đi hết những đàn ông, thanh niên, ngoài ra tha hết và không giết ai cả. Bố tôi cũng bị bắt theo đám này và Chị tôi, may mắn đã thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc.
     Khi Tây vừa rút khỏi làng là súng cối bắt đầu bắn như mưa trở lại. Đạn nổ tứ phía, nhà cửa tan nát, người chết, người bị thương, dân làng vừa khóc vừa chạy tán loạn. Gia đình tôi thật thê thảm: Mẹ trúng đạn vào chỗ nghiệt chết ngay không kịp trối. Tôi nằm bên cạnh, may mắn thoát chết chỉ bị mảnh đạn nhỏ ghim sau lưng. Tội nghiệp đứa em trai nằm phía ngoài, thật đau khổ, mảnh đạn lớn đã cứa gần đứt đầu gối, chẩy máu cho đến chết vì không được ai băng bó. Chị tôi, thân gái một mình, phải lặn lội qua làng bên cạnh để tìm mua áo quan nhưng cuối cùng chỉ mua được một cái duy nhất, đành phải gạt nước mắt chôn hai Mẹ con chung vào một áo quan, vì không còn sự lựa chọn nào khác. Rồi ba Chị em, thất thểu dắt díu nhau theo đám người lánh nạn, lội bộ tìm đường lên tỉnh Thái Nguyên, hy vọng được gặp lại bà con thân thuộc năm xưa để nương tựa trong những ngày sắp tới.
     Bất hạnh thay, ba năm sau đến lượt Chị tôi qua đời tại tỉnh Bắc giang vì bệnh Chó Dại. Lúc đó Chị mới 23 tuổi, đã có gia đình và đang mang bầu đứa con đầu lòng, không biết là trai hay gái. Như vậy, gia đình tôi gồm sáu người, chỉ trong một thời gian ngắn, bốn năm, đã mất ba người cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
     Sau 5 năm tham gia kháng chiến trên núi rừng Việt Bắc, trải qua những ngày bụi đời gian khổ, cuối năm 1951, hai anh em tôi mới được gập lại người Bố thân yêu tại  Hà nội. Hiện nay, em gái tôi 80 tuổi, chồng đã qua đời, đang sống với 3 con trai ở tiểu bang MN.
    *Trở lại chốn xưa - Viết đến đây tôi hồi tưởng lại hình ảnh khủng khiếp đã xẩy ra cách đây hơn 1/2 thế kỷ. Em trai tôi, mới 7 tuổi, đầu gối gần gẫy rời, máu me đầm đìa, không nói được một lời chỉ nhìn tôi bằng đôi mắt tuyệt vọng. Mẹ, nằm bên cạnh, bất động với đôi mắt nhắm nghiền. Cả ba chị em nghẹn ngào không ai khóc được một tiếng, có lẽ diễn biến xẩy ra quá nhanh và kinh hoàng nên nước mắt đã tức tưởi không thể chẩy ra. Và cho đến bây giờ, khi viết đến những dòng này, tôi mới có thể khóc và nước mắt đã được chẩy ra thoải mái. Cái chết của Chị tôi vài năm sau đó, tuy không có máu chẩy nhưng lại đau đớn vô cùng vì những cơn điên nổi lên từng hồi do biến chứng của bệnh Dại. Mỗi khi có một chút gió hay trông thấy nước là cơn điên lại nổi dậy, hành hạ Chị suốt cả một tuần lễ. Thật tội nghiệp, tôi đã phải chứng kiến thảm kịch này từ phút đầu cho đến khi Chị trút hơi thở cuối cùng.Thuốc ngừa bệnh Chó Dại lúc đó chỉ được dự trữ ở Viện Pasteur Hà Nội.
    Năm 2001, khi trở về thăm VN lần thứ hai, tôi đi tìm lại những địa danh năm xưa, nơi gia đình đã trải qua những đau thương thảm khốc mà nay vẫn còn in sâu trong tâm khảm những người còn ở lại. Nhưng hỡi ôi, vì thời gian đã quá lâu, mọi dấu tích đều hoàn toàn thay đổi và tất cả đều đã được chôn chặt vĩnh viễn dưới lòng đất quê hương.
Nguyễn ngọc Đường    

        

        

Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #361 - 24. Jun 2018 , 15:09
 
“Suối tóc"

     Hôm nay tôi hân hạnh trở về với nhạc sĩ Văn Phụng qua một ca khúc thật tình tứ,  lãng mạn. Đương sự sáng tác nhạc phẩm "Suối tóc" là để tặng riêng cho người yêu Châu Hà.
   
Người nghệ sỹ tài hoa, theo tôi, có lẽ sản xuất được nhiều công chúa nhất so với các bạn đồng nghiệp, dù chỉ kết hôn có hai lần. Lần thứ nhất, với người đẹp ở Hà Nội, do gia đình lựa chọn, vợ chồng ông đã có được sáu gái, một trai. Sau này, ông lại kết hôn với ca sỹ Châu Hà ở Sài Gòn, là người tình đầu tiên, dựa vào câu "tình cũ không rủ cũng về". Đôi uyên ương lại có thêm hai công chúa nữa, tổng cộng trước sau là tám kiều nữ và một công tử. Từ đó, cả hai cùng nhất trí ngừng sản xuất để dành thì giờ hoạt động văn nghệ và tiện thể dưỡng già cho khỏe.

    Nhạc sỹ VP sanh năm 1930 tại Hà Nội VN và qua đời năm 1999 tại Virginia Mỹ quốc. Tác phẩm của ông khá đồ sộ, cả trăm ca khúc, có một số rất nổi tiếng, được nhiều người ưa thích như: Ôi mê ly, Các anh đi, Tôi đi giữa hoàng hôn...v...v...

    Tôi còn nhớ, thời kháng chiến, khi trình diễn đơn ca trong những đêm văn nghệ đình làng, bài "Các Anh Đi" là một trong những nhạc phẩm tôi ưa thích vì nó dễ hát, lời ca mộc mạc dễ thương, rất hợp với hoàn cảnh lang thang vô gia cư của tôi. Thời điểm đó, gia đình tan nát, mỗi người mỗi ngả, riêng tôi sống cô đơn buồn chán, nhất là vào những dịp Xuân về hay Lễ hội. Ở những ngày đặc biệt này, đa số các đoàn viên đều khăn gói trở về tổ ấm để vui chơi với thân nhân trong thời gian nghỉ phép. Chỉ những kẻ tứ cố vô thân, bất hạnh như tôi thì đành ngậm ngùi ở lại đoàn, cu ky chơi với...mình!

   Năm đó, tôi may mắn được một đoàn viên có nhã ý rủ về ăn Tết nơi quê anh tại huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên. Thật cảm động và sung sướng vì lần đầu tiên tôi được sống trong bầu không khí đầm ấm của một gia đình nơi thôn dã, có lũy tre xanh, có cây đa, có lũ trâu gõ mõ... Anh bạn tôi hãy còn bố mẹ già lụ khụ, thấp thoáng đâu đó một em gái dịu hiền, xinh xắn. Tôi được mọi người đối xử thân tình như trong một gia đình làm tôi cảm thấy ấm lòng và được an ủi. Suốt mấy ngày đón Xuân, tôi đã tận hưởng những giây phút hạnh phúc tuyệt vời, đến nay vẫn còn in sâu trong trái tim người trai trẻ năm nào. Giời ơi, làm sao tôi quên được sự chăm sóc ân cần và hữu ý của cô thôn nữ thơ ngây. Từng miếng bánh chưng, khúc giò lụa...được bàn tay xinh xinh nhỏ bé của người đẹp, rụt rè đưa tận tay với đôi mắt to đen láy, hơi ươn ướt.

