Ai Huu Trung Hoc Le Van Duyet
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt - Phiếm luận chử nghiã  
  Chào Du Khách. Xin Gia nhập hay Ghi Danh
 

...



Nếu có trở ngại kỹ thuật khi ghi danh vào diễn dàn, xin liên lạc ngdangmy@gmail.com


  Kho Hình Trang chánhTrợ giúp Tìm kiếmGia nhậpGhi Danh  
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra
Phiếm luận chử nghiã (Read 1011 times)
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Phiếm luận chử nghiã
13. Jan 2007 , 21:31
 
BÀN THÊM VỀ CHỮ "ĐỒ"

Trần Thị Nhật-Hưng

Trong tiếng Việt, có lẽ không có chữ nào có nhiều nghĩa và nhiều ứng-dụng bằng chữ “đồ”. Thực-thế, riêng với nghĩa đầu tiên và phổ-thông nhất của nó, chữ này đã chiếm một địa-bàn rộng lớn vì nó được dùng để chỉ tất cả những dụng-cụ, khí-mãnh, tiện-nghi... mà con người đã sáng-tạo ra để làm cho đời-sống vật-chất của mình được thêm an-toàn, thêm thoải-mái và nhiều hiệu-năng hơn.

Chỉ cần kể một vài thí-dụ: cái bàn, cái tủ, cái giường... là đồ đạc trong nhà; cái cày, cái cuốc, cái xẻng... là đồ làm ruộng, làm vườn; cây súng, lưỡi gươm, cung nỏ... là đồ binh khí để tự vệ hay săn bắn; con búp bê, trái banh, cỗ bài... là đồ chơi, tiêu-khiển lúc thư-nhàn .v..v..

Tất một lời, đời sống vật-chất của con người không thể quan-niệm được là không có đồ. Ngay đến những giai-đoạn của văn-minh loài người cũng được mệnh danh qua chất liệu của đồ dùng chẳng hạn, thời đại đồ đá cũ, thời-đại đồ đồng ... Sở thích con người cũng khác nhau và đa dạng như thể loại của các món đồ: người chơi đồ sứ, kẻ thích đồ vàng, thậm chí có kẻ sưu-tầm đồ phế thải.

Một nghĩa quan-trọng thứ hai của chữ đồ liên-quan đến lãnh-vực ẩm thực, gọi nôm-na là đồ ăn đồ uống. Ở đây, sở thích và thời-thượng cũng thay đổi hoài hoài. Có người thích xơi đồ Tàu, có người ưa ăn đồ Tây, lại có người chỉ chịu cây nhà lá vườn. Bình thường, người ta hay ăn đồ nóng uống đồ lạnh, nhất là trong mùa Hạ, nhưng cũng có khi vội-vã hoặc không gặp hoàn-cảnh thuận-tiện, người ta đành ăn đồ nguội hoặc tích-trữ đồ khô (hoặc lương khô). Người vượng hỏa cần cữ đồ cay, còn người có máu hàn chẳng nên ham ăn đồ sông hoặc đồ biển. Dầu sao chăng nữa, khi gặp lại bạn cố-tri, cần có chai rượu ngon và dĩa đồ nhấm tốt, câu chuyện hàn-huyên mới thêm phần hoạt-bát, đậm-đà.

Chữ đồ còn được dùng trong lãnh-vực rộng lớn là lãnh-vực y-trang, để chỉ mọi thứ áo quần, đồ trang-sức, vật phụ-tùng... mà con người mặc, khoác, đeo, độ ... trên thân xác. Nếu ở những nơi chốn riêng tư, ta có thể mặc đồ lót, đồ cộc, thì trái lại, trước mắt người ngoài, ta phải mặc đồ tề-chỉnh, thậm chí trong những dịp khánh tiết phải mặc đồ lớn, có khi còn phải mang những đồ cổ-quái như khăn vành-dây hay áo đuôi tôm. Ngạn-ngữ phương Tây khuyên ta nên giặt đồ dơ trong nhà mình, không khác gì luân-lý phương Đông dạy ta: “Đóng cửa bảo nhau”.

Ý nghĩa chữ đồ không phải chỉ được giới-hạn trong ba lãnh-vực thiết-bị, ẩm-thực và y-trang vừa kể, tuy rằng ba lãnh-vực ấy đã đủ mênh-mông bát-ngát rồi. Quả vậy, chữ đồ còn vượt khỏi bình-diện những vật vô-tri để tiến lên bình-diện con người. Tuy nhiên, cần minh-định ngay rằng trong lãnh-vực này, chữ đồ hàm-ý xấu chứ không hàm-ý tốt. Chẳng hạn không ai nói: ”đồ thánh-hiền”, “đồ đạo đức”, “đồ tử-tế”, “đồ chung-thủy” mà chỉ nghe thấy nói: “đồ xỏ-lá”, “đồ sở-khanh”, “đồ quạ mổ”  v..v.. và v..v.., vì về ngữ-vựng, mạt-sát, chửi rủa, tiếng nước ta không thua kém tiếng nước nào trên thế-giới.

Đến đây, để giãm bớt tính-cách kinh-điển của bài viết, tác-giả xin phép thuật lại một chuyện vui, được nghe thấy khi còn bé và sống nơi đồng ruộng vùng Kinh Bắc. Một anh trai làng mới lớn, theo chúng bạn sang xem hội làng Lim. Chàng chọc ghẹo một thôn nữ xinh đẹp, bị cô này quay lại mắng: ”Cái anh này hay nhỉ, thật là đồ phải gió cắn răng!”. Chàng trai bị xỉ-vả như vậy, cảm thấy bẽ mặt quá, tiếng trống chèo hay câu hát quan-họ chung-quanh nghe không còn thấy hứng-thú gì nữa. Chàng lủi-thủi ra về, kể lại câu chuyện không may của mình cho ông chú nghe. Ông này cười phá lên rồi nói: ”Sao mầy ngu thế? Con bé ấy nó rũa mầy phải gió cắn răng là nó thương quý mày đấy! Thực-tế, nếu bị trúng gió mà răng còn cắn lại thì chữa dễ như chơi: chỉ việc lấy gừng, rượu, mớ tóc rối và đồng bạc bà đầm xòe đánh gió là tỉnh lại ngay như sáo sậu! Trái lại, nếu bị trúng gió mà há hốc miệng thì hết thuốc chữa, không về chầu tiên tổ ngay thì cũng bán thân bất toại suốt đời. Được nó rủa yêu như vậy, thay vì tiến lên làm tới, mày lại đánh bài tẩu mã thì quả thực mày là thằng ngốc!”.

Trở lại chữ đồ. Chữ này còn có một nghĩa đặc-biệt nữa. Chữ ấy chỉ người nho sĩ, tuy có tài nhưng không có số, đi thi không đỗ tiến-sĩ, cử-nhân, nên chẳng len chân được vào hoạn-lộ, đành đi gõ đầu trẻ, dạy cho chúng năm ba chữ thánh-hiền để làm kế độ thân. Tùy theo tuổi tác và uy-tín, người ta nói đến anh đồ, thầy đồ, ông đồ hay cụ đồ.

Con đường tình ái có nhiều khúc ngoặt bất-ngờ; bởi vậy, anh đồ thời trước, mặc dầu không có danh-vọng hay tài-sản đáng kể, lại thành-công trên tình trường. Bằng chứng là những câu thơ, câu ca-dao trong văn-chương dân giả, chẳng hạn như câu:

Chẳng ham ruộng cả ao liền
Ham vì cái bút cái nghiêng anh đồ.

