My mới nhâm nhi được món tủ là Bún Nước Lèo từ bên sân trường HNC , My bưng về mời cô chủ quán Kahat và các HDTM nếm thử xem có ngon không nhé.

-------------------
Sóc Trăng - một vùng đất trù phú miệt Tây Nam Bộ, vùng đất của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khơmer sống chan hòa. Người Sóc Trăng cần cù chịu khó. Sóc Trăng cũng là nơi sản sinh ra cố học giả Vương Hồng Sển, cố giáo sư tiến sĩ nông học Lương Định Của. Sóc Trăng cũng tự hào vì đã nhiều lần góp sức giúp Việt Nam giành nhiều huy chương vàng, bạc và đồng ở các giải đua thuyền Rồng ở Trung Quốc và Singapore. Sóc Trăng cũng là niềm tự hào của cả nước về nền âm nhạc khơmer cổ truyền và cuối cùng, lễ hội Ooc Om Booc ( đua ghe Ngo) đã được liệt vào danh sách 15 lễ hội quan trọng nhất của quốc gia. Tuy nhiên, Sóc Trăng không chỉ có thế. Sóc Trăng còn nổi tiếng nhờ các món ẩm thực đặc sắc như bánh Cóng Đại Tâm, Bánh Pía Vũng Thơm, bánh Phồng Tôm Nhu Gia, Bún Nước Lèo Sóc Trăng và Lạp Xưỡng Phú Tâm.
Đầu tiên tôi xin được nói đôi điều về món được xem là nổi tiếng nhất của Sóc Trăng - Bún Nước Lèo Sóc Trăng.
Bún Nước Lèo hay còn được gọi là Bún Mắm vì nguyên liệu chính là mắm. Nguyên thủy, bún nước lèo là món ăn khoái khẩu của đồng bào khơmer. Bún được chế biến từ mắm Bò Hóoc. Nhưng dần về sau thì người Việt và người Hoa đã dùng một loại mắm khác ( mắm sặc) để thay thế mắm Bò Hooc vì mùi vị của mắm Bò Hooc quá nồng trong khi mùi của mắm Sặc thì dịu hơn ( đến nay thì đa số người khơmer vẫn nấu bún nước lèo bằng mắm Bò Hoóc.
Để nấu bún nước lèo, đầu tiên người ta phải đem con mắn đi nấu trong nước sôi cho đến khi thịt mắm đã rã ra hết và ta chỉ việc lọc bỏ xương mắm lấy nước để riêng. Sau đó đến phần nấu nước lèo. Nước lèo được nấu bởi nước súp xương heo hay xương gà ( nếu bạn chịu chơi thì nấu vài con gà lấy súp thì càng ngon!!! ). Sau khi đã có nồi nước súp xương gà, bạn lấy nước mắm đã lọc hết xương khi nãy đổ chung vô nước súp xương nấu cho sôi lên. ( Đặc biệt, nếu bạn dùng nước dừa tươi hay dừa khô để nấu súp thì nồi nước lèo của bạn càng ngon đậm đà hơn). Hỗn hợp nước thịt mắm và nước súp xương nấu chung với nhau gọi là nước lèo. Khi nấu nước lèo, ban nên lưu ý là phải cho vào nồi khoảng một nắm nhỏ Sả cây đập giập ( nhưng không phải là Sả bằm) vài tép ngãi Bún đập giập thì mới đúng hương vị của bún nước lèo. Khi nồi nước lèo sôi lên thì ta chú ý vớt bọt để bọt mắm không làm đục nồi nước lèo.
Trong phần nên nếm, ta chỉ thêm chút muối cho nồi nước lèo có vị mặn, cho tí đường để tăng thêm vị ngọt ( nhưng đôi khi cũng không cần đường). Chú ý là đừng nêm nước mắm vì nước mắm là không cần thiết. Sau Khi nêm nếm xong, ta tắt lửa để nồi nước lèo nguội dần đi và cặn mắm cũng lắng dần xuống đáy nồi. Ta bắt đầu múc nước trong của nồi nước lèo sang một nồi khác và nấu sôi trở lại, thế là đã có một nồi nước lèo như ý.
Nói về phần thịt, cá, rau cải để ăn bún. Ăn bún nước lèo thì cần có cá lóc luộc rỉa hết xương, tôm tươi lột vỏ, thit quay xắt nhỏ và bánh cóng ăn kèm.
Rau thì cần có rau muống bào, bắp chuối thái mỏng, giá, hẹ sống, rau hún, rau quế, chanh và ớt.
Để có một tô bún hấp dẫn, ta cho một ít rau muống, bắp chuối, giá vô tô. Sau đó là một ít bún để lên trên rồi "trụng" với nước lèo, nhớ là phải trụng thì vị mắm mới thấm cọng bún mới ngon. Sau khi trụng khoảng 2 - 3 lượt, ta cho ít thịt heo quay xắt nhỏ, tôm luộc lột vỏ, cá lên trên rồi trụng lại một lần nữa là ta đã có một tô bún đặc sắc để mà thưởng thức.
Khi ăn, các bạn nên cho vào tô một ít ớt bằm, rau quế, rau hún, và hẹ sống vào để làm tăng thêm khẩu vị.
Bạn thử tưởng tượng xem, vào một ngày mưa phùn gió bấc, rét căm căm. nơi quán cóc bạn ngồi một mình hoặc với bạn bè thưởng thức tô bún nước lèo nóng hổi, có lẫn mùi thơm của Sả lẫn vói Ngãi Bún trong nước lèo, có vị mặn - ngọt - thơm của mắm, có mùi hăng hăng, cay cay của rau hún, giòn giòn, dai dai của rau bào, vi giòn béo của thit heo quay xắt nhỏ, ngọt giòn của tôm tươi, ngọt bùi của cá, vi chua của chanh vi nồng của hẹ thì không còn gì bằng. Tất cả hương vị tinh tế đều hòa quyện trong cùng một tô bún sẽ làm cho bạn ấm lòng, sễ làm cho bạn cực sướng. Và bảo đảm. nếu bạn có dịp ăn món bún này nhiều lần, bảo đảm bạn ăn lần sau sẽ thấy ngon hơn lần trứơc vì sau mỗi làn ăn, bạn sẽ cảm nhận được những vị riêng của từng loại rau, cá, tôm trong trong tô bún của bạn.
Nếu có dịp thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ngon này nhé. Bảo đảm bạn ăn một lần sẽ nhớ mãi cho xem.
By KhoaNam