   Thế rồi những ngày thần tiên cũng lặng lẽ trôi qua và phút chia tay đã phũ phàng kéo đến. Tôi còn nhớ như in, bữa đó Trời Đất tưởng chừng như sụp đổ...thành mây khói.
May mắn thay, tuy cùng trải qua một biến cố quá xúc động, buồn thảm, nhưng trong chúng tôi, cũng không có ai thiếu khôn ngoan để vội vã...qua đời cả.
     Trước khi từ biệt gia đình, tôi trân trọng gửi lời cảm ơn đến hai cụ, rồi kín đáo trao đổi tâm tình với người em gái, hàng lệ rưng rưng, đôi mắt buồn sâu thẳm và khi quay đi còn vương lại...tí đuôi.

    Sau đó, hai đứa tôi lại khăn gói lên đường trở về đoàn, tiếp tục con đường  văn nghệ văn gừng cho đời thêm tươi. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tôi đã quyết định theo tiếng gọi của dạ dầy, dinh tê vào Hà nội để xây dựng tương lai cùng sự nghiệp. Cho đến nay, chỉ còn một điều ngậm ngùi đáng tiếc là sau lần gặp gỡ đầu tiên thơ mộng đó, tôi đã không có duyên được tái ngộ với người xưa thêm một lần thứ hai. Và nghĩ cho cùng, tôi quả là con người hời hợt vô tình, vì mỹ danh của Nàng tôi cũng lỡ quên và để cho gió cuốn...bay đi luôn. Và bây giờ, xin mời cùng thưởng thức ca khúc tuyệt vời "Suối tóc" của Văn Phụng.
https://www.mediafire.com/download/0k1gbv2i86dsrr1
Nguyễn ngọc Đường





Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #362 - 25. Jun 2018 , 19:10
 
Hồ hởi ghi danh...
     Trước hết tôi cảm ơn các em đã ưu ái gửi cho tôi một số hình ảnh, qua fb, về buổi picnic tại Mile Square Park do Hội Liên Trường tổ chức vào ngày Chủ nhật vừa qua. Thật đáng tiếc, vì sức khỏe không tốt, nên hai đứa tôi đã không tham dự buổi picnic vui nhộn này được. Thôi thì coi mấy tấm hình trên mạng cho đỡ buồn vậy.
      Lướt qua mấy chục tấm hình thì thấy sự có mặt của các hội viên LVD khá đầy đủ,  căn cứ vào danh sách đã ghi trên mạng. Về phía quý Thầy Cô, vì hình ảnh quá mờ, thiếu ánh sáng nên trông không rõ, không biết xấu hay đẹp 😂. Tôi vì chỉ còn một mắt, lại bị cườm khô nên nhìn đến toét mắt ra mới thấy được quý đồng nghiệp. Đặc biệt những hình rõ nhất, đẹp nhất chỉ tập trung vào cô Cố vấn Ngọc Mai và đa số là quý em trong ban Chấp hành đương nhiệm mà thôi. 
      Tôi chỉ hơi buồn cho bạn là Thầy Long, rất ít khi hiện diện trong các buổi hội hè thì lần này sốt sắng tham dự lại không có hình đẹp để giữ làm kỷ niệm. Thầy chỉ có mặt duy nhất trong một hình nhưng "mặt" lại tối thui như Tây Maroc, thật tội nghiệp! Vì chỉ được thưởng thức một số hình hạn chế do các em chuyển, hy vọng Thầy sẽ có mặt trong một số hình khác, đẹp trai hơn. Tôi ngậm ngùi tặng bạn vàng hai vần thơ:
       Hồ hởi ghi danh
       Mờ mờ hiện diện
https://www.mediafire.com/view/0dg5m1d3t5ij5ze
Nguyễn ngọc Đường

    
Back to top
« Last Edit: 25. Jun 2018 , 19:15 by Nguyễn Ngọc Đường »  
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #363 - 27. Jun 2018 , 20:11
 
Duyên đến, duyên đi
    Từ khi bước chân vào fb để vui chơi, giải trí cho khuây khỏa tuổi già, tôi đã làm quen được với một số bạn cư ngụ tại một số nước như Úc, Canada, Đức...và nhiều  nhất là ở quê hương Việt nam. Những bạn mới này bao gồm một số người trong dòng họ, thưa thớt vài bạn cũ thời kháng chiến, và đa số là các đệ tử ở hai trường tôi dạy năm xưa Lê văn  Duyệt và Hoàng Diệu.
    Thật là vui và thoải mái khi được nói chuyện, tâm sự, chia sẻ với nhau những chuyện vui buồn trong đời sống hàng ngày, ôn lại những kỷ niệm lúc còn sinh hoạt dưới cùng một mái trường, hay trong một cơ quan, tổ chức... Cái sung sướng nhất ở đây là được trao đổi mọi sự một cách hoàn toàn tự do, không sợ ai dòm ngó theo dõi gì cả. Như tôi đã tâm sự trong một số bài, tất cả mọi người không phân biệt nghề nghiệp, học thức, tuổi tác... mà tôi quen biết đều là bạn tôi cả.
     Từ khi có cái "sự cố" là nhóm 47 ra đời, khoảng 10 ngàn người, do quân đội nhân dân CS đẻ ra, mục đích để theo dõi, hù dọa những phần tử hay nói xấu, đả phá CS ở trên mạng. Vì ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, vì công ăn việc làm nên một số bạn cư ngụ tại VN đã phải giã từ tôi, không kèn không trống.
      Thật ra, vì là người VN yêu quê hương, yêu Tổ quốc nên tôi rất xúc động và đau lòng khi thấy đồng bào trong nước còn đói khổ nghèo nàn dưới sự cai trị ngu xuẩn,  đầy tham nhũng của chính quyền hiện tại. Ngoài ra còn cái nạn bán đất bán biển, và mất nước tới nơi rồi làm sao mà tôi vô cảm được. Do đó tôi đã viết một số bài, dĩ nhiên đụng chạm đến chế độ và hậu quả là đã mất dần một số người thân và bạn bè. Tôi đành phải ngậm ngùi chấp nhận vì ở đời có cái gì mà không phải trả giá đâu?
      Chưa hết, nay mai cái Luật An Ninh Mạng...mắc gió có hiệu lực thì than ôi, tôi lại mất thêm một số bạn nữa. Đúng là duyên đến rồi duyên lại đi, và không biết có ngày nào trở lại? Viết đến đây, nước mắt tôi lại rưng rưng như muốn trào ra vì tôi vốn là con người tình cảm nên dễ khóc lắm! 😭
      Thôi thì cho bớt sầu não, tôi đành ngâm mấy vần thơ của cụ Phan Khôi để cho vui...gượng một tí :             
                             Làm sao cũng chẳng làm sao
                             Nếu có thế nào cũng chẳng làm chi
                             Làm chi cũng chẳng làm chi
                             Nếu có làm gì cũng chẳng làm sao.🤣
Nguyễn ngọc Đường
Back to top
« Last Edit: 28. Jun 2018 , 08:19 by Nguyễn Ngọc Đường »  
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #364 - 01. Jul 2018 , 17:54
 