Thế mới hay vốn liếng văn-chương, lời lẽ văn-vẻ, tác-phong lịch-sự có sức hấp-dẫn hơn cả ruộng sâu trâu nái của anh trọc phú hay vai u thịt bắp của gã lực-điền, trước mắt các nàng thiếu-nữ đồng quê Việt-Nam ngày xưa. Sau hết và khó nói hơn hết là một nghĩa đặc-biệt khác của chữ đồ. Cũng như số phận của tất cả những từ-ngữ vì phổ-thông quá và nhiều nghĩa quá nên được dùng để chỉ gián-tiếp những vật, những sự việc mà ta ngại kêu đích danh, bởi tính cả thẹn hoặc không muốn làm người nghe phải ngượng-ngập, chữ đồ còn được dùng để chỉ... bộ phận sinh-dục của người đàn bà. Thay vì bàn tán dông dài về ý nghĩa này, tác-giả chỉ xin viện-dẫn hai thí-dụ trích trong văn-chương Việt-nam.

Thí-dụ thứ nhất liên-quan đến một anh đồ -theo nghĩa nhà giáo chữ Nho- tuổi trẻ tài cao, văn-chương bề-bề nhưng lại không đồng xu dính túi. Một hôm túng đói quá, anh đánh liều đến gặp vị quan đầu tỉnh xin giúp-đỡ. Ông quan này thuộc loại hách-dịch, tự cao tự đại, gặp kẻ hàn-sĩ vội lên mặt kênh-kiệu, ra ngay câu đối thử tài: “Miệng người sang có gang có thép”. Anh đồ không chịu nổi thái-độ hống-hách, lời lẽ khoe-khoang của vị đường quan nên quên cả sợ, quên cả đói, ứng khẩu ngay: “Đồ kẻ khó vừa nhọ vừa hôi”. Tuy câu đối rất chỉnh về phương-diện hình-thức biền-ngẫu nhưng lối ví-von xất-xược của anh đồ, dám đem miệng của quan đối với “đồ ”của kẻ khó (tức là người đi ăn xin) làm cho quan đùng-đùng nổi giận. Kết-quả anh đồ không được giúp-đỡ gì mà còn bị lính lệ thẳng tay đuổi ra khỏi cửa. Thí-dụ thứ hai cũng liên-quan đến một anh đồ. Vị này đi dạy học ở tỉnh xa, có dịp về thăm quê ít ngày. Lúc trở lại trường, bắt gặp bọn học trò đang khúc-khích. Thầy đồ tra hỏi mãi thì chúng cho biết bữa qua, chúng bắt gặp cô hàng xóm ra cầu ao giặt rũ, lỡ ngồi xổm trong một tư-thế hớ-hênh, nên lộ-liễu thân thể trước mắt bọn “nhất quỉ nhì ma này”. Thầy đồ nghe các môn sinh của mình kể lại câu chuyện hãn-hữu ấy, phần thì giận lũ học trò mất nết, nhưng phần khác cũng thấy tiếc là mình đi vắng để lỡ dịp may. Thầy liền ký-chú câu chuyện ấy vào một bài phú khá dài trong đó có câu sau đây liên-quan đến chữ đồ bài này:

Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc mắc.

Trên đây chúng ta mới xét vài nghĩa của chữ đồ trong lãnh-vực tiếng Việt thuần-túy. Nếu ta bước sang lãnh-vực tiếng Hán Việt, ta sẽ như lạc vào một khu rừng vì từ-ngữ “đồ” còn có nhiều nghĩa khác nữa trong lãnh-vực này. Kẻ viết tuy đã từng hành nghề “thầy đồ” trong một thời-gian, nhưng chỉ là “đồ” tân-học, nên không dám cả gan liệt-kê và giải-thích tất cả những nghĩa của chữ “đồ” trong tiếng Hán-Việt. Chỉ xin nhắc sơ qua vài nghĩa thông-dụng nhất. Một nghĩa thường thấy của chữ “đồ” liên-quan tới khái-niệm học trò. Người Việt ai mà không biết cụm từ quen thuộc như đồ đệ, môn đồ, cao đồ, tông- đồ, v.v..

Riêng những người ham đoc truyện võ hiệp thời tiền-chiến và truyện chưởng thời Kim-Dung còn nhớ đến những vị sư-phụ, những vị chưởng môn võ phái, phải nghiến răng chau mày vì tức giận những nghịch đồ (học trò ngỗ-nghịch, chống lại ý-kiến hay uy-quyền của thầy), hoặc phản-đồ (học trò làm phản lại môn phái).

Chữ đồ dùng như một động-từ có nghĩa là làm thịt súc vật như mỗ trâu, mỗ bò ... Mọi người đều biết cụm từ đồ tể, chỉ người làm thịt súc vật để bán, có khi còn được dùng theo nghĩa rộng để chỉ những kẻ tàn-sát sinh-linh bất-luận vì chức-chưởng, vì lòng tham hay vì bản tính độc ác. Dân ghiền chuyện chưởng Kim-Dung ai mà không nhớ Cô Gái Đồ Long ? “Đồ Long” có nghĩa là chém rồng, theo nghĩa bóng là thí-sát một vị vua chúa. Thành-ngữ “đồ long” không phải do Kim-Dung sáng-tác mà chỉ lấy lại trong sử sách cũ. Quả vậy, có những sử gia đã ca-tụng sự-nghiệp của Hán Cao-tổ với bốn chữ: “Đồ Long Trục Lộc”, tức là trừ bạo chúa và đuổi bọn hươu (chư-hầu) để lập ra Nhà Hán. Đã nói đến Bắc sử cũng nên nói đến Nam sử cho cân bằng. Chúng ta nhớ đến Liệt-sĩ Đặng Dung, mưu chuyện đánh đuổi quân Minh xâm-lược và khôi-phục cơ-nghiệp Nhà Trần chẳng may thất-bại bị giặc bắt. Trước khi chết, ông có làm bài thơ với lời-lẽ hào-hùng nghĩa-khi, trong đó có hai câu:

Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh-hùng ẩm hận đa.

Với hai chữ “đồ điếu”, tác giả chắc muốn nhắc đến tích Hàn Tín, chỉ là một anh luồn trôn ở chợ, và tích Khương Tử Nha, một ông lão ngồi câu bên dòng sông Vị (điếu ngư) mà cũng thành-công, lập được nghiệp lớn, trở thành khai-quốc công-thần của Nhà Hán và Nhà Chu. Chữ đồ trong ngữ-vựng Hán-Việt còn có một nghĩa nữa rất phổ-thông, nhằm chỉ tất-cả những ý định, âm-mưu, kế-hoạch có mạch-lạc, hệ-thống và hướng tới những mục-đích nhất-định. Chữ đồ trong nghĩa nầy rất được các vị chính-khách chuyên-nghiệp hay tài-tử, những chiến-lược gia nhà nghề hay sa-lông ... ưa dùng.

Còn nhớ trong thời-kỳ “cách-mạng” sau tháng 8 năm 1946, đi đâu cũng nghe thấy nói đến những ý đồ, mưu đồ, đồ án, cơ-đồ ... Có kẻ thức-giả nhận-xét chua-chát là càng nhiều đồ nhiều mẹo lại càng thêm tan-nát, điêu-tàn!

Chữ đồ cũng còn có một nghĩa rất phổ-biến nữa: nó chỉ sự biểu-thị một thực-thể, một ý-niệm, một hiện-tượng ... bằng những nét chấm phá và đường thẳng, đường cong. Ngay khi mới mài đũng quần trên ghế trường Tiểu-học, chúng ta đã phải làm quen và phải vẽ những bản-đồ, địa-đồ; khi lớn lên học các môn khoa-học lý-thuyết hoặc thực-hành, chúng ta phải vẽ vô số đồ-thị, đồ biểu, thiên-văn đồ, sơ-đồ, giản-đồ, lược-đồ. Trong nghĩa này, và vì lẽ ta bước vào kỷ-nguyên thính-thị, chữ đồ chắc ngày càng được dùng nhiều. Thậm chí một vị trí-thức tỵ-nạn bên Hoa-kỳ đã có một kỷ-niệm không hay vì ham dùng chữ đồ. Câu chuyện này có tính thời-sự nên xin phép nhắc qua dưới đây:

Số là trong khoảng thời-gian trước năm 1995, chính-quyền Cộng-sản Hà-nội nôn-nóng thiết-lập quan-hệ ngoại-giao bình-thường với Hoa-kỳ đặng giải-quyết một số vấn-đề chính-trị, kinh-tế và xã-hội khẩn-cấp. Hoa-Thịnh-Đốn, trái lại, đủng-đỉnh làm cao và muốn diên-trì vì e-ngại phản-ứng bất lợi của một phần dư-luận trong nước. Thay vì đặt ra những điều-kiện (conditions) cho việc bình-thường hóa quan-hệ ngoại-giao, Bộ Ngoại-giao Mỹ đã đặt ra một họa-đồ của con đường đi tới quan-hệ ngoại-giao bình-thường (thành-ngữ Mỹ là Road map) trên đó có những chặng như: điều-tra số-phận của những binh-sĩ mất-tích, tìm đủ hài-cốt của những tử-sĩ Mỹ.