“Tình khúc thứ nhất"
    Nhạc sỹ Vũ thành An là một hiện tượng đặc biêt trong giới nghệ sỹ sáng tác. Ông rất nổi tiếng về những tình khúc lãng mạn ướt át, đặc biệt là 10 bài không tên đầu tiên. Cách đây ít lâu tôi đã hân hạnh gửi đến quý vị một bài "có tên" của đương sự là  "Anh đến thăm em đêm 30". Hôm nay trước khi mời quý vị thưởng thức tiếp một ca khúc mới, tôi xin phép được sơ lược một chút về con người tài hoa này.
    Theo tài liệu của Wikipedia, ông sanh năm 1943 tại tỉnh Nam Định Bắc phần. Sau năm 75, bị CS cầm tù 10 năm tại các trại cải tạo ở miền Bắc VN. Năm 1991, qua Mỹ theo học Chương trình Cao học Thần học và được đào tạo thành chức Phó Tế. Sáng tác phẩm của ông khoảng gần 100 tình khúc và chia thành hai loại: không tên và có tên. Những bài không tên, được đánh số không theo thời gian, từ số1 đến số 50 và gần 30 bài khác có tên đàng hoàng. Nhạc phẩm đầu tay được mọi người yêu thích là "Tình khúc thứ nhất", thơ Nguyễn đình Toàn, phổ nhạc Vũ thành An. Thời gian sau này, không hiểu vì lý do gì ông đã giã từ những "tình ca" và chỉ chuyên chú sáng tác những bản "Thánh ca" mà thôi. Quý độc giả muốn tìm hiểu chi tiết về cuộc đời của tác giả xin mời đọc ở trên net cho rộng đường dư luận.
    Vào thập niên 60 ? đài phát thanh Sài gòn đã mở ra mục Tao đàn để nhà văn Nguyễn đình Toàn phụ trách và nhạc hiệu mở đầu chính là "Tình khúc thứ nhất", thơ Nguyễn đình Toàn, Vũ thành An phổ nhạc. Hàng tuần tôi thường đón nghe và đã lưu lại trong lòng một cảm tình đặc biệt với nhạc phẩm này.
     Hôm nay để thay đổi không khí, mời quý vị thưởng thức bài "Tình khúc thứ nhất", để cùng nhớ về  Sài gòn năm xưa với những kỷ niệm dễ thương mà giờ đây vẫn còn làm thổn thức bao con tim nơi xứ lạ quê người.
https://www.mediafire.com/download/oe9a8va7l32g9ma
Nguyễn ngọc Đường





Back to top
« Last Edit: 07. Jul 2018 , 14:42 by Nguyễn Ngọc Đường »  
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #365 - 07. Jul 2018 , 09:45
 
“Bên cầu biên giới"
     Hôm nay để thay đổi không khí, mời các bạn cùng thưởng thức một bài tango của Phạm Duy. Bài hát được sáng tác năm 47 tại tỉnh Lào Kay, trên một cây cầu thơ mộng, sát biên giới với nước Tầu. Bố già đặt thêm mỹ danh là "Tình ca giang hồ" và bài này đã gây sóng gió, phiền não cho tác giả trong suốt thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Tây. Lời ca quả thật êm ái lãng mạn, dễ làm nhụt nhuệ khí các chiến binh đang đổ máu hy sinh ngoài mặt trận.
    Giời ơi, trong lúc hậu phương đói rách, nhân dân mỏi mắt kiếm từng hạt gạo thì chàng lại khao khát được "...sống trong lòng người đẹp Tô Châu hay là chết bên dòng sông Danube..." thì chít ngộ dzồi! Thế rồi còn mơ màng "...sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời.... Mộng về đêm đêm khát vầng trán ngây thơ...". Ối dào thế là hết thuốc chữa, nội dung sặc mùi tiểu tư sản phản động, không thể tha thứ được. 
     Lúc đó hội Văn nghệ khuyên tác giả hãy vờ quên đi và coi như không có bài này. Còn đảng thì ra đòn nặng hơn, qua nhạc sỹ Nguyễn xuân Khoát, bắt phải thủ tiêu nó, dĩ nhiên là phải một cách chính thức để cả làng đều biết. Sau đó, để tưởng thưởng, tác giả sẽ được kết nạp vào đảng và phây phây được cử đi du học bên Liên Xô vĩ đại.
    Nhưng xui xẻo, ở thời điểm ác liệt này, Thái Hằng đang vất vả vì có bầu quý tử Duy Quang. Nơi an toàn khu, khỉ ho cò gáy thuộc tỉnh Thái Nguyên, thiếu sữa  Nàng đã phải bồi dưỡng thêm bằng sữa dê. Trong tình huống bi đát đó, PD nỡ lòng nào mà bỏ đi du học! Phần nữa đảng lại nhắn nhe từ nay phải giã từ những bài tình ca và bỏ bớt tính trai gái vớ vẩn thì mới là người tốt, xứng đáng được kết nạp...v...v...Bố già vốn cứng đầu, nổi sùng và cả... sợ đói, bèn cùng vợ, âm thầm khăn gói dinh tê vào Hà nội yêu dấu cho khoẻ. Bài BCBG sau đó bị cấm phổ biến một thời gian, nhưng trên thực tế đã được nhiều người ưa thích hát ngầm, trong đó có cả kẻ hèn này.

    Hỡi ôi, tất cả những nhân vật tôi đề cập đến như Bố gìà, Thái Hằng, Duy Quang, Nguyễn xuân Khoát...v...v... giờ đây đã ra người thiên cổ. Chỉ có tôi là một trong những nhân chứng hiếm hoi còn hiện diện trên cõi đời để tiếp tục thưởng thức những vui buồn, thương ghét, lườm nguýt của tha nhân nữa mà thôi. Cầu mong mọi người hãy cùng nhau tha thứ, bớt giận hờn, trân quý những giây phút còn lại, chắc cũng chẳng còn bao lâu. 

   Hồi tưởng lại lúc dạy lớp Chín ở trường nữ THLVD, cho tới nay tôi vẫn còn giữ trong lòng một kỷ niệm vui vui khó quên. Bữa đó không hiểu nhân dịp gì, một em đứng lên, thay mặt cả lớp bắt tôi phải hát một bài để...bêu xấu! Tuy tang gia bối rối thật, nhưng tôi đã thuộc lòng bài "Bên cầu biên giới" của Bố già từ khuya, đâu đến nỗi phải ê mặt. Thời gian này tôi còn trẻ, mới U30 thôi, đã có gia đình nhưng bản chất vẫn là nhát...gái. Thế nên đứng trước quý em choai choai, tươi như hoa xinh như mộng, cái miệng cà lăm đâu dám hát. Tôi bèn giả vờ lơ đãng nhìn ra ngoài sân một lát, rồi nghiêm chỉnh quay lại nói ngon ơ là... hát rồi. Các em bèn nhao nhao hỏi, bài gì hả Thầy? Tôi ngượng ngập khẽ nói: bài ca "im lặng" đó mà em. Thế là cả lớp phá ra cười thoải mái.

   Thời gian như mây bay gió thổi, thấm thoắt đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Riêng Thầy giáo vẫn nhút nhát như thuở nào vì bản chất rất khó thay đổi, có lẽ phải chờ đến kiếp sau chăng! Tiện đây, tôi thành thật xin lỗi quý em về tội ăn gian hồi đó và xin mời tất cả cùng thưởng thức ca khúc "Bên cầu biên giới" để Thầy chuộc lại lỗi lầm năm xưa, dù đã quá muộn màng!

    Bài này, tôi đặc biệt tặng riêng hai em Đặng Mỹ và Ngọc Đóa, đã giúp tôi gợi lại kỷ niệm dễ thương này.
https://www.mediafire.com/download/y7b94tdcqk5qqeb
Nguyễn ngọc Đường







Back to top
« Last Edit: 07. Jul 2018 , 14:34 by Nguyễn Ngọc Đường »  
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #366 - 12. Jul 2018 , 11:17
 
"Cô hái mơ"
     Bài hát này Bố già PD sáng tác năm 42, có lẽ để nhớ đến cô Tầu Hoàng thị Sâm, vợ của Thầy tôi, tức là chị Dâu của Bố. Số là dạo đó Bố thất nghiệp về chung sống, ăn ké với gia đình ở tỉnh Hưng Yên Bắc kỳ. Lúc đó Thầy tôi, nhạc sĩ Phạm duy Nhượng, đã là Thầy giáo dạy trường Tiểu học trong tỉnh, đồng thời làm gia sư cho gia đình cô Tầu. Người đẹp vốn là hoa khôi của tỉnh, thế là hai anh em cùng yêu cô mà không hề cho nhau biết. Tuy nhiên, Thầy tôi yêu trước và đã chiếm được trái tim của người đẹp. Còn Bố già, sau khi phát hiện ra sự thật phũ phàng, bèn ngậm ngùi, âm thầm bỏ cuộc.
     Theo tôi, Bố già số phận hẩm hiu một phần vì là kẻ đến sau, hơn nữa cũng sợ roi mây quắn đít của ông anh vì quyền huynh thế phụ mà. Gia đình lúc đó chỉ có Mẹ và anh chị, còn ông Bố, Phạm duy Tốn đã qua đời.
      "Cô hái mơ" là bản nhạc đầu tay, phổ thơ Nguyễn Bính của Bố già. Rất ít ca sỹ trình diễn trên sân khấu nên không có trong karaoke. Hôm nay, tôi đành phải tự biên tự diễn, mời mọi người cùng thưởng thức để giải trí đỡ buồn.
https://www.mediafire.com/folder/q12r3w10uc1q97m,2yigo9geyidq1t9
Nguyễn ngọc Đường
      
Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #367 - 21. Jul 2018 , 05:42
 
"Bài không tên số 4"
    Hôm nay tôi chọn "Bài không tên số 4" của nhạc sĩ Vũ thành An để hầu quý vị là có lý do đấy. Trong ca khúc có hai nhóm từ, theo tôi, khá lý thú nên muốn tản mạn vui chơi nhân lúc sức khoẻ đang dồi dào mà lại bị N hắt hủi nên đành thất nghiệp.
Nhóm 1_ "Đời con gái cũng cần dĩ vãng, mà em tôi chỉ còn tương lai". Ơ hay, thế là thế nào? Sao nghệ sỹ kỳ thị thế, không sợ bị cẩm phạt hay ra toà hả? Theo thiển ý, nói chung chung, mọi người không phân biệt trai gái, già trẻ đều cần dĩ vãng cả. Nhưng để làm gì, khai thác nó ra sao và lúc nào nên vứt vào thùng rác thì dĩ nhiên là... nhân tâm tuỳ mạng mỡ!🤣
    Tuy nhiên, trong bài này, nhạc sĩ có thể chỉ muốn nói riêng về người con gái nào đó, không chừng lại là baby của đương sự! Và có lẽ dĩ vãng của Nàng không được thơm như...múi mít nên chàng đành ngậm ngùi chỉ quan tâm đến tương lai thôi. Nhưng tương lai cũng mờ mịt lắm, đâu biết ngày mai sẽ ra sao! Tóm lại, chỉ có hiện tại là quan trọng và nếu ở trong tầm tay thì hãy nắm chặt lấy nó là khôn ngoan nhất, phải không quý vị? Thêm nữa, ngày xưa các Cụ có phán: "Lấy đ...về làm vợ" thì cũng ok, miễn là phải giải nghệ, tuyệt đối hổng được tái phạm nữa là đạt rồi.
Nhóm 2_  "Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa". Nhóm từ này được phổ biến rộng rãi, bàng bạc khắp mọi nơi và ý nghĩa của nó hình như lúc nào cũng đúng! Trong đời sống hàng ngày, khi tiếp xúc sinh hoạt với nhau, vì không mất tiền mua nên chúng ta thường rộng rãi với những lời nói đẹp, sao cho vừa lòng nhau. Bạn hữu, thật sự chỉ khi hữu sự như va chạm quyền lợi, danh dự, sinh mạng...v...v..., lúc đó mới đánh giá đúng được sự thân sơ và tấm lòng quan tâm đến nhau ở mức độ nào. Còn lúc bình thường, mọi người đều an toàn trên xa lộ thì đa số thường chỉ nói...cho vui thôi.
   Thi sỹ Đinh Hùng, con người tài hoa nhưng bạc mệnh, đã qua đời năm 1967 lúc mới 48 tuổi tại Sài gòn. Tác phẩm của ông có hai thi tập nổi tiếng là "Mê Hồn Ca" và "Đường Vào Tình Sử". Lúc sinh thời, thi sỹ được nhiều người mê thơ ái mộ, nhất là  những thiếu nữ thị thành xinh như mộng. Tội nghiệp, Thi sỹ chỉ có một ước nguyện khiêm nhường là khi chết sẽ được các nàng cầm hoa xoã tóc đứng bên mồ để khóc ông. Chao ôi, hình ảnh thật lãng mạn và ma quái...cực kỳ. Tuy nhiên, không ai biết cụ thể lúc ông nằm xuống, đã có "bao nhiêu" người ái mộ đến cầm hoa để tiễn đưa thi sỹ về đất mẹ? Mời quý vị thưởng thức mấy câu đầu tiên, khá xúc động trong bài thơ "Cung đàn tưởng niệm" của tác giả.
"Cung đàn tưởng niệm"- (Đinh Hùng)
   Khi anh chết, các em về đây nhé
   Vì chút tình lưu luyến với nhau xưa
   Anh muốn thấy các em cùng nhỏ lệ
   Tay cầm hoa xoã tóc đứng bên mồ…
      Bài viết này tôi đặc biệt tặng quý thân hữu, quý em đã giúp tôi có được sự hiện diện trên diễn đàn LVD để viết, để hát, từ thuở ban đầu và dài dài cho đến nay. Tiện thể, tôi cũng chân thành cám ơn một số quý em đã sốt sắng giúp tôi post bài, hoặc hướng dẫn cách post bài và tặng tôi cái logo ngộ nghĩnh để cùng nhau vui cười thoải mái. Tôi cũng không quên cám ơn quý em đã có một thời cùng nhau trao đổi tâm tình, kiến thức trên diễn đàn, để tạo cơ hội cho mọi người đoàn kết và thương yêu nhau hơn.
    "Và cuối cùng, tôi cũng có một ước nguyện nho nhỏ dễ thương giống như Thi sỹ Đinh Hùng, là khi trở về với cát bụi, chắc cũng...sắp rồi, mọi người dù thương hay ghét cũng xin cầm một cánh hoa hay một nắm đất, rải xuống mộ phần lạnh lẽo thì tôi cũng được mỉm cười nơi tiên cảnh an lạc. Cũng xin yêu cầu một điều chót, nếu là các em gái thì đừng nên xoã tóc vì e ngại giống...ma quá! Hơn nữa, để phòng hờ sợ tôi quá xúc động đội mồ sống lại, mọi người sẽ hốt hoảng chạy tán loạn thì là...tan hàng” ( đoạn này viết tếu)
     Xin mọi người hãy bỏ qua đoạn trên, lý do hai đứa tôi đã nhất trí cùng với lũ con, khi hết sống thì hoả thiêu ngay. Thân xác cho vào túi nylon của bệnh viện, đưa vào lò thiêu và đầu ra sẽ là cát bụi đựng trong một cái lọ. Gia đình sẽ tuỳ nghi đem rải xuống sông hay biển hoặc một chỗ nào thuận tiện. Thế là khoẻ re, sở hụi chỉ trên dưới một ngàn, khỏi mua bảo hiểm nhân thọ, khỏi mua hay mướn đất để chôn, khỏi mua quan tài...v...v...Tuyệt vời nhất là thân hữu khỏi tốn thì giờ thăm viếng, Hội đỡ tốn vòng hoa, chỉ cần một câu: "Thành kính phân ưu" trên mạng là đủ rồi! Tóm lại cả làng đều khoẻ nhá.
    Bây giờ, để trở về với đời sống đáng yêu, xin mời quý vị cùng thưởng thức ca khúc "Bài không tên số 4" của nhạc sỹ Vũ thành An.
https://www.mediafire.com/download/zlwskw8u0ydzd84
Nguyễn ngọc Đường