Vị trí-thức tỵ-nạn kể trên, vốn là người ưa dùng tiếng Hán-Việt, dịch ngay “road map” là “lộ đồ”. Lạ thay, khi vị ấy đi diễn-thuyết ở các tỉnh bên Mỹ trước cử-tọa, người trong phòng họp tủm-tỉm cười thay vì nghiêm-túc nghe diễn-giả trình bày vấn-đề. Mãi về sau, vị này mới vỡ lẽ ra rằng mấy khán thính-giả tinh-quái ấy, thay vì hiểu đúng đắn cụm từ “lộ đồ” theo ngữ-vựng và văn-phạm Hán-Việt lại có ý hiểu bậy hai chữ ấy theo nghĩa tiếng Việt thuần-túy, Từ đấy trở đi, ông ta đành bỏ thành-ngữ “lộ đồ” đã do chính mình khổ công sáng-tạo để dùng thẳng chữ Mỹ “road map”!

Bài mạn-đàm về chữ “đồ” đã khá dài nên xin tạm ngưng, mặc dầu chữ ấy còn nhiều nghĩa nữa chưa khai-thác, chẳng hạn như nghĩa “đi bộ”, hay nghĩa “tội hình”, v.v.. Ngoài ra, Việt ngữ đáng mến của chúng ta cũng còn nhiều chữ đa nghĩa rất ý-vị khác, như “làm”, “ăn”, “chơi”, “thương”, “quấy” v. v.. xin dành cho các bậc cao-minh hơn kẻ hèn này bình-luận. Theo đúng lề-lối người xưa, xin chấm dứt bài này bằng mấy vần thơ. Vậy có thơ rằng:

Thiếu gì từ đẹp, tiếng hay ho
Dân Việt sao ưa thích chữ đồ?
Phỉ-chí chơi sang trưng đồ lớn
Đói lòng ăn tạm kiếm đồ khô
Mặt ủ mày châu ra đồ khó
Lưng mềm, lưỡi dẽo hệt đồ nô
Đất nước khỏi tay phường đổ bác
Cùng nhau đồ lại tấm dư đồ.
(Đồ Gàn)

Tôi nảy ra ý bàn thêm: Ba năm qua, kể từ khi tôi gia-nhập Văn Bút Âu-châu, anh Từ Nguyên thường nhắn tôi gởi bài nhưng tôi không gởi. Bảo tôi đi họp, tôi cũng không đi. Anh Phù Vân, anh Vũ Nam viết thư cho tôi khuyên tôi viết bài cho Tập san Văn Bút, tôi cũng không viết. Thật rõ là đồ bướng, phải không quí vị?

Vâng, tôi xin nhận tôi cũng bướng thật. Tuy-nhiên, bướng thì có bướng nhưng tôi chưa hẵn là đồ bỏ vì hôm nay, nhân sinh-nhật của tôi, thêm cảm-hứng về bài “Phiếm- luận về chữ Đồ”của Ông đồ Gàn, tôi xin kể một vài chuyện vui cũng về chữ đồ như góp thêm vào bài của Ông Đồ Gàn, thay các “đồ ăn, đồ nhậu, đồ nhắm” vì xa xôi, tôi không thể bày ra để mời Quí vị trong ngày sinh-nhật.

Chữ đồ theo Ông Đồ Gàn không chỉ rất nhiều nghĩa, nghĩa bóng, nghĩa đen (Ông Đồ Gàn đã giải-thích rất kỹ) mà theo tôi, nó còn góp phần đánh dấu từng giai-đoạn lịch-sử và văn-hóa nước ta qua các bài thơ, phú, ca-dao, hát nói... Chẳng
hạn qua bài Thầy Đồ:

Thầy Đồ là người tài bộ
Quảy cầm thư sang giáo thọ Phủ Vĩnh-tường
Trước nha môn thiết-lập học-đường
Dạy dăm đứa chi, hồ, giả, dã
Gặp nhân lúc thầy đồ nhàn-hạ
Ra hồ sen ngắm ả hái hoa
Ả hớ-hênh ả để đồ ra
Đồ nọ thấy ngâm-ngay tức khắc:
“Xuân tiền lạn mạn hoa sinh sắc
Thủy diện đa ba bạng thổ thần”(1)
Đồ ngâm rồi, đồ đứng tần-ngần
Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc-mắc
Đêm năm canh đồ nằm khôn nhắp
Những mơ-màng đồ nọ tưởng đồ kia
Đồ ơi, gặp gỡ làm chi?

Chúng ta hình-dung được phần nào về chiếc váy rất thuận lợi với khí-hậu nóng bức vùng nhiệt-đới và sinh-hoạt đồng-áng, trồng lúa, tát nuớc nhưng vô cùng hấp-dẫn, khêu-gợi (nếu hớ-hênh), cách trang-phục của phụ-nữ Việt-nam thời xưa đơn-giản chỉ bằng mãnh vải quấn thân hoặc khâu kín thành ống mà trong dân-gian đã ví-von với niềm tự-hào, hãnh-diện về bản-sắc văn-hóa của dân-tộc:

Cái ống mà thủng hai đầu
Bên ta thì có bên Tàu
thì không.

Rồi cũng từ tự đồ, chúng ta nhìn lại lịch-sử của dân-tộc, trải bao năm bị đô-hộ: hết Tàu, Tây, Cộng-sản, chữ đồ đã được dùng trong một cuộc đối-thoại để thấy tinh-thần đấu-tranh bất-khuất của dân ta thể-hiện dưới mọi hình-thức, ở mọi tầng-lớp chống bọn ỷ-thế phương Bắc, bọn cường-quyền xâm-lược một cách tài-tình thâm-thúy. Một Đoàn Thị Điểm giả cô hàng nước đón tiếp sứ Tàu, đã dùng tài năng văn-học đối đáp bén nhạy khi sứ Tàu đọc câu:

An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỹ nhân canh.

(An Nam một tấc đất, không biết bao nhiêu người cày) có ý xấc-xược, chòng ghẹo.

Bằng lời lẽ nghiêm-trang, tác-phong lịch-sự, bà đáp ngay rằng:

Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất.

(Đại trượng-phu nước Tàu cũng từ chỗ đó mà ra)

đã khiến bọn ỷ thế khâm phục nước ta về mọi phương- diện.

Tuy nhiên trong cuộc sống, bên cạnh các bậc anh-tài hào-kiệt, vẫn không thiếu những bọn hèn nhát dù là bậc khoa-bảng, muối mặt làm tay-sai cho kẻ thù của dân-tộc để cụ Nguyễn Khuyến vào thời Pháp thuộc đã phải than lên trong bài “Ông Nghè Tháng Tám:”

Cũng cờ cũng biển cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè chớ kém ai ?
Mãnh giấy làm nên khoa giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt anh tài
Tấm thân xiêm áo coi mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời
Ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh-chọe
Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi.

Nhìn chung, những kinh-nghiệm đau thương đó mãi đến nay vẫn chưa thức-tỉnh được mọi người đã khiến Việt-Nam luôn luôn đắm chìm trong đau khổ, hết bị dày xéo bởi Tàu, Tây, Nhật, nay còn quằn-quại dưới ách thống-trị của Cộng-sản.