 



Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #368 - 22. Jul 2018 , 20:06
 
“Riêng một góc trời "
     Dạo này nhờ thể dục đều đặn, ăn uống đúng phép, sức khoẻ tốt nên người cao tuổi tiếp tục hát hò, hy vọng làm chậm lại cái bệnh Elzheimer dễ thương, lúc nào cũng lơ lửng trên đầu. Tuổi già như trái chín cây, ai biết khi mô nó rụng, đôi khi chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ đưa ta về miền tiên cảnh rồi. Theo đạo Phật thì sống hay chết cũng đừng quan tâm, chẳng qua chỉ là sự thay đổi cái vỏ bên ngoài mà thôi. Nghệ thuật sống để bớt đau khổ là hãy chấp nhận những gì Thượng đế đã ban cho, và đừng đòi hỏi. Thôi thì vui phút nào hay phút ấy, cuộc sống được an bình, ta cứ lạc quan yêu đời, yêu mọi chúng sinh như đức Phật thường khuyên bảo!
     Hôm nay mời quý thân hữu thưởng thức bài hát "Riêng một góc trời " của nhạc sỹ Ngô Thụy Miên. Nhạc phẩm khá nổi tiếng, đã được danh ca Tuấn Ngọc trình diễn rất thành công trên các sân khấu ca nhạc ở hải ngoại.
    Ca khúc lẽ ra được trình làng từ lâu rồi nhưng vì trở ngại kỹ thuật nên đã phải dời lại. Nói cho đúng, chuyện thu âm của tôi vất vả là do sự có mặt thường trực của người đẹp ở nhà. Chỉ có hôm Chủ nhật, chờ Nàng đi Nhà Thờ xong tôi mới được thoải mái để thu mà không bị phân tâm. Chủ nhật này tuy N ở nhà vì thiếu tài xế, nhưng hứa sẽ làm vườn cả ngày cho tôi được tự do ca hát. Thế ra N cũng thông minh và thương tôi lắm. Tuy nhiên, N chỉ yêu cầu là cách một hai giờ thì cho N vào để tưới  mấy...lọ hoa là được rồi. Và bây giờ thân ái mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm "Riêng một góc trời" của NTM. Cũng xin báo trước, giọng ca hôm nay hơi rè và khé, mong thính giả chịu khó chấp nhận.  
https://www.mediafire.com/download/ez99gl33dh78pmh
Nguyễn ngọc Đường



Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #369 - 23. Jul 2018 , 17:33
 
"Có bao giờ em hỏi"
     Nhà văn Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, sinh ngày 16/8/35 tại làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái bình. Những bút hiệu khác là Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai...
    Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng làm đủ nghề để sống như: bán thuốc, quảng cáo cho gánh xiếc, giữ xe đạp, dạy đàn ghi ta, dạy sáo...
     Năm 1960, được sự nâng đỡ của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý, Con sáo của em tôi. Tiếp theo đó là Thằng Côn, Thằng Vũ, Con Thúy.... viết về những kỷ niệm ấu thơ tại miền quê Bắc Việt, giọng văn tha thiết, nhẹ nhàng và tình cảm.
      Sau đó ông trở thành một ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản. Duyên Anh đã cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như: Xây dựng, Sống, Chính Luận, Công Luận, Con Ong, Tuổi Ngọc...
      Có một dạo, Duyên Anh viết về giới giang hồ, bụi đời, ca ngợi lối sống phóng khoáng, bất cần đời của giới trẻ. Tuy nhiên vẫn thấm đậm một tính cách nghĩa khí và các nhân vật của Duyên Anh đều sẵn sàng chết vì tình nghĩa và chữ tín của mình. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều truyện ngắn và truyện dài cho thiếu nhi.
     Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Duyên Anh bị coi là một trong 10 nghệ sĩ nêu danh là "Những Tên Biệt Kích của Chủ nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa - Tư Tưởng" và tác phẩm bị cấm lưu hành.
      Ngày 8 tháng 4 năm 1976, Duyên Anh bị bắt đi tù cải tạo. Sau khi ra khỏi trại, tháng 11 năm 1981 ông vượt biên đến Malaysia. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh sang định cư tại Pháp. Một số tác phẩm ông viết ở Hải ngoại được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như Đồi FanTa, Một Người Nga ở Sài Gòn. Thời gian này, ông cũng có viết thơ và soạn nhạc.
     Năm 1985, ông bắt đầu cộng tác với tờ Ngày Nay và trở thành một trong những cây bút trụ cột của báo này. Ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp.
    Gần như có hai con người đối lập trong ông. Một Duyên Anh nhà văn có lối viết nhẹ nhàng, trong sáng, mơ mộng, đầy ấp tình người. Và một Duyên Anh nhà báo ngổ ngáo, tai tiếng, lắm kẻ thù với những bài viết sống sượng và cay độc. Ông được đánh giá là một nhà văn, nhà báo có chỗ đứng cao trong văn học nghệ thuật Việt Nam, sức sáng tạo dồi dào: 34 năm cầm bút với 101 tác phẩm.
     Sau đây là trích đoạn bài thơ cuối cùng của Duyên Anh, có tựa đề  "Đãng tử sám hối". Đương sự đã bắt hai người bạn thân học thuộc lòng, để chuyển tận tay cho vợ con, sau khi ông qua đời.
"Đãng tử sám hối".
    "Ta dại khờ múa hát giữa ngàn hoa
    Ca bóng tối cứ ngỡ là ánh sáng
    Ta ru hồn ta tháng ngày bịnh hoạn
    Với kiêu sa dị hợm chút tài hèn
    Hỡi cánh diều căng gió vút bay lên
    Ngạo nghễ lắm mà quên dây sắp đứt
    Mũi tên oan phóng đi không thương tiếc
    Lưỡi gươm đau chém nát đóa môi cười
    Anh nhìn anh xưa thế đó em ơi
    Những đổ vỡ của một thời lang bạt…"
   "Tôi tin là Duyên Anh thật sự sám hối. Hy vọng ở bất cứ nơi nào trên thế giới này chị Phương (vợ của Duyên Anh) và các cháu cũng như những ai một thời là bằng hữu của ông, hoặc từng thù ghét ông sẽ đọc được những câu thơ này bằng tấm lòng độ lượng đối với một người đã không còn trên cõi đời này"(Đằng Giao-Dương đức Dũng)
*Ps_Toàn bài là những trích đoạn, đọc được trên mạng của nhiều tác giả.
   Mời cùng thưởng thức ca khúc "Có bao giờ em hỏi ", Thơ Duyên Anh, Nhạc Phạm Duy.     https://www.mediafire.com/download/ecz52hdzo9d7eda
Nguyễn ngọc Đường
Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #370 - 29. Jul 2018 , 16:18
 
"Con đường tôi về"
     Không hiểu sao, tôi lại thích hát những ca khúc có dính líu đến kỷ niệm về quê hương, trường cũ, làng xưa...Có lẽ tôi có duyên văn nghệ với nữ nhạc sĩ Lê tín Hương! Cách đây không lâu quý vị đã thưởng thức bài "Có những niềm riêng", và hôm nay xin mời nghe ca khúc thứ hai  "Con đường tôi về" cũng của người đẹp khả ái đất Thần kinh.
     Gia tài âm nhạc của nữ sỹ khoảng hơn ba chục bài, đa số là các bản tình ca ngọt ngào dễ thương. Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ tìm được trong karaoke những bài hát của các nữ nhạc sĩ khác như Lê thị Diệu Hương, Miên Du Đà Lạt...v...v...
    Thưa quý vị, có một điều lạ, cả ba người đẹp kể trên, sinh quán đều ở miền Trung cả! Cho đến nay, với trí nhớ hạn hẹp, tôi chưa tìm được  thêm những nữ nhạc sỹ ở ngoài Bắc hoặc trong Nam. Văn sỹ và thi sỹ của phái yếu thì tương đối nhiều nhưng riêng nữ nhạc sỹ thật khó kiếm như lá mùa Thu. Theo suy nghĩ của riêng tôi, có thể đời sống tại miền Trung quá khắc nghiệt, thiên tai liên tục hàng năm đổ xuống đầu các cư dân nên đã nẩy sinh những người đẹp tài hoa giầu tình cảm lãng mạn để bù lại chăng? Những thông tin về nhạc sỹ LTH rất hiếm hoi,và tôi đã hân hạnh trình bầy hầu quý vị trong bài kỳ trước rồi.
Bây giờ mời quý vị nghe ca khúc "Con đường tôi về" của LTH
https://www.mediafire.com/download/mwbj4itidod1bw8
Nguyễn ngọc Đường