Một lần nữa, chúng ta không quên được những biến-cố xãy ra tại miền Bắc vào thập niên năm mươi đã phá-hũy mọi truyền-thống văn-hóa dân-tộc khi Cộng-sản du-nhập lối sinh-hoat nhảy múa “son đố mì” từ quan thầy Mao-Trạch Đông lôi kéo thanh thiếu-niên thoát-ly khỏi hệ-thống nề-nếp gia-đình đã khiến vô số chị em phụ-nữ là nạn-nhân của những vụ chửa hoang rồi tự-tử để lại trong dân-gian những câu nguyền-rũa chế-độ:

Đồ mi là đồ phá đồ!

nhại theo nốt nhạc của điệu nhảy múa trên.

Hoặc:

Người ta vì nước vì non,
Cô ta lại chết vì “sôn, đố, mì“.

Thêm vào đó, gần đây nhất, biến cố 30-4-1975, Cộng-sản thôn-tính miền Nam, đưa cả nước vào thảm-trạng nghèo đói. Người dân thắt lưng buộc bụng chỉ trông-ngóng vào những thùng quà từ nước ngoài do thân-nhân vượt biên gởi về. Trong giai-đoạn nghiệt-ngã của chính-trị và kinh-tế như vậy, những bài ca-dao phát-xuất từ văn-chương bình-dân là bằng-chứng hùng-hồn nhất để tố-cáo chế-độ, một sự phản-kháng âm-thầm nhưng mạnh-mẽ, đã in sâu, truyền-bá rộng-rãi trong tâm-khãm của mọi người. Mới nghe qua, tưởng là những bài tiếu-lâm thông thường, nhưng nếu đọc kỹ, xét kỹ, ta mới thấy được thảm-trạng cười ra nước mắt của thời-đại:

Hôm qua anh đến thành Hồ
Anh ra bưu-điện lãnh đồ em cho
Đồ em vừa đẹp vừa to
Vừa đã con mắt, vừa no cái mồm.

Trước tình-cảnh đó, cộng thêm bài học chua cay từ sự sụp-đổ chủ-nghĩa xã-hội của Đông Âu và Liên-xô, người CSVN buộc lòng phải thay-đổi chính-sách để cứu-vãn chế-độ. Gọng kèm được nới ra. Đô-la tư-bản đầu-tư ồ-ạt tuôn vào khiến tệ-nạn xã-hội vốn-dĩ đã trầm-trọng lại càng trầm-trọng hơn.

Ngành giáo-dục bị tuột dốc, thay vào đó, khách-sạn, nhà chứa, ăn chơi đàng-điếm, tham-nhũng trồi lên như nấm. Cái vẻ phồn-vinh giả-tạo của nền “kinh-tế thị-trường theo định-hướng xã-hội chủ-nghĩa” chỉ là cái vỏ ốc bóng loáng không còn ruột được trưng-bày trong tủ-kiếng hay như một khúc gỗ mục đang bị mối mọt đục khoét được sơn son thếp vàng.

Ca-dao lại có dịp cười lên ha hả:

Đi chơi cho biết Đồ Sơn (2)
Đi rồi mới biết không hơn đồ nhà
Đồ nhà tuy có hơi già
Nhưng là đồ thật hơn là Đồ Sơn!

Thưa Quí vị,

Bài viết về từ Đồ của tôi xin tạm ngưng ở đây. Bây giờ là lúc tôi ... nhận quà sinh-nhật từ Quí vị. Quí vị đã thưởng-thức xong “món ăn tinh-thần” của tôi thì cũng nên đáp lễ cho đúng thủ-tục chứ! Địa-chỉ gởi quà cho tôi, xin hỏi anh Từ Nguyên hay là tôi ghi sẵn đây Unterer ... để quí vị tiện bề sổ sách. Ô kìa, sao anh lại xụ mặt: “Kể chuyện vô duyên, trơ-trẽn thấy mồ mà cũng đòi quà ! Thật là ... đồ láu cá!”

Trần thị Nhật Hưng
(1) Trước gió lăn tăn làm hoa thêm đẹp
Trên mặt nước cái trai thè lưỡi ra.

(2) là một thắng-cảnh ở miền Bắc

Back to top
 

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Đất nước tôi
Reply #1 - 14. Jan 2007 , 18:28
 
Đất nước tôi
Trần Thị Hồng Sương
Tôi muốn nói lên nhận định của mình về Đất nước. Tôi xin được phổ biến để rộng đường tranh luận. Không có Tây Tàu Mỹ nào đọc các bài viết này mà có chăng là các người Việt đang sinh sống Nước ngoài. VN đã khẳng định Việt Kiều là một bộ phận của Đất nước , không phải là thế lực thù địch. Đã nói thì phải làm cho đúng, tất cả người Việt trong ngoài Nước đều có quyền tham gia chuyện Đất nước.
Tôi không nói đây là ý kiến có gì đó gần gũi với 82 triệu người ngoài đảng mà chỉ khá gần với thiểu số trí thức ngoài đảng, đặc biệt có phần đời tuổi trẻ học tập trong các đại học phi chánh trị Sài Gòn. Nhân sinh quan và thế giới quan hình thành không hề giống chút gì với chủ nghĩa CS Mác-Lê được biết sau 1975. Theo dòng thời sự chiến tranh, ký ức chất chứa nhiều ưu tư nhưng không ít ước mơ tốt đẹp về Đất nước thống nhất hoà bình. Khi khởi đầu làm việc thì đúng vào thời điểm lịch sử sang trang 1975.
Tôi tận tình cống hiến trong nhiệm vụ chuyên môn một Dược sĩ trong những ngày nghèo khó thiếu thuốc, thiếu từng sợi chỉ phẫu thuật ... Tâm trạng thật buồn rầu ẩn ức vì khó khăn do cấm vận, chiến tranh biên giới Campuchia và phía Bắc cũng có, nhưng nhiều nhất là do giới chuyên môn từ Hà Nội và từ chiến khu mang đến bước lùi rõ rệt về y khoa, chánh sách bao cấp dị dạng hủy hoại nền kinh tế, cùng với tù đày làm tan rã tình tự Dân tộc.
Trước mắt là bệnh nhân cần chăm sóc không có lòng nào không cố gắng lo dù thật là khó khăn khi làm việc với lãnh đạo chuyên môn không ngang tầm hiểu biết.
Bây giờ ba mươi năm nhìn lại, nỗi buồn Đất nước VN không có tư duy chánh trị xã hội tiến bộ, luôn bị cường quốc áp chế gây thiệt hại kinh tế dân nghèo phải gá nhân duyên để xoá đói giảm nghèo, bị rẻ khinh nhược tiểu lạc hậu... vẫn còn nguyên đó ! Buồn rầu nhất là không có nền giáo dục mở ngõ cho tương lai, trái lại dùng giáo dục như biện pháp ban phát đặc quyền chánh trị thời phong kiến ! XHCN là gì không ai giải thích rõ, còn thực tế trước mắt chỉ là khối hỗn độn của bạo hành vô luật pháp và phong kiến cùng các dị hình kinh tế !
Giấc mơ thống nhất hoà bình, cùng nối vòng tay lớn để cởi bỏ quá khứ nô lệ đói nghèo tan thành mây khói vì những ngộ nhận và lạc lối tư duy của CSVN ! Hầu hết đảng viên cầm quyền nay đã thành cỗ máy bóc lột tham nhũng, lập lại hình ảnh của một thiểu số con vua cháu chúa thời phong kiến, tài hèn đức bạc, mà đòi hỏi xã hội kính nể cung phụng.
Đảng viên do không biết chuyên môn vào sở chỉ làm mỗi việc viết báo công và phấn đấu vào cấp ủy để trước tiên đòi nhà, đòi xe, biến thành các “Tư sản đỏ “. Tư sản đỏ là đảng viên Cộng Sản, không cần kinh doanh tích lũy nhiều đời, chỉ cần lọt vào cấp ủy, dùng quyền lực chánh trị tự quyết định chính sách ưu đãi cho nhau bằng ngân sách của toàn Dân, cấp nhà chia đất theo cung cách “mua như giựt bán như cho”. Mua của người Dân lao động, nông dân và bán cho cán bộ đảng viên !
Tranh chấp quyền lực trong đảng cũng không nhẹ nhàng. Dưới khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” của CSVN là thủ đoạn, bè phái, thống trị, hãm hại nhau bỏ tù nhau, gây ra nhiều cái chết ! Tôi có 30 năm sống học tập trong chế độ dân chủ đa nguyên đa đảng Sài Gòn, 30 năm làm việc trong chế độ CSVN và một gia đình “xôi đậu” bạn bè “xôi đậu” để hiểu cả hai phía người Việt.
Tôi không muốn khuấy động, chỉ muốn tăng tốc. Tôi giành quyền có chánh kiến công khai. Tôi muốn nhìn thẳng sự thật để cởi bỏ các ngộ nhận, để chọn điều tốt nhất cho Đất nước . Người Việt hai miền hầu như đã hoà đồng suy nghĩ về Đất nước, nhưng bộ máy chính quyền thì chưa vì còn bám giử đặc quyền !
Một ý tưởng, một chánh kiến luôn cần được cọ sát và thuyết phục để đạt đến đa số, có cơ sở thuyết phục quốc hội, nhận được đa số tán thành, được thể chế hoá thành luật và áp dụng nghiêm túc mới đi đến thành công. Đó là quá trình tự chuyển biến (peace evoltion) đáng mong ước nhất. Chánh kiến chỉ có thể nói đúng sai khi trải qua quá trình thẩm định khắt khe đó ! Tôi ước gì những gì tôi nói, đến được với công luận. Những gì tôi nói lên đã qua quá trình tự thẩm định sau 30 năm sống dưới chế độ CSVN.
Có những cách áp đảo, thắng thế tức thời như kê súng vào đầu buộc phải nghe lệnh truyền nhưng chắc chắn không phải là cái thắng của chân lý hay được lịch sử mai sau công nhận !
Đảng cầm quyền CSVN sau những 30 năm không đưa ra được các biện pháp chống tham nhũng lạm quyền là một chánh quyền thất bại . Do đó Dân phải đấu tranh để đưa ra cho được các kế hoạch chuyển đổi (peace process) thay đổi xã hội. Tốt nhất là các nhà chánh trị coi đó như chuyển biến cách cai trị theo phát triển của khoa học xã hội, giống như các nhà khoa học tự nhiên thấy cần vận động sinh đẻ kế hoạch để có quy mô dân số thuận lợi cho phát tri ển vậy. Có luật chế tài và kèm với các quy định ưu đãi xã hội để toàn Dân gồm dân chúng và đảng viên đi vào quỹ đạo luật pháp công khai minh bạch.
Mọi đổi thay là một quá trình như thế, chứ không phải là một khoảnh khắc. Tiếng sét ái tình chỉ là ảo giác, thời gian sẽ phô bày sự lầm lạc. Gây chuyện chánh trị long trời lỡ đất dù có thay đổi tốt cũng không tránh khỏi thương tổn gây hậu quả lâu dài. Trong quá trình chuyển đổi xã hội sự sống phải được tiếp diễn bình thường và kết quả phải mang đến điều tốt hơn cho chính những con người hiện sinh đó. Tham nhũng tất yếu xảy ra khi cầm quyền mà không có luật pháp nghiêm minh và Dân chúng không ai bảo vệ, không quốc hội, hội đồng nhân dân, không luật sư ... Người Dân đã ủy thác quyền cai trị và đã không được tôn trọng đúng mức thì đó là nền chánh trị phản động, nô lệ dân chúng dù có danh xưng mỹ miều nào.
Ai cũng không nguôi ước mong được sống hài hoà giữa người Việt trong chính chiếc nôi Đất nước, dưới chế độ tiến bộ không bạo lực, không tội ác, không giam cầm nhau vì lý do chánh đáng là muốn điều tốt hơn công bằng hơn.
Bi kịch 20 năm chiến tranh Dân ta đã quá nhiều vành khăn tang, như 25.700 vành khăn tang cho Huế trong Tết Mậu Thân đã biến Tết Việt Nam thành lễ giỗ cùng ngày biến tiếng pháo dòn dã báo Xuân về thành hồi ức kinh hoàng !
Xin vĩnh viễn đừng đốt pháo ngày Tết. Dù không cấm như Trung Quốc tôi cũng không còn thích đốt pháo ! Xin có được những phút im lăng trầm mặc trước bàn thờ tổ tiên và mâm cúng đất đai viên trạch dành cho oan hồn uổng tử. Dành ngày tết thiêng liêng đi thăm thờ tự, chùa, nhà thờ nghe tiếng mõ tiếng chuông vọng tưởng, góp lời khấn nguyện, cầu siêu thoát cho tất cả vong linh các bên chết trong những cơn đạn lửa chiến tranh.
Tôi đang ưu tư nhìn sự khập khễnh của Đất nước , nhìn sự dị dạng của đảng viên qua danh sách tham nhũng ngày càng dài ra....Càng xấu hổ đau đớn hơn khi đó không phải Tây Mỹ hại dân Việt Nam mà chính là người Việt hại người Việt và hại Đất nước VN ! Tôi mến mộ nhà văn Phùng Gia Lộc yểu mệnh, qua một bài viết, thành tiếng vang mở đầu cho đổi mới giúp toàn Dân được hưởng phúc lợi.
Là phụ nữ, tôi thấy xót xa khi người phụ nữ như nhà văn Dương Thu Hương chỉ giành quyền có chánh kiến mà đã phải ăn cơm tù, hay Trần Khải Thanh Thủy bị công an kích động bọn du côn sỉ vả nhà văn trước công chúng. Họ không hề được tặng hoa hay chánh phủ hàm ân vì đấu tranh cho sự thật và tiến bộ của Đất nước ! Tổng thống Bush và các vị tổng thống Mỹ khác đã vinh danh bà vợ nhà tranh đấu da đen Martin Luther King từng bị nhà cầm quyền bắn chết. Dù sao nhờ có những nhà đấu tranh dân chủ các nhà văn trong Nước mà thế giới không coi VN là dân tộc ngu si hèn kém ! Trong số này phải kể đến các đảng viên chân chính từng theo đảng vì tưởng ĐCSVN chỉ lo cho Dân cho Nước và họ đã khước từ đặc lợi trả lại các tài sản đảng ban cho như Ông Trần Kiên, Cụ Nguyễn Văn Xô ... Các vị này đã dạy cho các đảng viên CSVN đang làm tròng làm tréo tước đoạt tài sản Dân và dành đặc quyền hôm nay một bài học đích đáng !
Nghị quyết 1481 của nghị viện Châu Âu đang làm nhiệm vụ của lịch sử. Tôi đang đọc tác phẩm của học giả kiêm sử gia Pháp làm nền cho nghị quyết 1481 này, nhưng đã thấy quá rõ trong các chế độ Cộng sản Nga, Tàu, Đông Âu sao con người gây ra quá nhiều đau thương vừa đầy thú tánh ! Chắc chắn CS Việt Nam không là một ngoại lệ không sáng suốt gì hơn theo những dấu vết tang thương của lịch sử mà sẽ nhận phần lên án kế tiếp. Các cựu chiến binh cần đọc lời lên án đanh thép này của cả thế giới dành cho đảng CS LX-TQ và VN chứ đừng mắng chưởi Trần Khải Thanh Thủy hay Dương Thu Hương làm gì ?
Thiểu số ưu tú là trí thức, tâm hồn thanh tú đẹp đẽ nhưng dễ vỡ như thủy tinh, không ai muốn đứng lên hung hăng làm cách mạng chống báng giữa người Việt với nhau, mà có khi chính là thân tộc của mình. Con đường tiến thân của họ mở ra khắp thế giới, luôn chào đón người thực tài. Đất nước tạo cơn phong ba, lá sẽ rời cội. Thế kỷ 20 là thế kỷ di dân tránh chiến tranh và các chế độ chánh trị khắc nghiệt, Việt Nam đóng góp vào thế kỷ này một cuộc chiến tranh mông muội với 3,8 triệu thương vong và cuộc di dân đầy thảm hoạ sau 1975 và với ít nữa là 300.000 người chết !
Đảng viên cốt cán, từng gánh trách nhiệm, ăn trên ngồi trước, hưởng nhiều phải có lương tâm. Phải cân phân hành xử khi Đảng đó không còn dung chứa lý tưởng mà chỉ dung chứa nghịch lý thậm chí “treo đầu dê bán chuột chết !” . Ông Nguyễn Trung, Ông Võ Văn Kiệt, Ông Võ Nguyên Giáp, Ông Phan Văn Khải ...nên làm, chứ sao đổ chuyện khó cho dân ? Cam lòng làm con chim ẩn mình, thì kết cục của kiếp nhân sinh cũng chỉ là chờ chết chứ có gì khác hơn ? Tôi chắc là ở cương vị các ông, các ông biết rõ những gì ông Boris Yeltsin đã nói đã làm khi các ông chọn đi theo nguyện vọng Nhân dân. Nước Nga trở về với cuộc sống bình thường, trong hoà bình, không nước nào gây chiến với nước Nga.
Ông HCM có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp, có kinh nghiệm chánh trị. Nhưng khi các nhà trí thức 1956 góp ý cho ông, nửa thế kỷ rồi, mà ý tưởng đọc lại có khác gì những đóng góp hôm nay. Nhưng chẳng những không “lọt lỗ tai” ông Hồ mà ông còn chỉ đạo Tố Hữu tiễu trừ gây ra vụ án Nhân Văn Giai Phẩm. Liệu có cơn hồng thủy nào sau đợt sóng chánh kiến này, do hậu duệ của ông gây ra không ?
Mơ ước có cuộc sống an lành của Dân chúng luôn bị những con người chánh trị đầy tham vọng tước đoạt để bảo vệ quyền lợi của phe nhóm.
Đảng CSVN chưa có được tính nhân bản, tự do, dân chủ. Số người tiến bộ trong Trung Ương đảng còn bị phe nhóm ám hại, huống gì là Dân. Đàn cừu không biết kẻ chăn cừu chỉ là thằng bé con yếu đuối, nhưng con người trí thức hẳn phải biết giá trị tầm vóc của đảng cầm quyền để tuân thủ hay phản biện chứ ?