Back to top
« Last Edit: 02. Aug 2018 , 12:52 by Nguyễn Ngọc Đường »  
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #371 - 04. Aug 2018 , 18:47
 
Ba cô học trò
    Quý cô nói ở tựa đề chính là ba cựu nữ sinh khả ái của trường Trung học Hoàng Diệu năm xưa. Cô lớn nhất, xuân sanh mới có 71, cô thứ hai trẻ hơn một chút 69, cô út thì vừa chẵn 68, còn riêng tôi thì quý vị đã biết, năm đó chỉ mới 82 thôi. Tôi lòng thòng kê khai tuổi của mọi người mục đích để quý vị hiểu ngầm là cả bốn Thầy trò đều được thế gian xếp vào hạng đã...cao tuổi. Vấn đề chúng tôi niên kỷ sêm sêm như nhau cũng là điều bình thường vì thuở đó bố mẹ thường cho con đến trường hơi muộn. Học lớp đệ Tứ, nhiều cô đã đủ điều kiện để lên xe bông về nhà chồng được rồi. Tuy nhiên có một điều khó hiểu là cả ba cô, không ai chịu gọi tôi bằng Thầy dù tôi đúng là Thầy thứ thiệt chính hiệu con nai.
    Cô thứ nhất thân mật gọi tôi bằng "dượng", cô thứ hai kêu bằng "anh" ngọt xớt, còn cô chót lại âu yếm gọi thầm là " mình ơi". Vấn đề xưng hô có vẻ lãng mạn này cần có sự giải thích cẩn thận để quý vị khỏi phải nhức đầu.
    Năm 59, tốt nghiệp trường sư phạm ra, may mắn được xếp hạng khiêm tốn nên thượng cấp bổ tôi về dạy ở trường Khánh Hưng xa lắc thuộc tỉnh Ba Xuyên, sau được đổi tên là Trung học Hoàng Diệu. Trường mới có đến lớp đệ Ngũ, nhân viên thưa thớt kể cả Thầy cô giáo khoảng độ hơn một chục người. Vì là Thầy ở Sài gòn chuyển về nên tôi được xếp dạy các lớp cao nhất là Đệ Lục và Đệ Ngũ. Thời gian đó, cô "mình ơi" mới học tới đệ Lục, còn hai cô kia thì học lớp đệ Ngũ.
    Đầu năm 62, do duyên Trời đưa đẩy, tôi đã can đảm rước cô ''mình ơi" về dinh để xây dựng tổ ấm, chấm dứt cuộc sống độc thân vừa cô đơn lại thiếu ổn định. Đám cưới của hai đứa tôi tưng bừng, hồi hộp và hấp dẫn như thế nào, tôi đã có dịp kể hầu quý vị trong bài hồi ký "Đám cưới lịch sử". Tiện thể xin bật mí: cô "mình ơi" và cô gọi tôi bằng "dượng" chính là hai chị em ruột kế nhau.
    Gia đình Ngọc, vợ tôi, rất đông chị em gái và nàng được xếp tới thứ Mười, thật dễ sợ. Giả thử tôi về dạy sớm hơn, rất có thể lại có thêm cô thứ Tám là đệ tử nữa. Nếu điều này xẩy ra thật thì mối nhân duyên của tôi có khả năng gặp rắc rối vì thuyền tình biết ghé vào bến mô? Chẳng lẽ  hoa thơm đánh cả cụm thì hơi tham và luật pháp đâu có chấp nhận! Nói đùa tí cho vui, mong quý vị bỏ qua cho.
    Bây giờ xin nói vài lời về cô kêu tôi bằng Anh, có mỹ danh là HQ. Cô bỏ cuôc chơi vào năm đệ Tứ để theo gia đình lên Sài gòn lập nghiệp. Cô làm việc ở sở Mỹ một thời gian, sau đó kết duyên với một đồng nghiệp người Mỹ, rồi theo chồng về xứ Cờ Hoa năm 67. Tóm lại, cô xa quê hương bản quán, tính đến nay đã gấn nửa thế kỷ.
*Ngày xưa thân ái _ Thuở còn tuổi học trò, ba cô đã có thời gian chung sống dưới một mái nhà, đầy ắp những kỷ niệm đẹp, ngây thơ dễ mến. Dạo đó gia cảnh cô HQ quá khắc nghiệt và riêng cô đã thiếu hẳn tình thương trong gia đình. Ba Mẹ mắc lo kiếm sống và thất bại liên tiếp trong thương trường nên không quan tâm đến đời sống riêng tư của con gái. Có thời gian cô bị bỏ bơ vơ giữa chợ đời, không nơi nương tựa, được cô Chín, cô Mười ái ngại, bao dung đem về chỗ ở riêng để giúp đỡ. Trong sinh hoạt hàng ngày, các cô đã chia nhau từng tô mì, từng chén chè, từng bộ quần áo. Lúc tối lửa tắt đèn, khi đau ốm, lúc nào cũng sát cánh bên nhau như ruột thịt, bao nhiêu là kỷ niệm và làm sao mà quên được.
*Đời sống nơi xứ lạ _Từ khi qua Mỹ, cô HQ đã sống thật hạnh phúc bên người chồng tuy khác mầu da nhưng rất cưng chiều vợ. Cô không phải vất vả đi làm, chỉ lo việc nội chợ và chăm sóc con cái. Có lần anh muốn hướng dẫn người yêu sử dụng cái máy cắt cỏ, cô nhẹ nhàng từ chối: "đâu phải chuyện của em". Anh nhìn cô chọc ghẹo: "thế không có anh thì em biết nhúc nhích làm sao". Làm gì có chuyện đó hả anh, cô tình tứ đáp lại, rồi cả hai cùng nhìn nhau phá lên cười vui vẻ.
    Anh là một quân nhân gương mẫu trong binh chủng army. Chỗ phục vụ của anh luôn thay đổi và di chuyển khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, dù làm việc ở bất cứ địa danh nào anh cũng cố thu xếp để mang theo gia đình nếu khả năng cho phép. Nhờ vậy, cô đã được đi du lịch miễn phí suốt thời gian anh còn trong quân ngũ cho đến khi về hưu. Tội nghiệp, gia đình anh mắc bệnh đau tim di truyền nên anh đã qua đời với quân hàm Trung Tá cách đây hơn một thập niên. Anh bỏ lại trên cõi đời một người vợ cô đơn, ba cậu con trai đều tốt nghiệp đại học và tất cả đã thành gia thất.
*Nửa thế kỷ gặp lại  _ Sau khi phu quân qua đời, người goá phụ sống một mình thầm lặng trong căn nhà 5 phòng trên Las Vegas. Cô chỉ có một người bạn thân hàng xóm ở gần đó, hoàn cảnh riêng cũng giống cô. Tuy nhiên gia đình người bạn may mắn còn đủ đôi, chị em qua lại vui chơi và giúp đỡ nhau nên cũng được ấm áp phần nào. Sống nơi xứ người, cô không hề giao thiệp với cộng đồng người Việt dù bất cứ ở đâu, ngay cả những bạn cũ trường xưa cũng không tìm cách để liên lạc, không biết tại sao?  Hay là cô đã có một kỷ niệm không vui nào đó với người đồng hương chăng? Chắc chỉ có Thượng đế biết, vì đương sự không chịu giải thích. Trong khi đó, cả hai cô Chín và Mười thì mỏi mắt trông chờ, tìm nàng như thể tìm chim, nước Mỹ mênh mông biết nàng đậu ở bến mô?
    Sau này tìm hiểu mới biết cô không chịu chơi computer từ thuở ban đầu nên những chuyện xẩy ra trên thế giới hàng ngày cô đều...mù tịt, thật là hạnh phúc vì khỏi điên cái đầu. May quá, trong một chuyến du lịch qua Trung quốc, gặp được người quen cùng quê nên cô đã tìm được số phôn của hai người bạn cũ năm xưa.
    Các cô đã quá xúc động bèn ôm nhau khóc qua điện thoại làm tôi cũng mít ướt vì xúc động dây chuyền. Thế rồi một cuộc hẹn hò lịch sử đã cấp tốc được thực hiện và hôm nay, chúng tôi bốn người đã gặp nhau vui vẻ tại thủ đô cờ bạc Las Vegas.
*Gọi Thầy bằng Anh?   Số là cô học trò của tôi đã quên khá nhiều tiếng mẹ đẻ. Sống trong một môi trường chỉ giao thiệp với toàn Mỹ nhân thì làm sao không quên dần tiếng Việt được! Khi trò chuyện, cô thường lắp bắp, lúng túng để tìm từ cho đúng và dĩ nhiên phải tăng cường thêm tiếng Anh và cả ngôn ngữ bằng tay nữa, thật là vất vả. Lần đầu tiên tiếp xúc với cô trong điện thoại: "Xin lỗi có phải ông là Thầy Đường năm xưa không ạ? Dạ thưa, tôi đúng là Thầy sugar, phu quân của Ngọc đây". Rồi cô lúng túng như gà mắc đẻ: "Thế... bây giờ ông sugar muốn tôi gọi bằng Ông hay Thầy". Tôi nghĩ bụng, người đẹp ở Mỹ đã lâu thì cứ gọi là You cho tiện việc...ss. Tôi bèn trả lời: Thôi thì cô cứ gọi bằng Anh cho nó dịu dàng dễ thương. Thế là em chịu liền nhưng lúc thì xưng tôi, lúc xưng em cứ loạn cào cào và vui như Tết. Ối dào, gọi nhau bắng cái chi chi thì cũng chỉ là cái vỏ ngoài, miễn là lịch sự, đừng sỗ sàng là được rồi. Cái quan trọng không phải cách xưng hô mà là sự đối xử, tôn trọng nhau như thế nào mới là điều quan tâm, phải không quý vị! (còn tiếp)
Nguyễn ngọc Đường