Back to top
 

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
thule
Gold Member
*****
Offline


Thành Viên Xuất Sắc
*Năm 2010*

Posts: 3836
Re: Phiếm luận chử nghiã
Reply #2 - 16. Jul 2007 , 04:00
 
Cảm ơn anh Lam Sơn nhé, anh đọc được va post những nhung bài hay quá.  Cảm ơn anh nhiều!  Bài này là "bàn thêm về chữ Đồ" vậy thì cái bài đầu tiên ở đâu??
Back to top
« Last Edit: 16. Jul 2007 , 04:04 by thule »  
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: Phiếm luận chử nghiã
Reply #3 - 20. Oct 2007 , 00:42
 
Kính thưa cô Thu Lê ;
   bài viết nầy do vô tình em cóp nhặt tên net, ví vây em đâu có biết đoạn đầu nó năm ở chổ nào;, tiện thể, xin gửi kèm theo đây để cho các cô và các chị bạn ở trường láng giềng đọc chơi cho vui ,
   
   Cái chết của một ngôn ngữ: Tiếng Việt Sài Gòn cũ
 
Vấn đề ngôn ngữ là vấn đề của muôn thuở, không riêng gì của người Việt. Trong bài viết này, tôi muốn bàn về một thực trạng của tiếng Việt mà đã đến lúc, chúng ta không thể không suy nghĩ về nó một cách nghiêm túc. Đó là nguy cơ diệt vong của một thứ tiếng Việt mà người miền Nam Việt Nam dùng trước năm 1975 hay còn được gọi là tiếng Việt Sài Gòn cũ. Thứ tiếng Việt đó đang mất dần trong đời sống hàng ngày của người dân trong nước và chẳng chóng thì chầy, nó sẽ biến thành cổ ngữ, hoặc chỉ còn tìm thấy trong tự điển, không còn ai biết và nhắc tới nữa. Điều tôi đang lo lắng là nó đang chết dần ngay chính trong nước chứ không phải ở ngoài nước. Người Việt hải ngoại mang nó theo hành trình di tản của mình và sử dụng nó như một thứ ngôn ngữ lưu vong. Nếu người Việt hải ngoại không dùng, hay nền văn học hải ngoại không còn tồn tại, nó cũng âm thầm chết theo. Nhìn tiếng Việt Sài Gòn cũ từ từ biến mất, lòng tôi bỗng gợn một nỗi cảm hoài. Điều tôi thấy, có lẽ nhiều người cũng thấy, thấy để mà thấy, không làm gì được. Sự ra đi của nó âm thầm giống như những dấu tích của nền văn hoá đệ nhất, đệ nhị cộng hoà VN vậy. Người ta không thể tìm ra nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Cổ Thành Quảng Trị, nghĩa trang Quận Đội, trường võ bị Thủ Đức, v.v... Tất cả đã thay đổi, bị phá huỷ hoặc biến đi như một sắp xếp của định mệnh hay một định luật của tạo hoá.

Nhắc đến tiếng Việt Sài Gòn cũ là nhắc tới miền Nam Việt Nam trước 1975. Vì cuộc đấu tranh ý thức hệ mà Nam, Bắc Việt Nam trước đó bị phân đôi. Sau ngày Việt Nam thống nhất năm 75, miền Nam thực sự bước vào sự thay đổi toàn diện. Thể chế chính trị thay đổi, kéo theo xã hội, đời sống, văn hoá và cùng với đó, ngôn ngữ cũng chịu chung một số phận. Miền Bắc thay đổi không kém gì miền Nam. Tiếng Việt miền Bắc đã chịu sự thâm nhập của một số ít ngữ vựng miền Nam. Ngược lại, miền Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp sự chi phối của ngôn ngữ miền Bắc trong mọi lãnh vực. Nguời dân miền Nam tập làm quen và dùng nhiều từ ngữ mà trước đây họ không bao giờ biết tới. Những: đề xuất, bồi dưỡng, kiểm thảo, sự cố, hộ khẩu, căn hộ, ùn tắc, ô to con, xe con, to đùng, mặt bằng, phản ánh, bức xúc, tiêu dùng, tận dụng tốt, đánh cược, chỉ đạo, quyết sách, đạo cụ, quy phạm, quy hoạch, bảo quản, kênh phát sóng, cao tốc, doanh số, đối tác, thời bao cấp, chế độ bao cấp, chế độ xem, nâng cấp, lực công, nền công nghiệp âm nhạc, chùm ảnh, chùm thơ, nhà cao tầng, đáp án, phồn thực, sinh thực khí, từ vựng, hội chứng, phân phối, mục từ, kết từ, đại từ, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân,v.v...dần dà đã trở thành những từ ngữ quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân miền Nam.

Có những từ ngữ miền Nam và miền Bắc trước 75 đồng nghĩa và cách dùng giống nhau. Có những từ cùng nghĩa nhưng cách dùng khác nhau. Tỷ như chữ "quản lý" là trông nom, coi sóc. Miền Nam chỉ dùng từ này trong lãnh vực thương mại trong khi miền Bắc dùng rộng hơn trong cả lãnh vực cá nhân như một người con trai cầu hôn một người con gái bằng câu: "Anh xin quản lý đời em". Hoặc từ "chế độ" cũng vậy, miền Nam chỉ dùng trong môi trường chính trị như "chế độ dân chủ". Miền Bắc dùng bao quát hơn trong nhiều lãnh vực như "chế độ xem", "chế độ bao cấp". Có những từ miền Bắc dùng đảo ngược lại như đơn giản - giản đơn; bảo đảm - đảm bảo; dãi dầu - dầu dãi; vùi dập - dập vùi. v.v...