Back to top
 
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #372 - 06. Aug 2018 , 04:20
 
Ba cô học trò (đoạn kết)
*Ngày vui tái ngộ _  Sáng hôm thứ Tư 3/7/13, cô Chín và vợ chồng cô Mười, khăn gói ra xe đò Lộc trực chỉ Las Vegas thăm người xưa sau gần nửa thế kỷ biệt tích. Vì quá lâu không gặp nhau, dung nhan mọi người dĩ nhiên đã thay đổi... ác liệt, chưa chắc đã nhận ra nhau nên phải hẹn hò chỗ gặp thật chính xác cho chắc ăn.
    Đúng 2 pm, tại tiệm phở Kinh Đô, kịch bản ôm nhau khóc như mưa lại tái diễn nhưng lần này là thật chứ không ảo như qua điện thoại. Riêng tôi vì nhiệt độ lên tới trên 100 F nên everything đều bốc hơi, làm gì còn nước mắt để mà mít ướt nữa ! Sau đó, vali, túi xách lỉnh kỉnh được chất lên xe về nhà nghỉ mệt, tối đi ăn cơm tiệm rồi lại về tổ ấm thoải mái. Quý cô chiếm mấy phòng trên lầu để chit chat với nhau được tự nhiên còn tôi ngự ở phòng dưới nhà, gần rest room cho tiện việc hành nghề.
    Đang nằm lơ mơ tơ tưởng đến casino và món poker quen thuộc thì Ngọc gõ cửa lấy lệ rồi tuỳ tiện bước dzô, cười tủm tỉm:  Anh ơi chị HQ thân tặng mỗi người một phong bì, em được 5 tờ, anh mở ra xem đi. Tôi ỡm ờ, thôi để lát nữa anh mở mình ên cho được hưởng giây phút hồi hộp. Chờ nàng rút lui, bèn mở ra thì thấy 6 tờ thơm phức, hơn nàng một tờ. Thế nà thế lào ? Tôi vốn chậm hiểu nghĩ mãi mới tìm ra chân lý. Tôi đoán mò nó như thế này. Hai nàng ngoài cái phong bì cơ bản chắc chắn còn cả đống quần áo, bóp, kính mát...v...v...À quên anh Đường cũng có thêm một chai dầu thơm thứ xịn nữa là...hết. Vả lại các nàng có chơi game đâu mà cần đô la nên được tặng it hơn là phải dzồi, hợp lý quá, phải không quý vị? Chắc chủ nhà đã suy diễn thêm là Thầy giáo với Thầy cúng chỉ khác nhau có khúc dưới thôi nên tặng nhiều một chút cũng không đến nỗi... dư.
*Thiên đường hạ giới _  Sáng hôm sau, mọi người ăn điểm tâm tại gia xong, hàn huyên kể chuyện ngày xưa một lúc thì đã tới trưa. Tất cả sửa soạn lên xe đi ăn buffet tại South Point casino.
    Xơi đến kễnh bụng rồi thì đến mục không thể thiếu là cờ bạc. Cô chủ nhà thì phải xếp hàng mua vé để chơi món Bingo có trụ sở trên lầu, Phần tôi chuyên làm thầy cúng cho món thân quen là Poker máy. Riêng hai chị em cô Chín, cô Mười, không có máu đổ bác thì kéo máy vớ vẩn cho hết giờ rồi chờ lên xe. Đêm về tính sổ ngày đầu tiên thua 40 đô, thật nhẹ nhàng.
    Thứ Sáu, buổi sáng chủ nhà đưa đi shopping tại "X exchange" của quân đội. Hàng hóa ở đây đều rẻ hơn bên ngoài và được miễn thuế. Ối dào, quý cô, bình thường cái miệng thì cứ nói đời là "vô thường... vô thường" đến nhức đầu. Nhưng khi vào tiệm,  thấy hàng seo sèo thì mắt lại sáng lên như đèn ô tô, bèn nhất trí sửa ngược lại là "thường vô...thường vô" nghe có vẻ êm ái hơn 🤣. Thế là hai chị em thi nhau lựa chọn đồ nghề, thượng vàng hạ cám, chứa đầy túi xách khiêng về nhà.
 