Song song với việc thống nhất đất nước, chính quyền Việt Nam đã thống nhất hoá tiếng Việt và gọi đó là "tiếng Việt toàn dân". Cuối năm 1979, đầu năm 1980, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt. Bộ Giáo dục cũng thông qua một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục. Ngày 01/7/1983, Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ đã được ban hành và áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục.

Khi tiếng Việt được thống nhất và chuẩn hoá, toàn quốc sử dụng chung một thứ ngôn ngữ theo một tiêu chuẩn, mẫu mực nhất định. Tiếng Việt Sài Gòn cũ, gồm những từ ngữ mà tiếng Việt miền Bắc đã có từ ngữ thay thế, sẽ bị quên đi hoặc bị đào thải. Những từ ngữ thông dụng cho cuộc chiến trước đó sẽ biến mất trước tiên. Những: trực thăng, cộng quân, tác chiến, địa phương quân, thiết vận xa, xe nhà binh, lạnh cẳng, giới chức(hữu) trách, dứt điểm, phi tuần, chào bãi, tuyến phòng thủ, trái bộc pha, viễn thám, binh chủng, phi hành, gia binh, ấp chiến lược, nhân dân tự vệ, chiêu hồi, chiêu mộ, v.v… hầu như ít, thậm chí không được dùng trong hiện tại. Những từ ngữ thông dụng khác như ghi danh, đi xem đã bị thay thế bằng đăng ký, tham quan. Nhiều từ ngữ dần dần đã bước vào quên lãng như:sổ gia đình, tờ khai gia đình, phản ảnh, đường rầy, cao ốc, bằng khoán nhà, tĩnh từ, đại danh từ, túc từ, giới từ, khảo thí, khán hộ, khao thưởng, hữu sự, khế ước, trước bạ, tư thục, biến cố, du ngoạn, ấn loát, làm phong phú, liên hợp, gá nghĩa, giáo học, giáo quy, hàm hồ, tráng lệ, thám thính, tư thất, chẩn bệnh, chi dụng, giới nghiêm, thiết quân luật, v.v...

Ở hải ngoại, khi bắt đầu cầm bút, trong tâm thức một người lưu vong, viết, đối với tôi, là một động tác mở để vỡ ra một con đường: Đường hoài hương. Nhiều người viết hải ngoại cũng tìm đến con đường về cố hương nhanh nhất này như tôi. Hơn nữa, để đối đầu với cơn chấn động văn hóa thường tạo nhiều áp lực, tôi xem viết như một phương pháp giải toả và trám đầy nỗi hụt hẫng, rỗng không của một người vừa ly dị với quê hương đất tổ sau một hôn phối dài. Tôi không bao giờ để ý đến việc mình viết cho ai, loại độc giả nào, trong hay ngoài nước, và họ có hiểu thứ ngôn ngữ mình đang dùng hay không vì lúc đó, chỉ có một vài tờ báo điện tử liên mạng mới bắt đầu xuất hiện ở hải ngoại. Sau này, nhờ kỹ thuật điện toán ngày một phát triển, cầu giao lưu giữa trong và ngoài nước được nối lại, độc giả trong và ngoài nước đã có cơ hội tiếp xúc, thảo luận, đọc và viết cho nhau gần như trong gang tấc. Đó là lúc tôi được tiếp xúc với dòng văn học trong nước và làm quen với nhiều từ ngữ mới lạ chưa từng được nghe và dùng. Ngược lại, trong nước cũng vậy, số người lên mạng để đọc những gì được viết bởi người cầm bút ngoài nước cũng không ít.

Thế hệ chúng tôi được người ta âu yếm gọi là thế hệ một rưỡi, thế hệ ba rọi hay nửa nạc nửa mỡ, cái gì cũng một nửa. Nửa trong nửa ngoài, nửa tây nửa ta, nửa nam nửa bắc, nửa nọ nửa kia, cái gì cũng một nửa.
Do đó, nhiều lúc tôi phân vân không biết mình nên dùng nửa nào để viết cho thích hợp nữa. Nửa của những từ ngữ Sài Gòn cũ hay nửa của tiếng Việt thông dụng trong nước? Mình có nên thay đổi lối viết không? Tôi nghĩ nhiều người viết hải ngoại cũng gặp khó khăn như tôi và cuối cùng, mỗi người có một lựa chọn riêng. Không chỉ trong lãnh vực văn chương, thi phú mà ở các lãnh vực phổ thông khác như giáo dục và truyền thông cũng va phải vấn đề gay go này. Việc sử dụng nhiều từ ngữ thông dụng của quốc nội ở hải ngoại đã gặp nhiều chống đối và tạo ra những cuộc tranh luận liên miên, dai dẳng.

Back to top
 

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
LAM SON
Gold Member
*****
Offline


CHANG TRAI TRE VON DONG
HAO KIẺT ,XEP BUT NGHIEN

Posts: 574
Gender: male
Re: Phiếm luận chử nghiã
Reply #4 - 20. Oct 2007 , 00:42
 
Các cơ quan truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình thường xuyên bị chỉ trích và phản đối khi họ sử dụng những từ trong nước bị coi là "chữ của Việt Cộng" và được yêu cầu không nên tiếp tục dùng. Nhất là ở Nam Cali, báo chí và giới truyền thông rất dễ bị chụp mũ "cộng sản" nếu không khéo léo trong việc đăng tải và sử dụng từ ngữ. Chiếc mũ vô hình này, một khi bị chụp, thì nạn nhân xem như bị cộng đồng tẩy chay mà đi vào tuyệt lộ, hết làm ăn vì địa bàn hoạt động chính là cộng đồng địa phương đó.

Trong cuốn DVD chủ đề 30 năm viễn xứ của Thúy Nga Paris, chúng ta được xem nhiều hình ảnh cộng đồng người Việt hải ngoại cố gìn giữ bản sắc văn hoá Việt Nam bằng cách mở các lớp dạy Việt ngữ cho các con em. Khắp nơi trên thế giới, từ nơi ít người Việt định cư nhất cho tới nơi đông nhất như ở Mỹ, đều có trường dạy tiếng Việt. Riêng ở Nam California, Mỹ, hoạt động này đang có sự khởi sắc. Ngoài những trung tâm Việt ngữ đáng kể ở Little Saigon và San José, các nhà thờ và chùa chiền hầu hết đều mở lớp dạy Việt ngữ cho các em, không phân biệt tuổi tác và trình độ. Nhà thờ Việt Nam ở Cali của Mỹ thì rất nhiều, mỗi quận hạt, khu, xứ đều có một nhà thờ và có lớp dạy Việt ngữ. Chùa Việt Nam ở Cali bây giờ cũng không ít. Riêng vùng Westminster, Quận Cam, Cali, đi vài con đường lại có một ngôi chùa, có khi trên cùng một con đường mà người ta thấy có tới 3, 4 ngôi chùa khác nhau. Việc bảo tồn văn hoá Việt Nam được các vị hướng dẫn tôn giáo như linh mục, thượng tọa, ni sư nhắc nhở giáo dân, đại chúng mỗi ngày. Lớp học tiếng Việt càng ngày càng đông và việc học tiếng Việt đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng lưu vong. "Tại Trung tâm Việt ngữ Hồng Bàng, năm nay số học sinh nhập học tiếng Việt lên tới 700 em. Những thầy cô dạy tiếng Việt đều làm việc thiện nguyện hoàn toàn, đã hết lòng chỉ dạy cho các em, nhất là các em vừa vào lớp mẫu giáo tiếng Việt" (trích Việt báo, Chủ nhật, 9/24/2006)

Về vấn đề giáo trình thì mỗi nơi dạy theo một lối riêng, không thống nhất. Sách giáo khoa, có nơi soạn và in riêng để dạy hoặc đặt mua ở các trung tâm Việt ngữ. Còn ở đại học cũng có lớp dạy tiếng Việt cho sinh viên, sách thường được đặt mua ở Úc. Một giảng sư dạy tiếng Việt tâm sự với tôi: "Khi nào gặp những từ ngữ trong nước thì mình tránh đi, không dùng hoặc dùng từ thông dụng của Sài gòn cũ trước 75 vì nếu dùng cha mẹ của sinh viên, học sinh biết được, phản đối hoặc kiện cáo, lúc ấy phải đổi sách thì phiền chết."