Tối nay, cô Chín cô Mười lo ngắm chiến lợi phẩm, bàn nhau tính toán xem mua rẻ được được bao nhiêu nên phe lờ chuyện đi sòng bài. Vả lại đi mà chỉ để ngồi nói chuyện vớ vẩn, mất sở hụi của sòng bài rồi chờ lên xe thì thà ở nhà cho khoẻ. Chỉ có anh em tôi vốn có máu đỏ đen là trung thành với Casino, không đi sợ nó nhớ nên lại phải kéo nhau hăng hái lên đường. Chúng tôi hẹn đúng 11 pm sẽ gặp nhau ở cửa sòng để lên xe về tổ ấm.
    Sau khi đã lựa đúng máy hợp với sở thích, túi tiền và chỗ ngồi thoải mái, tôi rút một tờ mới toanh đưa vào máy. Hôm nay không biết là ngày gì mà xui xẻo quá chừng. Chơi được mấy tiếng thì bị nó xơi mất 50 đô, coi đồng hồ chợt thấy đã gần đến giờ hẹn bèn nghỉ chơi. Sợ cô em chờ lâu tội nghiệp, vội vàng ra cửa nên quên mất cash out, nghĩa là không lấy receipt ra, thế là mất toi thêm 50 đô, tất cả chẵn một tờ lãng nhách. Vụ này Thầy Sugar đành âm thầm nuốt hận không dám hó hé với ai cả sợ quê, không chừng lại còn bị người đẹp đay nghiến, xé ra từng mảnh thì mất sĩ diện .
    Thứ Bẩy cuối tuần phải đổi chương trình du hí vì chị em cô Chín khiếu nại là lên thiên đường hạ giới mà chả được đi chơi ngắm cảnh gì cả. Ngày nào cũng chỉ Ca gi nô, Cà gì nồ chán thấy mồ muốn bịnh. Thế là cô em phải chiều khách quí đưa mọi người đến sòng bài Bellagio để thưởng thức một vườn hoa nổi tiếng ở Las Vegas.
    Sau khi làm nhiệm vụ phó nhòm hết sức tận tâm, tôi bèn lặng lẽ trốn vào sòng như thường lệ nhưng không quên hẹn giờ để cô em đến đón. Tối nay dĩ nhiên cũng vưỡn là thầy cúng nhưng may mắn, chơi suốt mấy tiếng mà chỉ mất có 20 đô, mừng húm, casino chắc lỗ tiền sở hụi.
Chủ nhật, phải chiều chị em cô Chín đi shopping ở hệ thống Dillard's, nơi cô em làm việc.
    Từ khi phu quân bỏ cô để về cõi vĩnh hằng, ở nhà một mình buồn nên cô đi làm part time cho khuây khoả và hôm nay cô được nghỉ. Quần áo ở đây thuộc loại đắt tiền nhưng hai người đẹp đi kiếm toàn hàng sale đến lần thứ nhì nghĩa là it nhất phải 50% off. Chưa hết , cô chủ nhà dễ thương lại dành trả tiền và là nhân viên nên được thêm 25% off nữa. Trời ơi đi chơi Las Vegas mà đem hết tiền về, mua hàng chỉ phải trả có 25%, chỗ mua rẻ lại được miễn thuế thì Casino chắc phải dẹp tiệm. Tiền đâu đóng thuế cho Nhà nước, công nhân thất nghiệp dài dài, và nước Mỹ yêu quí lại phải tiếp tục suy thoái mà thôi!
    Thứ Hai ngày chót, tôi bị quý cô ép quá bèn vùng lên đòi lại quyền được đi Casino lần cuối. Các cô nhượng bộ nhưng chỉ cho phép tôi hành nghề buổi tối thôi, ban ngày thì phải dành cho quý cô đi shopping mới fair. Lần này đến lượt tôi phải chịu và đành chờ đến khi màn đêm buông xuống cho vui vẻ cả làng.
    Hôm nay cô chủ nhà dẫn đến China town ngắm đồ Tầu . Kế tiếp là thăm cửa hàng "Great American outdoor store" khá lớn để ngắm mấy cô gái trẻ đẹp lội chung với cá trong hồ nước trong veo, trông thật mát mắt, đáng đồng tiền bát gạo. Tối hôm đó, quả thật anh hùng đã thấm mệt, không còn hơi sức để ngồi bấm máy nữa, bèn gọi phôn xin cô chủ nhà được về sớm nghỉ ngơi để ngày mai thứ Ba, trở về tổ ấm sống đời an bình như thường lệ.
    Tổng kết tình hình tài chánh, thua hai tờ, còn mang về được bốn tờ giữ làm kỷ niệm. Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày gặp lại cô học trò năm xưa, đã duyên  dáng gọi Thầy bằng Anh sau gần nửa thế kỷ cách biệt.
Nguyễn ngọc Đường
Back to top
 
 
IP Logged
 
nguyen_toan
Gold Member
*****
Offline


I love YaBB 1G - SP1!

Posts: 4031
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #373 - 06. Aug 2018 , 22:12
 
thưa thầy Đường  thời tiết miệt  dưới quá  lạnh - và  phải  lấy lại sức sau  30  đêm thức trắng  vì  trái  banh  world cup -nên lâu lâu mới sẹt qua  nhà hàng xóm  được đọc  mục hồi ký  của thầy  rất vui  - thầy ôn lại chuyện cũ  đã  trải qua cuộc đời thầy - rồi thầy lại viết  nhận xét về nhạc -và hát cho  các học trò  của thầy nghe - hôm nay thấy thầy viết về nữ  nhạc sĩ Lê Tín Hương  mà em cũng thích - nhất là hai bản "Có những niềm riêng  và  Con đường tôi về .  ca khúc đầu theo em chỉ có nữ ca sĩ Thanh Lan  hát hay nhất  , còn bản thứ hai "Con đường tôi về "  thì  không ai  hát qua mặt được cố nữ ca sĩ Ngọc Lan - nếu  thầy có xem   Asia  số  12  -  cố nữ  ca sĩ Ngọc Lan  diễn tả  thật  hết xẩy ...em  rất tiếc  lúc này nữ nhạc sĩ Lê tín Hương.lặn đâu mất tiêu - không còn sáng tác .
Back to top
« Last Edit: 06. Aug 2018 , 22:13 by nguyen_toan »  
 
IP Logged
 
Nguyễn Ngọc Đường
Gold Member
*****
Offline



Posts: 1629
Gender: male
Re: Hồi Ký (2015)
Reply #374 - 07. Aug 2018 , 06:48
 
nguyen_toan wrote on 06. Aug 2018 , 22:12:
thưa thầy Đường  thời tiết miệt  dưới quá  lạnh - và  phải  lấy lại sức sau  30  đêm thức trắng  vì  trái  banh  world cup -nên lâu lâu mới sẹt qua  nhà hàng xóm  được đọc  mục hồi ký  của thầy  rất vui  - thầy ôn lại chuyện cũ  đã  trải qua cuộc đời thầy - rồi thầy lại viết  nhận xét về nhạc -và hát cho  các học trò  của thầy nghe - hôm nay thấy thầy viết về nữ  nhạc sĩ Lê Tín Hương  mà em cũng thích - nhất là hai bản "Có những niềm riêng  và  Con đường tôi về .  ca khúc đầu theo em chỉ có nữ ca sĩ Thanh Lan  hát hay nhất  , còn bản thứ hai "Con đường tôi về "  thì  không ai  hát qua mặt được cố nữ ca sĩ Ngọc Lan - nếu  thầy có xem   Asia  số  12  -  cố nữ  ca sĩ Ngọc Lan  diễn tả  thật  hết xẩy ...em  rất tiếc  lúc này nữ nhạc sĩ Lê tín Hương.lặn đâu mất tiêu - không còn sáng tác .

Cám ơn người bạn văn nghệ phương xa đã có nhận xét rất đúng. Tôi mới vào fb được gần một năm, cảm thấy rất vui vì được nói chuyện thoải mái và free. Những ca khúc và bài viết post trên fb đều là những bài cũ xào nấu lại cho vui, mục đích để giới thiệu với các bạn mới trên fb.Tôi bây giờ gần 90 rồi, đâu còn hơi sức để hành nghề nữa! Rất hân hạnh nếu được kết bạn với em trên fb vào một ngày đẹp trời nhé.
Back to top
 
 
IP Logged
 
Pages: 1 ... 23 24 25 26 27 28
Send Topic In ra