Sự dị ứng và khước từ việc sử dụng tiếng Việt trong nước của người Việt hải ngoại có thể đưa tiếng Việt ở hải ngoại đến tình trạng tự mình cô lập. Thêm nữa, với sự phát triển rầm rộ của kỹ thuật điện toán và thế giới liên mạng, báo chí, truyền thông của chính người Việt hải ngoại đến với mọi người quá dễ dàng và tiện lợi. Độc giả cứ lên mạng là đọc được tiếng Việt Sài Gòn cũ nên họ dường như không có nhu cầu tìm hiểu tiếng Việt trong nước. Kết quả là tiếng Việt trong và ngoài nước chê nhau!!!

Việc người Việt hải ngoại chống đối và tẩy chay ngôn ngữ Việt Nam đang dùng ở trong nước có vài nguyên do:

Thứ nhất là do sự khác biệt của ý thức hệ. Những người Việt Nam lưu vong phần lớn là người tị nạn chính trị. Họ đã từ bỏ tất cả để ra đi chỉ vì không chấp nhận chế độ cộng sản nên từ chối dùng tiếng Việt trong nước là gián tiếp từ chối chế độ cộng sản.

Thứ hai, sự khác biệt của từ ngữ được dùng trong cả hai lãnh vực ngữ nghĩa và ngữ pháp. Đây là một thí dụ điển hình. Trong cùng một bản tin được dịch từ một hãng thông tấn ngoại quốc, nhà báo ở trong nước và ngoài nước dịch thành hai văn bản khác nhau:

Trong nước:

Tàu ngầm hạt nhân Nga bốc cháy

Interfax dẫn một nguồn tin Hải quân Nga cho hay ngọn lửa bắt nguồn từ phòng điện hóa và dụng cụ bảo vệ lò hạt nhân đã được kích hoạt, do đó không có đe dọa về nhiễm phóng xạ. Phát ngôn viên hạm đội này cho hay: "Lửa bốc lên do chập điện ở hệ thống cấp năng lượng phần mũi tàu.
(http://vnexpress. net/Vietnam/ The-gioi/ 2006/09/3B9EDF89 /)

Ngoài nước:

Hỏa hoạn trên tàu ngầm Nga

Hải quân Nga nói rằng lò phản ứng hạt nhân trên tàu Daniil Moskovsky đã tự động đóng lại và không có nguy cơ phóng xạ xảy ra. Chiếc tàu đã được kéo về căn cứ Vidyayevo. Nguyên nhân hỏa hoạn có thể do chạm giây điện.

(http://www.nguoi- viet.com/ absolutenm/ anmviewer. asp?a=48362&z=75)

Một người Việt hải ngoại khi đọc văn bản thứ nhất sẽ gặp những chữ lạ tai, không hiểu nghĩa rõ ràng vì sự khác biệt như những chữ: phòng điện hoá, được kích hoạt, chập điện, hệ thống cấp năng lượng...

Hơn thế nữa, Việt Nam mới bắt đầu mở cửa thông thương giao dịch với quốc tế; những từ ngữ mới về điện toán, kỹ thuật, y khoa, chính trị, kinh tế, xã hội, ồ ạt đổ vào. Có nhiều từ ngữ rất khó dịch sát nghĩa và thích hợp nên mạnh ai nấy dịch. Ngoài nước dịch hai ba kiểu, trong nước bốn năm kiểu khác nhau, người đọc cứ tha hồ mà đoán nghĩa. Có chữ thà để ở dạng nguyên bản, người đọc nhiều khi còn nhận ra và hiểu nghĩa nó nhanh hơn là phiên dịch.

Trong việc phiên dịch, theo tôi, địa danh, đường phố, tên người nên giữ nguyên hơn là phiên dịch hay phiên âm. Nếu có thể, xin chú thích từ nguyên bản ngay bên cạnh hay đâu đó bên dưới bài viết sẽ giúp người đọc dễ theo dõi hay nhận biết mặt chữ. Tỷ như việc phiên âm các địa danh trên bản đồ trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục trong nước là việc đáng khen nhưng tôi nghĩ, nếu đặt từ nguyên thủy lên trên từ phiên âm thì các em học sinh chưa học tiếng Anh hoặc đã học tiếng An sẽ dễ nhận ra hơn. Xin lấy tỉ dụ là những địa điểm được ghi trên tấm bản đồ này. (http://i12. photobucket. com/albums/ a215/unisom/ thualuonJPG. jpg)
Tôi thấy một hai địa danh nghe rất lạ tai như Cu dơ Bây, Ben dơ mà không biết tiếng Mỹ nó là cái gì, ngồi ngẫm nghĩ mãi mới tìm ra: đó là hai địa danh Coos Bay và Bend ở tiểu bang Oregon, nước Mỹ!

Ngôn ngữ chuyển động, từ ngữ mới được sinh ra, từ cũ sẽ mất đi như sự đào thải của định luật cung cầu. Tiếng Việt Sài Gòn cũ ở trong nước thì chết dần chết mòn; ở ngoài nước, nếu không được sử dụng hay chuyển động để phát sinh từ mới và cập nhật hoá, nó sẽ bị lỗi thời và không còn thích ứng trong hoạt động giao tiếp nữa. Dần dà, nó sẽ bị thay thế bằng tiếng Việt trong nước. Nhất là trong những năm gần đây, sự chống đối việc sử dụng tiếng Việt trong nước ngày càng giảm vì sự giao lưu văn hoá đã xảy ra khiến người ta quen dần với những gì người ta đã phản đối ngày xưa. Tạp chí, sách, báo đã đăng tải và phổ biến các bản tin cũng như những văn bản trong nước. Người ta tìm được nhiều tài liệu, ấn phẩm, sách nhạc quốc nội được bày bán trong các tiệm sách. Các đài truyền thanh phỏng vấn, đối thoại với những nhà văn, nhà báo, chính trị gia và thường dân trong nước thường xuyên. Đặc biệt, giới ca sĩ, nhiều người nổi tiếng ra hải ngoại lưu diễn, đi đi về về như cơm bữa. Giới truyền thông bây giờ sử dụng từ ngữ trong nước rất nhiều, có người mặc cho thiên hạ chỉ trích, không còn ngại ngùng gì khi dùng từ nữa. Khán thính giả có khó chịu và chê trách, họ chỉ giải thích là thói quen đã ăn vào trong máu rồi, không chịu thì phải ráng mà chịu.

Sự ra đi của một chế độ kéo theo nhiều thứ: con người, tài sản, nhà cửa, vườn tược, lịch sử… nhưng có cái bị lôi theo mà người ta không ngờ nhất lại là "cái chết của một ngôn ngữ". Đau lòng lắm thay!

Trịnh Thanh Thuỷ
Back to top
 

HẢY ĐẾN CHIA NHAU NGHÈO KHÓ , QUÊN LO TƯƠNG LAI MỊT MỜ,
 
IP Logged
 
Đặng-Mỹ
Gold Member
*****
Offline


Đậu Xanh, U trẻ,
Thiên Nga, Nghi Nương

Posts: 14731
Gender: female
Re: Phiếm luận chử nghiã
Reply #5 - 20. Oct 2007 , 20:58
 
Cám ơn Anh Lam Sơn nhiều lắm Wink. Không biết Cô Thu Lê có thấy để đọc không , My sẽ vào mục Tâm Tình thưa với Cô  Wink
Back to top
 
 
IP Logged
 
Page Index Toggle Pages: 1
Send Topic In ra